Jump to content

Advertisements




Tên và Họ của Người Việt


20 replies to this topic

#16 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 04/07/2014 - 22:27

Họ Của Người Việt

Ban đầu tôi chỉ có ý định viết về tên của người Việt mà thôi. Nhưng khi nhờ bạn bè đọc lại bản thảo, một số thân hữu đặt vấn đề với tôi về chuyện “họ của người Việt”,

Tôi thật bối rối về vụ nầy, vì những gì tôi viết về tên của người Việt, cách đặt tên, chọn chữ lót, tên trong, tên ngoài, bút hiệu... thì thật bình dân, rất cụ thể. Nghĩa là cái tôi thấy biết rất thực tế, hiện tại, kiểm chứng được. Tôi ít khi nghiên cứu chuyên sâu, đào bới quá khứ, nặng về sách vở.

Tôi lùng bùng về vụ nầy. Lùng bùng lỗ tai thì rồi sẽ qua đi, sau khi phi cơ lên đủ độ cao, hoặc sau khi đã hạ cánh bình an trên phi trường. Nhưng lùng bùng tâm trí thì bao giờ mới hết lùng bùng?

Kêu kể ra, thì phần lớn chúng ta chỉ kể được chừng mười lăm hai mươi họ. Thế mà ta nghe trên đầu môi chót lưỡi hai tiếng “trăm họ”, “bách tính”.

Từ trang 120 đến trang 123, sách Sơ Thảo Tính Danh Học Việt Nam, tác giả Nguyễn Long Thao kê ra một danh sách họ Việt Nam, gồm 429 họ. Trong đó có "282 trường hợp, tức 65%, có tên người mang họ đó... Số còn lại, chỉ biết có tên họ và chưa biết thực tế có người nào mang tên họ đó không?"

Như vậy, thành ngữ "trăm họ", "bách tính" trở thành lỗi thời (số lượng chưa bằng 1/3, 1/4 thực tế). Tôi dùng nghĩa đen của từ “trăm họ”.

#17 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 06/07/2014 - 09:42

Nhiều họ như vậy mà có nhiều người cùng họ mà chả bà con họ hàng gì với nhau, được quyền tự nhiên, vô tư, lấy nhau. Có biết bao nhiêu cặp vợ chồng trùng họ Nguyễn, Lê, Lý, Trần, Phạm, Phan... Tuy nhiên, những cặp vợ chồng cùng họ hiếm thấy như Vòng, Uông, Trà, Tưởng.. thì dễ bị sầm xì tiếng ra tiếng vào.

Tôi có người bạn tù tên Văn Đông Xuân (VNCH)

Ai cũng biết tên ông đại tướng bị hất ra rìa Văn Tiến Dũng (VNDChCH - VC)

Họ "Văn" nầy viết không có “G”, “văn” giọng cầm.

Tôi có cô con dâu tên Văng Thị Tuyết Mai.

Họ "Văng" nầy viết có “G”, “văng” giọng buông.

Hai họ nầy vốn là một, hay quả thật có hai? Vậy có 100 họ hay có 101 họ?

(Cũng vậy, chắc họ Văng nầy do ông hộ tịch viết sai. Chắc chỉ có họ Văn mà thôi)

Điều ai cũng biết chắc là chỉ có họ đơn thôi. Chưa bao giờ có họ kép, dù mình chưa thấy đủ 100 họ. Ấy vậy mà có rất nhiều người bàn đến họ kép. Từ chuyện bàn cãi nầy, người ta đặt ra lắm vấn đề: Chữ lót đi với họ hay đi với tên? Đi với tên thì tạo ra tên kép. Đi với họ là tạo ra họ kép.

Người ta kể ra nhiều họ kép danh gia vọng tộc, như họ Nguyễn Phước (Phúc), Nguyễn Khoa, Hồ Đắc, Trần Tiễn, Nguyễn Tri.

Họ kép danh giá nhứt Việt Nam là họ Nguyễn Phước (Nguyễn Phúc) Đó là họ của vua, của hoàng tộc. Từ đó về sau, nhiều người mang họ Nguyễn tránh né lót chữ Phước, thuở xưa là sợ kỵ huý. Sau nầy, người ta sợ thiên hạ dè bỉu là mình muốn dựa oai hùm, muốn thiên hạ lầm tưởng mình là hoàng thân quốc thích, nên người ta tránh xa chữ lót Phước.

Trong đời, tôi đã có ít nhứt là mười lần bị người mới quen hỏi “Ông có phải là người trong hoàng tộc không?” Dĩ nhiên, người hỏi không phải là người trong hoàng tộc. Một lần có người hỏi chữ lót Phước của tôi theo tên hay theo họ. Tôi biết ý của người hỏi, nên trả lời, nó không theo họ hay tên gì hết, nó giống như chữ "văn", chữ "thị" vậy thôi.

Mới đây, trong thời gian tôi soạn thảo bài nầy, tôi vô cùng may mắn, gặp được một vị nữ lưu, cô còn rất trẻ, tên là Bửu Thảo. Tôi hỏi:

- Cô Bửu Thảo họ gì?

- Dạ, cháu họ Bửu.

- Họ lạ quá. Tôi đang quan tâm về tên và họ của người Việt. Nhưng tôi không biết họ Bửu!

- Ba cháu là Bửu... Anh cháu là Vĩnh...

Tôi vụt nhớ ra, nhìn sửng cô, hỏi:

- Cô chính là người của hoàng tộc nhà Nguyễn hả? Anh của cô tên Vĩnh... là ngang thế hệ với Vĩnh Thuỵ là vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng nhà Nguyễn. Tính vai vế họ hàng thì vua Bảo Đại gọi ba cô bằng Chú, và cô gọi vua Bải Đại bằng anh?

- Dạ!...

Cô Bửu Thảo e ấp trả lời tôi bằng tiếng “dạ” rồi thôi. Tôi hiểu tiếng "dạ" đó kín đáo xác nhận mình là hoàng tộc, nhưng không muốn "khoe khoang", chẳng thấy đó là điều hãnh diện với người khác. Cử chỉ, lời nói của cô thật dễ mến.

#18 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 06/07/2014 - 20:31

Tôi nắm lấy cơ hội may mắn nầy, hỏi han về chuyện đặt tên trong hoàng tộc nhà Nguyễn. Cô Bửu Thảo thật dè dặt:

- Cháu không biết nhiều. Ba cháu mới rành. Ba cháu có quyển sách nói về hệ thống dòng họ theo bài thơ "Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh.." Ba cháu thuộc đời Bửu, tên là Bửu..; anh cháu thuộc đời Vĩnh, tên là Vĩnh.., không có Nguyễn Phúc phía trước, chỉ riêng bản thân ngầm biết mình thuộc dòng họ Nguyễn Phúc mà thôi. Cháu là gái, nên lấy chữ Bửu làm họ. Cháu nghe nói sau hai mươi đời, dùng hết bài đế hệ thi, hết đời "Xương" thì trở lại Nguyễn Phúc..

Sau dịp chuyện trò với cô Bửu Thảo, tôi nghiệm ra đôi điều lý thú:

- Những ai họ Nguyễn mà lót chữ Phước với ý đồ loè thiên hạ, làm người khác hiểu lầm rằng mình có họ hàng với hoàng tộc nhà Nguyễn là hố rồi, vì những người trai chính dòng của hoàng tộc không dùng Nguyễn Phúc (hay Phước) trước tên của mình.

Họ lấy chữ đầu của tên mình làm họ cho con gái, và lấy chữ kế trong bài đế hệ thi làm chữ đầu cho tên con trai của mình. Vậy thì những người thực sự thuộc hoàng tộc họ giữ gìn thân thế mình khá kín đáo. Chỉ những ai biết được “qui ước” của dòng họ Nguyễn Phúc (dòng vua) mới nhận ra được họ, qua tên của họ mà thôi.

Tuy nhiên, đến Nam Cali, tôi cũng thấy bảng hiệu Văn Phòng Bác sĩ ghi tên Nguyễn Phúc…, Nguyễn Phúc… Hằng ngày nhiều người nghe Bà Kiều Mỹ Duyên quảng cáo sách phong thuỷ của tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Trung, chắc đây là vị hoàng thân quốc thích nhà Nguyễn chính hiệu.
Có lẽ ghi Vĩnh Trung trơn thì giống là biệt hiệu, không hiện ra được gốc hoàng tộc của mình???

Vậy, có gặp ai họ Nguyễn mà tên đủ lót chữ Phước (như tên tôi, Nguyễn Phước Đáng) thì đừng hỏi "ông có phải là người thuộc hoàng tộc không?". Những người có tên Nguyễn Phước.. ngày nay đều là thường dân, tay trơn, tay trắng. Đừng ai bị mặc cảm bứt rứt như tôi, "tại sao tên mình cứ làm người ta hiểu lầm?"

Còn cả ba trăm năm nữa, cháu hai chục đời của vua Minh Mạng mới dùng lại Nguyễn Phúc. Tới lúc đó thì hoàng tộc hay thường dân chắc xêm xêm như nhau. Không còn ai mặc cảm tự tôn, tự ti gì cả. Do vậy, có ai tên là Nguyễn Phước A, B, C.. không hẳn người đó thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn, cũng không hẳn họ dựa hơi nhà Nguyễn.

Dù dòng họ Nguyễn Khoa hiện có mặt tại Hoa Kỳ trên bảy chục thành viên, không hẳn người nào có tên Nguyễn Khoa.. gì đó, là có dính dáng dòng họ với danh tướng Nguyễn Khoa Nam.

Miền Nam có vị đại thần họ Nguyễn sanh bốn con trai đặt tên là Hữu, Chí, Chánh, Thành. Bốn ông nầy lấy tên mình làm chữ lót cho con, cháu lập ra nhánh Nguyễn Hữu, Nguyễn Chí, Nguyễn Chánh, Nguyễn Thành là bốn dòng tộc cùng một gốc nổi tiếng ở miền Nam.

Cánh Nguyễn Hữu có người là thân phụ của Nam Phương Hoàng Hậu, có Thạc sĩ Luật Nguyễn Hữu Châu, anh rể của Bà Ngô Đình Nhu.

Cánh Nguyễn Chí có Bác sĩ Nguyễn Chí Nhiều.

Cánh Nguyễn Thành có Ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam, Ông Nguyễn Thành Lập, chủ Việt Nam Ngân Hàng ngày xưa.

Cánh Nguyễn Chánh cũng có người khá có tiếng trong thập niên 1960, ai còn nhớ tên xin bổ sung.

#19 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 06/07/2014 - 21:07

Vậy chữ lót giữa tên và họ được lập đi lập lại nhiều đời của một dòng tộc, thường được dòng tộc đó ghép lại tạo thành "họ kép". Rồi đời sau xúm nhau coi đó là "họ kép". Coi như vậy là không đúng. Dùng chữ lót ghép với họ từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, để chỉ cho mọi người biết dòng tộc nhà mình khác với những người cùng họ khác thì còn hiểu được, vì chuyện đó chỉ có vậy, chỉ có đến thế mà thôi, chứ không đủ sức để tạo thêm những họ khác, làm tăng số lượng họ người Việt thêm cao hơn nữa.

Tôi đề nghị dùng hai chữ "dòng họ" Nguyễn Phước để chỉ những người hoàng thân quốc thích của vua Gia Long, nhà Nguyễn, mà không nên dùng "họ" Nguyễn Phước, vì không có họ kép "Nguyễn Phước" trong “trăm họ” Việt Nam.

Cũng vậy, không có họ Nguyễn Khoa, họ Nguyễn Tri, họ Nguyễn Đình.. gì cả, mà chỉ có "dòng họ" Nguyễn Khoa, "dòng họ" Nguyễn Tri, "dòng họ" Nguyễn Đình.. mà thôi.

Tôi đọc qua thấy sách STTDHVN có kê ra các họ kép "Công Huyền", "Công Nữ", "Công Tôn", "Công Tằng Tôn Nữ", "Tôn Thất". Năm họ nầy quả thật có phải là họ không? Các họ nầy có từ thời nào? Có vị đàn ông nào mang họ "Công Nữ", "Công Tôn", "Công Tằng Tôn Nữ" không?

Nếu không, thì dòng họ kép "Công.." (hai chữ, bốn chữ) nầy tuyệt giống từ khuya rồi, có đâu còn tiếp nối tới ngày hôm nay? Tôi cũng chưa từng đọc thấy đấng phụ nữ nào tên là TônThất Thị A, B, C..

Tôi và nhiều người hiểu các từ ngữ công huyền, công nữ, công tôn, công tằng tôn nữ, đặt trước tên phụ nữ, là để chỉ cho biết đó là những phụ nữ trong dòng họ vua chúa nhà Nguyễn. Và từ ngữ tôn thất đứng trước tên các ông, là cho biết các ông đó có họ hàng với hoàng tộc. Vậy các người nầy đều phải mang họ Nguyễn chứ?

Bây giờ tôi thấy tên các ông Tôn Thất Đính, Tôn Thất Hùng, Tôn Thất.. tùm lum. Vậy các ông đó có họ hàng gì với dòng họ Nguyễn Phúc vua chúa không? Và các ông Tôn Thất có họ hàng với nhau không, có cưới hỏi nhau được không? Mà dường như đâu có Tôn Thất.. phụ nữ để các Tôn Thất.. đàn ông đi cưới? À! Các cậu Tôn Thất có xe duyên kết tóc được với các cô Tôn Nữ không?

Tôi cứ bị ám ảnh nỗi thắc mắc:

"Các quý ông Tôn Thất có họ hàng cật ruột hay xa gần gì với hoàng tộc nhà Nguyễn không?"

Từ đó lây sang nỗi thắc mắc khác:

"Các quý bà, quý cô Tôn Nữ có họ hàng gì với hoàng tộc nhà Nguyễn không?"

Chư liệt vị xứ Huế có ai biết rành chuyện nầy, xin chỉ bảo cho.

#20 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 06/07/2014 - 23:13

Tôi đọc thấy trong danh sách nêu trên có họ Enoul, họ H'mok, họ Kan, họ Kbuôr, họ Knui, họKpa, họ Ksor. Bảy chữ họ nầy không phải là chữ quốc ngữ. Chắc đây là họ của những người sắc tộc Thượng sống trong lãnh thổ Việt Nam.

Tôi biết, trên mặt pháp lý, người Việt là người từng trú ngụ, định cư trên lãnh thổ Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam đương nhiên, nghĩa là sanh ra và tồn vong tại Việt Nam. Ngoài ra, nói cho công bằng, người Việt định cư trên khắp thế giới, dù đã nhập đủ thứ quốc tịch, mà lòng vẫn hoài vọng quê hương, cũng vẫn là người Việt. Vậy, Kinh, Mán, Chàm, Tầy, Thái, Mường, Ra đê.. Việt nội địa, "Việt kiều" đều là người Việt.

Từ định nghĩa nầy, khi thấy người nào có quốc tịch Việt Nam, mà không phải là người nước ngoài xin nhập tịch, những người đó mang họ nào, thì họ đó là họ của người Việt.

Học giả Pháp, học giả Anh, Mỹ hay bất cứ người nước ngoài nào nghiên cứu về tên họ người Việt, đều làm như vậy. Sau học giả nước ngoài, đến học giả nội địa, tham khảo sách vở của học giả ngoại, cũng làm theo y như vậy. Và cứ như vậy, chúng ta có những sách vở nghiên cứu, biên khảo rất khoa bảng.. bây giờ và sau nầy nữa gần y như nhau. Người ta kê ra khá nhiều tác phẩm tham khảo cho một cuốn sách nghiên cứu, nhưng xem kỹ ra thì cuốn sau tham khảo cuốn trước, cứ như vậy chồng chất lên nhau, thành thử số sách tham khảo càng về sau càng nhiều ra.

Về mặt pháp lý thì là vậy. Chuyện không đáng trách, khi người Pháp, Anh, Mỹ.. gọi người “Thượng” và người “Kinh” là người Việt. Nhưng trên thực tế thì không phải vậy, không thể đồng hoá tất cả các sắc tộc trên lãnh thổ Việt Nam là người Việt.

Bạn thường nghe người ta nói "đồng bào" Thượng. Đó là lời nói đầu môi chót lưỡi, không phải từ trái tim. Người ta nói "Kinh, Thượng một nhà". Đó là lời nói "chính trị". Nói thật ra điều nầy chắc mích lòng nhiều người, nhứt là những nhà chính trị. Người Việt là người Việt, Người Mường, Mán.. là Mường, Mán.. không phải là đồng bào.

Tôi nói đúng tâm ý người Việt “Kinh”. Xin quí vị đừng phiền trách sao tôi nói thẳng ra điều đó, nhứt là quí vị sắc tộc Mường, Mán.. Từ ý nghĩ trong sâu thẩm của người Việt “Kinh”, người ta không chấp nhận “họ” của người Việt có tới số 429, nhứt là thấy ghi ra các họ không phải là chữ quốc ngữ (Enoul, H'mok, Kan, Kbuôr, Knui, Kpa, Ksor).

Ngay cả 282 “họ” có trong thực tế và trong sổ sách, người ta cũng không chấp nhận những họ A, Ai, An, Áo, Bá, Bà, Bạc, Bê, Bế, Bi, Bì... là họ của người Việt. Ngay cả những họ nhiều người biết như Vầu, Vòng, Nông (Nông Đức Mạnh) cũng không được coi là họ của người Việt. Tôi rất thông cảm với những người "bảo thủ" như vậy.

Vậy thì, tôi đề nghị những nhà nghiên cứu về "tên, họ" người Việt, nên phân biệt ra "họ, tên" người Việt đa số (người “Kinh”, theo lối nói bây giờ của nhiều người) với "tên, họ" của những sắc tộc thiểu số có trên lãnh thổ Việt Nam.

(Tôi đề nghị, nên dùng từ ngữ "sắc tộc" để chỉ dân thiểu số, chứ không dùng từ ngữ "dân tộc". Thí dụ, nên viết như vầy: "Dân tộc" Việt Nam, ngoài người Việt đa số, còn có các "sắc tộc" thiểu số sau đây: Tầy, Thái Trắng, Thái Đen, Mèo, Mán..)

#21 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 06/07/2014 - 23:40

Tới chuyện họ kép, tôi không đồng tình chút nào về chuyện bảo rằng có họ kép. Ai muốn lấy tên đệm (chữ lót) ghép vào họ của mình và con cháu, để phân biệt người trong họ mình với người cùng họ, mà chả dính dáng bà con với mình, được cả.

Nhưng công dụng của chữ lót (tên đệm) đó chỉ có vậy thôi, chứ không tạo ra được họ kép, như đã nêu ở trên. Vậy, trong sách ghi có họ Công Huyền, Công Tôn, Công Nữ, Công Tằng Tôn Nữ, Tôn Thất thì sao? Nhận xét về tên người mang những "họ" nầy, có những điều đáng chú ý sau đây:

. Chỉ có nữ mới mang "họ" Công Huyền, Công Tôn, Công Nữ, Công Tằng Tôn Nữ,

. Chỉ có nam mới mang "họ" Tôn Thất

. Phần đông, người ta cho đó là dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn,

. Dường như con gái của các nhà Tôn Thất thì đổi thành Tôn Nữ. Do vậy, nếu coi khai sanh của những người nầy, ta có thể nghĩ là có họ kép Tôn Nữ. Mà "Tôn Nữ" là họ kép thì con gái mang họ "Tôn Nữ" không phải là con của họ “Tôn Thất” sao? Còn nếu "Tôn Nữ" không phải là họ kép thì "Tôn Thất" cũng vậy.

Từ đó suy ra chữ "Thất" và chữ "Nữ" có công dụng y như chữ "Văn" và chữ "Thị": "Thất" để lót cho tên "con trai"; "Nữ" để lót cho tên "con gái". Nếu vậy, thì họ Tôn lót chữ "Thất" cũng như họ Tôn lót chữ "Đức", đều là họ Tôn mà thôi. Tôn Thất Đính với Tôn Đức Thắng đều là họ Tôn mà chẳng họ hàng gì với nhau.

Từ chuyện "suy ra" như trên, lại nẩy ra thêm "điều đáng chú ý" nữa: Tuy "Thất" giống như "Văn", "Nữ" giống như "Thị" trong chuyện dùng làm chữ lót trong việc đặt tên người Việt, nhưng chữ “Thất” và “Nữ” chỉ dùng lót cho họ Tôn mà thôi, ngoài ra gần như chưa từng thấy hai chữ nầy lót cho họ khác. Còn hai chữ “Văn”, “Thị” thì lót được cho bất cứ họ nào, kể cả họ Tôn.

Người người đều nghĩ, ai có hai chữ “Tôn Thất” đứng trước tên chính là người trong hoàng tộc nhà Nguyễn. Có đúng vậy không? Thưa, không có gì bảo đảm là đúng cả, dù rất nhiều người tin như vậy, kể cả những người mang tên Tôn Thất... gì đó.

Vì nếu là dòng họ nhà vua, thì tại sao mình không mang họ Nguyễn mà lại mang họ Tôn (dù có chữ Thất đi kèm). Họ Tôn cao quý hơn họ Nguyễn chăng? Nguyễn Phước Hưng nghe không có vẻ hoàng tộc bằng Tôn Thất Hưng chăng? Thật vậy, Nguyễn Phước Sơn nghe không cao quý bằng Tôn Thất Sơn. Hệ luỵ của chuyện hiểu lầm nầy kéo dài không biết mấy trăm năm rồi, và chắc còn kéo dài.. dài dài.

Có hai nguyên nhân làm cho chuyện hiểu lầm nầy kéo dài mãi mãi:

1. Người người đều thích mình có dính dáng gì đó với những người có danh vọng, quyền uy. Người xưa há chả nói "Thấy sang bắt quàng làm họ" sao? Huống hồ mình đang mang một "ký hiệu" mà mọi người đều ngầm công nhận là có hơi hướng vua chúa. Những người "Tôn Thất.." Không biết đã đành, mà có biết cũng không muốn mất cái danh vị hoàng tộc, dù cái danh vị đó chẳng mang lại chút bổng lộc nào ngày hôm nay.

2. Tôi hỏi một người bạn qua phone:

- Ông Tôn Thất Sơn có phải là người trong hoàng tộc không?

Ông bạn nhanh nhẩu trả lời một cách hãnh diện, mặc dù anh bạn chả rành rẽ gì:

- Đấy, đấy, Bác sĩ Tôn Thất Sơn là người hoàng tộc.. Ổng là bạn của tôi.

- Hoàng Tộc sao không mang họ Nguyễn? Tôi nghĩ, không biết Tôn Thất có phải là họ ngoại của hoàng tộc không?

- Không phải! Chắc không phải vậy! Hoàng tộc có thứ dòng chính của vua. Những người đó theo Đế Hệ Thi. Còn hoàng tộc không phải dòng chính, bà con chú bác với vua, thì theo Phiên Hệ Thi. Chắc những người "Tôn Thất.." theo Phiên Hệ Thi..

Chuyện Đế Hệ Thi và Phiên Hệ Thi, dùng chỗ nầy thật ra chưa chắc đúng. Dòng chính hay dòng bà con chú bác đều phải mang họ Nguyễn. Họ khác họ Nguyễn thì chả dính dáng gì tới hoàng tộc cả. Họ khác mà sáp được gần với hoàng tộc chỉ khi nào làm sui được với vua mà thôi, và chỉ sáp gần được một vài thế hệ, chứ không nhảy xổm vào được và đâu kéo dài mãi tới ngày nay.

Tôi có hai người bạn làm sui với hai nhà “Tôn Thất..” Hai ông bà sui bên nhà gái đều rất hãnh diện có sui gia là người trong hoàng tộc. Dù hoàng tộc có xa xa một chút cũng có hơi hướng hoàng tộc. Ca dao há không hát hò:

Một ngày tựa mạn thuyền rồng
còn hơn suốt kiếp ở trong thuyền chài.

Gẫm ra, sao lại không hãnh diện khi sui gia mình là "Tôn Thất.." Mai nầy, cháu ngoại trai của mình thành "Tôn Thất.." một bước mang danh vị hoàng tộc; Cháu ngoại gái "Tôn nữ.." danh giá cành vàng lá ngọc. Người trong "Tôn Thất.." cũng như người ngoài "Tôn Thất.." bảo hoàng hơn vua, bảo vệ ý tưởng "Tôn Thất.. là dòng vua" còn hơn những ông "Nguyễn Phước.." Các ông "Nguyễn Phước.. hoàng tộc" lần lần bị các ông "Nguyễn Phước.. dân ngu khu đen" trà trộn, phủ lấp kín mít.

Còn các ông "Tôn Thất.." hằng trăm năm qua vẫn mập mờ giữ được rặc giống "hoàng tộc", dù chả có gì chứng minh được là hoàng tộc. Tại sao vậy? Tôi gọi phone hỏi một số bạn bè. Vài người thật lơ mơ về vụ nầy. Họ mập mờ hiểu đó là dòng họ hoàng tộc. Nhưng chả chứng minh được đó là hoàng tộc:

- Thôi. Ông thử tìm mấy ông "Tôn Thất" mà hỏi. Chắc họ biết.

Tôi không tiện hỏi quý ông “Tôn Thất” chuyện nầy, vì e ngại, như vậy có sỗ sàng không?

Một ông bạn làm sui với nhà "Tôn Thất" rất thân thiết với tôi, vừa cười vừa nói:

- Tìm đề tài khác mà viết. Ông sao ưa đâm đầu vào chuyện tế nhị, làm người nầy, người nọ phiền giận ...

Nguyễn Phước Đáng






Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |