Jump to content

Advertisements




LỊCH ĐẠI NIÊN KỶ BÁCH TRÚNG KINH (TBHN 2008)


  • Bạn không thể gửi trả lời cho chủ đề này
No replies to this topic

#1 maphuong

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 691 Bài viết:
  • 1242 thanks

Gửi vào 27/06/2015 - 14:27

VỀ VĂN BẢN CUỐN

LỊCH ĐẠI NIÊN KỶ BÁCH TRÚNG KINH (TBHNH 2008)

LÊ THÀNH LÂN

Trần Xuân Soạn, Hà Nội


I. NHẬP ĐỀ

Tới nay tôi lần lượt được đọc 3 cuốn lịch cổ:
1) Năm 1985, tôi được đọc cuốn Bách trúng kinh (BTK) [1] do Tư thiên giám triều Lê soạn và khắc in là cuốn lịch cổ nhất, có lịch của 162 năm, từ 1624 đến 1785; trong đó phần lịch từ 1624 đến 1738 được in vào một năm nào đó trong khoảng thời gian từ 1739 đến 1746; phần còn lại được chép bằng tay một cách cẩn thận, hầu như không sai sót.
2) Năm 1987, tôi bắt đầu khảo cứu cuốn Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh (LĐNK) [2] toàn bộ được chép tay và sẽ được bàn ở đây.
3) Năm 1994, tôi phát hiện cuốn Khâm định vạn niên thư (VNT) [3] do Khâm thiên giám triều Nguyễn soạn và khắc in là cuốn lịch có thời lượng “dài” nhất, có 360 năm lịch Việt Nam, từ 1544 đến 1903, toàn bộ được khắc in.

Nói chung việc khảo cứu văn bản học hai cuốn lịch được in khá thuận lợi. Vì thế năm 1997, tôi đã viết các bài Về văn bản cuốn Bách trúng kinh [4] và Về văn bản cuốn Khâm đinh vạn niên thư [5] để có một kết luận về văn bản học cho 2 cuốn lịch đó.

Riêng LĐNK là cuốn lịch hoàn toàn chép tay nên việc khảo cứu văn bản học khó hơn, nhất là làm sao có thể khẳng định được kết quả của việc hiệu đính là hoàn toàn chính xác. Năm 1987 tôi đã khảo cứu khá kỹ để viết bài Đọc và hiệu đính cuốn Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh [6]. Tuy vậy đó vẫn là làm theo định tính chưa có một cơ sở toán học thật chặt chẽ để kết luận chắc chắn 100%. Phải tới năm 2006, với bài Vận dụng toán học để hiệu đính cuốn lịch cổ Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh [7] tôi mới hoàn toàn yên tâm về kết quả của công việc hiệu đính này. Một điều quan trọng nữa là tới năm 1994 với việc tìm thấy bản in cuốn VNT [3] với thời lượng lịch cổ là 360 năm, ta có thêm cơ sở để so sánh đối chiếu toàn diện nhằm có những nhận định về giá trị từng phần lịch ở cuốn LĐNK. Giờ đây ta đã có cơ sở để xem xét cuốn LĐNK về văn bản học một cách chắc chắn và đầy đủ hơn.

LĐNK là cuốn tính niên lịch, gồm 144 năm, từ năm Canh Thân Cảnh Hưng nguyên niên - 1740 đến năm Quý Mùi Tự Đức thứ 36 - 1883; sơ bộ ta thấy có lịch cuối nhà Lê Mạt (1740-1788), lịch nhà Tây Sơn (1789-1801) và lịch nửa đầu nhà Nguyễn (1802-1883). Giá trị từng phần như thế nào cần được đánh giá kỹ sau khi hiếu đính và đối chiếu với các cuốn lịch khác.

Cần nhấn mạnh là, LĐNK là cuốn lịch duy nhất ghi lịch nhà Tây Sơn mà tôi được đọc. Bởi vậy việc khảo cứu cuốn LĐNK này sẽ có ý nghĩa lớn trong việc tìm lại lịch nhà Tây Sơn. Nó cũng góp phần lý giải một vài sự kiện trong lịch nhà Nguyễn.

Cuốn LĐNK là cuốn lịch do Viễn Đông bác cổ xưa để lại, mang ký hiệu A1237, nay lưu giữ ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Đáng tiếc là chưa thể xác định được một cách chắc chắn năm soạn, năm chép, tác giả, người chép cuốn LĐNK này. Nhiều thông tin về các vấn đề đó chỉ mang tính ước đoán. Tuy vậy sau hiệu đính và đối chứng thì nội dung lịch rất đáng tin cậy.

II. MÔ TẢ SƠ LƯỢC

Cuốn LĐNK được viết trên giấy dó, không kể tờ bìa ghi tên sách, còn lại 65 tờ (130 trang) khổ 205 x 310mm. Trang đầu của tờ đầu được xem như trang bìa trong ghi cột chữ lớn: “Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh, nhất bản”. Tiếp theo, trang sau ghi cột chữ: chép lịch; rồi đến bài ca quyết tính giờ; sau đó ghi niên biểu các triều đại từ Hồng Bàng đến Lê Chiêu Thống; rồi Tây Sơn; cuối cùng là Nguyễn. Đáng chú ý là sách ghi triều Tây Sơn khởi ừ Mậu Thân (1778) đến Tân Dậu (1801). Kết thúc phần niên biểu này là cột chữ: “Nguyễn triều Thành Thái kỷ nguyên Kỷ Sửu chung... công...”.
Từ tờ 6 đến tờ 65 ghi lịch, cứ hết năm này thì sang năm khác, không nhất thiết mỗi năm một trang, nên nhiều năm lịch được ghi trên 2 trang tiếp. Ở giữa tờ giấy, chỗ gấp nếp, nối 2 trang lại là một cột ghi tên sách, niên hiệu và số thứ tự của tờ, cột này nhiều khi nằm lọt vào giữa một năm lịch.

Trong 32 năm đầu, từ năm Canh Thân - 1740 đến năm Tân Mão - 1771 và năm Giáp Tý - 1814 có để 2 dòng phía trên cùng ghi niên hiệu và niên thứ của nhà Thanh và nhà Lê, nhà Nguyễn.
Các năm lịch đều dành cột đầu, viết đài lên, để ghi tên năm theo Can Chi. Bắt đầu năm Giáp Tý - 1804 thỉnh thoảng có năm ghi những hiện tượng thời tiết đặc biệt; chẳng hạn năm Giáp Tý - 1804 đó ghi cột chữ nhỏ “thị niên hạ lục nguyệt hồng thuỷ”; các năm gần đó như Tân Mùi - 1811, Canh Thìn - 1820, Kỷ Sửu - 1829, Nhâm Thìn - 1832, Quý Tỵ - 1833, Kỷ Dậu - 1849 ... cũng có ghi những hiện tượng bất thường như lụt, hạn hán ... Mấy năm cuối lại còn ghi sự xuất hiện của sao chổi: năm Tân Tỵ - 1881 vào thàng 4, năm Mậu Ngọ - 1882 vào tháng 8.

Từ cột thứ 2 ghi lịch các tháng lần lượt từ trên xuống dưới rồi từ phải sang trái: mỗi cột ghi được 2 tháng; mỗi tháng ghi Can Chi của ngày sóc và các ngày khí thuộc tháng đó. Việc ghi các ngày khí này không thống nhất. Chỉ có 6 năm cuối cùng, từ năm Mậu Dần - 1878 đến năm Quý Mùi - 1883 là ghi đủ 24 ngày khí; còn lại thường chỉ ghi một số trong 12 tiết khí, không ghi các trung khí. Ở 16 năm đầu, từ năm Canh Thìn - 1740 đến năm Ất Hợi - 1755 đều ghi 12 tiết khí. Tiếp đó là 30 năm chỉ ghi từ 4 - 6 ngày khí; khi ghi 4 ngày khí thì ghi các ngày Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông; khi ghi 5 thì thêm Thanh Minh; khi ghi 6 thì thêm Mạng chủng; riêng có 3 năm: Bính Tý - 1756, Kỷ Mão - 1759, Quý Mùi - 1763 chỉ ghi mỗi một khí Lập Xuân. Trong 72 năm gần cuối, từ Bính Dần - 1806 - đến Đinh Sửu - 1877 thường ghi từ 6 - 12 ngày khí. Tuy việc ghi chệch choặc, thiếu sót như vậy, nhưng rất có chọn lọc; khi ghi càng ít thì chọn những ngày khí quan trọng nhất, người quen dùng lịch có thể từ đó tìm lại các ngày khí không được ghi.

Trong văn bản có hiện tượng kiêng húy, song tuân thủ không triệt để. Ngay trang đầu có chữ “thì” vẫn để nguyên, không kiêng huý Tự Đức. Mấy trang tiếp theo có khoảng 20 chữ “Tông” thì đều viết thiếu một nét gạch ở giữa để kiêng huý Thiệu Trị. Chữ “Hồng” trong “hồng thuỷ” có ghi ở các năm Giáp Tý - 1804, Nhâm Thìn - 1832, Quý Tỵ - 1833... lại để nguyên, không kiêng húy Tự Đức ...Việc kiêng húy Gia Long (có tên là Chủng) khi viết khí Mang chủng có phần phức tạp hơn. Có 10 năm, từ năm Ất Sửu - 1745 đến năm Giáp Tuất (1754) không kiêng huý, vẫn viết là “Mang chủng”. Năm Mậu Dần - 1878 sau khi đã viết chữ “trưởng” rồi lại gạch đi để viết chữ “chủng”, 5 năm đầu, từ Canh Thân - 1740 đến Đinh Mão - 1747 và năm Kỷ Mão - 1879 thì kiêng huý mà viết thành “Mang thực”. Riêng năm Canh Thìn - 1880 lại viết thành “Mang trưởng”. Các năm còn lại, trừ những năm không ghi khí Mang chủng, thì đều ghi là “Mang hiện” riêng năm Ất Hợi - 1754 chữ “hiện” viết đầy đủ có cả bộ “vượng” ở bên, còn các trường hợp khác chỉ viết chữ “kiến”.

III. ĐOÁN ĐỊNH VỀ NĂM SOẠN, NĂM CHÉP

Ta biết rằng Viễn Đông bác cổ Pháp sưu tầm sách cổ theo nhiều phương thức: 1) Mua lại sách gốc. 2) Chép, đổi cho chủ nhân để lấy bản gốc. Hai trường hợp trên đều có được bản gốc. Sách gốc có thể là sách in hoặc sách chép tay. 3) Chép lại sách. Trường hợp này không phải bản gốc, tất nhiên có phát sinh sai sót do “tam sao, thất bản”. Theo một số nhà nghiên cứu cho biết, vì nhiều lý do, việc sao chép này không phải luôn được làm một cách nghiêm chỉnh, nên có nhiều sai sót. Có sai sót cố ý, đa phần là vô tình.
Tôi cho rằng cuốn LĐNK này thuộc “thế hệ” thứ 3.

Tác giả của thế hệ đầu tiên đã làm việc tập hợp lịch của các giai đoạn từ các cuốn lịch khác nhau làm thành một cuốn “Lịch đại niên kỷ bách trung kinh, nhất bản”. Cái tên này ghi ở trang 1 - có thể coi là bìa trong. Bản thu được ta gọi là bản Hợp nhất. Chữ “lịch đại” cho ta biết sách chép lịch của nhiều triều đại nối tiếp nhau. Chính chữ “nhất bản” cho ta biết, sách được biên tập từ nhiều bản gốc. Sơ bộ, theo tôi ít nhất có tới 4 bản gốc khác nhau: 1) Bản gốc thứ nhất chép lịch do Tư thiên giám nhà Lê soạn, tác giả trích lấy lịch từ năm 1740 đến 1788. Rất có thể là cuốn BTK hiện còn là bản gốc thứ nhất này. 2) Bàn gốc thứ hai chép lịch nhà Tây Sơn, tác giả lấy lịch từ năm 1789 đến 1801. 3) Bản gốc thứ ba chép lịch do Tư thiên giám nhà Lê soạn sẵn cho các năm sau. Đây là một giả thuyết táo bạo, nhưng có cơ sở, sẽ phải chứng minh ở dưới. LĐNK chép lịch các từ năm 1802 đến 1812 từ bản gốc thứ ba này. 4) Bản gốc thứ tư là một cuốn lịch nhà Nguyễn; tác giả lấy từ đây lịch các năm từ 1813 đến 1883. Ở giai đoạn này cũng có thể LĐNK đã chép không phải từ một cuốn duy nhất, mà có thể chép từ cả các niên lịch được ban phát hàng năm. Bản Hợp nhất này có thể còn có chỗ chưa chuẩn xác.

Tôi đoán định rằng, bản Hợp nhất này có thể được biên soạn vào thời Thành Thái (1889 - 1907) vì ở cuối tờ 5 có ghi cột chữ “Thành Thái, kỷ nguyên Kỷ Sửu, chung ..., cộng ....”. Kỷ Sửu là năm 1889, Thành Thái nguyên niên, đấy có thể là niên đại của việc làm bản Hợp nhất. Dễ thấy là sách soạn vào thời Thành Thái; năm cuối Thành Thái còn để trống, tổng số năm của niên hiệu Thành Thái cũng vậy. Người biên soạn có thể sống vào khoảng thời gian đó, nên đã nhớ rõ (cũng có thể lấy từ sử sách) và thấy cần ghi chép các hiện tượng thời tiết bất thường; những năm cuối lại còn ghi cả sự xuất hiện của sao chổi.

Những cuốn lịch gốc có thể có quy cách khác nhau; chẳng hạn cuốn đầu tiên là cuốn lịch Lê, có thể chính là cuốn Bách trúng kinh [1], ở đây mỗi trang lịch chia làm 2 khung, viết hết khung trên từ phải qua trái với các tháng từ Giêng đến Sáu, rồi mới xuống khung dưới; khi biên soạn bản Hợp nhất thì theo một quy cách thống nhất sau: viết hết cột đầu với tháng Giêng và Hai, rồi sang cột 2 với tháng Ba và Bốn, kế đó sang bên trái với 2 tháng lịch tiếp,… cứ thế đến cột cuối bên trái. (Có thể việc phải chuyển quy cách cho thống nhất như vậy cũng là một nguyên nhân dễ gây ra những sai sót khi chép). Đáng chú ý là khoảng thời gian trước đời Thành Thái này, tức là từ năm 1883 (năm cuối có lịch được chép) đến năm 1889 - Thành Thái nguyên niên, tuy chỉ có 6 năm nhưng trải qua 5 đời vua (Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh) ngắn ngủi, việc triều chính rối bời và ở Bắc Kỳ đã bị Pháp chiếm từ năm 1884, kỷ cương phong kiến đã lỏng lẻo, việc kiêng húy không còn nghiệm ngặt nữa, người biên soạn không thấy cần phải tuân theo, những chỗ chép có kiêng huý, chẳng qua chỉ là do thói quen của người viết. Đến đó người soạn đã dám chép lại lịch Tây Sơn cùng các niên hiệu của triều đó.

Thế hệ thứ hai là một văn bản hoàn thiện do việc tu sửa lại bản Hợp nhất nên mới gắn thêm chữ “trùng đính” và gọi tên là “Trùng đính lịch đại niên kỷ bách trúng kinh” ghi ở tờ 2 tôi gọi tắt là bản Trùng đính. Với công việc tu sửa này, bản Trùng đính phải là một bản rất tốt, chuẩn xác, không thể có nhiều lỗi như văn bản ta thấy trong cuốn LĐNK.

Như thế, bản LĐNK mà ta có trong tay phải thuộc thế hệ thứ ba. Đây là bản do Viễn đông Bác cổ Pháp thuê chép mà có.
Viễn đông Bác cổ được thành lập năm 1901 và đến năm 1904 bắt đầu có việc sao chép các thư tịch. Bản LĐNK này chắc là được chép lại vào dịp đó, việc chép còn dang dở. Như vậy bản LĐNK được chép trong khoảng thời gian từ 1904 đến 1907 - khi hết thời Thành Thái. Người chép đã không nghiêm túc tuân theo quy cách thống nhất của người biên soạn, đã lược bỏ đi nhiều chi tiết, nhất là ở khoảng giữa của cuốn lịch. Chỉ sau 32 trang đầu, người chép đã bỏ hẳn niên hiệu và niên thứ nhà Thanh và nhà Nguyễn. Ở giữa cuốn lịch lại có nhiều ngày Tiết khí bị lược bỏ. Đáng tiếc hơn cả là bản chép có quá nhiều sai sót, bắt buộc chúng ta phải bàn đến việc hiệu đính lại.

IV. HIỆU ĐÍNH
Trong Hội nghị Thông báo Hán Nôm năm 2004 tôi đã trình bày những nét căn bản của công việc hiệu đính một cách chặt chẽ qua bài Lập công thức để hiệu đính các cuốn lịch cổ [8] và trong Hội nghị Khoa học kỷ niệm 30 thành lập Viện Công nghệ thông tin ngày 27-28/12/2006 tôi đã cụ thể hóa việc hiệu đính cuốn LĐNK qua bài Vận dụng toán học để hiệu đính cuốn lịch cổ Lịch đại niên kỷ Bách trúng kinh [7]. Như vậy việc hiệu đính đã được làm một cách chắn chắn trên cơ sở những công thức toán học. Nó khẳng định những sai sót đã được phát hiện và hiệu đính một cách định tính nêu trong bài Đọc và hiệu đính cuốn Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh [6] trên Tạp chí Hán Nôm năm 1987 là chấp nhận được. Các kết quả ở [6] được sắp xếp lại cho hệ thống theo các bước hợp lý đã nêu ở [7], nay không liệt kê lại ở đây. Tôi xin tóm gọn một câu là: Đã phát hiện được 76 lỗi, trong số đó sửa được 74 lỗi. Riêng 2 năm là năm Mậu Dần - 1758 và Quý Sửu - 1793 có lỗi quá lớn do chép nhầm lịch lần lượt từ năm Đinh Sửu - 1757 và Canh Tuất - 1790; những trường hợp như vậy thuộc loại sai hệ thống, không thể sửa được.
Vì cũng cần dùng đến hai cuốn lịch kia, nên tôi xin thông báo rằng, tuy chúng được in (và một phần nhỏ được chép tay một cách cẩn thận) nhưng mỗi cuốn vẫn còn 3 lỗi và đều sửa được như đã thực hiện và thông báo qua hai bài báo Vận dụng toán học để hiệu đính cuốn lịch cổ Khâm định vạn niên thư [9] và Vận dụng toán học để hiệu đính cuốn lịch cổ Bách trúng kinh [10].

V. NGHIÊN CỨU SO SÁNH
Ta đem lịch đã hiệu đính trong bản chép tay LĐNK [2] này đối chiếu với 2 cuốn lịch được in kia, cuốn BTK [1] và cuốn VNT [3] và cả với lịch Trung Quốc để đánh giá hiệu quả của việc hiệu đính và rút ra những lịch được dùng ở đương thời, nhất là sự đóng góp của cuốn LĐNK vào kết quả đó. Ta nhận thấy:

1. Phần lịch từ năm 1740 đến năm 1788 của LĐNK là lịch Lê - Trịnh; trừ năm Mậu Dần - 1758 không sửa được vừa nêu trên, còn lại đều trùng với lịch ở BTK.

2. Từ năm 1789 đến năm 1801, LĐNK chép lịch Tây Sơn chỉ thiếu năm Quý Sửu - 1793 do không sửa được. Cuốn BTK dừng ở năm 1786 nên không có lịch để so sánh. Cuốn VNT ghi lịch chúa Nguyễn Đàng Trong khác hẳn lịch Tây Sơn. Như đã viết lịch giai đoạn này ở LĐNK là rất quý vì đó là tiêu bản duy nhất về lịch Tây Sơn.

Năm 1944, do được đọc bản chép tay cuốn Bách trúng kinh - bản này nay đã thất lạc - Học giả Hoàng Xuân Hãn đã nhận định: “Trong khoảng đời Nguyễn Tây Sơn lịch dùng là một thứ lịch gần giống lịch nhà Thanh” (theo Lịch và lịch đời Lê [12]). Nhưng rồi Cụ Hãn không tìm được sử liệu về sự khác nhau giữa lịch Tây Sơn và lịch Thanh, Cụ cũng không tìm ra bằng chứng rằng lịch Tây Sơn theo phép lịch nào. Cả hai điều trên Cụ đã làm đước đối với lịch Lê Trung hưng, như đã nêu trong Lịch và lịch Việt Nam [11]. Với một thái độ thận trọng trong khoa học, năm 1982, Cụ thay đã thay đổi ý kiến một chút cho rằng lịch Tây Sơn là lịch Thanh nhưng dùng chữ “hình như” với nhận định: “Hình như từ triều Quang Trung Bắc triều Tây Sơn theo lịch nhà Thanh”. Tuy vậy, theo cuốn LĐNK [2] này thì quả thật lịch Tây Sơn “gần giống lịch nhà Thanh” như nhận định vào năm 1944 của Cụ. Như vậy, cả hai cuốn lịch chép tay (cuốn Bách trúng kinh mà Cụ Hãn đọc năm 1944 và cuốn LĐNK [2] này) đều cho thấy lịch Tây Sơn có khác lịch Thanh một ít, và khác hẳn lịch Chúa Nguyễn. Tôi đã trình bày điều trăn trở này của Cụ trong Hội nghị khảo cổ học năm 2002 [13].
Đối chiếu với các lịch cùng thời, tôi thấy lịch Tây Sơn này khác nhiều so với lịch của Chúa Nguyễn trong VNT (3 lần về tháng nhuận, 2 lần sóc) khác ít so với lịch Trung quốc (3 lần về ngày sóc).
Tôi cũng đã tìm thấy một vài tư liệu cổ dùng lịch Tây Sơn này, chẳng hạn sắc phong của vua Quang Trung cho Phan Huy Ích, tờ truyền của Triều đình gửi cho La Sơn Phu tử trách về việc dịch sách.

3. Từ năm 1802 đến năm 1812 ở LĐNK khác với lịch trong VNT một chút, nhưng lại rất giống lịch Đại Thống do Học giả Hoàng Xuân Hãn phục tính, công bố trong cuốn Lịch và lịch Việt Nam [11]. Ta tạm để lại, sẽ bàn ở sau.

Lịch từ 1802 đến 1812 có trong 3 cuốn VNT [3], LĐNK [2] và do Học giả Hoàng Xuân Hãn phục tính in trong Lịch và lịch Việt Nam [11].
Lịch giai đoạn này trong VNT mới thực sự là lịch của nhà Nguyễn vì nó được Khâm thiên giám nhà Nguyễn biên soạn theo lệnh vua Minh Mệnh và được khắc in. Tôi lại tìm thấy bằng chứng về Đại Nam thực lục [14] dùng lịch này.
Lịch trong Lịch và lịch Việt Nam không phải là lịch cổ, đó là lịch do GS. Hoàng Xuân Hãn phục tính theo phép Đại Thống. Theo chúng tôi đây là một lịch được soạn chính xác nhất theo phép Đại Thống.
Giai đoạn này lịch trong cuốn LĐNK hoàn toàn giống lịch trong Lịch và lịch Việt Nam, nhưng hơi khác lịch trong VNT. Tôi còn thấy Phan Thúc Trực trong Quốc sử di biên [15] (tr.136) dùng một lịch giống lịch trong cuốn LĐNKBTK này.
Tôi cho rằng, ít nhất cho đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở Bắc Kỳ, còn lưu giữ được một cuốn lịch do Tư thiên giám nhà Lê dự soạn, ở đó có lịch của giai đoạn này. Chính vì thế người soạn bản LĐNK đã dùng nó coi như bản gốc 3; và khi ra Bắc, Phan Thúc Trực cũng dùng nó để soạn Quốc sử di biên [15].

4. Từ năm 1813 - Quý Mùi đến năm đến Mậu Thân - 1848, gồm 36 năm có lịch trong LĐNK và VNT, chúng hoàn toàn giống nhau và giống lịch nhà Thanh.

5. Lịch năm Kỷ Dậu - 1849.
Theo Đại Nam thực lục thì lịch năm Kỷ Dậu - 1849 được ban bố vào cuối năm Mậu Thân khác với lịch Trung Quốc (phương án 1). Đầu năm nhà vua bắt tính lại, thấy sai, ra lệnh cho sửa, rồi ban bố lịch mới giống lịch Trung Quốc (phương án 2). Ta thấy LĐNK ghi theo phương án 1, VNT ghi theo phương án 2. Cả 2 phương án này đều có tính pháp định, đều được coi là đúng.

6. Giai đoạn cuối từ năm Canh Tuất - 1850 đến năm Quý Mùi - 1883, gồm 34 năm.
Theo tôi lịch trong VNT ở giai đoạn này là lịch dự soạn cho các năm sau, nên chỉ có tính khoa học, chưa có tính pháp định và tính lịch sử. Lịch trong LĐNK hội đủ 3 tính chất khoa học, pháp định và lịch sử. Giai đoạn này nhà Nguyễn dùng phép lịch Thời Hiến của nhà Thanh, lịch chép trong LĐNK là đúng và hoàn toàn giống lịch Trung Quốc. Lịch trong VNT chỉ khác lịch trong LĐNK có 3 lần vào các năm Bính Thìn - 1856, Bính Dần - 1866, Kỷ Tị - 1869.

VI. KẾT LUẬN
Tóm lại sau hiệu đính, lịch trong LĐNK hoàn toàn đúng và dùng được. Đặc biệt lịch Tây Sơn, từ 1789 đến 1801 trong LĐNK là độc nhất và lịch Nguyễn từ 1813 đến 1883 là lịch được dùng ở đương thời hội đủ 3 tính chất khoa học, pháp định và lịch sử.
Các lịch này đã được tôi công bố chi tiết trong cuốn Đối chiếu lịch Dương với lịch Âm-Dương của Việt Nam và Trung Quốc 2030 năm (0001-2030) - Solar Calendar Comparison with Vietnamese and Chinese Lunisolar calendar 2030 years (0001-2030) -越南和中國 2030 年(0001-2030) 陽曆與農曆對照. Nxb. Giáo dục, H. 2007 [16].

TÀI LIỆU DẪN
[1] Bách trúng kinh. Ký hiệu A.2873, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
[2] Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh. Ký hiệu A.1237. Thư viện Hán Nôm thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
[3] Khâm định vạn niên thư. Ký hiệu R2200, Thư viện Quốc gia.
[4] Lê Thành Lân: Về văn bản cuốn Bách trúng kinh. Tạp chí Hán Nôm. Số 2 (31)-1997, tr.23-27.
[5] Lê Thành Lân: Về văn bản cuốn Khâm định vạn niên thư. Trong Thông báo Hán Nôm học năm 1996, Nxb. KHXH, 1997, tr.161-164.
[6] Lê Thành Lân: Đọc và hiệu đính cuốn Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh, Tạp chí Hán Nôm Số 2 (3)-1987, tr.40-48.
[7] Lê Thành Lân: Vận dụng toán học để hiệu đính cuốn lịch cổ Lịch đại niên kỷ Bách trúng kinh. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học kỷ niệm 30 thành lập Viện CNTT 27-28/12/2006. Nxb. Khoa học và Công nghệ, H. 2007, tr.523-530.
[8] Lê Thành Lân: Lập công thức để hiệu đính các cuốn lịch cổ. Trong sách Thông báo Hán Nôm học năm 2004. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 2005, tr.303-313.
[9] Lê Thành Lân: Vận dụng toán học để hiệu đính cuốn lịch cổ Khâm định vạn niên thư. Đại học Bách khoa: Hội nghị khoa học lần thứ 20. Phân ban Điện. Tuyển tập các báo cáo khoa học, Nxb. Bách khoa, H. 2006, tr.273-278.
[10] Lê Thành Lân: Vận dụng toán học để hiệu đính cuốn lịch cổ Bách trúng kinh. Học viện Kỹ thuật quân sự: Các báo cáo toàn văn Hội nghị khoa học: Một số vấn đề thời sự trong công nghệ thông tin và ứng dụng toán học. ITMath’06. H. 2006, tr.65-72.
[11] Hoàng Xuân Hãn: Lịch và lịch Việt Nam. Phụ trương tập san Khoa học xã hội, Paris 1982.
[12] Hoàng Xuân Hãn: Lịch và lịch đời Lê. Tạp chí Thanh Nghị. Số 52, 53, 54 năm 1944, tr.43-48, 57.
[13] Lê Thành Lân; Trần Ngọc Dũng: Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nói về lịch Tây Sơn. Trong cuốn Những phát hiện mới về khảo cổ năm 2002-2003, tr.780-782.
[14] Quốc sử quán thế kỷ XIX: Đại Nam nhất thống chí. Tập IV, Nxb. KHXH. H. 1971.
[15] Phan Thúc Trực: Quốc sử di biên. Ủy ban dịch thuật PQVK đặc trách văn hóa xuất bản, 1973.
[16] Lê Thành Lân: Đối chiếu lịch Dương với lịch Âm-Dương của Việt Nam và Trung Quốc 2030 năm (0001-2030) - Solar Calendar Comparison with Vietnamese and Chinese Lunisolar calendar 2030 years (0001-2030) - 越南和中國 2030 年(0001-2030) 陽曆與農曆對照. Nxb. Giáo dục, H. 2007. Tam ngữ./.


Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.606-618, Lê Thành Lân



Thanked by 2 Members:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |