Jump to content






Advertisements




Vợ giả (trích từ baomoi.com)


9 replies to this topic

#1

Hoa Cái



 

    Hội Viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPip
  • 5381 Bài viết:
  • 18601 thanks

 

Gửi vào 25/10/2013 - 22:45

PN - Mười một giờ, các con đã yên giấc, vợ tôi vẫn còn lọ mọ bôi bôi trét trét thứ gì đó để dưỡng làn da mới tắm trắng. Tôi biết, đêm nay rồi cũng như nhiều đêm trước, khi vợ vẫn chưa hoàn tất việc dưỡng da, tôi đã ngủ say. “Ngủ chay” cũng không sao, đáng sợ hơn là gần hai năm nay, có một hố ngăn cách đang lớn dần giữa vợ chồng tôi: Tôi không còn muốn gần vợ nữa vì ở bên vợ, tôi cảm giác như gần ma-nơ-canh ở shop quần áo, hay một búp bê cỡ lớn!

Làm đẹp cho ai?
Kinh tế gia đình tôi thuộc loại trung bình, nên mỗi lần vợ tôi đi thẩm mỹ viện làm một “món” là phải chắt bóp khá lâu, thậm chí có lúc phải vay mượn thêm. Tôi cũng chẳng quan trọng chuyện tiền bạc, chỉ khổ sở vì chuyện khác. Mười năm trước, vợ hớn hở khoe: “Anh nhìn xem em có gì lạ không?”. Tôi săm soi, gãi đầu, chịu thua. Vợ phán: “Đúng là đàn ông vô tâm. Em xăm chân mày đẹp vậy mà anh không nhận ra”. “Ờ thì cũng đẹp” - tôi xuề xòa. Nhưng, ngay từ lần đó, tôi đã đặt một câu hỏi rất… đàn ông: lông mày đang bình thường, việc quái gì phải đi xăm? Không chừng lại bị lây bệnh, ai biết dụng cụ xăm có được vô trùng hay không? Nhưng chiều vợ, thấy chỉ mỗi đôi chân mày thì cũng chấp nhận được, nên tôi không bận tâm nữa. Hóa ra, việc làm đẹp của phụ nữ không bao giờ dừng lại. Ban đầu họ còn ngần ngại, nhưng khi đã làm được “món” đầu tiên là cứ ham muốn làm tiếp...
Một ngày, vợ về nhà, hớn hở với đôi môi sưng tấy, phập phều và đỏ au. Tôi sững người. “Anh thấy đẹp không?”. Tôi choáng, không thể mở lời! Đến khi bình tĩnh, tôi mới bày tỏ quan điểm: “Môi em đang bình thường, nghe ai xúi bậy mà phải khổ sở vậy?”. Dù môi còn đau, nói năng khó khăn nhưng vợ vẫn thao thao về “thành quả” mới của mình. Rằng “anh cổ hủ lắm, xăm môi là chuyện bình thường ngày nay”, “anh không biết, kỹ thuật hiện đại khiến môi xăm có màu hồng tự nhiên, đẹp lắm”, “em làm đẹp cũng vì anh, mà anh còn này nọ…”.
Tôi dằn mạnh ly nước xuống bàn: “Em làm đẹp cho anh sao? Nếu vậy, trước khi làm phải hỏi ý kiến anh chứ? Anh đâu có cho vậy là đẹp? Hay em làm đẹp cho người khác?”.
Rồi đôi môi vợ tôi cũng lành với màu hồng chẳng ra hồng, tím chẳng ra tím. Lông mày thì rõ mồn một hai đường cong màu… mực tàu. Lòng dặn lòng, thôi thì hạn chế không nhìn kỹ lông mày và đôi môi vợ là được rồi.
Sau xăm môi, vợ tôi tiến lên nâng mũi. Hỏi ý kiến, tôi không đồng ý, nhưng vợ tôi vẫn tiến hành. Tôi dọa: “Em nằm viện, anh không nuôi đấy!”. Vợ tôi nhăn răng cười: “Không sao, em đã nhờ cô bạn”. Nói thế, nhưng tôi cũng phải vào bệnh viện trông nom cho yên tâm. Vợ tôi nằm đó với chiếc mũi thẳng tưng, cảm giác dờn dợn làm triệt tiêu khái niệm đẹp - không đẹp trong tôi. Ngồi hóng chuyện nhóm bạn gái của vợ vào thăm, tôi mới biết, cả nhóm ấy, ai cũng nghiện làm đẹp, mỗi lần có ca đụng vào dao kéo là các thành viên khác ủng hộ, động viên hết mình để “đồng đội” vượt qua sợ hãi. Những người phụ nữ ấy ngồi đó, nói nói cười cười với gương mặt thiếu hài hòa. Người thì xẻ mí mắt, người bơm môi, người gọt cằm... trông mới lạ lẫm làm sao!

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Hãy tôn trọng "sự thật"!
Vợ xuất viện, tự tin với chiếc mũi “cao như mong ước”. Vợ thì sung sướng với thành quả ấy nhưng tôi lại gượng gạo trong ánh nhìn, lòng hỗn độn yêu-ghét.
Tình cảm vợ chồng đang chênh chao thì vợ tôi lại bồi thêm một cú trời giáng nữa: tắm trắng toàn thân! Vợ đưa ra đủ thứ lý thuyết để thuyết phục tôi: tắm trắng bằng tinh chất sữa non nên êm ái lắm, sắc da cũng sẽ trắng tự nhiên; thời gian tắm trắng nhanh gọn; đàn ông, ai mà không thích ngắm làn da trắng của phụ nữ... Da vợ tôi hơi ngăm, tôi từng nịnh vợ “ngăm ngăm da trâu nhìn lâu thấy đẹp”. Thực lòng, tôi cũng thích làn da nguyên thủy của vợ. Điều gì sẽ xảy ra khi làn da ngăm ấy bị tẩy thành màu trắng?
Phồng rộp, đau nhức là thứ vợ tôi buộc phải chịu đựng. Không chỉ thế, cuộc sống bị xáo trộn. Khi thì sai chồng đi đón con, lúc lại nhờ chồng đi chợ vì “tạm thời em chưa dám ra nắng”. Những điều lặt vặt ấy càng khiến tôi thêm bực bội với dịch vụ làm đẹp.
“Tại sao các bà cứ phải chịu đau, chịu khổ vì chuyện làm đẹp như vậy?”. Vợ tôi lý luận theo kiểu rất phụ nữ: “Ra đường, chẳng phải anh chăm chăm ngắm người đẹp, da trắng sao? Em ngồi sau xe anh, thấy anh ngắm người khác, cũng tức lắm chứ bộ!”. Vợ tôi không hiểu, với đàn ông, dù vợ có là hoa hậu, thì ra đường chồng vẫn thích… ngắm người khác! Đó là lẽ tự nhiên thôi.
Gần đây, dù làn da mới chưa thực sự ổn, nhưng vợ tôi đã gần xa về những “ước mơ mới”. Tôi phập phồng lo không biết khi nào vợ tôi lại bất ngờ làm liều thêm một cú. Có vẻ, vợ đang đặc biệt quan tâm đến độ khiêm tốn của đôi gò bồng đảo và miếng ngấn mỡ ở bụng.
Những ngày này, chuyện ông bác sĩ Tường vứt xác bệnh nhân xuống sông Hồng đang gây rúng động xã hội. Tôi cũng phập phồng cảm giác của “người trong cuộc” vì có người vợ đang “làm đẹp bằng mọi giá”, lơ mơ là chồng mất vợ, con mất mẹ như chơi ấy chứ!
Vợ tôi đã “chính thức” mở lời: “Anh à, bây giờ giá phẫu thuật nâng ngực cũng mềm lắm, bạn em làm hết có một ngàn đô…”. Tôi phát hoảng, nhưng cố tếu táo: “Thôi thôi, em làm ơn tôn trọng sự thật đi”. Vợ đùa theo: “Hứ, vậy thì anh cũng đừng có mà bóp méo sự thật đó nha”. Tôi nghiêm giọng: “Anh không đùa. Nếu em đi bơm ngực, anh sẽ chẳng hứng thú với cái đồ giả ấy. Anh chúa ghét đồ giả! Cứ đà này, chẳng mấy chốc anh chỉ còn lại bà vợ… giả”.
Hà Dũng
LTS: Trẻ, đẹp là mong muốn chính đáng của nhiều người, nhưng ngày càng có nhiều chị em “nghiện” làm đẹp bằng dao kéo. Việc phẫu thuật thẩm mỹ quá đà không những gây ảnh hưởng sức khỏe của người được phẫu thuật, mà còn gây xáo trộn cuộc sống gia đình, phát sinh mâu thuẫn tình cảm vợ chồng. Cái đẹp tự nhiên và cái đẹp sau phẫu thuật thẩm mỹ cũng cần được nhìn nhận cho đúng để người trong cuộc tránh được những quyết định sai lầm. Bạn chọn sắc đẹp tự nhiên hay nhan sắc “tôn tạo”? Cái đẹp hình thể hay nét đẹp tâm hồn mới là quan trọng? Một người vợ “dao kéo” có mang lại hạnh phúc gia đình? Mời bạn đọc trao đổi ý kiến qua diễn đàn Đẹp thật, đẹp giả. Bài tham gia xin gửi về địa chỉ depthatdepgia@baophunu.org.vn.

#2

hongtiem



 

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 638 Bài viết:
  • 2031 thanks

 

Gửi vào 27/10/2013 - 23:27

VỢ GIẢ- VỢ THẬT??
“Mày lạy người ta coi được hay để má lạy người ta?”. Câu nói của má như một mệnh lệnh mà tôi phải chấp hành. Khi đó má bệnh nặng, ai cũng nghĩ là sẽ không qua khỏi. Vậy là tôi nghe lời má, cưới Út Hương, con bác Năm Thuận, bạn làm ăn buôn bán với má mấy chục năm qua.

Cứ tưởng chỉ là chuyện nói đùa, không ngờ má tôi lại coi đó là một lời hứa nghiêm túc. Sau này tôi còn biết thêm, lúc má tôi khó khăn, bác Năm Thuận đã cho mượn một số tiền lớn. Tiền thì đã trả rồi nhưng tình nghĩa thì vẫn còn đó. Nghĩ mình không qua khỏi, hai năm trước, má tôi muốn thực hiện lời hứa trước lúc đi xa. Tôi vì thương má mà phải chấp nhận cưới một cô gái mà mình chỉ thoáng gặp vài lần.

Đau đớn nhất cho tôi là khi cưới Út Hương, tôi phải chia tay tình yêu của mình. Tôi và Huyền Trang yêu nhau đã 3 năm. Khi biết chuyện, Huyền Trang khóc ngất. Tôi dỗ dành và nói rằng tôi cưới vợ vì chữ hiếu, khi nào má tôi mất, tôi sẽ ly dị để cưới em. Mấy ngày sau, Huyền Trang gọi cho tôi: “Em sẽ chờ anh...”.

Khi đó tôi 28 tuổi, Huyền Trang 26, còn Út Hương chỉ mới 21 tuổi. Tôi tự nhủ cô nhóc hỉ mũi chưa sạch kia sẽ phải trả giá vì đã đem món nợ ân tình ra mặc cả với ba má tôi. Tôi sẽ có cách để cô ta chán nản mà bỏ tôi.

Hôm đám cưới, tôi uống hơi nhiều. Dù vậy tôi vẫn chưa say. Thế nhưng vì không muốn động phòng nên tôi vờ say như chết. Tôi thấy Út Hương ngồi bó gối ở góc giường rất lâu. Còn tôi thì sau đó đã ngủ khò. Sáng sớm khi tôi tỉnh giấc thì chẳng thấy ai bên cạnh. Vợ tôi đã dậy sớm nấu nước, pha trà, dọn dẹp nhà cửa. Tôi nhìn cái dáng lom khom của Út Hương ngoài sân, bụng nghĩ thầm: “Cứ làm đi em gái. Chuyện của em ở nhà này chỉ có vậy”.
Đêm sau, tôi xem tivi đến khuya rồi mới vào phòng. Vợ tôi nằm trong mùng, quay mặt vào tường. Tôi không biết em còn ngủ hay thức nên chui vào và trùm mền ngủ luôn. Sáng dậy, tôi vào thăm má thì bà bảo: “Con coi sửa soạn đưa vợ con về dưới nhà thăm anh chị sui”. Tôi nhăn mặt: “Con bận công việc ở công ty rồi má ơi. Nó đi một mình cũng được mà”. Tôi vẫn có thói quen gọi Hường bằng “nó”như vậy bởi trong suy nghĩ của tôi, Hương không chỉ nhỏ hơn nhiều tuổi mà còn thấp kém hơn tôi về mọi thứ. Tôi không nói cho ai biết là tôi cố tình không xin nghỉ phép dài ngày để khỏi đi hưởng tuần trăng mật sau ngày cưới.
Đúng lúc tôi đang trả lời má thì Hương vào. Cô nói mà không dám nhìn thẳng mặt tôi: “Dạ thôi, anh bận công chuyện thì em đi một mình cũng được”. Tôi thấy hơi mủi lòng nhưng cũng không muốn dây dưa làm gì...
Buổi tối đầu tiên khi vợ tôi trở lại, lúc hai vợ chồng vào phòng riêng, tôi nói với Hương: “Anh muốn em biết điều này... Thật sự là anh đã có người yêu. Tụi anh yêu nhau đã 3 năm. Nếu không có chuyện má bệnh và ép anh lấy em thì anh và cô ấy đã thành vợ thành chồng...
Tôi ngừng một chút để quan sát nét mặt Hương. Em thoáng nhìn tôi rồi cúi mặt. Tôi nắm lấy tay em: “Anh thành thật xin lỗi em nhưng thời buổi này mà con cái còn phải chấp nhận để mẹ cha sắp đặt chuyện hôn nhân thì thật buồn cười. Vì vậy anh đã quyết định như vầy, xem như đây là thỏa thuận riêng của chúng ta, mong em tôn trọng anh, tôn trọng thỏa thuận...”.
Khi tôi nói ra quyết định của mình, tôi thấy mắt Hương mở to. Có lẽ một cô gái 21 tuổi ở tỉnh lẻ không thể nào hình dung được những phức tạp ở đời. Em cũng chỉ nghe theo sự sắp đặt của người lớn mà lấy tôi chứ có yêu thương gì đâu? Vậy thì tại sao chúng tôi không “tương kế tựu kế” để thực hiện nguyện vọng của riêng mình? Chúng tôi cứ vờ làm vợ chồng, khi nào má tôi mất thì sẽ ly hôn.

Sau lần nói chuyện thẳng thắn đó, tôi ôm mền xuống đất ngủ. Một mình Hương ngủ trên giường. Lúc đầu tôi nghe tiếng em trở mình qua lại, nhưng sau đó tôi ngủ ngon lành, chẳng biết em thức đến khi nào...

Tôi vẫn qua lại với Huyền Trang. Chúng tôi vẫn nuôi hi vọng về một ngày tái hợp khi má tôi không còn trên cõi đời này. Út Hương biết điều đó. Tôi đọc được nỗi buồn trong mắt em, đôi lúc cũng thấy chạnh lòng nhưng biết làm sao được vì em đến với tôi hoàn toàn không phải vì tình yêu. Cả hai chúng tôi đều biết mình đang hi sinh quãng đời đẹp nhất vì chữ hiếu đối với các đấng sinh thành.

Tuy nhiên, ở đời có những điều mà ta không thể ngờ tới. Chẳng biết vì má tôi vui hay vì sự chăm sóc tận tình của Út Hương mà sức khỏe của má ngày một khá lên. Hậu quả của lần tai biến gần nhất khiến má liệt nửa người đã được cải thiện rõ rệt. Má tôi có thể vịn xe công cụ để đi, thỉnh thoảng lại bỏ xe để con dâu dìu từng bước. Giấc ngủ của má tôi đã ngon hơn. Bữa cơm má ăn biết ngon miệng. Cả nhà tôi cũng vui vì điều đó nên mọi người càng thêm quý Hương và khen tôi may mắn. Những lúc như vậy, tôi để ý thấy Hương hay kiếm chuyện gì đó để chạy ra sau nhà. Hình như em khóc.
Cho đến lần tôi bị bệnh. Tôi nhớ lần đó là vào khoảng 8 tháng sau ngày cưới. Nửa đêm tôi bị sốt cao, run bần bật. Hương thức giấc, nghe tôi rên vội dìu tôi lên giường, chuồm khăn mát cho tôi rồi thức cả đêm để canh chừng. Tôi bị sốt rét, hậu quả của thời gian đi công tác trên Bình Phước. Cũng nhờ có Hương chăm sóc mà chỉ mấy ngày sau tôi đã khỏi. "Em lên giường ngủ đi, để anh xuống ngủ ở dưới"- tôi bảo Hương. Nhưng em nhất quyết không chịu: "Nằm dưới này lạnh, anh lại mới khỏi bệnh…". Tôi kéo tay Hương: "Vậy thì em cứ nằm trong, anh nằm phía ngoài".

Nói mãi rồi Hương cũng chịu. Vậy là từ hôm đó chúng tôi ngủ chung giường. Đêm đầu tôi nghe Hương còn trằn trọc, nhưng những đêm sau em ngủ ngon lành. Có khi nửa đêm thức giấc, tôi nhìn em trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ, một sự thèm khát bất chợt bùng lên.

Tôi cố gắng kềm chế bằng cách nằm lùi ra sát mép mùng. Nhưng rồi chỉ được một lúc, tôi lại bò vào cạnh em. Tôi ngửi thấy một mùi hương thật lạ từ em tỏa ra khiến đầu tôi váng vất. Mấy ngày sau tôi để ý mới biết đó là mùi lá chanh em vẫn gội đầu. Trời ạ, thời buổi mà con người ta đã đi tới Sao Hỏa, tới Mặt Trăng mà vợ tôi (bây giờ tôi thích nghĩ như vậy) vẫn gội đầu bằng lá chanh thì đúng là… bó tay. Nhưng chính điều đó khiến tôi bị cuốn hút lạ lùng. Rồi như vô thức, có lần tôi ghé chợ An Đông mua cho em thật nhiều lá chanh. Tôi thấy mắt em sáng lên. Đến lúc đó tôi mới nhìn kỹ em giữa thanh thiên bạch nhật: Em rất đẹp; nhất là tôi mắt to, tròn, đen láy.

Giờ thì tôi không thích la cà quán xá mỗi chiều cuối tuần, không thích hẹn hò với Huyền Trang những ngày chủ nhật rảnh rỗi… Thay vào đó, tôi về nhà quẩn quanh bên má, hết xoa bóp tay chân lại kể chuyện tiếu lâm cho má cười. Hình như Út Hương cũng vui vì điều đó. Tôi ít khi bắt gặp mắt em sưng đỏ như trước đây...

Và tôi bắt đầu gặp rắc rối từ phía Huyền Trang. Em chờ tôi ngay cổng công ty để chất vấn: "Anh sao vậy ? Sao lúc nào cũng bận ? Điện thoại để đâu mà em gọi không bắt máy ?...". Tôi nói dối là má không khỏe nên phải tập trung lo cho má. Nghe vậy, mặt Huyền Trang dãn ra: "Vậy mà em cứ tưởng…".

Tôi nghĩ, có lẽ Huyền Trang "tưởng" không sai nhưng tôi không biết phải nói với em thế nào về một sự thật đang làm đảo lộn cuộc sống của tôi. Không biết từ bao giờ tôi đã quý mến, nể phục rồi đem lòng yêu thương người con gái danh chính ngôn thuận là vợ tôi nhưng chưa một lần được làm vợ. Mà cũng rất lạ. Từ khi thấy lòng mình thay đổi, tôi đâm sợ Út Hương. Tôi không dám đùa giỡn, không dám sai bảo em làm chuyện này chuyện kia, cũng không dám nhìn thẳng vào mắt em… Duy nhất một lần, khi má tôi hỏi: "Sao hai đứa chậm có con quá vậy? Con coi đưa vợ con đi bệnh viện khám xem sao?". Tôi thoáng nhìn Út Hương rồi quay mặt đi. Lát sau em mới nói: "Dạ, con thấy trong người bình thường, chắc không có gì đâu má". Má tôi muốn ẵm cháu nội, điều đó hoàn toàn chính đáng.

Và tôi đã làm một chuyện mà giờ đây, mỗi khi nghĩ tới, tôi xấu hổ đến nỗi chỉ muốn… độn thổ. Tối đó, khi đã có chút rượu, tôi quên mất chỗ nằm của mình. Tôi bò vào nằm gần Hương, chạm cả vào người em. Rồi tôi vòng tay ôm chầm lấy người con gái mà tôi nhớ rõ, kể từ khi bước qua cửa nhà tôi tới lúc ấy đã được 625 ngày. Cứ tưởng điều kỳ diệu sắp xảy ra, không ngờ Hương bỗng xô tôi ra, ngồi bật dậy: "Đừng anh… ". "Sao vậy em ?"- tôi bối rối. Em bảo là em không muốn làm tôi khó xử sau này. Nếu chẳng may có chuyện gì, ý em là trong trường hợp chúng tôi có con, tôi sẽ bị ràng buộc và không thể đến với Huyền Trang. "Em biết em chỉ được ở gần anh khi nào còn má, vì vậy, em không muốn làm khó anh. Thôi, để em xuống đất ngủ". Nói rồi em không đợi tôi trả lời, đã ôm mền gối xuống đất.

Cả đêm đó dường như tôi không ngủ được. Và mấy đêm nay tôi cũng không ngủ được khi không có em nằm bên cạnh. Tôi tự trách mình sao trước đây lại nói với em về chuyện Huyền Trang làm gì. Tôi đã cầm dao cứa vào trái tim em và có lẽ vết thương ấy vẫn chưa lành. Bây giờ tôi không biết làm sao để sửa sai; không biết nói sao với em, cũng không biết nói sao với người yêu cũ… Tôi gọi người yêu cũ vì giờ đây, tôi biết tình yêu của mình dành cho cô ấy không còn như trước. Nó đã dần chuyển sang người con gái đang từng ngày, từng giờ chia sẻ với tôi gánh nặng gia đình; người con gái đã phải gánh chịu thiệt thòi ngay từ ngày đầu đặt chân về nhà tôi…
( Trích từ eva.vn)

Thanked by 8 Members:

#3

Hoa Cái



 

    Hội Viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPip
  • 5381 Bài viết:
  • 18601 thanks

 

Gửi vào 27/10/2013 - 23:32

Trời, ai đó có lối viết văn lôi cuốn quá, nhất định tôi tôn sư đầu đập dưới đất bình bịch mấy chục cái !

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Đúng là trái tim có nhiều ngăn . Ở đời còn loại người như Út Hương sao ?


Mong ai tưởng nhớ mơ màng,

Xin tu mấy kiếp đàng hoàng may ra.

(Thơ thẩn tự TUI)

Sửa bởi akaka1956: 27/10/2013 - 23:38


Thanked by 4 Members:

#4

hongtiem



 

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 638 Bài viết:
  • 2031 thanks

 

Gửi vào 27/10/2013 - 23:37

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

akaka1956, on 27/10/2013 - 23:32, said:

Trời, ai đó có lối viết văn lôi cuốn quá, nhất định tôi tôn sư đầu đập dưới đất bình bịch mấy chục cái !

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Đúng là trái tim có nhiều ngăn . Ở đời còn loại người như Út Hương sao ? Có lẽ trong mơ của tôi, xin tu mấy kiếp đàng hoàng may ra .
Cháu nghĩ là vẫn có bác ạ, chỉ có điều cuộc đời, số phận nhiều người không thể chỉ gói gém gọn gàng, trau chuốt, nhiều xúc cảm qua trang viết đã qua biên soạn, đọc rồi chỉ để xuýt xoa và lãng quên!

Sửa bởi hongtiem: 27/10/2013 - 23:48


Thanked by 3 Members:

#5

hongtiem



 

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 638 Bài viết:
  • 2031 thanks

 

Gửi vào 12/11/2013 - 12:15

DUYÊN SỐ - Thạch Lam

Ăn cơm xong, chúng tôi bắc ghế ngồi trong vườn. Anh Vân, chủ nhà, đang loay hoay pha mấy chén cà phê, mùi thơm phảng phất bốc trong không khí yên lặng.
Đã hai năm nay anh Bình và tôi mới lại gặp Vân.
Ba chúng tôi là bạn bè rất thân mật. Nhân nói tới việc anh Vân mới cưới vợ, câu chuyện cứ quanh quẩn về việc vợ con và lập gia đình.
Bình nói:
- Tôi chỉ ước sao được một người vợ tuyệt đẹp thế là đủ.
Tôi tiếp:
- Tôi cũng ước như vậy.
Vân đáp:
- Người đẹp thì vẫn hay lắm. Nhưng tôi thì tôi cho việc vợ chồng chẳng qua là duyên số.
Chúng tôi phì cười:
- Anh này bây giờ thành ông thầy tướng chắc! Duyên số là cái quái gì mới được chứ?
- Là một sự bí mật không ai hiểu, mà chính tôi cũng không hiểu. Các anh hãy lặng yên để tôi kể câu chuyện của tôi cho mà nghe.
Nói xong, Vân điềm nhiên, thong thả châm điếu thuốc hút, rồi thong thả kể như một ông cụ:
- Chắc các anh cũng rõ, trước kia, tôi cũng lãng mạn như những người trẻ tuổi khác. Nghĩa là bình sinh chỉ ao ước được một người tuyệt thế giai nhân, như Tây Thi chẳng hạn để sánh vai, kề gối thì mới mãn nguyện. Mà việc ấy riêng đối với tôi thì lại có thể dễ dàng lắm, vì nhà tôi giàu, mẹ tôi lại chiều chuộng. Chỉ còn việc đi tìm người đẹp nữa là xong. Tôi bèn đi khắp thành phố Hà Nội, trong lòng tâm tâm niệm niệm sẽ tìm được con người trong lý tưởng.
Một hôm trong hội chợ tôi vào xem một gian hàng thêu. Lúc quay ra gặp ngay một bà cụ già tóc bạc phơ, với lại, đứng đằng sau... một cô gái.
Thoạt mới nhìn đôi mắt cô ta, tôi choáng váng như người nhắp cốc rượu mạnh. Thế rồi tôi yêu cô ta ngay, yêu tha thiết, yêu say đắm, không biết thế nào mà tả được. Tôi không biết rõ mặt mũi cô ta ra sao nữa, vì mỗi lần nhìn thì lại bị đôi mắt đen huyền ảo của cô ta làm choáng váng. Nhưng điều tôi chắc chắn, là cô ta rất đẹp. Ở hội chợ ra, tôi cứ theo riết cô ta và bà cụ về đến tận nhà, và sau khi đi đi lại lại trước nhà cô ta cho mãi đến 9 giờ tối, tôi mới chịu bỏ ra về.
Từ đấy, không ngày nào là tôi không đến đứng ở đầu phố hay qua nhà cô ta để mong được gặp mặt. Có khi đứng yên lặng hàng nửa giờ dưới mưa gió, tôi vẫn kiên gan không hề phàn nàn, chỉ mong nhìn mặt cô ta một lần cho đỡ nhớ. Bây giờ nghĩ lại độ ấy thật gian nan khó nhoc hơn một người đi lính.
Tuy vậy mà ba tháng đã trôi qua, tôi vẫn chưa tìm được cách nào để tỏ cho cô ta biết rằng tôi yêu cô ta, mà tôi cũng chưa rõ cô ta có để ý đến tôi không.
Trong lúc tôi đang mê mải về cô thiếu nữ ấy, một hôm mẹ tôi gọi đến bảo:
- Anh đã muốn lấy vợ chưa?
- Con ấy à? Rất sẳn lòng.
- Thế thì hay lắm. Tôi đã tìm được cho anh một chỗ rất môn đăng hộ đối, mà nhà lại giàu. Bà cụ là bạn cũ của tôi, còn cô ta...
Tôi không để cho mẹ tôi nói hết:
- Mẹ cứ để con chọn lấy, không cần gì giàu nghèo hay sang trọng, miễn là người ý hợp tâm đầu với con là được rồi.
- Nhưng anh có biết mặt cô này đâu. Cô ta ngoan ngoãn, có vốn liếng, mà cũng xinh đẹp.
Tôi nghĩ đến cái nhan sắc lộng lẫy của người vẫn mơ tưởng, nên không thiết gì bàn luận nữa. Mẹ tôi cũng chiều tôi không ép, nhưng còn tiếc:
- Không đám nào hơn đám này đâu, anh ạ. Nếu anh bằng lòng thì được ngay.
Tôi đâm gắt:
- Thì con đã xin mẹ cứ để mặc con mà lại! Con sẽ chọn lựa lấy được người hợp ý.
Trong bụng tôi định, hễ làm quen được với thiếu nữ kia, là sẽ nhờ mẹ tôi đem trầu cau sang hỏi. Cái địa vị và sự giàu có của tôi chắc sẽ cho tôi được mãn nguyện.
Mẹ tôi không nói gì nữa. Nhưng một tuần sau, bà cụ lại giở đến câu chuyện cũ:
- Thế nào anh nghĩ kỹ chưa? Cứ nghe tôi bằng lòng đám này đi, không còn thì muộn mất. Vì người ta cũng đang có nhiều người hỏi lắm.
- Hỏi thì hỏi, càng hay. Mẹ cứ để mặc con.
Mẹ tôi phát dỗi:
- Ừ đấy thì để mặc anh. Tôi không nhọc xác!
Từ đấy, mẹ tôi không đả động đến câu chuyện ấy nữa. Tôi mừng rỡ đem hết trí nghĩ để tìm cách thu phục con người đẹp đẽ kia, nhưng vẫn chưa có dịp tốt nào. Chỉ biết thêm được tên cô ta là Bảo.
Một buổi chiều về nhà, mẹ tôi chỉ mấy cái bánh chưng, bánh dầy bọc lạt đỏ, mà nói:
- Đây là cái đám hôm nọ tôi nói chuyện người ta biếu. Đấy, bảo anh, anh cứ lần khân không lấy, bây giờ người ta đi lấy chồng rồi. Thật đáng tiếc.
- Mẹ cứ nói vậy chứ tiếc quái gì. Thiếu gì nơi còn hơn thế nữa.
- Đành vậy. Nhưng cô Bảo này thật là được cả người lẫn nết.
Tôi sửng sốt hỏi:
- Mẹ nói cái gì? Cô Bảo à? Có phải cô Bảo nhà ở ngõ Gia Hưng không?
- Có còn cô Bảo nào nữa. Anh cũng không biết ư?
Tôi choáng váng không nghe thấy gì nữa, trống ngực đổ dồn như người bị cảm. Để mẹ tôi ngạc nhiên đứng đấy, tôi vùng chạy một mạch đến ngõ Gia Hưng, quả nhiên thấy trước nhà người vẫn mơ ước, xác pháo giải đỏ cả thềm. Qua bức mành, tôi thấy trong nhà đèn nến thắp sáng và có tiếng người ăn uống.
Thì ra cô Bảo của tôi đã đi lấy chồng thật!
Từ đó, tôi thất vọng, buồn rầu, không thiết gì nữa. Mẹ tôi lo sợ, vội hỏi cưới ngay cho tôi một người ở thôn quê. Lần này, khi mẹ tôi ngỏ ý, tôi nhận lời ngay, cũng không buồn đi xem mặt người con gái nữa. Thế rồi mấy tháng sau thì cưới.
Anh Vân ngừng lại. Ở trong nhà một người đàn bà mặc áo dài trắng bước ra, tay cầm cái ấm chè. Khi đến gần, sẽ cuối đầu chào chúng tôi rồi pha nước vào chén. Tôi nhìn thật kỹ, thấy người đã đứng tuổi, vẻ mặt xấu xí như những đàn bà nhà quê thường thấy. Anh Vân khẽ giới thiệu:
- Đấy, nhà tôi đấy.
Khi người đàn bà đã bước vào nhà, anh ta thở dài nói:
- Thế mới biết vợ chồng là việc duyên số không biết thế nào mà định trước được. Tuy vậy mà tôi với nhà tôi hợp ý nhau lắm, trong gia đình rất thuận hòa. Biết đâu, nếu tôi lấy cô Bảo kia, rồi sau lại không được như thế?
Phải, biết đâu? Chúng tôi còn đồng thanh tỏ cho anh Vân biết rằng cũng đồng ý với anh về chỗ ấy, và hết sức an ủi cho anh hiểu rằng chỉ có sự hoà thuận trong gia đình là đáng quý giá hơn hết.

Thanked by 6 Members:

#6

hongtiem



 

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 638 Bài viết:
  • 2031 thanks

 

Gửi vào 17/11/2013 - 23:14

VỢ VÀ BÃO

Nhà tôi và vợ cùng thành phố. Nhà vợ bề thế, kiên cố. Nhà tôi chỉ là nhà cấp 4 trong một con hẻm nhỏ bên sông. Bố mẹ tôi mất từ lâu, những tháng năm trước đây nhà chỉ một mình, cảnh buồn liêu tịch. Từ khi có vợ về, nhà như được hồi sinh. Dù là nhà nghèo đơn sơ chan chứa. 

Mai bão về thành phố. Đài nói đó là cơn bão mạnh, có thể nhà tôi sẽ không trụ nổi. Tôi bảo vợ “em và con về nhà ngoại đi nhé, ở đây không được…”

Vợ nhìn vào mắt tôi “có đi thì cả nhà cùng đi, anh tưởng anh là ai chứ?” 

Tôi tính nói thêm, nhưng nhìn vẻ quyết tâm của vợ, đành thôi. 

Nửa đêm, tôi thì thầm vào tai cô ấy “Mai cả nhà mình cùng về ngoại nhé”. Rồi mai chúng tôi đèo nhau về nhà ngoại, ngoài đường phố mưa bắt đầu làm đau mặt người. 

Khi cô ấy ru thằng Mỏ ngủ trưa trong ngôi nhà khang trang của bố mẹ, tôi trốn đi. Tôi thương vợ con mình, cũng không muốn bàn thờ bố mẹ tổ tiên lạnh tanh, bị mưa bão quật đổ. Tôi phóng xe như điên về nhà. Mưa rát mặt. Gió rót vào từng góc phố hoác hơ.

Bão tới thật. Nhà tôi đã yếu lắm rồi, nhỏ bé lắm rồi, trước sức mạnh cuồng dại của thiên nhiên. Nhà dột tứ tung, tôi hì hục căng bạt để che bàn thờ, hương hỏa. Một viên ngói rơi trúng đầu, máu chảy lênh láng. Tự băng xong, một mình tôi lại quật với gió với bão. Che chắn cho phòng ngủ của vợ con, nhưng mà đành bất lực, gió mở đường cho nước, tưới ướt hết cả cơ ngơi. Một mình không thể làm xuể, buộc đầu này lại tuột đầu kia. Tôi bất lực thực sự. Không những bất lực trước thiên nhiên. Mà còn bất lực trước nỗi cô đơn, nghèo yếu của đời mình. 

Tự nhiên thương bố mẹ, thương vợ con mình vô hạn. Tôi ngồi một mình dưới tấm bạt che bàn thờ, cố gắng quẹt lửa một điếu thuốc và không chịu nổi tôi đã khóc.

Trong tiếng gió gào tôi nghe tiếng vợ mình kêu lên “anh bị điên à, có muốn chết không, sao lại bỏ về đây một mình”. Vợ tôi ướt mèm, thả xe máy đổ ra sân chạy lại ôm tôi. Cô ấy khóc, cô ấy sờ lên đầu tôi đang rỉ máu. 

“Anh bị điên à, anh bị điên à, em chẳng cần nhà cửa gì cả, anh biết không hả, em chẳng cần……”. Cô ấy đánh vào người tôi, nói đi nói lại như thế.

Tôi vội quẹt đi dòng nước mắt đang chảy dở, rồi nói như hét vào tai cô ấy “em bị điên thì có, em yêu à, em ấy, em có bị khùng không hả? ”. Tôi giấu cảm xúc chực trào của mình trong gió trong mưa. Ôm siết lấy cô ấy, như sợ bị tạo hóa vồ mất. Sao cô ấy lại ngốc nghếch thế chứ, nhỡ cô ấy có chuyện gì thì sao. Thì tôi biết làm thế nào đây? Mất nhà có thể làm lại, nhưng mất đi người thân yêu thì….. 

Tôi không hiểu sức mạnh nào, mà mưa bão thế, vợ có thể chạy về với tôi. Nhưng tôi hiểu, trên cõi đời này, không gì có thể chiến thắng nổi tình yêu thương được cả.

Rồi bão cũng đi qua, nó phá tan nhiều thứ của chúng tôi. Nhưng tình yêu thì vĩnh viễn không thể nào. Làm gì có sức mạnh nào hơn thế.
(Trích từ dongcam.vn)


Thanked by 5 Members:

#7

Hoa Cái



 

    Hội Viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPip
  • 5381 Bài viết:
  • 18601 thanks

 

Gửi vào 18/11/2013 - 02:57

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Rồi bão cũng đi qua, nó phá tan nhiều thứ của chúng tôi. Nhưng tình yêu thì vĩnh viễn không thể nào. Làm gì có sức mạnh nào hơn thế.

Sửa bởi HoaCai0101: 18/11/2013 - 02:59


Thanked by 1 Member:

#8

Hoa Cái



 

    Hội Viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPip
  • 5381 Bài viết:
  • 18601 thanks

 

Gửi vào 18/11/2013 - 03:10

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn




Cuối cùng nó cũng đậu đại học. Người đầu tiên nó muốn thông báo tin quan trọng ấy không phải là ba hay mẹ nó mà là người thầy kính yêu của nó…

Nhà nó nghèo, lại đông anh em, quê nó cũng nghèo nên từ lâu chẳng có mấy ai dám nghĩ đến chuyện cho con vào đại học. Ba mẹ nó cũng vậy, phần vì quá nghèo, phần là vì nghĩ đến điều kiện của con mình “làm sao mà chọi với người ta”!… Thầy là người duy nhất ủng hộ nó, cho nó niềm tin rằng “mình có thể”.

Vui mừng chẳng được bao lâu, bao nhiêu lo lắng tràn về vây lấy nó… Năm năm trời, hàng trăm thứ tiền như bầy ong vo ve trong đầu nó.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Rồi thầy đến mang cho nó một lô sách, vở mà nó đoán là những bài học “nhân-lễ-nghĩa” của thầy, dúi vào tay nó một gói nhỏ mà thầy bảo là “bí kíp” rồi dặn chỉ lúc nào khó khăn nhất mới được mở ra. Nó đã không “cảnh giác” thừa. Gói “bí kíp” mà lúc nhận từ tay thầy nó đã ngờ ngợ là một xấp những tờ tiền 10.000đ bọc trong hai lớp nilon cũ kỹ, những tờ tiền được vuốt phẳng phiu phần nhiều đã nhàu nát mà nó tin rằng thầy đã để dành từ lâu lắm! 900.000 đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.
Đã hai năm kể từ cái ngày thầy lặn lội lên Sài Gòn thăm nó, dúi vào tay nó những đồng 10.000 nhọc nhằn rồi lại vội vã trở về. Sau đó thầy chuyển công tác. Hai năm, thỉnh thoảng nó vẫn nhận được những đồng 10.000 của thầy (lạ thay, lại vào những lúc tưởng chừng như nó bế tắc nhất!)… Hai năm, nó vẫn chưa một lần về thăm thầy. Trưa, mới đi học về, mẹ điện lên báo: “Thầy H. mất rồi!”. Nó chỉ lắp bắp hỏi được ba chữ: “Sao thầy mất?”, rồi sụp xuống khi mẹ cũng nghèn nghẹn ở đầu dây bên kia: “Thầy bệnh lâu rồi mà không ai biết. Ngày đưa thầy vào viện, bác sĩ chụp hình mới biết thầy đã hư hết lục phủ ngũ tạng rồi, chưa ai kịp đi thăm thì thầy đã…”.

Nó bỏ hết mọi sự leo lên xe đò. Trong cái nóng ban trưa hầm hập với cơn say xe mệt mỏi, nó thấy thầy hiền hậu đến bên nó, dúi vào đôi tay nóng hổi của nó những tờ 10.000 đồng lấp lánh… Đến bây giờ nó mới để ý thấy thầy đã xanh xao lắm, bàn tay tài hoa khéo léo ngày xưa đã gân guốc lên nhiều lắm… Nó chợt tỉnh, nước mắt lại lăn dài trên má, trái tim nó gào lên nức nở: “Thầy ơi… sao không đợi con về…!?”. Vì nó cứ đinh ninh: nếu đổi những đồng 10.000 kia thành thuốc, thầy sẽ sống cho đến khi nó kịp trở về.)

Thanked by 3 Members:

#9

Hoa Cái



 

    Hội Viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPip
  • 5381 Bài viết:
  • 18601 thanks

 

Gửi vào 18/11/2013 - 03:16

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Tôi lảo đảo bước đi với con tim tan nát, để lại bó hoa, để lại một mối tình cay đắng!
Nghe đến thật buồn cười nhưng cũng thật đau đớn, nhất là đối với tôi lúc này, bởi vì sau bốn năm yêu nhau với bao mộng ước, giấc mơ, bây giờ chỉ như chiếc bánh vẽ

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Cách đây bốn năm, tôi lon ton đạp chiếc xe đến nhà cô ấy sung sướng hét lên… “T à, N đậu đại học rồi!”. Cô ấy rất mừng vì sự cố gắng của tôi đã được đền đáp, nhưng khuôn mặt cũng thoáng buồn vì từ nay tôi phải lên Huế học cách nhà mấy chục cây số. Là hàng xóm của nhau nên chúng tôi khá thân, mặc dù cô ấy đã nghỉ học sớm vì hoàn cảnh khó khăn còn tôi cố quyết tâm thi đậu đại học.
Cảm xúc trong sáng của cậu học trò cuối năm 12, dần lớn lên theo những lá thư, những cuộc điện thoại, đến gần một năm sau đã trở thành tình yêu thật sự. Tôi rất hạnh phúc khi T luôn quan tâm, lo lắng cho tôi với một tình cảm chân thành, khiến bạn bè tôi cũng phải ganh tị. Còn tôi, dù bận học nhưng những ngày cuối tuần vẫn đạp xe về thăm và không quên mua một bó hoa hồng trắng mà cô ấy thích vào dịp đặc biệt như 20/10, hay 8/3… Một năm, hai năm, rồi ba năm… tình yêu ngày càng sâu đậm, chúng tôi bắt đầu mơ đến chuyện tương lai, hứa hẹn sau khi tôi ra trường sẽ cưới.
Ngày tôi bước vào năm thứ tư đại học, cũng là ngày T phải vào TPHCM làm việc kiếm tiền phụ giúp bố mẹ, dù cô ấy không muốn… nhất là phải xa tôi. Vì hoàn cảnh nên chúng tôi phải chấp nhận sống xa nhau, tôi cố gắng học tập thật tốt để T vui lòng, luôn tin tưởng và chỉ yêu một mình T mà thôi. Đến cuối năm học, tôi vô cùng vui sướng khi được nhà trường cho đi thực tập ở Bình Dương, vì tôi sẽ tranh thủ đi sớm hơn để ghé qua TPHCM gặp T. Để tạo bất ngờ, tôi không cho T biết mình sắp được gặp nhau.
Suốt một tuần tôi vui vẻ, phấn khởi chờ được phút giây gặp T sau thời gian xa cách. Tôi lên kế hoạch, chuẩn bị mọi thứ chờ ngày lên xe từ Huế vào TPHCM. Lúc đến bến xe, chợt thấy điện thoại của T, tôi lấy hết bình tĩnh để nói: “Anh đang đi học về…!” Lúc ấy cũng gần 4 giờ chiều, tôi đi xe ôm đến địa chỉ T làm và không quên dừng lại mua một bó hoa hồng trắng. Đến nơi, trời gần tối, tôi ghé vào một công viên cách nơi T làm khoảng 200m để chỉnh lại trang phục sau hơn một ngày ngồi xe và hồi hộp nghĩ đến cảm giác của hai chúng tôi gặp nhau sẽ sung sướng biết chừng nào.
Mọi việc xong xuôi, tôi lấy điện thoại chuẩn bị gọi thì thấy xa xa T đang đi qua, tôi mừng rỡ, không ngờ chưa gọi điện mà đã gặp được T, sao T linh cảm được mà ra đây? Nhưng tôi chợt lặng người đi khi cách đó khoảng vài chục mét đã có một vòng tay của người con trai khác ôm lấy T, hai người ngồi xuống chiếc ghế đá cách tôi một đoạn. Người tôi rung lên, bó hoa và điện thoại rơi lúc nào không biết, sau một hồi định thần lại, tôi nhặt điện thoại lên bấm số T, T ra hiệu cho anh chàng kia im lặng rồi: “Alô! Alô…! Anh ăn tối chưa? Em đang làm việc…” rồi tắt máy.
Tôi như chết lặng trong đau đớn, hàng loạt câu hỏi cứ hiện lên trong đầu với những giọt nước mắt chát chúa. Quả đúng là bất ngờ thật, tôi không bao giờ nghĩ đến điều này vì suốt bốn năm qua T luôn đối xử tốt, dành cho tôi những tình cảm rất chân thật khiến tôi không một chút nghi ngờ, để rồi giờ đây… Tôi lảo đảo bước đi với con tim tan nát, để lại bó hoa, để lại một mối tình cay đắng! Thật tội nghiệp cho những cánh hoa kia không đáng rơi, và tội nghiệp hơn cho tôi khi yêu phải người họ…Sở!

Thanked by 2 Members:

#10

hongtiem



 

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 638 Bài viết:
  • 2031 thanks

 

Gửi vào 30/11/2013 - 21:02

Đàn bà - Sương Nguyệt Minh

1 Mặt hơi xanh. Cổ dài ngẳng ra. Xương ức hõm xuống. Con bé đứng dựa hẳn vào cánh cổng lớn, rụt rè vê tà áo mỏng, ngập ngừng mãi vẫn không cất thành lời. Giọt nắng lọt qua tán hoa giấy rắc loang lổ lên mái tóc và bờ vai gầy bé bỏng. Đôi môi mắm lại và mi mắt chớp chớp mọng nước.

“Cô ơi! Đây có phải nhà… anh…” .

Nói chưa hết, con bé đã giật mình, y như vừa lỡ lời, muốn thu lại câu hỏi vừa thả ra gió mà bất lực. Tay nó nắm chặt lại tấm các vi dít, mà thoáng qua chị cũng biết là của chồng mình. Chị bắt gặp cái nhìn cầu cứu của con bé. Tội nghiệp! Đũng quần nó ướt đẫm, hình như là máu? Chị nhận ra tình cảnh lê lết của mình hai chục năm về trước cũng giống y hệt thế này. Bằng sự nhạy cảm của người đàn bà đã qua thời sinh nở, chị nghĩ con bé đang đến bước đường cùng. Chị bảo:

“Cháu có chuyện gì quan trọng phải không?”.

“Dạ…”. Vẫn e dè, con bé ngập ngừng.

“Cô cũng là người chân lấm tay bùn ở nhà quê ra phố. Cháu đừng ngại, có điều gì cứ nói. Cô sẽ giúp”.

Con bé lưỡng lự:

“Cô là…”.

“Cô là ô sin nhà bác Nam Lê”. Rất nhanh chóng, chị biết chị cần phải làm gì. Phải nói dối con bé. Nói dối một cách trôi chảy và tự nhiên. “Nhưng, về quan hệ dòng tộc, cô là em họ. Cùng làng ở ngoài Bắc vào đất Sài Gòn này giúp việc gia đình bác ấy mà”.

“Thế ạ? Anh Nam Lê luôn tắt máy… Con không biết xoay xở thế nào” - mắt con bé lấp lánh.

“Bác Nam Lê nhận được công trình xây dựng thủy điện ở bên Lào. Bác gái thì sang bên Anh quốc thăm đứa con gái lớn đang học ở đó rồi. Có lẽ tháng sau mới về”. Chị lại nói dối. Nói dối một cách trơn tru, nhẫn tâm với con bé ngây thơ, ngờ nghệch và khốn cùng. “Bác Nam Lê dặn, ở nhà xảy ra mọi việc đột xuất thì cô thay mặt bác ấy giải quyết”.

“Cô ơi!... Con… con không còn nơi nương tựa…”.

Hai gối nó khuỵu dần. Người lả đi. Đổ sập xuống. May mà chị đỡ kịp. Chị dìu con bé vào đi văng. Máu đỏ dây ra cả mặt da màu huyết dụ làm chị lo sợ và lóng ngóng. Nó khóc thật sự. Khóc như mưa như gió. Khóc như khi manh áo cuối cùng vừa bị đánh mất thì ông Bụt hiện ra.


2 Bây giờ thì con bé nằm kia. Cảm giác như nó chui gọn vào trong bộ quần áo ngủ của chị. Như con mèo con. Co ro trong căn phòng nhỏ tầng trệt dành cho người giúp việc.

Bây giờ thì nó đã ăn được nửa bát cháo tim gan, chị mua vội ngoài ngõ.

Bây giờ thì cái áo thun vàng, bộ đồ underwear hiệu Triumph màu đỏ và quần bò đũng đẫm máu… đang quay trong máy giặt.

Bây giờ thì, còn việc gì chị chưa kịp làm cho nó nhỉ? Nó chỉ bằng tuổi con chị. Có lẽ chỉ bằng tuổi thằng bé đang học ở Pháp. Không! Phải bằng tuổi đứa con gái lớn đang học ở Anh quốc. Vậy là, anh cũng đáng tuổi cha mẹ nó rồi.

Nó - con bé gặp chồng chị trong một buổi anh đọc thơ ở trường đại học X. Anh là doanh nghiệp xây dựng mà vẫn làm thơ. Thiên hạ lắm gã có tiền bạc, biệt thự, xe hơi, có quyền chức… vẫn phấn đấu làm nhà thơ. Cái loại thơ này bỏ tiền túi ra in chất đống ở góc nhà, quẳng hàng bao tải trong cốp xe, đi đến đâu tặng đấy, gặp ai cũng tặng. Tặng từ ông sếp trên cao ngất ngưởng trong nhà đầy tranh thuê sinh viên mỹ thuật chép và hầm rượu, không một quyển sách…; đến chị công nhân trộn vữa trong nhà chỉ toàn vật liệu làm vàng mã bán kiếm thêm tiền cho con ăn sáng.

Nhưng, anh không thuộc loại nhà thơ rởm đời này. Anh là nghệ sĩ thật sự. Anh có đẳng cấp thơ toàn quốc. Anh xây ngôi nhà tình yêu không chỉ bằng cát sỏi, sắt đá xi măng mà cả bằng hồn thơ và sự lãng mạn cần có của một nghệ sĩ. Chị cảm anh, yêu anh bắt đầu từ những bài thơ nồng nàn hoa phượng cháy tặng chị từ thời sinh viên. Anh mài đũng quần, hoa mắt với bản vẽ công trình ở Đại học Xây dựng, còn chị đang mơ mộng với các vần thơ đồng quê của E xê nhin, thơ tình đắm say của Xuân Diệu và mênh mông vũ trụ của Huy Cận… ở Văn khoa. Anh là niềm tự hào của chị, là tình yêu của chị. Vậy mà anh đã phụ tình chị.

“Má ơi!...”.

Con bé rên khe khẽ, kêu má nó. Lúc ngủ êm ái, lúc mê, lúc đau. Âm thanh nhỏ và chìm tõm vào đêm tối.

“Con buốt lắm…, má ơi!”.

Lại tiếng kêu đau như xé ruột. Chị lần đến bên con bé. Trán nóng hầm hập. Sốt quá. Có lẽ nạo hút thai bị sót rồi.

Chị thay đồ. Chị mở ga ra, đánh ô tô ra ngoài. Chị quay lại dìu con bé.

Đường phố khuya khoắt. Người và xe thưa thớt. Chị vẫn hình dung ra gương mặt con bé nằm còng queo ở ghế sau. Môi mắm chặt, không chịu nổi đau thì kêu. Lúc nó hôn chồng chị thì sao không kêu đau? Con bé gồng mình, chảy nước mắt, cẳng chân co lại và khép chặt đùi, thỉnh thoảng lại kêu: “Con khổ quá cô ơi”. Lúc dạng háng ra ôm chồng chị, sao nó không kêu khổ? Con bé - tình địch của chị. Con bé cùng đường lê lết gục ngay cổng nhà chị. Con bé vô tình hay cố ý là bệnh nhân bất đắc dĩ của chị. Con bé đánh cắp tình yêu của chị, nhưng chị đang phải chăm sóc hầu hạ. Sao lại ngẫu nhiên thế này? Sao lại trớ trêu bẽ bàng như vậy?



3 Trong phòng phụ sản.

Bà y tá già không chồng đang trong cơn ngái ngủ bị dựng dậy, gắt gỏng.

“Tụt quần ra để còn tiêm vào đùi”.

“…”

“Mặt non choẹt thế này mà đã đú đởn. Bụng kễnh ra thì lại lén lút đến phòng mạch tư nhân. Nó nạo hút tầm bậy tầm bạ bị sót, đau đớn mới mò đến đây”.

“…”

Sao bà ta cứ mắng sa sả thế nhỉ? Ngồi ghế chờ ở bên ngoài, chị cảm thấy như mình bị xúc phạm và ngượng ngùng. Khổ thân con bé, nó ngây thơ bảo:

“Dạ… hổng phải. Con mắc cỡ nên đi lén đến…”.

“Mắc cỡ? Thế cái lúc dạng háng ra cho trai… có mắc cỡ không?”.

Con bé im lặng chịu trận. Chắc thế. Chắc cũng ngượng nữa.

“Tên?”.

“Mót ạ”.

“Cái gì?” - Bà y tá già quát to.

“À quên. Thưa… con tên là Mai ạ”. Con bé sẽ sợ dúm người lại cho mà xem. Chị đoán vậy.

“Lúc thì Mót, lúc thì Mai. Biết ghi bệnh án thế nào?”.

“Lúc ở nhà ba con đặt tên là Chín Mót. Chả là má con đẻ tám trai. Má thèm con gái, cứ cố mãi rồi cũng tòi thêm con. Khi lên thành phố học, con đổi thành Mót thành Mai”.

Bà ta dịu giọng:

“Họ? Đã khai thì khai cho đầy đủ chứ”.

“Dạ. Trần Thị Hoàng Mai”.

“Hoàng Mai có nghĩa là mai vàng. Phú quý, sang trọng, no đủ đây. Lại đến nông nỗi này. Nghề nghiệp?”.

“Con đang sinh viên năm thứ nhất?”

“Tuổi?”.

“Mười tám ạ”.

“Trẻ thế này mà đã phải nạo hút thì có mà tịt đẻ. Khốn khổ. Có người muốn giữ thì trời không cho”. Chị nghe rõ tiếng thở dài của bà ta. Hình như cũng không phải loại người quá tệ. “Có thai tuần thứ mấy?”.

“Dạ con hổng biết”.

“Hổng biết! Ngủ với nhau lần cuối bao giờ?”.

“Hai tuần trước ạ”.

“Trước nữa?”.

“Một ngày ạ”.

“Trước nữa?”.

“Cũng một ngày ạ?”.

“Mất kinh lúc nào?”.

“Tháng trước. À... tháng trước nữa. Hổng phải. Hình như...”.

Con bé hoang mang, bắt đầu nói lung tung. Chị hình dung cái mặt nó méo xệch đi.

“Làm con người ta ễnh bụng ra rồi bỏ của chạy lấy người. Dại cho chết”.

Con bé sụt sịt. Anh bác sĩ trẻ có vẻ không hài lòng.

“Thôi mà, chị”.

“Tôi phải kiểm tra lại coi có đúng tên ghi trong bệnh án không. Nhiều đứa trơ trẽn nói dối như cuội. Tên một đằng khai một nẻo, tôi là chúa ghét”.

Bà y tá già còn cố lẩm bẩm với thêm một vài câu gì đó nghe không rõ. Chị rủa thầm trong bụng.

Tiếng máy hút thai chạy ro ro. Tiếng panh, kéo loảng xoảng trên khay i nốc. Ớn lạnh. Ghê người. Bỗng chốc bụng chị cũng trồi lên. Có cảm giác như có trăm ngàn lưỡi kéo cắt và mũi kim đâm trong dạ con.



4 Chị đã kịp cất bức ảnh chị chụp chung với anh, bức ảnh cả nhà chụp lúc hai thằng con chưa đi nước ngoài học. Con bé sẽ không hề biết bóng dáng chị là bà chủ căn biệt thự này.

Và lạy trời! Con bé đã tai qua nạn khỏi. Da thịt đã hồng hào trở lại. Mặt mũi tươi tỉnh. Lúc này, chị cũng chột dạ. Giá không may, cái đêm khủng khiếp ấy, con bé có mệnh hệ gì xấu ở ngay tại ngôi nhà mình thì chị biết giải thích, thanh minh với ai. Chị hỏi:

“Bây giờ cháu tính sao?”.

Con bé bối rối:

“Con cũng hổng biết tính thế nào. Con nợ tiền mấy tháng, chủ nhà hổng cho ở nữa rồi. Tiền học phí kỳ hai cũng chưa có để đóng nữa. Tiền ăn tuần này là nhuận bút mấy bài thơ con in ở báo Sinh viên. Mà thơ thì cũng in lúc chắc lúc lép. Chắc con phải bỏ học về quê quá”.

“Cái bác Nam Lê này hư đốn thật. Tình ái… rồi ngủ với con gái người ta đến có thai mà vô trách nhiệm”.

“Cô đừng trách anh ấy. Anh có nói, anh nuôi con ăn học hết đại học, anh xin việc cho. Nhưng con hổng nhận. Con biểu: “Em cám ơn anh. Anh giúp em làm thơ là nhất rồi. Anh là nhà thơ nổi tiếng yêu em, em cực kỳ hạnh phúc. Thật quá sức tưởng tượng rồi. Em con nhà nghèo, lợi dụng lòng tốt của anh là hổng có được. Em đi gia sư cũng đủ tiền ăn học”.

“Tự trọng và nghị lực thế là tốt. Cô tin. Nhưng, sao lại dám đến gõ cổng nhà này. Cháu không nghĩ là sẽ gặp bác gái à?”.

“Con liều thân, cô ơi. Không một xu dính túi, trước còn trông vào đi gia sư. Nhưng, vài tuần nay cái thằng nhóc con cứ đòi yêu con. Học trò đòi yêu cô giáo, kỳ cục thấy mồ. Con bỏ”.

“Khổ thân cháu”.

“Vả lại, anh Nam Lê cũng biểu, chờ khi vợ anh đi Anh quốc thăm con trai, ảnh sẽ đưa con đi du lịch Thái Lan. Con nghĩ thời gian này vợ anh ấy đã lên máy bay rồi. Vậy mà, trúng phóc, cô ạ”.

“Cô thì không có gan đàn bà như cháu đâu”.

“Thì anh Nam Lê cứ tắt điện thoại hoài. Con nghĩ anh ấy phụ tình. Con đi phòng mạch tư nhân bỏ phắt cái thai. Bỏ xong, tự dưng thấy tủi thân quá, cô à. Người ta lường gạt mình dễ dàng vậy cà. Chả lẽ chịu. Con tính tìm đến nhà anh ấy quậy cho một trận tơi bời rồi ra sao thì ra. May con gặp cô”.

“Thì cô là người nhà mà. Ngày xưa, cô và bác Nam Lê học chung một lớp...”.

“Hóa ra anh ấy chưa đến mức tệ bỏ con. Người làm thơ bao giờ cũng tốt vậy, cô ạ”.

Con bé nói một thôi một hồi. Nói như chưa bao giờ được nói, được tâm sự cởi mở, chia sẻ. Lòng nó đã thanh thản. Còn chị, buốt giá tận sâu thẳm tâm can.

“Cô biết cháu đã cùng đường. Cô sẽ tìm thuê phòng trọ cho cháu. Hoặc nếu cháu muốn, cô sẽ thu xếp cho cháu ở lại nhà này, vừa giúp việc vừa có chỗ ở, vừa đi học”.

“Ấy chết. Hổng có được, cô ơi. Vợ anh Nam Lê về, chị ấy biết có mà chôn sống con. Cũng đâu còn mặt mũi nào mà nhìn chị ấy. Con chỉ xin trú vài hôm rồi đi học và tìm nhà trọ, cô à”.

“Cháu tính thế cũng phải. Cô sẽ đi tìm phòng trọ cho cháu. Nhưng, dứt khoát phải chờ bằng được bác Nam Lê về, cháu mới ra khỏi cái nhà này. Cháu mà đi, ông ấy về đuổi việc cô đó”.

“Dạ”.

Con bé “dạ” thật dễ thương. Mười tám tuổi đầu, như con chim ra ràng bị mưa chan bão dập. Y như chị hơn hai mươi năm về trước.

Dạo ấy, anh chưa gặp chị. Hắn chạy làng. Chị vác cái bụng lùm lùm tìm đến nhà hắn thì gục ngay ở cổng. Bà mẹ hắn nhai trầu bõm bẽm dìu thân xác chị tã tượi vào trong nhà. Nhà mái ngói âm dương âm u u âm âm, sặc mùi thuốc đông y. Dao cầu. Cân đĩa. Máng nghiền. Các ô ngăn kéo đựng thuốc rế cây, củ quả, ghi nắn nót: đỗ trọng, đại hồi, phục linh, đương quy, hà thủ ô…

Mẹ hắn gọi chồng:

“Ông ơi! Hình như con bé nó động thai”.

Bố hắn mặc áo the khăn xếp, ngấm mùi thuốc bắc, bảo:

“Để tôi xem...”.

Bắt mạch. Kê đơn. Sai

người nhà sắc thuốc. Chị uống. Về nhà. Rồi nửa đêm về sáng, chị sổ thai…

Thật khó mà yêu thương được lần thứ hai với người mà mình đã hết yêu thương. Chị dứt tình với hắn. Hơn hai mươi năm rồi mà chị chẳng thể quên. Cứ nghĩ đến cái mùi thuốc Đông y ấy là chị lại nôn khan. Cái ngày lê lết đó cứ ám ảnh mãi không thôi.



5 Ba ngày sau.

Bạn chị đến chơi. Con bé đang hí hoáy lau cầu thang dẫn lên tầng trên. Nó mặc quần soọc trắng của chị. Cái áo thun màu mỡ gà cũng của chị nốt. Hai đùi nó trắng nuột nà. Ngực căng nhức áo chỉ muốn tuột chỉ. Đôi mắt con bé ngời ngời sáng. Cổ tròn trịa, da mịn màng và cái cằm hơi xẻ gợi cảm. Bạn chị thì thào:

“Con bé tướng mạo “Hồng diện đa dâm thủy. Trường túc bất chi lao” thế này nên ông Nam Lê nhà mày chết là phải”.

“Ừ, “Mi trường hộ tố mao” nữa chứ. Kể ra thì con bé cũng đẹp, cũng đáng thương thật”.

Chị thấy nhói buốt trong lòng. Da chị đã bắt đầu khô. Tóc bắt đầu xơ. Đuôi mắt có nhiều đường chân chim… Chị cảm thấy mình đang thua trận. Tình địch lợi thế hơn hẳn chị. Nhưng, còn hai đứa con, kết quả tình yêu của anh. Còn ký ức nồng nàn. Còn những bài thơ tình anh tặng chị…

“Mày cũng đừng quá đau đớn. Chồng mình còn có con bé trẻ đẹp yêu, chứng tỏ chồng mình có đai có đẳng”.

Chị bảo bạn:

“Mày không đùa đấy chứ?”.

“Thật. Tao nói thật lòng. Thế tao hỏi mày: Bây giờ chỉ có một sự lựa chọn: Hoặc lão chồng doanh nghiệp giàu có, làm thơ hay lại lãng mạn trót có nhân tình như chồng mày bây giờ; hoặc thằng chồng cù lần, nghèo rớt mùng tơi, mặc quần ông bô suốt ngày lau nhà, chổng mông thổi bếp than tổ ong phù phù… mà chung tình, hầu vợ. Mày chọn thằng nào?”.

“Tất nhiên là tao chọn chồng tao bây giờ”.

Bạn chị cười nghiêng ngả:

“Té ra, trong nhiều cái tệ, nàng chọn cái bớt tệ hơn”.

Bỗng nhiên, bạn chị không cười nữa. Như chợt nhớ ra điều gì ai oán.

“Phận đàn bà chúng mình thì lúc nào cũng thiệt thòi, cũng khốn khổ…”.

Vẫn chưa thấy lối thoát, chưa thấy ánh sáng leo lét cuối đường hầm, bạn chị hỏi:

“Thế mày định cho con bé ở luôn nhà này làm ô sin à? Hay chờ ông Nam Lê về rồi nhường phắt chồng cho nó?”.

Chị bảo:

“Tao đang nẫu ruột lên, chưa biết giải quyết thế nào?”.

“Tống cổ con bé ra khỏi đường. Dắt tay nó về miền Tây giao cho ba má nó. Hoặc ra lên tận giảng đường nó học, làm toáng lên”.

“Không ổn. Làm thế tội nó”.

Bạn chị gân cổ lên: “Loại gái cướp chồng mình, mà lại tha? Thế còn lão kia, mày định thế nào?”.

Chị trầm ngâm nghĩ:

“Cũng chưa biết làm sao. Hai đứa con mình biết được thì… chúng nó còn coi bố ra gì”.

“Cắt đất. Ra tòa. Không tha thứ gì hết. Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.

6 Bây giờ thì anh về thật. Anh về đúng vào ngày chủ nhật.

Nước da đen sạm vì cháy nắng. Nhớ chị quá, chỉ thiếu ôm chầm lấy hôn. Nhưng, anh đã kịp nhìn thấy con bé đang gập người lau sàn phòng khách. Anh bàng hoàng không tin ở mắt mình. Anh bối rối. Anh đần mặt ra.

Là người tình đầu tiên của người đàn ông phỏng có ý nghĩa gì, khi chị luôn muốn làm người tình - người vợ cuối cùng của chồng. Huống hồ là con bé này còn không được làm người đầu tiên của anh. Ranh con. Vắt mũi chưa sạch. Chị nhã nhặn bảo anh:

“Mình ạ. Em mới kiếm được con bé giúp việc”. Đã chuẩn bị trước cho tình huống này, chị nói nhỏ vừa đủ cho anh nghe. “Con bé học năm thứ nhất Văn khoa, nó thông minh, chăm chỉ, chịu khó ra phết. Một buổi đi học, một buổi giúp nhà mình. Cửa nhà rộng rãi, em cho con bé ăn ngủ ở đây luôn, mình ạ”.

Anh chống chế một cách yếu ớt:

“Sao em không hỏi anh một tiếng?”.

“Chuyện nhỏ mà, anh”.

Chị đóng cánh cổng rồi quay mặt vào trong nhà kêu con bé:

“Hoàng Mai ơi! Bác Nam Lê về rồi nè. Cháu ra giúp bác ấy một tay đưa đồ lên tầng hai đi”.

Con bé dạ ran trước khi ngẩng mặt lên.

Nó đứng chết trân.

Cán chổi lau nhà rời khỏi tay rơi đánh cạch một tiếng khô khốc.


Thanked by 2 Members:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |