Jump to content

Advertisements




VỀ VIỆC BIÊN SOẠN CUỐN LỊCH 2000 NĂM CỦA VIỆT NAM

LÊ THÀNH LÂN

  • Bạn không thể gửi trả lời cho chủ đề này
No replies to this topic

#1 maphuong

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 691 Bài viết:
  • 1242 thanks

Gửi vào 02/12/2016 - 11:15

Sưu tập các bài viết liên quan về lịch của ông Lê Thành Lân vào trang nhà cho dễ ngâm cứu !

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

VỀ VIỆC BIÊN SOẠN CUỐN LỊCH
2000 NĂM CỦA VIỆT NAM

LÊ THÀNH LÂN


Trong nhiều năm, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu trên nhiều phương diện để đi đến biên soạn một cuốn lịch 2000 năm cùng với niên biểu của Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu đã và sẽ được công bố dần, nhằm tranh thủ ý kiến giới nghiên cứu, với hy vọng rằng khi viết thành sách, sẽ bớt được các thiếu sót. Trong bài này, chúng tôi hệ thống hóa lại và thông báo các kết quả nghiên cứu đó.

Việc nghiên cứu sâu về lịch pháp, về các loại lịch vĩnh cửu, về cách trình bày và tích niên lịch, về lịch sử lịch, nhất là lịch sử lịch Việt Nam có một tầm quan trọng đặc biệt. Trước hết, bản thân lịch vừa là một sản phẩm văn hóa, vừa là một sản phẩm khoa học sớm được sáng tạo trong lịch sử và được cải tiến, hoàn chỉnh không ngừng. Trong một chừng mực nào đó, lịch phản ánh một vũ trụ quan, phản ánh trình độ khoa học, nhất là thiên văn, địa lý, y học, sinh học và nông nghiệp của một dân tộc, của một nền Văn hóa. Nó được làm ra do nhu cầu của cuộc sống, sinh hoạt Văn hóa (lễ tiết), lao động, sản xuất (nuôi, trồng) của mỗi vùng dân cư. Mặt khác, lịch còn là một phương tiện của các nhà sử học để ghi chép, nghiên cứu lịch sử, bởi vì xét cho cùng, mỗi sự kiện lịch sử đều xảy ra tại một không gian, một thời gian xác định. Một khía cạnh rất quan trọng được đặt ra là: Từ xa xưa, Việt Nam có một lịch riêng hay không ? Diện mạo của lịch đó ra sao? Câu trả lời đã là khẳng định hay mới chỉ là giả định?

Từ thời Trần, có lẽ Trần Nguyên Đán đã có những khảo cứu sâu sắc về lịch trong cuốn Bách thế thông kỷ(1), đáng tiếc cuốn sách này đã thất truyền. Ở thời Lê mạt, trong Vân đài loại ngữ(2), Lê Quý Đôn cũng bàn qua về Lịch pháp.

Gần đây, năm 1982, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã viết chuyên khảoLịch và lịch Việt Nam(3), tổng kết những kết quả nghiên cứu nhiều năm của giáo sư, bắt đầu từ những năm đầu thập kỷ bốn mươi. Đây là một tác phẩm rất cơ bản về lịch sử của lịch và lịch pháp vừa mang tính lý luận sâu sắc vừa có nhiều chỉ dẫn cụ thể. Cuốn sách này đã khêu gợi và là chỗ dựa chính cho công việc nghiên cứu của chúng tôi. Theo hướng đó, chúng tôi đã thu được nhiều kết quả khả quan.

Để có một hiểu biết chắc chắn về lịch, chúng tôi đã phải tìm hiểu một cách khái quát về thiên văn học, về quan niệm và cách nhìn của người xưa cả ở phương Đông lẫn phương Tây về bầu trời sao, về hệ mặt trời, về nông nghiệp, y học và sinh học(4)(5). Nhờ đó, chúng tôi đã phân loại và nhận thấy ở Việt Nam từng dùng 7 loại lịch khác nhau:

1. Dương lịch (lịch mới-lịch Gregorien).
2. Âm lịch thuần túy (điều này là có thể).
3. Âm - dương lịch mà ta thường gọi một cách đơn giản là "Âm lịch".
4. Lịch tiết khí (thực chất là một loại lịch mặt trời)(6).
5. Tuần lễ với chu kỳ 7 ngày.
6. "Lịch sao" - năm, tháng, ngày có chu kỳ 28 gọi theo 28 chòm sao trên hoàng đới (Nhị thập bát tú)(7).
7. Lịch can chi - năm, tháng, ngày, giờ gọi theo 10 can và 12 chi với chu kỳ 60(8).

Về các loại lịch đó cho đến nay vẫn còn những điều thú vị và bổ ích cần được trình bày một cách cặn kẽ và hệ thống. Bởi vì đến như âm lịch là loại lịch thông dụng ở Việt Nam mà trong một cuốn Tự điển mới xuất bản gần đây còn có định nghĩa thiếu chính xác về nó(9).

Như đã nêu trên, việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam có một ý nghĩa lớn. Cư dân Lạc Việt, với nền kinh tế lúa nước, chắc chắn đã sớm quan tâm và có một giải pháp riêng về lịch pháp góp phần vào Văn hóa chung giao lưu trong khu vực(10). Người Việt thường có một nét riêng trong việc làm và dùng lịch. Hệ thống 12 con vật biểu tượng của 12 chi ở Việt Nam có khác với các nước khác trong khu vực, chẳng hạn trong khi các nước khác coi Mão là thỏ thì Việt Nam coi là Mèo. Trong số 24 khí, trừ 8 ngày phân mùa, còn 16 ngày, thì có đến 14 ngày được gọi tên theo hiện tượng thiên văn, khí hậu, thời vụ ở Việt Nam, chẳng hạn thay vì Tiểu tuyết (tuyết nhỏ) và đại tuyết (tuyết lớn) ta gọi là hanh heo và khô úa, đúng với thời tiết ở ta(11).

Năm 1944, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã nêu ra ý kiến là: Lịch triều Lê khác lịch triều Thanh, đến năm 1982 giáo sư đã phục tính lịch triều Lê(12). Năm 1986, do được đọc cuốn Bách trúng kinh(13) (do Học viện Viễn đông Bác cổ Hà Nội sưu tầm được và để lại) chúng tôi khẳng định rằng đây là cuốn lịch triều Lê, khác hẳn lịch Trung Quốc(14); đến năm 1987, chúng tôi hoàn thành việc khảo cứu cuốn lịch này và nghiên cứu so sánh mà dẫn ra 73 lần lịch Việt Nam khác lịch Trung Quốc trong vòng 162 năm, từ năm 1624 đến năm 1785(15). Cuốn Bách trúng kinh trở thành một di sản văn hóa quý của dân tộc, vì đến nay nó là cuốn lịch duy nhất có giá trị về văn bản học (2 phần 3 số trang ở đầu cuốn lịch được in bằng mộc bản) mà ta có trong tay để khẳng định lịch Việt Nam khác lịch Trung Quốc. Cuốn lịch này không phải là cuốnBách trúng kinh mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn thấy ở Hà Nội năm 1944. Ông viết đó là "một sách viết cũ" một tư liệu lịch tính mang tênBách trúng kinh chép sóc nhuận cho những năm từ 1624 đến 1799".

Hệ quả tất nhiên là một vài bản dịch các cuốn cổ sử có ghi chú thêm ngày tháng dương lịch căn cứ theo lịch Trung Quốc đã phạm sai sót, chẳng hạn như cuốn Đại Việt sử ký toàn thư - Phần tiếp, tập 1. Bản kỷ tục biên(16) mà chúng tôi đã đính chính lại(17), cũng như cuốn Lịch triều tạp kỷ(18) mà chúng tôi đã đính chính. Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy thời điểm xảy ra một vài sự kiện lịch sử có tầm quan trọng trước đây vẫn hiểu lầm hoặc không lý giải được thì nay đã xác định được, như trận giải phóng Thuận Hóa của nghĩa quân Tây Sơn(19), ngày mất của vua Quang Trung(20) ngày mất của Ngô Thì Nhậm(21).

Như vậy, việc giám định cuốn Bách trúng kinh đã giải quyết được một bước cơ bản lịch thời Lê - Trịnh, còn lịch các thời Lý, Trần, Tây Sơn và Nguyễn, mỗi thời có một cái khó riêng, nhất là lịch Lý, Trần, ta chưa tìm thấy cuốn lịch nào của thời đó. Chúng ta còn có trong tay cuốn Lịch đại niên kỷ Bách trúng kinh(22) (cũng do Học viện Viễn đông Bác cổ sưu tầm được và để lại) ghi lịch từ năm 1740 đến năm 1883, gồm lịch cuối Lê, lịch Tây Sơn và lịch đầu Nguyễn, nhưng đáng tiếc cuốn lịch này ít giá trị về mặt văn bản học: nó được chép bằng tay và có nhiều lỗi. Chúng tôi đã vận dụng lý thuyết mà sửa sai, phân tích các thông tin nội tại để phát hiện những chỗ sai sót và đính chính lại(23). Kết quả chúng tôi đã đính chính được 74 lỗi. Riêng 2 năm Mậu Dần (1758) và Quý Sửu (1793) ghi chép quá lung tung (lỗi quá lớn) không thể sửa lại được. Sau khi sửa, đoạn đầu từ năm 1740 đến năm 1785 hoàn toàn trùng với cuốn Bách trúng kinh, đoạn sau từ 1812 đến năm 1883 - là đoạn lịch Nguyễn mà theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có thể trùng với lịch Trung Quốc - chỉ có một ngày sóc khác với Trung Quốc. Kết quả so sánh hai giai đoạn trên càng củng cố thêm niềm tin của chúng ta vào phương pháp hiệu đính lịch theo lý thuyết mà sửa sai mà chúng tôi đã vận dụng. Kết quả này thêm một chỗ dựa nữa để khảo cứu tiếp lịch triều Tây Sơn và lịch triều Nguyễn.

Một vấn đề có liên quan chặt chẽ đến lịch và niên biểu: các cuốn niên biểu đã được ấn hành có những nhược điểm sai sót nhất định. Theo chúng tôi(24), trong một niên biểu, giữa các bảng, giữa các cột trong một bảng cần có sự nhất quán về hình thức; trong hoàn cảnh của Việt Nam - các thời độc lập và các thời ngoại thuộc xen kẽ nhau - cần có hai cột riêng gặp nhau: một cột ghi các sự kiện của Việt Nam (các triều vua, các cuộc khởi nghĩa, các phong trào...) và một cột ghi các triều đại thống trị ngoại bang(25). Về nội dung, cặp danh từ chính triều và đồng triều nói về quy mô của vùng đất cai quản cần thay thế cho cặp danh từ chính triều và nhuận triều (ngụy triều) vẫn thường dùng trong các niên biểu. Cũng vì vậy mà niên biểu của nhà Mạc cần được sắp xếp như các triều đại khác, không thể chép thành thế phả như chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Đi sâu vào từng triều đại còn có những vấn đề cần được thảo luận thêm: Trịnh Cối phải được đưa vào thế phả họ Trịnh, Nguyễn Phúc Dương phải được đưa vào thế phả họ Nguyễn, trong thực tế không có các niên hiệu Dục Đức, Hiệp Hòa; năm sinh và năm lên ngôi của Mạc Mậu Hợp cần xác định lại... Chúng tôi mong có dịp nào đấy bàn kỹ từng vấn đề trên, nhất là làm lại thế phả họ Trịnh và họ Nguyễn.

Nhân việc nghiên cứu niên biểu triều Tiền Lý, bên cạnh việc xác định ngày mất của Lý Nam Đế, chúng tôi đoán định rằng quê hương của Lý Nam Đế là vùng thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội ngày nay(26). Có lẽ chúng tôi vẫn còn phải tiếp tục tranh luận với các trường phái khác cho rằng quê Lý Nam Đế ở tỉnh Thái Bình, đặc biệt là trường phái mới lên tiếng cho rằng quê ông ở Hà Bắc mà đại diện là Đinh Văn Nhật và Minh Tú(27).

Kết quả nghiên cứu lịch sử của chúng tôi không chỉ nằm trong địa hạt của khoa học xã hội mà còn trong Y học cổ truyền: đó là các bảng lịch và các bảng tìm huyệt theo thời châm. Một phần các kết quả này đã được công bố(28-30), và đang được công bố tiếp(31).

Trên đây là các kết quả thuộc về nội dung của cuốn lịch. Dưới đây, chúng tôi bàn tiếp về hình thức - một vấn đề quan trọng hàng đầu. Trần Viên (Trung Quốc) cần 1000 trang để in lịch 2000 năm(32). Tiết Trọng Tam và An Dương Đi (Trung Quốc) cần 400 trang, nhờ có một kỹ thuật in cao(33). Nguyễn Trọng Bính (Việt Nam) đã rút gọn phần lịch trong 260 trang, nhưng đáng tiếc là quy tắc soạn thiếu nhất quán, khó tra cứu, gần như không sử dụng được, hơn nữa có quá nhiều lỗi, chẳng hạn trang kép 306 - 307 có 11 lỗi(34).

Chúng tôi đã thu gọn lại, triển vọng chỉ cần 100 trang cho 2000 năm, bao gồm 4 loại lịch: dương lịch, âm lịch (Việt Nam và Trung Quốc), can chi và tuần lễ. Phương án mà chúng tôi đưa ra từ năm 1984(35) và gần đây chúng tôi có cải tiến cho dễ dùng hơn(36) đã ứng dụng những thành quả mới của toán học. Chúng tôi coi tờ lịch là một "cơ sở dữ liệu", cần phải nén thông tin lại, dùng một số lượng tối thiểu các tín hiệu, bố trí cho gọn gàng, dễ tra cứu. Mấu chốt của giải pháp này là ghi lại các ngày của các lịch khác nhưng lại coi đó là "ngày không" của tháng dương lịch về sau, khi dùng lịch chỉ cần làm một phép cộng hay một phép trừ nhẩm.
Hai là xác lập công thức đến tính đổi giữa các loại lịch khác nhau(37).
Ba là lập chương trình cho máy tính theo các công thức đó để in ra các trang lịch. Sau đó chuyển kết quả máy tính sang chế bản in La-de, không cần qua khâu xếp chữ. Bằng máy tính điện tử EC - 2022 đặt tại trường Đại học Bách khoa - Hà Nội, chỉ cần 10 phút là tính toán và in xong lịch 2000 năm(38). Hiện nay, chúng tôi dự định sẽ dùng máy vi tính để cho hình thức của tờ lịch in ra được gọn và đẹp hơn. Bằng phương pháp của chúng tôi, dễ dàng đưa thêm vào các lịch của Trung Quốc (thế kỷ thứ III có 3 lịch: Ngụy, Thục, Ngô), Lịch Hồi (âm lịch thuần túy ), "lịch sao" (nhị thập bát tú), ngày Julien. Được như vậy thì cuộn lịch sẽ vượt xa ra ngoài khuôn khổ lịch Việt Nam.

Đầu năm 1989, vận dụng toán đồ đồng dư tham khảo ở cuốn Số học giải trí bằng tiếng Pháp(39), chúng tôi đã làm ra đồ hình lịch can chi vĩnh cửu(40), đồ hình "lịch sao" vĩnh cửu(41) cũng như bảng xác định huyệt thời châm theo Linh quy bát pháp(42). Gần đây, do nhận thấy bảng tra tuần lễ theo 4 thông số nêu trong cuốn Lịch sử và niên đại học bằng tiếng Nga cũng là một cách vận dụng lý thuyết toán học đồng dư, chúng tôi lại chuyển các toán đồ trên thành dạng bảng tra 4 thông số. Bảng xác định huyệt chúng tôi đã gửi cho Tạp chí Y học dân tộc cổ truyền(43). Bảng lịch can chi và "lịch sao" tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục công bố.

Hy vọng vào một dịp khác, chúng tôi sẽ trình bày một cách hệ thống cơ sở toán học cũng như các thủ thuật vận dụng lý thuyết toán đồng dư vào các trường hợp cụ thể để có được kết quả trên.
Như vậy là những tờ lịch này được làm ra trên một cơ sở toán học rất chặt chẽ, nên kết quả rất hiển nhiên, rõ ràng, hệ thống, thông tin được cô đọng ở mức độ cao, gọn gàng, dễ tra cứu. Chúng đều có dạng bảng tĩnh (gọn, dễ dùng, khó sai lệch), khác với nhiều loại lịch vĩnh cửu có dạng động của cơ cấu quay hay kéo.
Trên đây, chúng tôi trình bày hệ thống lại các kết quả nghiên cứu của chúng tôi. Có những kết quả hiện chưa kịp tổng kết, khi nào có điều kiện, chúng tôi sẽ trình bày cặn kẽ hơn.


CHÚ THÍCH

(1) Theo Hồ Nguyên Trừng trong Nam ông mộng lục, Thơ văn Lý - Trần. Tập III, Nxb. KHXH, H. 1978, tr.726.
(2) Lê Quý Đôn: Vân đài loại ngữ, tập I, Nxb. Văn hóa, 1962
(3) Hoàng Xuân Hãn: Lịch và lịch Việt Nam, Tập san Khoa học xã hội, số 9, tháng 2 - 1982, tr.54 -74.
(4) Lê Thành Lân: Bàn về lịch, Tìm hiểu âm lịch nước ta, Nxb. KHKT, 1985, tr.54-74
(5) Lê Thành Lân: Lịch thế giới, lịch Việt Nam. Lịch Văn hóa tổng hợp 1987 - 1990; Viện Văn hóa, 1987, tr.18-23.
(6) Lê Thành Lân: Lịch mặt trời Việt Nam; Almanach Thanh niên,1990, tr.192-197. Xem thêm Lê Thành Lân: Đầu năm, tìm hiểu về lịch mặt trời Việt Nam. Báo Nhân Dân chủ nhật, số 1, 12-2-1990.
(7) Lê Thành Lân: "Lịch sao" và tuần lễ - sự gặp nhau giữa đông và tây; Sách lịch Sự thật, 1991, Nxb. Sự thật, 1991.
(8) Lê Thành Lân: Đồ hình lịch can chi vĩnh cửu; Tạp chí Hán Nômsố 1 (6)-1989, tr.78-85.
(9) Nguyễn Lân: Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Nxb. Tp. .. ... ..... Tác giả cho rằng âm lịch được soạn theo chuyển động của mặt trăng xung quanh Trái đất. Viết như vậy chưa được chính xác, vì chu kỳ của nó chỉ là 27,321661 ngày. Đúng ra là âm lịch được soạn theo sự thay đổi pha sáng tối của mặt trăng, với chu kỳ 29,530588 ngày.
(10) Xem chú thích (5)
(11) Xem (6).
(12) Xem chú thích (3)
(13) Bách trúng kinh, bản A.2873 ở kho sách Hán Nôm, Viện Hán Nôm.
(14) Lê Thành Lân: Năm mới, giở cuốn lịch cổ triều Lê; Nhân dân số xuân Bính Dần (1886).
(15) Lê Thành Lân: Lịch thời Lê - Trịnh; Lịch sử quân sự, số 21 (9) 1987, tr.18-31.
(16) Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Bản kỷ tục biên, Nxb. KHXH, H. 1982.
(17) Lê Thành Lân: “Hiệu đính một số ngày tháng có trong bản dịch cuốn Đại Việt sử ký toàn thư”. Phần tiếp, tập I - Bản kỷ tục biên. Tạp chí Hán Nôm, số 1, 1986, tr.75-80.
(18) Ngô Cao Lãng: Lịch triều tạp kỷ, Nxb. KHXH, H. 1975.
(19) Lê Thành Lân: Lịch trình giải phóng Thuận Hóa của nghĩa quân Tây Sơn; Nghiên cứu lịch sử (Bình Trị Thiên - Huế). Số I. 10-1987, tr.40-41. Xem thêm Lê Thành Lân: Những ngày tháng mới xác định lại có liên quan đến triều Tây Sơn; Báo Nhân dân số 12628, ngày 10-2-1989.
(20) Lê Thành Lân: Một vấn đề lịch sử cần xác định lại: Nguyễn Huệ - Quang Trung và ngày mất của ông; Báo Nhân dân số 12116, ngày 13-9-1987.
(21) Lê Thành Lân: Bàn về ngày mất của vua tôi Quang Trung; Lịch sử quân sự, số 28 (4-1988), tr.50-55. Xem thêm Lê Thành Lân: Xem lại lịch nhà Nguyễn và cái chết của Ngô Thì Nhậm; Báo Người Hà Nội, số 8 (141), ngày 24-2-1990.
(22) Lịch đại niên ký Bách trúng kinh bản A.1237, Kho sách Hán Nôm, Viện Hán Nôm.
(23) Lê Thành Lân: Đọc và hiệu đính cuốn Lịch đại niên ký Bách trúng kinh; Tạp chí Hán Nôm, số 2 (3), 1987, tr.40-48.
(24) Lê Thành Lân: Vài ý kiến về biên soạn niên biểu Việt Nam; Nghiên cứu lịch sử, số 6, năm 1986, tr.61-68.
(25) Lê Thành Lân: Các giai đoạn lịch sử Việt Nam; Lịch sách kiến thức phổ thông, 1988, Nxb. KHKT, tr.35-38.
(26) Lê Thành Lân: Quê hương và ngày giỗ của Lý Nam Đế; Lịch sử quân sự, số 35 (11-1988), tr.36-45. Xem thêm Lê Thành Lân và Nguyễn Thị Trường: Quê Lý Nam Đế ở đâu ? Báo Hà Nội mới, Số 7316, ngày 23-10-1988.
(27) Minh Tú: Vùng quê Lý Nam Đế; Hà Nội mới chủ nhật, số 12, ngày 18-6-1989.
(28) Lê Thành Lân: Lịch 14 năm cuối thế kỷ và lịch thời châm; Lịch Văn hóa tổng hợp 1987-1990; Viện Văn hóa, 1987, tr.18-23.
(29) Lê Thành Lân: Lịch thời châm; Lịch sách kiến thức phổ thông1988, Nxb. KHKT, tr.139-141.
(30) Lê Thành Lân và Nguyễn Thị Trường: Lịch can chi thế kỷ và đồ hình thời châm, Sách lịch kiến thức phổ thông 1990, Nxb. KHKT, tr. 253-270.
(31) Lê Thành Lân: Thời châm. Linh quy bát pháp. Bài gửi tạp chí Y học dân tộc cổ truyền.
(32) Trần Viên: Trung Tây Hồi sử nhật lịch, Trung Hoa thư cục xuất bản, 1962.
(33) Tiết Trọng Tam, An Dương Di: Lưỡng thiên niên Trung Tây Lịch đối chiếu kiểu, Bắc Kinh, 1959.
(34) Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Linh, Bùi Viết Nghị: Bảng đối chiếu âm dương lịch 2000 năm và niên biểu lịch sử. Nxb. KHXH, 1976. Xem thêm Lê Thành Lân: Nhìn lại những kết quả bước đầu trong việc nghiên cứu lịch Việt Nam; Thông tin khoa học xã hội, Số 1, 1986.
(35) Lê Thành Lân: Lịch cuối thế kỷ 20; Tuần tin tức, Số 88 + 89, 12-1-1985.
(36) Lê Thành Lân: Lịch 11 năm cuối thế kỷ XX; Sách lịch Sự thật 1990; Nxb. Sự thật, tr.219-225.
(37) Lê Thành Lân: Một vài công thức đổi giữa dương lịch và lịch theo hệ đếm can chi; Lịch Văn hóa tổng hợp 1987-1990, Nxb. Văn hóa, 1988, tr.18-25.
(38) Lê Thành Lân: Vận dụng toán học và máy tính vào việc biên soạn lịch; sắp công bố trên tạp chí Khoa học tính toán và điều khiển.
(39) E.Fourrey: Récréations Arithmétiques, Paris, Librairie, Vuibert, 1933.
(40) Xem (34)
(41) Lê Thành Lân và Trần Xuân Thảo: Đồ hình lịch vĩnh cửu(Dương lịch - Tuần lễ - Lịch sao), Sách lịch Sự thật 1990, Nxb. Sự thật, tr.215-219.
(42) Xem (30)
(43) Xem (31)./.

Nguồn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Thanked by 2 Members:





Similar Topics Collapse

  Chủ Đề Name Viết bởi Thống kê Bài Cuối

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |