Jump to content

Advertisements




Mẹo lấy lá số Tử Vi của Thienkhoitimvui (chưa hoàn thành)


2 replies to this topic

#1 GiangLong

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 87 Bài viết:
  • 267 thanks
  • LocationHaNoi

Gửi vào 06/06/2011 - 15:21

Mẹo lấy lá số Tử Vi


Để dễ học cách an lá số Tử Vi, người xưa có nhiều khẩu quyết, đa fần đòi hỏi biết Hán văn, nay tôi thử sáng tác ra mấy vần thô sơ, giúp các bạn mới biết Tử Vi có thể nhớ nhanh, nhẩm số nhanh, nhất là khi có người hỏi coi số mà không có sách bên cạnh.

ĐỊNH CỤC:

Có bài ca chữ Hán để tìm Cục khỏi tra sách vở, nhưng người không biết chữ Hán thì không dùng được, nên có bài thơ này, dù lời lẽ rất quê kiểng nhưng rất dễ tính Cục, bạn có thể nhẩm ra số Tử Vi ngay trước mắt người cần xem:

Thu Hay Mưa Tăm Cá [Giáp Kỉ]
Hạ Thời Khó Mưa Thu [Ất Canh]
Tư Mùa Thu Khả Hợp [Bính Tân]
Mọi Kẻ Hay Thu Thời [Đinh Nhâm]
Khi Thu Thay Hương Mới [Mậu Quí]

Mẹo giải:
Thu: Thuỷ
T: Thổ.
M: Mộc
C, hay K: Kim
H: Hoả (cục)

Nên nhớ Dần Mão Tuất Hợi như nhau, và cứ 2 cung 1 Cục. Nhẩm từ cung (mệnh) Tý Sửu.

BÀI THƠ NẠP ÂM NGŨ HÀNH TÍNH RA MỆNH GÌ:

Đầu tiên xuống bể mò Kim (Hải trung Kim)
Đem về lò lửa luyện nên búa rìu (Lô trung Hoả)
Lên rừng đốn gỗ đìu hiu (Đại lâm Mộc)
Về qua nấm đất nằm xiêu ven đường (Lộ bàng Thổ)
Kiếm đâu nhặt được lạ thường (Kiếm phong Kim)
[Ấy là Giáp Nhất] lửa nương sơn đầu (Sơn đầu Hoả)
Nước xa róc rách khe sâu (Giản hạ Thuỷ)(1)
Về Thành ngặt nỗi đất lâu mò về (Thành đầu Thổ)
Nến vàng giữa xóm sơn khê (Bach lạp Kim)
Nhà ai khóm liễu đề huề trước sân (Dương liễu Mộc)
[Giáp Nhị hết] Tuyền thuỷ lần (Tuyền trung Thuỷ)
Mái nhà ngói đất ân cần mời ngơi (Ốc Thượng Thổ).
Đêm khách sấm sét tơi bời (Tích lịch Hoả)
Có chăng tùng bách khôn rơi gãy cành (Tùng bách Mộc)
Tuôn dài nước chẩy vòng quanh (Trường lưu Thuỷ)
[Ấy là Tam Giáp] cát lành lộ Kim (Sa trung Kim)
Hạ sơn ác lặn bóng im (Sơn hạ Hoả)
Cây lành bình địa muông chim về rồi (Bình địa Mộc)
Nhà tranh vách đất tới nơi (Bích thượng Thổ)
Sá gì Kim bạch cơ ngơi vân phù (Kim bạch Kim)
[Giáp Tứ hết] ngọn đèn mù (Phúc đăng Hoả)
Ngẩng sông Vân Hán vi vu sáo diều (Thiên hà Thuỷ)
Trăng suông đồng rộng phì nhiêu (Đại dịch Thổ)
Hẳn người thoa xuyến cũng điều tưởng tơ (Thoa xuyến Kim)
Tuồng chi dâu bộc ơ hờ (Tang đồ Mộc)
[Ấy là Giáp Ngũ] lòng chờ đại khê (Đại Khê Thuỷ)
Cát bồi nên đất bến quê (Sa trung Thổ)
Lửa trời vầng nhật hẹn thề nước non (Thiên thượng Hoả)
Thạch lựu thức đỏ hiên còn (Thạch lựu Mộc)
Còn em biển cả nước non thề nguyền (Đại Hải Thuỷ).
-----------------------------------------
Giáp Tí đi hết một Nguyên
Hẹn nguời quân tử tinh chuyên tỏ tường
1 Hành 6 Tượng khắc thương
Sinh phù luật ấy fải nương mà tìm
Giản hạ Thuỷ, Hải trung Kim
Nhỏ như khe lạch, Kim chìm bể khơi
Đại hải thuỷ, Tích lịch lôi (đúng: tích lịch hoả)
Ấy rằng sét cả, Thuỷ dồi dào thay
Sa trung và Kiếm phong may (đều Kim, may:may gặp Hoả)
Ấy là Kim báu gặp ngay Hoả này
Bình địa Mộc quí sao tày
Gặp Kim thanh vận sang thay chớ nhầm (2)
Thiên hà, Đại hải cao thâm (của Thuỷ)
Thổ làm sao khắc mà tâm buồn rầu? (3)
Tích lịch, Thiên thượng, Sơn đầu (Hoả)
Gặp mưa tưới tắm tốt mầu vậy thay
Lộ bàng, Đại dịch Thổ này
Gặp Mộc xanh đẹp số này vẻ vang
"Tam mệnh thông hội" sách vàng
Nệ câu sinh khắc: chàng nàng xa nhau! (4)
Người ta bần phú bởi đâu
Còn lần trăm mối chấp câu được nào?
Mấy câu quê kiểng cốt sao
Bày lời giúp kẻ trí nao đỡ phiền.

Cứ nhẩm như vậy từ Giáp Tý đến Quí Hợi, 2 năm một mệnh. fép này có thể có bạn cho khó nhẩm (vì tới 60 năm, nhẩm lâu), thật ra rất dễ, vì chúng ta chia 60 năm ra làm 6 Giáp (hay còn gọi là 6 Tuần), như sau:

- Giáp nhất: từ Giáp Tý đến Quí Dậu.
- Giáp nhị: Giáp Tuất --> Quí Mùi
- Giáp ba: Giáp Thân --> Quí Tị
- Giáp bốn: Giáp Ngọ --> Quí Mão
- Giáp năm: Giáp Thìn --> Quí Sửu
- Giáp sáu: Giáp Dần --> Quí Hợi.

Không nhất thiết đọc hết cả 30 câu thơ trên, nhưng chỉ cần đọc theo từng Giáp một.

Làm sao biết thuộc Giáp nào? Như người sinh năm Đinh Mão, bạn bấm vào đốt lóng tay giữa của ngón tay út là tượng trưng cung Mão tại lòng bàn tay mình, gọi ngay lóng tay ấy là Đinh, bạn bẫm lùi đến Giáp (Đinh--> Bính--> Ất--> Giáp) xem chữ Giáp dừng lại ở đốt tay tượng trưng cung nào thì biết là thuộc Giáp ấy, như thí dụ trên, bạn bấm vào Mão (lóng giữa ngón út), gọi là Đinh, bấm lùi đến lóng tay trong cùng ngón giữa tức là cung Tý, vậy giáp đó là Giáp Tý.

Thơ nhớ 6 Giáp (hay gọi cho đúng tên chữ là Lục Tuần):

Giáp 1 thường hay Chuột lộ đầu (2) (Giáp Tí)
Giáp 2 chú chó sủa đâu đâu (Giáp Tuất)
Giáp 3 chú khỉ đu lơ lửng (Giáp Thân)
Giáp 4 ngựa đâu hí vang lừng (Giáp Ngọ)
Giáp 5 chưng hạn Rồng kịp hiện (Giáp Thìn)
Giáp 6 đời đâu có hổ hiền (Giáp Dần)

Tôi cứ vậy mà tính ra 6 Giáp không khó, mà lại có thể dùng để tính ra Tuần trung không vong nữa.
(lộ đầu: đầu tiên, người xưa kị ngày Giáp Tí không dám làm việc quan trọng vì sợ ngày lộ đầu)
============================

Chú thích:

(1)không nhầm lẫn ra Giáng Hạ Thuỷ vô lối vô nghĩa!
(2): Vô Kim bất đắc thượng thanh vận: Mộc như Bình địa mà không gặp Kim thì không thể thành sang quí (thượng thanh vận), như cây cột gỗ, đem về làm cột đình chùa cung điện, fải có khảm chạm vàng bạc mới thật là sang quí. Cho dù Kim khắc Mộc, mà hoá ra không khắc còn đẹp nữa)
(3) Thiên hà thuỷ, đại hải thuỷ không sợ Thổ, thổ nào khắc nổi nước trên trời, đất nào đem lấp biển?
(4): đừng câu nệ sinh khắc trong ngũ hành.

(còn tiếp)
Bây giờ đến lượt an sao tử vi theo Cục thì có cách nào tính nhẩm?

Phép này, cứ tính ra ngày mồng 1 theo các Cục đã, để tính ra sao tử vi ngày mồng một ở đâu, theo 5 Cục.

Coi hình sau




Cứ từ Dần tính đi, Cục chẵn đi nghịch, Cục lẻ đi thuận, dương thì tả, âm thì hữu, đó là lí.

Cục có số bao nhiêu thì ngày mồng một của sao Tử Vi cách cung Dần bấy nhiêu cung số. Tại sao lại tính từ Dần? Thưa: vì ta đang dùng lịch kiến Dần, tức lịch mà coi tháng Dần là tháng Giêng.

Tóm lại là:

6, 5, 4, 3, 2: Kê Mã Trư Long Ngưu Hổ
Tức các Cục Hoả Thổ Kim Môc Thuỷ: Dậu Ngọ Hợi Thìn Sửu Dần mà khởi. Nhưng fải hiểu vì sao có câu quyết "trư mã ..." ấy, mới là kẻ không học vẹt. Chữ Hổ ở đây chưa dùng, nói sau.
An sao Tử Vi theo Thuỷ Cục:

Thuỷ Cục tính ra sao Tử Vi như chơi. Cho nên tuy có fép nhẩm hơi khác, nhưng tôi không dùng nó, mặc dầu nó liên quan đến fép nhẩm chung cho tất cả các Cục. Ta hãy dùng cách như sau, cũng muôn fần là dễ.

Câu Quyết Cổ dùng cho Thuỷ Cục.
Thưa thuỷ 2 Cục, nên dùng 2 chữ trong "Kê Mã Trư Long Ngưu Hổ" thành ra có câu quyết cho Thuỷ cục chỉ tính 2 chữ là:

Ngưu Hổ (Sửu Dần)

Cung phía trước cộng thêm số 2 (vì là Thuỷ nhị cục mà).
Như mồng một tại Ngưu (Sửu), mồng 2 tại Hổ (Dần).
Cung fía trước (chiều thuận liên tiếp) cộng 2, nên:
Mão (liên tiếp của Dần), đem 2 + 2 = 4, nên ở Mão là sao Tử Vi cho ngày mồng 4. Các ngày khác cứ vậy suy ra!
Thuỷ Cục an Tử Vi không cần mẹo, vì cứ 2 ngày ở 1 cung (trừ ngày mồng 1). Nên mồng 2 mồng 3 ở Dần, mồng 4 mồng 5 ở Mão, mồng 6, mồng 7 ở Thìn, cứ như thế mà tính.

Các Cục khác khó tính hơn nhiều, nên muốn tính nhẩm không cần sách fải có mẹo (nói sau).

Ở đây không fải vẽ chuyện tính nhẩm trong cái thời kì software này, nhưng bạn nào nô lệ software hãy bỏ ngay ý định hiểu tử vi tận gốc tận gác, cho dù biết coi số khá đúng cũng chỉ là đi vào cành vào ngọn!

Bản đồ sao Tử Vi của Thuỷ 2 Cục.



Bạn hãy mường tượng đồ hình trên là lòng bàn tay bạn thì sẽ tính ra sao Tử Vi Thuỷ Cục trên lòng bàn tay trong 1, 2 phút.
Nhân có đồ hình thứ nhất của tôi trên đây, các bạn đã nhìn ra một fần cái hợp lí của Ngũ Hành Cục trong Tử Vi chưa?

Nếu đúng trong Tử Vi thì:
- Tý Hợi: là Thuỷ (sau lưng)
- Dần Mão: là Mộc (tay trái)
- Thân Dậu: là Kim (tay phải)
- Tỵ Ngọ: là Hoả (trước mặt)
- Thổ (Thìn Tuất Sửu Mùi).

Tại sao nói trước mặt sau lưng tay mặt tay trái? Vì fép lí số xưa đều lấy chuẩn khi quay mặt về hướng Nam (đế nhân Nam diện xưng vương), thì ra có đông tay nam bắc kim mộc thuỷ hoả tay trái tay fải như trên đã nói.

Bạn xem trên đồ hình các cục Của Tử Vi (ngày mồng một) có đúng trục Nam trên Bắc dưới (vì fép vẽ đồ ngày xưa ngược lại fép vẽ bản đồ ngày nay là Bắc trên Nam dưới), và Đông trái Tây fải không. Nam là Hoả cục, Bắc là Thuỷ cục, Đông là Mộc cục. Tây là kim cục. Các bạn xem cho tôi (nếu các bạn còn có mắt nhìn) xem có đúng như Hà Đồ Nam (Hoả) trên Bắc (Thuỷ) dưới Đông (Mộc) trái Tây (Kim) fải không? Có gì khác Hà Đồ không.

Tôi lại tiếp tục trình bày tiếp, ai có tai nghe thì nghe, không thời thôi, coi như ta giỏi, hiểu biết hết, và không cần học người xưa nữa, cứ thế mà tự tiện phát minh với chả phát tối!

Tại sao từ 12 cung Tý Sửu Dần Mão, Hà Đồ, Bát quái đều về khác fép vẽ bản đồ hiện đại là Bắc trên Nam dưới, cổ nhân lại đi vẽ Nam trên Bắc dưới?

Văn Hiến Lạc Việt Lí Số giải thích cái coi, sách ông Nguyễn ... Tuấn Anh và ông Thiên Sứ có nói cái trò trẻ con trong lí số Đông Phương này không?

Đây là giải thích của sách "Yếu vận tăng bổ đồ giải" đời nhà Minh viết như sau, nói đại ý:

Khi quây về phương Nam thì phía Nam Hoả là trước mặt, phía Bắc Thuỷ là hậu bối, phía Đông Mộc là Thanh Long (ý nói tả thanh long: tức tả là trái), phía Tây Kim là Bạch hổ (ý sách nói Hữu Bạch hổ, là tay phải), theo phép ấy mà vẽ đồ tượng (tức các loại bản đồ lí số) nhất thảy đều để Nam trên Bắc dưới Đông trái Tây phải. Như thế vậy"

Tại sao các bạn học tử vi chưa ai thắc mắc Ngọ ở trên, tý ở dưới, Mão đông ở trái, Tây Dậu ở phải, trong khi bản đồ hiện nay phía đông ở tay phải, phía tây ở tay trái? Lại chưa ai thắc mắc tại sao lại vẽ ra hình vuông, lấy 4 góc là Dần Thân Tỵ Hợi khiến cho trục Tý Ngọ hơi xiên, lệch về phía phải, phải chăng do dựa phỏng thiên văn (trục trái đất nghiêng)? Tôi tin thời đấy chưa có khái niệm trục trái đất và nghiêng 23 độ 5 đâu nhé. Cái góc Dần Thân Tỵ Hợi này, cái độ xiên Tý Ngọ này ông Tuấn Anh nói ra sao nhỉ? Tôi sẽ trở lại cái 4 góc này khi khác.

Trở lại đề tài: Ta công nhận, Nam là Hoả (trước mặt), Bắc là Thuỷ (sau lưng), Mộc là đông (tay tả), Kim là tây (tay hữu), thì các bạn thấy đồ hình ngày mồng 1 các cục này có thống nhất với phương hướng như thế không? Còn như hơi chênh lệch một chút (như Kim cục lại ở thuỷ cung hợi) là vì: do bị bó buộc với con số cục tức con số fải cách cung Dần ngần ấy cung. Và cục lẻ đi thuận, cục chẵn đi nghịch, nội trong cái ngày mồng một khởi sao tử vi đã bao hàm nguyên lí âm dương (thuận nghịch) và ngũ hành, phương hướng rồi. Thế các bạn còn muốn học qua software không?

Nay theo thuyết của mông xi ơ Thiên Sứ, thì Thuỷ nhị Cục fải thành Hoả nhị cục, Hoả lục cục fải biến thành Thuỷ lục cục, tức là:

Cung Sửu là Hoả cục
Cung Dậu là Thuỷ cục.

trong khi trên bản đồ tử vi đâu còn thấy nam (Hoả) trên bắc (Thuỷ) dưới?

Tôi nhắc lại, nhìn theo bản đồ các cục tử vi (ngày mồng một) này hơi bị lệch một chút, như phương Nam Hoả lẽ ra ở Ngọ, phương Bắc Thuỷ lẽ ra ở Tý, nhưng Thuỷ từ Tý chệch sang Sửu, Hoả từ Ngọ chệch sang Dậu, ấy là do fải tính theo con số cách với cung dần, theo chiều thuận nghịch của cục lẻ (thuận) và chẵn (nghịch).

tuy có lệch chút nhưng Thuỷ từ Tý chuyển sang sửu còn hơn gọi rằng đấy là hoả!

đây gọi là "từ trời rơi xuống" theo quan niệm văn hiến lạc việt đây. Tôi nhắc lại, không fải là văn hiến lạc việt đúng nghĩa, mà chỉ là mệnh danh Văn Hiến Lạc việt thôi. ông Tuấn Anh và ông thiên sứ sinh năm bao nhiêu, mà sách và thuyết của ông ấy được gọi là di sản văn hiến lạc việt 5000 năm? cái căn bản các ông ấy sử dụng chả qua là cái tranh hàng trống thờ ngũ hổ, tôi thử hỏi cái tranh thờ ấy vẽ năm nào, xa xưa lắm chăng (lịch sử tranh Hàng trống còn thua tranh đông hồ), tôi chưa thấy trong tranh thờ ngũ hổ có gì khác với hà đồ truyền thống cả, và không thêm mới một cái gì. Tôi sẽ viết bài về tranh Ngũ Hổ trả lời ông Thiên sứ trong một topic riêng, đây không lạm bàn nhiều vì đây chỉ nhân tiện nhắc qua, chỗ này là chủ đề:
MẸO LẤY LÁ SỐ thôi.
Sơ lược lí 4 góc Dần Thân Tị Hơi, cho theo văn mạch, nhưng chỉ vẽ hình, không giải thích, vì đây ta đang nói về an sao tử vi theo 5 cục. bạn thử nghĩ xem cái trục xiên này do đâu, do trục trái đất xiên chăng?


Tôi đã xem lại, do hình vẽ minh họa không hiển thị được, vì tôi upload hình trong máy lên trang web không chấp nhận file bitmap. Nay tôi upload hình vẽ lên lại cho các bạn dễ nhìn thấy rõ, dễ học.

TÍNH NGÀY MỒNG MỘT AN SAO TỬ VI Ở ĐÂU?

Đều tùy theo Cục, biết ngày mồng một sao Tử Vi ở đâu thì ngày khác mới có thể tính ra:

Bài này đã giải thích hết ở trên, tôi không nhắc lại, các bạn xem lời giải thích ở bài trên.



BẢN ĐỒ SAO TỬ VI CỦA THỦY CỤC

Xin xem nội dung trình bày ở trên rồi. Chỉ nhắc lại là tính sao Tử Vi các ngày sinh của Thủy Cục quá dễ nên không cần dùng Mẹo, mà xem đồ hình cùng lời giải thích ở trên đã quá rõ ràng.



Do chỉ đưa hình lên lại nên fần giải thích các bạn fải coi ở bài trên (mà hình không hiển thị được). Tôi chỉ xin nhắc lại:
- Tính từ Dần (Kiến Dần), Cục chẵn đi nghịch, Cục lẻ đi thuận, vì lẻ dương (dương trái), chẵn âm (âm fải) theo một câu ai cũng biết: nam trái nữ fải.
- Số cục chính là số cung ngày mồng một cách cung Dần.
- Câu quyết dùng chung: Kê Mã Trư Long Ngưu Hổ (6 chữ), tùy cục mà dùng mấy chữ:
Thủy 2 Cục: dùng 2 chữ Ngưu Hổ
Mộc 3 cục: dùng 3 chữ Long Ngưu Hổ
Kim 4 cục: dùng 4 chữ Trư Long Ngưu Hổ
Thổ 5 cục: dùng 5 chữ Mã Trư Long Ngưu Hổ
Hỏa 6 cục: dùng 6 chữ Kê Mã Trư Long Ngưu Hổ

BẢN ĐỒ TỬ VI LẤY 4 GÓC DẦN THÂN TỴ HỢI, TRỤC TÝ NGỌ BỊ XIÊN SANG TRÁI:



Giải thích:

Người ta bảo cái trục Tý Ngọ xiên là do trục Quả Đất xiên, lệch 23 độ 5. trục Trái Đất xiên sang phải như ta đều biết, nhưng bản đồ Tử Vi trục Tý Ngọ xiên sang trái, thật ra cũng xiên sang fải vì bản đồ Tử Vi để Nam trên, Bắc dưới, Đông trái, Tây fải, khác với lối vẽ bản đồ ngày nay là Đông fải, Tây trái, Bắc trên, Nam dưới. Cho nên đúng Trục Tử Vi Tý Ngọ xiên y hệt như trục Quả Đất. Có fải vì 12 cung Tử Vi theo thuyết thiên văn trục Trái Đất xiên? Chưa hẳn, chúng ta chỉ khẳng định chắc chắn điều này một khi mà chúng ta tìm thấy những tài liệu thiên văn học cổ chứng minh loài người thời bấy giờ đã biết về trục Trái Đất xiên (tôi xin nói không chỉ bản đồ 12 Tử Vi có trục xiên, mà cả Bát Quái Hậu Thiên và Tiên Thiên cũng đều thế, nếu ta vẽ đúng theo fép cổ truyền, vì lí do đó mà tôi cực lực fản đối lối vẽ đơn giản hóa Bát Quái Khôn Càn hay Li Khảm đối xứng nhau thẳng đứng, cũng như lối vẽ xoáy Âm Dương theo chiều thuận, vì như vậy chúng ta sẽ không hiểu tận gốc gác vấn đề). Thứ 2, ngay khi ta tìm đc tài liệu thiên văn cổ nói trục Trái Đất xiên thì cũng chưa chắc bản đồ Tử Vi đã là minh họa cho lí thuyết thiên văn này. Tôi chỉ vẽ lên mô hình để các bạn nhìn vào tham khảo và tự suy nghĩ, chứ không bàn nhiều ở đây.
(xem thêm lời giải thích ở bài trên)
Thưa các bạn đang học coi số Tử Vi!
Chúng ta hẵng khoan đi quá xa trong việc giải thích. Hãy học cái căn bản đã. Bạn nkd đi hơi quá xa.
==============================

Một bạn nói bài MẸO này khó hiểu, tôi coi lại bài giật mình, quả có thế, viết như trên thì chỉ người biết nhiều về Tử Vi rồi mới hiểu dễ, bạn mới học khó hiểu hơn.

Nên tôi để việc viết tiếp Mộc tam Cục lại đó, mà giải thích thêm về NGUYÊN TẮC AN CỤC, MỆNH, THÂN cái đã.

VỀ CỤC:

Hỏi: tại sao chỉ có 5 Cục, không fải 6, hay 7...?
Trả lời: có 5 Cục để ứng 5 hành.

Hỏi: có 5 cục thôi, sao câu quyết Kê Mã Trư Long Ngưu Hổ có tới 6 chữ? (bạn cứ đếm, đúng là 6)
Trả lời: đơn giản thôi, có 5 Cục, ứng với 5 con số, như Thủy 2, Mộc 3, Kim 4, Thổ 5, Hỏa 6. Cục Hỏa ứng số 6, nên an sao Tử Vi cho Hỏa Cục fải tính 6 ngày đầu tiên là mồng 1, mồng 2, mồng 3, mồng 4, mồng 5, mồng 6 làm cái gốc, sau đó mới có chỗ dựa để tính hết các ngày trong tháng của vị trí sao Tử Vi của Hỏa cục. Vì vậy mà cần có câu quyết 6 chữ, nếu chỉ có câu quyết 5 chữ thì thiếu mất một ngày.

Hỏi: Câu quyết Kê Mã Trư Long Ngưu Hổ sử dụng để tính Cục như thế nào?
Trả lời: Câu đó dùng vào việc:
- Cục nào ứng số mấy, thì muốn tính ra sao Tử Vi cho Cục ấy fải tính từ từng ấy ngày đầu tiên làm gốc để tính hết 30 ngày trong tháng. Như Cục Thủy, ứng số 2 (vì Thủy Nhị Cục, nhị là 2)thì tính 2 ngày làm gốc là mồng 1 và mồng 2. Như Mộc tam cục, ứng số 3, thì tính 3 ngày đầu tiên làm gốc là mồng 1, mồng 2, mồng 3. Như Hỏa 6 cục, ứng số 6, nên fải tính 6 ngày làm gốc (vì thế câu quyết cho Hỏa cục fải có 6 chữ) là mồng 1, mồng 2, mồng 3, mồng 4, mồng 5, và mồng 6. Các cục khác các bạn suy ra như vậy. Tóm lại, cục ứng với số mấy, thì tính ngần ấy ngày làm gốc để tính các ngày khác.
- Chỉ có Hỏa cục mới dùng hết 6 chữ của câu quyết Kê Mã Trư Long Ngưu Hổ, các cục khác, cục nào ứng số mấy, thì dùng ngần ấy chữ, tính từ "đuôi" câu quyết (tức chữ Hổ) tính lần ngược lên "đầu" câu quyết (tức chữ Kê) mà dùng bao nhiêu chữ. Như Thủy2cục dùng 2 chữ Ngưu Hổ, Mộc 3 cục dùng 3 chữ Long Ngưu Hổ, Kim 4 cục dùng 4 chữ Trư Long Ngưu Hổ, Thổ 5 cục dùng 5 chữ là Mã Trư Long Ngưu Hổ, Hỏa 6 cục thì dùng cả.
Ứng dụng câu quyết chỉ có mấy việc ấy thôi, ngoài ra không dùng làm gì nữa.

Hỏi: Sau khi biết được mấy ngày đầu tiên rồi, như Thổ 5 cục, đã biết được chỗ an sao Tử Vi của 5 ngày là mồng 1, mồng 2, mồng 3, mồng 4, mồng 5, thì tôi sẽ fải làm gì để tính các ngày khác?
Trả lời, cứ cộng thêm số của cục vào cung đằng trước theo chiều thuận. Như Thổ ngũ cục, thì từ 5 ngày đầu tiên ấy, bạn cộng thêm số 5 được bằng bao nhiêu, ghi số đó vào cung đứng trước. Như Thổ ngũ cục, thì dùng câu quyết 5 chữ Mã Trư Long Ngưu Hổ, nghĩa là mồng 1 ở Mã (Ngọ), mồng 2 Trư (Hợi), mồng 3Long (Thìn), mồng 4Ngưu (Sửu), mồng 5 Hổ (Dần). Mồng 1 ở Ngọ, cộng 5 bằng 6, nên mồng 6 ở Mùi. Mồng 2 ở Hợi, cộng 5 bằng 7, nên mồng 7 ở Tý. Đều là cộng 5 để an vào cung đằng trước theo chiều thuận. Các cục khác các bạn cứ vậy mà suy ra.

PHẦN MINH HỌA:

Thật ra tôi không muốn minh họa, đáng nhẽ các bạn nên tự học, tự suy ngẫm ra điều ấy, vì không ai đủ sức dạy bạn 100 điều đủ cả trăm, muốn học ngoài bày vẽ ra fải có sự tự học, cái gì tự lượng sức mình: tự học không nổi, thì mới đem hỏi người khác, không nên làm fiền những cái vặt vãnh, tủn mủn, không ai có hứng thú trả lời.

Minh họa như sau:

Thủy nhị Cục, dùng câu quyết 2 chữ thôi. Là: Ngưu Hổ (Sửu Dần)
Mồng 1: Tử Vi tại Ngưu sửu
Mồng 2: TV tại Hổ Dần
Rồi cộng thêm 2 vào cung đứng trước

Mộc tam cục, dùng câu quyết 3 chữ. Là: Long Ngưu Hổ.
Mồng 1: Long Thìn
Mồng 2: Ngưu Sửu
Mồng 3: Hổ Dần.

Kim 4 Cục: dùng câu quyết 4 chữ: Trư Long Ngưu Hổ:
mồng 1: hợi
mồng 2: thìn
mồng 3: sửu
mồng 4: dần

Thổ 5 cục, dùng câu quyết có 5 chữ: Mã Trư Long Ngưu Hổ
mồng 1: Ngọ
mồng 2: Hợi
mồng 3: thìn
mồng 4; Sửu
mồng 5: dần

Hỏa 6 cục, dùng câu quyết có 6 chữ: Kê Mã Trư Long Ngưu Hổ (dùng hết).
mồng 1: Dậu
mồng 2: Ngọ
mông 3: Hợi
mồng 4: thìn
mồng 5: Sửu
mồng 6: Dần.

Tất cả các cục đều dùng fép cộng con số cục để tính cung đứng trước.

[câu hỏi quan trọng]Số Cục lấy đâu ra, có fải số Hà Đồ không ạ?
Trả lời: Dạ, không fải!
Hỏi: Sao nói không fải?
Trả lời: Chỉ vì nó không fải!
Hỏi: Tôi thấy Mộc cục ứng số 3, Kim cục ứng số 4, Thổ cục ứng số 5, riêng 2 cục Thủy Hỏa chưa nói, nó không fải số Hà Đồ là gì?
Trả lời; số 3 cục ấy giống Hà đồ, là ngẫu nhiên, tưởng 1 mà không fải 1. Như ta ra đường, gặp 1 người giống vợ mình, nhưng đòi lôi về nhà mình là mang họa! Vì giống vợ mình, nhưng không fải vợ mình. Nó giống Hà đồ ở 3 cục, nhưng không fải số Hà đồ?
Hỏi: Thế thì là số gì?
Trả lời: Nó là số tóan học. Cục có 5 cục, fải có 5 số, nhưng Hỏa lục cục dùng câu quyết 6 chữ (dùng thế nào coi trên) ứng 6 ngày là 1, 2, 3, 4, 5, 6 trong tháng làm gốc. Cục lại chỉ có 5, nên lấy đến số 6, nhưng không dùng số 1, thành ra có 5 con số để làm số cục, là Thủy 2 (bắt đầu từ 2 vì loại con số 1 ra), Mộc 3, kim 4, Thổ 5, Hỏa 6. Số của Cục là người xưa tính ra theo fép như thế, không có gì khó hiểu.
Hỏi: Thế tại sao lại số 2 đem gán cho thủy cục, số 3 đem gán cho mộc cục, ..., số 6 đem gán cho hỏa cục. sao không đổi khác đi được?
Trả lời: thưa, không đổi được. vì có 5 số 2, 3, 4, 5, 6, có 3 số âm (số chẵn), có 2 số dương (lẻ). dương thì bên trái (tả), nên mộc 3 cục, thổ 5 cục nằm fía trái cung Dần là mốc (vì mỗi năm bắt đầu từ tháng Dần), cục có số bao nhiêu thì cách cung dần ngần ấy cung. ngược lại, thủy nhị cục, kim 4 cục, hỏa 6 cục nằm bên fải cung Dần, cũng cục có số mấy thì cách ngần đó cung. (Coi đồ hình minh họa đầu tiên trong bài và fần giải thích cạnh đó). Sau đó, cứ nhìn theo đông tây nam bắc, tức là mộc (đông) kim (tây) nam (hỏa) bắc (thủy), tức là đông trái, tây fải, nam trên, bắc dưới, theo fép ấy mà đặt tên cục theo ngũ hành.
Hỏi: hành thổ thì thế nào?
Trả lời: Số 5 là số đặc biệt trong các con số, ngày nguyệt kị từ đó mà nên, số Hà đồ, số Cửu cung, từ đó mà nên, số sinh số thành từ đó mà nên (số sinh cộng 5 mà ra số thành). trong cái môn học lí số, số 5 là "thiêng liêng", "căn bản", không có số 5 thì lí số sụp đổ, nên số 5 fải tôn trọng, môn nào thì môn, đã là thuộc kho Lí Số Đông Phương thì 5 là cung trung, không ai dám cải tiến, Tử Vi, Kinh Dịch, Đồ Thư, Phong Thủy, Độn Gíap... mỗi môn sử dụng và cải tiến các nguyen lí căn bản một cách một kiểu (như Tràng sinh phong thủy chả như Tràng sinh Tử Vi), nhưng đố ai dám thay đổi con số 5 là Trung Cung. Nên ví von số 5 là Vua (nguồn gốc ngày Nguyệt Kị). Vua ngồi trung cung ở giữa mà cai trị điều hành. trung cung là Thổ. nên số 5 fải là Thổ ngũ cục. các số khác thì cứ theo phương vị trên dưới fải trái mà định ra cục gì, Kim Mộc Thủy Hỏa. Rất là giản dị.

Hỏi: Tôi nghe nói có thuyết thủy nhất cục, có được hay không? liệu có một chút ý nghĩa nào đó không?
Thưa: không có một tẹo nào, người đề ra thuyết đó không hiểu Tử Vi là cái gì cả. Coi cả bài trên thì rõ, không thể dùng lời nói hết. Tạm nói: ví như chấp nhận theo thuyết Thủy nhất cục, tức ứng số 1, vậy thì cấu quyết dùng chỉ có 1 chữ Hổ, ngày mồng 1 tại cung Dần, mỗi cung cộng 1 theo chiều thuận, thế thì còn gì là Tử Vi? lại như vậy thì câu quyết 6 chữ khuyết mất 1, 6 chữ khuyết 1 thì Hỏa lục cục không thể an sao tử vi, vì Hỏa lục cục fải có 6 chữ. Lại nếu chấp nhận 1 thuyết bên tàu mà ông VDTT cung cấp cho chúng ta là họ tin thủy 1 cục, hỏa nhị cục, như vậy câu quyết chỉ dùng 5 chữ cả thảy cho 5 cục, thổ 5 cục dùng hết 5 chữ, vậy thì câu quyết đó là Mã Trư Long Ngưu Hổ ứng thổ kim mộc hỏa thủy cục, trong đó thủy 1 cục (thủy nhất cục theo cái thuyết của họ) ở ngay cung Kiến Dần, phá vỡ qui luật của Tử Vi là cục lẻ dương bên trái (đi nghịch) cục chẵn âm bên fải (đi thuận). cho nên nói người Tàu nào đẻ ra thuật này thật không hiểu Tử Vi là cái gì cả.

Hỏi: Thế tại sao các cục không gọi là nhị cục, tam cục, tứ cục, ngũ cục, thổ cục cho đơn giản?
Thưa: càng không được, vì sinh ra 5 cục là để tượng trưng 5 hành nên cũng lấy ngay tên là 5 hành. nhưng việc chọn tên 5 hành, cũng chỉ là tượng trưng, theo vị trí trên dưới trái fải mà đặt. chỉ tượng trưng nên sách Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư (một cuốn sách kinh điển của môn Tử Vi không dạy rằng coi số nhất nhất fải tính ngũ hành tương sinh của Cục và Mệnh là căn bản, thực tiễn coi số ta coi nó như một chút gia giảm cực nhỏ, như gia vị cho một món ăn mà thôi, như khuyên đeo tai của người phụ nữ, thử hỏi đánh giá một người phụ nữ có thể tham khảo qua trang sức, nhưng đánh giá họ qua trang sức thì sai nhiều hơn hay đúng nhiều hơn?).

Như vậy, qua việc học an Cục trong Tử Vi từ gốc từ gác, ta hiểu ra rằng giá trị ngũ hành trong Cục rất nhẹ, nói không dùng để làm gì thì liều lĩnh, nhưng quá coi trọng nó thì sai lầm, như lấy lá làm cây vậy.
thủy hỏa mộc kim thổ.
============================

Chú thích một chút:
Về Hà đồ, tôi xin nói là người đời rất cổ xưa (xưa lắm, bao nhiêu năm không cần biết) nói "Hà đưa ra Đồ, Lạc đưa ra Thư". Còn vài câu nữa, nhưng đại để rút ra là: không ai biết đích xác Đồ là cái gì, Thư là cái gì, nó mặt mũi ra sao, nói về lĩnh vực gì, không ai biết. Mãi tận đến đời nhà Hán mới có mấy ông vẽ ra 2 cái hình vẽ, trình làng thiên hạ, rồi nói đấy chính là Đồ, đấy chính là Thư của Thánh Hiền xa tít đời xưa đó. nhưng họ (như ông Khổng An Quốc) không hề và tuyệt đối không hề đưa ra được một bằng chứng gì chứng minh đấy chính là Đồ, đấy chính là Thư mà đời tiên tổ xa lắm xa xa lắm. Vì Đồ là gì, Thư là gì chưa ai biết (trước đó) nên có cả đống người không tin rằng đấy chính là đồ là thư ngày xưa, giả thử mấy ông tự sáng tác ra thì sao, nhưng cũng không thể nói chắc là 100% không fải. Ví như bây giờ bạn tự viết hay vẽ một cuốn sách một bức vẽ hay bất kì cái gì đây mà bảo là Đồ Thư thì cũng thế! Theo chữ Đồ là đồ hình, Thư là sách, nhưng Hà Đồ có dạng bức vẽ nhưng Lạc Thư cũng là bức vẽ nhưng không fải sách. Ngày nay, dựa vào nhiều nguồn sử liệu, giới nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng Đồ là bản đồ đất nước, biên cương, phong thổ mỗi vùng, đặc sản, đại chất... và Thư là cuốn sách tóm tắt thuật trị nước anh minh. Bậc vua chúa cai trị fải có 2 thứ ây thì mới cai trị đất nước tốt, ích nước an dân. Đó là fỏng đóan, trên tư liệu sử. Thật ra không fải giới khoa học bây giờ mới nói, mà tự khi có 2 cái bức vẽ ra mắt thiên hạ ( rồi nói đại lên là của thánh hiền đời xưa mà không một chứng cứ đưa ra) vào đời nhà Hán, đã có rất nhiều nhà nêu thắc mắc, rồi cứ thế đời nào cũng có người thắc mắc cả, thậm chí không ít người nói thẳng mấy ông tự mạo danh thánh hiền để lại kia là dối trá, tội đồ, bịp bợm (có khác gì bạn học được vài chiêu thuốc ở đâu không biết rồi nói đại lên là thuật chữa bệnh của Thánh Y Hoa Đà mà không chứng minh tại sao bạn có nó, tại sao lại của Hoa Đà đời Tam Quốc truyền đến bạn giữa thế kỉ 21). Tất nhiên, sau khi học Hà Đồ, Lạc Thư lâu nay, chúng ta đều biết nó có giá trị, có giá trị nhưng không thể khẳng định tiên thánh đời Phục Hi để lại, khả năng nó của mấy nhà LÍ SỐ HỌC đời Hán sáng tác, như đời Tống sáng tác Tử Vi, Trần Đoàn sáng tác VÔ CỰC ĐỒ. Tử Vi có fải của Phục Hi thánh hiền Tam Hoàng Ngũ Đế không, nhưng nó vẫn cứ có giá trị như thường. Chính vì vạy mà ta học Tử Vi. Xin bổ sung là lịch sử coi bói tự đời Xuân Thu Chiến Quốc sử liệu kể lại rất nhiều trường hợp coi bói Dịch và cách bói dịch của họ, rồi lịch sử các loại coi bói các môn trước đời Hán không ai nói đến Hà Đồ Lạc Thư. Chỉ sau đời Hán mới có, và mới dùng.

mong các bạn tha thứ, không post reply ở đây, vì bài Mẹo Nhỏ này còn tiếp tục, tôi muốn bài viết gọn ghẽ, có ý kiến, mong các bạn post sang 1 topik khác.
AN CUNG MỆNH THÂN CÓ NGUYÊN LÍ HAY AN VÔ CỚ?

Tôi xin lỗi là không làm đề cương trước, đáng ra trình bày từ cách an Mệnh Thân rồi mới trình bày về Cục thì theo trật tự lớp lang hơn. Do đó, tạm ngưng đề tài Cục lại, tôi fải đi từ nguyên lí an Mệnh, an Thân.

1, Hỏi: sách dạy an cung Mệnh bấm từ Dần đến tháng sinh (thuận) rồi tại đó bấm lui đến giờ sinh an Mệnh, bấm thuận nữa đến giờ sinh an Thân. Như vậy có đúng nguyên lí an cung Mệnh không?

Thưa: Vừa đúng vừa không đúng! Vì.

Thật ra không fải chọn cung Dần làm mốc, rồi tính lui đến giờ sinh an cung Mệnh, bấm thuận tới giờ sinh an cung Thân, như thế không fát hiện ra NGUYÊN LÍ, và cũng không biết Mệnh là gì Thân là gì, tại sao chia ra Mệnh quản cả đời và riêng chủ trị nửa đời đầu, Thân quản nửa đời sau. Phải nói Mệnh trước Cục, vì Mệnh là gốc của Cục.

Đấy là các sách người ta dạy thế cho dễ tính. Chứ đúng ra là:
- Tháng nào thì khởi ngay tại cung của tháng đó.
VD: tháng 5, tức tháng Ngọ, thì lấy ngay cung Ngọ ấy.
- Xong, bấm nghịch an Mệnh, bấm thuận an Thân.
Tóm lại, lấy cung tháng làm chuẩn, tức là tìm cái KHÍ của tháng mình sinh ra, rồi tìm 2 chỗ "ẩn tàng" cái KHÍ của Giờ sinh trong lá số, xuất fát từ cung tháng đó.

Tại sao người ta sinh ra có 4 yếu tố: năm tháng ngày giờ, mà lại chỉ tìm khí tháng là khí giờ để định ra Mệnh Thân?

Vì năm sinh là một đại lượng lớn, khí của năm không rõ ràng. Năm chỉ tính theo Can và Chi, như năm Ất Dậu. Khí của năm Ất Dậu biến hóa phức tạp, nó gồm cả khí của Ất, lại gồm cả khí của Dậu, lại kiêm cả khí của Ất Dậu ngũ hành nạp âm là Tuyền trung thủy, Tuyền trung thủy không fải là khí riêng của năm Ất Dậu, mà còn của cả năm Giáp Thân nữa. vì vậy dò tìm khí bẩm thụ của năm trên bản đồ 12 cung không biết tìm ở đâu?

Thế còn khí Ngày?

Do chỗ Tử Vi không dùng ngày can chi, mà chỉ dùng ngày số (1 fần vì vậy mà có tên TV Đẩu Số), ngày số thì không rõ khí của nó (như nói sinh mồng 3 mà tìm khí của mồng 3 thì không thể được)

Cho nên chỉ có KHÍ của THÁNG và GIỜ là có thể dùng bấm độn.

Khí của Tháng chính là Khí của Mùa mà ra, tháng sinh Mùa Xuân thì khí của nó là Mộc Xuân. Riêng các tháng cuối mùa thuộc Thổ xin fép không nhắc lại. Như vậy rất đúng, vì tháng nào cứ tìm đúng cung có tên đó mà lấy khí tháng rất đúng. Như sinh tháng 5, tức ắt tháng Ngọ, thì cứ khí cung Ngọ chính xác là khí tháng 5 tức tháng sinh ra mình rồi.

Khí giờ sao, giờ thời gian rất cụ thể sinh ra mình, tại sao không lấy khí ngày làm gốc để tính cung Mệnh Thân. Tất nhiên là không được. Vì:

Khí của giờ tuy cụ thể nhưng không lớn, nó tùy thuộc vào Khí của tháng sinh. Như nửa đêm tháng 5 khác nửa đêm tháng Chạp rất nhiều về Khí. Khí giờ phụ thuộc Khí tháng như thế nên lấy Tháng làm gốc (sinh tháng nào ngón tay chỉ vào tháng đó mà khởi bấm tìm Mệnh Thân) để tìm đến Giờ tức là chỗ Khí Giờ ẩn tàng phụ thuộc Khí Tháng trong 12 cung số.

Tại sao lại sinh ra 2 cung Mệnh và Thân, tại sao không chỉ tìm cung Mệnh cho đơn giản. Không đươc!

Vì: có âm fải có dương. Có thuận fải có nghịch. Như nếu Tử Vi chỉ đi tìm cung Mệnh, khác nào người chỉ có mắt trái? Nếu chỉ có cung Thân, khác nào chỉ có mắt phải? Thế gọi là "chột", chột thì sao nhìn tỏ số mệnh? Vậy fải có 2 cung Mệnh Thân, như thế mới có đủ 2 con mắt mà dò xét số mệnh. cũng vì thế, thuyết nào nói coi một cung bỏ cung nào cũng là sai trái cả, fải coi kiêm gộp cung. Nói về thời hạn, hay chia ra nửa đời, nửa trước coi mệnh, nửa sau coi Thân. Nhưng hiểu cho đúng, khi một em bé ra đời, coi có số vững hay yểu, người ta cũng coi đều ngay cả 2 cung Mệnh Thân không bỏ cung nào cả, thì mới chắc đúng. Tất nhiên Mệnh nó là căn bản.

Tại sao từ tháng bấm nghịch đến Giờ làMệnh, bấm thuận
làThân, ngược lại được hay không? Tất nhiên là không!

Vì: Trong các chiều vận hành Lí Số, fép nào cũng vậy, nhất nhất người ta đều nói rõ, chiều nghịch mới là chiều căn bản, có thể gọi là CHIỀU VŨ TRỤ. Nay các máy móc hiện đại con người làm ra, như cái "đường ren" trong con ốc máy cơ khí, người ta vặn theo chiều thuận, ấy là vì thuận tay. Chứ CHIỀU VŨ TRỤ căn bản là : trái sang phải, tức chiều nghịch. Có bạn thắc mắc là chưa chắc ngày xưa kiến thức vũ trụ của người xưa đã biết là Trái Đất xoay quanh Mặt trời theo chiều nghịch đâu, và chưa chắc đã có kiến thức như thiên văn hiện đại nói. điều này thì đúng, nhưng nói bản chất thì người xưa không có kiến thức thiên Văn y hệt như ngày nay, nhưng về biểu kiến (tôi xin phép dùng 1 từ hơi khó hiểu này, vì tôi nghĩ không ra một từ nào khác thay thế) thì nó vẫn cứ đem về một kết quả như thế! Tôi thí dụ ngày mà nhân loại làm ra lịch lâu lắm rồi, và kiến thức thiên văn của họ so với ta hiện nay rất hạn chế, thậm chí sai lầm, nhưng họ vẫn làm ra lịch khá chính xác. Xét biểu kiến, tuy có thể chưa biết Trái đất quay quanh Mặt trời theo chiều nghịch, nhưng ngẩng mặt nhìn Trời, ai cũng biết Mặt trời đi từ đông sang tây, cũng tức là đi từ Trái sang Phải theo Lí Số. Tôi không muốn sa đaf vào Sử ở đây, chỉ xin nhắc bạn là Trống Đồng VN bao giờ cũng xoay theo chiều ngịch, khi đua thuyền biểu diễn một màn thuyền xoay tròn (tục VN xưa nay) bao giờ người ta cũng đi theo chiều nghịch cả.

Do đó, từ tháng, bấm nghịch an Mệnh, bấm thuận an Thân, vì Mệnh là con mắt chính để nhìn số mệnh, Thân là con mắt thứ 2.

Lại có người thắc mắc: Vậy, yếu tố thời gian sinh ra người có 4 là năm tháng ngày giờ, an Mệnh Thân chỉ cần biết tháng và giờ như vậy rất thiếu sót. Thưa không!

Vì tính theo tháng và giờ tìm Mệnh, Thân, ấy là dùng độn để tìm ra CUNG NÀO ẨN DẤU CÁI KHÍ CHÍNH MÌNH THỤ HƯỞNG, tức là vị trí, chứ không fải cái xấu cái tốt, vì cung Mệnh ở đâu thì tốt xấu của nó còn tùy vào bày biện 12 cung tạo nên cách cục của các sao. mà cách cục các sao lại do an vị các sao. an vị các sao thì đều có sao theo năm tháng ngày giờ, sao an theo Cục, ngũ hành Cục, sao theo âm dương nam nữ, và cá biệt một số sao đi theo lối đặc biệt riềng là Thương Sứ và Tài Thọ. Như vậy số mệnh chúng ta tốt xấu thụ hưởng từ khi sinh ra bao gồm cả 4 yếu tố năm tháng ngày và giờ.

Đồ Hình Nguyên Lí An Thân Mệnh:



=================
tôi đã nói Hành của Cục là mang tính tượng trưng fần nhiều, bạn đã tỏ tường rằng nó không nằm đúng như 4 hướng chính Nam chính Bắc chính Đông chính Tây thật sự, cho nên ứng dụng của nó không thật lấy gì làm lớn ngoài việc tính ra vị trí sao Tử Vi. Nếu máy móc áp dụng Mệnh Cục tương sinh hay khắc, Mẹnh Sao Cung sinh khắc, tôi nghĩ nó sẽ nhiều nguy hiểm, khiến chúng ta ngụy biện bao che cho cái kém cỏi trong đóan số của ta. Tôi thí dụ, nếu một người đời thật sướng, số ta xem có vẻ khổ, có thể trong số có những bí mật ta chưa khám phá ra, nhưng ta thấy vậy thì ngụy biện là do Mẹnh Cục tương khắc, nếu Mẹnh Cục người này ta nói do Âm Dương nghịch lí, nếu quả số họ có Âm Dương thuận lí ta lại nói do cung không phù sao, giả như họ có cung phù sao, ta nói do sao không phù mệnh, giả như sao phù Mệnh ta nói do không đúng trật tự Cung--> Sao--> Mệnh, giả nhue đúng trật tự đó ta nói do sao cung Mệnh fù cho Mệnh, nhưng sao cung Thân lại không phù cho Mệnh, nếu sao cung Thân phù cho Mệnh ta lại nói do sao cung Thân không phù cho cục, giả như số đó lại sao cung Thân phù Cục ta lại nóituy hợp nhưng không thuận mùa sinh, giả như lại có thuận mùa sinh ta nói không thuận giờ sinh, giả như vẫn thuận giờ sinh ta nói cung Mệnh không ở vùng Sinh địa, giả như cung Mệnh sinh địa ta nói cung Thân không ở sinh địa, giả như cung Thân ở sinh địa ta nói do không Tam Hợp Thái tuế, giả như Tam hợp Thái Tuế ta còn đủ cách biện hộ tùy sức ta nghĩ ra. Mà tôi tin không số mấy lá số trên đời cũng như trên diễn đàn này đủ sức thỏa mãn một chuỗi "giả như" trên của tôi.

Về giá trị Mệnh Nạp Âm đã nói trên của năm sinh cũng chỉ có giá trị không lơn lắm, tôi đã nói, nay nói thêm, ví như trong đông y, khi tính Khí từng năm người ta đẻ ra một môn rất phức tạp (xin coi sách Hải thượng) không dùng Mệnh Nạp Âm này bao nhiêu, giả như năm ấy nạp âm Sa trung Kim ta nói năm ấy Khí Kim, khô ráo (vì Kim chủ Khô Táo), sẽ rất sai! Cũng vậy, mệnh nạp âm trong Tử Bình cũng không đóng vai trò quan trọng. Tôi thấy chỉ có môn Bốc Phệ (quẻ Kinh Dịch) là hay dùng nạp âm để tính Lục Thần thì có coi trọng Nạp Âm, nhưng bói Dịch theo kiểu Mai Ba thì lại không cần nạp âm là mấy.

Như vậy không fải phủ nhận giá trị của Mệnh, Cục, Nạp Âm, mà chỉ xin lưu ý đừng quá coi trọng vào đấy, sách nào cũng nói nó chỉ là "một gia giảm rất nhỏ", cũng như gia vị thêm vào cho món ăn, ngon hay không cốt yếu ở tài người nấu, chứ nấu dở không ngon (như lá số cách cục xấu) bỏ gia vị thành ra ngon (giải đoán vì hợp ngũ hành âm dương thành tốt) thì không bao giờ có.
Sau khi đã xác định cung Mệnh nằm ở đâu, ta sẽ an liên tiếp 11 cung số tiếp theo, vấn đề là tại sao lại có cách an 12 cung theo trật tự như vậy? Thiết tưởng chúng ta nên bàn về việc này trước khi đi vào cách an sao trên lá số, nên tôi sẽ bàn việc này trước cho đúng tuần tự vấn đề.

CÁCH SẮP XẾP 12 CUNG CÓ QUY LUẬT GÌ KHÔNG?

- Trong cuốn Tử Vi Hàm Số (Nguyễn Phát Lộc) có giải thích cách sắp xếp 12 cung, tại sao lại cứ luôn theo trật tự Mệnh --> Phụ --> Phúc --> Điền --> Quan --> Nô --> Di --> Giải --> Tài --> Tử --> Phối --> Bào như vậy. Các bạn có thể tham khảo kiến giải của ông Nguyễn Phát Lộc về vấn đề này. Kiến giải của Ô. Nguyễn Phát Lộc đáng chú ý, nhiều chỗ đúng, nhưng cũng nhiều chỗ khiên cưỡng gò ép, dầu sao cũng rất xứng đáng tham khảo.

- Thứ tự 12 cung là Mệnh, Phụ, Phúc ... đến Bào là cách an ta quen dùng, 12 cung này đi thuận, dễ an hơn. Nhưng cách an đúng gốc là an 12 cung theo chiều nghịch (sách Tử Vi Áo Bí của Ô. Lê Tư Vinh - Việt Viêm Tử đã dạy lấy lá số theo cách chiều nghịch này). An theo chiều nghịch như vậy mới thấy đúng lí thuyết gốc của Tử Vi, cũng như an vòng sao Tử Vi thì nên an nghịch (khác vòng Thiên Phủ an thuận) thì dễ thấy lí thuyết Tử Vi hơn. Cụ thể của cách an gốc này như sau:

An theo ngược chiều kim đồng hồ:

1. Mệnh
2. Huynh Đệ (cung Bào)
3. Phu Thê (cung Phối)
4. Tử Tức (cung Tự: chữ "Tự" nghĩa là "nối dõi", "đời con")
5. Tài Bạch
6. Tật Ách (cung Giải)
7. Thiên Di (cung Di hay Thiên)
8. Nô Bộc
9. Quan Lộc
10. Điền Trạch
11. Phúc Đức
12. Phụ Mẫu (cung Thân: chữ "Thân" tức "cha mẹ" như "song thân").

Từ đây ta thử nghiên cứu lí thuyết để sắp đặt phối trí 12 cung số trên lá số Tử Vi (rất khác 12 cung của Tử Bình, đó là do mỗi ngành một ứng dụng riêng, triển khai riêng).

a. Trước hết, cung đối chiếu cung Mệnh luôn là Thiên Di. Vì Mệnh là "trong" là "nội thân" của số mệnh. Còn Thiên Di là "ngoại" là ngoại lực, ngoại cảnh, xuất nhập của cá nhân ra bên ngoài xã hội.

b. Mệnh Quan Tài phải ở thế Tam Hợp. Bởi Tử Vi xem hai lĩnh vực Công Danh và Tài Sản là hai lĩnh vực quan trọng cùng với cung Mệnh tạo nên "tam giác số mệnh". Chiều thiên nhiên vũ trụ là chiều nghịch, chiều nhân gian xã hội là chiều thuận. Do đó, sao Dương tinh thì đi nghịch, sao Âm tinh thì đi thuận, chiều xoay cơ bản của lá số là chiều nghịch. Nhưng nhiều ứng dụng khác trong Tử Vi lại đặt chiều đi thuận là chiều chính, như an tiểu hạn thì nam thuận nữ nghịch, nhiều sao thì dương nam âm nữ đi thuận, âm nam dương nữ đi nghịch chẳng hạn, đều là triển khai về Dụng cho nhân gian, chứ chưa phải chiều căn bản là chiều vũ trụ tức chiều nghịch, tức là Thể. Theo cách nhìn ấy, tính theo chiều thuận ta có bộ ba "tam giác số mệnh" theo thứ tự "Mệnh --> Quan --> Tài", Quan lộc trước, Tài Bạch sau, có lao động (Quan) rồi mới sinh tiền của (Tài). Cũng nguyên tắc thuận nghịch này mà ta thấy an 12 cung lấy nguyên tắc là đi nghịch (tiên thiên) nhưng "tam giác số mệnh" lại theo chiều thuận.

c. Như vậy là ta đã được 4 cung Mệnh Quan Tài Di bất di dịch trên lá số. Bây giờ chỉ còn việc xác định trật tự 8 cung khác. Theo nguyên tắc đi nghịch thì:

Ta biết là cứ lấy cung Mệnh mà khởi đi, nhưng nhìn kĩ hơn trên lá số thì xuất phát tự chỗ cung Phúc. Đó cũng là thí dụ cho ta thấy một phần vai trò, giá trị của cung Phúc trong Tử Vi, mà hầu như không thấy tương tự trong một bộ môn lí số khác (?). Thứ tự tính từ cung Phúc như sau:

Phúc --> Phụ --> Mệnh --> Bào --> Phối --> Tử

Ta thấy tính trật tự ở chuỗi 6 cung trên rất rõ rệt. Phúc là phúc đức thụ hưởng, nhưng cũng là Tổ Tiên, sau Tổ Tiên mới tới Bố Mẹ mình (Phụ), sau Bố Mẹ mình mới tới Mình (Mệnh), sau Mình thì tới Anh Em (Bào)(cung Bào bao gồm cả anh chị nhưng theo lí thuyết Tử Vi thì nó phải đứng sau Mệnh), sau đó thì tới tuổi lập gia đình tức đến cung Phối (Vợ hay Chồng mình), có Vợ Chồng rồi mới đến Con Cái (Tử). Sau cung Tử đến cung Tài, do "tam giác số mệnh" Mệnh Quan Tài đã nói trên.

d. Xét cung Điền: nhiều bạn coi số quá nhấn mạnh về cung Điền, coi như cung này tốt thì lắm nhà nhiều đất. Kì thực không chính xác. Các sao và cách tốt tụ hết vào Điền thì sẽ gây mỏng yếu cho những cung quan trọng, cho số mệnh. Vì vậy mà nhiều người có số cung Điền tốt, nhưng Mệnh xấu nên nhà cửa vẫn lùi xùi đâu có trang hoàng gì đâu? Cho nên để cung Điền vào cung cuối rốt cùng (khi tính từ Phúc cung làm tiên khởi). Cũng vậy, Điền là hương hoả Tổ Tiên, hay đúng hơn là nơi sinh tụ của dòng tộc, là miếng đất mà dòng họ định cư, vì lí đó, mà cung Điền ở sau ngay cung Phúc (chú thích thêm: ở Việt Nam thì hơi khác, chứ bên Trung Quốc thì mỗi dòng họ đều có một quê hương phát tích nhất định, như nói họ Trương là người ta biết vùng đất gốc của dòng họ ấy ở đâu, sách Bách Gia Tính của họ ghi rõ quê hương bản quán của tất cả những họ bên Trung Quốc là địa phương nào, dù sau đó con cháu có thiên di đi những đâu).

e. Xét cung Nô: cung Nô còn quan trọng hơn cung Điền, vì Nô Bộc là tay chân, "thần thiêng nhờ bộ hạ", giúp rập cho công danh (Quan lộc), phù ủng khi giao du xuất nhập (Thiên Di), nên cung Nô ở giữa hai cung Thiên Di và Quan lộc. Lưu ý thêm: coi cung Nô trong lá số cũng rất nên để ý, Nô quá tốt ắt Mệnh xấu. Người Mệnh hãm, cách cục không chỉnh, mà cung Nô có Tử Vi miếu chẳng hạn, thì trên đời ai cũng hơn mình, nghĩa là mình chẳng có gì cả, số thế thậm xấu.

f. Xét cung Tật: cung này bao gồm bệnh hoạn, tai ương, hoạn nạn, lao lực kiêm gộp. Người cung này xấu không chỉ lắm bệnh, mà còn không may, hay hoạ hoạn, ngang trái nghịch cảnh, oan nghiệt, lao tâm khổ tứ, như trời đày đoạ (tất nhiên nên coi ở Mệnh Thân Phúc làm gốc mà tính). Do đó, cung Tật ách nằm giữa cung Tài và cung Thiên. Sinh kế làm người ta lao lực, cơ thể hao tổn, quá nữa sinh bệnh, sinh kế và giao du xuất nhập sinh tai sinh hoạ. Vả lai, đây cũng là cung còn lại cuối cùng sau khi ta đã xác định được 11 cung trên.

Đây là lí thuyết 12 cung an vị mà tôi được đào tạo. Tôi liên tưởng đến cái thiên "Tự Quái" trong Dịch, thấy "tự quái" phần nhiều là lối giải thích gượng ép thứ tự 64 quẻ. Cũng thế, tôi không nghĩ rằng thứ tự 12 cung tử vi có thể giải thích khiên cưỡng, có lẽ một phần lí thuyết của nó vẫn còn chìm lặn mà ta chưa phát giác hết ra.


Lưu ý: 12 cung an thuận hay nghịch cũng không khác biệt gì, vì nếu an thuận thì theo thứ tự Mệnh, Phụ, Phúc..., mà an theo chiều nghịch thì theo thứ tự Mệnh, Bào, Phối... Cũng ra một kết quả. Nhưng nguyên tắc mang tính nguyên lí, từ gốc thì 12 cung phải luôn luôn an theo chiều nghịch. Cũng vậy, an theo chiều nghịch ta mới thấy hoá ra cung Phúc mới là cung đầu mối của chuỗi 12 cung. Chiều đi nghịch mới là chiều căn bản, mang tính cách chiều vũ trụ. Nếu tính theo chiều thuận thì Mệnh trước rồi mới đến Phụ Mẫu (mình rồi mới có bố mẹ), Phụ Mẫu rồi mới có Phúc đức (bố mẹ đi trước cả tổ tiên), lấy làm vô lí, cũng như cung Tử Tức (con cái) đi trước cung Phu Thê (Phối) (khác nào chưa ra vợ chồng mà lại đã có con?).
(con tiep)

#2 daicoviet

    Hội viên

  • Hội Viên mới
  • Pip
  • 244 Bài viết:
  • 96 thanks

Gửi vào 07/06/2011 - 03:05

Tôi hỏi chút không phiền chớ ?

"Sau đó, cứ nhìn theo đông tây nam bắc, tức là mộc (đông) kim (tây) nam (hỏa) bắc (thủy), tức là đông trái, tây fải, nam trên, bắc dưới, theo fép ấy mà đặt tên cục theo ngũ hành."

Tôi không hiểu đoạn này nhìn như thế nào để cục 6 là hoả, cục 2 là thuỷ, v.v ....

#3 glamorous

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 80 Bài viết:
  • 6 thanks

Gửi vào 07/06/2011 - 13:05

Thienkhoitimvui thiệt là xuất sắc! Từ trước giờ mình chưa thấy ai giỏi đến như vậy...Mong anh NgoaLong post tiếp bài sau






Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |