←  Y Học Thường Thức

Tử Vi Lý Số :: Diễn đàn học thuật của người Việt

»

Nhà khoa học ba không nhận giải Nobel: K...

Thanks's Photo Thanks 07/10/2015

Người thử thuốc rụng hết răng nhận Nobel Y học

Mang nhiệm vụ tìm ra thuốc chống sốt rét trong một dự án bí mật liên quan chiến tranh Việt Nam, nhà khoa học nữ Trung Quốc Tu Youyou tự mình dùng các loại thuốc đến mức rụng hết răng. Hôm qua, bà Tu cùng hai nhà khoa học Ireland và Nhật Bản thắng giải Nobel Y học 2015.

Bà Tu Youyou (sinh năm 1930) là người Trung Quốc đầu tiên giành giải Nobel Y học. Bà sẽ nhận được một nửa giải Nobel Y học 2015 trị giá 8 triệu crown Thụy Điển (960.000 USD). Hai nhà khoa học William Campbell (Ireland) và Satoshi Omura (Nhật Bản) chia nhau nửa giải thưởng còn lại vì có công khám phá ra thuốc avermectin chống lại bệnh mù lòa đường sông và giun chỉ bạch huyết, đồng thời chứng tỏ hiệu quả trước các bệnh ký sinh trùng khác.

Suốt cuộc đời mình, bà Tu làm công việc nghiên cứu trong lặng lẽ. Ngoài các đồng nghiệp ở Viện Nghiên cứu Y học Trung Quốc, không mấy người Trung Quốc biết đến tên Tu Youyou. Tạp chí khoa học New Scientist dẫn lời bà Tu kể rằng, năm 1969, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông khởi động một dự án quân sự bí mật mang tên “523” nhằm tìm ra thuốc chống bệnh sốt rét cho để hỗ trợ quân đội Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ cũng như để đối phó dịch bệnh đang hoành hành ở các tỉnh miền nam Trung Quốc. Bà được chọn làm trưởng dự án. Bà nghiên cứu hơn 640 loại thảo dược được tìm thấy trong 2.000 phương pháp điều trị, và thực hiện 190 nghiên cứu nhưng thất bại.

“Tôi thử tất cả các loại thuốc trên cơ thể mình. Sức khỏe của tôi bị tàn phá. Tôi rụng hết răng và luôn ốm yếu”, bà Tu nhớ lại. Không chỉ thế, vì say sưa nghiên cứu nên bà có rất ít thời gian cho gia đình. Khi được cử đến Hải Nam để theo dõi bệnh sốt rét, bà Tu phải gửi con ở quê. Khi bà trở về, con gái không nhận ra mẹ. “Mẹ, sao mẹ có thể để con lại với ông bà khi con mới 3 tuổi”, Li, con gái của bà Tu, hỏi mẹ. “Mẹ phải tập trung vào nhiệm vụ. Nhìn mẹ đi, mẹ rụng hết răng vì nghiên cứu. Mẹ không có gì để bảo vệ cơ thể khỏi hóa chất. Làm sao mẹ có thể chăm sóc con được?”, bà Tu nói với con.

Tháng 4/1971, xuất phát từ một bài thuốc được viết từ 1.700 năm trước, bà Tu cuối cùng đã tìm ra thuốc artemisinin từ cây ngải tây trong cuộc thử nghiệm thứ 191 của mình. “Người Trung Quốc gọi tôi là “nhà khoa học ba không”: không bằng tiến sĩ, không có kinh nghiệm ở nước ngoài, không có chức danh do Viện Khoa học và Viện Kỹ thuật Trung Quốc trao. Nhưng đôi khi ai đó có thể làm việc tốt hơn khi không có những điều này,” bà Tu nói.

Trong khi đó, nhà khoa học Satoshi Omura tìm ra phương thuốc mới sau khi thu thập mẫu đất trên khắp Nhật Bản và cô lập vi trùng Streptomyces. Trong số này có Streptomyces avermitilis – loại vi trùng trở thành nguồn gốc cho sự ra đời của thuốc avermectin. Công trình của nhà khoa học Nhật Bản này đã được ông William Campbell tiếp nối bằng cách chỉ ra rằng Streptomyces avermitilis có hiệu quả đáng kể trong việc tiêu diệt ký sinh trùng ở động vật nuôi. Avermectin được cải tiến thành hợp chất ivermectin hiệu quả hơn. Khi thử nghiệm trên người, hợp chất này đã tiêu diệt được ấu trùng của ký sinh trùng.

“Hai phát hiện này mang lại cho nhân loại công cụ mới mạnh mẽ để chống lại các bệnh ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người mỗi năm”, Ủy ban giải Nobel thuộc Viện Karolinska Thụy Điển hôm qua nói trong thông báo vinh danh người chiến thắng giải thưởng.

Nobel Y sinh 2015 vinh danh đông y

Mùa Nobel 2015 bắt đầu bằng giải Y sinh được công bố vào ngày 5.10 dành cho 3 nhà khoa học William C.Campbell, Satoshi Omura và Đồ U U (Tu Youyou).

Các chủ nhân của giải Nobel Y sinh năm nay được vinh danh về những thành tựu trong “cuộc chiến” chống lại các loại bệnh do ký sinh trùng gây ra.

Những loại bệnh này khá hiếm gặp ở các nước phát triển Âu Mỹ, nhưng rất phổ biến ở các quốc gia nhiệt đới và cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người mỗi năm, phần đông là trẻ em và người nghèo.

Theo website Nobelprize.org, 2 nhà khoa học Campbell (Ireland) và Omura (Nhật Bản) được trao giải vì “đã tìm ra cách chữa trị cho các loại bệnh do giun gây ra”. Còn bà Đồ (Trung Quốc) trở thành nữ khoa học gia thứ 12 trong lịch sử được nhận giải Nobel Y sinh nhờ tìm ra được chất giúp trị sốt rét.

Ủy ban Nobel nhận định: “Những loại bệnh do ký sinh trùng gây ra là mối họa cho nhân loại từ nhiều thiên niên kỷ qua. Các bệnh này ảnh hưởng đặc biệt đến những cộng đồng dân cư nghèo khó nhất trên thế giới và là rào cản rất lớn để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người. Các nhà khoa học đoạt giải Nobel Y sinh năm nay đã tìm ra phương thức để tạo nên cuộc cách mạng trong việc điều trị một số bệnh nguy hại nhất do ký sinh trùng gây ra”.

Quen thuộc với VN

Một điều rất thú vị là giải Nobel Y sinh 2015 đã cho thấy tầm quan trọng của đông y. Giáo sư Đồ, 85 tuổi, đã tìm ra artemisinin, một trong những dược chất hiệu quả nhất hiện nay về điều trị sốt rét, theo tờ Le Monde. Dược chất này được chiết xuất và điều chế từ cây thanh hao hoa vàng (Artemisia annua). Đây là loại thảo dược họ cúc, được sử dụng rất nhiều trong y học cổ truyền VN và Trung Quốc. Các danh y của nước ta như Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông từng dùng thanh hao hoa vàng để trị sốt rét.

Từ thập niên 1960 – 1970, bà Đồ và các cộng sự đã thu thập hơn 2.000 phương thuốc dân gian về chữa trị sốt rét. Từ đó, họ điều chế 380 loại thuốc từ thảo mộc. Trong số này, dược chất chiết xuất từ thanh hao hoa vàng đã cho thấy hiệu quả khi thí nghiệm trên chuột. Giáo sư Đồ đã đối chiếu với y văn cổ để điều chỉnh quy trình chiết xuất và đến đầu thập niên 1970 đã tách thành công dược chất artemisinin. Có thể nói, thành quả này là sự kết hợp hoàn hảo giữa y học cổ truyền phương đông và y học hiện đại phương tây.

Giáo sư Campbell, 85 tuổi và Giáo sư Omura, 80 tuổi, thì được vinh danh với hoạt chất Avermectin. Những dẫn xuất của hoạt chất này giúp điều trị nhiều bệnh do ký sinh trùng gây ra, đặc biệt là bệnh mù lòa đường sông và bệnh phù chân voi. Bệnh mù lòa đường sông là bệnh do nhiễm giun chỉ Onchocerca volvulus từ ruồi đen, vốn sinh sản ở những vùng sông suối. Bệnh phù chân voi cũng do giun chỉ nhưng truyền từ vật trung gian là muỗi.

Trong thập niên 1970, nhà vi sinh vật học Omura đã tìm thấy 50 loài vi khuẩn thuộc họ Streptomyces có khả năng kháng lại nhiều loài vi trùng khác. Dựa trên công trình của nhà khoa học người Nhật, ông Campbell, nhận ra 1 trong số 50 loài vi khuẩn nói trên tỏ ra đặc biệt hiệu quả để chống lại các ký sinh trùng ở gia súc, thú kiểng và cả con người. Từ vi khuẩn này, ông đã điều chế thành công hoạt chất Avermectin.

Giáo sư William C.Campbell (Đại học Drew, Mỹ) và đồng nghiệp Satoshi Omura (Đại học Kitasato, Nhật Bản) sẽ nhận mỗi người 1/4 phần thưởng trị giá 8 triệu krona (960.000 USD) của giải Nobel Y sinh 2015. Phần còn lại thuộc về Giáo sư Đồ U U (Viện Y học cổ truyền Trung Quốc).

Các giải Nobel khác sẽ lần lượt được công bố là: vật lý (6.10), hóa học (7.10), văn chương (8.10), hòa bình (9.10) và kinh tế (12.10).

Theo Trúc Quỳnh
Tiền phong, Thanh niên





Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


(từ trái) Các chủ nhân Nobel Y sinh 2015 Omura, Campbell và Đồ U U - Ảnh: Reuters

Trích dẫn