Jump to content

Advertisements




Không chốn dung thân

Nguyễn Ngọc Chính Ức Một Đời Người

  • Bạn không thể gửi trả lời cho chủ đề này
No replies to this topic

#1 Lou

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1684 Bài viết:
  • 1784 thanks

Gửi vào 13/07/2015 - 12:40

Không chốn dung thân (1)



Truyện ngắn


Hắn cầm trong tay tờ giấy khổ A4 mang tiêu đề Quyết Định của Bộ tư lệnh Quân khu 7. Phần trên củaQuyết Định có 3 gạch ngang đầu dòng:

- Thực hiện chính sách khoan hồng của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đối với sĩ quan, hạ sĩ quan thuộc chế độ cũ đang học tập ở các trại tập trung.

- Xét tinh thần học tập trong quá trình cải huấn biết ăn năn hối cải và phấn đấu tốt.

- Xét đề nghị của đơn vị trực tiếp quản lý và hội đồng xét duyệt quân khu.

Sau 3 khúc gạch đầu dòng, Quyết Định đưa ra 3 điều:

Điều 1. Cho ____ sinh ___
Cấp ____ số lính ___
Chức ­­___ của chế độ cũ học tập tập trung tại hộp thư 7590 L1T5.

Phải đến trình diện Công an Phường (xã), Quận (Huyện) địa phương nơi cư ngụ. Số ___, khóm ___, Phường ___ , Đà Lạt.

Điều 2.

Khi trở về địa phương hoặc các ngành, đơn vị nhận xử dụng phải chấp hành tốt mọi quy định về luật pháp và sự quản chế của chính quyền cơ sở địa phương hoặc đơn vị nhận xử dụng. Thời gian quản chế Sáu tháng, sau thời gian đó nếu được chính quyền địa phương hoặc cơ quan đơn vị xác nhận là tiến bộ và được chính quyền nơi cư trú đồng ý thì sẽ được chính thức khôi phục quyền công dân.

Điều 3.

Phòng quản huấn, Ban chỉ huy Trại quản huấn trực tiếp quản lý đối tượng và đương sự chiếu quyết định thi hành.

Quyết Định do Thiếu tướng Đào Sơn Tây thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 7 ký ngày 15 tháng 9 năm 1978 và phía bên trái là dòng chữ “Sao y ngày 15/9/1978, Bộ tư lệnh Đoàn Là Ngà, Trung tá Nguyễn Trọng Phu”.

Cuối cùng là đọan Ghi Chú: “Giấy này không có giá trị đi đường. Trong thời gian quản chế việc quy định bao nhiêu ngày trình diện 1 lần do chính quyền địa phương từng xã, phường quy định”.

***

Cầm Quyết Định trong tay, hắn thấy vui-buồn lẫn lộn. Vui vì đã ra trại cải tạo sau gần 3 năm học tập khổ ải nhưng cũng buồn vì không biết tương lai cuộc đời mình sẽ đi về đâu. Vợ con đang ở Sài Gòn, có sổ gia đình của chế độ cũ hẳn hoi, thế mà lại phải đến trình diện công an thành phố Đà Lạt để được xum họp với... bố mẹ. Thôi kệ, hãy cứ về Sài Gòn cái đã.

Sài Gòn năm 1978 đã thay đổi nhiều quá. Đó là sự đổi thay từ con người đến khung cảnh xung quanh. Sài Gòn với hơn ba triệu dân trước 75 nay có lẽ chỉ còn hơn 2 triệu. Một số gia đình ‘ngụy’ đã được chính quyền cách mạng, nửa đe dọa nửa khuyến khích, đi lập nghiệp tại các vùng kinh tế mới nếu không có việc làm ổn định. Có những gia đình từ kinh tế mới không sống nổi nên về lại Sài Gòn, nhà cửa không còn nên tìm chỗ định cư tại những mái hiên, gầm cầu.

Người Sài Gòn giờ chỉ đi dép chứ không còn thấy giày. Thanh niên thì áo bỏ ngoài quần, xuề xòa sao cho giống như những cán bộ cách mạng từ miền Bắc mới vào. Phụ nữ chỉ có áo bà ba, phần lớn được ‘cải tạo’ từ chiếc áo dài ngày xưa. Đổi đời rồi nên những chiếc áo dài tự nhiên phải biến mất. Không còn những móng tay sơn đỏ, không còn giày cao gót, không còn jupe serê và cũng biến mất hẳn những chiếc mini jupe. Phụ nữ ra đường không cần son phấn, làm đẹp cho ai khi chồng của họ vẫn còn tập trung cải tạo, đẹp để làm gì khi cố gắng vất vưởng qua ngày, đoạn tháng.

Buổi sáng ra đường gặp nhiều người mang túi vải để đựng lon Guigoz cơm và lon đồ ăn. Họ là những công nhân nhà máy, lao động phổ thông và cũng có cả cánh chợ trời chuyên chặn khách đi đường với câu quen thuộc: “Có gì bán không anh?”.

Sài Gòn gần như trở thành một thành phố của những người mang túi vải, nếu trong tay có thêm một cái gậy nữa thì người Sài Gòn trở thành... cái bang, đệ tử trung thành của vua ăn mày Hồng Thất Công trong truyện Kim Dung!

Xe Honda ít hẳn đi. Lớp thì ‘trùm mền’ nằm trong nhà vì khó kiếm xăng, lớp thì cán bộ mua để đem ra Bắc. Cũng vì thiếu xăng, một số xe chuyên chở hành khách được cải tạo... chạy bằng than với nồi hơi hừng hực lửa than gắn ở phía đuôi xe. Đề tài ‘tiến-bộ-khoa-học-kỹ-thuật’ này khiến cho xe đang chạy từ 70 đến 90 km mỗi giờ xuống còn khoảng 20 đến 35 km. Bên cạnh đó, xe ‘cải tạo’ còn có tiếng động cơ gầm thét, bỏ lại sau lưng khói bụi và cả những cục than đỏ hồng trên mặt đường. Hành khách mặt mày nhem nhuốc vì bụi than, lại còn phải xuống xe đẩy phụ mỗi khi xe chết máy. Hoạt cảnh hành khách hò nhau đẩy xe chẳng khác nào... hò kéo pháo của bộ đội trên chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954!

Sài Gòn đang thực hiện chủ trương ‘công-tư-hợp-doanh’. Các loại xe đò chạy đường dài đều trở thành thành viên của công ty vận tải hợp doanh do các quan chức nhà nước nắm quyền điều hành. Chủ xe dùng xe của mình để góp vốn vào công ty. Mỗi chiếc xe góp vốn được nhà nước định giá một cách tùy tiện, có khi chỉ bằng 5 hay 10% giá thực tế.

Phần tài sản đóng góp lại được công ty ‘quốc-hữu-hóa’ dưới hình thức mà các thành viên diễn tả bằng một câu thật ý nhị: ‘mua chịu, trả dần, mỗi lần một ít’. Thế cho nên, có chủ xe dù không còn là thành viên công ty, thậm chí đã qua đời, mà công ty vẫn chưa thanh toán hết tiền mua xe. Dù có được thanh toán hết thì số tiền đó cũng chỉ đủ mua một chiếc ‘xô-xích-le’, tiếng lóng để chỉ xe xích lô.

***

Ngày lên Đà Lạt trình diện hắn phải ra bến xe Lê Hồng Phong chầu chực xếp hàng từ 4 giờ sáng nhưng vẫn không mua được vé xe đò. Hôm sau, rút kinh nghiệm nên khôn ra: 3 giờ sáng đã có mặt, lấy một cục gạch để xí chỗ trong khi ngồi ngủ bù giữa trời khuya. May qúa, cuối cùng cũng có được một chỗ trên xe ‘cải tạo’ chạy bằng than để về Đà Lạt. Hắn mỉm cười một mình, chiếc xe ‘cải tạo’ chở anh chàng cũng vừa tốt nghiệp cải tạo để lại vợ con ở Sài Gòn lên Đà Lạt xum họp với bố mẹ. Cuộc đời thật nhiều oái ăm...

Đà Lạt mộng mơ ngày nào giờ thì chẳng có gì để mơ mộng. Người ta chỉ nghĩ đến cái thiết thực nhất: miếng cơm manh áo. Đà Lạt nay thật sự là của người Đà Lạt vì khách du lịch ngày nào đã biến mất. Tất cả mọi người đều lo ‘cơm, áo, gạo, tiền’, thì giờ đâu cho những chuyến du lịch lên ‘xứ lạnh’ Đà Lạt cách ‘xứ nóng’ Sài Gòn có 305 km. Du lịch đã trở thành chuyện xa xỉ trong bối cảnh thiếu ăn.

Đồi Cù thơ mộng ngày nào nay chỉ là bãi thả ngựa, thả bò. Thung lũng Tình yêu không còn là nơi hẹn hò yêu đương. Vườn Bích câu cỏ mọc nhiều hơn hoa. Hồ Than Thở cũng chẳng ai ngó ngàng đến vì người dân Đà Lạt chỉ biết than thở trong nhà, cần gì ra đấy... Sân vườn của các biệt thự sang trọng giờ được cải tiến thành vườn rau của những cán bộ được nhà nước cấp nhà, cấp đất.

Rạp ciné Hòa Bình nay đã đổi tên thành ‘Rạp chiếu bóng 3-4’ để kỷ niệm ngày thành phố Đà Lạt đổi đời: 3-4-1975. Trên tháp cao của rạp hát mang dòng chữ: “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Muôn năm”. Trường Lycée Yersin đã âm thầm đổi tên. Trường Trần Hưng Đạo (Bảo Long) xưa kia chỉ dành cho nam sinh, Bùi Thị Xuân (Phương Mai) cho nữ sinh, giờ thì trộn lẫn, âm dương đuề huề.

Cà phê Tùng, có mặt tại Đà Lạt từ hơn nửa thế kỷ, vẫn còn đó nhưng không còn mang âm hưởng tiếng nhạc êm dịu như ngày nào, thay vào đó là những bản nhạc ‘đỏ’ hừng hực không khí chiến tranh ‘hào hùng’ của cuộc chiến đã qua. Người ta có thể nghe lọai nhạc-tình-đỏ như “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm...”.

Cà phê Tùng và ‘Bastos xanh’ một thời đã gắn bó với cuộc đời học sinh rồi sinh viên của hắn. Dạo đó, bên cạnh nhạc cổ điển và nhạc trữ tình Việt Nam, cứ hàng tuần vào ngày Thứ Năm chú Tùng cho nghe nhạc Pháp qua giọng của Francoise Hardy, Sylvie Vartan... Hắn và lũ bạn thích ngồi Tùng một phần vì khoái được ngắm các cô Bùi Thị Xuân trên đường dẫn vào khu Hòa Bình. Buổi tối, nếu may mắn còn bàn ngoài balcon thì thật thú vị, trong cái lạnh se sắt của Đà Lạt được ngồi ngắm thành phố chìm trong màn sương...

Về Đà Lạt trình diện hắn phải ăm bám theo bố mẹ vì không có tên trong sổ hộ khẩu nên không đủ tiêu chuẩn lương thực. Tiêu chuẩn gạo, trên lý thuyết, mỗi người mỗi tháng được mua 13kg gạo ‘mậu dịch’ do cửa hàng lương thực phường bán ra theo ‘sổ gạo’ cấp theo đầu người. ‘Sổ gạo’ đã đi vào ngôn ngữ hàng ngày. Người ta thường ví von: ‘Mặt trông rầu như mất... sổ gạo’.

Trên thực tế chỉ mua được từ 3 đến tối đa 5kg gạo, phần còn lại được quy đổi sang các lọai lương thực phụ như hạt bo bo cứng như đá, bột mì Liên Xô viện trợ, mì sợi vụn, khoai lang sùng, khoai mì chạy chỉ...

Ai sinh ra cái củ mì?
Hỏi: Để làm gì? Đáp: Để mà ăn!
Nước nhà mãi mãi khó khăn
Dân mình mãi mãi phải ăn củ mì

Gạo hẩm thì ướp đủ thứ mùi: từ mùi mốc cho đến mùi... c*t gián, lại thường trộn lẫn với thóc, bông cỏ và những hạt sạn, có hạt to bằng hột bắp. Người ta bảo đó là lọai gạo được chôn dấu từ bưng biền để nuôi bộ đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nay đã thắng Mỹ nên đem ra cung cấp cho dân!

Chỉ tiêu mỗi tháng một hộ có thể mua 2kg thịt, thường được chia làm hai hay ba đợt. Tiếng là ‘mua’ nhưng thực tế là ‘xin’ vì người ta tranh nhau, có gì mua nấy. Tiếng là thịt nhưng chỉ tòan bạc nhạc, mỡ vụn, xương xẩu. Có người tự hỏi, thế còn những phần ngon biến đâu hết? Xin thưa cứ ra chợ trời, tìm gì cũng có.

Cán bộ mậu dịch thường tuồn hàng ra ngoài thị trường tự do với giá cắt cổ để hưởng chênh lệch. Không ít người trong số họ chỉ sau vài năm phục vụ trong ngành thương nghiệp đã trở thành ‘tư-sản-đỏ’. Để vào được ngành này, họ phải hối lộ cấp trên, chạy chức, chạy quyền. Đến một lúc nào đó, người ta bỗng thấy xã hội biến thành hai cực rõ ràng: kẻ thống trị và người bị trị.

Cuộc sống mới đã manh nha mầm mống tiêu cực, điển hình nhất là những phong bì hối lộ:

Phong lan, phong chức, phong bì
Trong ba thứ ấy, thứ gì quý hơn?
Phong lan ngắm mãi cũng buồn
Phong chức thì phải cúi luồn vào ra
Chỉ còn cái phong thứ ba
Mở ra thơm nức, cả nhà cùng vui

Ngay tại các cơ quan nhà nước cũng chỉ đủ thịt cung cấp theo tiêu chuẩn cho khoảng 2/3 số công nhân viên chức. Cũng vì thế phải tổ chức bắt thăm xem ai... trúng thịt. Nhân viên phụ trách ‘tiếp phẩm’ là người chỉ chịu đứng sau Ban lãnh đạo cơ quan về mặt quyền lực. Họ có thể cân thiếu nhưng chẳng ai dám lên tiếng trong cái xã hội được mỉa mai là “mua như cướp, bán như cho”. Những ngày lãnh thịt, cả khu tập thể công nhân nhà máy vui như Tết nhưng cũng có những gia đình buồn như đi đưa đám chỉ vì không được trúng thăm lãnh thịt.

Công nhân viên chức còn được hưởng tiêu chuẩn cấp phát: từ chất đốt (than, củi, dầu lửa), vải vóc đến xà phòng, bột ngọt, kim chỉ theo chế độ tem phiếu. Có gia đình liên tục mấy tháng chỉ toàn lĩnh vải của các cơ sở sản xuất quốc doanh mà chẳng thấy bóng dáng xà phòng. Có nhà toàn nữ nhưng lại được lĩnh tiêu chuẩn quần đùi, áo may-ô và dao cạo râu. Có người đã làm thơ ‘lảy’ Kiều:

Bắt phanh trần phải phanh trần
Cho may-ô mới được phần may-ô

Thiếu tiền mặt, cơ quan thường trả lương bằng sản phẩm. Thường thì làm ở cơ quan nào thì được hưởng lương theo sản phẩm của cơ quan đó: sản xuất cao su thì được lĩnh cao su. Không hiểu nếu cơ quan làm ra... bao cao su thì nhân viên dùng sao cho hết ông đại sứ “Cabốt Lốt”. Tiền lương của công nhân được thể hiện qua 4 câu thơ, đọc lên thật thấm thía:

Lương chồng, lương vợ, lương con
Đi ba buổi chợ chỉ còn... lương tâm
Lương tâm đem chặt ra hầm
Với rau muống luộc khen thầm là ngon

***

Con chim bị ná nên đậu cành nào cũng ngơm ngớp lo sợ. Hắn lên tới Đà Lạt, việc đầu tiên là vội vàng đến trình diện công an phường cho hợp pháp. Anh công an phường nói giọng miền Nam, chắc hẳn là ‘du kích đổi đời’ hay không biết chừng lại là “Ông-Ba- Mươi”.

Thanh niên miền Nam có một số đang từ ‘xanh’ bỗng hóa ‘đỏ’. Ngày 30/4 họ xuất hiện với chiếc băng đỏ trên tay với nhiệm vụ, không biết ai giao, điều khiển giao thông, giữ gìn an ninh trật tự. Về sau, chính quyền sàng lọc số thanh niên băng đỏ này để ‘bồi dưỡng’ trở thành... cán bộ cách mạng tại chỗ. Và dĩ nhiên, lớp thanh niên này còn ‘đỏ’ hơn cả những bôn-sê-vích thứ thiệt.

- Trước đây anh làm gì?
- Tôi dạy học ở Trường sinh ngữ quân đội Sài Gòn.
- Bây giờ phải gọi là thành phố H-C-M – Anh công an ‘sửa lưng’ hắn – Dạy học mà cũng lên tới cấp Trung úy hả.
- Trong quân đội cứ đủ ngày đủ tháng là lên lon thôi.
- Anh đã có gia đình chưa?
- Một vợ bốn con, tất cả đều sống tại Sài Gòn.

Anh công an nhíu mày, có thể vì thấy đã hơn một lần sửa lưng hai chữ Sài Gòn mà đương sự vẫn chưa thuộc bài.
- Vợ con ở thành phố H-C-M sao lại về Đà Lạt với bố mẹ?

Câu hỏi như cởi mở tấm lòng, hắn vội vàng lên tiếng:
- Tôi cũng không hiểu tại sao trong Quyết định lại nói về Đà Lạt.

Sau vài giây suy nghĩ, anh công an giải quyết vấn đề một cách nhậm lẹ:
- Đà Lạt không nhận anh vì anh có gia đình ở thành phố H-C-M.

Hắn thấy đã được gãi đúng chỗ ngứa nên cầm Quyết định... rút lui có trật tự. Bỏ lại sau lưng thành phố Đà Lạt với đầy ắp kỷ niệm thời niên thiếu, hắn lại khăn gói trở về Sài Gòn. Hắn bỗng thấy mình trở thành một kẻ lưu lạc trên chính đất nước Việt Nam. Hắn nhận ra rằng mình chỉ là kẻ đứng bên lề xã hội mới: không hộ khẩu, không quyền công dân và trước mắt là không quyền hưởng chế độ lương thực hàng ngày chứ nói chi đến những nhu yếu phẩm...

Một lần nữa lại lên cửa quan. Về Sài Gòn, hắn trình diện công an phường nơi vợ con đăng ký hộ khẩu. Công an phường không giải quyết, bảo phải lên Công an Quận, nơi này lại đá trái banh lên Công an Thành phố. Tại đây, họ bảo Quyết định cho về Đà Lạt thì cứ về, nếu như trên ấy không nhận thì phải có lý do bằng văn bản.

Trong vòng một tuần lễ, hắn lại mò về Đà Lạt lần thứ hai. Bầu không khí tại trụ sở công an phường trong buổi làm việc lần thứ hai có vẻ cởi mở hơn sau khi hắn đã ‘biết khôn’: sai em gái mang cây thuốc ba số 5 đến nhà công an bằng cửa sau. Hắn trình bày với anh công an phường:

- Tôi đã về Sài Gòn, à quên, thành phố H-C-M. Họ bảo nếu Đà Lạt không nhận thì phải giải thích lý do bằng văn bản...

Anh cán bộ trẻ bỗng dưng sốt sắng:
- Được, tôi ghi ngay trên Quyết định của anh.

Thế là mặt sau của Quyết định ghi thêm: “Quyết định cho anh... về Đà Lạt với bố mẹ là không hợp lý vì đương sự có vợ con đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố H-C-M”. Bên dưới là chữ ký và con dấu đỏ chót của công an Đà Lạt.

Giã từ Đà Lạt lần này hắn mang tâm trạng của một kẻ phải rời xa quê hương nơi có cha mẹ và anh em sinh sống. Không biết đến bao giờ mới được gặp lại. Thời buổi kinh tế khó khăn, việc đi lại tốn kém, nhiêu khê, kẻ ra đi luôn mang ý nghĩ ‘một đi không trở lại’.

Giã từ mái trường Trần Hưng Đạo nơi có bao kỷ niệm của thời học trò. Ngày xưa, thằng MTT, bạn cùng lớp với hắn, bỗng dưng trở thành người nổi tiếng cả nước qua truyện Vòng tay học trò của NTH. Nó và cô giáo H. yêu nhau và kết qủa là họ có một đứa con ra đời khi ông-bố-trẻ vẫn còn mài đũng quần ở trường trung học! Vòng tay học trò là tiểu thuyết mà cách mạng đánh giá thuộc loại “văn chương đồi trụy dưới thời Mỹ-Ngụy”.

TCP, bạn học cùng lớp, người Việt gốc Chàm ở Ninh Thuận, trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng vào thập niên 60-70 với những bản nhạc tình ướt át. Ngày còn đi học, P. và hắn tham gia ban nhạc trường Trần Hưng Đạo, chính vào thời điểm này những bài Bây giờ tháng mấy, Mùa thu mây ngàn của P. được ban nhạc trường lăng xê trong một đại nhạc hội bằng giọng hát của chính tác gỉa. Rồi đài phát thanh Đà Lạt ghi âm, phổ biến bài hát trên sóng. Đến khi P. về Sài Gòn phút chốc bỗng nổi tiếng khắp miền Nam. Có lần gặp lại P. ở Sài Gòn hắn hỏi kháy: Bây giờ mấy tháng rồi hỡi em?

Tất cả chỉ còn là kỷ niệm của một thời đi học. Giờ thì xin giã biệt thành phố mộng mơ, giã biệt những buổi chiều lang thang tìm hái hoa dại với người yêu học trò trong Vallée d’Amour, giã biệt những đêm không ngủ, phóng xe máy Puch chỉ để... đếm cột đèn quanh hồ Xuân Hương...

Giã từ căn nhà nơi hắn trải qua thời thơ ấu. Căn nhà nằm trên con đường Lê Thái Tổ, sau này đổi là Hùng Vương. Đà Lạt có con đường Trần Hưng Đạo nổi tiếng với những biệt thự đẹp nhất thành phố. Điểm nối tiếp giữa Trần Hưng Đạo và Lê Thái Tổ là ‘Xóm Bà Thái’, phát âm nghe như ‘Summer time’, là chốn ăn chơi do chị em ta kinh doanh nghề không vốn. Đối diện với xóm ăn chơi là gara sửa xe hơi mang tên Mẹc-ti-nét.

Đi hết con dốc Lê Thái Tổ sẽ gặp một ngã ba, một đường dẫn đến Trại Mát và một đường xuống Trại Hầm nổi tiếng với trái mận Đà Lạt. Ai đó cũng khéo đặt những cái tên tương phản giữa Trại Mát và Trại Hầm!

Từ căn nhà trên đường Lê Thái Tổ có thể nhìn thấy những chuyến xe lửa từ Đà Lạt đi Tháp Chàm vào khoảng 7 giờ sáng, đến 4 giờ chiều lại có chuyến về từ phía bên kia thung lũng. Chiều chiều hắn và bọn trẻ ngưng mọi cuộc chơi để vẫy tay chào mừng khách đi tàu lên Đà Lạt. Đôi khi cũng có những cái vẫy tay đáp lại từ phía bên kia nhưng xa quá nên chẳng thấy mặt người. Một kỷ niệm khó quên của thời thơ ấu...



Không chốn dung thân (2)



Truyện ngắn


(Tiếp theo)

Hắn thất vọng vô cùng khi rời trụ sở công an thành phố H-C-M. Lúc này trên mặt sau của tờ Quyết định đã có thêm ý kiến: “Không giải quyết cho đương sự được đăng ký hộ khẩu với vợ con vì thành phố H-C-M đang có kế họach giãn dân”.

Cả một tương lại u ám hiện lên trước mắt. Không hộ khẩu đồng nghĩa với một cuộc sống bất hợp pháp và có thể bị bắt bất cứ lúc nào, nhất là vào thời gian ‘cao điểm’ như Quốc khánh 2/9, sinh nhật Bác Hồ 19/5 và một lô những ngày kỷ niệm như Cách mạng tháng tám, Chiến thắng Điện Biên Phủ... Đó là thời điểm chính quyền tăng cường kiểm tra hộ khẩu vào ban đêm, truy lùng những phần tử chống đối cách mạng nhằm bảo vệ an ninh cho những ngày lễ lớn.

Hắn thuộc lọai ở ‘lậu’ trong gia đình vợ con vì ngay cả giấy tờ tạm trú cũng không có. Nhiều lúc hắn tự đánh giá mình còn thua xa đám xì ke ma túy, đĩ điếm đang lộng hành trong xóm. Tuy thuộc thành phần bất hảo nhưng họ vẫn có quyền công dân, vẫn có hộ khẩu, vẫn có sổ gạo, chỉ có hắn là ‘không-mảnh-giấy-lận-lưng’. Hắn không phải là công dân, dù chỉ là phó-thường-dân hạng bét trong cái xã hội đổi đời này.

Tuy nhiên, khát vọng ‘được-sống-bình-thường’ lúc nào cũng nung nấu trong lòng. Điều phải làm trước mắt là kiếm được một việc làm để xung quanh không dòm ngó. Cuối cùng, qua giới thiệu của bạn bè, hắm tìm được chân ‘lao động phổ thông’ trong một tổ hợp xây dựng. Đã ‘tốt nghiệp cải tạo’ nên hắn rất thấm nhuần tư tưởng ‘lao động là vinh quang, lang thang là chết đói và... phản động là vô tù’.

Lao động phổ thông’ là một danh xưng rất kêu nhưng thực chất chỉ là chân sai vặt. Ngay đến cả anh phụ hồ cũng có quyền sai: lấy cái ki, xúc đống xà bần đi, chuyển đống gạch này ra đằng kia... Mấy hôm đầu đi làm lao động phổ thông hắn bị quần tơi tả, làm bù đầu, toát mồ hôi mà vẫn không hết việc. Cũng may, xếp của toán ‘lao động phổ thông’ trước đây là lính không quân, đi học tập tại chỗ có 3 ngày, nên khi biết hắn là sĩ quan cải tạo ‘mới-ra-trường’ nên ưu ái dành cho ‘trung úy’ một công việc cố định: đập gạch.

Những viên gạch bông lót nền nhà cũ được đào lên và công việc của hắn là dùng búa đập nhỏ để sử dụng thay cho đá dăm khi đổ bê-tông. “Cái khó nó không bó cái khôn’, bằng chứng là người ta sáng tạo gạch vụn thay đá dăm. Giữa tình hình khó khăn, người ta thậm chí còn sáng tạo cách đổ ‘bê-tông cốt tre’ thay cho ‘bê-tông cốt thép’...

Công trường xây dựng hắn làm việc ở ngay góc đường Nguyễn Du-Thủ Khoa Huân, đó là một tòa nhà 8 tầng thuộc Công ty Thép miền Nam. Sau này, mỗi khi đi ngang, ngước nhìn tòa nhà sừng sững hắn vẫn tự hào là người trét mát-tít toàn bộ cửa kính tòa nhà sau khi công trình không còn cần đến gạch để đổ bê-tông! Người lao động phổ thông cũng có những tự hào riêng của họ.

Một bà chị họ thấy em út làm lao động phổ thông vất vả quá nên đề nghị hắn vào chợ Bình Tây trông hàng cho bà. Cuộc đời hắn lại bước sang một ngã rẽ bất ngờ khác. Giờ thì được lên chức ‘anh trông hàng’ sau khi từ gĩa chân sai vặt tại công trình xây dựng.

Chợ Bình Tây được một người Hoa – Quách Đàm – xây dựng vào năm 1928. Quách Đàm xuất thân nghèo khổ, làm nghề mua bán ve chai, sau đó đổi sang các nghề mua bán da trâu, vi cá và bong bóng cá. Khi đã có chút vốn, Quách Đàm bước vào nghề mua bán lúa gạo và trở nên giàu có với hãng buôn Thông Hiệp.

Giữa nhà lồng chợ Bình Tây có vườn hoa phun nước và Quách Đàm cho đặt một bức tượng của mình bằng đồng với kích thước như người thật, xung quanh có 4 con sư tử cũng bằng đồng. Sau 30/4, bức tượng bị ‘hạ bệ’ và thay vào đó là một bàn thờ bằng kính để bạn hàng thắp nhang cầu ‘mua may, bán đắt’.

Chợ Bình Tây là đầu mối xuất hàng từ Chợ Lớn đi các tỉnh miền Tây. Việc mua bán giữa các bạn hàng chủ yếu dựa trên chữ tín, chẳng cần hoá đơn phức tạp, không cần chữ ký rườm rà mà chỉ là cuốn sổ để ghi hàng nhận và giao. Khách hàng ở tận miền Trung hay miền Tây chỉ cần gởi giấy yêu cầu cho một người quen mang tới là hàng hóa giao đến tận nơi. Ngược lại, đối với các chủ sạp, việc quan hệ với nhà phân phối cũng diễn ra dưới hình thức ‘gối đầu’ hoặc ký gởi hàng để hưởng hoa hồng.

Hàng ngày chợ nhộn nhịp mua bán, hàng được đóng thành những gói nhỏ để dễ tẩu tán khi qua các trạm kiểm soát. Tất cả những lọai hàng không qua tay ngành thương nghiệp đều được coi là hàng lậu. Chính vì thế, hầu như chủ hàng trên đường di chuyển đều được xếp vào lọai ‘con phe’, một từ mới chỉ dân buôn lậu. Công an, thuế vụ, quản lý thị trường có thể kiểm tra túi, thúng, bao, sọt của bất kỳ người nào khả nghi và bất kỳ ở đâu. Ở nhiều nơi, chỉ một đọan đường vài cây số các địa phương có thể đặt gần chục trạm kiểm soát hàng hóa. Sau này, nhà nước phải nhìn nhận hiện tượng ‘ngăn sông, cấm chợ’ là một trong những chính sách sai lầm của chính quyền cách mạng.

Để đối phó với những trạm kiểm soát, dân buôn cũng sáng tạo ra 1001 cách qua mặt. Buôn nhỏ thì mặc quần 2 lớp để đựng gạo đem từ miền Tây về Sài Gòn. Buôn thịt thì đắp thịt heo quanh người, thậm chí còn giả làm đàn bà chửa, để vượt trạm. ‘Mánh’ độc đáo nhất là một con heo sau khi làm thịt được vận chuyển bằng cách giả làm người ngồi hai chân dạng sang hai bên, áo mưa trùm kín và trên đầu đội thêm cái nón để qua trạm kiểm soát...

Từ ngày lên chợ Bình Tây trông hàng cho bà chị họ, cuộc sống của hắn và gia đình có vẻ khá hơn trước. Bữa cơm trưa tại chợ có phần ‘chất lượng’ hơn, chiều về bà chị còn san sẻ ít thịt để “thím nó và các cháu thêm chút bồi dưỡng”. Tuy nhiên, hắn vẫn cảm thấy có gì không ổn trong tiến trình đổi đời từ một giảng viên rớt xuống anh trông hàng mgoài chợ... Dù cuộc sống ở chợ có phần dễ thở hơn nhưng hắn muốn tự lập, tự thân làm một việc gì đó bằng chính sức lực của mình chứ không thể suốt ngày dơ ‘bộ-mặt-mốc’ đứng trông hàng.

Trong thời gian ngồi chợ Bình Tây, hắn làm quen với một cơ sở làm bếp lò dầu hôi trong Chợ Lớn, vốn là bạn hàng cung cấp sản phẩm cho cửa hàng của bà chị. Ông chủ là người Hoa, vui tính và rất thông cảm với người đi cải tạo về. Sản phẩm của ‘xì thẩu’ là họng lò dầu hôi, hình tròn có khoảng 12 tim nối bình chứa dầu hôi với miệng lò. Ngoài ra còn có những linh kiện như ống lon úp ngược lên miệng lò và một chụp lò có đục lỗ thông hơi giúp ngọn lửa lên thẳng miệng lò. Dầu lửa là một nhu yếu phẩm thuộc nhón chất đốt do nhà nước bán theo tiêu chuẩn nên lò dầu hôi khá phổ biến với các bà nội trợ vì sạch sẽ và tiện lợi hơn lò dùng than hay củi.

Thời thế tạo anh hùng, dù chỉ là ‘anh hùng’ trong việc bỏ mối họng lò dầu hôi. Với chiếc xe đạp mini mượn của một bà cô, hằng ngày hắn rong ruổi đạp xe đến các chợ để bỏ mối họng lò. Hắn lên một lộ trình thật ‘khoa học’ để sao cho các mối hàng được ghé mỗi tuần. Gần như mọi chợ ở Sài Gòn đều có vết chân hắn: mới đầu là các chợ nhỏ như chợ Ông Tạ, chợ Lăng Cha Cả, chợ Phú Nhuận, chợ Thiếc, chợ Hòa Hưng, chợ Gò Vấp, chợ Quang Trung, chợ Xóm Chiếu, chợ Đa Kao, chợ Thái Bình, chợ Bàn Cờ, chợ Thị Nghè rồi lan rộng đến các chợ có tầm vóc hơn như chợ Bà Chiểu, chợ Tân Định, chợ Bến Thành.

Hằng ngày, nắng cũng như mưa, hắn rong ruổi trên chiếc xe đạp mini đến khắp các chợ. Trên ghi đông và yên sau xe treo lủng lẳng họng lò, ống bơ, chụp lò để ‘tiếp thị’ các bạn hàng. Những lần tiếp xúc đầu tiên các bà chủ xạp có phần ngạc nhiên khi anh chàng ‘thầy chẳng ra thầy, thợ chẳng ra thợ’ đến bắt mối. Giải thích với các bà chủ xạp là ít vốn nên hắn chỉ ‘mua đứt, bán đọan’ chứ không thể ‘gối đầu’, các bà cũng thông cảm, hơn nữa không phải mất công vào tận Chợ Lớn lấy hàng.

Sáng sớm hắn đi xe buýt đến nhà bà cô gần chợ Thái Bình mượn xe đạp rồi đạp thẳng vào Chợ Lớn lấy hàng. Từ đó hắn tỏa đi khắp các chợ theo một lộ trình đã sắp xếp trước. Chiều về bà cô trả xe, đi bộ ra chợ Bến Thành rồi từ đó đón xe buýt Lăng Cha Cả về đến nhà. Cứ thế, cuộc đổi đời diễn ra một cách trầm lặng.

***

Cuối thập niên 70 người Sài Gòn âm thầm vượt biên. Bạn bè chừng một tuần không thấy mặt là người ta nghĩ ngay đến những chuyến vượt biển. Gặp lại người quen với cái đầu trọc lóc ta nghĩ ngay đến chuyện ra khơi nhưng không gặp may mắn nên bị cạo đầu ngồi tù. Cửa nhà bỗng nhiên khóa im ỉm sẽ được suy diễn là cả gia đình đã ra ra đi.

Cơn sốt bỏ nước ra đi diễn ra ngày càng tăng nhiệt kéo theo phong trào học tiếng Anh lén lút. Gia đình khá giả thì mời thầy đến tận nhà kèm riêng hoặc một nhóm góp chung tiền mời thầy đến để luyện tiếng Anh. Cái nghề giảng viên Anh ngữ của hắn tưởng chừng như đã hết đất dung thân nay bỗng nhiên sống lại. Thế là một cuộc ‘đổi đời’ lại bắt đầu: đang từ anh bỏ mối lò dầu hôi nhảy lên làm thầy.

Năm 1971, hắn được đào tạo giảng viên Anh ngữ tận bên Hoa Kỳ, sau đó lại được Trường Sinh ngữ Quân đội gửi đi tu nghiệp một lần nữa năm 1974. Với trình độ tiếng Anh và kinh nghiệm giảng dậy, anh bán lò trở thành một người thầy đáng tin cậy của những người ôm mộng vượt biên.

Tài liệu giảng dạy vào thời điểm đó chỉ dựa vào các bộ sách English for Today, English 900American Streamline. Cái khó là thầy phải sáng tạo một số giáo trình đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người học: làm sao giao tiếp được với người bản xứ, nghĩa là chú trọng đến phần đàm thoại, không câu nệ văn phạm, văn viết hoặc đọc.

Hắn đã từng mất rất nhiều học trò, ra đi vội vã không kịp từ giã thầy. Chẳng biết họ có đến được đảo hay bỏ mình giữa biển khơi. Người Sài Gòn thường nói “nếu con đi thoát thì con nuôi má nhưng nếu con chết thì... con nuôi cá”.

Học trò ra đi nhiều, chỉ mỗi ông thầy là ở lại vì... thiếu ‘cây’ để lên tầu. Người Sài Gòn khi đó có thói quen gọi 1 lượng vàng là ‘cây’. Hắn lo phải chạy ăn từng bữa cũng đã thấy bở hơi tai thì ‘cây’ đâu để tính chuyện vượt biên? Nhưng có lẽ ‘thánh nhân đãi kẻ khù khờ’ nên có một gia đình học trò người Hoa khá giả, đăng ký cho hắn một xuất ‘vượt-biên-bán-chính-thức’. Điều kiện khá dễ dãi: ‘đi trước, trả sau’! Có lẽ họ cũng tin tưởng vào trình độ Anh văn của thầy giáo sẽ hỗ trợ gia đình họ trong những bước đầu...

Sài Gòn rầm rì bàn tán về chính sách ‘vượt-biên-bán-chính-thức’ của nhà nước dành cho các ‘xì thẩu’ Hoa kiều. Đơn giản vì họ là những người giàu nhất nước, tha hồ mà thu hàng đống ‘cây’ vàng. Người ta còn đồn họ vượt biên bán chính thức bằng cả tàu sắt nhưng lại cũng có tin nhiều chuyến đi đã bị lừa.

Sau một đêm suy nghĩ, đắn đo, hắn quyết định phải chụp lấy cơ hội để thoát. Không đất dung thân cho hắn ở nơi này. Không hộ khẩu, không việc làm ổn định, không tương lai nếu cứ tiếp tục cuộc sống bên lề xã hội. Ra đi cũng đồng nghĩa là đương đầu với những bất trắc nhưng ít ra cũng còn một chút ánh sáng nơi cuối đường hầm với hy vọng cứu được vợ con. Ở lại là tiếp tục mò mẫm trong một đường hầm tăm tối, hoàn toàn không có lối ra.

Chiếc tàu chở hắn vượt biên ‘bán chính thức’ đón khách ngay tại chân cầu Cát Lái thuộc địa phận Thủ Đức. Người ta lên tàu vào buổi chiều, có cả một số thân nhân đưa tiễn. Tàu bằng gỗ, chỉ dài hơn 10m, khoang bên dưới đàn ông ngồi bó gối, xếp lớp như cá mòi, phía trên là trẻ em và phụ nữ. Dù mang tiếng là đi ‘bán chính thức’ nhưng mọi người vẫn căng thẳng trước những bất trắc của cuộc hành trình hứa hẹn nhiều sóng gió.

***

Sóng gió đâu chưa thấy mà chỉ nghe tiếng súng AK đồng loạt nổi lên cả ở hai bên bờ. Lực lượng vũ trang quận Thủ Đức lên tàu, ra lệnh cho tài công lái tàu về... bến Bạch Đằng. Tại đây có hai chiếc Molotova chờ sẵn để đưa những người vượt biên về thẳng... khám lớn Chí Hòa. Thủ tục nhập trại giam tiến hành một cách nhanh chóng: phụ nữ và trẻ em được thả ngay còn đàn ông sau khi khai báo họ, tên, địa chỉ được đưa vào 2 phòng giam thuộc khu AH trong lò ‘bát quái’ Chí Hòa.


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Không ảnh khám Chí Hòa

Có nhà văn đã từng viết: đối với người tù Sài Gòn, khám Chí Hòa được ví như trường đại học Harvard của Mỹ, Eton của Anh và Sorbonne của Pháp. Có lẽ ông nhà văn muốn ám chỉ ‘bất đáo Chí Hòa phi hảo hán’?

Nếu ở Mỹ có Ngũ Giác Đài, còn gọi là Lầu Năm Góc, thì ở Việt Nam có Chí Hòa là một công trình xây dựng hình bát giác khép kín với một tầng trệt và 3 tầng lầu. Mỗi cạnh của hình bát giác là một ô, được đánh số từ A đến H. Toàn bộ nhà tù được chia thành 6 khu, trong đó khu ED là tù chính trị, AH dành cho tù vượt biên và các khu còn lại dành cho tù hình sự, trong khu FG còn có cả các phòng tù nữ.

Trên một khu đất rộng khoảng 7 hécta, hơn 200 phòng giam đều hướng về tâm hình bát giác, nơi có một tháp nước với lỗ châu mai hướng về các phòng giam với 4 loa phóng thanh và trên đỉnh là một cột cờ. Tháp mước mang hình tượng một thanh gươm lớn yểm âm dương, càn khôn, vũ trụ. Thanh gươm cắm mũi xuống đất nhắc nhở một khi đã lọt vào vòng bát quái rất khó tìm được lối ra.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Thanh gươm "yểm" lò bát quái

Chí Hòa là vùng đất ‘linh thiêng’ vẫn thường xảy ra sấm sét mỗi khi giông bão. Có đến ngàn lẻ một huyền thoại về khám Chí Hòa, điển hình như ‘con-ma-vú-dài’ thỉnh thỏang vẫn chọc phá tù nhân. Tại đây còn lưu lại máy chém có từ thời Pháp thuộc được chuyển từ khám Catinat sang và do Đội Phước phụ trách. Người cuối cùng chết dưới máy chém này là Ba Cụt, tức Lê Quang Vinh, tướng Hòa Hảo, dưới thời Ngô Đình Diệm.

Có những đêm khuya thanh vắng hắn giật mình tỉnh giấc vì tiếng hét lanh lảnh của phạm nhân: “Báo cáo cán bộ, phòng... có người cần cấp cứu!”. Hai chữ ‘cấp cứu’ dội lại trong lò bát quái nghe như tiếng gọi của tử thần từ một nơi xa xăm nào đó.

Có những đêm giã từ Chí Hòa của những phạm nhân vừa ra tòa nhận án để lên đường đến các trại cải tạo lao động. Họ tổ chức đêm ‘nhạc sống’ từ phòng giam. Họ hát từ nhạc vàng đến vọng cổ, từ blue đến rock để các bạn tù ở phòng khác cùng thưởng thức. Họ bất cần vì đã nhận án và sẽ sớm gĩa từ Chí Hòa. Xen lẫn với giọng nam có cả những giọng nữ cũng tham gia văn nghệ ‘live show’ bỏ túi...

Cuộc sống tại Chí Hòa khác hẳn với sinh hoạt ở trại cải tạo. Ở Chí Hòa chỉ quanh quẩn với 3 bức tường và 1 hàng chấn song sắt. Ngày hai bữa cơm, tuần được phép xuống sân tắm rửa, giặt giũ một lần trong vòng 20 phút. Ở trại cải tạo, dù cũng mang tiếng là ở tù, nhưng không gian rộng rãi hơn để sinh họat. Quan trọng hơn cả, Chí Hòa gom đủ thành phần xã hội phức tạp trong khi cải tạo chỉ chung một thành phần sĩ quan ‘ngụy’.

Tiếng là khu tù vượt biên nhưng trong phòng cũng xen lẫn một số tù hình sự chưa kết án. Đám thiểu số này lại nổi bật giữ đám tù vượt biên, nắm trọn quyền ‘sinh sát’, chúng giữ từ chức Trưởng phòng, Phó phòng đến Trật tự viên, Thư ký, Tổ trưởng. Trong phòng luôn xảy ra chuyện ‘đi-chợ-đêm’, nhất là sau những ngày thăm nuôi. Thủ phạm thường là những tay hình sự, không thăm nuôi. Bọn chúng ra tay vào ban đêm khi những người tù ngủ say, chúng lục giỏ cói để tìm thức ăn khô và thường thanh toán ‘chiến lợi phẩn’ ngay tại chỗ để phi tang.

Người nằm bên cạnh ‘khổ chủ’ dù có thấy nhưng vẫn phải làm ngơ vì sợ trả thù. Hình thức trả thù kinh sợ nhất là màn ‘hỏa tốc’: đốt bao nylon cho chảy thành nhựa rồi quăng vào nạn nhân. Nhựa nylon nóng hổi bám chắc vào da thịt với âm thanh xèo xèo nghe rợn tóc gáy. Nhựa nylon cũng còn được tận dụng trong việc chế tác những vật dụng giải trí như đổ quân cờ domino và cờ tướng. Trong phòng hắn có một cao thủ, cựu đại úy không quân ‘ngụy’, chuyên đánh ‘cờ mù’, nằm vắt tay lên trán trong khi những tù khác quây quần quanh bàn cờ, ‘bề-hội-đồng’ mà vẫn không sao thắng nổi kẻ nằm thảnh thơi không nhìn bàn cờ!

Ghẻ là căn bệnh phổ biến nhất ở Chí Hòa. Thoạt đầu chỉ xuất hiện một cách nhẹ nhàng, thấy ngứa giữa những kẽ tay, sau đó hình thành những mụn nước rồi mụn mủ sưng tấy và ngứa ngáy khắp thân thể, nhất là vào ban đêm. Cái ghẻ lây từ người này sang người khác trong điều kiện tắm giặt hạn chế và vệ sinh thiếu thốn nên trong phòng lúc nào cũng có mùi tanh tanh khó chịu. Tuy nhiên, gãi ghẻ cũng có cái thú-đau-thương của nó.

Khởi đầu là ‘bản đàn’ du dương, rần rần vì... ‘gãi-đúng-chỗ-ngứa’. Khi cơn sướng đạt đỉnh điểm, ngón đàn mang lại sự đau đớn, tê rát lúc mụn ghẻ tóe máu. Sự nhức nhối biến thành một cực hình, nhất là vào ban đêm. Đó là thời gian lý tưởng nhất để những con cái ghẻ đục khoét dưới da và mò sâu vào thịt.

Hắn và những người ‘đồng hội đồng thuyền’ sống chung với ghẻ đúng 9 tháng, tương đương với 3 lệnh tạm giam, mà không hề trải qua một cuộc ‘chấp pháp’ tức thẩm vấn điều tra. Tất cả đều khai trong lần làm thủ tục vào Chí Hòa là họ ra đi ‘bán-chính-thức’ sau khi đã đóng ‘nghĩa vụ’ với nhà nước.

Ngày ra khỏi lò bát quái, những người đi cùng chuyến tàu được tập họp điểm danh rồi được dẫn ra đến cửa khám, hoàn toàn không một mảnh giấy lận lưng. Hắn lại tiếp tục sống bên lề xã hội. Không chốn dung thân!

Thanked by 1 Member:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |