Jump to content

Advertisements




VỀ VĂN BẢN CUỐN BÁCH TRÚNG KINH

LÊ THÀNH LÂN

  • Bạn không thể gửi trả lời cho chủ đề này
No replies to this topic

#1 maphuong

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 691 Bài viết:
  • 1242 thanks

Gửi vào 02/12/2016 - 11:22

VỀ VĂN BẢN CUỐN BÁCH TRÚNG KINH

LÊ THÀNH LÂN

Năm 1986, được đọc cuốn Bách trúng kinh(1), chúng tôi liền thông báo sơ bộ về giá trị cuốn lịch này trên báo Nhân dân qua bài Năm mới giở cuốn lịch cổ triều Lê(2) và bắt tay ngay vào việc khảo cứu chi tiết; kết quả được thông báo trong bài Lịch thời Lê- Trịnh(3) đăng trên tạp chíLịch sử quân sự. Gần đây, khi khảo cứu cuốn Khâm định vạn niên thư (4), chúng tôi lại có dịp khảo cứu lại cuốn Bách trúng kinh để bổ khuyết những thiếu sót của lần khảo cứu trước và đưa vào bài Lịch thời Lê trung hưng (5).

Hai lần đó chúng tôi mới chỉ tập trung khai thác giá trị nội dung của cuốn lịch này, chưa có điều kiện để khảo cứu kỹ về văn bản học mà chỉ bàn lướt qua đôi nét chính. Lần này, chúng tôi sẽ bàn kỹ về văn bản học.

1.Các văn bản Bách trúng kinh

Một lần trên báo Nhân dân, Tạ Ngọc Liễn có viết rằng ở Thư viện Viện Hán Nôm có 3 bản Bách trúng kinh. Chúng tôi có đến đó tra cứu thì thấy đúng như vậy.

Bản thứ nhất có tên là Bách trúng kinh(1), có ký hiệu A.2873, đó chính là bản sẽ được nghiên cứu kỹ về văn bản học ở bài viết này. Sách Di sản Hán Nôm Việt Nam Thư mục đề yếu (6, tr. 45) có viết rằng cuốn này có lịch từ năm Giáp Tý Vĩnh Tộ 6 (1621) đến năm ất Tỵ Cảnh Hưng 46 (1785) gồm 165 năm, phần đầu từ trang 1 đến trang 117 in ván, phần sau từ trang 118 đến trang 162 chép tay. Thông báo này có sai chút ít : năm Vĩnh Tộ 6, Giáp Tý là năm 1624 chứ không phải là 1621, vì vậy cuốn lịch chỉ có thể ghi được nhiều nhất là 162 năm.

Bảng đối chiếu âm dương lịch 2000 năm và niên biểu lịch sử có nhắc đến cuốn lịch này (7, tr.17) nhưng thật sự không sử dụng lịch ghi trong đó.

Người soạn cuốn Bảng đối chiếu ... này là Nguyễn Trọng Bỉnh không biết đến, không sử dụng và vì thế không liệt kê cuốn Bách trúng kinhnày vào phần Tài liệu tham khảo ở cuối sách. Bởi vậy Bảng đối chiếu... chỉ in lịch Trung Quốc chứ không in lịch Việt Nam. Khi sách sắp in, Nguyễn Linh viết phần Mở đầu mới viết rằng lịch Khâm thụ của nhà Lê được ghi trong cuốn Bách trúng kinh này, nhưng thực sự ông không đọc, không biết lịch Khâm thụ ở đó khác lịch của Trung Quốc ở chỗ nào, vẫn ghi nhầm rằng cuốn lịch bắt đầu từ năm 1621. Điều quan trọng là, nhận định này không được nói cho Nguyễn Trọng Bỉnh - tác giả chính của cuốn sách - biết. Ông Bỉnh qua đời 2 năm trước khi tác phẩm của mình được ấn hành.

Bản thứ hai cũng có tên là Bách trúng kinh, có ký hiệu là A.2872, nhưng nay đã bị thất lạc (6, tr.45). Chúng tôi đoán rằng, đây chính là bản mà Giáo sư Hoàng Xuân Hãn được đọc tại Hà Nội vào năm 1944. Trong cuốn Lịch và lịch Việt Nam (8), Giáo sư cho biết cuốn Bách trúng kinh đó là bản chép tay, ghi lịch Việt Nam từ năm Lê Thần Tông Vĩnh Tộ thứ 6 (1624) đến năm Tây Sơn Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) và Giáo sư có chép lại bản này. Bản chép lại này sẽ là một tài liệu qúy để góp thêm vào việc khảo cứu lịch Tây Sơn.

Bản thứ ba có tên là Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh(9) mà chúng tôi đã có dịp khảo cứu kỹ trong bài Đọc và hiệu đính cuốn "Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh"(10) và bài Phải chăng đây chính là lịch Tây Sơn ?(11). Cuốn lịch này là một bản chép tay, có nhiều sai sót, chúng tôi phải dùng mã sửa sai để hiệu đính lại; ở đó có lịch cuối Lê, lịch Tây Sơn, lịch nửa đầu nhà Nguyễn, từ năm Canh Thân (1740) đến năm Quý Mùi (1883). Trở xuống ta tập trung khảo cứu bản thứ nhất.

2. Mô tả văn bản

Cuốn Bách trúng kinh này được Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp xưa sưu tầm và hiện được lưu giữ tại Thư viện Viện Hán Nôm với ký hiệu A.2873. Sách có khổ 20 x 12 cm gồm 83 tờ giấy dó.
Tờ đầu là tờ bìa : chính giữa in cột chữ lớn "Bách trúng kinh" bên cạnh là ấu hình bầu dục của thư viện Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp. Trên cùng là hàng chữ "Tích niên thư". Hai bên là 2 cột chữ "Tập bách niên chi chiêm" và "Thùy vạn thế chi pháp". Hai góc trên và phía dưới trang trí cách điệu hoa thị.

Từ tờ thứ 2 cho đến cuối sách là lịch, mỗi trang in hoặc chép lịch 1 năm.
Từ trang 1 đến trang 116 , trừ trang 100 bỏ trống, còn lại in ván lịch của 115 năm, từ năm Giáp Tý (1624) đến năm Mậu Ngọ (1738).
Phần lịch còn lại là chép tay, chữ không đẹp, nhưng đều đặn và chính xác(3).
Từ trang 117 đến 152, chép lịch 36 năm, từ năm Kỷ Mùi (1739) đến năm Giáp Ngọ (1774).
Đến đây bị mất một tờ, đáng lẽ chép lịch các năm ất Mùi (1775) và Bính Thân (1776).
Từ trang 153 đến trang 161, chép lịch chín năm, từ năm Đinh Dậu (1777) đến năm ất Tỵ (1785).

Các trang 162, 163 đã ghi tên năm, chẳng hạn 162 : "Đại Việt Cảnh Hưng tứ thập thất niên tuế thứ Bính Ngọ" ( năm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 47 (1786 ) nhưng chưa chép lịch.
Nội dung mỗi trang lịch :
Cột đầu ghi : Đại Việt, niên hiệu, niên thứ, tuế thứ, nguyệt kiến. Các cột tiếp theo, mỗi cột dành cho 2 tháng, ở đó ghi can chi, nhị thập bát tú, trực tinh của ngày đầu tháng cùng với tính thiếu (tiểu), đủ (đại ) của tháng. Ngoài ra còn ghi ngày âm ứng với 12 ngày tiết khí (Lập xuân, Kinh trập, Thanh minh, Lập hạ, Mang chủng, Tiểu thử, Lập thu, Bạch lộ, Hàn lộ, Lập đông, Đại tuyết, Tiểu hàn). Cột cuối cùng ghi tháng thứ 13 đối với năm nhuận và có lúc ghi niên hiệu Trung Quốc: 1624 : (Minh) Thiên Khải 4, 1628: (Minh) Sùng Trinh 1, 1644: "(Thanh) Thuận Trị 1.

3 . Đoán định về niên đại

Chúng tôi chưa thấy một cuốn sử nào có nhắc đến cuốn sách Bách trúng kinh nên rất khó đoán định chính xác về việc soạn thảo, khắc ván và in ấn.

a/ Về năm in :
Chúng tôi đoán rằng cuốn Bách trúng kinh được in vào khoảng thời gian từ 1739 đến 1745 vì :
Năm 1738 được ghi niên hiệu, niên thứ đầy đủ: Vĩnh Hựu tứ niên, tuế thứ Mậu Ngọ, sách phải được in sau năm này. Chúng tôi thấy trong lời tựa cuốn sách Phượng Dực đăng khoa lục do Văn hội Đinh Danh Bá soạn vào trung tuần tháng 5 năm Bính Dần Cảnh Hưng 7 (1746) đã có nhắc đến cuốn lịch này (12, trang 21), ít nhất nó phải được in một lần trước đó và ban phát ra khá rộng rãi. Chúng tôi nghĩ việc in có thể trước mốc này nhiều, ngay vào năm1739.
Người có cuốn lịch này đã chép lịch các năm sau, có chép từng năm hay vài năm một lần.

b/ Về năm khắc ván.

1/ Ta dễ dàng nhận ra rằng các ván in lịch các năm được khắc vào những thời điểm khác nhau bởi có rất nhiều những dấu hiệu về sự thiếu nhất quán về nội dung cũng như hình thức :
- Việc in niên hiệu các vị vua Trung Quốc chỉ làm có 3 lần, lần đầu ở đầu sách, 2 lần sau vào dịp cải nguyên Sùng Trinh và Thuận Trị; vậy mà đến năm Nhâm Dần (1662) cải nguyên Khang Hy, năm Quý Mão (1723) cải nguyên Ung Chính lại không thấy in theo lệ trên.

- Việc ghi tên lịch vào tờ lịch rất bất thường, chỉ có 2 năm : Giáp Thân (1644) ghi 3 chữ "Khâm thụ lịch", năm Bính Tý (1636) chỉ in một chữ "Khâm".

- Các tháng nhuận được in nửa cột như các tháng thường, riêng có 2 năm Mậu Tuất (1718) và Tân Sửu (1721) lại in chung với tháng cùng tên vào nửa cột.

- Lệ thường các năm đều in 12 ngày tiết khí, riêng 2 năm không theo lệ ấy : Năm Mậu Thân (1728) thay 4 ngày tiết khí cuối bằng 4 ngày trung khí là Sương giáng, Tiểu tuyết, Đông chí và Đại hàn, năm Kỷ Dậu (1729) lại in 2 ngày trung khí Tiểu tuyết, Đông chí.

- Nguyệt kiến là để ghi can chi cho tháng giêng hàng năm, nếu viết đủ thì có 3 chữ, chẳng hạn năm Giáp Tý (1624) là "Kiến Bính Dần". Đối với chữ "Kiến" và chữ "Dần" thì năm nào cũng thế, nhiều năm không khắc in, chẳng hạn từ năm Nhâm Tý (1672) đến năm Tân Sửu (1721). Để cho có đủ can chi, người dùng sau này viết thêm chữ "Dần", không viết chữ "Kiến". Thật ra theo can của năm người ta dễ dàng tính ra nguyệt kiến, nên có những năm họ bỏ hẳn cả 3 chữ, không khắc in, như các năm từ Nhâm Dần (1722) đến năm Bính Ngọ (1726), về sau mới viết can chi vào. Điều đáng quan tâm ở đây là cách khắc ván rất không nhất quán.

- Một điều rất quan trọng là : một cuốn sách chẳng những phải cùng cỡ giấy mà thường là cùng kích cỡ khung in chữ, đằng này khung chữ rất khác nhau, lúc đầu còn tương đối đồng đều, càng về sau càng chệch choạc. Từ năm Giáp Tý (1624) đến năm Đinh Dậu (1717) khung chữ cỡ 18,5 x 10,5. Năm Nhâm Dần (1722) cỡ 18 x 10,5. Năm 1723, 1724 cỡ 18 x 11. Năm 1726 cỡ 18 x 10 ...

- Có nhiều chữ khắc theo dáng này, lúc theo dáng khác, đó cũng là bằng chứng về việc các ván in được khắc vào các thời điểm khác nhau. Chữ thu trong lập thu có một lần được khắc thành 2 chữ : chữ "hòa" và chữ "hỏa" vào năm Mậu Thân (1728). Chữ Dần lúc đầu được in phồn thể, về sau in thành bộ "miên" trên chữ "thiên" từ năm Giáp Thân (1644) trở đi, sau lại về phồn thể từ năm Mậu Tuất (1718). Ở giữa sách từ năm Bính Tuất (1646) đến năm Đinh Dậu (1717) chữ thử được in thành : bên phải bộ "nhật", bên trái chữ "gia". Chữ Đức trong niên hiệu Khánh Đức, Thịnh Đức có khi được in giản thể : bên trái bộ "xích", bên phải là "phiết" và "nhất" trên chữ "lực" ở các năm Kỷ Sửu (1649), Quý Tỵ (1653), Mậu Tuất (1658). Các chữ mang, tuyết, lộcũng thường thay đổi dạng chữ.

2/ Có 2 loại tính niên lịch : một loại chỉ tập hợp lịch các năm đã qua như cuốn Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh, còn loại khác vừa tập hợp lịch các năm đã qua vừa in lịch dự soạn cho các năm về sau như cuốnKhâm định vạn niên thư; cuốn Bách trúng kinh này thuộc loại trên.

Về ván khắc có 2 cách làm :

Cách 1: Các ván được khắc cho một loạt năm đã qua, rồi đem in. Sau nhiều năm khắc ván in tiếp cho các năm vừa qua, gộp với ván khắc trước để đem in lại.
Cách 2: Các ván được khắc vaò cuối năm trước để in lịch ban phát hàng năm. Đến một năm nào đó, khắc ván tờ bìa, gộp các ván lịch đem in một lượt. Trong trường hợp này, đối với các năm có cải nguyên ở giữa năm, như các năm ất Hợi (1635) : Đức Long 7, Dương Hòa 1, hay năm Quý Hợi (1643) : Dương Hòa 9, Phúc Thái 1... thì ngay năm sau hoặc trước khi đem in phải khắc lại ván. Khi nào quên khắc lại thì ván in chỉ có một niên hiệu trước như năm Nhâm Tý (1732) chỉ in Vĩnh Khánh 4, không in Long Đức 1, trong khi năm sau là năm Quý Sửu (1733) in đúng Long Đức 2.

3/ Chúng tôi thiên về ý kiến cho rằng : ván in sách này được khắc theo cả 2 cách trên.

Lúc đầu theo cách 1, lịch của 12 năm đầu, từ Giáp Tý (1624) đến ất Hợi (1635) được khắc ván một lần, ta dễ dàng nhận thấy các trang lịch này nhất quán về hình thức và nội dung. Từ sau đó bắt đầu có sự khác biệt. Năm Bính Tý (1636), khắc tên lịch một chữ "Khâm". Năm Đinh Sửu (1637) không in nguyệt kiến, về sau mới viết thêm vào. Trong khoảng 12 năm này, có 2 năm cải nguyên giữa năm: năm ất Hợi (1635) vừa mới qua, người soạn nhớ nên cho khắc cả 2 niên hiệu, còn năm Kỷ Tỵ (1629) qua đã lâu, người soạn quên nên chỉ cho khắc niên hiệu Long Đức 1, bỏ mất niên hiệu được dùng đầu năm là Vĩnh Tộ 11.

Việc quên không khắc lại ván cho lịch năm Nhâm Tý (1732) đã nêu trên, chứng tỏ về sau dùng luôn ván in đã khắc vào tháng cuối năm trước năm có lịch được in.
Tóm lại những ván cổ nhất có thể có niên đại là năm Bính Tý (1636), về sau các ván được khắc vào tháng trước năm có lịch được in.

4. Kết luận.

Chúng Tôi tạm thời đoán định: đợt đầu tiên khắc ván cho cuốn lịch này có thể là : vào năm 1636, cho lịch của 12 năm, từ 1624 đến 1635 ; những ván được khắc muộn nhất là vào tháng trước của năm có lịch, chẳng hạn cuối năm 1737 khắc ván lịch năm 1738.

Có thể cuốn lịch được in vào một năm rất gần năm 1739, và không muộn hơn năm 1746. Sau đó người đương thời sở hữu cuốn lịch này đã lần lượt chép tiếp lịch các năm cho đến năm 1785, đến đó thì không còn điều kiện để chép tiếp 2 năm cuối đời Cảnh Hưng.

Đây là một cuốn lịch quý nhất về văn bản học, nó đã được khắc, in và chép ngay vào thời Lê trung hưng, có lịch của nhà Lê trung hưng từ năm Giáp Tý (1624) đến năm Kỷ Tỵ (1785), khác hẳn lịch Trung Quốc và cũng khác lịch của chúa Nguyễn Đàng Trong được lưu hành đồng thời.

TÀI LIỆU DẪN

(1) Bách trúng kinh. Bản A.2873. Thư viện Viện Hán Nôm.
(2) Lê Thành Lân. Năm mới giở cuốn lịch cổ triều Lê. Báo Nhân dân.Xuân Bính Dần, 1986.
(3) Lê Thành Lân. Lịch thời Lê - Trịnh. TC. Lịch sử quân sự. Số 21 (9 -1987), tr. 18 - 31.
(4) Khâm định vạn niên thư. Bản R.2200. Thư viện Quốc Gia.
(5) Lê Thành Lân. Lịch thời Lê trung hưng. TC. Huế xưa và nay. Số 14, 1995, tr. 76 - 83.
(6) Trần Nghĩa, F. GRos (chủ biên). Di sản Hán Nôm,Việt Nam thư mục đề yếu. Nxb. KHXH. 1993.
(7) Nguyễn Trọng Bỉnh, Nguyễn Linh, Bùi Viết Nghi. Bảng đối chiếu âm dương lịch 2000 năm và niên biểu lịch sử. Nxb. KHXH.1976.
(8) Hoàng Xuân Hãn. Lịch và lịch Việt Nam. Phụ trương Tập san Khoa học xã hội. Paris, 1982.
(9) Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh. Bản A.1237, Thư viện Viện Hán Nôm.
(10) Lê Thành Lân. Đọc và hiệu đính cuốn "Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh". Tạp chí Hán Nôm. Số 2(3) - 1987, tr. 40 - 48.
(11) Lê Thành Lân. Phải chăng đây đúng là lịch Tây Sơn ? sắp công bố trên TC. Huế xưa và nay.
(12) Nguyễn Tá Nhí (Sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu). Phượng Dực đăng khoa lục Nxb. KHXH., 1995.

Nguồn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Thanked by 3 Members:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |