←  Nguồn Sống Tươi Đẹp

Tử Vi Lý Số :: Diễn đàn học thuật của người Việt

»

NHỮNG CÂU CHUYỆN THƯỜNG NGÀY



1 2 3 4 |»|

pth77's Photo pth77 26/02/2014

50 danh ngôn của đức Dalai Lama 14

Thích Nhật Từ sưu tầm và dịch

Trong thời gian làm trưởng Ban tổ chức Pháp hội đức Dalai Lama 14 thuyết giảng cho cộng đồng Việt Nam tại Tu viện Namgyal, Dharmasala, Ấn Độ, từ ngày 1-3/7/2013, tôi có cơ hội đọc các danh ngôn của đức Dalai Lama được viết thành thư pháp trong Phòng phát hành của tu viện. Tìm thêm trên trang Wikiquote và Ineedmotivation.com, tôi tuyển chọn thêm, phân loại và dịch sát nghĩa 50 câu danh ngôn dưới đây. Hy vọng, các danh ngôn này soi sáng và giúp chúng ta sống hạnh phúc bây giờ và tại đây...
TRIẾT LÝ SỐNG BÌNH DỊ
1- Hạnh phúc không phải là thứ có sẵn. Hạnh phúc đến từ hành động của chính ta (Happiness is not something ready-made. It comes from your own actions).
2- Nếu có thể, hãy giúp người khác. Nếu không có thể thì ít nhất không nên hại ai (If you can, help others; if you cannot do that, at least do not harm them).
3- Nếu bạn muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi (If you want others to be happy, practice compassion. If you want to be happy, practice compassion).
4- Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi là sự tử tế (My religion is very simple. My religion is kindness).
5- Hãy nhớ rằng khi không đạt được những gì bạn muốn, đôi lúc, lại là sự may mắn tuyệt vời (Remember that not getting what you want is sometimes a wonderful stroke of luck).
6- Thẩm quyền tuyệt đối luôn dựa vào lý trí và sự phân tích nghiêm túc (The ultimate authority must always rest with the individual’s own reason and critical analysis).
7- Chúng ta có thể sống thiếu tôn giáo và thiền định, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu không có tình người (We can live without religion and meditation, but we cannot survive without human affection).
8- Chúng ta không bao giờ đạt được hòa bình trên thế giới, ngoại trừ chúng ta phải thực sự có hòa bình trong chính mình (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves).
9- Hãy trở nên tử tế bất cứ khi nào có thể. Trên thực tế, ai cũng có thể trở nên tử tế (Be kind whenever possible. It is always possible).
10- Nếu bạn có sợ hãi về nỗi khổ niềm đau, bạn nên quan sát xem bạn có thể làm được gì với nó. Nếu bạn có thể, không có gì phải lo lắng về nó. Nếu bạn không thể làm được, lại càng không nên lo lắng về nó (If you have fear of some pain or suffering, you should examine whether there is anything you can do about it. If you can, there is no need to worry about it; if you cannot do anything, then there is also no need to worry).

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

LỜI VÀNG
11- Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác. (If you don’t love yourself, you cannot love others. If you have no compassion for yourself then you are not able of developing compassion for others).
12- Tiềm năng con người vốn bằng nhau ở mỗi người. Cảm giác: “tôi không có giá trị” là sai lầm. Hoàn toàn sai lầm. Bạn đang lừa dối chính mình. Chúng ta có năng lực tư duy, do vậy, thử hỏi ta thiếu cái gì đây? Nếu ta có năng lực ý chí, bạn có thể thay đổi mọi thứ. Bạn có thể nói rằng: “Bạn là chủ nhân của chính bạn.” (Human potential is the same for all. Your feeling, “I am of no value”, is wrong. Absolutely wrong. You are deceiving yourself. We all have the power of thought – so what are you lacking? If you have willpower, then you can change anything. It is usually said that you are your own master).
13- Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại. (We must recognize that the suffering of one person or one nation is the suffering of humanity. That the happiness of one person or nation is the happiness of humanity).
14- Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời, bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác. (Through violence, you may ‘solve’ one problem, but you sow the seeds for another).
15- Khi con người còn sống, chúng ta phải nghĩ đến các thế hệ tương lai: Một môi trường sạch được xem là nhân quyền giống như bao quyền khác. Vì vậy, một phần trách nhiệm của chúng ta về người khác là đảm bảo rằng thế giới mà ta đang sống là khỏe mạnh, nếu không nói là khỏe mạnh hơn cái ta đã thấy (As people alive today, we must consider future generations: a clean environment is a human right like any other. It is therefore part of our responsibility toward others to ensure that the world we pass on is as healthy, if not healthier, than we found it).
16- Danh ngôn Tây Tạng có câu: “Bi kịch nên được sử dụng như nguồn sức mạnh”. Bất luận là khó khăn nào, kinh nghiệm đau khổ ra sao, nếu chúng ta đánh mất hy vọng thì đó là thảm họa đích thực (There is a saying in Tibetan, “Tragedy should be utilized as a source of strength.”No matter what sort of difficulties, how painful experience is, if we lose our hope, that’s our real disaster).
17- Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là con người hay con vật, là để cống hiến, theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới (The creatures that inhabit this earth-be they human beings or animals-are here to contribute, each in its own particular way, to the beauty and prosperity of the world).
18- Cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó chứa đựng. Tương tự, người ngu không thể hiểu được trí tuệ của người khôn, dù cho có thân cận bậc thánh (A spoon cannot taste of the food it carries. Likewise, a foolish man cannot understand the wise man´s wisdom even if he associates with a sage).
19- Trong cuộc chiến vì tự do, chân lý là vũ khí duy nhất mà chúng ta sở hữu (In our struggle for freedom, truth is the only weapon we possess).
20. Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực ra là biểu hiện của sức mạnh (Compassion and tolerance are not a sign of weakness, but a sign of strength).
HÃY TẬN HƯỞNG HẠNH PHÚC
21. Mỗi ngày, khi thức dậy, bạn hãy nghĩ rằng hôm nay tôi may mắn còn sống, tôi có cuộc sống con người quý giá, tôi sẽ không phí phạm cuộc sống này (Everyday, think as you wake up, today I am fortunate to be alive, I have a precious human life, I am not going to waste it).
22. Tâm con người giống như sự nhảy dù. Nó chỉ trở nên tốt đẹp nhất khi nó ở trạng thái mở bung ra (The mind is like a parachute. It works best when it’s open).
23. Nếu bạn nghĩ rằng bạn quá nhỏ bé để tạo ra sự khác biệt, hãy thử ngủ với loài muỗi [rồi bạn sẽ biết] (If you think you are too small to make a difference, try sleeping with a mosquito).
24. Cần ghi nhận rằng tình thương vĩ đại và các thành tựu to lớn thường dính líu đến các rũi ro lớn (Take into account that great love and great achievements involve great risk).
25. Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm tuột mất các giá trị mà bạn có (Open your arms to change but don’t let go of your values).
26. Hãy nhớ rằng im lặng, thi thoảng, là câu trả lời tốt nhất (Remember that silence is sometimes the best answer).
27. Hạnh phúc con người và sự thỏa mãn con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi các thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc từ máy vi tính (Human happiness and human satisfaction must ultimately come from within oneself. It is wrong to expect some final satisfaction to come from money or from a computer).
28. Thật cần thiết trong việc phát khởi thiện chí và thái độ tốt, càng nhiều càng tốt. Với thiện chí và thái độ tốt, hạnh phúc, ngắn hạn và dài hạn, cho chính ta và tha nhân sẽ hiện hữu (It is very important to generate a good attitude, a good heart, as much as possible. From this, happiness in both the short term and the long term for both yourself and others will come).
29. Chúng ta cần hơn một chút nữa từ bi. Nếu chúng ta không thể có từ bi thì không có chính trị gia hay ảo thuật gia nào có thể cứu nguy hành tinh này (We need a little more compassion, and if we cannot have it then no politician or even a magician can save the planet).
30. Giới truyền thông cần có các lỗ mũi dài như con voi để ngửi thấy các chính trị gia, thị trưởng, thủ tướng và nhà kinh doanh. Chúng ta cần biết thực tại, cái tốt lẫn cái xấu, không đơn thuần chỉ là các biểu hiện bên ngoài (Media people should have long noses like an elephant to smell out politicians, mayors, prime ministers and businessmen. We need to know the reality, the good and the bad, not just the appearance).
VÌ MỘT THẾ GIỚI AN BÌNH
31. Tha thứ không có nghĩa là quên đi tất cả những gì đã xảy ra. Nếu điều gì đó xảy ra quá nghiêm trọng thì bạn cần phải tiến hành các biện pháp đối phó. Bạn cần có các biện pháp đối phó (Forgiveness doesn't mean forget what happened. … If something is serious and it is necessary to take counter-measures, you have to take counter-measures).
32. Hạnh phúc đích thực có được từ sự biết hài lòng và hòa bình nội tại. Sự hài lòng và hòa bình nội tại chỉ có thể đạt được thông qua sự phát triển tinh thần vị tha về tình thương, từ bi và sự diệt trừ vô minh, ích kỷ và tham lam (True happiness comes from a sense of inner peace and contentment, which in turn must be achieved through the cultivation of altruism, of love and compassion and elimination of ignorance, selfishness and greed).
33. Đã đến lúc cần giáo dục quần chúng ngừng lại các tranh cãi dưới danh nghĩa tôn giáo, văn hóa, quốc gia và các hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau. Đấu tranh như thế là vô dụng và tự tử (The time has come to educate people, to cease all quarrels in the name of religion, culture, countries, different political or economic systems. Fighting is useless. Suicide).
34. Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì chúng chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều trị tâm. Khi tâm trở thành sự thực tập, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo (Religion does not mean just precepts, a temple, monastery, or other external signs, for these are subsidiary factors in taming the mind. When the mind becomes the practices, one is a practitioner of religion).
35. Tôi cảm nhận rằng tinh hoa của thực tập tâm linh là thái độ của ta đối với tha nhân. Khi bạn có động cơ chân thành và trong sáng, lúc ấy bạn sẽ có thái độ đúng với tha nhân, trên nền tảng từ bi, tình thương và sự tôn trọng. Thực tập Phật pháp] sẽ mang lại cho bạn sự nhận thức rõ ràng về tính chân như của mỗi con người và tầm quan trọng của người khác, làm lợi lạc bởi các hành vi của bạn (I feel that the essence of spiritual practice is your attitude toward others. When you have a pure, sincere motivation, then you have right attitude toward others based on kindness, compassion, love and respect. Dharma Practice brings the clear realisation of the oneness of all human beings and the importance of others benefiting by your actions).
36. Tâm bồ-đề là dược liệu, có khả năng làm mới và cung cấp sự sống cho mỗi chúng sanh, những ai chỉ cần nghe đến nó. Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, lúc ấy các nhu cầu của bạn đang được hoàn thiện như một phó phẩm (Bodhicitta is the medicine which revives and gives life to every sentient being who even hears of it. When you engage in fulfilling the needs of others, your own needs are fulfilled as a by-product).
37. Từ bi không phải là một phản ứng cảm xúc, mà là sự cam kết chắc chắn được xây dựng trên lý trí. Do vậy, thái độ từ bi thực sự đối với tha nhân sẽ không thay đổi, ngay cả trong tình huống bị người khác ứng xử tiêu cực. Từ bi đích thực không dựa trên các đề án hay sự mong đợi, mà thực ra là dựa trên nhu cầu của tha nhân (Compassion is not just an emotional response but a firm commitment founded on reason. Therefore, a truly compassionate attitude towards others does not change even if they behave negatively. Genuine compassion is based not on our own projections and expectations, but rather on the needs of the other...).
38. Các vấn nạn chúng ta đối diện ngày nay như xung đột bạo lực, sự hủy hoại thiên nhiên, nghèo đói v.v... đều là các vấn nạn do chính con người gây ra. Các vấn nạn cần được giải quyết bằng sự hiểu biết và nỗ lực của con người, cũng như sự phát triển ý thức về tình huynh đệ. Chúng ta cần phát huy tính trách nhiệm phổ quát vì nhau và vì hành tinh mà chúng ta đang chia sẻ (The problems we face today, violent conflicts, destruction of nature, poverty, hunger, and so on, are human-created problems which can be resolved through human effort, understanding and the development of a sense of brotherhood and sisterhood. We need to cultivate a universal responsibility for one another and the planet we share).
39. Vì chúng ta chia sẻ hành tinh nhỏ bé này, chúng ta phải học cách sống hài hòa và hòa bình, vì nhau và vì thiên nhiên. Đó không phải là giấc mơ, mà là sự cần thiết. Chúng ta tương thuộc nhau bằng nhiều cách. Chúng ta đã không thể sống trong cộng đồng cô lập và không thể bỏ qua những gì đang xảy ra ngoài cộng đồng. Chúng ta nên chia sẻ các may mắn mà chúng ta đang hưởng được (Because we all share this small planet earth, we have to learn to live in harmony and peace with each other and with nature. That is not just a dream, but a necessity. We are dependent on each other in so many ways, that we can no longer live in isolated communities and ignore what is happening outside those communities, and we must share the good fortune that we enjoy).
40. Mặc dù tôi nhận ra rằng đạo Phật của tôi [có giá trị] giúp ta phát khởi tâm từ bi, ngay cả đối với những ai chúng ta xem là kẻ thù, tôi tin chắc rằng mọi người có thể phát triển thiện chí và ý thức trách nhiệm phổ quát, cùng với hay không cùng với tôn giáo (Although I have found my own Buddhist religion helpful in generating love and compassion, even for those we consider our enemies, I am convinced that everyone can develop a good heart and a sense of universal responsibility with or without religion).
TÔN GIÁO VÀ THẾ GIỚI CỦA TÔI
41. Đây là tôn giáo đơn giản của tôi. Không cần tu viện; không cần triết học phức tạp. Bộ não và trái tim của chúng ta là chùa chiền của chúng ta; triết học là lòng tử tế (This is my simple religion. There is no need for temples; no need for complicated philosophy. Our own brain, our own heart is our temple; the philosophy is kindness).
42. Từ một góc nhìn, Phật giáo là một tôn giáo. Từ phương diện khác, Phật giáo là khoa học về tâm và không phải là tôn giáo. Phật giáo có thể là cây cầu giữa hai phương diện vừa nêu (From one viewpoint, Buddhism is a religion, from another viewpoint Buddhism is a science of mind and not a religion. Buddhism can be a bridge between these two sides).
43. Tôi không muốn cải đạo người khác theo đạo Phật. Tất cả các tôn giáo lớn, khi hiểu một cách đúng đắn, đều có tiềm năng phục vụ cái tốt (I don't want to convert people to Buddhism — all major religions, when understood properly, have the same potential for good).
44. Năm tháng trôi đi, càng ngày tôi càng tin rằng, bỏ qua các dị biệt về triết lý, các tôn giáo có thể làm việc cùng nhau. Mỗi tôn giáo đều nhắm tới việc phục vụ nhân sinh. Vì thế, các tôn giáo khác nhau có thể làm việc cùng nhau để phục vụ nhân loại và đóng góp cho hòa bình thế giới (As time passes I have firmed my conviction that all religions can work together despite fundamental differences in philosophy. Every religion aims at serving humanity. Therefore, it is possible for the various religions to work together to serve humanity and contribute to world peace).
45. Các bạn cũ ra đi, các bạn mới xuất hiện. Cũng giống như ngày tháng. Khi ngày cũ trôi qua, ngày mới lại đến. Điều quan trọng là hãy làm cho mọi thứ có ý nghĩa: một người bạn có ý nghĩa, hoặc một ngày có ý nghĩa (Old friends pass away, new friends appear. It is just like the days. An old day passes, a new day arrives. The important thing is to make it meaningful: a meaningful friend — or a meaningful day).
46. Giúp đỡ tha nhân là cần thiết, không chỉ trong thời khóa cầu nguyện của ta, mà phải trong đời sống thường nhật. Khi ta nhận chân rằng chúng ta không thể giúp người khác thì điều tối thiểu ta có thể làm là dừng ngay các hành động thương tổn họ (It is necessary to help others, not only in our prayers, but in our daily lives. If we find we cannot help others, the least we can do is to desist from harming them).
47. Chúng ta cần tự phê bình. [Chẳng hạn như] tôi đã làm được gì trong việc vượt qua giận dữ, chấp dính, hận thù, hãnh diện và ganh tỵ? Đây là những điều chúng ta cần kiểm tra trong đời sống thường nhật bằng kiến thức của lời Phật dạy (We must criticize ourselves. How much am I doing about my anger? About my attachment, about my hatred, about my pride, my jealousy? These are the things which we must check in daily life with the knowledge of the Buddhist teachings).
48. Chủ nghĩa cực đoan là kinh hãi vì nó dựa trên cảm xúc thuần túy, hơn là sự thông minh. Nó ngăn tín đồ không thể suy tư với tư cách là các cá nhân và không vì lợi ích của thế giới (Fundamentalism is terrifying because it is based purely on emotion, rather than intelligence. It prevents followers from thinking as individuals and about the good of the world).
49. Ngày nay, chúng ta thực sự là một gia đình toàn cầu. Những gì xảy ra trong một phần của thế giới có thể ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Điều này dĩ nhiên không chỉ đúng với sự việc tiêu cực, mà còn đúng cả với các phát triển tích cực (Today, we are truly a global family. What happens in one part of the world may affect us all. This, of course, is not only true of the negative things that happen, but is equally valid for the positive developments).
50. Ngày nay, chúng ta đối diện với nhiều vấn nạn. Vài vấn nạn do chính chúng ta tạo ra, do các phân biệt về ý thức hệ, tôn giáo, sắc tộc, tình trạng kinh tế, hoặc do các yếu tố khác. Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ dưới góc độ sâu sắc hơn, dưới lăng kính con người, và từ góc độ này, chúng ta nên ghi nhận và tôn trọng tính tương đồng của người khác với tư cách là nhân loại (Today we face many problems. Some are created essentially by ourselves based on divisions due to ideology, religion, race, economic status, or other factors. Therefore, the time has come for us to think on a deeper level, on the human level, and from that level we should appreciate and respect the sameness of others as human beings).

Nguồn:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Sửa bởi pth77: 26/02/2014 - 03:58
Trích dẫn

pth77's Photo pth77 04/03/2014

MỸ NHÂN TỰ CỔ NHƯ DANH TƯỚNG BẤT HỨA NHÂN GIAN KIẾN BẠCH ĐẦU

Nguyễn Cẩm Xuyên

Tạo hóa chẳng mấy thích cái xuất sắc, cái nổi trội – tài tình chi lắm cho trời đất ghen. Quan niệm “tài mệnh tương đố” vẫn thường là đề tài của văn học cổ điển Trung Hoa cũng như nước ta. Truyện Kiều chẳng hạn; đặc tả một cuộc đời trầm luân của một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn thì mở đầu truyện đã viết “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Lại viết: “Lạ gì bỉ sắc tư phong” – Được điều này lại mất điều kia – Có tài, có sắc thì mất đi may mắn trong đời và có phải vì vậy mà cuộc đời mĩ nhân cũng như danh tướng thường chẳng mấy khi được êm ả hạnh phúc ?

TÀI HOA MỆNH BẠC; CUỘC ĐỜI BI ĐÁT CỦA MĨ NHÂN

Mĩ nhân là vưu vật thế gian. Vật hiếm khiến người đời ưa chuộng. Lịch sử Trung Hoa xưa đã kể nhiều về các mĩ nhân tuyệt thế, sắc đẹp làm nghiêng đổ cả thành trì, mất cả nước, thay đổi cả lịch sử: Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Dương Quý Phi, Điêu Thuyền … Phần nhiều họ xuất thân nơi thôn dã, nhan sắc tuyệt vời nhưng cuộc đời lại bi đát và chết ở tuổi thanh xuân.
Trước hết hãy kể đến hai người đẹp trầm ngư, lạc nhạn . Nguyễn Gia Thiều từng nhắc đến điển tích tuyệt thế giai nhân này trong khúc ngâm Cung Oán : “Chìm đáy nước, cá lờ đờ lặn/ Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa”; ấy làTây Thi và Vương Chiêu Quân.
Tây Thi vốn là con một tiều phu nước Việt, làm nghề dệt vải ở Trữ La, thường giặt lụa bên suối, bóng soi xuống nước làm cá nhìn thấy cũng say đắm đến quên cả bơi, chìm lặn xuống đáy nước (trầm ngư). Vì đẹp quá, Việt vương Câu Tiễn mới dùng Tây Thi làm kế mĩ nhân khiến Ngô Phù Sai vốn là một vị vua kiêu hùng đã vì say mê nhan sắc mà quên cả việc triều chính, ngày đêm cùng nàng chìm đắm trong xa hoa, dần dần mất hết ý chí; lại vì nghe lời bàn của nàng mà vạch sai kế hoạch cuối cùng phải mất nước về tay Câu Tiễn. Xót xa thay là cũng vì sắc đẹp mê hồn ấy mà sau khi thắng trận, nàng bị vợ Việt vương bí mật cho buộc đá vào người, dìm xuống sông cho chết bởi sợ sau này sẽ mê hoặc chồng mình. (1)
Chiêu Quân (Vương Tường) là con gái của một nhà thường dân ở Nam Quận, Hồ Bắc, giỏi đàn tỳ bà và được mệnh danh là có sắc đẹp chim sa (lạc nhạn). Chiêu Quân được tuyển vào cung. Ban đầu vì không lót tay cho Mao Diên Thọ nên chân dung bị vẽ xấu đi. Xem ảnh xấu, vua không để mắt tới; rồi bỗng sau một lần gặp gỡ, ngỡ ngàng thay cho sắc đẹp của nàng vua liền phong ngay cho làm Tây Phi và cũng vì đẹp quá mà vua Hung Nô biết tiếng, quyết cất quân sang đánh để buộc Hán Nguyên Đế phải cống nạp Chiêu Quân mới bãi binh. Lúc này nhà Hán suy yếu, vua Hán đành phải giao Chiêu Quân để giao hảo với Hồ. Trên đường đến Hồ, qua ải quan nàng gảy đàn, tấu khúc biệt ly bi tráng. Chim nhạn trên trời đang bay nghe tiếng đàn và nhìn thấy thiếu nữ mỹ lệ trên xe, quên cả vỗ cánh mà rơi xuống đất.
Đến đất Hồ, Chiêu Quân nhảy xuống sông tự trầm, xác theo dòng trôi trở về Trung Nguyên (2).
Ngoài hai người có nhan sắc trầm ngư lạc nhạn trên, thì Dương Quý Phi và Điêu Thuyền cũng thuộc hàng “tứ đại mĩ nhân” của Trung Quốc và cuộc đời của họ cũng kết thúc khá bi đát.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Dương Quý Phi – người đẹp thứ 3 trong Tứ đại mỹ nhân


Dương Quý Phi (Dương Ngọc Hoàn) làcon gái của một vị quan ở đất Thục Chân được Cao Lực Sĩ đưa vào cung. Trông thấy Ngọc Hoàn, Đường Huyền Tông mê mẩn ngay, lập làm quý phi, chiều chuộng hết mực tiêu tốn không biết bao nhiêu vàng bạc, suốt ngày đêm cùng nàng yến tiệc đàn ca, bỏ cả việc triều chính, bị An Lộc Sơn cử binh từ Ngư Dương đánh thẳng vào kinh đô Trường An. Binh triều đại bại. Quân Phiên ào ạt tiến vào Tràng An.. Quân sĩ cho rằng Ngọc Hoàn đã cùng gia đình họ Dương khuynh đảo triều chính gây ra tai họa nên bức vua đem thắt cổ Dương Quý Phi . Khi đó nàng mới 38 tuổi.
Điêu Thuyền xuất thân làm con nuôi quan Tư Đồ Vương Doãn. Mưu giết Đổng Trác, Vương Doãn dùng Điêu Thuyền làm kế li gián giữa cha con Đổng Trác-Lã Bố. Vì sắc đẹp của Điêu Thuyền, Đổng Trác và Lã Bố mâu thuẫn nhau; cuối cùng cả hai đều mất mạng, tan cả cơ nghiệp. Bình về nhan sắc của Điêu Thuyền, Kim Thánh Thán viết: “18 lộ quân chư hầu không giết nổi Đổng Trác mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Điêu Thuyền lại giết nổi Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương hùng liệt không thắng nổi Lữ Bố mà chỉ một nàng Điêu Thuyền thắng nổi. Ôi, lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy son phấn làm khôi giáp, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt nũng nịu làm tên đạn, lấy lời tình tứ ngọt ngào làm chiến lược mưu cơ. Xem thế thì cái bản lãnh của nữ tướng quân quả là tuyệt cao cường, đáng sợ thay!”.
Sắc đẹp hiếm có của Điêu Thuyền đã phục vụ thành công mưu đồ chính trị lớn nhưng rồi Lã Bố và Đổng trác chết, Điêu Thuyền cũng không còn được nhắc đến.

LÀ HÀO QUANG, MỸ NHÂN VÀ DANH TƯỚNG

KHÔNG MUỐN ĐỐI MẶT VỚI SỰ TÀN TẠ

“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng”. Người đẹp giống với danh tướng ở chỗ cùng được người đời ngưỡng mộ. Họ là hào quang rực rỡ trong tâm tưởng người đời. Kí ức về cái đẹp tuyệt vời ấy cũng là một thực thể và người ta muốn thực thể ấy được tồn tại lâu bền. Trường hợp Lý phu nhân đời Hán là một ví dụ: Hán Vũ Đế (156-87 TCN) – vị vua kiêu hùng nhất của Hán triều – triều đại cường thịnh kéo dài đến hơn 400 năm – đã cho tuyển vào cung hàng ngàn mỹ nữ tuổi từ 15. Ai đến tuổi 30 mà không được vua chiếu cố thì sa thải, cho về quê. Vậy mà khi Hán Vũ Đế nghe Lý Diên Niên hát bài Giai nhân ca :

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Bắc phương hữu giai nhân
Tuyệt thế nhi độc lập
Nhất cố khuynh nhân thành
Tái cố khuynh nhân quốc
Ninh bất tri khuynh thành dữ khuynh quốc
Giai nhân nan tái đắc

DỊCH THƠ:

Bắc phương riêng có giai nhân,

Một mình tuyệt thế dám cân ai bì.

Một nhìn thành đổ nghiêng đi,

Liếc thêm lần nữa còn gì nước non!

Cần chi biết thành nghiêng, nước đổ.

Há muôn đời dễ có giai nhân ?!

(Nguyễn Cẩm Xuyên dịch)

nhà vua đã than rằng: Quả có người đẹp như thế trong đời ư!?. Bình Dương công chúa quỳ tâu: Lý Diên Niên có người em gái rất đẹp, ca múa đều hay… Tức thì, em gái Lý Diên Niên được lệnh nhập cung. Thấy mặt mĩ nhân vua đâm ra mê mẩn, công nhận là sắc nước hương trời, phong nàng làm Lý Phu Nhân và không còn thiết đến ai khác.
Mấy năm sau, Lý Phu Nhân lâm trọng bệnh. Lúc nàng sắp mất, Vua lo lắng đến tận giường thăm hỏi và muốn được nhìn mặt nàng lần cuối nhưng vì muốn lưu giữ mãi vẻ đẹp của mình với hoàng thượng nên mặc cho vua nhiều lần nài nỉ, Lý phu nhân vẫn nhất quyết úp mặt vào tường. Vũ Đế tức giận quay phắt ra về.
Quả vậy, Lí phu nhân mất đã mấy năm rồi mà Vũ Đế vẫn mãi mơ tưởng hình bóng giai nhân. Lắm khi nhớ quá, vua nghe lời các thuật sĩ, cứ thẫn thờ ngồi đợi hồn người xưa hiện về.
Mỹ nhân và danh tướng có điểm giống nhau là đều có những phút huy hoàng; một bên là nhan sắc, một bên là chiến công lừng lẫy. Họ muốn giữ mãi danh vọng ấy nên không muốn cho nhân gian thấy hình ảnh của mình khi tàn tạ. Danh tướng lúc tuổi cao thì thể lực tinh thần đều suy nhược, không còn thuở tung hoành hống hách của ngày xưa, cũng như mỹ nhân khi về già thì đành phải tàn phai nhan sắc. Lão tướng Liêm Pha đời Chiến Quốc, Hoàng Trung đời Tam Quốc… tuy là những danh tướng nhưng lúc về già nhiều mặc cảm, cố làm ra vẻ còn oai phong mạnh mẽ nhưng “than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu” - cuối cùng họ đành chết trong nỗi tủi hờn vì không còn đâu uy lực ngày xưa. Riêng Hạng Vũ sức mạnh bạt sơn cử đỉnh, Lã Bố vô địch… thì vẫn mãi mãi kiêu hùng trong sử sách vì không có tuổi già.

MỸ NHÂN NHAN SẮC TÀN PHAI, NHỮNG LUYẾN TIẾC CỦA NGƯỜI ĐỜI

& NGUỒN GỐC CỦA HAI CÂU THƠ.

Thời gian là kẻ thù của tồn tại. Thời gian làm mục nát mọi thứ, làm tàn phai những gì người đời tôn quý. Những vàng son chói lọi ngày nào rồi chỉ còn lại là vết bụi mờ trong kí ức. Trong các báu vật của đời người, nhan sắc, tài năng thật chẳng muốn đối đầu chút nào với thời gian. Cảm nhận ý này, Nguyễn Bính, nhà thơ tài hoa mệnh bạc đa tình lìa đời năm 48 tuổi – tuổi 48 chưa phải là lúc đầu bạc – Thơ vận vào đời, nhà thơ tài hoa viết bài “Viếng hồn trinh nữ”, khóc mĩ nhân sớm lìa trần :

…Tôi với nàng đây không biết nhau,

Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu?

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.

Nguyễn Bính kết thúc bài thơ đa tình bằng hai câu vốn quen thuộc từ xưa. Câu thơ được người đời nhắc mãi mà xuất xứ thơ từ đâu thì không rõ lắm. Nhiều truyền thuyết giải thích khác nhau. Tùy Viên thi thoại của Viên Mai chép lại câu chuyện kể:
…Chú của Tiến sĩ họ Tra có làm bài thơ “Điệu vong cơ” khóc người thiếp qua đời. Bài thơ được nhiều người họa lại. Riêng bài họa của một hầu thiếp tên là Diễm Tuyết có hai câu kết : “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” (Người đẹp nghìn xưa như tướng giỏi/ Chẳng hẹn nhân gian thấy bạc đầu) là hay nhất.
Lại có thuyết: Cuối đời Khang Hy nhà Thanh, có người thiếp nhà họ Ðồng tên là Triệu Diễm Tuyết ngụ tại “Ðồng Gia lâu” bên bờ sông Vệ, thành phố Thiên Tân. Lúc này ở Thiên Tân đang thịnh hành tục tế Thần hoa. Theo phong tục, vườn nhà “Ðồng Gia lâu” trồng đầy cả hoa hải đường. Giỏi thơ văn, Triệu Diễm Tuyết có làm bài thơ Tiêu hồn hải đường với nhiều ý mới lạ, được nhiều người truyền tụng. Từ đó Đông gia lâu được gọi là Diễm Tuyết lâu. Riêng bài thơ của Triệu Diễm Tuyết nay chỉ còn lưu giữ được hai câu cuối trên. (3)
———————————-
CHÚ THÍCH:
(1) Có thuyết cho rằng Phạm Lãi vốn đã mê nhan sắc của Tây Thi từ trước nên sau khi giúp Câu Tiễn diệt xong Ngô bèn dắt Tây Thi cùng trốn vào Ngũ Hồ.
(2) VƯƠNG CHIÊU QUÂN là đề tài cho nhiều tác phẩm văn chương, nghệ thuật. Các truyện kể về Chiêu quân không đồng nhất, thậm chí mâu thuẫn nhau. Có thuyết cho rằng Chiêu Quân đã sống bên Hung Nô suốt đời, có 3 con với vua Hung Nô là Hô Hàn Tà; khi Hô Hàn Tà chết, theo tục nối dây, Chiêu Quân trở thành vợ của con trai riêng của chồng là Phục Chu Luy Nhược Đề. Riêng về việc Chiêu Quân cống Hồ, nhà văn Thái Ung (132-192) đã cho rằng Hán Nguyên Đế từng gặp Chiêu Quân nhưng không cho nàng là đẹp nên Chiêu Quân thất vọng sống cô độc trong cấm cung. Về sau nàng tình nguyện sang cống Hồ theo kế hoạch của Nguyên Đế. Sách Hậu Hán Thư cũng chép là Vương Chiêu Quân đã tình nguyện lấy vua Hung Nô.
Trích dẫn

pth77's Photo pth77 05/03/2014

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Tượng Đào Phương


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



LÊ MINH QUỐC


Danh họa Salvador Dali có nói một câu đơn giản mà kiêu hãnh: “Là họa sĩ thì hãy vẽ đi”. Tôi chẳng phải họa sĩ, cũng chẳn phải nghệ sĩ nhưng có một điều rất chắc chắn tôi là đàn ông. Phẩm chất đáng quý nhất của đàn ông là gì? Mỗi người có một cách định nghĩa khác nhau. Với tôi, đó chính là khả năng yêu tưởng chừng như vô tận. Bây giờ và mãi mãi. Tôi chưa hề bao giờ nghe một ai dù say quắt cần câu, say ngất ngư, say mất cả lý trí mà dám nói trước đám đông là đang cần… Viagra. Bất kỳ ai cũng mạnh miệng tuyên bố mình là “thứ thiệt”.

1.

Ngay từ lúc lọt lòng, đặt hai chân trên trái đất này là lúc tôi bắt đầu ghi nhận lấy hình ảnh người phụ nữ vào óc. Rồi, lúc lớn lên với những cuộc tình khi thăng hoa bay bổng lên tận chín tầng mây xanh; lúc tuyệt vọng tưởng chừng đã sa chân xuống tận chín tầng địa ngục thì nỗi ám ảnh về phụ nữ càng hằn sâu da thịt, xuyên qua ký ức lẫn thời gian. Tôi quan niệm rằng, cứ trình bày hết những suy nghĩ về phụ nữ ắt có nhiều thú vị cho chính mình và người bạn đọc.

Tại sao thú vị?

Bởi vì ngay cả phụ nữ chưa chắc họ đã hiểu về họ. Đúng vậy, có như thế các hãng mỹ phẩm mới tha hồ tung ra mẫu mã, chất liệu, hương liệu mỗi ngày; các thẩm mỹ viện mới mọc lên như nấm; các lão thầy bói gà mờ mới có chỗ kiếm cơm v.v… Nếu họ hiểu về họ, họ đã không cần phải gõ cửa các nhà tâm lý, phải trùng tu nhan sắc, phải tin vào số mệnh… Những thứ ấy, với đàn ông khi yêu một người phụ nữ chẳng hề quan tâm đến. Đàn ông thứ thiệt, yêu là yêu. Còn đàn bà bản lĩnh là ở chỗ họ đã hiểu mình, biết mình muốn cái gì và làm gì để dụ dỗ người tình bước chân lọt vào trong đó. Rồi chỉ đứng đó, chứ đừng hòng léng phéng chỗ khác.

Tiếc thay, họ không hiểu lấy họ nên đàn ông này mới có chuyện để nói.

2.

Mà nói về họ, như tôi đây họ liệu chừng có… trật không? Chẳng sao cả. Khi viết và nghĩ về họ, tôi luôn nghĩ đến thân phận phải gánh vác quá nhiều sứ mệnh. Các sứ mệnh ấy vừa tự nguyện, vừa ép buộc. Vừa nhọc nhằn, vừa thiêng liêng. Thử hỏi, có đớn đau tột cùng nào bằng lúc “vượt cạn”? Có niềm vui, sung sướng nào có thể sánh được lúc họ vừa khai sinh một Mầm Sống? ca dao Việt nam có câu não nùng thống thiết, đọc lên đã thấy ngập tràn một tình yêu vô bờ bến dành cho vợ:

Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà đi biển mồ côi một mình


Đã thế, tục ngữ lại đúc kết: “Người chửa cửa mả”. Đấy! Không yêu lấy người đàn bà của mình sao đươc? Đừng nhìn đâu xa, hãy nhìn người phụ nữ mỗi đêm nằm chung giường sẽ thấy họ có phải “mình đồng da sắt” gì đâu, thế mà có biết bao nhiêu việc phải cần đến họ. Bản liệt kê này có thể dày như cuốn Từ điển Larousse. Xin cam đoan, nếu ông Bụt hiện lên trong thế giới phẳng này và bảo, hể ai hoán đổi thành phụ nữ, ta sẽ “khuyến mãi” cho một ký lô vàng thì tôi tin rằng không một gã đàn ông nào dám ló mặt ra. Họ chẳng dại gì phải gánh lấy công việc không tên từng ngày, từng giờ. Lúc ấy, họ trốn biệt hết. Làm đàn ông sướng hơn nhiều. Tha hồ gái mú, hạch sách vợ, rượu chè bê tha v.v… mà dư luận xã hội vẫn không lên án bằng nếu các “tội lỗi” trên thuộc về quý bà.

Bất công chưa?

May quá, nhân loại ngày một trưởng thành hơn. Một khi thay đổi xã hội có chiều hướng văn minh hơn, được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin thì rõ ràng cộng đồng đã có cái nhìn khác, tích cực và chia sẻ nhiều hơn với người phụ nữ.

3.

Nghĩ cũng buồn cười, ngay từ lúc bước chân vào nghề báo, thoáng đó đã gần ba mươi năm, tôi chỉ làm việc chung với phụ nữ. Chính môi trường này đã giúp cho tôi có điều kiện nhiều hơn, tốt hơn. Có những tình tiết, bi kịch từ bạn đọc đủ mọi thành phần đã góp phần cung cấp thông tin, dữ liệu, tình huống kể cả tâm lý giúp tôi hiểu rõ hơn nữa về phái đẹp.

Chẳng hạn tôi hiểu rằng, đã phụ nữ thì… ghen. Lời quả quyết hùng hồn ấy, có đúng không thưa quý bà? Ai đó đã nói, ngốc nhất là cãi lại phụ nữ. Vì thế, câu trả lời thế nào tôi cũng im thin thít như thịt nấu đông. Câm như thóc. Ngậm miệng như hến. Chẳng dám cãi nửa lời. Chỉ biết rằng đã có nhiều đồng nghiệp nam của chúng tôi đã lâm vào tình trạng dở khóc dở cười vì ghen. Khi họ viết bất kỳ điều gì liên quan đến phái đẹp, lập tức người vợ/ người tình đã nhìn soi mói bằng con mắt Hoạn Thư; rồi “điều tra” mẫn cán từng chi tiết không thua gì thám tử lừng danh Sherlock Holmes.

Ai chịu trời cho thấu?

Để an toàn “trong ấm ngoài êm”, họ nhảy qua viết lãnh vực khác cho lành! Còn tôi lại khác, tôi không bị sự ràng buộc về pháp lý như đồng nghiệp nam nên có phần “dễ thở” hơn. Tôi có thể viết những điều mà người khác có thể viết hay hơn nhưng rồi do sợ bóng, sợ vía bóng hồng sau lưng nên chùn tay, né tránh. Tưởng thế là tôi may mắn, không phải đâu, cũng là một “bất hạnh” đấy thôi.

Cái gì cũng có giá của nó.

Quan niệm về đàn bà mỗi lúc mỗi khác, tùy theo sự từng trải của năm tháng. Đã từ lâu, từ lúc tứ thập, tôi nghĩ người đàn bà tương tự như miếng thịt bò beefsteak. Tươi ngon. Đầy đặn. Có thể cắn ngập răng. Nhai ngấu nghiến. Xem tranh vẽ người đàn bà thời Phục hưng, tôi thích, bởi ở đó toát lên sự khỏe mạnh, mỡ màng, tràn trề dục tính và sức sống có thể tạo ra một cảm giác hấp dẫn, ma mị, quyến rũ khiến tôi bỗng điên cuồng thèm giong buồm ra khơi để phiêu lưu đến tận chân trời dậy sóng.

Người đàn ông nào không thích phiêu lưu? Tuy nhiên, câu hỏi này chỉ dành cho đàn ông… chưa vợ. Còn những người đã yên bề gia thất, tôi chẳng dại gì ý kiến ý cò. Là đàn ông đơn thân độc mã, thú thật, tôi rất ghét xem phim XXX. Ghét nhất trên đời bởi nó giả. Sự giả tạo ấy khiến cảm hứng thăng hoa về tình yêu, tình ái, tình dục, dục vọng của người xem bị giết chết từ trong trứng nước. Các động tác ấy kịch quá, biểu diễu diễn quá nên tự nó không thật.

Trong tình dục một khi đã không thật về cảm xúc, làm sao có thể truyền đạt một cảm xúc khác đến người khác – dù đang “lao động thực tế” hoặc chỉ thụ động ngồi xem?

4.

Với người phụ nữ dù Tây Thi, dù Thị Nở, dù nhan sắc, hình thể bên ngoài thế nào tôi vẫn luôn nghĩ đến sự nhẹ dạ của họ. Dù cứng rắn, dù thùy mị, đoan trang, dịu dàng và dù gì đi nữa bản thân họ cũng không thể “chống chọi” lại sự biểu hiện tình si của đàn ông. Biểu hiện đó khiến họ mềm lòng thương hại. Chết là chỗ đó. Mà có khi họ phải đánh đổi nhiều thứ. Người đàn bà “lý tưởng” nhất, theo tôi:

lạ lùng sao và cũng kỳ diệu sao
em có thật như là không có thật
là dáng mẹ tảo tần – chiều nay anh gặp
lúc đang nằm ốm sốt với cô đơn
và khi em độ lượng đặt môi hôn
anh gặp sự dịu dàng – người chị
em lại hóa thành người vợ chung thủy
khi đi bên anh đến cuối đất cùng trời


Nghĩ về đức tính của họ, tôi luôn xác tín rằng, dù vài ngàn năm sau nữa khoa học kỹ thuật của nhân loại tiến bộ đến cỡ nào, có thể định cư trên Sao Hỏa, chơi golf trên Mặt Trăng, thay đổi quan niệm về Cái Đẹp thì cũng không thể lý giải được về đức tính thủy chung của phụ nữ. Đố ai có thể khám phá và lý giải ngọn ngành. Mãi mãi là một bí ẩn. Ngay từ lúc oe oe chào đời, sự bí ẩn ấy đã hình thành từ trong máu thịt họ rồi. Tôi “nịnh đầm” quá chăng? Không đâu. Nếu ai đó bị phản bội, “cắm sừng”, đừng nên trách họ phụ bạc, “tham tài bỏ nghĩa” và trút lên đầu bao nhiều ngôn từ xấu xa nhất mà hãy tự hỏi chính mình. Xin nhấn mạnh, hãy tự hỏi chính mình.

Bản chất “đi săn” không có trong máu của đàn bà, chỉ có thể của đàn ông mà thôi.

Thời trẻ, tôi không tin vào tử vi, tướng số nhưng rồi nay tôi có tin đôi chút, nhất là tin hôn nhân là do sắp xếp của số phận. Đến với một người, có thể ăn đời ở kiếp với nhau và sinh con đẻ cái, gìn giữ nòi giống ắt phải có duyên nợ với nhau. Duyên nợ thế nào? Từ kiếp trước hay kiếp này? Tôi không biết. Nhưng chắc chắn là có. Nếu không, làm sao ta lý giải ở thời điểm nọ, ta có thể chết chỉ vì cái nguýt mắt, hắt hơi của người đó. Mà sau đó, mọi sự liên quan đến người ấy ta lại dưng dửng cứ như thể người dưng nước lã chưa từng gắn bó máu thịt?
Tôi tự trả lời thế nào về chính mình?


5.

Nếu tự đánh giá về mình, tôi sẽ nói thế nào? Xin thưa? Đó là người cần cù bù thông minh, cũng có nhiều thói xấu khác nhưng lại có ưu điểm rất đáng khen là luôn luôn dại gái./.
Trích dẫn

pth77's Photo pth77 05/03/2014

So sánh các dị bản truyện "Thầy bói sờ voi" và tâm thức dân tộc

Trần Đình Sử


Trước hết hãy đọc ba dị bản truyện sau đây. Truyện cổ dân gian Ấn Độ (Nxb. KHXH, H.1982) kể như sau:

CON VOI VÀ BỐN NGƯỜI MÙ

Bốn người mù đi dò dẫm trên đường. Từ phía trước, một con voi đang tiến lại.

- Kìa hãy tránh cho voi đi! Khách qua đường thét bốn anh mù.

Bị tính tò mò kích thích, họ hỏi :

- Thế con voi nó như thế nào? Cho chúng tôi xem với?

Khách qua đường bèn xin ông quản tượng dừng voi lại. Ông quản tượng đồng ý dừng voi lại và bốn người mù lần đến sờ voi. Người thứ nhất sờ được cái vòi, người thứ hai sờ cái chân, người thứ ba sờ cái bụng và người thứ tư túm được cái đuôi. Sờ xong ông quản tượng liền đánh voi đi. Khách qua đường hỏi bốn người mù:

- Thế nào? Bây giờ các anh đã biết được hình dáng con voi rồi chứ?

- Vâng, bây giờ thì chúng tôi biết rồi.

- Thế nó ra làm sao?

Người mù sờ được vòi nói:

- Nó giống như như con rắn to cuộn tròn lại.

Người mù sờ cái chân nói:

- Không phải, anh nhầm rồi. Nó giống như cái cột nhà chứ!

Người mù sờ cái bụng nói:

- Hai anh nhầm. Con voi giống như thùng chứa nước.

Người mù sờ đuôi nói:

- Các anh điều nói sai bét. Nó giống sợi dây tam cố dùng để buộc thuyền.

Thế là bốn người mù đều bị nhầm lại ba hoa với nhau.

Tuy vậy mỗi người trong bọn họ đã nói được một phần sự thực: ai biết ngần nào thì nói ngần ấy.

(sđd, tr.337-338).

* Trong Kinh Niết Bàn và Kinh Trường A Hàm lại kể như sau:

NGƯỜI MÙ SỜ VOI

Ngày xưa có một ông vua sai đại thần dắt đến một con voi cho một bọn người mù sờ xem. Sau đó vua hỏi: "Các ông đã biết voi chưa?"

- Biết rồi! Bọn người mù đáp.

- Thế voi như thế nào?

- Voi xem ra như cái đòn xóc. Người sờ ngà voi bảo.

- Voi như cái quạt. Người sờ tai nói.

- Voi như tảng đá. Người sờ đầu voi đáp.

Người sờ vòi lại bảo: "Voi giống như cái chày".

- Voi giống như cái hộp gỗ. Người sờ mắt voi nói.

- Không phải. Voi như cái giường. Người sờ lưng voi khẳng định.

- Theo tôi con voi như cái thùng to. Người sờ bụng voi kêu lên.

- Đừng cãi nhau nữa, con voi như sợi dây thừng. Người sờ đuôi xác nhận.

Nhà vua nghe bọn mù tranh cãi nhau, cảm khái nói:
Người mù đều rất đông
Tranh nhau nói sự thật
Voi vốn chỉ một thân
Thị phi lại bất đồng

(Trích theo Hồng Phi Mạc"Cầm hoa mỉm cười", BK.1999 tr.30, tiếng Trung)

* Truyện ngụ ngôn Việt Nam do Trương Chính kể lại có khác:

THẦY BÓI SỜ VOI

Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói nói chuyện với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó như thế nào. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm thầy chung nhau tiền biếu người quản voi, xin cho voi dừng lại để cùng xem. Thầy thì sờ voi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi.

Đoạn, năm thầy ngồi bàn tán với nhau

Thầy sờ vòi bảo:

- Tưởng con voi nó thế nào, hoá ra nó sun sun như con đỉa.

Thầy sờ ngà bảo:

- Không phải! Nó dài dài như cái đòn càn.

Thầy sờ tai bảo:

- Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc.

Thầy sờ chân cãi:

- Ai bảo? Nó sừng sững như cái cột đình.

Thầy sờ đuôi lại nói:

- Các thầy nói sai cả. Chính nó tua tủa như cái chổi xể cùn.

Năm thầy, thầy nào cũng cho mình nói đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xát, đánh nhau tọac đầu chảy máu.

(Theo Trương Chính: Bình Giải ngụ ngôn Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 1998)

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Qua ba dị bản trên, cốt truyện hầu như giống nhau, nhưng khác nhau về mấy điểm sau:

1. Hai dị bản Ấn Độ đều gọi là "người mù"còn riêng Việt đổi thành "thầy bói".

2. Cách cảm nhận các bộ phận của con voi khác nhau, do tập quán và tâm lý dân tộc khác nhau. Ví dụ ở Ấn Độ, Trung Quốc, người ta cảm nhận cái cái đuôi voi như sợi thừng, còn người Việt Nam cảm nhận như cái chổi xể cùn, cái vòi như con đỉa, chân như cột đình, tai như cái quạt thóc v.v...

3. Người khách qua đường và ông quản tượng Ấn Độ có vẻ tốt bụng dừng voi cho người mù sờ xem, mà không đòi tiền, còn bọn thầy bói và quản tượng trong dị bản Việt thì phải có tiền mới xong!

4. Truyện Ấn Độ không có ý châm chọc, mạt sách người mù, tuy họ nói không đúng, nhưng cũng thừa nhận họ nói được một phần sự thật: ai biết ngần nào thì nói ngần ấy. Đó cũng là một triết lý nhân sinh.

Truyện kinh Phật lại sâu thêm ở tính triết lý Phật giáo. Voi vốn là một thể, nhưng sắc tướng khác nhau, nên cảm nhận khác nhau. Người mù ở đây là tượng trưng cho chúng sinh, những kẻ nhìn thế giới theo "lục pháp" (sắc, thụ, tưởng, hành, thức, thần), cho nên chỉ có" vọng tưởng", hiểu lầm. Nếu chỉ chấp lục pháp thì không hiểu được chân như, phật tính. Nhà vua ở đây chỉ cảm khái cho chúng sinh, nhưng không giễu họ. Truyện ngụ ngôn Việt là một truyện châm biếm, một thể loại khác, có thể nói không giống với thể loại ngụ ngôn. Người mù biến thành "thầy bói ế hàng", toàn truyện giễu cợt một loại người làm nghề thấy bói, thầy bói là mù, không có ý nghĩa tượng trưng về chúng sinh và con người nói chung. Đã mù, phải làm nghề thầy bói vốn không ra gì, mà lại còn "không ai chịu ai", đến nỗi "xô xát, đánh nhau toạc đầu chảy máu" vì những chuyện không đâu! Thái độ khinh bỉ bọn thầy bói mù, chủ quan của truyện người Việt; là mạnh nhất, ít bao dung nhất.

5. Qua so sánh ba dị bản trên, hai dị bản dân gian Ấn Độ và kinh Phật, người kể là người hiểu chúng sinh, có quan niệm nhân loại, họ nhìn thấy trong người mù có bản thân họ, cho nên truyện kể nhẹ nhàng mà thâm trầm, hàm ý triết lý, không nhằm đả kích người mù. Dị bản Việt người kể tự đứng ngoài, tự coi mình là kẻ đứng cao hơn loại người khác, thu hẹp nội dung vào việc đả kích một bọn người thầy bói tầm thường. Do vậy nội dung triết lý sâu hơn.

6. Rõ ràng truyện Ấn Độ và truyện trong Kinh Phật là có trước, dị bản Việt có sau. Sự thu hẹp nội hàm triết lý trong dị bản này phải chăng cho thấy dị bản Việt Nam không mấy quan tâm nội dung triết lý, mà thích thú với cảm hứng thế sự, đứng bên ngoài mà chế giễu một lớp người cụ thể khác mình trong xã hội, như đã từng chế giễu thầy bói, thầy tu, thầy cúng, thầy địa lý, thầy đồ... Phải chăng chỉ qua một sự so sánh nhỏ này cũng thấy được phần nào sự thiếu hụt một tầm triết lý sâu xa trong dị bản dân gian Việt?

Nhưng dị bản Việt lại có một cái đặc thù riêng. Nó biến câu chuyện sờ voi thành một bi hài kịch của những kẻ dốt nát. Những chúng sinh mù loà ấy lại tự tin, tự phụ đến mức không ai chịu ai, xô xát đánh nhau toạc đầu chảy máu! Đó là chi tiết độc đáo có lẽ chỉ ở Việt mới có. Tôi đồ rằng, những kẻ mù đâu có khả năng nhìn thấy đối tượng? Cho nên cuộc xô xát không chỉ đánh lẫn nhau, có khi còn đấm vào cột nhà, lao đầu vào gốc cây, hòn đá bên đường cũng nên; và khi đánh nhau, bạ đâu đánh đó, đâu chỉ có chuyện toạc đầu, có khi đánh vào bụng, vào bộ hạ nữa. Tóm lại là một cuộc bi hài!

7. Tôi cứ nghĩ, tại sao chỉ do nhận thức khác nhau mà ở Ấn Độ người ta chỉ "ba hoa" với nhau, ở trong kinh Phật chỉ cãi nhau rồi thôi, đến Việt thì lại chuyển thành xô xát đánh nhau?! Phải chăng tâm thức dân gian Việt chưa tưởng tượng ra được một kết cục tốt đẹp hơn, triết lý hơn cho những bất đồng vặt trong cuộc sống?
Nguồn: Tạp chí Sông Hương số 191 - 01 - 2005
Trích dẫn

pth77's Photo pth77 06/03/2014

Triết lý kinh doanh của người Hoa nhìn từ Sài Gòn – Chợ Lớn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Theo Tạp chí công nghiệp 5/3/2014
Từ thời xa xưa, ở Sài Gòn đã phổ biến câu nói “Ăn mày Tàu”.
Là vì đi ăn xin ở đâu thì đi, nhưng không thể vào khu người Hoa ở Chợ Lớn để xin được, vì người Hoa tuyệt đối không cho tiền người đi ăn xin, mà ngược lại họ sẵn sàng đưa tay ra để giúp đỡ, tạo cơ hội công ăn việc làm cho người nghèo khổ, sa cơ lỡ vận, để tự mưu sinh và sau đó có thể làm giàu.
Với người Hoa, cái gì cần xài, không sợ tốn kém, cái gì lãng phí khó mà móc được “hầu bao” của họ. Tướng quân Quản Trọng cũng đã từng khuyên vua, “Bệ hạ nên cho dân nghèo cái cần câu, hơn là cho con cá”.
Đối với cộng đồng người Hoa sinh sống tại Việt Nam hay với quốc gia nào khác, họ đều mang theo tinh hoa của triết lý này để thi thố làm ăn nơi xứ lạ, quê người. Nhiều câu châm ngôn trong cuộc sống và kinh doanh mà người Hoa nào cũng thuộc lòng và nhắc nhở cho nhau như: “Buôn Ngô buôn Tàu, không giàu bằng buôn hà tiện”, hay “Biển rộng mặc biển, thuyền chèo có ngăn”…
Không thể phủ nhận tính cần và kiệm của người Hoa. Hai chữ “cần, kiệm” không chỉ có ý nghĩa triết lý suông, mà nó đã trở thành triết lý kinh doanh của người Hoa trong mọi thời đại. Vào các thập niên đầu và giữa thế kỷ XX, có nhiều tấm gương làm giàu nay đã trở thành giai thoại từ cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn.
Chuyện kể rằng, Quách Đàm và chú Hỏa xuất thân từ nghèo khó, cuộc sống của họ chỉ dựa vào gánh ve chai, nhưng do cần kiệm miệt mài làm việc mà họ trở thành đại phú gia thời ấy. Hay giai thoại “công tử co thùng”, đối với các đại phú gia Hoa kiều trước khi muốn con cái gìn giữ và phát triển sản nghiệp của gia đình, họ gửi các chàng công tử này đến các cơ sở để rèn luyện tính kiên nhẫn ngay từ nhỏ.
Để xin được vào làm việc tại một cơ sở nào, họ cũng phải trải qua quá trình xét tuyển như những người công nhân khác. Khi được tuyển vào, công việc trước tiên các chàng công tử này là phải xuống bếp cọ thùng như những công nhân. Đây là một cách đào luyện con cái họ khi trở thành doanh nhân có đủ kinh nghiệm và tính kiên nhẫn trong vai trò người chủ trong tương lai.
Một yếu tố khác mang tính đặc trưng của người Hoa. Đó là tính cộng đồng của họ rất cao. Trong kinh doanh, họ lập ra nhiều bang hội, nhưng các bang hội không phải là nơi tụ hội ăn chơi mà để nâng đỡ, tạo cơ hội cho mọi người trong cộng đồng có thể gây dựng cơ nghiệp làm ăn.
Trước khi có tín dụng ngân hàng cho vay dự án kinh doanh, các bang hội người Hoa đã biết triển khai tín dụng, qua hình thức “hụi thảo”, một loại hình chung tay giúp vốn cho những người muốn ra làm ăn nhưng thiếu vốn.
Nhưng sau khi giúp vốn, người Hoa còn tích cực hơn với “hậu tín dụng”, đó là chung tay giúp doanh nghiệp còn non trẻ. Nếu là mở hàng ăn thì họ kéo nhau đến ăn, nếu sản xuất giày dép thì họ tìm đến mua giày…
Nhưng trước hết, chính những đối tác được giúp đỡ đó phải chứng tỏ sự tích cực về tính kiệm cần cao độ. Một số đại gia có thương hiệu vang dội ngày nay là do từng được giúp và áp dụng tinh thần kiệm cần, như thương hiệu giày dép Bình Tiên, bánh ngọt Đức Phát… là những điển hình cụ thể.
Bắt đầu là “tiểu phú do cần” sau trở thành “đại phú do trời”. Trời nói ở đây là thời cơ khách quan đưa tới. Nhưng thời cơ chỉ đưa tới cho những ai có tâm thành, sẵn sàng năng lực để tiếp nhận khai thác. Đến đây thì triết lý kinh doanh phương Đông của người Hoa đã gặp triết lý kinh doanh của phương Tây, “Hãy tự giúp mình trước, rồi trời sẽ giúp anh sau”.
Nhiều nhà nghiên cứu lý giải việc kinh doanh thành công của người Hoa là vì họ rất coi trọng chữ tín, trong làm ăn họ luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Trong nhiều lần tiếp xúc với giới truyền thông, ông Lê Phụng Hào, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Kinh Đô, cho biết: “Người Hoa có tầm nhìn kinh doanh rộng và dài. Họ luôn nhạy bén, có khát vọng đột phá, đi đầu và làm ăn lớn, chữ “tín” cũng xuất phát từ chỗ này”.
Công ty bánh Kinh Đô (trước 1975 có tên gọi là Công ty Đô Thành), ban đầu chỉ là cơ ngơi nhỏ tại quận 6, Sài Gòn nhưng bây giờ cơ ngơi của Kinh Đô có tới 9 công ty, có mặt từ Nam chí Bắc. Trên thương trường, Kinh Đô có thể xem là một trong những đại gia đáng gờm trong ngành sản xuất mặt hàng bánh kẹo…
Theo Tiến sĩ Trần Khánh, Viện Nghiên cứu Đông Nam á, những nét đặc trưng về văn hóa kinh doanh người Hoa: “Nền tảng gia đình và chữ “tín” là báu vật; đề cao vai trò của tổ chức xã hội, nghiệp đoàn truyền thống; chấp nhận mạo hiểm và quyết đoán trong kinh doanh, được sự giúp đỡ đắc lực của tập thể, gia đình và bè bạn; đa dạng hóa, đa phương hóa hoạt động đầu tư; kết hợp giữa cách làm truyền thống với kiến thức và thực tiễn kinh doanh hiện tại…”.
Tại TP.H-C-M, cộng đồng người Hoa chỉ chiếm 7% dân số (khoảng 500.000 người), nhưng tỉ trọng doanh nghiệp người Hoa lại chiếm 30% trên tổng số doanh nghiệp có mặt tại Thành phố, nơi được xem có vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước.
Điều đáng nói, hầu hết các doanh nghiệp này đều ăn nên làm ra, trong đó không ít doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực cho thị trường, rất quen thuộc với người tiêu dùng không chỉ ở TP.H-C-M mà còn trong phạm vi cả nước.
Chẳng hạn Công ty CP Bánh kẹo Kinh Đô, Công ty Bút bi Thiên Long, Công ty Dệt Thái Tuấn, Công ty Dây cáp điện Tân Cường Thành, Công ty CP Sản xuất ống thép Hữu Liên – Á Châu…
Trước 1975, khi Sài Gòn là “thủ đô” của chính quyền cũ, khu vực Chợ Lớn là nơi tập trung hàng nhập khẩu và hàng nội địa lớn nhất ở các tỉnh phía Nam. Người Hoa gần như giữ độc quyền về hoạt động thương mại (khoảng gần 90% bán buôn, 50% bán lẻ, 80% – 90% xuất nhập khẩu…).
Những nhà buôn tầm cỡ của người Hoa thường là những đại lý độc quyền, tổng phát hành và phân phối hàng cho các đại lý nhỏ, các cơ sở kỹ nghệ, sản xuất, kinh doanh. Họ có quan hệ làm ăn buôn bán với hơn 40 nước ở khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh hệ thống các nhà buôn lớn, người Hoa ở quận 5 và Chợ Lớn còn làm chủ nhiều tiệm buôn nhỏ, vừa bán sỉ, vừa bán lẻ, đủ mọi mặt hàng, giống như những cửa hàng tạp hóa, mà người Hoa thường gọi là “chạp phô”.
Chợ Lớn thực sự giữ vai trò trung tâm, chi phối thị trường thành phố Sài Gòn và Nam Việt Nam, tại khu vực này có một hệ thống chợ quy mô lớn, hoạt động có tính chất chuyên ngành như chợ Bình Tây, An Đông, La Cai, Tân Thành, Hòa Bình, Kim Biên…
Trích dẫn

pth77's Photo pth77 07/03/2014

Phái đẹp qua hội họa

Vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp hình thể và vị trí thiên nhiên mà tạo hoá đã ban tặng cùng thiên chức của người phụ nữ đã được đề cao và khai thác đến đỉnh điểm, để từ đó khẳng định và chứng minh một chân lý: Không có phụ nữ, không có nhân loại và cũng không thể có nền văn hoá – văn minh trên trái đất...
Trích dẫn

pth77's Photo pth77 07/03/2014

Từ điển phụ nữ
Lê Hoàng


Mới đây, tổ chức đàn ông thế giới đã xuất bản một cuốn sách dày ba mươi tập, nhằm giúp cho các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về phụ nữ, một phạm trù phức tạp nhất hành tinh. Chúng tôi xin lần lượt trích đăng một số chương trong đó, để các chàng trai tội nghiệp khỏi bỡ ngỡ và có được một số kiến thức cần thiết để sống sót.
Chương I: Sự khác nhau giữa phụ nữ và nai.
1. Nai ngơ ngác suốt đời. Phụ nữ chỉ ngơ ngác khi cần ngơ ngác.
2. Nai không bao giờ giả nai. Phụ nữ thường làm như thế.
3. Nai có sừng toàn đầu. Phụ nữ có sừng trong ánh mắt.
4. Nai ăn cỏ. Phụ nữ thỉnh thoảng ăn nai.
5. Gặp tai nạn, nai biến thành nai khô. Gặp tai nạn, phụ nữ biến thành… mít ướt.
6. Nai chạy theo đàn. Phụ nữ cũng chạy theo đàn, nhưng không phải đàn nai.
7. Nai nhảy tung tăng. Phụ nữ đi tung tăng.
Chương II. Sự giống nhau giữa phụ nữ và cọp.
1. Cọp gầm. Phụ nữ cũng gầm.
2. Cọp uyển chuyển. Phụ nữ mềm mại.
3. Trẻ con đứa nào cũng sợ cọp và đứa nào cũng sợ mẹ mìn, mặc dù cả đời có khi chẳng nhìn thấy.
4. Cọp được gọi là ông ba mươi. Phụ nữ được gọi là sư tử.
5. Cọp nổi tiếng về sự oai vệ. Phụ nữ nổi tiếng về sự quý phái.
6. Cọp vẫn quan tâm tới móng. Phụ nữ cũng vậy.
7. Cọp nổi tiếng về da. Phụ nữ nổi tiếng về áo quần.
8. Cọp đôi lúc chỉ vồ chứ không ăn. Phụ nữ đôi khi chỉ yêu chứ không lấy.

Chương III. Sự khác nhau giữa phụ nữ và khẩu súng.
1. Súng chỉ nổ khi có người bóp cò. Phụ nữ có thể tự khai hỏa.
2. Súng có thể bắn từng viên. Phụ nữ có thể trở thành súng máy và bắn hàng loạt.
3. Khi nguy hiểm người ta mang súng bên mình. Khi hạnh phúc người ta cần phụ nữ bên mình.
4. Súng có thể cướp cò. Phụ nữ có thể nói mà không báo trước.
5. Đầu súng có lưỡi lê. Đầu phụ nữ có cái kim kẹp tóc.
6. Đàn ông có thể ra đi với một khẩu súng và có thể ra đi với một cô gái.
7. Số đàn ông bị thương vì súng luôn ít hơn số đàn ông bị thương vì phụ nữ.
8. Súng có thể hết đạn. Phụ nữ chả bao giờ.
9. Ta xách súng. Còn phụ nữ xách ta.
Chương IV. Sự giống nhau và khác nhau giữa phụ nữ và một con sông
1. Sông đôi khi không biết đâu là bờ. Phụ nữ cũng thế.
2. Biết bơi có khi cũng chết. Hiểu phụ nữ có khi còn chết nhanh hơn.
3. Sông êm đềm. Phụ nữ phẳng lặng.
4. Sông cuốn trôi mọi thứ khi ta xuống nước. Phụ nữ cuốn trôi mọi thứ khi ta vẫn ngồi nhà.
5. Sông có thác. Phụ nữ có con.
6. Sông mát mẻ. Phụ nữ tinh khiết.
7. Sông lấp lánh dưới ánh trăng. Phụ nữ lấp lánh dưới ánh đèn.

Bài ca Giải phẫu
Em ơi,
Nghe nói em muốn học trường y
Đang băn khoăn không biết chọn khoa gì
Tim, ruột, dạ dày hay răng, hàm, mặt
Những bộ phận ấy là vặt vô cùng
Thời đại này là thời đại tiêu dùng
Em phải chứa những gì có giá
Em phải sửa những gì cao cả
Mà khách hàng sẽ chả tiếc tiền
Và các cô sẽ chả buồn phiền
Nhắm mắt đưa thân cho em chặt, chém
Trong khi ngành y thu nhập kém
Thì em ơi, mở thẩm mỹ khá vô cùng
Một ngày kia trong tiếng nhạc bập bùng
Em khai trương căn nhà thuê hùng tráng
Em quảng cáo: mắt bồ câu, da láng
Cùng xăm môi, xẻo mỡ, tỉa lông mày
Bẻ xương sườn, xóa sẹo, nắn chân tay
Kèm bó bụng, lột da và vặn cổ
Em tuyên bố: vào đây thời hết khổ
Nơi thiên thần chuyên biến cú thành tiên
Nơi giúp các cô quên hết ưu phiền
Nơi giúp các bà đạt giấc mơ hoa hậu
Có những mệnh phụ chân to như cái chậu
Chỉ vài tuần nhỏ nhắn tựa chân nai
Có những em mụn trứng cá dài dài
Chỉ bốn buổi là làn da như sữa bột
Có những bác eo to như cái cột
Chỉ ba đêm nhỏ tựa que tăm
Rồi nhiều bà mỡ bám đầy cằm
Nhoáng một cái, thành ra cằm chẻ - chẻ
Đây, nhà máy biến già thành trẻ
Đây dịp may cho bao kẻ chồng chê
Trước giải phẫu, sau gây tê tâm trí
Dí bà con bằng những văn bằng
Đầy tên Tây, tên Mỹ lằng nhằng
Làm khiếp vía đứa chưa từng ra khỏi ngõ
Em phải “thét” những giá tiền không nhỏ
Em phải mua những thuốc sắp bỏ ngoài đường
Rồi hô lên đặc trị - khác thường
Tha hồ chém, tha hồ vơ hồ chặt
Với những cô muốn căng da mặt
Em khuyên kèm theo phải tẩy da chân
Với những bà muốn hút mỡ toàn phần
Em tuyên bố: trước tiên cần tắm trắng
Rồi bất kể phòng đông hay vắng
Em bắt bà phải tháo đồ ra
Nhúng toàn thân vào nước lạnh cắt da
Rồi phun lên lớp dầu đen đen hắc hắc
Chưa kịp kêu, toàn thân bó chặt
Trong lớp dẻ lau, chưa giặt tám năm trời
Sau đó phơi khô như cá lóc giữa đời
Cuối tắm hơi như nướng trui trong lò lửa
Đoạn tiếp theo em rửa bằng cồn
Xong thả nốt vào bồn đất sét
Khi mang khỏi toàn thân khô đét
Cả trong ngoài đều trắng bệch ra
Cứ ngày em làm mấy chục ca
Hỏi không trúng nhiều tiền sao được nhỉ
Làm nghề này em đừng nên suy nghĩ
Quan trọng là liều lĩnh với mồm to
Dám cạo lông mi bằng dao cắt cổ bò
Và dám giải phẫu khi mới học qua phần băng bó
Việc thẩm mỹ thực ra không khó
Vấn đề là em có gan không
Chứ “nguồn hàng” đông tới vô cùng
Gái trẻ, trai già đều xơi được tất
Dân có tiền, dân chơi, dân sắp phất
Đều mơ màng đổi trắng thay đen
Đều lao vô như muỗi khoái ánh đèn
Chìa cổ, chìa mông cho em chặt, vá
Mở thẩm mỹ, nghề này đang khá
Hơn bán bún bò, hơn nuôi cá bông lau
Và tuyệt vời là nếu có bị đau
Nhiều đứa vẫn âm thầm không sao dám nói
Nghề thẩm mỹ còn ăn trọn gói
Khi em pha những chai thuốc lung tung
Trộn bột mì keo dán với ruột thạch sùng
Rồi hô lên thuốc này ta nhập ngoại
Nghề thẩm mỹ là làm đủ loại
Từ rút móng chân cho tới xẻo nốt ruồi
Dù lâu lâu cũng có chết người
Nhưng phần lớn chỉ gây ra méo mó
Xin nhắc lại, hành nghề không khó
Điều đầu tiên là có liều không
Hãy ngước lên thành phố mà trông
Em sẽ thấy nhiều trung tâm sừng sững
Gắng lên em, cắt - gọt nhiều sẽ vững
Sắm đi em, này những dao phay
Vung dao lên mổ, cắt, thái đêm ngày
Em sẽ phất lên như diều đang gặp gió
Ôi tâm hồn, ôi trái tim em đó
Nguyện hiến dâng ai có nhiều tiền
Và ai mơ một phút thành tiên
Em sẽ dắt vào miền hoang tưởng
Sửa bởi pth77: 07/03/2014 - 12:57
Trích dẫn

Búp Sen's Photo Búp Sen 07/03/2014

GỬI MẸ
(Thư một người con đã trưởng thành từ làng SOS gửi người mẹ đã nuôi mình)
Nguyễn Thị Lài

Con gái trưởng thành từ nhóm trẻ đầu tiên của Nhà Hoa Huệ  

Làng trẻ em SOS Đà Nẵng

Càng lớn bao nhiêu, tôi càng thấm thía cái câu “công sinh không bằng công dưỡng” như người ta thường hay nói. Mẹ! Tiếng gọi thân thương ấy cữ mãi vọng trong tôi và chất chứa biết bao nhiêu cảm xúc.

Ở tuổi 18, bước ra đời, tôi giống như con chim non ngơ ngác giữa cuộc sống xô bồ, bon chen của xã hội. Mẹ ruột tôi còn đấy, họ hàng tôi còn đấy nhưng sao mỗi lần vấp ngã, đau khổ hay bế tắc cái gì, người mà tôi nhớ đến vẫn luôn là mẹ- người mẹ tuy không có công sinh ra tôi nhưng là người đã nuôi nấng, dạy dỗ tôi nên người. Đó là mẹ nuôi tôi – mẹ Đỗ Thị Bích Liên. Mẹ đang công tác tại nhà số 5, làng SOS Đà Nẵng. Dường như giữa tôi và mẹ có một sợi dây liên kết vô hình nào đó mà tôi không hiểu nổi, sợi dây ấy càng ngày tôi thấy nó càng khăng khít, bền bỉ theo thời gian.

Ở tuổi 28, một cái tuổi đủ chín chắn, đủ trải nghiệm, đủ cách nhìn nhận về mọi vấn đề xã hội và đủ sâu sắc để nhận ra rằng mẹ là người quan trọng với tôi như thế nào. Tôi thấy thương mẹ nhiều hơn, thấy yêu quý tấm lòng nhân hậu của bà, và..tôi hối hận ngày xưa sao lỳ quá làm mẹ buồn. Giờ mỗi lần về chỉ ở bên mẹ có phút chốc, chẳng ở được lâu. Thấy vóc dáng mẹ mà thương quá là thương. Mẹ đã gần 60 rồi đấy, mắt mẹ đã yếu đi nhiều, tuy vậy tôi vẫn tự hào 1 cái là tóc mẹ ko cần nhuộm mà vẫn đen nhánh, tôi thích nhất mái tóc của mẹ. 

“Mẹ à! Con yêu mẹ lắm mẹ ơi! Ngày xưa trong nhà, con là đứa mẹ hay la và đánh đòn nhiều nhất vì con lỳ nhất nhà mà. Lúc đó con ghét mẹ kinh khủng, con nghĩ mẹ cũng rất ghét con nên mới vậy. Bây giờ lớn rồi, con mới hiểu những đòn roi đó là sự yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho con! Con xin lỗi mẹ !”

Mẹ tôi là người sống nội tâm, bà chẳng bao giờ nói ngọt ngào hay âu yếm tôi, bà thương tôi như thế nào chỉ thể hiện trong hành động mà thôi. Giờ tôi mới thấy lúc nhỏ mình thật ngốc, giờ ngồi xâu chuỗi lại tôi mới thấu hiểu tình cảm mà mẹ dành cho tôi.

Tôi nhớ như in cái cảnh tôi đi học tiểu học xa nhà, cả làng tôi ai cũng nối đuôi nhau đi đến trường, tôi cũng không ngoại lệ. Năm lớp 4, tôi được tuyển vào lớp chuyên văn của trường tiểu học Lê Lai, chân tôi bị phong thấp, trời lúc đó vào mùa mưa, chân tôi đau dữ dội hơn,  tôi đi không được, mẹ đạp xe chở tôi đi trong một khoảng thời gian khá dài. Ngồi  nép sau vạt áo mẹ, tôi thấy rõ những giọt mồ hôi lấm tấm sau lưng áo mẹ, thương quá mẹ ơi!

Hết năm lớp 9, mẹ tôi thưởng cho tôi một món quà đặc biệt vì tôi vào được trường điểm của một trường cấp 3 đó là đôi bông tai bằng vàng, sau này trong một lúc bất cẩn tôi đã đánh mất nó, song tôi không bao giờ đánh mất cái cảm xúc vui sướng của lúc đầu nhận được nó từ tay mẹ. Nó cứ sáng lấp lánh như tấm lòng và sự hi vọng mẹ dành cho tôi.

Học xong cấp ba, tôi vào một trường đại học, có biết bao nhiêu khó khăn trước mắt. Tôi vừa đi học, vừa làm gia sư vì tôi cần một máy tính để học, mẹ đã giúp tôi thực hiện ước mơ ấy. Sau này đi ở trọ, máy tính đó đã bị trộm lấy mất. tôi cảm thấy tiếc nuối vô cùng, nhưng mẹ đã an ủi tôi qua đi chuyện đó.

“Chỉ mong mẹ khỏe mạnh để cùng chúng con sống thật vui vẻ, hạnh phúc. Mẹ ở bên chúng con lâu lâu mẹ nhé. Yêu mẹ nhiều lắm mẹ ơi!”

Năm tôi ra trường, mẹ muốn tôi tìm kiếm một công ăn việc làm ổn, mẹ đã giúp tôi mua một chiếc xe. Tuy chỉ là xe cũ nhưng giờ nó vẫn song hành với mỗi chuyến hành trình trong cuộc đời của tôi.

Sau khi ra trường và đi làm trong 3 năm, năm tiếp theo đó tôi học cao học, mẹ đã giúp tôi vượt qua những khó khăn trong học tập bằng nhiều cách của mẹ..

Mẹ tôi là thế đấy, chẳng bao giờ chịu nói ra những câu nói yêu thương, mẹ chỉ thể hiện qua mọi hành động.

Không chỉ có tôi yêu mẹ mà các em trong nhà tôi cũng thế. Năm nào chúng tôi cũng thực sự cảm thấy vui vẻ, ấm áp như sống lại những tháng ngày thơ bé trong ngày sinh nhật mẹ và những dịp lễ tết.

Ngày sinh nhật mẹ, ai cũng mong muốn mẹ tôi thật vui, thật hạnh phúc trong ngày đó. Những em ở xa thì gọi điện chúc mừng, những em ở gần thì tụ tập về cùng mẹ nấu nướng, đãi cho cả nhà một bữa thật ngon và ấm cúng. Sinh nhật nào tôi cũng nhìn trong mắt mẹ lấp lánh niềm vui. Nhưng trong lòng tôi vẫn thấy sợ. Tôi sợ qua một cái sinh nhật, mẹ tôi già đi, sợ mẹ yếu đi…. Tôi muốn mẹ tôi luôn khỏe mạnh để có thể thấy tôi và các em ổn định, hạnh phúc.

Rồi đến lễ tết hằng năm, như bầy con xa mẹ, anh em chúng tôi tụ tập đông đủ, tôi mới thấy những ngày đó là những ngày vui vẻ thật sự. tôi có thể về ở bên mẹ chừng đó ngày. Và có thể cùng các em làm các công việc như lúc nhỏ. Có thể được ngồi vào bàn ăn ấm cúng đông đúc các em, có thể được ngủ trên cái giường con con, có thể được chở mẹ đi chợ, có thể đi loanh quanh làng ôn lại mọi cảm xúc. Có thể cùng mẹ làm những món bánh truyền thống, có thể cùng mẹ đón đêm giao thừa chỉ có mấy mẹ con….những điều tưởng chừng như đơn giản ấy lại trở thành ký ức khó quên đối với tôi cũng như các em. Để rồi sau đó hết Tết, chúng tôi lại phải xa mẹ, tiếp tục con đường đời mà chúng tôi đi.

Thời gian trôi qua nhanh thật, tôi vẫn chưa làm được gì khiến mẹ an tâm…Sợ thời gian qua đi mất, khiến ta hối tiếc những tháng ngày ấm áp, hạnh phúc thuở nhỏ, khiến ta sống vội sống vàng, sợ ta sẽ già đi… Chỉ mong mẹ khỏe mạnh để cùng chúng con sống thật  vui vẻ, hạnh phúc. Mẹ ở bên với chúng con lâu lâu mẹ nhé! Yêu mẹ nhiều lắm mẹ ơi!

Tất cả hồi ức đẹp đẽ ấy, tôi luôn mang theo bên mình để nhắc nhở mình không được phép làm gì khiến mẹ tôi buồn. Và không được phép quên đi người mẹ đáng kính ấy…Trong thân tâm tôi vẫn luôn chứa đựng lòng biết ơn sâu sắc đến mẹ, tôi chỉ biết cố gắng và nỗ lực hết mình để không phải làm mẹ thất vọng về mình.

                                                             Đà Nẵng, ngày 10/10/2013

             Nguyễn Thị Lài
Trích dẫn

pth77's Photo pth77 07/03/2014

10 nguyên tắc để trở thành quý ông thời hiện đại


Hãy lịch thiệp

Nếu bạn là đàn ông, khi đi đón người phụ nữ của mình thì bạn hãy là một người lịch sự, kiên nhẫn và bình tĩnh. Thứ nhất, phụ nữ có những thói quen và sở thích khác biệt với đàn ông. Cũng như chúng ta thích xem bóng đá, trong khi đó phụ nữ thích đi shopping vậy. Họ có thể làm mọi thứ lâu hơn, chậm hơn so với bình thường. Ví dụ như họ muốn trang điểm thật đẹp, mặc một bộ đồ thật hợp để đi dự tiệc cùng bạn.
Cũng giống như ta chọn một cuốn sách thì phải xem rất kỹ, phụ nữ chọn đồ cũng vậy. Bạn nên nhớ rằng, hãy đối xử với người phụ nữ như là một tâm hồn để được yêu hơn là xem họ như món hàng hóa, hay là thứ đồ trang sức mà bạn chiếm đoạt hay chinh phục để giành cho riêng mình.

Hãy mở cửa cho phụ nữ

Khi bạn cùng bạn gái hay bà xã vào uống cà phê ở một tiệm hay một quán ăn nào đó thì việc đầu tiên bạn nên làm là mở cửa cho họ bước vào. Và cũng mở luôn cửa cho những người đi sau vào, khi đã vào hết thì bạn mới bước vào trong. Điều này cho thấy rằng bạn đang tôn trọng phụ nữ một cách hết mực và không chỉ có phụ nữ mà đối với những người khác cũng vậy. Hoặc khi ngồi vào bàn ăn thì bạn hãy là người kéo ghế cho người phụ nữ của mình ngồi xuống, như vậy thể hiện sự quan tâm của bạn. Đây là những điều rất nhỏ nhặt và không tốn tí sức nào so với cơ thể lực lưỡng của bạn. Vậy nên hãy làm điều đó, vì nó sẽ mang lại hạnh phúc cho cô ấy và cả chính bạn nữa.

Nếu họ nói không thì là không

Nếu một cô gái nói với bạn rằng, cô ấy không muốn bạn đụng vào người cô ấy, hoặc bạn không nên làm một điều gì đó thì bạn nhất quyết không nên làm. Hãy tôn trọng họ hết mực. Vì khi một cô gái tỏ vẻ tức giận và không muốn ai đụng vào người mình thì lúc đó họ đang ở trong trạng thái muốn được yên hơn là bạn cố gắng làm cho cô ấy khó chịu. Nếu không là không, nên nhớ điều đó.

Hãy mặc đẹp và phù hợp

Nếu bạn đi cùng một cô gái, thì bạn nên mặc một bộ đồ đẹp, chỉnh chu và lịch sự. Chúng ta không cần phải mặc bộ đồ đắt tiền, nhưng những bộ đồ chúng ta mặc phải phù hợp với hoàn cảnh của buổi gặp hoặc chuyến đi chơi. Bạn cũng nên mặc đồ theo sở thích và phong cách thoái mái nhất có thể. Cũng không nên mặc một bộ đồ quá bóng bẩy, nhìn chói lóa vì lúc đó sẽ làm cho cô ấy bị che lấp mất. Hãy cùng người phụ nữ của bạn phối đồ cho phù hợp với phong cách của cả hai. Như thế mọi chuyện có vẻ tốt đẹp hơn rất nhiều.

Tinh tế trong chuyện nhà bếp

Bạn có thể nấu một bữa ăn đơn giản hoặc có thể trồ tài một món độc chiêu nào đó của bạn để gây ấn tượng với người phụ nữ của mình. Đừng bao giờ tỏ thái độ chống tay vào hông và nhìn người phụ nữ của mình phải làm việc nhà vất vả. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt như trông em bé, nhặt rau muống hay làm bất cữ việc nào mà bạn thấy có lợi cho người phụ nữ và gia đình của mình. Cho dù việc đó người ta gọi là “việc của phụ nữ”.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn là đàn ông mà không nhúng tay vào chuyện bếp núc thì thật sự đó là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Đàn ông cũng con người, mà muốn ăn thì hãy lăn vào bếp. Ok?

Hãy học cách kiềm chế và giữ bình tĩnh

Thông thường, một người đàn ông sẽ nóng tính hơn người phụ nữ rất nhiều lần và điều này đã được khoa học chứng minh. Và rằng nếu bạn là đàn ông thì không thể tránh khỏi những lúc giận dữ . Hãy thật bình tĩnh và hít thật sâu. Thứ nhất, mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân và bạn phải tìm ra nguyên nhân của nó. Thứ hai, bạn nên biết rằng nóng giận sẽ mất khôn và ra quyết định khi nóng giận thì lúc đó không phải bạn ra quyết định nữa mà chính là sự nóng giận trong bạn ra quyết định. Hãy ngồi xuống, bình tĩnh, uống nước thật nhiều rồi sau đó nghe người phụ nữ của bạn giải thích. Đừng nóng giận quá mà dẫn tới hành vi bạo lực hay là dùng lời nói phũ phàng để chia tay. Thật là không tốt tí nào phải không các bạn.

Yêu tất cả mọi thứ thuộc về họ

Đừng bao giờ cho rằng, những sự thay đổi về hình thức bề ngoài như kiểu tóc hay vóc dáng của cô ấy là một điều gì đó tồi tệ. Và bạn cũng đừng tỏ thái độ lên mặt rằng bạn không thích những điều đó. Nếu bạn yêu cô ấy, bạn hãy chấp nhận sự thay đổi đó vì bạn cũng là một người phải thay đổi. Hãy yêu tất cả những gì thuộc về cả tính cách hay vẻ bề ngoài. Vì đơn giản tình yêu là cảm giác được yêu, chứ nhiều khi không phải những thứ ta tưởng chừng cái đẹp là yêu. Hãy luôn ủng hộ họ thay đổi những phong cách thật phù hợp và cùng nhau tư vấn về cách làm sao để họ thật đẹp nhất trong mắt bạn.

Đừng khoác lác về bất cứ thứ gì

Đừng có kể với cô gái của bạn về những thứ mà bạn không có hay bạn không sở hữu. Đừng có khoác lác về những khoản tiền mà bạn không có hay chiếc xe mà bạn sở hữu. Hãy tìm cách chứng minh rằng, bạn sẽ là một điểm tựa, một người có thể làm việc chăm chỉ để kiếm được những khoản tiền và những chiếc xe sang trọng thay vì bạn cứ nghĩ rằng mình chém gió thì người yêu mình sẽ thích và nghe theo. Phụ nữ họ rất tinh tế, dù biết là bạn chém gió nhưng họ sẽ không nói ra đâu. Hãy thật sự cẩn thận, đừng bao giờ kể lể hay khoác lác về bất cứ thứ gì mà bạn không có.

Đừng cố gắng trở thành một người mà mình không hề muốn

Dù bạn béo hay gầy, cao hay thấp thì đó điều thuộc về nét riêng vốn có của bạn. Vậy nên bạn cũng đừng cố gắng trở thành một người mà mình không hề muốn ví dụ như việc bạn tập thể hình quá sức để cố gắng có một body 6 múi nhưng thực sự bạn không thật sự muốn điều đó mà chỉ là mong mình đẹp trong mắt bạn gái bạn hơn. Đừng nên như vậy, hãy để mọi thứ tự nhiên như vốn có về bản chất của bạn. Hãy làm khi bạn thật sự thích. Đừng cố gắng sử dụng một số chất kích thích như rượu bia, thuốc lá để thể hiện rằng mình là một người đàn ông thật sự. Bạn sai lầm rồi, người đàn ông thật sự là người có thể gánh vác và che chở cho người phụ nữ của mình chứ không phải những thứ đó. Ok?

Hãy là một người đàn ông đúng nghĩa

Nếu bạn thích một cô gái hãy sẵn sàng nói rằng: “Anh yêu em”. Dù rằng câu trả lời sẽ khó đoán nhưng nếu bạn không nói thì câu trả lời sẽ là không. Nếu yêu thì hãy dám nói lên nhé! Thứ hai, khi gặp chuyện bất bình hay điều gì đó có thể tổn thương người phụ nữ của mình thì hãy đứng lên và bảo vệ họ. Lúc đó chính là lúc bản lĩnh đàn ông của bạn được thể hiện.
Và điều cuối cùng, hãy là một người đàn ông chân thành, tốt bụng, lương thiện và cư xử một cách hòa nhã.

“Mọi giá trị trên cuộc đời này sẽ là vô nghĩa, nếu thiếu vắng đi hình bóng của người phụ nữ.” - Khuyết danh

Phiên bản việt tác giả: Nguyễn Quang Nam

(The 20 Rules Of Being A Modern Gentleman – Writer: Kate Balley)


Sửa bởi pth77: 07/03/2014 - 17:08
Trích dẫn

pth77's Photo pth77 08/03/2014

Đàn bà là gì?
Nguyễn Việt Hà


Một câu hỏi lớn không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau

(Huy Cận)


Theo từ điển thì khái niệm đàn bà là tương đối đơn giản. Từ điển ở Ta cho rằng, đấy là nữ giới nói chung và phải là những người đã trưởng thành. Từ điển ở Tây cũng hao hao như vậy, cuốn Petit Larousse đầy uy tín của người Pháp giải nghĩa. (Xin chép nguyên văn bằng tiếng ănglê, thứ tiếng mà rất nhiều đàn bà Việt đương đại vừa mê vừa thích vừa thành thạo).

1. A female human being - Distinguished from man. Đại loại, đàn bà là sinh vật giống cái cốt để phân biệt với nam giới.

2. An adult female human being - Distinguished from girl. Đại khái vẫn là sinh vật giống cái, cốt để phân biệt với đám lóc nhóc thiếu nữ.

Nghĩa một thì dễ hiểu quá rồi, còn nghĩa hai hơi mang tính cơi nới nhưng kha khá nghiêm ngặt. Nếu tuân thủ theo đúng nghĩa (2) thì đàn bà không có ở tuổi teen, và hiển nhiên sẽ không được phép mặc đồng phục trung học vào nhà nghỉ.

Bọn họ vẫn có thể mang vẻ ngây thơ nhưng không thể cùng một lúc nhuộm tóc hai màu xanh đỏ rồi nhí nhảnh kẹp ba phi xe đánh võng. Thêm nữa, quan chức đàn ông nếu nhỡ có thân thiết với đàn bà thì đạo đức mặc nhiên sẽ thăng hoa bởi không bao giờ mắc phải cái tội ngớ ngẩn, lạm dụng vị thành niên.

Từ điển học thuật rắc rối quá, dân gian quan niệm dịu dàng trong sáng hơn nhiều. Đàn bà đương nhiên chỉ giản dị hoặc là vất vả mẹ hoặc là tần tảo chị. Họ cũng có thể là cần mẫn vợ hoặc là bạc bẽo người tình. Họ đôi khi tài sắc vẹn toàn như Thuý Kiều, lại có lúc thỉnh thoảng xấu xí ít học như thị Nở.

Có người trong trắng thuỷ chung như tiểu thư Juliet trong kịch Shakespeare, lại có người dâm loạn điêu trác như Mã phu nhân trong trường thiên kiếm hiệp “Thiên long bát bộ”. Có người là chót vót “phụ nữ của năm” như diễn viên chơi vơi Đỗ Hải Yến, lại có người là tột cùng tội phạm quốc gia như nữ lưu manh Phúc “bồ”. Nói chung, đàn bà giống như thơ, bởi có bao nhiêu người làm thơ là có bấy nhiêu định nghĩa.

Vì thế, nếu phải miễn cưỡng rốt ráo định nghĩa đàn bà thì vẫn đành dựa vào các trước tác kinh điển. Theo Kinh Thánh, sau khi đã sáng tạo ra mọi loài, Thiên Chúa phát chán bèn rút xương sườn của “đàn ông nông nổi giếng khơi” để rồi làm ra một thứ “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”.

Chắc là xót xa đau quá nên đàn ông đã hốt hoảng cảm thán “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi, người này sẽ được gọi là đàn bà vì đã được lấy ra bởi đàn ông”. (Sách Sáng thế 2; 23). Về sau, đàn bà bị con rắn quyến rũ xui nuốt táo, phạm vào tội lê la ăn quà vặt nên Thiên Chúa đã mặc định bọn họ “Ta sẽ làm cho mày chịu nhiều đau khổ lúc thai nghén. Mày sẽ phải đau đớn khi sinh con, mày sẽ phải quỵ luỵ chồng mày và chồng mày sẽ làm chủ mày”. (SSt 3; 16).

Kinh Cựu ước được nhiều học giả lắm bằng ở ta cho là quá mang quan điểm thành kiến phương Tây. Ở phương Đông, kinh Phật của người Việt do minh quân thiền sư Trần Thái Tông khởi tác mang quan niệm về đàn bà có vẻ hay hơn. “Lưng ong tóc mượt hay khiến tính hoặc tâm mê. Sắc én mày ngài đưa đến hồn xiêu phách lạc.

Kẻ mê say đoạn nghĩa thầy bạn, kẻ tham đắm đức mất đạo tan. Vậy có kệ rằng: Mặt trắng môi son điểm phấn đào. Long lanh đưa mắt gây lao đao. Chẳng qua một túi da nhơ bẩn. Cắt đứt ruột người không cần dao”. (Khoá hư lục - Văn giới sắc). Hình như hai quan niệm kể trên bị nhiều đàn bà hiện đại nhăn nhó không thích. Thôi đành dẫn Khổng Tử, một bậc Thánh của đạo Trung Dung.

Duy nữ tử dữ tiểu nhân, vị nan dưỡng dã. Cận chi tắc bất tốn, viễn dữ tắc oán” (Luận ngữ, thiên Dương Hoá). Nôm na ý của cụ Khổng là, đàn bà với tiểu nhân khó nuôi lắm. Ở gần thì bọn họ nhờn, ở xa thì họ oán. Có phải thế chăng mà rất đông nho sĩ thường để móng tay lá lan thật dài, chắc họ cẩn thận đề phòng những khi bắt buộc phải vuốt ve vợ.

Thế nhưng nói cho cùng, thì ở phía trong thăm thẳm sâu xa của đạo Thiên Chúa, đạo Phật hay đạo Nho, luôn đẫm đầy trân trọng tính nữ. Trên cuộc đời có nhiều cay đắng phiền muộn này, còn gì thiêng liêng trinh bạch hơn được Đức Mẹ Maria, còn gì từ bi cao cả hơn Đức Phật bà Quan thế âm bồ tát cứu khổ cứu nạn.

Và đã biết bao nhiêu thế hệ nhà Nho rưng rưng tâm phục khẩu phục khi chợt nhắc đến bà Mạnh mẫu, người mẹ tần tảo nghiêm khắc hết mực yêu con của á Thánh Mạnh Tử. Có thể nói, tất cả những giá trị đậm đặc tinh hoa nhất của đàn bà đều thăng hoa đọng lại trong hai từ vĩ đại “người mẹ”.

Chẳng cần biết đàn bà có thể tệ đến đâu, chỉ cần họ trưởng thành làm mẹ là lập tức cái nhân loại khốn khổ này được cứu rỗi. Bởi cái đám đàn ông quen chật hẹp đố kỵ khoe khôn soi mói kia, có thể không có chị, có thể không có vợ, có thể không có bồ nhí nhưng vĩnh viễn chưa bao giờ bọn họ lại không có hiền mẫu. Chính ở đây, câu hỏi tưởng hoành tráng, “đàn bà là gì?”, bỗng rơi rụng thành vớ vẩn.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày quốc tế phụ nữ mùng 8/3 lại được tất thẩy đàn ông, kể cả những tay đã bất hạnh ly hôn hay bị người tình bán rẻ, luôn nghẹn ngào nức nở giữ gìn.
Nguồn: Tạp chí Đẹp
Sửa bởi pth77: 08/03/2014 - 02:03
Trích dẫn

pth77's Photo pth77 09/03/2014

Đam mê là gì? Làm sao để giữ lửa đam mê?
Đam mê là một khái niệm mà đôi khi bị nhầm lẫn với ước mơ, hoài bão, khát vọng… Chả sao cả, chúng ta không phải đang ở trong một giờ học ngôn ngữ nên cứ làm sao hiểu đúng vấn đề là được, tóm lại là tôi sẽ dùng từ đam mê để đại diện cho những thứ vừa nêu trên. Theo tôi, đam mê là thứ mà một số ít người sống cùng nó cả đời, làm việc vì nó, kiếm tiền từ nó và để lại những giá trị cho người khác từ nó trong khi đó một số người lớn hơn bỏ một phần đời để tìm kiếm nó mà không thấy và phần còn lại thì không buồn quan tâm xem nó là gì.

Tìm kiếm và nhận diện đam mê

Đặc điểm cơ bản nhất mà mọi đam mê đều có chính là sự kích thích, nghĩa là khi bạn làm việc trong đam mê thì sẽ không có mệt mỏi, chán nản, lo lắng mà thường trực nhất chính là niềm vui. Được làm việc với đam mê là một loại hạnh phúc. Đây là một điểm quan trọng trên con đường tìm kiếm đam mê của chính mình nếu ta chưa tìm thấy nó.
Đặc điểm nguy hiểm nhất của đam mê chính là sự nhầm lẫn. Đây cũng là điểm khiến cho nhiều người có lòng phải bỏ phần lớn cuộc đời vẫn chưa thể tìm thấy đam mê chân chính của họ. Một phần cũng là do sự định hướng của thời đại, ví dụ như vài năm trước công nghệ thông tin mới phát triển làm cho nhiều người trẻ nghĩ rằng mình cũng rất có thể là Bill Gates thứ hai, họ lao theo ngành tin học và nhận ra nó không dễ dàng, thú vị như họ nghĩ. Tôi cũng từng lầm tưởng như vậy trong một thời gian dài, cũng có một số thành tựu nhất định nhưng rồi tôi nhận ra đó không phải là con đường mình mong muốn.
Hay như sự bùng nổ của giới ca nhạc hiện nay khiến nhiều người trẻ đi theo tiếng gọi đam mê và tạo ra khá nhiều “thảm họa” “bi kịch” “scandal” và đủ thứ trời ơi đất hỡi khác. Ở lĩnh vực văn hóa cũng vậy, sách vở ngày nay quá nhiều, Tây ta tràn lan, các loại triết lý, văn chương, thơ phú để “tham khảo” nhiều đến mức chỉ cần chăm chỉ đọc và học là có thể trở thành “nhà văn” ”nhà thơ” “nhà hiền triết” ở một mức độ nào đó.
Điều này cũng lại gây cho ta sự nhầm lẫn rằng: “Đây đúng là con đường của mình, mình chỉ có thể là nhà văn chứ không là ai khác”… Nhưng khi viết ra thì những “tác phẩm” thật là ô hô. Đó là sự bi ai của những người muốn đi tìm đam mê và bị thu hút bởi những con đường hấp dẫn.
Điểm gần gũi nhất với đam mê có thể tìm thấy trong mỗi người chính là sở trường của họ. Để bắt đầu tìm kiếm đam mê, hãy nghĩ về sở trường của bạn: Chuyện mà bạn có thể làm tốt nhất là gì? Khi bạn làm tốt điều gì đó, mọi việc sẽ dễ dàng hơn, thành công nhiều hơn và giúp bạn càng hứng thú hơn nữa để đi tiếp con đường đó cho đến hết cuộc đời. Tuy nhiên lưu ý quan trọng là đừng vội xác định việc gì là sở trường khi số chuyện bạn làm chỉ đếm trên đầu ngón tay! Hãy quan sát, nghiên cứu, hãy tham gia, hãy làm nhiều việc khác nhau để hiểu về khả năng của chính mình và xem mình thích làm chuyện gì nhất, không quan trọng chuyện đó có tốt hay không trong mắt người khác.
Có thể là đá bóng, có thể là võ thuật, có thể là học toán, học văn, học vật lý, có thể là vẽ, hát… Lưu ý quan trọng thứ hai chính là những việc có thể giải trí rất dễ bị nhầm lẫn như: Game, bóng đá, ca hát, võ thuật… hãy cân nhắc thêm vài lần nếu bạn xác định đam mê của mình nằm trong những lĩnh vực này.

Giữ lửa đam mê

Yếu tố đầu tiên chính là… tiền đâu?! Tiền giết chết đam mê của rất nhiều người trong số chúng ta, chúng ta phải từ bỏ đam mê của mình để tìm một nghề nghiệp ổn định có thể làm ra tiền nuôi sống bản thân, rồi nuôi gia đình, vợ con… Ta phải “quẳng gánh vui đi mà lo sống”, đến một lúc nào đó rồi thì đam mê sẽ chỉ còn hiện về trong những giấc mơ hiếm hoi sau một ngày dài mệt mỏi. Cho nên, nếu đã tìm thấy đam mê của mình thì ta phải có kế hoạch chu toàn cho nó.
Tôi nghe ai đó hay nói là: “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn.” Rất hay và rất đúng! Nhưng đoạn đường từ lúc bạn theo đuổi đam mê cho tới khi thành công đuổi kịp bạn là bao xa? Bao lâu? Trong thời gian đó bạn sống bằng gì? Ai nuôi? Sống ở đâu? Vợ, con bạn ai nuôi? Thời nay muốn tìm cô vợ “quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng” như cụ Tú Xương là điều không thể đâu bạn ạ!
Tóm lại là bạn phải vạch ra một kế hoạch, một lộ trình đi đến ước mơ, trong đó ước mơ của bạn phải sinh ra tiền để nuôi sống bạn. Nếu thấy con đường đó quá mức bất khả thi, hoặc đã thực hiện và đã thất bại thì nên chọn con đường thứ hai, đó là hãy tìm việc làm để nuôi hai đứa: Bạn và đam mê của bạn. Có thể bạn sẽ học một ngành khác, làm một nghề khác, chỉ cần bạn đừng nghĩ rằng hết đại học là hết đời, thế thì bạn có cả cuộc đời để theo đuổi đam mê.
Yếu tố thứ hai là giá trị: Hãy xác định xem đam mê của bạn nếu thành công thì sẽ mang lại giá trị gì, cho những ai? Điều đó sẽ giúp bạn có thêm động lực khi cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa, và nó cũng giúp bạn có những định hướng đúng đắn khi thực hiện đam mê, nhiều ý tưởng và thành quả tốt đẹp sẽ đến với bạn nếu bạn hướng đến tạo ra giá trị cho nhiều người. Nếu đam mê đó chỉ vì thỏa mãn một mình cá nhân bạn thì bạn nên xác định lại là hơn.
Yếu tố thứ ba là cộng đồng, cộng sự: Hãy tìm đến một cộng đồng có cùng đam mê, điều này dễ dàng thực hiện với môi trường internet hiện nay. Hãy học thêm tiếng Anh để có thể tham gia các diễn đàn nước ngoài nếu cần thiết (tôi cho rằng rất cần thiết). Tìm một hay nhiều cộng sự, hoặc người bạn có thể chia sẻ, trao đổi ý tưởng. Một cộng sự tốt sẽ giúp bạn giữ được lửa đam mê.
Yếu tố thứ tư là các bậc danh nhân, tiền bối trong cùng lĩnh vực: Dù bạn đang đi trên con đường nào thì cũng luôn có những người đi trước, hay nếu bạn có đi trên một con đường hoàn toàn mới thì vẫn nên tìm hiểu và học hỏi những người đã đi hết cuộc đời họ trên con đường mà họ đam mê. Điều này giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian và học hỏi nhiều kinh nghiệm, và rất nhiều động lực từ gương thành công của họ.
Yếu tố thứ năm: Hãy chăm chỉ đọc sách.
Câu chuyện về đam mê còn rất dài, rất dài. Nếu bạn đã tìm thấy và nuôi dưỡng được đam mê của mình, thì chính bạn viết tiếp sẽ hay hơn!
Xin chúc bạn mọi điều may mắn.



Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo


Sửa bởi pth77: 09/03/2014 - 19:35
Trích dẫn

pth77's Photo pth77 09/03/2014

Sáu yếu tố để đánh giá một con người

Nhìn nhận con người là một việc làm vừa khó khăn vừa rủi ro, nhưng nếu làm đúng thì “lợi nhuận” hiển nhiên cũng rất lớn. Vì vậy, con người ta mặc dù không bao giờ hiểu hết được người khác (hiểu hết bản thân còn chả được) nhưng do yêu cầu cuộc sống, vẫn luôn phải đưa ra các đánh giá tốt nhất có thể trong công việc, tình cảm cũng như mọi mối quan hệ khác.
Về phương pháp luận, đánh giá con người phải hướng đến dự đoán về hành vi của cá nhân đó trong những trường hợp khác nhau, mà quan trọng là cách cá nhân đó suy nghĩ ra sao, đặt vấn đề gì lên trước tiên khi đối mặt với hoàn cảnh. Chính vì vậy, bản thân tôi cũng cố gắng đúc kết cho mình một bộ quy tắc nhằm xem xét các cá nhân có tính chất tham khảochiêm nghiệm. Tuy nhiên chiêm nghiệm của bản thân thì vừa lâu, vừa thiếu hiệu quả vì vậy xin phép được chia sẻ với mọi người.
Bộ tiêu chuẩn đánh giá của tôi xin chia làm 6 yếu tố: Nhân, nghĩa, trung, tín, dũng, trí.

Nhân: không bất chấp thủ đoạn là nhân

Tiêu chí đánh giá này là dựa trên cách thức đạt được những điều mà cá nhân mong muốn để đánh giá con người họ. Lấy cái thỏa mãn bên ngoài làm đối sánh với sự thỏa mãn giá trị bên trong.
Con người khi sinh ra hoặc buổi khởi nguyên vốn không nhận thức được gì ngoài những nhu cầu bản năng. Dần dần chúng ta học được cách hy sinh những nhu cầu trước mắt để đạt được cái lợi dài hạn hơn. Tụ họp lại trong cộng đồng là một trường hợp như vậy, khi con người cần hy sinh một phần lợi ích của bản thân cho người khác để có một tổng lợi ích lớn hơn trong tương lai.
Đạo đức theo nghĩa truyền thống chỉ là một khía cạnh của yếu tố này khi các cá nhân hạn chế tự do của mình và tuân theo chuẩn mực chung để duy trì trật tự xã hội. Dần dần, từ phương tiện, đức hạnh trở thành, trong quá trình tiến hóa, một nhu cầu của con người. Những người có nhận thức và thâu nhận được văn minh của xã hội sẽ có nhu cầu tự thân tuân theo những chuẩn mực này và đấy là lý do cho tiêu chí thứ nhất.

Nghĩa: Trước sau như một là nghĩa

Thời thế thay đổi, con người cũng thay đổi, tùy vào việc khi địa vị, tiền bạc, học vấn… Của các cá nhân khác dần nhau theo thời gian, cách thức hành xử, suy nghĩ của họ về nhau thay đổi ít hay nhiều mà ta cho điểm tiêu chí này.
Khi các cá nhân đánh giá và quyết định thiết lập mối quan hệ với các cá nhân khác, họ luôn phải dựa trên các tiêu chí và đánh giá của bản thân mình. Nếu như các tiêu chí này sâu sắc, cơ bản đồng thời sự đánh giá nhìn nhận của một cá nhân là sắc sảo và nhạy bén thì những đánh giá này sẽ khó bị suy suyển hơn những đánh giá dựa trên những tiêu chí bề ngoài vốn luôn luôn thay đổi. Đây là nên tảng để xây dựng tiêu chí đánh giá này.
Khi đánh giá tiêu chí nghĩa, cần thận trọng, nên chọn đối tượng là những người càng thân cận càng tốt để đánh giá để tránh trường hợp các cá nhân nhìn sai đối tượng thay vì hệ tiêu chí giá trị quá tồi.

Trung: Gặp khó không lùi là trung

Con người ta muốn trung thành (hay là chung thủy) trong một mối quan hệ nào đó, trước hết phải trung thành với ngay những điều mà mình tin tưởng và theo đuổi. Vì vậy con người có phẩm chất này phải luôn luôn có niềm tin vào bản thân mình, không chấp nhận nhượng bộ những vấn đề thuộc về nguyên tắc. Từ đó rèn luyện cho họ khả năng đối đầu với các nghịch cảnh và bản lĩnh không lùi bước trước khó khăn. Do vậy cái tôi của những con người này là cái tôi dám chịu trách nhiệm.
Những người trong các công việc hàng ngày mà hay đùn đẩy thì tiêu chí này sẽ không đạt lắm. Tiêu chí này bình thường phải trải qua giông tố mới đo được (mà lúc đấy thì đã muộn) tuy nhiên nếu dùng phương pháp này có thể dự đoán được ai là người có thể cùng mình vượt qua khó khăn, ai là người phải luôn duy trì “khuyến khích”-mối lợi để họ có thể giúp đỡ mình.

Tín: Sống và làm việc có nguyên tắc là tín

Chúng ta tin một người nào đó chỉ khi chúng ta dự đoán được tương đối về cách thức người đó hành động. Nhưng để đạt được một sự ổn định trong cách hành xử không phải dễ do hoàn cảnh lúc thuận lúc nghịch. Một cá nhân phải nỗ lực mới có thể giữ cho mình không vi phạm các quy tắc chung. Điều đó chỉ đến khi các cá nhân đó có sự tôn trọng với các quy tắc này và một người chỉ tôn trọng quy tắc của người khác khi bản thân họ cũng có quy tắc và muốn được tôn trọng.
Các cá nhân làm việc một cách bừa bãi, thiếu nền nếp thường là người ít chữ tín. Khi hoàn cảnh thuận lợi cho một hành vi nào đó họ dễ dàng thực hiện hành vi đó, nói dối cũng chỉ là một trong các hành động có tính “thuận buồm” như vậy. Cần phân biệt với người chủ ý gây hiểu nhầm cho một mục đích nào đó với bất cứ cách nào, đó là người bất chấp thủ đoạn và thuộc về tiêu chí nhân. Người bất tín không phải lúc nào cũng là do họ có chủ ý xấu nhưng do sự bừa bãi của bản thân mà họ không giữ được hành động của họ đúng chuẩn mực. Ví dụ: Khi vay tiền thực sự muốn trả nhưng cầm tiền lại bị dụ dỗ đánh bạc và không trả được là bất tín, cố tình lừa đảo ngay từ đầu là bất nhân.

Dũng: Trên thì không khiếp nhược, dưới thì bao dung là người dũng

Con người có thế giới quan khác nhau, người thì cho rằng mình có thể thay đổi được các sự việc đang tồn tại, người thì không. Những người mạnh mẽ có niềm tin mãnh liệt vào khả năng của các cá nhân mà chính vì vậy họ coi trọng cá nhân hơn các mối quan hệ hiện tồn. Điều này tạo nên một cái nhìn bình đẳng của những con người này trong mối quan hệ với các cá nhân khác. Chính vì vậy họ không lấy vị thể của bản thân để đánh giá bản thân mình với người khác mà có cách hành xử lễ độ, đúng mực và cái nhìn bình đẳng với cả người có vị trí cao và thấp hơn mình.
Chúng ta có thể quan sát thấy chính những kẻ đi bắt nạt lại là những kẻ “chết cóng” khi bị bắt nạt lại, chính những học trò cho rằng thầy giáo không thể sai thì cũng không bao giờ cho rằng con mình có thể đúng (hơn mình). Một điểm dễ nhận thấy từ phần này là những người dũng ít sợ mình sai hơn vì họ không sợ bị mất vị thế trong mắt người khác do bản thân họ cũng không coi vị thế là cái có thể ràng buộc bản thân mình.

Trí: Lâm nguy bất loạn là trí

Bộ não chúng ta luôn làm việc theo cách: Tìm kiếm các câu trả lời có sẵn cho một vấn đề dựa trên những câu trả lời tương tự theo kinh nghiệm; nếu kết quả không có được thì lúc đó chúng ta mới suy nghĩ để tìm lời giải mới. Những cá nhân thiếu thói quen suy nghĩ sẽ gặp vấn đề khi vấp phải các trường hợp không quen thuộc. Do đó trong trường hợp bị thúc dục, cá nhân đó sẽ bị cuống và tê liệt.
Chính vì vậy tiêu chí này nhằm đo lường thói quen suy nghĩ của mỗi người. Nếu một người có thói quen suy nghĩ tốt, họ sẽ áp dụng “chế độ suy nghĩ” cho bộ não một cách dễ dàng như bản năng. Những người như vậy cũng sẽ là những người đạt được lượng tri thức lớn và chất lượng do cả một quá trình suy nghĩ lâu dài tạo ra. Vì vậy họ là người có trí. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng giúp lọc ra những người hay nghĩ vẩn vơ, thiếu thực tế vì dù họ có sử dụng đầu óc nhiều nhưng không hướng đến giải quyết vấn đề thực sự mà chỉ nhào nặn, theo đuổi vô định hướng những “vọng tưởng” trong não-nói đơn giản là nghĩ nhiều nhưng nghĩ quẩn.
Những trình bày trên còn rất sơ sài, tuy nhiên bài viết chỉ mong trình bày những điều cốt lõi cho mỗi cá nhân chiêm nghiệm và trao đổi thay vì trở thành một bài viết về kỹ năng nhìn người. Cuối cùng, dù các bạn muốn đánh giá người khác như thế nào, hạt nhân của vấn đề là phải biết tự đánh giá bản thân mới có thể rút ra những quy tắc chung của con người.


Revolutionary


Sửa bởi pth77: 09/03/2014 - 19:36
Trích dẫn

pth77's Photo pth77 13/03/2014

Bài hát Mexico "Hãy hôn em thật nhiều"

Giới soạn nhạc La Tinh đã cống hiến cho đời nhiều tình khúc bất tử. Người Uruguay rất tự hào với nhạc phẩm La Cumparsita. Dân Panama xem bài Historia de Un Amor như một di sản văn hóa. Người Cuba đưa bản Quizas, Quizas đi vòng quanh thế giới. Còn Besame Mucho từng được chọn là giai điệu Mêhicô hay nhất mọi thời đại.

Sở dĩ có sự lựa chọn như vậy là vì Besame Mucho (dịch sát nghĩa là Hãy hôn em thật nhiều) là ca khúc Mêhicô nổi tiếng nhất ở nước ngoài. Bản nhạc này cũng phá luôn kỷ lục về số lượng ghi âm, vì tính tới nay, bài đã có trên dưới hai ngàn phiên bản. Do vậy, cũng không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm khi Mêhicô đã nhiều lần vinh danh tác giả bài hát là bà Consuelo Velasquez với những giải thưởng cao quý nhất.

Có hai điều khá thú vị đáng được RFI ghi nhận : thứ nhất, trong số các nghệ sĩ tên tuổi cùng thời, bà Consuelo Velasquez là gương mặt phụ nữ hiếm thấy chuyên soạn nhạc bolero. Thứ nhì, bà Consuelo sáng tác một ca khúc cực kỳ lãng mạn, hết sức trữ tình, cho dù bà chỉ mới ở cái tuổi dậy thì, ở cái thời trinh nữ chưa biết tình yêu chăn gối hay rung động xác thịt là gì.


Besame Mucho (Micheal Buble & Thalia)

Để so sánh, tác giả Consuelo Velasquez đã soạn nhạc phẩm Besame Mucho năm mới 15 tuổi, trong khi tác giả Carlos Eleta Almaran sáng tác bài hát Historia de un Amor (Chuyện tình yêu) năm ông 37 tuổi, còn Osvaldo Farres soạn ca khúc Quizas, Quizas ở tuổi 45.

Vậy thì điều gì đã khiến cho một thiếu nữ trong trắng trinh nguyên lại viết lên một ca khúc nồng nàn say đắm, lãng mạn đượm thắm đến như vậy. Nhạc phẩm Besame Mucho ra đời đầu những năm 1940, thời mà xã hội Mêhicô còn rất bảo thủ, nếu không nói là trọng nam khinh nữ. Thời mà hôn nhân là do cha mẹ sắp đặt, định đoạt. Thời mà các gia đình sùng đạo tạo ra những khuôn thước tư tưởng, mà người đàn bà khó thể nào mà xé rào vượt qua.

Trong cái khuôn khổ trật tự ấy, nơi mà người đàn bà được răn bảo từ thuở ấu thơ là nên tránh tiếp xúc với đàn ông, dục vọng là cám dỗ, nụ hôn là tội lỗi, bà Consuelo Velasquez đã dám dùng trí tưởng tượng để nói lên nỗi đam mê hừng hực bùng cháy qua biểu tượng nụ hôn. Sự táo bạo của bài hát nằm ở chỗ đó, do nó phản ánh cương vị của tác giả vào cái thời mà bà đang sống.

Giả sử như bà Consuelo Velasquez viết bài này vào những năm 1970, thời kỳ của Cách mạng tình dục và phong trào đòi nữ quyền, giải phóng người phụ nữ, thì chưa chắc gì bản nhạc sẽ có tiếng vang lớn đến như vậy. Chính cái bối cảnh khắt khe ràng buộc mới làm cho ý tứ của bài hát trở nên cực kỳ sexy, vô cùng táo bạo.

Chris Isaak-Besame Mucho

Nhạc phẩm Besame Mucho được viết tựa như một kịch bản phim đầy chi tiết. Một cặp tình nhân quấn quýt bên nhau như thể họ đang sống trọn bên nhau một đêm cuối cùng trước khi xa rời vĩnh viễn. Nghe bài hát người ta có thể hình dung ra một màn phim quay cận ảnh, nơi mà đôi tình nhân vòng tay ghì chặt, đắm đuối nhìn nhau, chết lịm ánh mắt.
Trong tiếng Tây Ban Nha, chữ hôn em "besame" được dùng dưới dạng động từ chứ không phải là danh từ, cái ý tưởng ngày mai sẽ chia ly càng lớn trong tâm trí, thì đôi tình nhân càng gần với nhau qua thể xác. Lối dùng ca từ tượng hình, để nói lên các động thái càng lúc càng cận kề ấy đánh vào trí tưởng tượng của người nghe, khiến họ phải hình dung ra cặp tình nhân này đang làm gì với nhau.

Cách dùng hình tượng cận ảnh chứ không phải là toàn cảnh, cho thấy sự chuyển động rất gần và vì rất gần nên không thể nào thấy hết. Bài hát chỉ nói đến một phần thôi, người nghe tự mình sẽ đoán ra hết tất cả những gì có thể xảy ra trong cái đêm định mệnh ấy.

Besame Mucho Cesaria Evora

Sinh năm 1916, mất năm 2005, Consuelo Velazquez thời còn trẻ đã tốt nghiệp nhạc viện thành phố Guadalajara. Bà vào nghề như một nghệ sĩ dương cầm, biểu diễn trong khuôn khổ Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Mêhicô. Song song với sự nghiệp chơi đàn piano cổ điển, bà còn sáng tác hàng trăm ca khúc nhạc nhẹ, nhưng không có bài nào đạt đến tầm vóc kinh điển của bài Besame Mucho.

Bài hát này được ca sĩ Emilio Tuero ghi âm lần đầu tiên vào năm 1941, nhanh chóng trở thành một ca khúc ăn khách để rồi được chuyển dịch sang hàng chục thứ tiếng. Riêng trong tiếng Việt, bản nhạc này có ít nhất là hai lời khác nhau.

Lời thứ nhất do tác giả Y Vân đặt cho bài hát với tựa đề ‘‘Đời như giấc mơ’’. Lời thứ nhì là của tác giả Trường Kỳ với tựa “Yêu nhau đi”, và đây là phiên bản thông dụng nhất vì đa số các bài ghi âm tiếng Việt đều chọn lời của tác giả Trường Kỳ.

La maja y el ruiseñor Granados Goyescas

Nói rằng Besame Mucho là một bản nguyên tác của Consuelo Velasquez không hoàn toàn đúng. Bởi vì khi viết bản nhạc này ở tuổi 15, Consuelo đã vay mượn khá nhiều từ các bậc tiền bối. Khi bạn nghe kỹ, thì hai câu mở đầu bài Besame Mucho đã lấy lại một giai điệu của nhà soạn nhạc cổ điển Enrique Granados người Tây Ban Nha.

Trong những câu sau và nhất là trong phần điệp khúc, bà Consuelo Velasquez đã ngẫu hứng biến tấu theo câu mở đầu, thay đổi cấu trúc thành điệu bolero, dựa vào ca từ để mở ra một bối cảnh cụ thể và dẫn dắt câu chuyện trong bài hát. Tác giả Enrique Granados cùng với các nhà soạn nhạc Isaac Albéniz, Manuel de Falla và Joaquín Rodrigo, được mệnh danh là Tứ Quý, tiêu biểu cho sự khởi sắc của dòng nhạc cổ điển Tây Ban Nha cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Trong các kiệt tác của nhà soạn nhạc người Tây Ban Nha, có tác phẩm mang tựa đề là Goyescas, một tổ khúc gồm 6 điệu đàn dương cầm gợi hứng từ thế giới hội họa của Francisco Goya. Tổ khúc này còn có tiểu tựa : Đôi tim non trẻ yêu đương (Los majos enamorados).

Andrea Bocelli Besame Mucho Latin Grammy 2006

Trong sáu giai điệu này, có khúc đàn số 5 với tựa đề là "Lời thở than hay Thiếu nữ và Cánh chim Họa mi" (Quejas, o La Maja y el Ruiseñor), nổi tiếng là rất khó đối với người chơi đàn, do các nốt nhạc bay bổng thường được viết liền nhau, buộc người độc tấu dương cầm phải vuốt cùng lúc nhiều phím đàn, để tạo ra tiếng hót thánh thót của chim họa mi.
Tác giả Enrique Granados viết khúc đàn này để tặng cho vợ (bà Ampero). Tựa như bàn tay của một nhà kim hoàn mài dũa trau chuốt một viên ngọc, ông Enrique Granados đã chạm trỗ, khắc họa nhiều chi tiết vào giai điệu, để rồi qua đó, ông gửi gấm tất cả những cảm xúc tình tứ sâu lắng nhất.

Khi vay mượn lại những câu đầu của khúc đàn số 5, bà Consuelo Velasquez giữ lại tiết tấu tha thiết của giai điệu, cũng như hình tượng của đôi tình nhân trong cái thuở yêu thương say đắm ban đầu. Từ giai điệu Tiếng chim Họa mi, bà ứng tấu thành một bản Dạ khúc cho đôi Tình nhân.

Vượt thời gian, bài hát Besame Mucho đã đi vào huyền thoại. Vượt không gian, bản nhạc trữ tình này nói lên được một điều mà tuổi trẻ ở nơi nào cũng dạt dào khát khao : Sống như thể ngày mai ta chết. Yêu cho đến tàn đêm .
Nguồn: Sưu tầm
Sửa bởi pth77: 13/03/2014 - 12:39
Trích dẫn

pth77's Photo pth77 13/03/2014

Quan sát và Tổng kết

Nguyễn Tất Thịnh


Trong hơn một tháng làm việc vừa qua, đi đây đi đó, thời gian này cũng như mọi lần…Tôi đã lại tự tổng kết những bước đường mà viết thêm 30 câu dưới đây. Rồi sau một năm cùng với những bài viết khác được tuyển in thành từng cuốn sách mang tên ‘Hành trình Nhân Sinh quan’ của tôi, tự cảm thấy cuộc sống của mình cũng giàu có thêm bởi sự hiểu thêm, chia sẻ được nhiều hơn…đi vào những bài giảng và cuộc nói chuyện với các Bạn đây đó…
1. Kẻ ích kỷ không bao giờ làm đầy được bản thân bởi giá trị xứng đáng tự tạo ra, ngoài thói xấu ‘muốn người khác vì mình’ đã chứa nặng trong tâm trí mà bị đầy đọa
2. Kẻ nói về lý do từ bên ngoài thì năng lực của họ nhỏ hơn điều đó, chính họ là rào cản cho sự hanh thông chứ không phải là lý do đó, và đáng tiếc cho người phải nghe
3. Khi Lòng Tốt của số đông luôn bị thử thách bởi lạm dụng, thường gặp sự vô ơn mà không được ca ngợi lại chịu sự gian trá thì kẻ hủy hoại nó chính là chính khách lưu manh
4. Tòa Lâu đài đẹp luôn là một điểm đến tuyệt vời. Nhưng phần lớn ở nơi vốn chưa có sẵn đường mà chỉ toàn chông gai, nhờ tư tưởng định hình Thiên Địa Nhân mà tạo nên nó
5. Kẻ tầm thường sống luôn bị chi phối và chờ đợi điều phi thường. Người có tư chất ‘Hoàng Đế’ hành xử theo ‘Thiên Mệnh’ xây nên Vương Quốc từ những điều tầm thường
6. Khi Bạn cho điều gì là quan trọng thì là quan niệm riêng thôi. Nhưng nếu phải mượn đến người khác để theo đuổi nó, hãy nên xử sự để họ được cảm thấy cao hơn thế
7. Khi Ta yêu Người bằng cả Trái Tim tươi Hồng và cái đầu Chí Thiện thì dù ai sẽ là ai, dù mọi điều sẽ như thế nào, Ta không hề mắc tội
8. Khi Bạn bị người ghét nhưng không làm Trái Tim đen đúa, cái đầu không chìm vào xấu xa, thì dù ai đã là ai, dù mọi điều đã thế nào, Bạn không sinh ra lỗi
9. Dù cuộc sống có như thế nào, chúng ta hãy : suy nghĩ thực tiễn, cảm xúc tươi đẹp, bắt đầu từ chính mình, làm việc tốt lành đó là con đường Thiện An
10. Mặt Trời cứ tự đốt cháy mình lan tỏa năng lượng vĩ đại vào Vũ trụ không do dự gì vàTrái đất cứ quay xung quanh không do dự gì, hàng tỉ năm…
11. Tổng thống vĩ đại bởi tuyên thệ từng xu tiền được đảm bảo, từng người dân có cơ hội việc làm, thực hiện nhờ sự Liêm Chính và giữ sự công bằng của Pháp Luật
12. Sự yên ổn thiết yếu cho Cừu hơn cho Sói. Nếu Sói không được quyền như Trời sinh ra nó và tặng cho, sẽ bất hạnh hơn Cừu lắm, nhưng Người có thể bị hiểm nguy
13. Kẻ bề trên có đốt đuốc mà không thành tâm đi tìm hiền sĩ thì ngọn lửa đó thực ra chỉ trở thành nơi dụ muôn kẻ thiêu thân lao vào ‘tưởng bở’ mà thôi
14. Vô Chấp là gì ? Khi Ta bỏ qua mọi điều của Nó, vô hiệu mà mà tránh được tác động không mong muốn từ Nó, buông thoát khiến Ta không bị bận Tâm hay cản trở
15. Kim cương quá đắt nên ít người sở hữu được, nhưng đi vào Khoa học đã tạo nên muôn lợi ích cho Nhân Loại, cho nên : giá trị của bạn là Điều gì của Bạn được phổ cập
16. Năng lực của mỗi người thể hiện ở những việc họ làm được dù bất thuận, nhưng Nhân cách của họ ở những Điều họ không bao giờ làm dù có lợi mấy
17. Người thành công là có cảm xúc về Chân Thiện Mỹ, biết quản trị tốt cuộc đời mình và làm Vua trong công việc theo đuổi như một sự nghiệp
18. Thời gian là thứ tuyệt đối ‘im lặng’ không phải là ‘một chủ thể’ nào để đưa ra lời khuyên cho bất cứ ai. Nhưng người ta có thể học được ‘điều khôn’ vô hạn trong đó
19. Muôn viên đã trên đường là sự vô tình, hãy đi vào đôi chân mình đôi giày. Nhưng trong giày lại có viên đá sắc nhọn thì đã có một hiểm họa từ mình và do kẻ khác
20. Trí khôn luôn là điều quý khi cho chính ta sự minh mẫn và giải pháp hữu ích. Nhưng dùng nó để cãi nhau về việc và với người không đáng thì trở thành đại ngu dại
21. Có thể: buồn bã nhưng đừng thối chí, thất bại nhưng đừng nghi ngờ vào sự học, mất của nhưng hãy giữ được mình, vỡ niềm tin nhưng hãy biết nhận ra Chính Đạo
22. Người tự tin và chủ động đưa la luật lệ và điều kiện của ‘cuộc chơi’ thì không hẳn do ưu trội năng lực mà chính là thể hiện sức mạnh tinh thần ‘sẽ thắng’
23. Những con người bệ vệ no đủ, mặt trơn láng, dáng vẻ nghiêm trọng, ngồi ở ‘ghế Quốc gia’ mà tiếng vo ve như Muỗi trước Quốc kế Dân sinh thì Dân chúng là con Trâu
24. Đừng gân cổ: Văn hóa truyền thống nước tôi thế, mà nên nghĩ: Thế giới đang tiến bộ thế thì mình cần văn minh như thế nào
25. Nghe tiếng Phật : muôn cái Khó do các Con tự đi vào chỗ mà mình phải thua mình đấy thôi, vạn cái Khổ do các Con tự theo lối sống mà mình phải chuốc lấy đấy thôi.
26. Ai cũng có cả tinh hoa và cặn bã. Kẻ yếm thế đứng bên cạnh đứa Khổng Lồ thì tinh hoa của nó không cảm được và dụng cho được, nhưng chết ngạt vì rắm của nó
27. Làm việc lớn cần sự tham gia và yểm trợ của người khác. Sẽ xuất hiện những bất đồng nhưng đừng có muộn hành động để một kẻ nào đó cản trở hay phá hoại
28. Con người không vốn mê tín, nhưng đàn bà mà thế là bởi sự ám ảnh về điều xấu của chồng con. Đàn ông mà thế là ám nghiệt xấu của Xã hội
29. Động vật đi săn mồi mà không giả vờ. Chỉ con người mới biết giả vờ, nhiều khi để giữ lành. Nhưng kẻ nào lừa bao người khác không thèm giả vờ nữa thì nó là quan to đấy !
30. Đạo không có những từ ‘Giống / Hơn / Hoàn hảo / Nhất / Tuyệt đối….’ Con người đã sinh ra những khái niệm đó để phấn đấu chứ đừng làm vòng Kim cô tư tưởng
Sửa bởi pth77: 13/03/2014 - 12:41
Trích dẫn

pth77's Photo pth77 15/03/2014

Tạo Hóa và Lẽ Phải

Nguyễn Tất Thịnh

Bài viết này hướng tới chia sẻ những quan điểm sống dựa trên nền tảng hiểu biết cao về triết học, hơn thế nhằm sáng tỏ nhân sinh quan, xây dựng tính Nhân văn trong cách quản trị xã hội. Những ai tuy chưa thích triết học nhưng quan tâm đến phát triển cách sống tốt và hoàn thiện phương pháp vận hành của tổ chức mình có thể tìm thấy những ý tưởng riêng để nghĩ về việc làm chìa khóa để mở cánh cửa hữu ích…

Giới sinh vật từ cái cây đến muông thú, khi được sinh ra tự nó điều chỉnh cách tồn tại, sinh sống, lớn lên và nhân bản của chính chúng. Tất thảy không thuộc về ‘trí khôn’ của chúng mà là bản năng nhận thấy Lẽ của Tạo Hóa ! Tạo Hóa có sẵn không phụ thuộc vào sự có mặt hay chưa của Loài Người….Nhưng xưa khi con người ra đời, dần hình thành những Cộng đồng Kinh tế - Xã Hội- Chính trị… dù đã có hay chưa thiết định Luật lệ ở những mức độ khác nhau, thì một điều xuyên suốt, cơ bản nhất và có sức mạnh điều chỉnh và phân giải các mối quan hệ, những hành vi từng người làm, định hướng cho các giải pháp quản trị từ trước kia cho đến mãi sự tiến hóa sau này nữa, chính là Lẽ Phải !
‘Lẽ Phải’ ( là điều vừa thuộc Tạo Hóa, vừa thuộc Cộng đồng xã hội ) cũng vốn được ‘cài đặt’ trong tiềm thức tự nhiên của mỗi Con người ( thành tố tự nhiên – xã hội ) khi được sinh ra đến khi lớn lên, mách bảo về hành động sống. Cùng với tiến hóa của trí tuệ và mưu cầu tạo nên các phương thức, Con người học tập nhận thức có chủ ý để dần đi đến ý thức chung về Đúng / Sai trong mọi mặt hoạt động đời sống, trước hết thuận với quy luật, sau tuân thủ các quy tắc mà mình tiến hóa, không gây ra xung đột, không phản Tạo hóa
Tạo Hóa là Chân lý gốc rễ nhất làm nên Thế giới và sự vận hành của Vũ trụ này ( từ vi mô đến vĩ mô ) với ý nghĩa căn bản nhất : không có gì tự nhiên sinh ra và mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, từ thời gian không gian này sang thời gian không gian khác. Sự chuyển hóa đó có thể là chuỗi khôn cùng từ cái này sáng cái khác, có thể là vòng tuần hoàn cái đó sau nhiều luân chuyển trở về chính nó, nhưng : bảo tồn trọn vẹn tổng năng lượng / tổng vật chất / tổng tinh thần ! theo Luật Nhân Quả !
Năm Lẽ của Tạo Hóa trong dòng chuyển hóa vĩ đại đó là :
  • Tất yếu ( nhu cầu tồn tại mặc định của SVHT )
  • Tự thân ( SVHT dễ dàng bắt đầu từ chính nó )
  • Tương hỗ ( các SVHT cộng sinh vào nhau cân bằng )
  • Thuận mở ( SVHT đi vào hội nhập môi trường chung )
  • Tăng trưởng ( SVHT tiến hóa được về lượng và chất ) .
Từ đó diễn ra được sự chuyển hóa : Kẻ mạnh ( vật chất / năng lượng / tinh thần lớn ) phải thắng (có ảnh hưởng dẫn dắt chính tuân theo quy luật) / kẻ yếu phải có cơ hội (được có chỗ, tiếp cận được, thay đổi được cách tồn tại tốt hơn)
Chúng ta có thể quan sát, tìm kiếm trong thực tiễn hàng ngày vô vàn những ví dụ về cách ở đâu đó, người ta viết Luật, đưa ra các văn bản hành chính, thực hành quản trị từ tổ chức nhỏ cho đến toàn Xã hội… hễ có điều gì không tuân thủ, hay cản trở, phá hoại Năm Lẽ trên thì gọi là ‘đại phản động’ ! Chẳng hạn một chính quyền nào lại đưa ra những quy tắc: ngăn sông cấm chợ / bế quan tỏa cảng / hủy hoại thiên nhiên / cơ chế xin cho / phân biệt giai cấp / bảo kê lợi ích / độc tôn độc quyền / nuôi dưỡng hủ bại
Cốt yếu nhất của Lẽ Phải hòa hợp với Tạo Hóa chính là học tập quy luật của Thiên nhiên và đề ra các quy tắc hoạt động của con người sao cho phù hợp đạt được ý nguyện, mục tiêu sống của mình nhưng không gây cản trở, tổn hại loài khác , và làm suy thoái môi trường chung
Chính nhờ thế mà : một người có Lẽ Phải, theo Lẽ Phải, trong Lẽ Phải… đã tự nhiên như nhiên hội tụ vào chính mình những tinh hoa của Trời Đất Người, có được sự vững vàng của Càn Khôn, hài hòa được với Nhân tình, thuận hợp với Thiên tính để hiểu và làm được điều lớn lao , nên chính họ đã là đa số để hanh thông mọi sự…từ đó thu nhận được vào mình những ‘quyền năng’ lớn nhất, mà vốn dĩ là những tiềm năng đã được chứa đựng đầy trong mỗi người, sẽ được khởi phát, chuyển hóa thành vật chất / năng lượng / tinh thần. Trừ khi họ quay lưng lại với Lẽ Phải !
Kẻ quay lưng đi ngược Lẽ Phải thì chính hắn hoặc là không nhận ra được những quy luật của Tạo Hóa ( bi kịch thứ nhất dẫn bản thể hắn đi đến hiểm họa ), hoặc là nhận ra mà phá hoại ( bi kịch thứ hai gây hiểm họa khuếch đại ra môi trường chung và cộng đồng ). Vấn đề là một kẻ có thể sai lầm như thế, nhưng tại sao là một Cộng đồng lớn lại phải chịu ( bao gồm cả trí thức và những giới sản sinh ra giá trị như doanh nhân - nhân tố chính của mọi xã hội trước hết cần nhận ra và đòi hỏi Năm Lẽ của Tạo Hóa ? )
Thì phải đặt ra câu hỏi với họ, thứ nhất : có phải họ thực học thực làm với cách tiếp cận đến và tôn trọng Sự thật khách quan ( điều cốt lõi của Chân Lý ) không ? Thứ hai : họ bị lực lượng nào ép buộc phải sản sinh ra những quy tắc phản Tạo Hóa tạo ra những thứ ngày càng xa rời quy luật ?

Tôi đã đưa ra khái niệm ‘quy tắc âm / những lực âm’ ứng với khái niệm ‘hố đen văn hoá/hố đen quản trị’. Đó là : những vùng không gian / thời gian chứa đựng đậm đặc những phương thức sai trái về quy luật, mà trong đó sự chuyển hóa xa rời Năm Lẽ tự nhiên nêu trên của Tạo Hóa ! Nên hút vào đó, thủ tiêu điều cơ bản : kẻ mạnh phải thắng / kẻ yếu phải có cơ hội !
Sẽ có nhiều người hỏi : Hố đen ghê thế kia á, hay Quy tắc âm kinh thế cơ à? Thế lúc í Tạo Hóa ở đâu ? Các quy luật vĩ đại và tuyệt đối biết đằng nào ? Xin trả lời : những thứ ‘quái dị’ như thế chỉ tồn tại nhất thời, đầy hiểm họa, chứ không bền vững và không chi phối được Thế giới! Đó là điều may lớn của Vũ trụ, của Cuộc sống ! Trong Vũ trụ nhân tố ban đầu sinh ra Hố đen là Một thực thể khổng lồ đang cố tồn tại trong quá trình chết nhanh ! Trong xã hội đó là nhân tố quyền lực khổng lồ đang cố cựa gấp trong sự diệt vong cận kề! Bạn hãy hình dung về một đống lửa lớn ( cháy theo quy luật chuyển hóa thông thường ) , giữa nó là một quả bom lớn, nhiệt cháy làm quả bom đó phát nổ thì đám cháy lớn đó tắt đột ngột vì quả bom đó hút sạch vào nó mọi dưỡng khí và những sinh vật nhỏ xung quanh…Hiệu ứng bởi Hố đen cũng vậy ! Hoặc giữa một Cộng đồng bình thường mà tồn tại một lực lượng vị kỷ có quyền lực mạnh và khổng lồ thì nó cũng hút vào đó bao nhiêu nguồn lực xã hội để tồn tại cho chính nó, nên làm Cộng đồng đó bị ‘co lại’ và suy thoái nhanh so với chiều dài lịch sử. Ma Quỷ luôn đề ra ‘quy tắc đen’ nên nó hút vào đó muôn vàn điều tốt lành của môi trường cận kề để sống, nhưng chính tập thể nó giam hãm nó và ăn thịt nó, và đi đến diệt vong vì cách nội bộ như thế rất nhanh…và chúng thường tồn tại dấu mặt ở nơi hang hốc, hoặc tạo nên những địa bàn : hiểm trở, độc đạo, thâm sơn cùng cốc …bẫy muôn sinh linh mơ hồ, lang thang, ngớ ngẩn, tâm thần, bi phẫn, tham lam, độc ác…đi vào…và đương nhiên sự độc ác lên ngôi kẻ yếu phải chết chứ làm gì có : kẻ mạnh phải thắng , kẻ yếu phải có cơ hội ???

Còn Tạo Hóa không bao giờ lên tiếng, vô hình thôi, vì chỉ reo ra các quy luật vận hành Thế giới Vĩnh cửu ! Cho nên một Cộng đồng, Xã hội muốn tiến hóa và vĩnh hằng phải đề ra các quy tắc thuận hợp với các quy luật ! Đó chính là Lẽ Phải vậy ! Nhờ thế Chính quyền chỉ phải cai trị tối thiểu và người dân ai ai cũng tự biết nên hành động sống như thế nào cho phải Đạo …tất cả An Thái !
Sửa bởi pth77: 15/03/2014 - 01:08
Trích dẫn


1 2 3 4 |»|