←  Nguồn Sống Tươi Đẹp

Tử Vi Lý Số :: Diễn đàn học thuật của người Việt

»

Không thể thành người.

anhnoidau's Photo anhnoidau 18/05/2014

Trong bọn tôi chỉ cần có một kẻ nào đó hoài nghi kêu lên: "Không thể được, anh em ơi, lũ chúng ta không thành người được!" là lập tức mọi người gật đầu tán thưởng: "Ðúng, chí phải, chí chí phải, không thể thành người!..." Và không bói đâu ra một người phản bác: "Sao lại thế! Phải tự trọng chứ!".

Hồi còn trẻ, có một lần, dạo ấy tôi vào quãng 25 tuổi, bầu nhiệt huyết còn sôi sục, tôi đã cả gan chống lại luận thuyết đó.

Lần ấy tôi đi tàu thuỷ ra đảo Hoàng Nam. Trên tàu bỗng có một người đàn ông đứng tuổi càu nhàu một mình, đến hung thần cũng không hiểu vì sao tự nhiên lại thế.

- Xin lỗi các người, làm sao chúng ta có thể thành người được!

Mọi người có mặt trong phòng khách lúc ấy đều gật đầu đồng ý.

Riêng tôi thì nóng mắt cự lại:

- Sao lại không thành?! Còn thành thế nào nữa!... Dứt khoát là thành!... Mà còn thành những người làm chấn động địa cầu là khác!

Mọi người trong phòng khách tưởng như ăn ý với nhau từ trước, đồng thanh kêu ầm lên:

- Bậy nào, bậy nào, không thể thành người được!...

- Chúng ta còn lâu mới đuổi kịp thiên hạ!

- Chúng ta không thể thành người được!

Ðược mọi người hỗ trợ, ông già kia bớt nóng:

- Nghe thấy chưa, con?... Các vị đây đều nhất trí ủng hộ tôi đấy. Như thế nghĩa là quả thật chúng ta không thành người được. Con xem, có ai buộc các vị kêu lên thế đâu.

- Thành người!... Nhất định sẽ thành người! - tôi lặp lại.

Ông già cười nhạt:

- Ðó, con vừa nói : "Nhất định sẽ thành người". Chữ "sẽ" như thế nghĩa là trước đây và bây giờ chưa thành người chứ sao.

Từ bấy đến nay bao nhiêu năm trôi qua mà lúc nào tôi cũng băn khoăn "Vì sao chúng ta không thành người được?".

Lần đi tù mới đây đã mở cho tôi đôi mắt: cuối cùng tôi đã tìm ra câu đáp.

Trong tù tôi bị nhốt vào một khám lớn của tù chính trị. Quanh tôi là cả một xã hội trí tuệ: các nhà doanh nghiệp nổi tiếng, các nhân sĩ lỗi lạc, các ngài tỉnh trưởng, các quan đốc học, các cựu nghị sĩ, các chính khách xuất chúng, các vị đại thần, các bậc kỹ sư, các bác sĩ danh vang toàn cõi. Hầu hết những người này đều đỗ đạt tận Châu Âu, Châu Mỹ, đã từng xuất dương và biết đến vài ba thứ tiếng.

Mặc dù cách nhìn đời của tôi và họ còn khác xa nhau, nhưng trước hết là nhờ có họ mà tôi hiểu ra được rất nhiều điều về cái sự tại sao chúng ta không thành người được.

Những ngày tiếp người nhà, tôi được nghe toàn những tin xấu: lúc thì gia đình tôi không trả được tiền nhà, lúc thì chịu tiền ông chủ quán nước, và biết bao nhiêu chuyện dằn vặt khác nữa. Tôi thấy nặng nề, ủ dột.

Tệ hơn nữa là tôi có mặc cảm tuyệt vọng.

Bấy giờ chỉ còn một lối thoát: phải lập tức ngồi viết tiểu thuyết. May ra có một tờ báo nào chịu đăng tải thì tôi kiếm được ít tiền. Nội dung cuốn sách đó tôi cũng đã thai nghén từ lâu.

Ðã quyết là làm, tôi bèn đi kiếm một cây bút máy, một xấp giấy rồi ngồi chéo ngoe trên giường mà viết. Không được lãng phí thời giờ! Phải chấm dứt chuyện trò ba láp hoặc ngồi không nghĩ vơ nghĩ vẩn!

Chưa viết được 10 dòng thì một vị phạm nhân, đầu óc sáng láng đến gần tôi:

- Chúng ta không thể thành người được! - vị ấy tuyên bố ngay - Quyết không, quyết không!

Tôi nín im.

- Anh nói sao tôi nghe nào? - vị ấy gặng - Tôi đã ăn học ở Thuỵ Sĩ, 6 năm làm việc ở Bỉ.

Rồi ông ta kể lể dài dòng và cặn kẽ về cuộc sống ở hai nước đó. Tôi phát rầu rĩ vì bị quấy quả đột nhiên, nhưng biết làm sao được. Thỉnh thoảng tôi đưa mắt nhìn xuống, cố ý cho ông ta hiểu rằng tôi rất bận và mong ông ta đứng dậy. Than ôi! bạn tôi nào có biết phán đoán. Ông ta cứ thế mà nhớ đâu nói đấy:

- Bên ấy anh sẽ thấy không ai không cầm sách vở. Một người Thụy Sĩ hoặc một người Bỉ có được vài phút rỗi rãi là họ mở sách ra ngay. Ði ô tô, đi tàu hoả, chỗ nào cũng đọc. Mà giá anh thấy họ trong nhà cũng thế! Lúc nào cũng đọc, đọc và đọc...

- Chà, ghê thật, ghê thật! - Tôi ngắt lời ông ta với hy vọng ông ấy tha cho tôi nhờ.

- Ghê hẳn đi chứ lỵ! - ông ta nói tiếp - Còn bây giờ anh cứ thử nhìn những người quanh đây xem. Ai cũng nhận mình là trí thức mà không có ai cầm sách cả. Không, bạn thân mến của tôi ơi, chúng ta không thành người được.

- Ông nói quả đúng - tôi đồng ý.

Tôi vừa nói thế, ông ta liền hăng tiết lên gấp hai lần và lại tiếp tục câu chuyện người Bỉ người Thụy Sĩ đọc sách mọi nơi mọi lúc.

Ðến giờ ăn trưa. Chúng tôi cùng đứng lên.

- Chúng ta không thành người được. Bây giờ anh đã rõ vì sao như thế chưa? - Ông ta hỏi.

- Rõ - tôi đáp.

Thế là tôi mất đứt nửa ngày để nghe một bài giảng về lòng hiếu sách của người Thụy Sĩ và của người Bỉ.

Nuốt vội vàng mấy hạt cơm trưa tôi lại leo lên giường viết sách. Tờ giấy trên đầu gối, cây bút trong tay, tôi vừa ngồi vừa nghĩ.

Chưa viết được một chữ lại một người quen bước đến:

- Anh làm gì vậy?

- Tôi viết tiểu thuyết.

- Ở đây viết không ra cái gì đâu. Anh này ngộ thật!... Anh đã ở Châu Âu lần nào chưa!

- Không, tôi chưa bao giờ ra khỏi đất Thổ.

- Tiếc quá! Thế thì anh phải đi Châu Âu mới được. Sống bên đó, được tận mắt nhìn thấy mọi vẻ sinh hoạt là điều rất thú vị. Những chuyến đi ấy làm con người mở rộng được tầm mắt. Tôi đã đi hầu khắp Châu Âu, có lẽ không nước nào không đặt chân tới. Lâu nhất là thời kỳ tôi ở Ðan Mạch, Hà Lan và Thụy Ðiển. Ở các nước đó mọi người tôn trọng nhau hết sức. Thậm chí người ta không nói to để khỏi phiền người bên cạnh. Còn ở nước ta, anh xem! Muốn thủng hai màng nhĩ! Có lúc tôi muốn chợp mắt một tý, muốn đọc hoặc viết một tý, tôi thiếu gì việc phải làm hả anh, thế mà cũng không được. Ồn như chợ vỡ thế này anh không viết tiểu thuyết được đâu. Không thể viết được.

- Ồn như chợ vỡ tôi cũng viết được. Tôi chỉ không viết được khi bị người khác lải nhải bên tai mà thôi.

- Bạn thân mến ơi, nhưng được yên tĩnh thì thích hơn biết mấy. Có phải thế không? Mà họ có quyền gì quấy rầy anh kia chứ? Họ có thể nói nhỏ được quá chứ lỵ. Ở Ðan Mạch, Thụy Ðiển, Hà Lan không có ai bất lịch sự như thế bao giờ. Dân chúng người ta tân tiến vì biết tôn trọng lẫn nhau.

Ông ta cứ nói lảm nhảm hết chuyện này chuyện khác, lôi ra trăm thứ dẫn dụ để minh họa cho trình độ lịch thiệp và giáo dục của người Châu Âu.

Tôi cúi xuống mặt giấy và bắt đầu viết. Nói đúng hơn là tôi làm ra bộ viết. Hẳn như thế là bất nhã nhưng tôi còn biết làm sao khác được?

- Ðừng hoài công vô ích - ông bạn lại nói - không viết được gì đâu. Viết thế anh chỉ làm hỏng đầu óc. Nước Thổ chứ có phải là Châu Âu đâu. Anh có biết một người dân Châu Âu thì phải thế nào không? Trước hết là phải có lòng tôn trọng người bên cạnh mình. Còn ta thì sao? Bạn thân mến của tôi ơi, chính là vì lẽ đó mà chúng ta không nên người được đâu. Không, chẳng thể nào được!

Chắc ông ta chưa chịu kết thúc ngay, nhưng may quá, luật sư của ông ta đến cứu nguy cho tôi.

Sợ rằng lại có người khác đến ám, tôi cúi gằm hẳn mặt xuống.

Vừa viết được hai dòng, lại một ông bạn cùng xà lim bước đến.

- Chúc anh thành công ! - ông ta nói.

- Cám ơn bác - tôi đáp.

Ông ta ngồi xuống giường tôi nói:

- Còn xa chúng ta mới thành những người chân chính!...

Tôi không hé răng nửa lời hòng chặn đứng câu chuyện ngay từ khởi thủy.

- Anh đã sang Mỹ bao giờ chưa? - ông ta hỏi.

- Chưa.

- Tiếc thật! Anh được ở đó vài tháng anh sẽ hiểu ngay vì sao chúng ta lạc hậu thế này. Người Mỹ đâu có như ta, họ không thích tán gẫu. Bên họ có câu : "Time is money." "Thời gian là tiền bạc". Người Mỹ chỉ đến với anh khi có việc. Họ nói vài câu cần thiết rồi đi làm việc khác. Còn nước Thổ ta thì sao? Cứ lấy chúng ta mà xem. Chúng ta đang làm gì? Tán dóc chứ sao. Tán hết ngày này qua tháng khác! Ở Mỹ như thế thì đừng có hòng. Chính vậy mà họ tân tiến.

Tôi thở dài liên tiếp, lòng thầm mong ông ta hiểu cho là tôi rất bận và ông ta đi đi cho rồi. Nhưng ông ta cứ tiếp tục khoa đại ngôn như chẳng hề hám chuyện gì cả.

Ðến giờ ăn tối. Trước khi cáo lui ông ta bảo:

- Chúng ta không thành người được. Ðúng thế. Cứ cái lối sa đà trò chuyện thế này thì chẳng có bao giờ nên người.

- Bác nói thật chí lý - tôi đáp.

Khoắng vội cho xong bát cơm, tôi quay về làm việc. Tiểu thuyết! Phải viết tiểu thuyết!

- Cái chính là phải lao động. Những việc khác là phụ - tôi bỗng nghe có tiếng người nói.

Ngẩng đầu lên tôi thấy một bạn cùng khám đứng cạnh.

- Theo anh thì sao? - anh ta hỏi và ngồi xuống giường bên.

- Ai dám tranh luận chuyện đó? Lao động cần quá đi chứ - tôi đáp.

- Bố mẹ tôi giáo dục tôi theo tinh thần nước Ðức...

Tôi giận đến tím ruột.

Còn anh bạn thì sôi nổi tiếp tục:

- Tôi tốt nghiệp trường li-xê Ðức ở Xtămbun rồi sang Ðức học đại học, sau đó tôi ở lại làm việc bên ấy nhiều năm. Người Ðức chả có ai ăn không ngồi rồi cả. Còn bên ta thì thế nào? Cứ lấy tất cả những người trong khám này ra làm bằng mà xem. Không. Không, chúng ta không thể thành người được. Còn lâu chúng ta mới là những người chân chính!

Tôi hiểu ra: ban ngày người ta không cho tôi viết tiểu thuyết. Cố viết, tôi chỉ giết chết thần kinh của mình mà thôi. Bây giờ chỉ còn nước đợi đến đêm cho mọi người đi ngủ cái đã.

Anh bạn không mời mà đến của tôi lại thao thao về đất nước Ðức.

- Ở Ðức mà ngồi không ăn bám là điều sỉ nhục. Người Ðức dù bị số phận xua đuổi đến đâu đi nữa cũng không bao giờ chịu ngồi bó gối, thế nào họ cũng phải tìm được một việc gì đó mà làm. Một lẽ đương nhiên là không thể không lao động được. Còn đây là một dẫn chứng phản diện: chúng ta đã nằm đây mấy tháng rồi, thử hỏi có ai làm gì hay không? Ðụng đến chuyện ấy là người ta lấy làm lạ: trong tù thì làm gì được! Một người trí thức nước Ðức sẽ không nói vậy. Ông ta sẽ ngồi viết hồi ký, viết báo, lo nghĩ công việc của mình hoặc đọc sách báo, tóm lại, ông ta không có chơi bời phí phạm. Còn chúng ta thì sao? Anh muốn nói gì thì nói, chúng ta không thể thành người được.

Ðến tận nửa đêm anh ta mới về. Bây giờ có thể làm việc được rồi. Không còn ai đến ngồi quấy phá và lên lớp cho tôi về chuyện để lý do khiến chúng ta không nên người được.

Chao ôi, tôi đã lầm to: lại có người đến. Người này đã lăn lộn nhiều năm bên Pháp. Ông ta khe khẽ thì thầm sợ phiền đến giấc ngủ mọi người. Theo lời ông, người Pháp là người biết làm việc ra trò, nghỉ ngơi và vui chơi ra trò, dân tộc đó không bao giờ lẫn lộn thời gian làm việc với thời gian nghỉ ngơi. Rồi ông ta khuyên tôi không nên làm việc quá nửa đêm như thế.

- Bây giờ anh đi ngủ ngay đi, sáng mai đầu óc tỉnh táo anh lại tiếp tục viết. Bên nước ta mọi thứ cứ lùng chùng với nhau: lao động, nghỉ ngơi, giải trí, không cái gì ra cái gì cả. Lúc nghỉ thì mình làm việc, giờ làm việc mình lại muốn nghỉ. Ðấy cứ bảo tại sao chúng ta không biết làm việc cho có năng suất. Không bao giờ chúng ta thành người được đâu. Không bao giờ!

Lúc ông ta đi thì tôi cũng không còn sức để viết được nữa. Hai mí mắt tôi cứng lại. Tôi lăn ra ngủ vùi.

Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm, lúc chưa ai dậy, và lại bắt tay vào việc.

Có một người cùng khám mà tôi rất kính nể vừa đi ngoài về.

Thấy tôi ông ta bước lại.

- Mọi thứ ở bên Anh không có như bên ta - ông nhận xét - Anh đã ở bên Anh bao giờ chưa?

- Chưa ạ.

- Anh cứ hình dung như anh đang ở bên ấy và đang đi tàu. Người cùng phòng với anh suốt nửa ngày không thèm nói câu nào. Bên ta mà thế thì lại bảo : "Cái thằng kênh kiệu! Mặt lạnh như tiền!" Nhưng đó có phải tại người ta lạnh lùng và kênh kiệu đâu, đó là người rất có ý thức và rất tế nhị. Biết đâu anh không thích nói chuyện với người ta thì sao. Cơn cớ gì mà người ta làm phiền đến anh! Còn bên ta thì sao?... Anh ta có quen anh hay không, anh đang bận hay đang rỗi, mặc! Anh ta cứ mở miệng tán phét. Chính vì thế mà chúng ta chẳng bao giờ thành người được cả.

Tôi vò nát tờ giấy trên đầu gối, quẳng xuống gậm giường và nhét bút vào túi.

Thế là hết!... Thế là tiêu tan cái mộng tiểu thuyết của tôi. Phải, trong tù tôi không viết được gì cả. Nhưng mà tù đã mở ra cho tôi một chân lý trăm ngàn lần quý hơn cuốn sách thai nghén kia. Tôi đã hiểu ra vì sao chúng ta không thể thành người được.

Bây giờ chỉ cần một người nào đó đứng bên tôi bảo rằng: "Không chúng ta không thể thành người được!..." thì lập tức tôi giơ tay hô lớn:

- Tôi biết lý do rồi!

Tôi trưởng thành hẳn lên.




Aziz Nesin
Quote

secretsoflife's Photo secretsoflife 18/05/2014

Đọc tạm tiếng Anh, làm biếng dịch sang tiếng Việt...

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Quote

anhnoidau's Photo anhnoidau 18/05/2014

Làm biếng đọc tiếng anh, thôi khỏi đọc.

dù sao cũng đã đọc qua rồi, he he.
Quote

secretsoflife's Photo secretsoflife 18/05/2014

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn




Searched ra bản texts, cho mợ Google dịch rồi chỉnh sơ lại, đỡ công... :)

====

Một nhóm các nhà khoa học đặt 5 con khỉ trong một cái lồng và một cái thang ở giữa với nải chuối bên trên.

Mỗi lần có con khỉ nào leo lên thang, các nhà khoa học liền đổ nước lên đầu những con còn lại.

Sau một lúc, mỗi khi có con khỉ nào leo lên thang, nó liền bị những con khác lôi xuống đập.

Sau đó, không một con khỉ nào dám leo lên thang cho dù bị nải chuối cám dỗ.

Các nhà khoa học sau đó liền thay thế một trong 5 con khỉ này với một con khỉ mới. Việc đầu tiên con khỉ mới này làm là leo lên thang. Ngay lập tức, con này liền bị những con kia lôi xuống đánh đập.

Sau mấy lần như vậy, con khỉ mới này học được một điều là không được leo lên thang mặc dù nó không hiểu lý do tại sao.

Con khỉ thứ 2 được thay thế với con mới và điều tương tự xảy ra cho đến con thứ 5.

Những gì còn lại là một đàn 5 con khỉ mới, mặc dù chưa con nào từng bị dội nước trước đó, vẫn tiếp tục đánh đập bất cứ con nào leo lên thang.

Nếu chúng ta có thể đặt câu hỏi với đàn khỉ này tại sao chúng cản không cho con nào leo lên thang... tôi đặt cược bạn câu trả lời sẽ là ... "Tôi không biết - đó là cách làm việc ở đây." Âm thanh này có quen thuộc?
Quote

bluebird2304's Photo bluebird2304 18/05/2014

Cơn ác mộng
Aziz Nesin


[FONT=Verdana, Arial]Ðài phát thanh Xtămbun đã chấm dứt chương trình phát thanh. Nghĩa là lại hết một ngày cũ bắt đầu một ngày mới. Ðêm nay tôi có bao nhiêu việc phải làm: phải viết xong hai truyện ngắn, một bài châm biếm và trả lời thư yêu cầu của một tạp chí. Những thứ này sáng mai là họ lấy. Ngoài ra còn phải đọc ba tạp chí do nhà bưu điện đưa đến và một cuốn sách mỏng nữa. Nhưng cuối cùng tôi chỉ viết xong có mỗi một truyện ngắn. Vì hôm nay tôi thấy trong người mệt mỏi quá.

Tôi đã sắp sẵn một xếp giấy để viết truyện ngắn thứ hai, nhưng ý tưởng bay đi đâu hết cả. Tôi giở lại cuốn sổ tay, hy vọng có thể tìm ra một ý nào đó trong những mẩu ghi chép cũ, nhưng cũng chẳng ăn thua. Không có ý nào có thể phát triển thành truyện ngắn được.

Tôi bỗng cảm thấy đói. Cái bệnh tôi nó như vậy. Nghĩa là cứ khi nào không viết lách gì được, là y như lại nghĩ đến chuyện ăn uống hay một chuyện linh tinh gì đó. Tôi leo lên gác. Trong nhà im lặng như tờ. Mọi người đã ngủ cả. Tôi mò xuống bếp. Cơm canh đã nguội ngắt. Ai mà đi hâm được?... Cuối cùng tôi kiếm được đĩa cá sácđin, mấy quả cà chua, một ít mỡ và dăm miếng dưa.

Sau đó tôi lại quay về bàn làm việc, ngồi bóp trán suy nghĩ. "Mình buồn ngủ hay sao thế này?" Tôi nghĩ vậy, rồi dần dần thiếp đi thật. Tôi lại còn nằm mơ nữa. Tôi mơ thấy hình như tôi lạc đến một nước nào xa lạ. Tôi không biết đích xác đó là nước nào. Tôi bước vào một gian phòng rộng mênh mông. Không hiểu các bạn thế nào, chứ tôi thì tôi tin rằng những cái gì thấy trong mơ thì không bao giờ có trong thực cả.

Xung quanh chiếc bàn dài kê ở giữa phòng có nhiều người đang ngồi. Tôi đến đây với một trọng trách. Tôi không biết chính xác tôi đang ở đâu và người ta đang làm gì ở đây, nhưng không dám hỏi, vì sợ người ta cười, bảo tôi là anh ngố, không biết cả chỗ mình đang ở là chỗ nào nữa! Vì thế tôi cứ phải xem mọi vật xung quanh mà cố tự phán đoán lấy. Có lẽ tôi đang ở Châu Mỹ, nhưng có thể tôi đang ở Châu Âu cũng nên...

Người ta đang hội đàm. Ðại biểu nước tôi chỉ có độc mình tôi. Trông người nào cũng bệ vệ.

- Rất hân hạnh được đón tiếp ngài! - Một vị đại biểu nói với tôi.

- Cám ơn các vị! - tôi đáp.

- Ngài sẽ cho chúng tôi được biết tình hình đất nước ngài chứ?

Tôi run quá, nhưng rồi cũng tự động viên: "Có gì mà run! Ðây chỉ là mơ thôi mà!" Nhưng mơ thì mơ, chứ nhỡ ra...

- Vâng. Tôi sẵn sàng kể cho các vị nghe tất cả những gì tôi biết.

- Nước ngài đang ở tình trạng chậm tiến có phải không? - người ta hỏi.

Tôi bỗng thấy ngột thở. Lạy thánh Ala! Tôi biết trả lời với họ thế nào bây giờ? Nếu tôi bảo: "Vâng. Tôi ở nước chậm tiến đến!" thì có nghĩa là tôi tự thoá mạ nước tôi trước mặt các quan khách quốc tế. Và theo luật hình, như thế tôi sẽ bị khép vào tội khinh quốc thể. Nhưng nếu bảo: "Không phải. Sao lại chậm tiến? Nước tôi tiến ghê gớm ấy chứ lại!" thì hoá ra tôi nói dối! Nhưng thôi. Thà nói dối còn hơn bị kết tội khinh quốc thể. Nói dối thì chẳng bị tội gì cả.

Tôi bèn hét lên:

- Ai bảo các ngài thế? Ðó là điều bịa đặt và xuyên tạc, thưa các vị! Xin các vị chớ quên rằng chúng tôi có rất nhiều kẻ thù. Chúng luôn luôn tìm cách tuyên truyền nói xấu chúng tôi.

Mọi người há hốc mồm kinh ngạc.

- Nghĩa là chúng tôi đã nhận được một thông tin không chính xác?... Một người nào đó nói, nhấn mạnh từng chữ.

- Vâng, tất nhiên rồi!

- Chúng tôi hiểu. Các ngài là dân tộc rất tự trọng, nên khi người ta gọi các ngài là "chậm tiến" thì các ngài tức giận. Nếu vậy, chúng tôi sẽ không dùng cái tên ấy nữa, mà sẽ thay bằng mấy chữ "chậm phát triển". Như vậy chắc ngài thấy ổn chứ?

- Không! Như thế cũng không được! Chúng tôi không phải là những người chậm phát triển, mà trái lại, chúng tôi là những người rất, rất chi là phát triển!!

Một lần nữa, mọi người lại sửng sốt, quay sang xì xào với nhau.

- Thế hiện nay ở nước ngài còn nhiều thành phố chưa có điện không?

Nếu tôi bảo còn, thì rõ ràng tôi tự bôi nhọ nước tôi. Chà! Quỷ bắt tất cả các người đi!

- Không! Ở nước chúng tôi, từ các thành phố lớn cho đến các làng mạc xa xôi hẻo lảnh, nơi nào cũng có điện hết!

- Hoan hô!... Hoan hô!... Tuyệt thật!

- Nhưng nghe nói giá điện bên nước ngài đắt lắm thì phải? Bao nhiêu tiền một kw nhỉ?

- Cái gì? Ðiện ấy à? Ðiện bên chúng tôi đắt ấy à? Nhưng bên nước tôi điện có mất tiền đâu!... Không mất tí nào cả! Lại còn mất tiền điện nữa có mà chết!

- Tuyệt quá nhỉ!... Trứ danh thật!...

Tôi hả hê lắm: tôi đã khéo giới thiệu nước tôi với quan khách quốc tế. Ước gì báo chí đăng lại những lời phát biểu của tôi để đồng bào tôi thấy được tôi đã biết cách tuyên truyền có lợi cho đất nước như thế nào!

- Người ta đồn rằng tiền nhà bên nước ngài rất cao. Nhà cửa thì khan hiếm... Một người dân trung lưu phải mất đến nửa số thu nhập vào tiền nhà. Phải thế không?

Một tiếng nói bên trong thúc giục tôi: "Nói đi! Nói hết sự thật đi!" Tôi bảo nó: "Tôi sợ lắm! Mọi người sẽ phản đối tôi". Giọng nói vẫn năn nỉ: "Sợ gì! Ðây chỉ là mơ thôi mà! Họ có thấy giấc mơ của anh đâu. Họ có biết đâu những điều anh nói! Cứ nói hết sự thật đi."

Mồ hôi tôi vã ra như tắm. Tôi lấy khăn lau trán, rồi cười lớn:

- Hahaha!... Té ra các vị hình dung nước tôi như vậy đấy! Tôi không thể phát biểu gì thêm về chuyện này. Chỉ cần chúc cho cái bọn độc mồm độc miệng chết quách đi cho rồi! Dân nước tôi không hề biết thế nào là nhà cửa khó khăn cả! Các vị nghe rõ chưa? Cũng như ở tất cả các nước văn minh, chúng tôi được sống trong những ngôi nhà rất đẹp, tiện nghi đầy đủ, mà chỉ mất có 10% thu nhập thôi!

- Thế còn các công chức?

- Các công chức thì được phân nhà tuỳ theo số người trong gia đình. Nói chung là họ được ở rất rộng rãi, và tiền nhà phải trả rất ít, đến mức gần như là được cho không.

- Nghe nói bên nước ngài, những người chủ nhà không cho các gia đình có con thuê nhà có phải không?

- Hahaha! Láo toét! Ai nói với các vị thế? Bên chúng tôi người thuê nhà thậm chí không biết mặt mũi chủ nhà là ai cả. Chỉ biết mỗi cái gọi là Hội đồng nhà cửa thuộc Toà thị chính thôi! Khi nào cần nhà, người ta chỉ việc đến đó mà nói đại khái như: "Tôi cần một căn nhà 5 buồng. Nhà tắm có lát gạch men xanh, chứ màu hồng thì không thích hợp. Vì màu hồng ảnh hưởng đến thần kinh vợ tôi".

- Chà! Nước thế mới gọi là nước chứ! - các đại biểu trầm trồ thán phục - Hoan hô! Hoan hô nước ngài!

Tôi được thể càng ra sức khoe khoang tâng bốc nước tôi.

- Nhưng nghe đâu đời sống bên nước ngài khó khăn lắm thì phải. Những người lương thấp sống rất thiếu thốn. Ngay tầng lớp trung lưu cũng thế?

- Lại còn có chuyện thế nữa kia đấy! Thưa các vị, các vị nhớ cho rằng dân nước tôi mà sống khó khăn thiếu thốn, thì đó chỉ là theo giọng lưỡi của báo chí nước ngoài mà thôi. Ðồng bào chúng tôi rất nhân đạo, nên hết sức thông cảm với những người nghèo khổ. Dân nước tôi không hề biết đến những khó khăn về đời sống, và nói chung là họ không biết đến bất cứ khó khăn gì! Cầu thánh Ala cho đồng bào tôi đừng bao giờ biết đến những chuyện đó! Còn tầng lớp trung lưu ở nước tôi sống rất hạnh phúc. Họ có nhờ tôi chuyển đến các vị lời chào đặc biệt. Họ còn dặn tôi khi đến đây phải cải chính các tin đồn nhảm mà các vị nghe phải.

- Thế còn các vấn đề như nạn thất nghiệp, điều kiện lao động vất vả và lương công nhật thấp kém thì sao?

- Trời ơi các vị! - tôi kêu lên - Các vị muốn tin ai? Tôi hay những lời đồn nhảm nhí linh tinh?

- Tất nhiên chúng tôi tin ngài.

- Nếu vậy các vị hãy nghe đây: Trước hết tôi xin nói về công nhân: Công nhân bên nước chúng tôi sống rất sung sướng, các vị có hiểu không? Tôi không biết có nước nào công nhân được hưởng lương cao như công nhân nước tôi không? Tôi chắc là không! Không có nước nào cả! Lương công nhân nước tôi cao đến nỗi họ không biết tiêu gì cho hết. Tôi xin tiết lộ với các vị một điều bí mật: nếu người công nhân của chúng tôi tích lại số tiền thừa của mình, thì chỉ trong một tháng anh ta có thể xây được cả một nhà máy! Nhưng anh ta cần nhà máy làm quái gì? Cái gì anh ta cũng có đủ rồi.

- Chà! Chà!... Thế mới gọi là nước chứ!

Ôi! Giá hãng thông tin quốc gia biết được chuyện tôi ca tụng nước tôi và đưa tin cho tất cả mọi người biết về giấc mơ này của tôi thì hay biết chừng nào!

- Thế vấn đề giáo dục ở bên ngài ra sao? Người ta bảo 80% dân số nước ngài còn mù chữ có đúng không?

- Bậy! Ở nước tôi ai cũng biết đọc biết viết hết! Mà còn biết nhiều đến nỗi người ta chán không muốn đọc muốn viết nữa. Tôi đố các vị tìm thấy ở nước tôi một người nào mù chữ đấy! Các giáo sư, nhà báo, nhà văn của chúng tôi hoặc là làm nghề viết, hoặc làm nghề đọc. Số người làm được cả hai nghề tuy không nhiều lắm, nhưng văn sĩ và độc giả ở bên tôi cứ gọi là vô thiên lủng! Trường học ở nước tôi nhiều đến nỗi muốn làm đường sá mới thì phải phá bớt trường đi mới có chỗ mà làm. Còn giáo viên thì không đếm xiết được! Ði đâu cũng gặp toàn giáo viên là giáo viên!

- Thế sao bảo các ngài phải xin nước ngoài viện trợ cho các tấm lều bạt để làm lớp học?

- Haha! Ðó là chúng tôi nói đùa thế thôi! Vì không muốn để các nước khác biết sự hùng mạnh của chúng tôi, nên chúng tôi phải vờ làm ra vẻ thiếu trường học.

- Tôi thấy hình như không phải thế! - Một vị đại biểu đứng phắt dậy - Tôi có đọc báo của các ngài. Trong những bài châm biếm của ngài, tôi thấy ngài luôn luôn kêu về nạn thiếu trường sở và thiếu giáo viên.

Tôi cười lớn:

- Hahaha! Thế mà các ngài cũng tin là thật ư? Tôi viết thế chẳng qua cốt tạo ra cái chuyện trái ngược mà thôi! Vì dân nước tôi rất thích những chuyện ngược đời. Nếu viết rằng mọi chuyện đều tốt đẹp cả thì họ lại không thích. Vì thế muốn tạo ra những chuyện trái ngược, tôi phải viết rằng ở nước tôi thiếu trường học vân vân... Có thế họ mới mua báo. Nhưng đó là cách tuyên truyền trong nước thôi, còn tuyên truyền ra nước ngoài thì lại khác...

- Nghe nói bên nước ngài đường sá mở mang cũng chậm lắm thì phải. Những con đường hiện có thì rất tồi!

Tôi đã ngán ba hoa lắm rồi, nên đứng dậy bảo:

- Thôi đủ rồi, tôi phải đi đây!

- Ði đâu? Ngài không thể đi đâu cả, vì ngài đang nằm mơ kia mà!

Nghĩa là họ cũng biết đây là một giấc mơ!

- Thôi, các ngài buông ra để tôi đi!

- Nhưng ngài định đi đâu?

- Về nước tôi chứ còn đi đâu?

Tôi định tiến ra cửa, nhưng bị mọi người chặn lại, dồn vào góc phòng.

- Buông tôi ra! - tôi hét lên.

- Ngài đang nằm mơ, ngài không thể đi đâu cả.

Các bạn đã từng gặp những cơn ác mộng nên chắc biết: trong cơn mộng mị, lúc sợ quá, bạn định bỏ chạy, nhưng chân bỗng ríu lại, muốn thét thật to lên, nhưng tiếng tự nhiên mất hẳn. Lúc này chính tôi cũng đang ở trong tình trạng như thế. Tôi muốn bỏ chạy mà chân không sao cử động nổi.

-Chúng tôi muốn hỏi ngài một câu nữa - Một người khác đứng dậy bảo - Ở nước các ngài có tự do hay không?

Sợ quá, tự nhiên tôi nói không thành tiếng nữa.

- Hừm... hừm... hừm... - tôi cứ ú a ú ớ. Tiếng nói bị tắt trong họng.

- Ngài nói đi chứ! Ở nước ngài có tự do hay không?

Tôi tự khích lệ: "Có quái gì mà sợ! Dù sao đây cũng chỉ là mơ thôi. Ta chẳng sợ ai hết." Nhưng sao tôi vẫn thấy run quá. Giọng nói bên trong lại thì thầm giục tôi: "Ðúng rồi! Ðây chỉ là giấc mơ thôi!"

- Nói đi! Nói đi! Có tự do ở nước ngài hay không? - mọi người lại nhao nhao giục tôi.

Cuối cùng tôi cũng lấy lại được tiếng nói. Tôi lắp ba lắp bắp:

- Có!... Có nhiều... Nhiều lắm!....

- Mọi thứ tự do đều có chứ?

- Các ngài muốn hỏi những thứ tự do gì?

- Tự do báo chí chẳng hạn!

- Ồ, cái đó tất nhiên là có rồi! Tự do gì chúng tôi cũng có hết! Chúng tôi có đủ các thứ tự do. Cả tự do báo chí nữa! Muốn bao nhiêu cũng có. Nhưng thôi, các ngài cho tôi đi đi!

- Nghĩa là ở nước ngài có đủ các thứ tự do?

- Tôi đã trả lời rồi mà: Có đủ hết!

- Tốt lắm! Nhưng nghe nói luật báo chí cũ ở nước ngài vẫn còn có hiệu lực. Thế thì đó là cái tự do gì?

Ðến phải biến thành hơi nước thì mới thoát khỏi tay họ được! Trong giấc mơ, người ta thường hay bay. Tôi giang hai tay như đôi cánh định bay, nhưng bị cái gì như cục chì giữ chân lại, không sao rời khỏi mặt đất được. Chắc tại tôi ăn no quá nên nặng bụng, chứ không thì tôi đã bay bổng như chim rồi!

- Thế nào? Có đúng là luật báo chí cũ vẫn còn hiệu lực không? Ngài trả lời đi!

- Ừ, đúng là vẫn còn cái luật ấy đấy! Nhưng việc gì đến các ông nào! Cái luật ấy còn, nhưng chúng tôi không áp dụng... Cũng như chúng tôi vẫn còn giữ những khẩu đại bác mà Phatích đã dùng chiếm lại Xtămbun, nhưng chúng không bắn được nữa. Thế thì sao? Chả lẽ cũng phải phá đi à? Sở dĩ chúng tôi cố ý không thay luật báo chí phản dân chủ cũ, chẳng qua là muốn để nhắc nhở mọi người rằng họ đã từng phải sống một thời kỳ nghẹt thở như thế đấy! Nhưng bây giờ chúng tôi đã có tự do báo chí và nhiều thứ tự do khác nữa. Tự do ở nước chúng tôi nhiều đến mức người ta không biết dùng chúng làm gì nữa!

- Thế còn tình hình kinh tế? Nghe nói ngân sách của các ngài bị thiếu hụt nhiều phải không? Xin ngài cho bíêt ý kiến về vấn đề này.

Tôi lại bắt đầu vã mồ hôi. Biết trả lời thế nào bây giờ đây, lạy thánh Ala?

- Chả lẽ tôi cứ mơ mãi, không bao giờ tỉnh lại hay sao? - tôi kêu lên tuyệt vọng.

- Nếu ngài không nói thật thì không bao giờ ngài tỉnh lại được đâu!

Nhưng nói thật thì tôi lại bị mang tội nói xấu Tổ quốc mất! Ôi, sao mà khó xử thế này hả trời!

- Tình hình kinh tế nước tôi không đến nỗi tồi tệ như các vị tưởng đâu. ý tôi muốn nói là nó... rất... tốt đẹp, rất rực rỡ. Rực rỡ đến nỗi có thể làm người ta loá mắt!... Còn ngân sách thì lúc nào cũng rất thăng bằng.

Tôi còn định nói nhiều nữa, nhưng bị mọi người ngắt lời.

- Thôi được rồi! - Một vị ngồi dự nói - Chúng tôi mời ngài đến đây cốt để ngài cho biết rõ sự thật, để nếu thấy cần thiết, thì tổ chức quốc tế sẽ giúp đỡ các ngài, chẳng hạn cung cấp vốn, hoặc cho ngài vay tiền... Nhưng vì tất cả mọi thứ ở nước ngài đều tốt đẹp cả, nên chúng tôi thấy không cần phải giúp đỡ gì nữa. Thôi xin chúc ngài mọi điều may mắn. Tạm biệt ngài.

Ðến lúc này tôi mới chợt tỉnh và hiểu ra rằng hoá ra người ta phái tôi đến đây là để xin viện trợ của nước ngoài.

- Tốt quá! Nhưng sao các ngài không cho tôi biết trước? Nếu biết trước, có phải tôi đã tuyên truyền nước tôi theo cách khác rồi không?

- Thôi xin chào ngài!

Tôi khóc nức lên vì đau xót. Thì các bạn cứ nghĩ xem. Giá tôi dám nói hết sự thật, thì có phải nước tôi đã nhận được trợ giúp của các nước rồi không? Thế nhưng tôi lại sợ nếu nói thật thì sẽ bị kết tội nói xấu quốc gia. Thế là tôi đã bỏ lỡ một dịp may hiếm có!

Tiếng khóc làm tôi bừng tỉnh. Trời vẫn chưa sáng.

Tôi bật đèn lên. Ðúng là trong mơ tôi đã khóc thật. Tôi lau những giọt nước mắt, rồi ngồi ghi ngay lại cơn ác mộng này.

Chả lẽ đêm cứ tối mãi và trời không bao giờ sáng được hay sao?

gười phụ nữ xã hội (Rút từ tập: Tình yêu cuồng nhiệt)

Ai bảo rằng việc người phụ nữ tham gia công tác xã hội là nguyên nhân làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, là người ấy hoàn toàn nói bậy! Tôi có thể lấy ngay cuộc sống êm ấm của chính gia đình tôi đây để chứng minh.

Hồi ấy, do kết quả của sự nhập cảng dân chủ vào nuớc ta và nhờ chiến dịch vận động tranh cử rùm beng khắp nơi, mà việc bầu nghị sĩ bỗng trở nên dễ dàng hơn, nhưng sinh hoạt thì lại đâm khó khăn hơn, tôi buộc lòng phải cưới cô vợ có công ăn việc làm.

Vợ tôi là một viên chức hết sức mẫn cán. Những lúc rảnh rỗi, không có việc gì đan lát, nàng thường thích gây gổ cãi lộn với những bạn đồng sự. Tôi thì làm việc ban đêm ở một toà soạn.

Vào đúng cái hôm chúng tôi quyết định cưới nhau, vợ tôi được nhà băng cho nghỉ bù. Tuy thức suốt đêm làm việc, nhưng ngày hôm sau đó tôi vẫn không sao ngủ được. Chúng tôi đến phòng khai giá thú để đăng ký kết hôn. Ngay tối hôm ấy, để người vợ yêu ở lại một mình trong căn buồng ấm cúng, tôi đến toà soạn làm việc. Sáng hôm sau, lúc trở về tổ ấm, tôi thấy mảnh giấy của vợ gài trên cửa buồng ngủ:

"Chồng yêu của em!
Em đến nhà băng đây. Hôn đôi mắt nhỏ của anh".

Tôi đọc mảnh giấy của vợ mà cảm động đến rơi lệ. Sau đó tôi leo lên giường làm một giấc đến tận chiều. Khi tỉnh dậy vợ tôi vẫn chưa đi làm về. Sợ đến toà soạn trễ, tôi cũng viết cho vợ một mẩu giấy và gài đúng chỗ đó:

"Con mèo nhỏ của anh!
Anh đi làm đây. Vì đã trễ giờ rôi! Hôn đôi má thơm tho của em!"

Sáng hôm sau chúng tôi cũng không gặp được nhau. Nhưng người vợ chung tình của tôi không quên để lại cho tôi một lá thư nồng nàn âu yếm, với những lời lẽ ngắn gọn, cô đọng như mệnh lệnh của viên chỉ huy dũng cảm trước giờ tấn công.

"Anh bé bỏng của em!
Em đi đây. Hôn anh một ngàn,ngàn, ngàn cái!"

Tôi lại viết trả lời ngay:

"Em bé bỏng của anh!
Anh đã nhận được thư em. Cám ơn em nhiều nhiều. Hôn đôi môi ngọt ngào của em.
Chồng của em ứ Haxan Kaphađan"


Từ đó chúng tôi bắt đầu ôm nhau và hôn nhau qua các bức thư. Ba tháng sau kể từ ngày chúng tôi cưới nhau. Trong một bức thư để lại cho tôi vẫn ở chỗ cũ trên cửa buồng ngủ, vợ tôi viết:

"Anh thân yêu! Cám ơn anh một ngàn lần vì đã gửi thư cho em. Em vẫn rất khoẻ và mong anh cũng khoẻ như thế. Em xin báo ngay để anh biết tin mừng là chúng ta sắp có con. Em cảm thấy hình như em hơi có mang. Nhưng không sao cả đâu, anh đừng lo lắng gì cả! Bác sĩ bảo là đã đến tháng thứ tám. Em rất muốn đứa con của chúng ta lớn lên sẽ thành một công dân có ích cho xã hội. Nhưng muốn vậy chúng ta phải sát cánh cùng nhau làm việc thật hăng say hơn nữa, anh nhé! Anh nhớ viết thư cho em luôn đấy. Em chờ.

Pakide Kaphađan riêng của mình anh."

Như bất cứ ông bố nào, tôi sung sướng vô hạn khi nhận được tin đó. Tôi lập tức viết thư trả lời vợ dán lên cửa buồng ngủ:

"Nàng tiên của anh.Anh sung sướng không sao tả xiết. Anh đã mua tặng em cái trâm cài đầu. Em cứ lật gối lên sẽ thấy. Hôn em nghìn, nghìn, nghìn lần".
Tất nhiên, vợ chồng sống với nhau lâu ngày cũng dần quen đi, và ngọn lửa yêu đương nồng đượm ban đầu cũng dần dần nguội lạnh.

Chúng tôi đã quen với cuộc sống gia đình, nên cũng bắt đầu ít quan tâm đến nhau hơn. Thậm chí chúng tôi quên cả viết thư cho nhau, hoặc viết rồi quên không gài lên cửa. Mấy năm sau thì chuyện thư từ thôi hẳn. Nhưng căn cứ vào những chiếc bít tất hay những cái quần áo lót của vợ tôi vương **** trên bàn ăn hay trên mặt rađiô mà lần nào dọn buồng tôi cũng nhặt được, tôi biết rằng vợ tôi vẫn thường đảo về nhà.

Cuộc sống hạnh phúc của gia đình chúng tôi cứ trôi qua nhiều năm như thế.
Một hôm đi làm về, thấy người mệt mỏi, tôi rẽ vào rạp xem phim, ở trong rạp, tôi đã gặp một chuyện hết sức bất ngờ. Tôi đang ngồi thì có một phụ nữ ăn mặc rất đứng đắn. Tự nhiên ôm choàng lấy cổ tôi mà kêu:

- Ôi, anh yêu, anh thương, anh quý của em!

- Ấy ... ấy!... Xin lỗi!tôi hoảng quá, nói lắp ba lắp bắp. Tôi là người đã có gia đình rồi. Tôi là bố của một gia đình. Xin bà buông tay ra. Tôi không thích những chuyện lả lơi như vậy.

Người đàn bà nói:

- Anh không nhận ra em ư? Chao ôi! Thật là xấu hổ! Em là Pakidê Kaphađan, vợ anh đây mà!

Tôi ngượng quá, đỏ dừ cả mặt.

- Nghĩa là... bà ...à ...em là.... cô vợ Pakiđê yêu quý của anh đấy à? Xin lỗi em, thế mà anh không nhận ra. Từ ngày không gặp em đến giờ, em lớn ra nhiều quá!

Vợ tôi chỉ vào ba đứa trẻ ngồi xếp hàng thong dong từ bé đến lớn, một đứa gái và hai đứa trai bảo tôi:

- Con chúng mình đấy!

Tôi làm điệu bộ của một ông bố, âu yếm nắm tay mấy đứa trẻ và bảo chúng:

- Rất hân hạnh được làm quen!

Nhưng phải tảng lờ đi như không nghe thấy câu đứa con gái yêu của tôi nói thầm vào tai mẹ nó:

- Mẹ chả có mắt nhìn người gì cả! Mẹ không chọn cho chúng cn một người bố nào đẹp hơn hay sao?

Đoạn nó chỉ vào một người đàn ông trông rất bảnh bao ngồi bên cạnh bảo tôi:

- Đây là bác cháu.

Đã bao năm trôi qua mà cuộc sống gia đình của chúng tôi vẫn hoà thuận, êm ấm, không có điều gì phàn nàn cả. Nói ví thử, giá tôi không lấy một người vợ có công ăn việc làm, thì suốt ngày chúng tôi sẽ mắng chửi nhau mất. Đằng này, lấy nhau cũng đã từng ấy năm trời, mà giữa chúng tôi vẫn không hề xảy ra chuyện gì có thể làm tổn hại đến hạnh phúc gia đình. Và bởi vì không sao tìm được thời gian để gặp nhau, nên giữa hai vợ chồng tôi cũng chẳng bao giờ xảy ra chuyện xích mích cãi cọ. Chúng tôi sống êm ấm, bình lặng, không hề giận hờn, cũng chẳng bao giờ đánh đập nhau.

Tấm gương của gia đình tôi há chẳng phải là bằng chứng hùng hồn cho việc người phụ nữ tham gia công tác xã hội là hoàn toàn không có hại gì đến hạnh phúc gia đình hay sao?
Quote