Jump to content

Advertisements




SƯ MINH TUỆ VÀ PHÁP HÀNH DƯỚI GÓC NHÌN PHẬT GIÁO Nguyễn Thanh Huy*


44 replies to this topic

#1 FM_daubac

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 7008 Bài viết:
  • 5607 thanks

Gửi vào 13/05/2024 - 12:52

MINH TUỆ VÀ PHÁP HÀNH DƯỚI GÓC NHÌN PHẬT GIÁO
Nguyễn Thanh Huy*


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Vài năm trước, tôi có duyên được biết đến sư Minh Tuệ qua kênh Youtube Nhân Gà Vlogs. Hình ảnh sư được quay tại một hang đá ở núi Sạn (Nha Trang) - nơi cũng gần nhà tôi. Qua video, sư không thuyết pháp, cũng không tự nói về bản thân, mà chỉ trả lời, chia sẻ khi được hỏi, một cách rất chân thật về hành trình tu tập của mình. Điều mà tôi quan tâm, chú ý hơn cả là những chia sẻ về việc thực hành, trì giới của sư. Và tôi nhận ra sư Minh Tuệ đọc nhiều, hiểu rõ về kinh Nikaya và hành y theo những lời Đức Phật dạy. Từ đó có nhận định rằng đây là một bậc chân tu.

Đến hôm nay, sư Minh Tuệ được rất nhiều người biết tới (tôi không thích dùng từ “nổi tiếng” đối với một bậc tu hành) và có sức lan toả rộng khắp, vượt ra cả biên giới quốc gia. Và câu chuyện về sư Minh Tuệ trở nên nóng hơn bao giờ hết, khắp mạng xã hội tràn ngập những video và hình ảnh về ông. Theo đó là rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Kính phục, ngưỡng mộ… có; chê bai, miệt thị … có. Muôn nẻo trần ai!

Nhưng may thay! Những người nghĩ tiêu cực về ông vẫn là thiểu số.

Sư Minh Tuệ tu theo pháp khổ hạnh đầu đà. Một số nhìn vào hành trạng và y áo của ông mà phỉ báng, nào là điên khùng, nào là hành xác, thiếu trí tuệ, không theo con đường Trung đạo mà Đức Phật khuyến khích. Nhưng những kẻ phỉ báng ông đâu biết rằng sư Minh Tuệ đang thực hành theo đúng chánh pháp, ông làm theo những lời dạy trong kinh nguyên thuỷ (1), đó là từ bỏ gia đình, sống đời phạm hạnh - một lối sống trong sạch, thanh tịnh, minh triết, buông xả tất cả, thiểu dục tri túc. Người ta nhầm lẫn khổ hạnh đầu đà là cách tu khổ hạnh trong 6 năm đầu của Đức Phật đi cầu đạo. Cái khổ hạnh ấy là ép xác, hành xác khiến cơ thể phải chịu nhiều đau đớn (có nguồn gốc từ Bà-la-môn). Như vậy, khổ hạnh đầu đà nghĩa nào đó là tiền thân của con đường Trung đạo và vẫn gần với nó nhất.

Nhiều người lại cho rằng tu hành quan trọng ở trí tuệ chứ không phải làm khổ cái thân. Nhưng họ nhầm lẫn giữa trí tuệ thế gian với trí tuệ Phật (2). Trí tuệ thế gian là khả năng nhận thức của con người, có từ di truyền và học hành. Trong khi trí tuệ Phật chỉ được khai mở khi người tu phải biết nghiêm trì giới luật. Có giới mới có định, có định mới sinh tuệ. Cho nên Đức Phật nói ở đâu có giới hạnh ở đó có trí tuệ và ngược lại (3).

Thực hành hạnh đầu đà cốt lõi là để chấm dứt mọi phiền não trần cấu. Vì ở pháp hành này giúp hành giả có thể hộ trì các căn, không bị chi phối bởi hoàn cảnh, dần đoạn diệt tham sân si. Đó là lí do vì sao người tu chỉ ăn ngày 1 bữa (giảm cái tham ăn), ngủ ngồi (giảm cái tham ngủ, vì nằm sẽ dễ ngủ say, li bì); mặc 3 y (thực chất là 1 bộ - nhu cầu tối thiểu, giảm sự lệ thuộc, tham ái vào y phục)…

Một số người lại chỉ trích, hạnh đầu đà sao không sống độc cư ở trong rừng mà cứ đi lang thang khắp cả nước làm gì. Thưa rằng, thời nay tìm rừng ở Việt Nam như thời Đức Phật tại thế là không thể. Và sư cũng từng có thời gian ẩn tu trên núi Sạn. Vậy tại sao ông quyết định chọn lựa cách bộ hành đi khắp đất nước? Như ông trả lời, đó là đi “tập học và rèn luyện sức khỏe”. Thực ra, nếu hiểu sâu thì ông đang thực hành đúng chánh pháp Như Lai. Vì đi như vậy là cách để ông chánh niệm thân - thọ - tâm - pháp; vì phải sống trong khổ, biết khổ, chứng nghiệm khổ thì mới hiểu rõ nguyên nhân của khổ, khi đó khổ sẽ tự chấm dứt, chứ không phải mong thoát khổ để được lạc.

Trên bước đường của sư, nếu ông bị cám dỗ bởi vật chất, tiền bạc, sắc đẹp, tức cái tham dục đã khởi lên; hay ông cảm thấy bị phiền toái khi nhiều người vây quanh, quấy nhiễu, tức cái sân đã nổi lên… Do đó, nếu chỉ ẩn tu chưa chắc sẽ chế ngự được tâm khi đứng trước những xúc chạm của thế tục.

Lại nhiều kẻ phê phán rằng: Ông đi như thế có ích lợi gì cho xã hội? Cả xã hội ai cũng đi như ông thì lấy gì có ăn?

Đây là những câu hỏi thiển cận và có tính chất ngụy biện hoặc đề cao quá về bản thân mình.

Thế, hãy tự hỏi mỗi người chúng ta đã làm gì cho xã hội?

Ai cũng có phần đóng góp cho xã hội không nhiều thì ít, và những giá trị con người có thể tạo ra không chỉ được định lượng bằng vật chất, mà còn ở tinh thần.

Lẽ thường, cái mà ta đã làm được, dễ nhìn thấy, là cho bản thân và gia đình. Nhưng cái mà sư Minh Tuệ đã và đang làm cho xã hội lớn lao và rõ nét hơn ta nhiều, đó là:

Sư đã giúp nhiều người thấy được hình ảnh của Phật giáo nguyên thuỷ và bóng dáng tu hành - cuộc đời Đức Phật.

Sư như một tấm gương chiếu yêu có thể làm lộ ra chân tướng của một số “xàm tăng”, “chuyển khoản tăng”, “hiến kế tăng”…

Sư đã khiến nhiều người đang mê lạc tà đạo thức tỉnh trở về với ánh sáng của chánh pháp.

Sư đã khiến nhiều người vẫn giữ được niềm tin vào Phật giáo, và ngay cả những tín đồ tôn giáo khác cũng có cái nhìn thiện cảm và mến mộ đạo Phật.

Sư đã khiến nhiều người tự soi xét lại mình mà giảm bớt tham sân si trong cuộc sống. Thậm chí không ít người còn buông bỏ tất cả mà xuất gia theo bươc chân sư.

Và nghĩa nào đó sư đã khiến cho tình người gần gũi hơn, xã hội hoà ái hơn.

Vậy, nếu cả xã hội mà cứ làm được như sư thì tốt biết bao. Khi đó, tôi tin chắc, xã hội không chỉ có ăn, có mặc mà còn có một đời sống an lạc, hạnh phúc hơn rất nhiều. Nhưng tiếc thay, làm như sư sẽ không được mấy người đâu!

Lại có người thắc mắc rằng sao thầy tu mà xưng “con”, không xưng “thầy” với người khác?

Thứ nhất, ông đã chọn con đường buông xả, không còn ràng buộc việc tu tập ở chùa cũ, cũng như không nhận mình “là sư là thầy ai cả” cốt để khỏi ảnh hưởng đến bất cứ ai và không bị phiền hà về chuyện giấy tờ tu sĩ…

Thứ hai, việc tự xưng “thầy” của các nhà sư với phật tử ngày nay chỉ là thói quen trong giao tiếp. Không có sự ràng buộc nào. Suy cho cùng đó là văn hoá ứng xử tôn ti và qui ước xưng hô trong ngôn ngữ của người Việt, chứ nếu ở tiếng Anh thì cũng chỉ lả I - You, hay tiếng Trung là Wǒ 我 - Nǐ 你mà thôi. Ở một số cao tăng họ vẫn xưng bằng “tôi” hoặc pháp danh khi giảng pháp. Còn sư Minh Tuệ xưng “con” với tất cả đại chúng, hiểu sâu hơn, đó là ông đang thực hành phá chấp ngã, tức ông không quan niệm mình là “thầy”, bỏ qua cái tôi mà khiêm hạ với mọi người. Rõ ràng đây chính là tinh thần vô ngã.

Hiện tại trên bước đường tu, sư đến đâu dân chúng cũng kéo theo hàng trăm đến hàng ngàn người, và trong đó có không ít youtuber, titoker, facebooker… Điều đó khiến nhiều người lo lắng, vì vấn đề an ninh hay sự phiền nhiễu cho việc tu tập của sư.

Theo tôi, chúng ta chớ vội mà trách cứ, chửi bới những người làm các kênh mạng xã hội. Hãy nhìn vào mặt tích cực của họ, vì nếu không có họ thì làm sao tạo ra những hiệu ứng tốt đẹp lan tỏa về một bậc chân tu. Và với thời đại này, cũng cần nhìn nhận rằng việc hoằng dương chánh pháp, phổ độ chúng sinh, chia sẻ những điều tốt đẹp sẽ rất hữu hiệu khi có sự hỗ trợ của truyền thông, và mạng xã hội. Nếu không thì làm sao phật tử ở Việt Nam biết đến những bài giảng của sư Pháp Hòa, hay Tịnh Không và của những bậc cao tăng khác nữa.

Mặt khác, sự tụ tập của họ cũng là một phép thử để sư Minh Tuệ thực hành chế ngự tâm. Khi được nhiều người chú ý, sùng bái, vái lạy, nếu sư khởi lên cái tâm - mình là quan trọng, là trung tâm, là ngôi sao, thì ngay lập tức sư rơi vào ngã chấp, ngã mạn (tâm tham ái, cầu danh); nếu họ vây quanh khiến sư không có thời gian nghỉ ngơi sinh hoạt mà khó chịu, nổi giận, tức tâm sân đã sinh khởi. Cho nên những tình huống này là một phép thử cực đại trên bước đường trì giới và chánh niệm. Theo quan sát, dù đi bộ cực khổ đến đâu nhưng lúc nào trên mặt sư cũng an nhiên và luôn nở nụ cười. Có lẽ, sư đã đạt đến trạng thái tịch tịnh.

Hay nhiều người dân tỏ lòng thương xót cho sư, sì sụp khóc lóc, vì chứng kiến cảnh sư đầu trần chân đất dãi nắng dầm mưa… Sự rung cảm này có thể hiểu được nhưng đó là chúng ta lấy suy nghĩ và đôi mắt của người thế tục. Lựa chọn con đường khổ hạnh ấy khiến sư cảm thấy được lạc thọ nội tâm, và những trở ngại đó mới giúp sư đến gần với giác ngộ.

Lại có người lo cho sư vì những tai hoạ có thể ập đến bởi những thế lực đen tối. Xin cũng đừng lo, khi đã chọn con đường này thì phải là một bậc đại dũng. Chả phải sư từng nói “còn cho con sống thì con tu tiếp” đó sao? Đây là tinh thần vô uý khi sư đã thấu triệt vô thường, vô ngã. Điểu mà ta nên quan tâm là liệu sư có thực sự đã đạt được tâm thái đó hay chưa. Nếu đã đạt thì niết bàn cũng không còn xa nữa. Vậy tất cả nên hoan hỉ.

Tôi đoán, tất nhiên đến một giai đoạn nào đó, có thể là sau khi chứng nghiệm khổ, rèn được thân tâm, sư Minh Tuệ sẽ ẩn tu. Vì để đạt giác ngộ, khi giới hạnh đã đầy đủ, cần phải thiền để nhập định.

Chắc chắn những ảnh hưởng của sư đã khiến cho tiền rơi vào túi một số xàm tăng ít lại, và cứ đà này có khi họ phải bán ô tô, bán đất bớt mà tiêu. Cho nên không lạ gì việc chống phá, hãm hại sư Minh Tuệ đang vào guồng rất mạnh. Họ ban đầu bịa ra chuyện giả tu, và có cả một ê-kíp quay phim dàn dựng. Họ bôi bác tăng y, gọi áo “phân lô bán nền”, hay họ chê cái nồi cơm điện là bình bát không chính thống. Nhưng họ làm sao hiểu được sư đã đạt đến cái tâm phá chấp, sư đâu còn sợ mắc cỡ, hay bị quê với mọi người, và sư cũng có dùng điện thoại hay biết mạng xã hội nói gì đâu. Khi đã chọn đời sống phạm hạnh, sống xả ly, không gia đình, ngủ nghĩa địa thì trở ngại lớn nhất là gia đình, người thân mà sư còn vượt qua thì có sá gì.

Hèn nhất là họ đã chụp mũ cho sư, gắn nhãn tổ chức nước ngoài ph.... đ...., dựng lên một ông sư ăn mày để chống phá Phật giáo Việt Nam và phá hoại đất nước.

Xin thưa rằng Phật giáo Việt Nam bị phá hoại bởi những xàm tăng, ma tăng đang được hậu hậu thuẫn và dung túng. Chính họ đã lợi dụng thuyết nhân quả, luân hồi để xuyên tạc, bịa đặt, và hù doạ cho những người u mê sợ hãi bằng những viễn cảnh ghê rợn ở kiếp sau. Từ đó tiếp tục lợi dụng cúng dường như một phương cách để giải nghiệp báo, cầu phước báu, tăng trưởng công đức… Tiền càng nhiều càng tốt, và “người mà có tâm đạo cúng luôn cả nhà cho chùa… dọn đi chỗ khác ở, cứ ở cái chòi nào đó, ở bình thường thôi”. Tóm lại là cúng dường… cúng dường…

Do đó khi nào các “ma tử ma tôn”* đang trà trộn vào chùa, khoác áo nhà sư mà bị thanh lọc là lúc Phật giáo Việt Nam được chấn hưng.

Tất nhiên, khi tán thán về pháp hành của sư Minh Tuệ thì không đồng nghĩa với việc hạ thấp các pháp tu khác ở những bậc chân tu trên đất nước này. Mỗi người một căn cơ, một hạnh nguyện khác nhau nên không thể ai ai cũng phải giống nhau. Mỗi cá nhân có mặt ở thế gian này là để hoàn thành một “sứ mệnh” của riêng mình.

Nếu tiêu chuẩn của một người tu là giới hạnh thì rõ ràng người hành pháp sẽ cao hơn người hiểu pháp. Và thực hành được hạnh đầu đà là một công hạnh lớn, xưa nay không được mấy ai. Vậy, tán thán, kính ngưỡng giới hạnh là việc nên làm nhưng không nên sùng bái, suy tôn, thánh hoá sư Minh Tuệ ngay lúc này, vì điều đó sẽ khiến rơi vào tà kiến, ngoại đạo, đi ngược lại với tinh thần Phật giáo.

Để thấy rõ được ý nghĩa của việc tu hạnh đầu đà, xin dẫn lại lời Đức Phật khi tán thán hạnh tu của ngài Ca-diếp:

“Lành thay! Lành thay, Ca-diếp! Thầy có nhiều lợi ích, độ người vô lượng, rộng đến tất cả Trời, Người đều được độ. Vì sao? Ca-diếp! Nếu hạnh đầu đà này được ở đời thì pháp của Ta cũng sẽ được lâu dài ở đời. Nếu có pháp ở đời, thì thiên đạo tăng thêm, ba đường ác liền giảm. Cũng vậy, thánh Tu-đà-hoàn, Tu-đà-hàm, A-na-hàm, đạo Tam thừa đều còn ở đời. Này các Tỳ-kheo, hãy học như Ca-diếp tu tập.

Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học điều này.” (4)
_____________
Chú thích:
(1) Trong Kinh Sa-môn quả, Kinh Chủng đức
(2) Còn gọi là trí tuệ Bát nhã
(3) Trong Kinh Chủng đức
(4) Trong Kinh Tăng nhất A-hàm, (tập I)
___________
Nha Trang, 10/05/2024
Nguyễn Thanh Huy
Email: thanhhuy1979@gmail.com
__________________________________________________

Chú thích của Ban Biên Tập:
(*) Hiện là Giảng viên khoa Ngôn ngữ học trường Đại Học Khánh Hòa

Xem thêm video clip (Giảng bởi HT. Thích Chân Tính):







.

Nguồn:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


.


#2 FM_daubac

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 7008 Bài viết:
  • 5607 thanks

Gửi vào 13/05/2024 - 13:11

Tu Theo Hạnh Đầu Đà Hay Nhập Thế Độ Sanh?

12/05/202406:14(Xem: 1651)

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Tu Theo Hạnh Đầu Đà
Hay Nhập Thế Độ Sanh?



Thời gian gần đây hiện tượng sư Thích Minh Tuệ tu theo hạnh Đầu Đà đi bộ từ Nam chí Bắc đã được quần chúng đủ mọi thành phần ngưỡng mộ. Họ chờ đón sư ở dọc đường, cúi đầu hoặc quỳ xuống lòng đường để đảnh lễ, tặng đồ ăn thức uống, có khi tháp tùng sư một đoạn đường dài. Có khi họ tụ tập quanh sư tại nơi nghỉ chân, có khi là nghĩa địa, một ngôi nhà hoang, hoặc dưới tàng cây, ngồi quanh sư để nghe sư thuyết pháp hoặc vấn hỏi một số vấn đề. Đặc biệt tại Thanh Hóa có cả xe chở mấy chục học sinh Tiểu Học, tung tăng chạy tới để chiêm ngưỡng và vái lạy sư. Và lần đầu tiên một vị sư thuyết pháp tại một nghĩa địa.


Sở dĩ sư Minh Tuệ được quần chúng ngưỡng mộ là vì :

-Sư là biểu tượng của sự đoạn diệt được lòng tham vì sư không nhận tiền bố thí mà chỉ nhận nước uống và đồ ăn trước giờ ngọ và không nhận nhiều để dành cho ngày hôm sau, trái ngược với lối sống của một số tăng ni sống sa hoa với điện thoại, xe sang và đồng hồ Rolex, kêu gọi Phật tử đem hết tài sản cúng chùa hầu được phước, gom góp tiền bạc của Phật tử gửi về cho cha mẹ xây nhà.
-Sư là biểu tượng sống động của thời Đức Phật còn tại thế với đầu trần, chân đất, y may bằng những mảnh vải nhặt được ở đống rác hay nghĩa địa. Sư không nhận những tấm vải đẹp do Phật tử bố thí. Sư không an trú tại bất cứ nơi nào quá ba ngày và tiếp tục du hành như thế cho đến chết.
-Sư là biểu tượng của sự tận diệt cái ngã khi xưng “con” với mọi người, khác hẳn với một số sự trẻ mới 30 tuổi mà xưng “thầy” và gọi các cụ 70, 80 tuổi là “con”. Sư khiêm tốn nói rằng mình không chứng đắc gì cả mà chỉ làm theo những gì Phật dạy. Ngày xưa chư Tổ chứng đắc rồi mới đăng đàn thuyết pháp. Ngày nay do nhu cầu hoằng pháp, các chùa đã tổ chức các lớp huấn luyện giảng sư trẻ, đời tu chưa bao nhiêu cho nên nói thì hay nhưng lời nói không đi đôi với việc làm khiến tổn hại tới giá trị của Đạo Phật và làm hoen ố các vị tu hành chân chính.
-Sư là biểu tượng của sự đoạt diệt si mê mà ngày nay có cả trăm ngàn thứ si mê đang say đắm lòng người như nữ trang, son phấn, quần áo, tiện nghi, xe cộ, ca nhạc, ma túy, tuyển lựa ca sĩ, thi hoa hậu, trẻ con mới năm ba tuổi đã biết ca hát, nhảy múa trên sân khấu…
Theo tôi, sự tôn kính nhiệt thành của quần chúng đưa tới hai hệ quả và cho chúng ta thấy:
-Đây là hình ảnh sống dậy của đạo Phật đang bắt sâu vào lòng quần chúng vốn là nền tảng tâm linh và đạo đức của dân tộc qua gần hai nghìn năm. Đó là dấu hiệu vô cùng đáng mừng. Đây là thành quả và công lao của bao tăng ni đã miệt mài công đức, ít ra là trong nửa thế kỷ qua. Sự bùng nổ của kỹ nghệ truyền thông và “bùng nổ” của những buổi thuyết pháp tại chùa hay trên các diễn đàn đã đem giáo lý của Đức Phật tới tận nhà của người dân. Trong cuộc sống đầy lo toan và căng thẳng đến chóng mặt của thời đại “Toàn cầu hóa” và “Cách mạng khoa học, kỹ thuật thứ năm” người dân đã bắt đầu thấy cần thiết phải có “ông Phật” trong tim hay trong nhà mình. Khi nhìn thấy sư Minh Tuệ, quần chúng nhớ tới hình ảnh của Đức Phật năm xưa.
-Thế nhưng sự tán dương quá nhiệt tình của quần chúng đưa tới quan niệm cho rằng chỉ có sư Minh Tuệ là tu theo chánh pháp còn hàng chục ngàn tăng ni đang ở trong các chùa, tịnh xá, tu viện kia không tu theo chánh pháp, không phải là hình ảnh sống động của Đức Phật và các đại đệ tử khi Phật còn tại thế. Hình ảnh tăng ni hiện tại đang bị suy giảm trước nhãn quan của quần chúng.
Là người học Phật, tha thiết đến đạo pháp và tiền đồ của dân tộc chúng ta phải suy nghĩ như thế nào?
-Có phải tu theo sư Minh Tuệ là theo đúng chánh pháp và phải tu như vậy chăng? Đúng vậy, tu theo sư Minh Tuệ là theo đúng chính pháp nhưng đó không phải là pháp tu duy nhất. Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy ngài Tu Bồ Đề rằng, “Pháp của Như Lai không hề có thấp cao” tức tu pháp nào cũng được, tùy theo căn cơ và tu đến nơi đến chốn. Còn trong Kinh Viên Giác (*) Đức Phật dạy ngài Phổ Giác Bồ Tát rằng, “Nếu có người nói rằng tôi diệt hết tất cả phiền não, thân-tâm hoàn toàn không, không có, huống là cảnh giới hư vọng của căn trần, tất cả đều là vắng lặng để cầu Viên Giác. Nhưng tính Viên Giác không phải là tướng vắng lặng, cho nên gọi đó là bệnh.” Rồi Đức Phật dạy ngài Viên Giác Bồ Tát, “Những chúng sinh có đủ căn tính đại thừa, hoặc Đức Phật còn tại thế hoặc sau khi Phật nhập diệt, hoặc đương thời mạt pháp muốn tu hành hoặc trụ trì một cảnh chùa, lĩnh coi đồ chúng mà có duyên sự thì tùy phận quán xét như tôi đã nói.” Như lời Phật đã dạy ngài Phổ Giác trong phần ở trên như sau, “Tuy là hiện trần lao, làm việc khó nhọc ở đời mà tâm thường thanh tịnh, thị hiện ra có lỗi lầm để tán thán hạnh thanh tịnh, không để chúng sinh sa vào chỗ không giới luật uy nghi.”
-Sư Minh Tuệ theo hạnh tịch tĩnh, không nhận đồ chúng (đệ tử và Phật tử) sống riêng một mình, không tăng đoàn, khổ hạnh…để đọan trừ phiền não giống như hạnh của các vị La Hán. Thế nhưng còn cả ngàn tăng ni đang trụ trì các ngôi chùa, thu nhận đệ tử và phục vụ quần chúng đang là các Bồ Tát nhập thế để “hằng thuận vì lợi ích của chúng sinh” thì sao?
-Tu theo hạnh Đầu Đà vì không còn tiếp xúc với đời cho nên ít hoặc không còn phiền não, tuy khổ hạnh nhưng dễ tu. Còn khi đã nhập thế thì “gần bùn” cho nên dễ “hôi tanh mùi bùn” và khó tu hơn và rất dễ sa ngã. Chính vì thế mà các bậc tu hành, an trú tại một tự viện, thu nhận đệ tử, giáo hóa và làm theo lợi ích của chúng sinh mà tâm không hề để “hôi tanh mùi bùn” như Lục Tổ nói rằng, “Hà xứ nhạ trần ai?” thì đích thực đây là các thánh tăng. Cho nên chúng ta không thể coi thường các vị đang tu hành chân chính tại các chùa, tịnh xá và tu viện.
-Cứ thử tưởng tượng khoảng ba chục ngàn tăng ni trong nước và cả ngàn tăng ni hải ngoại bỏ cả chùa chiền, tu viện thành hoang phế để tu theo hạnh Đầu Đà để cho đúng chánh pháp và được quần chúng ngưỡng mộ thì Phật Giáo sẽ ra sao? Theo tôi Đạo Phật sẽ hủy diệt. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Đạo Phật suy tàn tại Ấn Độ là vì sau khi Đức Phật nhập diệt, các đệ tử của ngài lui vào các hang động và núi rừng để ẩn tu và không thành lập được một giáo hội và các cộng đồng Phật tử vững mạnh tại các đô thị lớn. Chính vì thế mà Phật Giáo không có ảnh hưởng hay sức mạnh để tác động tới chính quyền và sự tồn vong của đất nước. Sự thành lập một giáo hội và các tăng đoàn rất quan trọng. Chùa là nơi quy tụ quần chúng Phật tử, là nơi tu học và hằng thuận vì lợi ích của chúng sinh như Vu Lan Báo Hiếu, các lễ Hằng Thuận, cầu an cho gia đình và cầu siêu cho vong linh người đã khuất, nuôi dạy cô nhi cùng tổ chức các đại lễ cầu Quốc Thái Dân An cho quốc gia. Cứ thử tưởng tượng cả chục ngàn tăng ni lang thang khắp đất nước, ngủ ở núi rừng, nghĩa trang, gò mả, ngày ngày đi xin ăn… lúc đó sẽ là hình ảnh không đẹp, mất vệ sinh và gây khó khăn cho đời sống của người dân. Với đời sống cá nhân như thế, không tăng đoàn thì làm sao tổ chức được các đại hội Phật Giáo trên toàn thế giới để nói về những vấn nạn của thời đại như biến đổi khí hậu, bạo động, chiến tranh, con người chạy đua theo vật chất quá đáng? Không hợp quần, không tổ chức thì làm sao có được đại lễ Vesak nhân ngày Phật Đản với sự tham dự của các tổ chức Phật Giáo trên toàn thế giới cùng với sự tham dự của Liên Hiệp Quốc và các vị lãnh đạo quốc gia của các quốc gia Phật Giáo? Phật Giáo đã trải qua hơn 2600 năm. Cốt tủy của Đạo Phật vẫn còn nguyên nhưng pháp tu phải thích ứng với thời thế theo lời dạy “Tùy duyên nhưng bất biến”. Nam Tông tu hơi khác Bắc Tông và Mật Tông, nhưng Tâm của tất cả đều “đồng một pháp tính”. Tất cả đều là con Phật và đều thành Phật.
-Với trình độ văn minh, khoa học và đầu óc chuộng luận lý (logic) người Hoa Kỳ và Âu Châu không quý trọng lối tu khổ hạnh hay ép xác đã có trong tôn giáo của họ từ ngàn xưa. Họ quý trọng một người tu hành bình thường nhưng có phẩm hạnh và trí tuệ tuyệt vời và nhất là lòng Từ Bi và bao dung. Cho nên pháp tu Thiền và ngày nay Mật Tông đã phát triến mạnh trong thế giới Tây Phương. Nếu hình ảnh và lối sống của sư Minh Tuệ được phổ biến ở các quốc gia Tây Phương họ sẽ ngạc nhiên tự hỏi, “Tu ép xác như vậy để làm gì? Bộ tu hành trong các tu viện không chứng đắc và giải thoát sao?” Đạo Phật được cả thế giới ngưỡng mộ không phải vì pháp tu khổ hạnh mà là một tôn giáo của trí tuệ, hòa bình, bao dung, bình đẳng và bảo vệ môi trường.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Vậy thì quý Phật tử Việt Nam chớ vì lòng cung kính với sư Minh Tuệ mà coi nhẹ bao nhiêu tăng ni trong và ngoài nước đã và đang tu hành chân chính, làm công việc cứu khổ, độ sinh và giữ gìn giềng mối tâm linh, đạo đức cho dân tộc trong bao nhiêu năm qua. Bản thân tôi rất quý trọng cá nhân và pháp tu của sư Minh Tuệ nhưng đó không phải là pháp tu duy nhất. Phật có tới 84,000 pháp môn cho tăng ni, tùy căn cơ và hạnh nguyện của từng người. Hiện có một vị sư Trung Hoa đang hoằng pháp tại Phi Châu. Sư đã phát nguyện sau khi vãng sinh, ngài sẽ tái sinh tại Phi Châu để tiếp tục làm công việc hoằng hóa chúng sinh tại lục địa đen này. Phải chăng đây là một vị bồ tát vào chốn trần lao gian khổ để giáo hóa chúng sinh như lời dạy của Phật trong Kinh Viên Giác mà đâu cần phải tu theo hạnh Đầu Đà? Và cũng chẳng thể đi xin ăn vì dân nghèo đói như thế lấy đâu đồ ăn cho người khác. Cuối cùng thì cũng phải an trú trong tu viện và nhờ vào sự cúng dường của thí chủ để hành đạo mà thôi. Trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói rằng tất cả chỉ là “phương tiện”. Bồ Tát nhập thế phải dùng tất cả “phương tiện” để độ sinh nhưng tâm không trụ vào “phương tiện” như thế mới là bồ tát. Vậy xin chớ nhìn vào “phương tiện” để đánh giá bồ tát.
Sư Minh Tuệ là đóa hoa thơm trong vườn hoa Phật Giáo nhưng còn rất nhiều đóa hoa quý khác thường như Đạt Ma Tổ Sư rồi tới Lục Tổ, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Bồ Tát Quảng Đức và bao thánh tăng, thiền sư của Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma của thời đại ngày hôm nay. Xin cúi đầu đảnh lễ tất cả.
Thế giới này là thế giới của Nhị Nguyên tương đối và không thể có Tuyệt Đối. Chỉ có Tâm là thành Phật còn thế giới vật chất thì muôn đời vẫn như thế. Trước khi Phật ra đời con chim đã ăn con sâu. Khi Phật thành đạo và chuyển pháp luân con chim vẫn ăn con sâu. Và sau khi Phật nhập diệt, con chim vẫn ăn con sâu cho tới ngày hôm nay. Dù Thái Tử Tất Đạt Đa tu thành Phật nhưng vẫn không thay đổi được thế giới này đó là Luật Vô Thường và Sinh-Lão-Bệnh-Tử . Khi đói Phật vẫn phải ăn. Do đó con đường đúng đắn và dòng chính vẫn là Trung Đạo, tức sống ở đời bình thường nhưng giữ nghiêm giới luật và vui với đạo như lời dạy của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, “Cư trần lạc đạo” và đặt đức Từ Bi lên hàng đầu. Còn Phật xuất thế thì phải chờ thêm vài ngàn năm nữa.

Thiện Quả Đào Văn Bình

(California ngày 10/5/2024)

(*) Bản dịch của Cụ Thích Huyền Cơ, Hà Nội 1952



Nguồn:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn




.


Thanked by 2 Members:

#3 FM_daubac

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 7008 Bài viết:
  • 5607 thanks

Gửi vào 19/05/2024 - 05:48

Sư Minh Tuệ Có Phải Tu Sĩ Phật Giáo Hay Không?

18/05/2024 5:01SA


Lời Ban Biên Tập:

Sau khi post 4 bài viết về hiện tượng Sư Minh Tuệ của các tác giả Tâm Anh, Nguyễn Thanh Huy, Đào văn Bình, Minh Mẫn và hai video clip của thầy Thích Chân Tính(Chùa Hoằng Pháp); chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ quý độc giả mà đa số đều tán đồng các bài viết. Thậm chí có youtuber đã dùng nội dung của các bài để chuyển tải tiếp đến cộng đồng mạng. Dưới đây là các bài viết thêm của các tác giả kính gửi đến độc giả: Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến, Nguyễn Thanh Huy, Võ Đào Phương Trâm An Tường Anh, Đức Hùng-Trần Hóa, Tâm Anh. Luôn tiện đây chúng tôi cũng xin minh định là Thư Viện Hoa Sen không trực thuộc hay đại diện cho một hệ thống tự viện hay một tổ chức giáo hội Phật giáo nào ở trong nước cũng như hải ngoại. Và một điều nữa, chúng tôi luôn tôn trọng các ý kiến dị biệt.



SƯ MINH TUỆ CÓ PHẢI TU SĨ PHẬT GIÁO HAY KHÔNG?

An Tường Anh (Võ Đào Phương Trâm)



Vào ngày 16/5/2024, Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có ban hành văn bản số 151/HĐTS-VP1 về việc “Thông báo người được mạng xã hội gọi là sư Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo”. Căn cứ vào những nội dung ban hành trong văn bản, tôi xin được chia sẻ một số ý kiến như sau:



Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



1. Thế nào là tu sĩ Phật giáo?

Trong sách Kinh Tương ưng bộ II, (tập IV) có viết: Tu sĩ Phật giáo là người từ bỏ nếp sống thế tục, còn gọi là người xuất gia, khép mình trong nếp sống đạo đức và hành trì theo pháp môn đã được Đức Phật thuyết định.
Căn cứ vào Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016 thì Luật cũng không có định nghĩa, bổ sung sửa đổi nào liên quan đến cụm từ “Tu sĩ Phật giáo” theo như Kinh điển để lại.

2. Vấn đề về tăng đoàn và người xuất gia theo Kinh điển nhà Phật

Trong bài viết “Phi tăng phi tục” trong tư tưởng của Thân Loan (Shinran) ở Nhật Bản, đăng tải trên Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học – Cơ quan Ngôn luận GHPGVN ngày 03/4/2024 có đoạn:
Trong Phật Giáo có giải thích bốn hạng người xuất gia như sau:
- Thân lìa tâm chẳng lìa: Trong trường hợp này, thân đã chọn xuất gia nhưng tâm trí vẫn còn đắm mình trong cuộc sống thế tục. Dù họ ở trong tăng đoàn, tâm hồn vẫn mơ mộng và ái mộ cuộc sống vật chất.
- Tâm lìa thân chẳng lìa: Ở đây thân xác vẫn ở trong cuộc sống gia đình nhưng tâm hồn đã chấp nhận và thực hành đời sống xuất gia. Họ không mê mải cuộc sống cám dỗ trần tục mặc dù sống trong môi trường hỷ nộ ái ố.
- Thân và tâm đều lìa: Cả thân và tâm tách khỏi cuộc sống thế tục. Người này đã xuất gia cả về vật chất và tinh thần, không bị lôi cuốn bởi những danh vọng hay những cám dỗ vật chất.
- Thân và tâm đều không lìa: Ở hạng cuối, cả thân và tâm đều bị rơi vào cuộc sống thế tục. Mặc dù có gia đình, họ vẫn mãi mê vào nhiều khía cạnh của cuộc sống vật chất mà không ý thức hoặc nỗ lực để xuất gia.
Vậy thì căn cứ vào bốn hạng xuất gia này, chúng ta thấy sư Minh Tuệ là người “thân và tâm đều lìa” như vậy ông đã là người xuất gia theo như Kinh điển Phật giáo đã ghi lại.
Trong bài viết “Họ Thích có từ khi nào, ý nghĩa?” tác giả Pháp Vương Tử, đăng trên Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học – Cơ quan Ngôn luận GHPGVN ngày 24/3/2022 có đoạn “Ngài không hề coi trọng việc các đệ tử mang họ Thích của Ngài, nó được thể hiện cụ thể ngay trong Tăng đoàn, kể cả 10 đại đệ tử Phật như Tôn Giả Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Ananda…vẫn giữ nguyên họ và tên thế tục. Rồi đến cả mô hình Tăng đoàn (mà sau này gọi là Giáo hội) Đức Phật cũng không cho phép có một tổ chức chặt chẽ nữa là – vì cho rằng “Hiểu biết càng sâu thì niềm tin Tôn giáo càng vững, còn Tổ chức của Giáo hội có chặt chẽ hay lỏng lẽo cũng không thành vấn đề, hơn nữa mọi định danh định nghĩa Tôn giáo, đạo Phật cũng không mấy quan tâm, và hơn thế nữa còn khước từ vì cho rằng: Mọi định nghĩa khách quan là đặt giới hạn cho sự thăng hoa của nguồn sống Đạo”.
Trong lịch sử hơn 26 thế kỷ, đã có nhiều cư sĩ không xuất gia nhưng cũng chứng đắc, đó là ngài Duy Ma Cật, ngài Bàng Long Uẩn và vợ, con trai, con gái của ngài Bàng Long Uẩn đều chứng ngộ.
Như vậy Đức Phật dạy cho mỗi người là tự tìm cầu học đạo cho thật tốt và thấu hiểu giáo pháp nhà Phật chứ không đặt nặng vấn đề Tăng đoàn, Giáo hội, người chưa xuất gia vẫn có thể chứng đắc quả và cũng không xem việc một tu sĩ là phải phụ thuộc vào Giáo hội.

3. Các hạnh tu tập của tu sĩ, người xuất gia

Trong các hạnh tu tập của người xuất gia thì Độc cư là một đức hạnh dùng phòng hộ sáu căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Người tu sĩ không phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý thì tâm luôn luôn phóng dật theo sáu trần. Do tâm phóng dật thì làm sao tâm thanh tịnh được. Xưa đức Phật dạy: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật”. Nếu muốn tâm không phóng dật thì nên phòng hộ sáu căn cho chặt chẽ.
Trong Độc Giác Phật (Pacceka Bodhi) có định nghĩa, đó là sự khai minh giác ngộ đơn độc của một người tự lực cố gắng tiến đến Đạo Quả, không nhờ một ai dạy dỗ hay giúp đỡ. Vì đặc tính đơn độc giác ngộ, nên chư Phật Độc Giác không dắt dẫn ai đến nơi giác ngộ bằng lối đơn độc giác ngộ được. Các Ngài chỉ nêu gương đức hạnh và trí dũng.
Trong Kinh điển Phật giáo còn nhắc đến bảy đức hạnh của người tu giải thoát gồm: Thích giản dị, không thích sống rườm rà, cầu kỳ; Ưa thích yên lặng, không thích nói nhiều; Ít ngủ nghỉ, không ham ngủ; Không kết bè, kết bạn, không nói những điều vô ích; Không tự khoe khoang trong khi mình thiếu đức; Không kết bạn với những người xấu ác; Thích ở một mình nơi rừng núi thanh vắng.”
Người tu sĩ và cư sĩ đệ tử của đức Phật, muốn tu hành giải thoát và Phật pháp hưng thịnh thì phải sống một mình. Bảy đức hạnh này đã xác định được sự ly dục, ly ác pháp của một tu sĩ giải thoát.
Như vậy cho thấy rằng người tu sĩ là người có thể tự phát tâm tu tập cá nhân, có thể sống độc cư để hướng đến con đường thoát khổ, giải thoát cho bản thân mà không cần bắt buộc phải là người sinh hoạt trong chùa chiền tự viện, tăng đoàn, là nhân sự của tổ chức nào.

4. Những ngôn từ danh xưng đối với trường hợp sư Minh Tuệ:

Bản thân Thầy Minh Tuệ không tự nhận mình là Sư, không nhận mình là Thầy nhưng chúng ta hiểu rằng “Sư” hay “Thầy” ngày nay không phải chỉ dành cho những người đứng trên bục giảng mà có thể dành cho bất cứ những ai có thể truyền dạy cho ta những kinh nghiệm, những điều quý báu trong cuộc sống hằng ngày, người Thầy có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào nếu người đó xứng đáng để người đời học hỏi và thọ giáo thế nên người ta có gọi là Sư Minh Tuệ, Thầy Minh Tuệ cũng không có gì sai, không ai được quyền cấm đoán.
Điều đó cũng tương tự như một người ca sĩ, diễn viên không cần phải tham gia trong một Hội nào nhưng nếu hát hay vẫn được gọi là ca sĩ, có năng khiếu diễn xuất vẫn được mời đóng phim, vẫn được gọi là diễn viên, vậy một người tự phát tâm tu học, thực hiện đúng giới luật, thực hành bát chánh đạo, đầy đủ Giới - Định - Tuệ thì tại sao người đó không được gọi là tu sĩ?
Và dù một người không phải là người tu nhưng nếu họ có những đóng góp to lớn cho xã hội, việc làm của họ lan tỏa được những thông điệp tích cực, nhân văn và được người đời ngưỡng mộ, xem vị đó là Thánh nhân cũng là điều hết sức bình thường.

5. Những nội dung trong văn bản số 151/HĐTS-VP1 của GHPGVN

Bản thân nhà sư Minh Tuệ không nhận mình là tu sĩ, không nói về nơi tu tập của mình là vì sư không muốn gây ảnh hưởng đến chùa chiền tự viện. Đối với quá trình tu tập của sư Minh Tuệ theo như tìm hiểu qua lời kể của Bố ruột thì sư Minh Tuệ xuất gia năm 2015 (có làm đơn xin xuất gia, được bố và chính quyền địa phương ký xác nhận), tu tập khoảng 6 tháng trong một tu viện, sau đó tham gia tu tập tại một ngôi chùa ở Tây Ninh, được đặt pháp danh là Thích Minh Tuệ rồi quay về tu tại gia ở Thất am, nhưng vì nơi này có nhiều người đến câu cá nên đến năm 2018 thì sư Minh Tuệ bắt đầu thực hành lối tu khổ hạnh. Tuy nhiên trong văn bản số 151/HĐTS-VP1 lại ghi “Ông Lê Anh Tú sau khi từ bỏ công việc đo đạc địa chính tại Tỉnh Phú Yên đã thực hiện một vài lần đi bộ hành từ Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc…” là chưa chính xác, văn bản đã bỏ mất giai đoạn tu tập xuất gia của sư Minh Tuệ làm cho nhiều người đọc vào hiểu lầm là sư bỏ làm xong thì đi tu khổ hạnh, chưa qua giai đoạn xuất gia tu tập ở đâu.
Về nội dung “công việc đo đạc địa chính ở Tỉnh Phú Yên” thì cá nhân Thầy Minh Tuệ và Bố ruột đều đã trả lời là chỉ làm cho công ty tư nhân chứ không phải cơ quan nhà nước.

6. Các văn bản Pháp luật về Tín ngưỡng Tôn giáo:

Tại Khoản 12, Điều 2 của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016 ghi rõ: “Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo”.
Trong Luật Tín ngưỡng Tôn giáo tại Khoản 7, Điều 2 giải thích cụm từ “Nhà tu hành là tín đồ xuất gia, thường xuyên thực hiện nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và quy định của tổ chức tôn giáo”.
Tại Khoản 2 Điều 9 của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo có quy định: “Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm hướng dẫn tín đồ, người tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo đúng quy định của pháp luật”.
Như vậy, Cụm từ “nhà tu hành” trong Luật Tín ngưỡng Tôn giáo là quy định đối với những người tu hành có hoạt động trong một tổ chức, một Hội thuộc Tôn giáo, có tham gia vào các hoạt động liên quan đến Tôn giáo và xã hội, tương tự như “nhà văn, nhà giáo, nhà báo…” chứ không phải dùng chung cho Tu sĩ Phật giáo. Vì vậy nếu GHPGVN áp dụng cụm từ “nhà tu hành” để khẳng định sư Minh Tuệ không phải là “Tu sĩ Phật giáo” là không phù hợp với phạm vi, đối tượng được áp dụng trong Điều Luật.
Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 6 Luật Tín ngưỡng Tôn giáo có quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”.
Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 24 của Hiến Pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chú Nghĩa Việt Nam năm 2013 có quy định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Như vậy cho thấy rằng mọi công dân trên đất nước Việt Nam đều được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, và tu sĩ Phật giáo là khái niệm nằm trong Kinh điển Phật giáo, một tổ chức chỉ có thẩm quyền xác nhận người đó có thuộc tổ chức mình hay không chứ không có thẩm quyền để khẳng định hay bác bỏ những vấn đề nằm ngoài phạm vi cho phép vì tu sĩ Phật giáo là một cụm từ dành cho tất cả người tu hành theo đạo Phật trên toàn thế giới. Muốn xác định điều này, phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố từ lịch sử, kinh điển, pháp luật, đời sống xã hội và bản thân người tu học.

7. Nội dung văn bản số 795/TGCP-PG ngày 16/5/2024 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Đối chiếu nội dung văn bản số 795/TGCP-PG ngày 16/5/2024 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ có ghi “Ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ thuộc Giáo Hội PGVN” chứ văn bản không ghi “Ông Thích Minh Tuệ không phải tu sĩ Phật Giáo”. Như vậy cho thấy nội dung văn bản của Ban Tôn Giáo Chính Phủ là phù hợp với Pháp luật và tinh thần nhà Phật.
Trong những ngày qua, nhiều người vây quanh sư trên đoạn đường sư Minh Tuệ đi ngang qua, nếu đám đông đi theo nhà sư có những hành vi quá khích, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thì tùy theo mức độ, cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp, biện pháp can thiệp và xử lý trên nguyên tắc đúng pháp luật và tín ngưỡng.
Việc Hội đồng Trị sự GHPGVN ban hành văn bản để bác bỏ, phủ nhận sư Minh Tuệ không phải là “tu sĩ Phật giáo” với cách hành văn nặng nề gây cho người đọc cảm giác phản cảm và tổn thương một người tu hành, văn bản đã biến một người tu hành bình thường trở thành người dối trá trong mắt mọi người bằng những câu từ lưng chừng, cắt khúc?
Phật dạy chúng sinh “Hãy thắp đuốc lên mà đi”, đừng nương tựa ai mà hãy nương tựa vào Pháp, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác” và câu “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, cho thấy rằng mỗi người đều có thể nương tựa vào Chánh pháp để tu tập, tu học hướng đến đời sống giác ngộ, giải thoát mà không cần phải lệ thuộc vào ai, vào tổ chức nào, con người đều có thể thành Phật nếu nói được như Phật, làm được như Phật, sống được như Phật và giải thoát được như Phật.
Việc chỉ chấp nhận, thừa nhận những người tu trong tổ chức chùa chiền mới là người tu sĩ, phản bác người tu tập bên ngoài là việc làm mang tính cục bộ, ngược lại với lời dạy Đức Phật vì Người luôn khuyến tấn mọi người tu học để giải thoát đau khổ, thoát khỏi sinh tử luân hồi, việc tu tập không của riêng ai vì mỗi một cá nhân thực hành tu học theo Đức Phật, trở thành người tu sĩ Phật giáo đều là ngọn đèn soi sáng cho bản thân và mang lại những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng xã hội.

Lời kết:

Trong văn bản số 151/HĐTS-VP1 ngày 16/5/2024 của Hội đồng Trị sự GHPGVN có ghi “Qua tìm hiểu xác minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN khẳng định người đàn ông này không phải tu sĩ Phật giáo”.
Từ những dẫn chứng nêu trên, cho thấy rằng văn bản số 151/HĐTS-VP1 của Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam khẳng định sư Minh Tuệ không phải là “Tu sĩ Phật giáo” là không chính xác, mặc dù sư Minh Tuệ không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, nhưng dựa vào các căn cứ Pháp luật, Kinh điển Phật giáo, quá trình tu tập của sư Minh Tuệ như đã nêu trên cho thấy sư Minh Tuệ là người có đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng Tôn giáo và là “Tu sĩ Phật giáo” đúng theo tinh thần nhà Phật và không trái quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, GHPGVN chỉ có thẩm quyền thông báo kết luận “ông Minh Tuệ không phải tu sĩ thuộc GHPGVN” chứ không đủ thẩm quyền để kết luận người đó không phải là “Tu sĩ Phật giáo”.


Chúng tôi hoàn toàn tán thán và đồng tình với nội dung công văn của Ban Tôn Giáo Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng tụ tập đông người gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến con đường tu tập của nhà sư Minh Tuệ. Tuy nhiên đối với văn bản của Giáo hội PGVN ban hành với lối hành văn và nội dung còn nhiều điểm chưa chính xác, lý giải chưa thỏa đáng làm ảnh hưởng đến bản thân người tu hành như nhà sư Minh Tuệ là điều cần phải xem xét, điều chỉnh và khắc phục để hợp lòng tín chúng nhân dân.



Nguồn:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn




.

Thanked by 2 Members:

#4 FM_daubac

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 7008 Bài viết:
  • 5607 thanks

Gửi vào 19/05/2024 - 06:02

XOAY QUANH CÂU CHUYỆN THẦY MINH TUỆ -
NIỀM VUI VÀ NỖI BUỒN

(Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến)




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Những ngày gần đây, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh một vị sư đầu trần chân đất, đắp một tấm y chắp vá từ nhiều mảnh vải được nhặt nhạnh từ đâu đó, và ôm bình bát tự chế bằng ruột nồi cơm điện, đi khất thực dọc theo chiều dài con đường quốc lộ mà không xác định điểm đến. Nhiều người nói rằng vị sư này đã đi như thế suốt chiều dài đất nước Việt Nam từ nhiều năm qua, cứ từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vào Nam… Nghe nói đã được 4 vòng ra vào như thế. Sư đi chỉ để mà đi, không cần điểm đến. Vị sư này là thầy Thích Minh Tuệ.

Thầy nói với mọi người rằng mình không phải là tăng sĩ của giáo hội. Thầy không nhận đệ tử, nói rằng không dám làm thầy của bất cứ ai mà chỉ là người đang tập học theo lời dạy của Phật. Thầy không nhận cúng dường bằng tiền bạc, chỉ nhận thức ăn trong buổi sáng để ăn vào giữa ngày (ngọ thực), ngoài ra thầy không nhận gì khác. Thầy cũng không vào trú ngụ trong nhà người dân mà dừng lại ngủ nghỉ ở bất cứ nơi đâu vào cuối ngày. Gốc cây, đồng trống, nghĩa trang… đều là nơi thầy có thể nghỉ qua đêm. Và khi ngủ nghỉ, thầy cũng chỉ ngồi, không nằm.

Khi tôi viết những dòng này thì những bước chân độc hành của thầy không còn là độc hành nữa, mà đã có hàng ngàn người nối bước đi theo, thậm chí là vây quanh thầy bất cứ khi nào có thể. Và họ đi chỉ để được… đi theo thầy, cũng không cần phải đi đến đâu.
Những ghi nhận trên đây là thực tế nhìn thấy, nghe biết từ xa, chưa bàn đến việc đúng hay sai, nên hay không nên. Với công năng của mạng xã hội ngày nay như Facebook, Tiktok, Youtube… thì số lượng người nhìn thấy và nghe biết như vậy đã lên đến hàng trăm ngàn, nếu không muốn nói có thể đến hàng triệu… Và như vậy, câu chuyện về thầy Minh Tuệ không dừng lại ở những ghi nhận đơn thuần về việc làm của một cá nhân, mà đã tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ ở những người xem thấy hay nghe biết. Những ấn tượng đó là tích cực hay tiêu cực, tất nhiên là tùy thuộc vào sự hiểu biết và cảm nhận của mỗi người, không ai giống ai. Tuy nhiên, trong số rất nhiều những ý kiến, bài viết về thầy Minh Tuệ đang lưu hành qua Internet, có thể tạm phân chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất phản đối, chê trách; nhóm thứ hai ngợi khen, tán thán; và nhóm thứ ba bày tỏ sự hoài nghi, không xác quyết. Trong thực tế, có một số bài viết rơi vào cả hai hoặc ba nhóm này, khi người viết vừa tán thành ở một số điểm, vừa không tán thành ở những điểm khác và thậm chí có cả những điểm hoài nghi không xác quyết. Do vậy, bài này sẽ không đề cập riêng đến ý kiến của bất cứ ai, mà chỉ nêu ra những điểm người viết thấy cần góp ý.

Cùng một hiện tượng mà có thể tạo ra nhiều luồng ý kiến phức tạp khác nhau, điều này quả thật rất ít có. Bài viết này không có tham vọng đưa đến một sự nhận hiểu đồng thuận về việc làm của thầy Minh Tuệ, bởi điều đó tất nhiên là bất khả thi. Tuy nhiên, quan điểm của người viết là một khi đã nêu ý kiến trước công luận, nghĩa là chấp nhận chia sẻ với nhiều người chứ không chỉ riêng mình biết, thì cần thiết phải tôn trọng những chuẩn mực chung. Và trong trường hợp của người Phật tử thì chuẩn mực chung cao nhất chính là Kinh điển, chứ không phải là những ý kiến chủ quan của bất cứ ai. Do vậy, đứng trước một vấn đề, chúng ta ai cũng có quyền khen ngợi hoặc chê trách, nhưng điều quan trọng là sự khen ngợi hoặc chê trách đó phải đúng đắn, có căn cứ, có lập luận hợp lý, thay vì chỉ là những cảm nhận chủ quan. Vì những ý kiến chủ quan của một người, khi chia sẻ rộng rãi lại có thể tạo ra ảnh hưởng nơi nhiều người khác. Nếu ảnh hưởng đó đúng đắn thì tất nhiên là việc tốt, nhưng nếu là sự ảnh hưởng từ những nhận xét không chính xác thì sẽ không tốt chút nào.

Có người gọi việc rất nhiều người đi theo thầy Minh Tuệ là “hiệu ứng đám đông”, cách gọi này không chính xác. Hiệu ứng đám đông (Informational Social Influence) hàm nghĩa là người tham gia vào một sự kiện nào đó mà hoàn toàn không có chủ ý của chính mình, chỉ làm theo đám đông, vì tin rằng đám đông đó hành động đúng. Trong trường hợp những người đi theo thầy Minh Tuệ, chúng ta không thể xác định ý nguyện hay nhận thức riêng của mỗi người, nhưng chắc chắn không thể nói chung rằng tất cả họ chỉ làm theo đám đông. Tất nhiên còn có thể bàn thêm về nhiều nguyên do khác nhau, nhưng sử dụng cách nói “hiệu ứng đám đông” trong trường hợp này là thiếu chính xác, nếu không muốn nói là có thể xúc phạm nhiều người trong số đó.

NHỮNG LỜI CHỈ TRÍCH

Có những chỉ trích rất nặng nề đối với việc thầy Minh Tuệ “ôm nồi cơm điện đi lang thang”, thậm chí gọi thầy là “thằng ba trợn”. Một số khác phê phán chỉ trích khác, ngay cả từ một số tăng sĩ, cho rằng nếu đã tự nói mình không phải tu sĩ Phật giáo thì không được khất thực, không được đắp y, dù là tấm y khác biệt với những tăng sĩ khác, vì vẫn làm cho Phật tử lầm tưởng đó là tăng sĩ… Thậm chí có người còn lạm dụng những từ ngữ nặng nề như “trộm pháp”, “trộm tăng tướng” v.v… Chúng ta sẽ bỏ qua tất cả những chỉ trích tương tự thuộc loại này, vì chúng hoàn toàn vô lý, vô căn cứ và thô thiển đến mức người Phật tử tỉnh táo nào cũng có thể nhận ra, không cần bàn đến. Giáo pháp của đức Phật là rộng mở cho bất cứ ai, ngay cả ngoại đạo tà giáo mà thức tỉnh, muốn vận dụng theo một phần lời Phật dạy để tu tập cũng không ai cấm cản.

Dưới đây chúng ta sẽ chỉ đề cập đến những chỉ trích mà người nêu ra có thể hiện tinh thần trách nhiệm, có thiện ý muốn tốt đẹp cho cộng đồng. Và do vậy, những ý kiến chỉ trích này cho rằng, lẽ ra thầy Minh Tuệ không nên làm như vậy, không nên đi như vậy, không nên tu theo cách như vậy thì tốt hơn. Dưới đây chỉ nêu một vài ý kiến tiêu biểu thuộc loại này.

1. Việc đắp y nhiều màu, dùng bình bát bằng ruột nồi cơm điện là không đúng pháp.

Những người chỉ trích cho rằng, ngay cả y phấn tảo, được chắp vá từ nhiều mảnh vải, cũng phải được nhuộm thành một màu chứ không thể để “lòe loẹt” như vậy gây phản cảm đối với hình ảnh một tăng sĩ Phật giáo. Và bình bát là một pháp khí được xem như “bảo bối” của đạo Phật, không thể tùy tiện thay bằng… ruột nồi cơm điện, như vậy là “bôi bác, làm xấu” Phật giáo.

Tất nhiên, nhận xét như thế nào là quyền của mỗi người. Ở đây chỉ xin nêu 2 ý kiến.

Thứ nhất, Kinh điển ghi nhận việc một vị tăng chỉ sở hữu duy nhất một bình bát (nhất bát - 一鉢) dùng để đi khất thực, nhưng chưa thấy chỗ nào đưa ra quy chuẩn về bình bát phải làm bằng chất liệu gì hay như thế nào. Từ điển Phật Quang, bản Hán ngữ, trong một mục từ “nhất bát - 一鉢” ghi nhận: “即表示佛教修行者生活之簡樸 - tức biểu thị Phật giáo tu hành giả sinh hoạt chi giản phác” (tức là biểu thị đời sống đơn giản mộc mạc của người tu hành trong Phật giáo.) Dựa theo đây mà nói thì cái bình bát bằng ruột nồi cơm điện của thầy Minh Tuệ không có gì trái luật, mà ngược lại còn rất đơn giản mộc mạc.

Thứ hai, Kinh điển đề cập đến tệ nạp y (弊納衣), gọi tắt là nạp y, cũng gọi là phẩn tảo y (糞掃衣), đều mang nghĩa là tấm y xấu tệ, không có giá trị với người đời. Chúng tôi không thấy có chỗ nào nói đến việc quy định màu sắc. Đối với y (ca-sa) của một vị tăng thông thường thì đúng là không nên chọn màu đẹp đẽ, mà nên nhuộm cho xấu đi, gọi là hoại sắc, trong ý nghĩa là để tránh sự tham chấp vào hình sắc. Riêng y phẩn tảo mà một vị tăng theo hạnh đầu đà sử dụng thì không thấy nói đến việc nhuộm màu. Kinh Thập nhị đầu đà (佛說十二頭陀經 - Phật thuyết Thập nhị đầu đà kinh) do ngài Cầu-na-bạt-đà-la (求那跋陀羅) dịch từ Phạn ngữ sang Hán ngữ vào đời Tống, có dạy rằng: “應入聚落中, 拾故塵棄物浣之令淨, 作弊納衣覆除寒露。 - Ưng nhập tụ lạc trung, thập cố trần khí vật hoán chi linh tịnh, tác tệ nạp y phú trừ hàn lộ.” (Nên vào trong xóm làng, nhặt những mảnh vải cũ đã vất bỏ đi, giặt cho sạch sẽ, may thành nạp y đắp lên người để ngăn sự rét lạnh, sương gió.) Rõ ràng, trong kinh không nói đến việc phải chọn màu sắc hay phải nhuộm cho cùng màu các mảnh vải nhặt được.

Như vậy, tấm nạp y và bình bát của thầy Minh Tuệ không có gì là không đúng pháp. Còn nếu nói là “gây phản cảm” thì đó là cảm nhận riêng của mỗi người, chúng ta không bàn đến. Tuy nhiên, với rất nhiều người đang công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ, yêu mến thầy thì họ đã thấy là không có gì “phản cảm”.

2. Việc một tăng sĩ đi lang thang không trụ xứ là không đúng pháp.

Những người đưa ra ý kiến chỉ trích này tranh cãi xoay quanh việc cho rằng thầy Minh Tuệ không thực hành đúng hạnh đầu đà; thầy Minh Tuệ không đủ điều kiện như luật quy định để làm một du tăng; thầy Minh Tuệ lang thang khất thực trên đường như vậy không đúng pháp v.v…

Trước hết xin lưu ý rằng thầy Minh Tuệ đã tự nói với mọi người rằng thầy không phải là một thầy tu, không thuộc về chùa hay giáo hội nào. Thầy không dám làm thầy bất cứ ai mà chỉ là một công dân Việt Nam đang tự mình tập học theo lời Phật dạy. Với một người như vậy thì những chỉ trích như trên là không đúng chỗ, bởi là một công dân thì có quyền làm mọi điều không vi phạm pháp luật, còn những quy định thuộc về nội bộ Phật giáo không áp dụng cho người này.

Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn xem thầy là một vị thầy Phật giáo - đây là ý riêng của chính tôi, dựa trên những gì tôi nghe biết được - nên tôi sẽ tiếp tục cân nhắc xem những chỉ trích như trên, nếu áp dụng cho một vị thầy Phật giáo thì có đúng hay không?

Thật ra, việc có những vị tăng sĩ tu hành không ở cố định một trụ xứ là chuyện rất bình thường trong Phật giáo. Trong sách Cảnh Đức truyền đăng lục (景德傳燈錄), quyển 27, còn ghi lại những câu thi kệ được rất nhiều người biết đến:

一 鉢千家飯
孤身萬里遊
Nhất bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du.
(Bình bát cơm ngàn nhà,
Thân chơi muôn dặm xa.)

Nếu ở yên một chỗ thì làm sao có việc ăn “cơm ngàn nhà”? Một thân cô độc, đi như dạo chơi trên đường muôn dặm, chẳng phải là hình ảnh một vị tăng Phật giáo đó sao? Như vậy có thể thấy, việc một vị tăng sĩ chọn tu tập ở một trụ xứ như chùa, tự viện, tịnh thất… tất nhiên là quen thuộc với hầu hết chúng ta, nhưng nếu có người rời khỏi nơi ở cố định để tu tập theo cách “vô trụ xứ” thì cũng không có kinh điển nào nói việc ngăn cấm. Và cũng theo ý này, thầy Minh Tuệ khất thực đúng pháp (chỉ nhận vừa đủ ăn, không nhận gì khác ngoài thức ăn, chỉ ăn ngày một bữa…) trên con đường “muôn dặm” thì không có gì sai với giáo pháp của đức Thế Tôn.

Vậy nếu nói thầy Minh Tuệ tu hạnh đầu đà thì có đúng pháp không? Trước hết, tôi không dám chắc là thầy Minh Tuệ có tự nhận rằng mình tu hạnh đầu đà. Tuy nhiên, nếu điều đó là có, chúng ta thử tìm hiểu xem thế nào là hạnh đầu đà.

Trong Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga) và một số kinh điển Nam truyền có nhắc đến 13 hạnh đầu đà (Dhutanga-niddesa) như sau:

1. Hạnh phấn tảo y.
2. Hạnh ba y.
3. Hạnh khất thực.
4. Hạnh khất thực từng nhà.
5. Hạnh nhất tọa thực.
6. Hạnh ăn bằng bát.
7. Hạnh không để dành đồ ăn (không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong).
8. Hạnh ở rừng.
9. Hạnh ở gốc cây.
10. Hạnh ở giữa trời.
11. Hạnh ở nghĩa địa.
12. Hạnh nghỉ chỗ nào cũng xong.
13. Hạnh ngồi (không nằm).

(Trích từ Thanh tịnh đạo luận của Ngài Phật Âm - Buddhaghosa, Chương II, Ni sư Trí Hải Việt dịch)

Trong Kinh điển Bắc truyền thì hiện còn lưu giữ kinh Thập nhị đầu đà như tôi đã dẫn ở phần trước. Trong kinh này, đức Phật đã dạy 12 hạnh đầu đà như sau:

一者在阿蘭若處。- Nhất giả tại a-lan-nhã xứ.
二者常行乞食。 - Nhị giả thường hành khất thực.
三者次第乞食。- Tam giả thứ đệ khất thực.
四者受一食法。 - Tứ giả thụ nhất thực pháp.
五者節量食。 - Ngũ giả tiết lượng thực.
六者中後不得飲漿。- Lục giả trung hậu bất đắc ẩm tương.
七者著弊納衣。- Thất giả trước tệ nạp y.
八者但三衣。 - Bát giả đãn tam y.
九者塚間住。- Cửu giả trủng gian trụ.
十者樹下止。 - Thập giả thụ hạ chỉ.
十一者露地坐。- Thập nhất giả lộ địa tọa.
十二者但坐不臥。- Thập nhị giả đãn tọa bất ngoạ.

Dịch sang tiếng Việt:

1. Sống nơi thanh vắng yên tĩnh;
2. Thường thực hành pháp khất thực,
3. Đi khất thực luôn bình đẳng theo thứ lớp;
4. Mỗi ngày chỉ ăn một bữa;
5. Ăn điều độ, có chừng mực;
6. Sau bữa ăn không uống nước;
7. Chỉ dùng tệ nạp y;
8. Chỉ có 3 tấm y;
9. Ngủ nghỉ nơi nghĩa địa;
10. Ngủ nghỉ dưới gốc cây;
11. Ngủ nghỉ nơi đồng trống;
12. Khi nghỉ ngơi cũng chỉ ngồi không nằm.

So sánh như trên, chúng ta thấy số lượng 13 hạnh tuy nhiều hơn nhưng lại vừa thừa vừa thiếu. Chẳng hạn như không thấy có các hạnh số 1 (ở nơi thanh vắng) và số 5 (ăn có chừng mực) như trong số 12 hạnh, trong khi đó hạnh thứ 12 (nghỉ chỗ nào cũng xong) thật ra là thừa khi đã có 4 hạnh từ 8-11 kể ra những chỗ nghỉ v.v…

Kinh Thập nhị đầu đà cũng giảng giải chi tiết về 12 hạnh đầu đà, quý vị nào quan tâm có thể tham khảo thêm.

Chúng ta có thể phân chia 12 hạnh đầu đà như trên thành 3 nhóm: 2 hạnh liên quan đến y phục (7 và 8), 5 hạnh là việc ăn uống (2 đến 6) và 5 hạnh là về chỗ ngủ nghỉ (1 và 9 đến 12). Hiểu được như vậy, chúng ta không cần thiết phải so sánh từng chi tiết, mà chỉ cần quan sát 3 điểm: ăn, mặc và ngủ nghỉ, thì có thể biết một người có thực hành hạnh đầu đà hay không. Bởi vì rất rõ ràng là khi thực hành hạnh đầu đà, việc ăn mặc và ngủ nghỉ của hành giả hoàn toàn không giống như những người bình thường.

Cần lưu ý rằng, 12 hạnh đầu đà cũng giống như 12 sự chỉ dẫn để làm theo, hành giả không nhất thiết - và cũng không thể - cùng lúc thực hiện tất cả. Chẳng hạn như đã ngủ nghỉ nơi nghĩa địa thì không thể ngủ nghỉ nơi đồng trống v.v…

So với những gì ta đã nhìn thấy nơi chuyện ăn mặc, ngủ nghỉ của thầy Minh Tuệ, ta có thể thấy là không khác biệt. Đúng là thầy đang theo hạnh đầu đà.

3. Cách tu của thầy Minh Tuệ gây ra sự chia rẽ trong Phật giáo

Những người chỉ trích lập luận, nếu cho rằng chỉ có thầy Minh Tuệ là tu theo chánh pháp thì không lẽ nào hàng chục ngàn tăng ni đang ở trong các chùa, tịnh xá, tu viện kia không tu theo chánh pháp? Do vậy, họ lo ngại rằng “hình ảnh tăng ni hiện tại đang bị suy giảm trước nhãn quan của quần chúng”. Nghiêm trọng hơn, trong nhóm ý kiến chỉ trích này có người còn cho rằng thầy Minh Tuệ đang gây chia rẽ trong Phật giáo, đang “phá hòa hợp tăng” bằng việc thực hành cách tu khác biệt của mình.

Ý tưởng cho rằng việc ca ngợi thầy Minh Tuệ sẽ làm giảm đi sự tôn kính của Phật tử đối với chư tăng ni ở tự viện vì cho rằng họ tu không đúng chánh pháp là một so sánh loại trừ hoàn toàn không đúng. Trước hết, thầy Minh Tuệ không thuyết giảng, không nói chuyện nhiều với Phật tử, do vậy việc tôn kính hay ca ngợi thầy đều là tự phát. Ở đây, chúng ta lưu ý rằng nếu hình ảnh thầy Minh Tuệ gợi lên được niềm kính tín ở một số đông người, thì sự kính tín đó cũng có thể hướng đến chư tăng ni, bất cứ khi nào các vị chứng tỏ được rằng mình đang hành trì chánh pháp. Đây không phải là một sự lựa chọn hay loại trừ lẫn nhau. Chỉ cần người Phật tử có sự nhận hiểu đúng về chánh pháp thì chắc chắn sẽ không có những phán đoán sai lầm. Nhưng nếu như người Phật tử không hiểu chánh pháp, thì một phần lớn trách nhiệm hẳn phải quy về nơi những người trong nhiều năm qua đã nhận lãnh vai trò giáo hóa. Như vậy, tất nhiên trong cả hai trường hợp, đều không thể đổ lỗi cho sự tu tập của thầy Minh Tuệ.

Cũng cần lưu ý rằng, việc tu tập của thầy Minh Tuệ đã âm thầm diễn ra từ nhiều năm qua, và thầy chưa hề gây ảnh hưởng không tốt đến bất cứ ai. Do vậy, nếu vì lý do nào đó mà người Phật tử suy giảm niềm tin đối với một số tăng ni thì cần xem lại chính các vị đó, không có lý do gì để đổ lỗi cho thầy Minh Tuệ.

Việc tu theo chánh pháp không phải là độc quyền của riêng ai. Và chánh pháp của Phật cũng không chỉ riêng là việc khất thực hay theo hạnh đầu đà… Còn có rất nhiều pháp môn khác được chỉ bày trong kinh điển, mà với bất cứ pháp môn nào trong số đó, chỉ cần người hành trì thực sự chuyên tâm tu tập cầu giải thoát, chắc chắn người Phật tử thành tín sẽ hết lòng kính ngưỡng, tôn trọng.

Một số người đã đi quá xa khi so sánh việc thầy Minh Tuệ khất thực và theo hạnh đầu đà làm chia rẽ tăng đoàn, là phá hòa hợp tăng. Họ so sánh với trường hợp của Đề-bà-đạt-đa thuở xưa đã đề xuất 5 điều cực đoan nhưng bị đức Phật từ chối. Lập luận này có thể thấy ngay là hoàn toàn vô lý. Đề-bà-đạt-đa là người chủ động đề xuất, kêu gọi những điều mà đức Phật biết rằng không thích hợp để áp dụng chung cho tất cả các tỳ-kheo, cho nên Phật đã không chấp nhận. Còn trường hợp thầy Minh Tuệ, theo cách nhìn của những người này có thể cho là đã tu tập một cách cực đoan vì cũng không thể áp dụng cho tất cả các tỳ-kheo, nhưng khác biệt hoàn toàn ở đây là thầy Minh Tuệ không hề kêu gọi hay lôi kéo bất cứ ai tu tập theo giống mình. Và thầy Minh Tuệ cũng không tự chế ra “pháp tu mới” như nhiều người lầm tưởng. Những gì thầy đang thực hành đều có ghi chép trong Kinh điển. Cho nên quy kết như trên là vô lý và thiển cận.

Trong thực tế, chúng ta quả thật đã thấy có sự chia rẽ trong hàng ngũ tăng ni qua sự kiện này, nhưng nói chính xác thì đây chỉ là sự chia rẽ giữa một số các vị tăng, hoàn toàn không thể gọi là chia rẽ tăng đoàn, càng không liên quan gì đến trường hợp gọi là “phá hòa hợp tăng”. Một tăng đoàn hòa hợp thì chắc chắn sẽ càng tinh tấn hòa hợp hơn nữa qua sự kiện này. Sự chia rẽ mà chúng ta nhìn thấy trong những ngày qua chính là những luồng ý kiến khác nhau từ chính các vị tăng sĩ, như tôi đang đề cập. Kẻ khen người chê, không chấp nhận ý kiến của nhau thì tự gây ra chia rẽ, điều đó không liên quan đến một tăng đoàn hòa hợp đúng nghĩa tu tập theo lời Phật dạy.

NHỮNG LỜI KHEN NGỢI

Đã có rất nhiều ý kiến khen ngợi, ca tụng thầy Minh Tuệ, và rõ rệt hơn nữa là đã có hàng ngàn người đổ ra đường để chờ đón thầy hoặc để đi theo thầy, cùng theo thầy vào cả những nghĩa trang hay bãi đất trống khi thầy dừng nghỉ. Sự cung kính của người Phật tử đối với một bậc tu hành là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng, ngay cả khi khen ngợi hay ca tụng ai thì sự khen ngợi hay ca tụng đó cũng cần phải đúng đắn, hợp lý thì mới thực sự có giá trị. Trong thực tế, đối với một bậc chân tu thì sự ca tụng hay tôn thờ không đúng mức còn là một chướng duyên rất lớn cho vị ấy. Chúng tôi sẽ không lặp lại tất cả những lời khen ngợi đối với thầy Minh Tuệ, mà chỉ nêu ra ở đây một vài điểm mà theo chúng tôi là thực sự chưa thích hợp.

1. Thầy Minh Tuệ tu hạnh đầu đà là một tầng bậc cao hơn giới luật, chỉ có pháp tu này mới mau giải thoát.

Rất nhiều người đã khen ngợi, ca tụng thầy nhưng hoàn toàn không đúng ở điểm này. Chúng ta sẽ thử tìm hiểu qua lời Phật dạy về vấn đề này để thấy được chỗ không đúng. Những gì trình bày dưới đây sẽ cố gắng y cứ vào Kinh điển và Giáo pháp, hoàn toàn không phải ý kiến chủ quan của người viết.

Trước hết, hạnh đầu đà hoàn toàn không phải là một pháp tu. Do đó, nếu một người suốt đời hay thậm chí nhiều đời nhiều kiếp chỉ giữ theo 12 hạnh đầu đà, người đó cũng không bao giờ đạt đến sự giải thoát, không bao giờ giác ngộ.

Thứ hai, hạnh đầu đà khác với giới luật và càng không phải là một tầng bậc cao hơn giới luật, mặc dù chúng ta thấy có vẻ như giữ theo hạnh đầu đà là khó khăn hơn. Đức Phật chưa bao giờ dạy rằng các vị tỳ-kheo phải theo hạnh đầu đà mới đạt được sự giải thoát, giác ngộ.

Thứ ba, hạnh đầu đà khác với khổ hạnh, không phải là khổ hạnh. Chữ đầu đà (dhūta) cũng được phiên âm là đẩu tẩu (抖擻), mang ý nghĩa là rũ bỏ, dẹp bỏ, nghĩa là những hạnh này có công năng giúp người tu tập rũ bỏ, dẹp bỏ tâm tham dục, sân hận, ái luyến...

Các hạnh đầu đà có thể rất khó thực hành đối với người bình thường, nhưng thật ra không quá cực đoan và ép xác như người tu khổ hạnh. Chính Đức Phật đã từ bỏ lối tu khổ hạnh nên không có lý do gì ngài lại dạy đệ tử tu khổ hạnh, ép xác. Do vậy, nếu chúng ta gọi các hạnh đầu đà là “khổ hạnh” hoặc “đầu đà khổ hạnh” đều là sai ý nghĩa.

Lấy ví dụ, hạnh đầu đà thứ 5 nói rằng: “Ăn điều độ, có chừng mực.” Đây không thể xem là khổ hạnh. Có người giải thích rằng “chỉ ăn một nắm cơm trong bát”. Không phải như vậy. Bình bát của vị khất sĩ được gọi là ứng lượng khí (應量器), tức là vật chứa tùy theo lượng mức cần thiết. Điều này có nghĩa là, nếu một vị tỳ kheo cần một lượng thức ăn nhiều mới đủ bữa, vị ấy có thể chọn một bình bát hơi lớn hơn; ngược lại, nếu ăn ít thì sẽ chọn một bình bát nhỏ hơn cho phù hợp (ứng lượng). Đức Phật không dạy rằng người tu phải ăn uống thiếu đói, mà dạy rằng nên ăn vừa đủ, biết đủ. Trong Quy Sơn cảnh sách văn, Tổ Quy Sơn nói “tam thường bất túc” (3 chuyện ăn, mặc và ngủ nghỉ đừng cho đến mức đủ). Điều này có nghĩa là, một vị tỳ-kheo nếu ăn 3 chén cơm là vừa no, thì gần đến mức no đủ, vị ấy nên bớt lại một chút (bất túc), chứ không có nghĩa là ăn quá ít, ăn đói. Như vậy, nếu một vị thân hình to lớn, có nhu cầu ăn nhiều hơn, cần đến 6 chén, thì vị ấy vẫn được ăn đủ 6 chén, nhưng khi ăn đến chén cuối cùng, lúc đã gần no đủ thì nên bớt lại một chút. Trong Pháp Hoa văn cú, Đại sư Trí Khải giải thích về hạnh đầu đà này: “多食難消生睡懈怠, 少食饑縣乏力故節量食。 - Đa thực nan tiêu sanh thụy giải đãi, thiểu thực cơ huyền phạp lực, cố tiết lượng thực.” (Ăn quá no thì khó tiêu hóa, sinh ra buồn ngủ và lười biếng; ăn quá ít thì đói gầy mất sức, cho nên phải ăn uống tiết chế vừa đủ.) Chúng ta thấy rõ, đây hoàn toàn không phải là khổ hạnh.

Và như hạnh thứ 12, khi nghỉ ngơi chỉ ngồi không nằm, có vẻ như rất khó thực hiện đối với người bình thường. Nhưng một vị hành giả tu tập có ý chí kiên cường khổ luyện thì trải qua một thời gian rồi sẽ thấy là bình thường, có thể thực hiện được mỗi ngày mà không phải đau đớn khổ nhọc gì. Đó là do cơ thể khi được luyện tập sẽ có khả năng thích nghi. Và đối với những ai có thực hành thiền tọa nhiều đều biết, nếu ngồi đúng tư thế thiền tọa để nghỉ ngơi thì cơ thể vẫn chấp nhận được. Cho nên đây cũng không thể gọi là khổ hạnh.

Ngoài ra, trong trường hợp đang đề cập, chúng ta cần tìm hiểu và phân biệt thật rõ ràng 3 khái niệm khác nhau sau đây.

Thứ nhất là giới hay giới luật. Đây là những điều mà bất cứ người Phật tử chân chánh nào cũng phải thọ trì, nghĩa là thọ nhận và gìn giữ làm theo trong suốt cuộc đời mình. Người cư sĩ có 5 giới, vị sa-di có 10 giới, vị tỳ-kheo có 250 giới, vị tỳ-kheo-ni có 348 giới (theo Tứ phần luật). Những giới luật này là bắt buộc đối với một người đệ tử Phật, trong ý nghĩa là nếu không giữ giới thì người ấy không còn là đệ tử Phật. Một người cư sĩ Phật tử nếu không giữ theo 5 giới thì danh xưng Phật tử đó không chân chánh, không đúng nghĩa.

Thứ hai là pháp môn tu. Phật dạy nhiều pháp môn tu, tùy theo căn cơ, hoàn cảnh riêng của mỗi người đều có thể tự chọn cho mình một pháp môn tu thích hợp. Có người tu thiền, có người tu Tịnh độ… Mỗi pháp môn tu đều nên có thầy truyền dạy và hướng dẫn để sự tu tập không sai lệch.

Thứ ba là các công hạnh. Hạnh đầu đà là một trong số rất nhiều công hạnh mà người tu có thể phát nguyện làm theo, gọi là lập hạnh. Có người lập hạnh chăm sóc người già, có người lập hạnh bố thí, có người nguyện giữ theo 12 hạnh đầu đà… Vào thời đức Phật, ngài Ma-ha Ca-diếp là người theo hạnh đầu đà và được đức Phật khen ngợi, gọi là Đầu đà Đệ nhất. Vì ngài được Phật khen là “đệ nhất” nên chúng ta biết rằng ngoài ngài Ca-diếp ra, hẳn còn có nhiều vị khác nữa cũng theo hạnh đầu đà, cho nên đức Phật mới so sánh và gọi ngài là “đệ nhất”.

Khi một người Phật tử bước vào con đường tu tập thì quan trọng nhất và trước hết là phải thọ giới, giữ giới. Chính vì tầm quan trọng này, đức Phật từng dạy trong kinh Đại Bát Niết-bàn rằng sau khi ngài nhập diệt, các vị tỳ-kheo phải “lấy giới luật làm thầy”. Nếu một tỳ-kheo không giữ giới luật thì không còn là tỳ-kheo nữa.

Sau khi đã thọ giới, người tu hành cần phải chọn một pháp môn tu. Chính pháp môn tu mới là con đường đưa đến sự giải thoát, giác ngộ. Pháp môn tu giúp ta nhận biết về chứng nghiệm chân lý, ở đây là bốn chân đế (Tứ diệu đế) do đức Phật thuyết giảng. Khi tu tập theo pháp môn đã chọn, chúng ta giảm bớt tham, sân, si, phiền não… Sự giảm dần này nếu được duy trì và ta cứ tiếp tục tu tập tinh tấn thì mỗi ngày sẽ càng thêm thanh thản, an lạc. Đó chính là hướng dần đến sự giải thoát.

Cuối cùng, việc lập hạnh là một phương tiện hỗ trợ trên đường tu. Người tu hành có lập hạnh và kiên trì giữ hạnh tu thì việc tu tập sẽ hiệu quả hơn. Có thể hình dung giống như một chiếc xe, nếu được lắp thêm động cơ phụ sẽ chạy nhanh hơn. 12 hạnh đầu đà có thể nói là một loại “động cơ phụ” rất mạnh mẽ, cho nên nếu người tu tập có thể giữ theo các hạnh này thì sự tu tập sẽ càng tinh tấn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bản thân các hạnh đầu đà không phải một pháp tu, nên chỉ có thể có tác dụng trợ giúp mà thôi.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý một số điểm tương đồng giữa giới luật và các hạnh đầu đà. Chẳng hạn như hạnh thứ 4, “mỗi ngày chỉ ăn một bữa” thật ra vào thời đức Phật là áp dụng cho tất cả các vị tỳ-kheo, không cần phải là người theo hạnh đầu đà. Người nào ăn sau giờ ngọ (giữa trưa) gọi là ăn “phi thời”, nghĩa là không đúng giờ, trái giờ. Hoặc như hạnh thứ 8, “chỉ có 3 tấm y”, thật ra là cũng được áp dụng cho tất cả các tỳ-kheo vào thời đức Phật, không chỉ riêng với người theo hạnh đầu đà. Tuy nói là “ba y” nhưng thật ra chỉ là ba phần khác nhau để hợp lại thành một bộ y phục đầy đủ. Và người tu hành chỉ có một bộ đó thôi. Đức Phật đã chế định, các vị tỳ-kheo không được nhận và cất giữ dư thừa, nhiều hơn số đó. Điều khác biệt ở đây là một vị tỳ-kheo bình thường có thể nhận y do thí chủ may sẵn cúng dường, nhưng nếu đã theo 12 hạnh đầu đà thì không được nhận, mà phải tự mình nhặt vải, may thành y phẩn tảo để sử dụng. Và tấm y phẩn tảo đó phải được sử dụng cho đến khi nào hư mục, không thể nào chắp vá được nữa mới được phép thay tấm y khác.

Tóm lại, thầy Minh Tuệ thực hành hạnh đầu đà là rất đáng kính trọng, nhưng đó không phải là “cao hơn giới luật”, cũng không phải là “pháp tu duy nhất để giải thoát”. Chắc chắn thầy Minh Tuệ cũng đã chọn cho mình một pháp tu nào đó ngoài việc giữ theo các hạnh đầu đà.

2. Khen ngợi, xưng tán thầy Minh Tuệ kèm theo việc so sánh để chỉ trích, phê phán người khác

Rất nhiều người ngợi khen, xưng tán thầy Minh Tuệ nhưng kèm theo đó là so sánh thầy với những người khác để chỉ trích, phê phán. Điều này thật ra cũng không có gì sai trái theo quan niệm thế tục, nhưng từ góc nhìn của người Phật tử là không nên làm.

Thứ nhất, khi chúng ta tán thán, hoan hỷ với thiện hạnh của một người, trong lòng ta khởi sinh một niềm vui nhẹ nhàng, trong sáng, ta có được công đức của sự tùy hỷ. Đức Phật cũng nhiều lần khuyến khích điều này. Có rất nhiều việc chúng ta biết là tốt đẹp nhưng tự thân ta chưa làm được, khi thấy người khác làm được, ta hoan hỷ chúc mừng, vui theo với niềm vui thành tựu của người khác, đó là tùy hỷ. Tất nhiên, hình ảnh thầy Minh Tuệ tinh tấn tu tập theo chánh pháp là một điều khiến chúng ta vui mừng, tán thán, nên việc xưng tán thầy cũng giúp ta có được niềm vui tùy hỷ. Thế nhưng nếu kèm theo đó ta khởi tâm so sánh và chỉ trích, phê phán người khác, cho dù là phê phán không sai, nhưng chính trong tâm ta đã tự nhiên mất đi niềm hoan hỷ ban đầu. Như vậy, đây là điều không có lợi cho chính chúng ta.

Chúng ta vẫn có thể và cần phải phê phán những điều sai trái, gây tổn hại niềm tin đối với chánh pháp, nhưng ta nên làm điều đó vào một lúc khác, một thời điểm khác sẽ tốt hơn, thay vì kết hợp “hai trong một” vào lúc này.

Thứ hai, khi chúng ta sử dụng hình ảnh thầy Minh Tuệ để so sánh với những người ta muốn phê phán, vô hình trung ta đã tạo ra một sự đối lập, tương phản giữa hai bên, và như vậy là lôi kéo thầy vào vòng thị phi, tranh cãi, một điều mà chắc chắn thầy đã từ bỏ. Xét về lý, ta đã không nên làm như vậy; còn xét về tình, tức là về mặt cảm tính, ta vô tình khiến cho thầy trở thành đối tượng của sự ganh ghét, thù nghịch, và điều đó cũng không nên.

Thứ ba, những phê phán loại này thật ra thường chỉ thỏa mãn tâm lý của người phê phán mà không thực sự có tính thuyết phục cao đối với người khác. Trong tranh biện, muốn chỉ ra sai trái của một người chúng ta phải dựa trên những tiêu chuẩn khách quan, không thể dựa trên sự so sánh với người khác. Nói một cách cụ thể, nếu A sai thì phải do A đã làm trái với những tiêu chuẩn đúng nào đó, và điều này phải được chứng minh một cách độc lập, chứ không thể kết luận A sai chỉ vì so sánh với B đúng. Cho nên, muốn phê phán một cách thật thuyết phục, chúng ta cần chỉ ra những điểm sai trái cụ thể thay vì mang ra so sánh như trong trường hợp này.

3. Bày tỏ sự tôn kính thái quá

Việc bày tỏ thái độ tôn kính là quyền của mỗi người và không có gì sai trái. Tuy nhiên, những ngày qua khi số người ngưỡng mộ thầy Minh Tuệ đã lên đến hàng ngàn người, cùng lúc đổ xô ra đường để chờ đón thầy, đi theo thầy… thì rõ ràng sự bày tỏ đó đã tạo thành vấn đề. Trên nhiều đoạn đường, người ủng hộ thầy quá đông đã tràn ngập cả mặt đường, gây tắt nghẽn giao thông.

Sự bày tỏ thái quá này rõ ràng có thể tạo ra khó khăn cho sự tu tập của thầy Minh Tuệ. Thầy đã độc hành như thế nhiều năm qua, đó là pháp tu tập của thầy. Nay mỗi ngày đều phải đi giữa dòng người đông nghịt và không còn một chỗ nghỉ ngơi nào thật sự yên tĩnh, thanh vắng, chắc chắn không phải là điều thầy mong muốn. Tuy rằng sự tôn kính của Phật tử đối với một người tu hành chân chánh là đáng trân trọng, nhưng nếu sự bày tỏ đó có chừng mực hơn, hợp lý hơn thì sẽ thuận lợi cho thầy hơn trên con đường tu tập.

Nhiều người cho rằng đó cũng là thử thách để thầy tu tiến. Tất nhiên điều này không sai, nhưng nếu mỗi người Phật tử ngưỡng mộ thầy đều có sự suy xét hợp lý thì tôi tin rằng họ sẽ không muốn tạo ra tình huống khó khăn như thế cho thầy. Việc đổ xô đi theo thầy quá đông không mang lại lợi ích gì cho tự thân ngoài việc bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn kính. Tốt hơn, chúng ta nên biến lòng ngưỡng mộ tôn kính đó thành động lực tu tập để nỗ lực thực hành và hoàn thiện bản thân mình. Khi chúng ta làm được như vậy, chẳng những tự thân ta được lợi lạc mà chắc chắn thầy cũng được chia sẻ một phần công đức giáo hóa. Đây mới chính là ý nghĩa tôn kính thiết thực nhất.

Theo một chiều hướng khác, nhiều người lại ca tụng thầy Minh Tuệ như một vị thánh sống, là Phật Di-lặc ra đời… Đây là một sự sai lầm, lệch hướng nghiêm trọng. Đối với một người đã tự nói rằng mình đang “tập học” thì sự tôn xưng thái quá không phải là yêu kính thầy, mà thực sự đang vô tình gây khó cho thầy. Trong thực tế, ở cõi phàm thánh đồng cư này, chúng ta là những người phàm mắt thịt thì ngay cả khi có duyên may ở bên cạnh một vị thánh cũng không thể nào nhận biết. Còn việc chỉ dựa vào những gì đã nghe biết về thầy Minh Tuệ mà tôn xưng thầy là bậc thánh thì e là có phần thái quá. Hơn nữa, việc tôn xưng như thế cũng không giúp gì cho sự tu tập của thầy cũng như của chính chúng ta. Tốt nhất, hãy xem thầy là một bậc thầy, qua việc thực hành tinh tấn và nghiêm túc lời Phật dạy đã nêu cho chúng ta một tấm gương sáng để nhìn theo và học hỏi.

NIỀM VUI VÀ NỖI BUỒN

Chỉ một thời gian ngắn sau khi “hiện tượng thầy Minh Tuệ” tràn ngập trên các trang mạng xã hội, nhiều hệ quả khác nhau đã phát sinh. Mặc dù thầy Minh Tuệ đã tu tập theo cách này từ nhiều năm qua, nhưng chỉ một thời gian rất ngắn gần đây, khi các Youtuber, Tiktoker, Facebooker gần như liên tục đưa lên những hình ảnh, câu chuyện về thầy, thì những ảnh hưởng rộng khắp mới bắt đầu phát sinh theo nhiều chiều hướng khác nhau.

Trong thực tế, những hành giả Phật giáo có sự thực hành giống như thầy Minh Tuệ cũng rất nhiều. Tại hầu hết các nước theo truyền thống Nam tông, các vị tỳ-kheo đều nghiêm túc duy trì truyền thống khất thực mỗi ngày, ngay cả khi họ tu tập cố định ở một trụ xứ. Và số người thực hành viễn du để tu tập cũng không ít. Tại Thái Lan, các hành giả tu tập theo truyền thống Thiền trong rừng (Forest Tradition) của ngài Ajahn Chah cũng có nếp sống vô cùng khắc khổ, thiếu thốn nhiều tiện nghi nếu so với cuộc sống của người bình thường. Người Phật tử ở những nơi đó tuy tôn kính các vị nhưng không “bộc phát” thành một hiện tượng quá ồn ào như ta vừa chứng kiến.

Điều này hẳn phải có nguyên nhân khác biệt của nó. Khi nhìn thấy sự bày tỏ tín tâm của hàng ngàn Phật tử nơi thầy đi qua và rất nhiều những chia sẻ tích cực từ khắp nơi trên mạng Internet, chúng ta không thể không vui mừng khi thấy ít ra là niềm tin đối với chánh pháp của đức Thế Tôn vẫn đang tiềm tàng trong tâm thức người Phật tử Việt Nam ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, từ sự bày tỏ lòng tôn kính theo cách hơi thái quá và có phần “bất thường” của đông đảo những người Phật tử, chúng ta có thể nhìn thấy được phía sau đó là một sự khát khao, thiếu thốn sự dẫn dắt và nêu gương của các bậc chân tu Phật giáo. Việc thầy Minh Tuệ không nhận tiền cúng dường của bất cứ ai mà chỉ xin thực phẩm vừa đủ ăn mỗi ngày một lần, đúng ra chỉ là điều rất bình thường theo đúng lời Phật dạy, thì lại trở thành một “hiện tượng rất lạ” đối với nhiều người dân. Đó là vì xưa nay họ chưa từng gặp!

Và bàn đến việc này thì quả thật có nhiều vấn đề nan giải, nhưng nếu muốn Phật giáo phát triển lành mạnh và dài lâu thì không thể không đề cập đến. Việc đức Phật chế định trong giới luật “盡形壽不得捉持生像金銀寶物- tận hình thọ bất đắc tróc trì sanh tượng kim ngân bảo vật” (vị tỳ-kheo suốt đời không được cất giữ tiền, vàng, vật quý) là điều không ai có thể phủ nhận được. Thế nhưng, liệu điều giới này phải được vận dụng, giữ theo như thế nào trong thời đại hiện nay thì quả thật không dễ dàng nói được.

Nếu nói rằng đã là giới luật là nhất thiết phải y theo, thì chúng ta cũng phải thừa nhận ngay là hầu như mọi sinh hoạt Phật giáo trong hiện tại sẽ hoàn toàn tê liệt. Tuy nhiên, theo chiều hướng ngược lại, nếu một vị tỳ-kheo lại hầu như quên hẳn đi, xem như chưa từng nghe biết đến điều giới này, thì cũng là điều hoàn toàn không thể chấp nhận. Bởi vì điều đó rõ ràng dễ dàng dẫn đến sự lạm dụng niềm tin của tín thí, dẫn đến sự phóng túng buông thả và thậm chí là sa đọa trong nếp sống của nhiều tăng sĩ. Nói như vậy cũng không phải là quá lo xa, mà thật ra là đang đề cập đến những gì đã và đang diễn ra trong giai đoạn gần đây. Và đây là một nỗi buồn rất lớn cho mọi người Phật tử, cho tương lai đạo pháp.

Trước thực trạng đó, nhiều Phật tử đã phản ứng bằng cách không tiếc lời chê bai, công kích hoặc châm biếm những kẻ sa đọa mà họ gọi là “ma tăng”, sử dụng tiền cúng dường của tín thí cho cuộc sống xa hoa của riêng mình. Những phê phán của họ không sai, và từ quan điểm tích cực, có thể đó là điều cần thiết để thức tỉnh những tín đồ mê muội đang vây quanh các “ma tăng” này. Nhưng thực tế cho thấy dường như điều đó chưa thực sự mang lại kết quả. Và đây cũng là một nỗi buồn lớn cho người Phật tử, khi hình ảnh cao quý của chư tăng bị hoen ố bởi chính những người đang giữ trọng trách hoằng truyền lời Phật dạy.

Hình ảnh thầy Minh Tuệ xuất hiện vào lúc này cùng với hiện tượng xôn xao trong những ngày qua dường như gợi mở một điều gì đó để chúng ta có quyền hy vọng. Những bước chân thầm lặng của một con người tự hạ thấp mình, hạ thấp mọi nhu cầu vật chất của bản thân xuống đến mức tối thiểu, giờ đây dường như đang phát ra âm vang hùng hồn còn hơn cả vạn lời thuyết giảng. Điều này chứng minh một thực tế là, hạt giống thiện lành trong lòng người Phật tử Việt Nam ở khắp mọi nơi vẫn đang còn nguyên đó, nhưng không thể được khơi dậy bởi những lời thuyết giảng suông hay những lý thuyết cao siêu xa vời. Người Phật tử cần có một hình mẫu thực tế để chứng minh một cách giản dị nhưng đầy thuyết phục, rằng một đời sống tu tập theo đúng lời Phật dạy là có thể, và có một con người bằng xương bằng thịt đã và đang thực hành như vậy nhiều năm qua.

Trong hàng triệu Phật tử Việt Nam, hiện có bao nhiêu người có thể tu tập như thầy Minh Tuệ? Tôi không có ý nói đến việc “rập khuôn” với pháp bộ hành như thầy, nhưng chỉ cần là thực sự chuyên tâm tu tập theo đúng lời Phật dạy. Ở đâu đó trên đất nước này, tôi tin chắc chắn là vẫn có những vị tăng, ni với đạo tâm kiên cố và tấm lòng thiết tha với đạo pháp đang âm thầm tu tập như vậy, nhưng ít người biết đến. Thầy Minh Tuệ chỉ là một trong số họ vừa được công chúng nhìn thấy do những nhân duyên tình cờ, nhưng có thể chính là một gợi mở để cộng đồng Phật tử được biết đến nhiều người khác. Sẽ thế nào nếu chúng ta có được hai, ba… cho đến rất nhiều vị tiếp tục hiện ra? Sẽ thế nào nếu sẽ có một, hai, ba… cho đến nhiều ngôi chùa mà tăng chúng ở đó ai cũng “tam y nhất bát”, mỗi ngày chỉ nhận cúng dường thực phẩm vừa đủ ăn và nỗ lực tinh cần tu tập? Cho dù các vị ấy không thuyết pháp, những Phật tử vây quanh các vị cũng sẽ luôn được thấm nhuần pháp vị, và chắc chắn là niềm tin vào Tam bảo của họ sẽ ngày càng kiên cố hơn. Tuy nhiên, với sự chuyên tâm tu tập đúng chánh pháp và học hỏi kinh điển thì chắc chắn là bất kỳ điều các vị nói ra sau đó cũng đều sẽ là chánh pháp.

Đức Thế Tôn dạy rằng, tất cả các pháp đều do nhân duyên. Hợp, tan, thành, hoại cũng đều do nhân duyên. Nếu duyên lành đã đến, hẳn những điều như trên sẽ không chỉ còn là mơ ước của người Phật tử. Nhưng nếu nhân duyên không hội đủ, thì ít ra đây cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh, và người Phật tử phải luôn nhớ rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì nỗ lực tu tập của tự thân mỗi người vẫn luôn là yếu tố quyết định cuộc đời của chính mình.

LỜI KẾT

Anh Đỗ Hồng Ngọc kể lại rằng, một lần anh đến thăm Hòa thượng Thích Thanh Từ và thưa hỏi nhiều chuyện. Lúc ra về anh thưa: “Nãy giờ học với thầy nhiều quá, giờ xin thầy một chữ thôi trước khi về.” Thầy cười và nói đúng một chữ: “Buông.”
Thật tuyệt vời! Tôi rất tâm đắc với sự “tóm gọn” này. Suy cho cùng, cuộc đời của mỗi chúng ta từ lúc bắt đầu ngậm bầu sữa mẹ là đã bắt đầu bám chấp, khi thấy có người đến gần là đưa tay che bầu sữa bên kia để “giữ” cho riêng mình. Càng lớn lên, những thứ mà ta bám chấp cũng ngày càng nhiều hơn chứ không chỉ là việc đưa bàn tay bé tí xíu che bầu sữa mẹ. Thế rồi có duyên lành đến với Phật pháp, ta học được biết bao điều cao quý, nhưng xét cho cùng bất cứ điều nào trong số đó dường như cũng đều hướng ta đến sự buông xả. Rồi trải qua biết bao nhiêu vùi dập khổ đau trong cuộc sống, cuối cùng chúng ta mới có thể nhận ra một điều đơn giản là, càng buông được nhiều thứ, cuộc sống ta càng thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Và hơn thế nữa, còn có một quy luật bất biến muôn đời là, cho dù ta không học được cách buông xả thì đến phút cuối đời rồi ta cũng phải buông tất cả.


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Hình ảnh thầy Minh Tuệ đầu trần chân đất thanh thản bước trên đường đã cho tôi một ấn tượng vô cùng sống động về chữ “buông”. Ở hình ảnh đó, nếu xét theo những nhu cầu của một con người đang sống, dường như ta không còn tìm được bất cứ một thứ gì để có thể buông ra được nữa. Một tấm y không thể dùng cho ai khác, một ruột nồi cơm điện nếu vất đi e rằng cũng không có người nhặt lấy. Và chỉ có vậy, không còn gì khác trên tấm thân xác thịt của thầy. Ấy vậy mà có lúc thầy đã nói: “Con chỉ còn cái mạng này, nếu còn sống thì con tu tiếp.” Hóa ra mạng sống mới chính là tài sản quý giá nhất thầy chưa buông, vì còn đang giữ lại để tu tiếp.


Có phần chắc chắn là trong một thời gian nữa những quan tâm đến thầy Minh Tuệ sẽ dần dần lắng xuống. Và tôi mong là như vậy, để thầy có thể tiếp tục những bước chân tu tập an tĩnh và yên vui. Mặc dù vậy, hình ảnh đơn sơ mộc mạc của thầy trong những ngày qua đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Tôi tin rằng điều này cũng xảy ra với nhiều Phật tử khác. Chúng ta luôn cảm thấy mình còn thiếu thốn điều này, vật khác, nhưng khi soi vào tấm gương thầy Minh Tuệ, ta mới nhận ra mình có quá nhiều, thậm chí là thừa thãi. Chỉ riêng một điều này thôi, chắc chắn đã làm cho cuộc sống của chúng ta nhẹ nhàng hơn rất nhiều, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Cho dù chúng ta đã đọc hiểu lời dạy của đức Thế Tôn không biết bao nhiêu lần, tất cả chúng ta đều cần đến sự minh họa sống động cho những lời dạy ấy. Và đó chính là vai trò của những bậc chân tu khi xuất hiện ở đời.

Đức Phật dạy rằng: “Tâm thức vô thường, dị sinh dị diệt.” Phàm phu chúng ta dù nỗ lực tu tập đến đâu cũng còn chưa thể biết chắc được ngày mai. Một năm, hai năm hay mười năm nữa, chúng ta không thể chắc chắn rằng thầy Minh Tuệ có còn giữ được “chân cứng đá mềm” như những năm qua. Nhưng điều đó không hề gì. Ngọn đèn phước tuệ chỉ một lần tỏa sáng cũng đã đủ để giúp ta soi thấy những góc khuất trong chính tâm hồn mình. Sự hoàn thiện của mỗi người vẫn thuộc về nỗ lực của chính bản thân mình. Tôi thực sự vui mừng với cơ duyên được biết đến hình ảnh tu tập của thầy Minh Tuệ, và bên cạnh thực trạng Phật giáo nước nhà đang đầy dẫy những biến tướng đáng buồn, hình ảnh đơn sơ mộc mạc của thầy như một điểm lóe sáng để chúng ta nhen nhúm lên những hy vọng về tương lai.


Nguồn:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



.


Thanked by 2 Members:

#5 FM_daubac

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 7008 Bài viết:
  • 5607 thanks

Gửi vào 19/05/2024 - 06:11

HẠNH ĐẦU ĐÀ CÓ ĐÁNG LO ?

Nguyễn Thanh Huy


Từ khi sư Minh Tuệ xuất hiện thì khái niệm “đầu đà” mới được nhiều người biết tới. Cũng phải thôi, vì đại chúng lâu nay có thấy vị sư nào tu như thế đâu. Hai tiếng “đầu đà” bỗng nhiên được bàn luận xôn xao muôn nơi khắp nẻo.

Có một nhân vật lịch sử, được suy tôn Phật hoàng, đó là vua Trần Nhân Tông (陳仁宗), sinh ngày 7/12/1258 , nhập diệt 14/12/1308.

Ông là bậc minh quân, là một chính trị gia kiệt xuất, là nhà quân sự lỗi lạc, là nhà văn hóa lớn và là nhà thơ tài hoa. Đồng thời ông còn là một thiền sư, nhưng không mấy ai nhớ, ông từng tu theo hạnh đầu đà.

Sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ 3, vua nhường ngôi cho thái tử, xuất gia tu hành (đi khất thực); rồi lên núi Yên Tử thiền định, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sau lại đổi thành Trúc Lâm đại sĩ.

Nhắc lại sử để ôn cố tri tân, để thấy rằng xưa cha ông đã làm thì nay càng nên trân trọng, nhất là khi nhân loại đang có nhiều khủng hoảng, suy vi giữa thời mạt thế.

Hạnh tu này không cần phân tích nữa mà chỉ nên tán thán. Ai lựa chọn con đường này, tất yếu, sẽ nhận được sự kính trọng, ngưỡng vọng của tha nhân.

Đạo Phật là một tôn giáo từ bi và trí tuệ, giúp con người biết thương yêu nhau hơn, giúp con người thoát khỏi những trần lao nơi cõi tạm.

Trong các giáo lý nhà Phật, chữ Duyên là một khái niệm quan trọng. Vì nó chính là sự tiếp nối trong quá trình chuyển từ nhân thành quả. Duyên chính là điều kiện sinh ra vạn pháp. Sự tồn tại của mỗi cá nhân trên đời này cũng nhờ duyên. Do vậy sự có mặt hôm nay của một ông sư tu hạnh đầu đà (học theo lời Đức Phật) chẳng phải cũng do duyên đó sao!

Sư Minh Tuệ* xuất hiện với diện mạo và hành trạng là một thân hình còm nhom nhỏ bé, một cái đầu trọc, một bộ y chấp vá và chỉ biết đi bộ chân trần, vậy thì có gì đáng lo? Hay chính cái bộ dạng dị hợm này mà toát lên một loại sức mạnh ghê gớm? Hay sự ghê gớm của ông chính từ chỗ ông chẳng có bất cứ thứ gì, từ tiền bạc, ô tô, nhà cửa, ngay cả đến miếng ăn cũng phải đi xin?

Lạ nhi? Thật khó nghĩ cho thông!

Nỗi sợ của con người thực chất là do chúng ta thường làm những việc bất thiện, điều đó ám vào tâm trí những lo lắng, bất an. Ngược lại khi con người buông xả và hành thiện thì tự khắc trong tâm an minh.

Sư Minh Tuệ, đời ổng, đã xác định ngay cái thân mạng còn không tiếc nên sư mới chọn cách tu mà hành cái xác đó thôi. Còm cỏi, đen đúa, chai sạn…

Suốt ngày sư đi, đi mấy năm như thế rồi, có làm sao đâu! Vì trên đời này chắc chắn không có một luật pháp nào phi nhân đến độ không cho con người ta tu/ tự tu.

Tu là gì? Là sửa, sửa sao cho con người mình ngày một tốt hơn.

Đến hôm nay, sư đi, thiên hạ kéo theo, kẻ hiếu kì quay phim chụp ảnh, người lợi dụng làm điều xằng bậy, kẻ u mê cuồng tín lên đồng…

Tất cả những điều ấy sư chắc chắn chẳng mong cầu, vì cái sư cần là những trải nghiệm và sự tĩnh lặng để tu tâm. Nhưng vốn là một hành giả hành thiền nên sư phải cố dằn tâm chế ngự. Sư không trách ai, không giận ai thì đúng ra chúng ta càng phải cảm thông và chia sẻ với ông hơn.

Lẽ ra, với tinh thần từ bi, bác ái của đạo Phật thì sư sẽ nhận được lòng bao dung, che chở từ những người đồng tu, đồng đạo; hoặc họ ở ngôi cao với những phẩm này hàm nọ thì cũng nên có chút lòng bố thí. Đằng này thì…

Sư Minh Tuệ bị tước luôn quyền được làm một tu sĩ (với tư cách là người tu, đệ tử của Thích Ca). Phải chăng theo Phật là một đặc quyền được cấp phát? Hay Đức Phật là độc quyền của riêng ai?

Nhà Phật xưa nay vẫn dạy con người nên biết sám hối để chuộc lỗi lầm, để tâm được an nhiên thanh thản. Đạo Phật cũng luôn dạy kẻ sai đường biết “hồi đầu thị ngạn”.

Vậy, nếu một quyết định vội vàng, thiếu từ bi, phi bác ái; liệu rằng, với tư cách con Phật “chính danh”, những ai đó có đủ dũng khí mà thành tâm sám hối hay không ?

———

Chú thích:

(*) Tôi vẫn thích gọi “Sư Minh Tuệ”, vì ngôn ngữ là của một cộng đồng. không ai có quyền áp đặt.

———
Nha Trang, 17/05/2024

Nguyễn Thanh Huy

Giảng viên Ngôn ngữ (Trường Đại học Khánh Hòa)

Liên hệ:

Facebook:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Email: thanhhuy1979@gmail.com


Nguồn:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



.


Thanked by 1 Member:

#6 FM_daubac

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 7008 Bài viết:
  • 5607 thanks

Gửi vào 19/05/2024 - 06:22

ÔNG THÍCH MINH TUỆ NÓI
"Chưa từng nhận mình là tu sĩ”

Đức Hùng - Trần Hóa

Tâm Anh chuyển ngữ




Ông Thích Minh Tuệ nói từng đi tu nhưng chưa có duyên ở chùa và cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi "đạo đức” của mình chưa đạt đến cảnh giới đó.

Trưa 17/5 trên hành trình từ Bắc trở vào Nam, ông Thích Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú, dừng chân nghỉ ngơi tại bãi đất trống ở xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Hàng trăm người đã vây quanh ông nghe trò chuyện, trong đó có một số đàn ông mặc trang phục giống người tu hành. Khi nói chuyện, ông Tú luôn xưng là "con”.

Chia sẻ với VnExpress, ông Tú cho biết quê gốc ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1994 gia đình chuyển vào tỉnh Gia Lai sinh sống. Trước đây ông từng có thời gian ngắn tu tập tại một ngôi chùa, được đặt pháp danh là Thích Minh Tuệ. “Minh có nghĩa là sáng, Tuệ là trí tuệ, ý nghĩa cái tên là con đường soi sáng. Sau này khi cảm thấy không còn duyên ở chùa, con ra ngoài và vẫn giữ pháp danh này.” Ông giải thích.

Ông Tú cho hay mình không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những năm qua, ông chỉ nghe lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tập học tu hạnh đầu đà. Tu hạnh này có 13 pháp khổ hạnh, trong đó hạnh đầu đà là một trong những pháp môn cao nhất và kinh điển nhất của Phật pháp. Người tu hạnh đầu đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở (mặc áo vá, khất thực, ngày ăn một bữa, không nhận tiền cúng dường, khước từ mọi tiện nghi…)

Để tu theo hạnh đầu đà, ông Tú bắt đầu đi bộ tới nhiều tỉnh thành từ năm 2017. Thời gian đầu, đôi lúc ông di chuyển bằng xe khách. Năm 2020 đến nay, ông Tú luôn bộ hành tuyệt đối, chỉ đôi lúc di chuyển bằng đường thủy thì phải dùng thuyền hoặc đò qua sông. Đến nay, ông đã đặt chân đến gần như khắp mọi miền đất nước, chỉ còn ba tỉnh Tây Ninh, Trà Vinh, Bến Tre là chưa tới bởi những địa phương này không nằm trên trục đường chính.

"Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi. Con chỉ muốn thực hành những lời dạy của Đức Phật nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình.” Ông Tú nói.
Ông Tú chia sẻ trước đây từng nghi ngờ những lời dạy của Đức Phật, nay chín chắn hơn, nên muốn học tập, làm theo những lời dạy đó để xem có được hạnh phúc, an lạc không. Khi quyết định bỏ nhà, bỏ việc để bộ hành, bản thân ông đã suy nghĩ rất kỹ, sau đó mới xin phép bố mẹ lên đường.

Vì quyết tâm theo khổ hạnh đầu đà, nên quá trình đi bộ ông Tú luôn nhặt các tấm vải vứt ở bên đường hoặc trong thùng rác, rồi may lại làm quần áo mặc, ai đó cố tình vứt cho ông sẽ không nhận. Mỗi ngày ông chỉ ăn một bữa. Khi đi trên đường, nếu gặp người có tâm, có duyên gửi cơm chay hoặc nước thì ông dùng vừa đủ. Qua các con sông, suối ông dừng lại tắm rửa. Buổi tối ông thường nghỉ ngơi bên đường, những lúc muốn đi vệ sinh thì ghé vào các cây xăng.

"Đối với con thì tất cả hành trình đi bộ đều không khó khăn. Khi di chuyển, nếu tâm mình an lạc, hạnh phúc và vượt qua được những trắc trở thì sẽ cảm thấy không còn bất cứ trở ngại gì ở phía trước nữa.” Ông nói.

Quá trình đi bộ, có nhiều người mang áo giống nhà sư đi theo, ông Tú nói họ không phải đệ tử của mình, nhưng nếu ai muốn đi cùng thì cũng không cản. Thỉnh thoảng nghỉ ngơi trò chuyện, ông luôn khuyên họ nhớ xin phép gia đình, nếu khi nào cảm thấy không muốn tiếp tục hành trình thì có thể trở về nhà.

"Còn nếu có ai đó phát tờ rơi hay nhận tiền bạc rồi nói con chung với họ là không đúng. Đồ đạc con tự mang, không cần những người đi cùng bảo vệ hay nhận tiền thay. Họ nhận thì họ tự chịu, ai làm tự nhận lấy hậu quả và bị xử lý.” Ông Tú nói
Về việc những ngày gần đây, khi đi bộ qua các tỉnh thành được nhiều người dân vây quanh, chụp ảnh, quay phim, ông Tú cho hay nếu mọi người đi theo mình để tập bộ hành, rèn luyện sức khỏe, bước thẳng hàng, giữ yên lặng trật tự thì tốt. Còn tập trung chen nhau xô đẩy để ghi hình, phát trực tiếp la ó lộn xộn thì không nên, bởi việc tạo ra ồn ào sẽ gây khó chịu cho những người xung quanh.

Dù không liên lạc với gia đình suốt 6 năm qua bởi không dùng điện thoại, mạng xã hội, song ông Tú chia sẻ lúc nào cũng nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ. Bản thân luôn tâm niệm làm theo lời Phật dạy để đền ơn, cầu nguyện cho người thân, gia đình được may mắn, bình an. Không có tài sản vật chất, nhưng ông cho người thân niềm tin là không bao giờ làm khổ họ, ví dụ như để xảy ra vi phạm pháp luật hay làm ảnh hưởng tới các tổ chức Phật giáo.

Phản hồi việc Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông Tú không phải là tu sĩ Phật giáo, ông Tú nói không liên quan đến văn bản trên. Từ lâu nay ông chưa từng nhận là tu sĩ và bản thân cũng "cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó.”

Từ xã La Tô, huyện Grai, tỉnh Gia Lai, ông Lê Xuân, 84 tuổi, bố của ông Tú, chia sẻ gia đình có 4 người con, Lê Anh Tú là con thứ hai, học hết phổ thông thì đi nghĩa vụ. Khi xuất ngũ, Tú chuyển sang học Trung cấp rồi theo người bạn về Phú Yên làm đo đạc địa chính cho một công ty tư nhân.

Đến năm 2015, Tú bất ngờ về nhà xin bố mẹ xuất gia để "giải thoát” Sau một đêm suy nghĩ, vợ chồng ông Xuân đồng ý cho con đi tu, song vẫn dặn dò Tú "đã quyết định đi tu thì đừng phá giới, còn không thì ở nhà làm ăn, lấy vợ.”

Theo ông Xuân, trước lúc đi Tú nói sẽ theo học tại một tu viện ở Sài Gòn, từ đó đến nay gia đình không còn liên lạc với con nữa. Mấy hôm trước người trong làng cho xem các video gây chú ý trên mạng, ông Xuân mới nhận ra con mình.

"Vợ chồng chúng tôi thấy con ăn uống kham khổ, gầy đen cũng thương nhưng cái duyên của cháu như vậy thì gia đình luôn ủng hộ. Mong con chân cứng đá mềm, không ham mê tiền bạc, vật chất và tu hành chính quả.” Ông Xuân nói.

MR THICH MINH TUE SAID: “HE NEVER ADMITTED THAT HE WAS A MONK.”

Tâm Anh

Mr Thich Minh Tue said that he had been a monk but had no fate at the pagoda and felt that he was not worthy of becoming a monk because his “morality” had not reached that level.

Noon May 17 on the journey from the North back South. Thich Minh Tue (his real name is Le Anh Tu) stopped to rest at an empty lot in Cam Thinh commune, Cam Xuyen district, Ha Tinh province. Hundreds of people gathered around him to listen to the conversation, including some men dressed like monks. When talking, Mr Tu always calls himself “con”.

Sharing with Vnexpress, Mr Tu said his hometown is Ky Tan commune, Ky Anh district, Ha Tinh province.

In 1994, the family moved to Gia Lai province to live. Previously, he had a short period of practice at a pagoda named Thich Minh Tue. "Minh means bright, Tue is wisdom, the meaning of the name is the path of illumination. Later when I felt that I no longer had any fate to stay at the pagoda, I went out and still kept this Dharma name.” He explained

Mr Tu said that he is not a Buddhist monk, does not practice and is not a member of any pagodas or monastery of Vietnamese Buddhist Congregation. Over the past years, he only listened to the teachings of Shakyamuni Buddha and learned to practice the Dhuta rules. This practice has 13 ascetic methods, of which Dhuta rules is one of the highest and most classic methods of Buddhism. The Dhuta practitioners accept difficulties in matters of food, clothing, begging for alms, eating one meal a day in the morning, not accepting money offerings, refusing all comforts, etc…

To practice Dhuta rules, Mr Tu started walking to many provinces and cities in 2017. At first, He sometimes traveled by bus. From 2020 up to now Mr Tu has always walked absolutely, only occasionally traveling by water and having to use a boat or ferry across the river. Up to now, He has set food in almost every region of the country, only three provinces Tay Ninh, Tra Vinh, Ben Tre which have not been to because these localities are not on the main street.

“My journey is to walk for the rest of my life. The purpose is to convey something, because everything in Buddhism has been taught by Shakyamuni Buddha. I just want to practice the Buddha’s teachings to help perfect myself. When walking, I always wish for everyone to be happy and live happily with their family.” Mr Tu said.

Mr Tu shared that he used to doubt the Buddha’s teachings, but now he is more mature and wants to study and follow those teachings to see if he can be happy and peaceful. When he decided to leave home and job to walk, he thought very carefully, then asked his parents for permission to leave.

Because he was determined to follow Dhuta rules, while walking, Mr Tu always picked up pieces of cloth thrown on the side of the road or in the trash bins, then sewed them into clothes to wear. Someone who intentionally threw them to him would not accept them. He only eats one meal a day. When traveling on the road, If he meets someone with a heart and a predestined relationship who sends him rice or water, he uses just enough. Passing through the river and stream, he stopped to bathe. In the evening, he often rests on the side of the road and when he wants to go to the bathroom, he stops at gas stations.

“For me, all walking journeys are not difficult. When moving, if your mind is peaceful and happy and you can overcome obstacles ahead.” He said

While walking, there were many people wearing monk - like robes following. Mr Tu said they were not his disciples, but if anyone wanted to go with them, he would not stop them. Occasionally resting and chatting, he always advised them to remember to ask their family’s permission. Whenever they didn’t want to continue their journey, they could return home. And if someone distributes flyers or accepts money, then says I share it with them, it’s not right. I take care of my belongings and don’t need people to protect me or receive money on behalf. If they receive it, they will bear it, whoever does it will accept the consequences and be punished.” Mr Tu said.

Regarding the recent days, when walking through the provinces and cities surrounded by many people, taking photos and filming, Mr Tu said that If people follow him to practice walking, exercise and walk straight. It is good to be quiet and orderly. It’s not a good idea to crowd together and push each other to record or stream live, causing chaos because creating noise will cause discomfort to those around you.

Although he has not contacted his family for the past 6 years because he does not use phone or social networks. Mr Tu shares that he always remembers his parents' gratitude for giving birth and raising. I always remember to follow Buddha’s teachings to repay gratitude and pray for luck and peace to my relatives and friends. He has no material assets, but he believes in his relatives that he will never cause them suffering, such as breaking the law or affecting Buddhist organizations.

Responding to the Executive Council of the Vietnam Buddhist Sangha affirming that Mr Tu is not a Buddhist monk, Mr Tu said it is not related to the above document. For a long time, he had never recognized himself as a monk and “felt unworthy of being a monk because his morality had not reached that level.”

From La To commune, Grai district, Gia Lai province, Mr Le Xuan, 84 years old, shared that his family has 4 children. Le Anh Tu is the second son, after finishing high school, he joined the army. When discharged from the army, Tu transferred to intermediate school and then followed a friend to Phu Yen to work as a cadastral surveyor for a private company.

In 2015, Tu suddenly came home and asked his parents to become a monk for ‘liberation”. After a night of thinking, Mr Xuan and his wife agreed to let their son become a monk, but still advised Tu: “If you have decided to leave, don’t break the precepts, otherwise stay at home, do business and get married”.

According to Mr Xuan, before leaving Tu said he would study at a monastery in Saigon. Since then, his family has no longer contacted him. A few days ago, people in the village showed him videos that had attracted attention online and Mr Xuan recognized his son.

We feel sorry for our son when he eats hard and is skinny, but the family always supports him because of his fate. I hope my son has strong and soft feet, not be seduced by material things or money and practice righteously.” Mr Xuan said.



Nguồn:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



.

Thanked by 2 Members:

#7 FM_daubac

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 7008 Bài viết:
  • 5607 thanks

Gửi vào 20/05/2024 - 00:39

HIỆU ỨNG KÉP
Minh Mẫn




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Thời gian qua, mạng xã hội tạo sự kiện quá hot về hiện tượng sư Minh Tuệ, từ đó, dư luận trái chiều liên tục phát sóng đa phần có khuynh hướng tôn kính hình ảnh khổ hạnh của một nhà sư bộ hành 6 năm qua một số tỉnh thành; tuy nhiên cũng có một vài phản ứng trái chiều bình phẩm không tốt về công hạnh của một công dân mang tên Lê Anh Tú với tên gọi Minh Tuệ.

Trước nhất xin xác định sư Minh Tuệ là một công dân bình thường, có ăn học, có nghĩa vụ và chức việc trong xã hội; khi ý thức về cuộc sống, đã xuất gia học đạo, từng thường trú tại tu viên Chơn Như của cố HT T. Thông Lạc.Tham khảo kinh điển Nikaya, luật tạng bắc truyền, sống hạnh khất sỹ; sau khi thấm nhuần giáo lý nhà Phật, người phát nguyện sống theo hạnh đầu đà từ thời Phật còn tại thế.Sau hai lần xin quá giang xe xuôi ra miền Trung không được, tự phát nguyện suốt đời bộ hành cho đến ngày nay.Và không tự nhận mình là sư, chỉ xưng con với mọi người.

Qua thời gian dài vẫn giữ trai tịnh, ăn ngày một bữa, không giữ tiền, ngủ ngồi, không trụ xứ nhất định; nắng mưa dãi dầu để thử sức mình với đức kiên nhẫn,bị chúng đánh mà vẫn vui vẻ, khiêm tốn xưng hô, không tự nhận mình là tu sỹ phật giáo để khỏi liên lụy uy tín của nhà chùa, nhưng vẫn là sư, vẫn là tu sỹ dưới mắt mọi người dân…Bấy nhiêu đức tính đủ cho quần chúng hiểu được thế nào là một bậc chân tu.

84 ngàn pháp môn, tùy căn cơ mỗi hành giả thích hợp, không thể nói pháp nào, hạnh nào cao hơn pháp nào.Dó tính cố chấp đố kỵ nên phân biệt, chỉ trích, phê phán một công hạnh không hợp với mình.Đáng ra chúng ta không thực hiện được những công hạnh khó làm mà người khác làm được, phải hoan hỷ tán dương mà nhà Phật gọi là tùy hỷ công đức. Sư Minh Tuệ không hề phê phán, chỉ trích ai, vì sư tự nhận là người đang học, đang tập những lời Phật dạy.

Gọi là “thằng ba trợn ôm nồi cơm điện” “ Ô, đây là Thánh nhân của tôi”… là ngôn từ đố kỵ không nên có ở miệng một tu sỹ, tu mục đích Thánh hóa nhân cách chả lẽ tu để thành ma đố kỵ???

Một phê phán cũng từ miệng một tu sỹ khác: “Tu không ở một chỗ, ôm bác đi lòng vòng” chứng tỏ người phê phán không hiểu gì về đa hạnh của một bậc xuất ly…còn rất nhiều phê phán bằng ngôn từ khó nghe nơi cửa miệng đồng tu; rồi một số được thầy mình mớm ý để những con nhang cuồng tín không biết sai đúng cũng lớn tiếng chỉ trích dạy đời sư Minh Tuệ.

Dĩ nhiên lượng người công tâm bênh vực sư Minh Tuệ nhiều hơn kẻ chống đối.Một hiện tượng chưa bao giờ có tại VN, người dân quét đường cho sư đi qua, hàng trăm người theo sư qua địa phận của mình, được công an giao thông giữ trật tự đủ để thấy sự sáng suốt của người dân phân biệt đúng sai, chánh tà.

Ngoài thành phần chống đối và ủng hộ, một vài người đem so sánh sự sinh hoạt của các tu sỹ theo nếp sống Thiền môn hiện nay, cũng không đúng.Mỗi người có một công hạnh, một nghĩa vụ, một hoàn cảnh khác nhau; không thể bảo các tu sỹ đều sống kiểu sư Minh Tuệ khi mà Phật giáo trở thành một Tôn gíao có tổ chức gắn kết với nhịp sống xã hội. Các sư ở chùa có nhiệm vụ riêng ở chùa, việc nhân cách cá nhân không đại diện cho một người mang danh tu sỹ. Bất cứ một tập thể nào cũng không tránh khỏi vài cá nhân thiếu chuẩn mực đạo đức, không vì thế quy chụp chung cho tập thể tu sỹ.Hình ảnh sư Minh Tuệ là một trong hai mặt của tập thể tu sỹ Phật giáo, không cái nào hơn cái nào, chúng bổ túc điều chỉnh cho nhau để không đi quá đà trong sinh hoạt tập thể. Người trí biết tiếp thu cái hay để điều chỉnh cho nhân cách của mình; phủ nhận cái hay là bảo thủ, kiến thủ, giới cấm thủ sẽ bị cuộc sống đào thải.
Qua ồn ào trên mạng xã hội, GHPGVN ra công văn gửi đến các cấp GH, trong đó viết: “Trong lộ trình đi bộ qua các địa phương đã có nhiều người dân và Phật tử tập trung với số lượng đông, cúng dàng phẩm vật, thức ăn và tiền tạo ra nhiều hình ảnh, clip gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến GHPGVN”…Đoạn văn có hai vấn đề: thứ nhất sư Minh Tuệ không hề nhận tiền,việc dâng cúng là quyền của bá tánh; thứ hai GHPGVN là một thực thể có tầm vóc và uy tín, một cá nhân sư Minh Tuệ không thể làm lay đổ một tập thể thì dư luận nếu có ảnh hưởng chăng là ảnh hưởng đến những vị thiếu nhân cách.

“…tạo nên hiệu ứng câu views và có nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của Tăng ni, Phật tử GHPGVN”…thật ra không chỉ do sư Minh Tuệ mà họ dùng clip câu view, trước hiện tượng sư Minh Tuệ cũng có quá nhiều tai tiếng một số sư Tăng trong hệ thống GHPGVN rồi, hãy tự trách về quản lý tu sỹ và giáo dục Tăng ni của Ban Tăng sự, ban Pháp chế. Không có tai tiếng làm gì có hiện tượng câu view. Ngay cả một tu sỹ giảng sai giáo lý nhân quả, mang nhiều tà kiến hù dọa tín đồ để cúng dường đủ thứ.. rất nhiều năm mà GH vẫn mặc nhiên, gây tai tiếng uy tín cho Phật giáo không ít thì vấn đề câu view hiện tượng sư Minh Tuệ là chuyện đương nhiên.

...”liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chận hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm GHPGVN”

Đây là một ý kiến mang tính độc đoán cửa quyền quan liêu trong một xã hội tự do phản biện.Pháp luật có quy định nào cấm đoán các trang mạng xã hội phản ảnh thực trạng xã hội ? Nếu đưa ra quy định này hạ tầng sẽ suy diễn lệch lạc làm sai chủ trương, làm khó cơ quan chức năng, địa phương lúng túng lúc sư Minh Tuệ đi qua khi quần chúng đến ngưỡng mộ đông đảo.Nếu sợ các trang mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm GHPVN thì tự mình giải quyết tháo gở sao lại phải yêu cầu chính quyên?

Tóm lại, so với công văn của Ban Tôn giáo chính phủ về hiện tượng sư Minh Tuệ rất dè dặt và tế nhị thì ngược lại văn thư của Hội Đồng Trị Sự GHPGVN có quá nhiều mâu thuẩn sai sót dễ gây phản ứng kép hiện nay trên mạng xã hội.Tốt nhất, hãy ổn định nội bộ, tránh những tai tiếng nội bộ, trong sạch hóa nội bộ, tự khắc sóng yên biển lặng không cần phải lo sợ các trang mạng xã hội hiện nay.

MINH MẪN
17/5/24


Nguồn:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn




.


Thanked by 1 Member:

#8 Yeslan

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 47 Bài viết:
  • 21 thanks

Gửi vào 22/05/2024 - 03:11

Gần đây tràn lan trên mạng chuyện có một vị khất sĩ danh tính Minh Tuệ tu hạnh đầu đà được giới truyền thông trên nhiều lĩnh vực và người Việt Nam tiếp cận và xoay quanh chỉ có tăng chưa có giảm. Điều này, cho thấy chúng sinh nhìn vào hình tướng mà đánh giá ai đó hoặc để theo đó tu tập hơn là chính bản thân tự xoay mình lại tìm hiểu Phật pháp, tu tập theo những gì đức Phật dạy và thân chứng những điều đó!

Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như-lai.
(Kim Cang Kinh)

Dịch nghĩa:

Nếu lấy sắc mà thấy ta,
Lấy âm thanh mà cầu ta,
Người đó theo đạo tà,
Không thể thấy Như-lai.

"Đại Bát Niết Bàn" Đức Phật và những di huấn sau cùng:

"Lúc bấy giờ, cây sàlà song thọ trổ hoa trái mùa, tràn đầy cành lá. Những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung v.ãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Những thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung v.ãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung v.ãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài, nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.

Rồi Như Lai nói với tôn giả Ananda:

-- Này Ananada, các cây sàlà song thọ tự nhiên trổ hoa trái mùa tràn đầy cành lá, những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung v.ãi trên thân Như Lai để cúng dường. Những thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung v.ãi trên thân Như Lai để cúng dường. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung v.ãi trên thân Như Lai để cúng dường. Nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.

Nhưng, này Ananda, như vậy không phải kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường hay lễ kính Như Lai. Này Ananda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ananda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Này Ananda, các Người phải học tập như vậy.
"

Vị khất sĩ ấy có "thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp" để "cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng" hay không là tự vị ấy và có nên tránh làm phiền vị ấy tu tập? Trong khi những người bu quanh có nên nhìn lại xem mình đã "thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp" để "cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng" hay không?

Phiền người, ảnh hưởng mình có phải là thực trạng của cộng đồng mạng ngày nay!?

#9 XaoTieu

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 84 Bài viết:
  • 45 thanks

Gửi vào 22/05/2024 - 10:59

Trong nhiều câu nói của vị tu này có câu "Mọi người không nên học bói toán , vì có cái đúng, cái không đúng. Đức Phật không có dạy xem bói. Hơn nữa, nếu họ tài giỏi thì họ đã bói cho họ rồi. Thay vì học bói toán, mọi người nên học đạo đức, giới luật. Cố gắng giữ 5 giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống bia rượu sẽ được hạnh phúc."

#10 kyvibach

    Kiền viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPip
  • 1512 Bài viết:
  • 582 thanks

Gửi vào 22/05/2024 - 11:56

Nói "Mọi người không nên học bói toán" là sai..
Hình như Đức Phật chỉ dạy tỷ kheo (khất sĩ - 乞士 = tỳ kheo - 比丘 -bhikkhu) không được sống bằng nghề bói toán, xem tướng số...

Nghĩa là ngoài khối khất sĩ duy trì sinh mệnh bằng hạnh xin ăn, thì hành nghề bói toán được phép.
Khất sĩ dùng nghề bói toán mục đích duy trì sinh mệnh được xem là Tà Hạnh.

Phật nói những điều ta biết như lá trong rừng, những điều ta nói cho các ngươi như nắm lá trong tay... Trong khu rừng có lá tử bình, tử vi, địa lý, nhân điện, khoa học, toán học, xinh học, vật lý, khoa học lượng tữ... Phật đều biết

Cho nên 1 vị Khất Sĩ sống bằng nghề Bảo Kê, Trồng Cây gây Rừng, Buôn Bán, Dạy Học, Công Nhân VIên Chức... đều là Tà Hạnh

Sửa bởi kyvibach: 22/05/2024 - 12:03


#11 FM_daubac

    Khảm viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPipPipPip
  • 7008 Bài viết:
  • 5607 thanks

Gửi vào 22/05/2024 - 13:47

Sự thật phơi bày qua hiện tượng Thích Minh Tuệ

20/05/2024 06:04

Tôi không biết gọi Thích Minh Tuệ (tên thật Lê Anh Tú, sinh năm 1981, quê gốc Hà Tĩnh) là gì. Nhưng ngài lại không cần một danh xưng. Vậy nên gọi ngài là gì không quan trọng.




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


“Gặp gỡ thì đã gặp rồi, mọi người nên về với công việc của mình”. Ảnh: Internet


Ngài tự xưng là “con” trước mọi người. Vậy tôi cứ gọi suông là Thích Minh Tuệ.

Những ngày qua, cái tên Thích Minh Tuệ gây “bão” trên mạng xã hội và báo chí với đôi chân trần, đầu trần đi khất thực dọc chiều dài đất nước lần thứ tư, với hàng đoàn người đi theo, với vô số clip trên internet, với những câu nói giản dị: “Gặp gỡ thì đã gặp rồi, mọi người nên về với công việc của mình”; “Con đi tới đây đang tập học, chưa có gì”; “Con đâu có nhận tiền, con chỉ nhận thức ăn chay vào buổi sớm đi khất thực thôi. Ngày hôm nay ăn rồi là cũng không nhận nữa”…
Vì sao một người hành xử theo phong thái của một bậc chân tu lại có sức hút lớn đến như vậy?

Trước hết thuộc về tự do. Theo hay không theo một tôn giáo là quyền tự do của mỗi người dân Việt Nam – điều này được Hiến pháp nước ta quy định tại điều 24. Hành động của Thích Minh Tuệ thể hiện quyền tự do đó. Ông tu hành theo pháp “hạnh đầu đà”, mặc áo vá đi khất thực, không nhận tiền cúng dường, tối ngủ tạm đâu đó… Ông tự nguyện khổ hạnh về ăn, mặc, ở để được giải thoát theo quan niệm nhà Phật.

Xem ra nhiều người chưa quen với tự do nên mới thấy lạ!

Hiếu kỳ cũng là một đặc tính con người. Chính vì hiếu kỳ nên dễ xảy ra hội chứng đám đông. Một người hiếu kỳ, kích hoạt sự hiếu kỳ của người ở bên cạnh và cứ như thế thành hội chứng, trào lưu. Hiếu kỳ có mặt tích cực nếu biết khai thác tốt sẽ trở thành sự ham hiểu biết, thậm chí có thể phát động phong trào thi đua. Nhưng đặc tính này cũng dễ bị lợi dụng, có thể biến thái. Hiện tượng Thích Minh Tuệ đã bị đẩy lên thái quá.

Nhưng câu chuyện lớn hơn thuộc về nhà chùa. Lâu rồi người ta mới thấy hình ảnh một vị chân tu (mặc dù Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo như văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam) – hình ảnh họ đã khao khát từ lâu.

Người ta có quyền đặt Thích Minh Tuệ bên cạnh những tu sĩ đã gây ra bao tai tiếng để so sánh, để luận bàn. Những người như ông Thích Chân Quang ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuyết giảng tuyên truyền nhảm nhí “tuổi trẻ hay đi du lịch về già bị liệt”; “hát karaoke sau này chết thành ma câm”; “nằm võng mất phước”. Vị tu sĩ này thường xuyên nhắc đến việc cúng dường, khích lệ phật tử quyên góp tiền cho nhà chùa. Rồi những câu chuyện bại hoại ở Vĩnh Phúc khi cửa Phật trở thành chốn tà dâm như báo chí đã nêu. Hay hình ảnh tu sĩ Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) với chiếc giỏ trên tay đi thu tiền của phật tử. Vị đại đức này cũng nhiều lần vi phạm quy định của giáo hội và phải sám hối nhưng dư luận chưa đồng tình với mức xử lý…

Tức là ở đây có vấn đề về niềm tin vào giới tu hành. Bên cạnh những vị chân tu thì vẫn còn đó những người mượn danh tu sĩ để làm điều trái với giáo lý nhà Phật.

Hiện tượng Thích Minh Tuệ cho ta niềm tin về một con người tự nguyện tu tập, về một con người tự do theo hay không theo tôn giáo, “Con chả phải là sư hay thầy gì cả. Con là một công dân Việt Nam học tập theo lời Phật dạy thôi”. Dân chúng đang khao khát một hình ảnh nhà sư đời thường như thế. Hay họ liên tưởng đến triết lý tu tại gia của Phật hoàng Trần Nhân Tông từ hơn 700 năm trước?

Nếu bỏ qua những việc lợi dụng hiện tượng Thích Minh Tuệ để câu view, câu like, để nổi tiếng, để kiếm tiền, làm quá lên hay để chống phá chính sách tôn giáo của Nhà nước ta thì hình ảnh một người tự tu theo đạo Phật cho ta thêm niềm cảm hứng mới. Đó là cảm hứng về tự do, cảm hứng về vượt qua cám dỗ vật chất, cảm hứng về tâm hồn vô tư trong sáng, cảm hứng về nghị lực…

Một người không phải tu sĩ nhưng vẫn được gọi là “sư”, là “thầy” - thầy Thích Minh Tuệ. Tôi không hiểu về Phật giáo nhưng tôi mong hãy để cho thầy được yên tĩnh tu tập theo cách mà thầy muốn, trong giới hạn quy định của luật pháp và đạo đức.

Hiện tượng Thích Minh Tuệ cũng nói lên thiện cảm rất lớn, một niềm tin với Phật giáo, với những nhà tu hành chân chính không “tham, sân, si” trong những ngày đang diễn ra lễ Phật đản này.


THANH XUÂN



Nguồn:

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



.

Thanked by 2 Members:

#12 prettyboy1109

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 509 Bài viết:
  • 326 thanks

Gửi vào 22/05/2024 - 20:18

Nhìn vào vị sư chân tu này mới thấy hình bóng của Phật giáo giữa thời hiện đại, thấy được niềm tin giữa thời mạt pháp. Tu sĩ vốn nên có những đức tính khiêm nhường, đặt bản thân ở vị trí thấp, sống khổ hạnh, tu hành cầu giải thoát chứ nhiều vị sư bây giờ nhìn sang chảnh, cao ngạo, đi ô tô, ăn nho Mỹ, đòi cúng dường số tiền lớn, xây chùa chiền to đẹp mà nản

Thanked by 1 Member:

#13 Yeslan

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 47 Bài viết:
  • 21 thanks

Gửi vào 22/05/2024 - 22:57

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

prettyboy1109, on 22/05/2024 - 20:18, said:

Nhìn vào vị sư chân tu này mới thấy hình bóng của Phật giáo giữa thời hiện đại, thấy được niềm tin giữa thời mạt pháp. Tu sĩ vốn nên có những đức tính khiêm nhường, đặt bản thân ở vị trí thấp, sống khổ hạnh, tu hành cầu giải thoát chứ nhiều vị sư bây giờ nhìn sang chảnh, cao ngạo, đi ô tô, ăn nho Mỹ, đòi cúng dường số tiền lớn, xây chùa chiền to đẹp mà nản

Nhìn - chân tu - thấy hình bóng - thấy được niềm tin - vốn nên có - sống khổ hạnh - nhìn sang chảnh - ăn nho Mỹ - chùa chiền to đẹp

Điều này, cho thấy chúng sinh đã, đang và sẽ mãi nhìn vào hình tướng mà đánh giá ai đó, sự việc gì đó mà chưa bao giờ thực sự tìm hiểu kỹ những gì đức Phật dạy và thành tựu sự giải thoát cho chính bản thân!

Trong "Trường Bộ Kinh" ở "Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn" có 4 điều Đối Chứng lớn ...

Thanked by 1 Member:

#14 prettyboy1109

    Hội viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPip
  • 509 Bài viết:
  • 326 thanks

Gửi vào 23/05/2024 - 09:25

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Yeslan, on 22/05/2024 - 22:57, said:



Nhìn - chân tu - thấy hình bóng - thấy được niềm tin - vốn nên có - sống khổ hạnh - nhìn sang chảnh - ăn nho Mỹ - chùa chiền to đẹp

Điều này, cho thấy chúng sinh đã, đang và sẽ mãi nhìn vào hình tướng mà đánh giá ai đó, sự việc gì đó mà chưa bao giờ thực sự tìm hiểu kỹ những gì đức Phật dạy và thành tựu sự giải thoát cho chính bản thân!

Trong "Trường Bộ Kinh" ở "Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn" có 4 điều Đối Chứng lớn ...
Thì thật sự là chúng sinh nhìn hình tướng, tâm tính, cách nói chuyện để đánh giá người khác mà chú Yeslan. Dạo này nhiều sư lên toàn "huy động vốn", dụ phật tử cúng nhiều tiền, rồi bê bối đủ kiểu làm mất niềm tin của phật tử với tu sĩ nhiều mà.
Bên nhà con xưa có mời mấy sư đi tụng kinh cho người chết mà thái độ chán lắm, kiểu như bậc cõi trên, chảnh chọe, dễ giận này nọ nên chán là đúng rồi

#15 pvcpvcp

    Guru Member

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPipPip
  • 4154 Bài viết:
  • 7566 thanks

Gửi vào 23/05/2024 - 11:07

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Yeslan, on 22/05/2024 - 22:57, said:

Nhìn - chân tu - thấy hình bóng - thấy được niềm tin - vốn nên có - sống khổ hạnh - nhìn sang chảnh - ăn nho Mỹ - chùa chiền to đẹp

Điều này, cho thấy chúng sinh đã, đang và sẽ mãi nhìn vào hình tướng mà đ ánh giá ai đó, sự việc gì đó mà chưa bao giờ thực sự tìm hiểu kỹ những gì đức Phật dạy và thành tựu sự giải thoát cho chính bản thân!

Trong "Trường Bộ Kinh" ở "Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn" có 4 điều Đối Chứng lớn ...
Đối với hàng phàm phu như chúng ta ,nếu không nhìn vào hình tướng mà đánh giá sự việc thì nhìn vào cái gì ?
Con người biết nhìn nhận ,biết suy nghĩ ,phân tích, đánh giá rồi mới chủ động kết luận ! Do đó ,mới có thể phân biệt ai là hành giả Đầu đà ,ai là hành khất Cái bang !
Chỉ có thể là do lòng đố kỵ mới cho rằng sư Minh Tuệ là thằng ba trợn hoặc là giả tu ! Khi mà sư đã có một thời gian dài trãi nghiệm hạnh Đầu Đà , bát phong thổi chẳng động ...!
Đức Bổn Sư dạy :

Nếu do sắc thấy ta,
Do âm thanh cầu ta,
Người ấy hành đạo tà,
Không thể thấy Như Lai


Nên hiểu rằng Đức Phật đang thuyết giảng cho hàng Bồ Tát .Và cũng cần hiểu được cái " Ý tại ngôn ngoại " trong lời dạy của Ngài !


Sửa bởi pvcpvcp: 23/05/2024 - 11:08


Thanked by 1 Member:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |