Jump to content

Advertisements




ĐỨC PHẬT LÀ NGƯỜI CHỈ ĐƯỜNG


1 reply to this topic

#1 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 18/11/2012 - 10:24

Đức Phật dạy:

"Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác."

(Trường A Hàm, kinh Đại Bát Niết Bàn)

Và Ngài cũng nói rõ:

“Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư.”

(Pháp cú 276)

Tuy nhiên, lắm lúc chúng ta quên điều đó. Thay vì quyết tâm làm theo lời Phật dạy do ngưỡng mộ Ngài và tin tưởng tuyệt đối nơi giáo pháp của Ngài, thì chúng ta lại sùng bái Ngài như một vị thần linh tối thượng.

Đức Phật chưa bao giờ cho rằng Ngài là thần linh hay Thượng đế, hoặc hơn thế nữa. Ngài chưa bao giờ bảo Ngài có quyền năng ban phước cho những ai kính tin Ngài, sùng bái Ngài, và giáng tai họa đến những ai không kính tin, sùng bái Ngài.

Đức Phật cho biết Ngài chỉ là người tìm ra chân lý và dẫn đường cho chúng sinh đến với chân lý đó; Ngài là người đã thoát khổ và chỉ cho chúng sinh biết phương pháp thoát khổ đó. Có thấy được chân lý hay không, có thoát khổ hay không, tất cả hoàn toàn tùy thuộc vào sự nỗ lực của mỗi cá nhân.

Đức Phật không thể làm cho chúng sinh này thoát khổ, khiến cho chúng sinh kia giải thoát, giúp chúng sinh nọ được an vui. Ngài chỉ có thể nói cho chúng sinh biết làm thế nào để thoát khổ, làm thế nào để được an vui; Ngài dạy cho chúng sinh biết con đường để chứng ngộ chân lý. Tóm lại như đức Phật đã nói, Ngài chỉ là bậc đạo sư.

Đức Phật là người hướng đạo, là người chỉ đường, còn đến đích, đạt được mục tiêu hay không, sớm hay muộn là do chúng ta, chúng ta có chịu đi hay không, chúng ta đi mau hay chậm.

Đức Phật dạy về Nhân quả, Nghiệp báo, Duyên sinh, Vô thường, Vô ngã, chỉ rõ bản chất của đời sống; Đức Phật dạy về Tứ đế, Bát Chánh đạo, chỉ rõ nguyên nhân của khổ, phương pháp diệt khổ và an lạc hạnh phúc có được sau khi đoạn tận nguyên nhân của khổ.

Nhưng đôi khi chúng ta không quan tâm, không nhớ những lời dạy của Ngài, không đi theo sự chỉ đường của Ngài để có được những gì mình mong muốn, mà chúng ta lại chạy theo những ảo tưởng mê lầm, niềm tin mù quáng, chúng ta làm theo cảm tính, đến với Ngài bằng niềm tin và những hành động mê lầm.

Đức Phật khẳng định chúng ta là hải đảo tự thân, là nơi nương tựa của chính mình. Ngài dạy chúng ta đừng tìm cầu nương tựa nơi ai khác, kể cả Ngài. Đức Phật dạy chúng ta chính là người bảo hộ cho mình, không ai có thể bảo hộ chúng ta ngoài chúng ta:

“Chính các ngươi là kẻ bảo hộ cho các ngươi, chính các ngươi là nơi nương tựa cho các ngươi”

(Pháp cú 380)

Tuy nhiên chúng ta lại không có lòng tin nơi chính mình, không đủ sáng suốt và lòng kiên định để tin tưởng và mạnh dạn thực hành lời đức Phật dạy, đi trên con đường mà Ngài đã vạch ra hướng chúng ta đến an vui hạnh phúc.



Thanked by 2 Members:

#2 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 18/11/2012 - 10:29

Khi gặp khó khăn, bất hạnh, khi đối mặt với những biến cố cuộc đời, do lúc bình thường không có sự rèn luyện, tu tập, không học và thực hành lời đức Phật dạy, nên chúng ta hoảng loạn, cuống cuồng chạy tìm nơi nương tựa, tìm nơi bảo vệ mình.

Thay vì đến chùa cầu đạo, tìm phương pháp tu tập chuyển hóa khổ đau, thay đổi bản thân và hoàn cảnh để có được an lạc, hạnh phúc, chúng ta lại đến chùa cầu khẩn, xin phép (phép mầu), cúng giải hạn; về nhà tụng kinh, trì chú để cầu sự bảo hộ nơi các vị Bồ tát, thiện thần. Thế nhưng, “dù xem hết kinh Di Đà, niệm suốt chú Đại bi, thì trồng dưa vẫn được dưa, trồng đậu vẫn được đậu.

Kinh chú vốn từ bi, oan kết làm sao cứu? Soi xét lại tâm mình xưa nay, ai làm thì người ấy chịu” (Khán tận Di Đà kinh, niệm triệt Đại bi chú, chủng qua hoàn đắc qua, chủng đậu hoàn đắc đậu. Kinh chú bổn từ bi, oan kết như hà cứu? Chiếu kiến bổn lai tâm, tố giả hoàn tha thụ – Tế Điên Hòa thượng cảnh thế văn).

Bởi vì sự báo ứng của việc thiện ác như bóng theo hình, nhân quả trong ba đời (những đời trước và quá khứ của đời này, hiện tại, tương lai) xoay quanh chẳng mất (Thiện ác chi báo như ảnh tùy hình, tam thế nhân quả tuần hoàn bất thất, Niết Bàn kinh). Hễ gieo nhân thì sớm muộn gì cũng gặt quả, gieo nhân thiện thì gặt quả lành trong đời này hoặc đời sau, gieo nhân bất thiện thì gặt quả khổ ở tương lai hoặc ngay trong hiện tại.

Hành động tốt hay xấu, thiện hay bất thiện đều từ tâm mà sinh ra, cho nên phải thường quán chiếu, soi xét tâm mình, đừng để tâm chạy theo những điều xấu xa, tội lỗi, phải luôn giữ tâm trong sạch, hướng tâm đến những điều chân chánh, thiện lành. Khi tâm được giữ trong sạch, khi tâm đã hướng thượng thì hành vi của bản thân trở nên thánh thiện, lời nói và việc làm của chúng ta đưa đến những kết quả tốt đẹp, đó là phản ứng của hành động theo quy luật nhân quả.

Dù chúng ta không mong muốn, nó cũng diễn ra như vậy. Còn khi chúng ta gieo nhân bất thiện bằng những suy nghĩ, lời nói, hành động xấu, ác có hại cho mình, cho người, hoặc có hại cho cả hai (mình và người khác) thì dù không muốn nhận lãnh quả báo xấu, sớm hay muộn quả báo xấu cũng sẽ đến.

Trong kinh Pháp Cú đức Phật dạy:

“Trong các pháp (các hiện tượng, sự vật), tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm (không chơn chánh, tiêu cực, xấu, ác, bất thiện..) thì sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo. Nếu nói hoặc làm với tâm thanh tịnh, thì sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình” (Pháp cú I,II).

Muốn được an vui hạnh phúc thì phải tránh xa điều ác, bất thiện, phải làm nhiều điều lành, điều thiện; Muốn thoát khổ thì phải chuyển hóa tâm (ăn năn sám hối những lỗi lầm, tội nghiệp đã tạo trong quá khứ: Những đời trước hoặc quá khứ đời này; tích cực gieo trồng nhân duyên thiện lành, thực hành lời Phật dạy, tu tập ba nghiệp thân, khẩu, ý).

Không có Phật, Bồ tát hay bất cứ thần linh nào có năng lực giải nghiệp, giải khổ cho chúng ta, bởi vì các Ngài không thể làm trái luật nhân quả. Nếu Phật, Bồ tát, thần linh có thể giải nghiệp, giải khổ cho chúng sinh thì đức Phật đâu cần nhọc công mở ra nhiều phương tiện, dạy nhiều pháp môn tu tập chuyển hóa, nói mấy mươi ngàn bài kinh, để chỉ cho chúng sinh cách thoát khổ và có được an vui hạnh phúc.

Nếu Phật, Bồ tát, thần linh có thể giải nghiệp, giải khổ cho chúng sinh thì với lòng từ bi, các Ngài đã độ cho tất cả chúng sinh thoát khổ, độ cho tất cả chúng sinh thành Phật, chứng nhập Niết bàn lâu rồi, đâu còn cảnh chúng sinh nheo nhóc hụp lặn trong biển khổ sinh tử luân hồi.

Chính vì mỗi chúng sinh phải tự mình giải khổ cho mình bằng cách tu tập chuyển hóa chứ không một ai có thể làm thay thế, cho nên cho tới hôm nay vẫn còn chúng sinh luân hồi trong lục đạo, chư Phật, Bồ tát vẫn còn phải thị hiện Ta bà để giáo hóa, chỉ đường.

Lễ lạy đức Phật là vì kính đức từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, công hạnh lợi sinh rộng lớn của Phật. Niệm Phật là ghi nhớ công hạnh, ơn đức của Phật, xem Phật là tấm gương sáng để học tập, noi theo. Đọc tụng kinh điển là ôn lại lời Phật dạy, nghiên cứu, tìm hiểu nghĩa lý cao sâu để áp dụng vào đời sống, tu tập chuyển hóa bản thân, làm lợi ích cho mình và nhân quần, xã hội.

Lễ lạy đức Phật, niệm danh hiệu Phật, tụng kinh, trì chú cũng là phương tiện giúp nhiếp tâm định niệm, khiến cho tâm thanh tịnh, trong sáng, từ đó phát sinh trí tuệ. Khi làm chủ được tâm mình, tâm không còn bị ác duyên, các bất thiện pháp bên ngoài lôi kéo, dẫn dắt, đồng thời trí tuệ phát sinh, thì chúng ta có thể giải quyết được các vấn đề khổ đau trong đời sống một cách hiệu quả.

Đó không phải là quyền năng của đức Phật ban cho, đó không phải là pháp mầu của các vị Bồ tát hay thần linh giúp đỡ. Cho nên chúng ta đừng bao giờ có tâm niệm rằng lạy Phật để Phật thương xót cứu độ, che chở, bảo hộ chúng ta, hay giúp chúng ta đắc thành sở nguyện, tụng kinh, trì chú để Phật ghi công mà ban phước, xóa tội, cầu nguyện để Phật giải khổ, giải nghiệp cho chúng ta...

Diệu Thể

Thanked by 1 Member:





Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |