Jump to content

Advertisements




Gia Định - Sài Gòn

Góc Sài Gòn thành Gia Định thành Phụng thành Bát quái thành Qui

136 replies to this topic

#46 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 25/11/2016 - 21:42

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Việt sử Xứ Đàng Trong: Chuyện thi cử vào thế kỷ 17-18

06:34 AM - 25/11/2016 Thanh Niên


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Chia sẻ
Các tân khoa nhận áo mũ vua ban thời Nguyễn

Các chúa Nguyễn không lập trường đại học công mà để dân gian tùy ý lập trường tư dạy học, chính quyền chỉ tổ chức các kỳ thi.

Những khoa thi quan trọng
Đời chúa Hy Tông, năm Nhâm Thân (1632), bắt đầu thi hành phép duyệt tuyển, và mỗi kỳ duyệt tuyển thì ra lệnh cho học trò từ huyện đến các dinh để khảo thí một ngày. Kỳ thi ấy gọi là “quận thí mùa xuân”. Phép thi có một bài thơ, một đạo văn sách, dùng Tri phủ, Tri huyện làm sơ khảo, Ký lục làm phúc khảo, người thi đỗ gọi là Nhiêu học, được miễn thuế sai dư 5 năm. Sau cuộc thi viết chữ Hoa văn (Hoa văn tự thể), người nào trúng thì được bổ làm việc ở 3 ty: Xá sai, Tướng thần lại, Lệnh sử.
Đời chúa Thần Tông, năm Bính Tuất (1646), định phép thi Hội mùa thu “Thu vi hội thí” 9 năm mới mở 1 kỳ, mở hai khoa thi Chính đồ và Hoa văn tại phủ chúa ở Phú Xuân. Chính đồ thi 3 ngày, ngày thứ nhất thi tứ lục, ngày thứ hai thi thơ phú, mỗi thể một bài, ngày thứ ba thi văn sách một bài, dùng Văn chức, Tri phủ, Tri huyện làm sơ khảo; Cai bộ, Ký lục làm phúc khảo; Nha úy làm giám khảo; Nội tả, Nội hữu, Ngoại tả, Ngoại hữu làm Giám thị. Danh sách người thi đỗ nạp lên chúa, chia làm ba hạng giáp, ất, bính. Hạng giáp là Giám sinh được bổ làm Tri phủ, Tri huyện; hạng ất là Sinh đồ được bổ làm Huấn đạo, hạng bính cũng là Sinh đồ bổ làm Lễ sinh, hoặc cho làm Nhiêu học suốt đời. Hoa văn thi 3 ngày, mỗi ngày viết một bài thơ. Người trúng cũng chia làm ba hạng, bổ làm việc ở 3 ty, và cho làm Nhiêu học.
Đến năm Ất Mão (1675), chúa Thái Tông lại đặt thêm khoa thi Thám phỏng. Khoa này thi 1 ngày, hỏi về tình trạng binh, dân và việc Lê, Trịnh. Người trúng được bổ vào Xá sai ty.
Đến năm Giáp Tý (1684), chúa Thái Tông bãi bỏ phép thi Nhiêu học ở tuyển trường và bỏ thi Hoa văn, chỉ giữ lại khoa thi Chính đồ mà thôi. Bọn Cai bộ Cẩm Lãnh, Thủ bộ Đông Triều bẩm rằng: “Nhà nước mở khoa cử đều dùng nho, lại, họ đều tán phụ mới thành công lớn, há cũng chỉ dùng một mình nho mà thôi đâu, vậy xin theo thể chính, hóa của tiên vương, cho sĩ tử Hoa văn được ứng thi”. Nhưng chúa không nghe. Chúa Anh Tông năm Kỷ Tỵ (1689), trong dịp duyệt tuyển, thi hành lại chế độ cũ, ra lệnh cho các học trò Chính đồ và Hoa văn tới tuyển trường để ứng thí.
Năm Ất Hợi (1695), chúa Hiển Tông bắt đầu đặt khoa thi Văn chức và Tam ty ở sân phủ chúa. Thể lệ thi Văn chức, kỳ đệ nhất thi tứ lục, kỳ đệ nhị thi thơ, phú, kỳ đệ tam thi văn sách. Thi Xá sai ty thì hỏi về số tiền thóc xuất, nhập và việc ngục tụng xử quyết trong một năm; thi hai ty Tướng thần và Lệnh sử thì viết một bài thơ.
Đời chúa Thế Tông, năm Canh Thân (1740), định lại phép thu thí và quyền lợi của các người trúng cách: kỳ đệ nhất thi tứ lục, ai trúng gọi là Nhiêu học tuyển trường, được miễn tiền sai dư 5 năm, kỳ đệ nhị thi thơ, phú, kỳ đệ tam thi kinh nghĩa, ai trúng thì gọi là Nhiêu học thí trúng, được miễn sai dịch suốt đời, kỳ đệ tứ thi văn sách, ai trúng gọi là Hương cống, được bổ Tri phủ, Tri huyện, Huấn đạo.
Hai kỳ thi gặp cảnh bất thường
Đời chúa Hiển Tông, có hai kỳ thi gặp cảnh bất thường. Năm Quý Tỵ (1713), thu thí thi Chính đồ, kỳ đệ nhị có 130 người, khảo quan bất hòa đánh hỏng cả, duy thi Hoa văn và Thám phỏng thì lấy trúng cách được hơn 10 người. Chúa cho rằng khảo quan quá hà khắc, nên ra lệnh thi lại. chúa ra đề thi, lấy trúng cách 1 sinh đồ, bổ làm Huấn đạo, 7 Nhiêu học bổ làm Lễ sinh, còn những người đỗ Hoa văn và Thám phỏng trên kia đều được bổ làm việc ở Tam ty. Năm Quý Mão (1723), thi Nhiêu học lấy trúng cách 77 người, dư luận học trò rất sôi nổi, chúa ra lệnh họp tất cả ở Chính dinh để chúa cho thi tứ lục và thơ phú, mỗi thể một bài. Sĩ tử không làm nổi, bỏ ra, chúa truất bỏ cả, không lấy một người nào.
Xem trên ta thấy phép thi cử của Nam Hà chưa được hoàn bị bằng ở Bắc Hà. Lại có các khoa mà ở Bắc không có, như Hoa văn, Thám phỏng, Tam ty và ở khoa Thu thí, số người trúng cách Hoa văn, cũng đông gấp mấy lần số trúng Chính đồ. Ba khoa Hoa văn, Thám phỏng, Tam ty cốt chọn những quan lại giỏi và những người am hiểu vấn đề mà Nam Hà đương bận tâm đối phó là vấn đề Lê, Trịnh. Chắc là vì đương ở trong giai đoạn khai sáng, kiến thiết, lại chiến tranh với Bắc Hà, rồi với Chiêm Thành, Chân Lạp, nên các chúa Nguyễn chú trọng đến phương diện thực tế trong việc dụng nhân hơn.
Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục viết: “Họ Nguyễn chuyên giữ một phương, chỉ mở thu thí (tức thi Hương), chuyên dùng lại tư, không chuộng văn học, nên ít thu hái được người tuấn dị. Khảo thí thì lấy học sinh Hoa văn nhiều gấp 5 Chính đồ. Những nơi quyền, yếu thì ủy người họ hàng coi giữ, mà cho người đậu Hoa văn làm phụ tá. Người đậu thu thí bắt đầu làm Tri phủ, Tri huyện, chỉ coi việc kiện tụng, rồi làm Ký lục thì coi việc thu thuế khóa; những kế lớn, mưu lớn không được hỏi han đến; còn bọn hậu học, tiểu sinh cũng không thấy nuôi dưỡng, tác thành. Thế mà văn mạch ở đất này dày đặc không đứt, thật là đáng khen”.
Phan Khoang (Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội, 2016)

Thanked by 1 Member:

#47 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 26/11/2016 - 21:33

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Việt sử xứ Đàng Trong: Giao thương và xung đột với người Hà Lan

07:18 AM - 26/11/2016 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Antonio van Diemen, Toàn quyền Công ty Đông Ấn Hà Lan trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh Ảnh: T.L

Từ đầu thế kỷ 17, nước Hà Lan, nước Anh lập những công ty thương mại được chính phủ cho độc quyền hoạt động ở các miền trên bờ biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, gọi là Công ty Đông Ấn Độ.


Từ đầu thế kỷ 17, nước Hà Lan, nước Anh lập những công ty thương mại, với sự hùn vốn của tư nhân, được chính phủ cho độc quyền hoạt động ở các miền trên bờ biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, gọi là Công ty Đông Ấn Độ.
Hằng năm, vào khoảng đầu năm âm lịch, sự buôn bán bắt đầu. Người Việt đem đến Faifo (Hội An) sản vật trong xứ như tơ sống, gỗ quý, trầm hương, đường, xạ hương, quế, tiêu, gạo... Còn tàu Âu châu thì chở đến đồ sành, đồ sứ, giấy, trà, bạc thoi, binh khíc, diêm sinh, lưu huỳnh, chì, kẽm, vải, nỉ đỏ, nỉ xanh, nỉ đen... Các chúa cũng thường mua sản vật của dân gian để trao đổi với thương nhân ngoại quốc, lấy ngoại hóa. Sự mua bán kéo dài trong 5, 6 tháng.
Theo giáo sĩ Christoforo Borri thì thấy người Hà Lan đến buôn bán ở Đàng Trong, người Bồ Đào Nha ở Macau sai một sứ giả đến xin chúa Nguyễn đuổi họ; sau đó lại sai một phái đoàn đến nói với chúa Nguyễn hãy đề phòng người Hà Lan nhã nhặn nhưng xảo quyệt, e họ sẽ xâm chiếm đất đai Nam Hà như họ đã làm ở Ấn Độ. Nhưng chúa Sãi khá sáng suốt, vẫn sai viết thư cho công ty Hà Lan vời họ sang buôn bán ở nước mình. Đầu năm 1636, đã có một thương điếm Hà Lan được thiết lập ở Quảng Nam.
Bấy giờ ở Nhật Bản, Mạc phủ đã xuống lệnh cấm người Nhật buôn bán với Đông Kinh (Tonquin, tức khu vực Bắc kỳ thời kỳ đó), công ty Hà Lan ở Nhật định sang Đông Kinh buôn bán, thay địa vị người Nhật ở đấy. Tháng 3.1637, tàu Grol từ Nhật Bản đến Tourane (Đà Nẵng ngày nay) rồi ra Đông Kinh, xin vua Lê, chúa Trịnh cho phép đến buôn bán ở Đàng Ngoài và dâng vua Lê hai khẩu đại bác. Những người Hà Lan được tiếp đãi tử tế và cho phép mở thương điếm ở Hiến Nam. Nhân đó, chúa Trịnh có yêu cầu người Hà Lan giúp mình trong cuộc chiến tranh với họ Nguyễn.
Nhân tàu Grol ghé Tourane, chúa Thượng đã gửi cho Toàn quyền Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Batavia (Jakarta, Indonesia ngày nay) bức thư và nửa cân trầm hương. Trong thư chúa tỏ ý mong muốn người Hà Lan đến buôn bán ở nước mình.
Những hảo tâm ấy của chúa Nguyễn không được lâu bền. Vì chúa Thượng đã biết sự giao dịch của chúa Trịnh và người Hà Lan, nhất là lời yêu cầu giúp đỡ để chống, đánh mình. Do đó, những lời hứa hẹn miễn thuế cho Hà Lan không được tuân giữ, rồi năm 1641, hai chiếc tàu Hà Lan bị đắm gần đảo Poulo Cahm, phần đông người trong tàu bị bắt giam. Các thương nhân Hà Lan bị đối xử quyết liệt: một đứa đầy tớ người Việt của thương điếm Hà Lan ăn cắp, bị người Hà Lan tự tiện đem giết, quan Trấn thủ Quảng Nam bèn thu hàng hóa, đồ đạc của thương điếm đem đốt hết, vàng bạc và đồ gì không cháy đều được vứt xuống biển, 7 thương nhân Hà Lan bị giết, 2 thương nhân khác được gửi đi một tàu ngoại quốc để về Batavia, thuật lại việc đã xảy ra cho công ty biết. Trước tình hình ấy, trong năm 1641, người Hà Lan đã phải bỏ thương điếm ở Faifo, và giao cho một người Nhật tên là Risemondono cư trú ở Senua (tức Thuận Hóa, chỉ Huế ngày nay) đại diện cho họ ở Đàng Trong.
Đầu năm 1642, một chiếc tàu Hà Lan do Van Liesvelt làm thuyền trưởng đi Batavia, ghé đến gần Faifo, xin chúa Nguyễn thả những người Hà Lan đang bị giam, nhưng chúa Nguyễn biết trên tàu ấy có mấy sứ giả Trịnh phái sang Batavia nên không thả.
Động binh
Công ty Hà Lan bèn quyết định dùng binh lực: 5 chiếc tàu có 152 thủy thủ và 70 binh sĩ được phái đến hải phận Đàng Trong, một đoàn trưởng là Van Liesvelt lên bộ, bị quân chúa Nguyễn đánh giết cùng 12 binh sĩ. Một đoàn trưởng khác là Van Linga đem giết 20 người Việt mà họ bắt trước để làm con tin, nhưng Van Linga không dám lên bộ. Chúa Thượng bèn bắt giết 1 thương nhân Hà Lan đang bị giam. Để trả thù, Van Linga bắt 107 người Việt họ gặp trên các làng ở dọc bờ biển đem xuống tàu, rồi cho tàu chạy ra bắc.
Năm 1643, hai chiếc tàu Hà Lan là Kievit và Nachtegeals đến Đàng Ngoài. Bấy giờ, chúa Trịnh đương đem quân đi đánh Đàng Trong ở Quảng Bình, được tin, liền viết thư yêu cầu hai tàu ấy, và một chiếc khác là Woec Kinde Boode đang đậu ở hải phận Đàng Ngoài, vào sông Gianh giúp mình, nhưng không biết vì sao không thấy ba tàu ấy dự chiến trận này. Đầu năm 1644, 3 chiếc tàu Hà Lan vào hải phận Đàng Trong, không biết có phải để gặp quân chúa Trịnh hay không. Được tin, Thế tử Dũng Lễ hầu (tức chúa Hiền sau này) liền đem 60 ghe chiến ra vây đánh. Chiếc tàu lớn hơn của Hà Lan bị ghe Việt xông vào đánh phá, Pieter Baek phải đốt nổ kho thuốc súng để tự tử, hai chiếc kia bỏ chạy, bị đuổi theo, một chiếc va vào đá, chìm, còn chiếc kia chạy thoát ra bắc. chúa Trịnh tức giận, không cho ghé vào hải cảng để tiếp tế lương thực. Theo Alexander de Rhodes, chúa Thượng sai cắt mũi 7 người Hà Lan thoát chết và cùng các xác chết người Hà Lan, gửi ra bắc để chúa Trịnh tưởng niệm chiến công của đội quân tinh nhuệ của mình.
Nhưng công ty Hà Lan thấy rằng tình trạng ấy không thuận tiện cho sự mở mang thương nghiệp của mình, nên năm 1650 thay đổi chính sách. Về phần chúa Nguyễn, bấy giờ là chúa Hiền, đã nối ngôi cha từ năm 1648, cũng cho Batavia biết là mình muốn hòa hảo. Ngày 9.12.1651, hai bên hiệp ước: bỏ qua sự bất hòa cũ.
Nhưng sự hòa hảo này không được duy trì lâu dài. Nhân viên của công ty liên tục bị phiền nhiễu, nên đầu năm 1654, công ty Hà Lan quyết định chiến tranh với Đàng Trong. Nhưng chiến tranh ấy, người Hà Lan không tích cực thực hành, người ta chỉ thấy thương quán Hà Lan đóng cửa từ đó.
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội 2016)

Phan Khoang



#48 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 27/11/2016 - 12:20

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Việt sử Xứ Đàng Trong: Nền kinh tế, thương mại thời chúa Nguyễn

08:53 AM - 27/11/2016 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Chia sẻ
Phiên chợ ở Hội An đầu thế kỷ 20Ảnh: LIFE

Hai xứ Thuận, Quảng giàu có cả về lâm sản, nông sản và hải sản, nhất là xứ Quảng Nam có nơi đất có vàng, sắt. Về thương mại, người Thuận, Quảng chỉ mua, bán thổ sản và sản phẩm tiểu công nghệ ở các chợ, chợ phiên.


Đất đai màu mỡ, phì nhiêu
Sách Phủ biên tạp lục viết: “Những sản vật quý phần nhiều xuất từ miền Nam. Xứ Quảng Nam (kể cả Gia Định) là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Ở phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, đồng ruộng rộng rãi gạo lúa tốt. Ba phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Gia Định thì thóc gạo nhiều không kể xiết, nhất là Gia Định đất đai màu mỡ mà không lo cái nạn hạn, lụt. Ở Gia Định, có nơi cấy một hộc thóc giống thì gặt được 100 hộc thóc, có nơi ruộng không cần cày, chỉ phát cỏ rồi cấy, cấy một hộc thóc giống gặt được 300 hộc thóc. Gạo nếp, gạo tẻ đều trắng trẻo, tôm cá rất to béo, ăn không hết”.
Ngoài ngũ cốc, Thuận, Quảng sản xuất nhiều cau, hạt tiêu, bo bo, hạt mè, đường cát, đường phổi. Về lâm sản, dãy núi Trường Sơn cho trầm hương, kỳ nam, sừng tê, ngà voi, sáp ong, dầu rái, cây lui, tre tư lao (dùng làm cán dao)... Chúa Nguyễn có đặt đội An Sơn hằng năm cứ tháng 2 thì đi tìm kiếm, tháng 6 thì đem về.
Gỗ là thứ người Việt rất cần dùng thì Thuận, Quảng sản xuất rất nhiều và nhiều thứ quý. Theo Phủ biên tạp lục, từ châu Bố Chính trở vào đều có nhiều thứ gỗ tốt. Các đầu nguồn huyện Khương Lộc có gỗ “táu” bền, đen như sắt, dân địa phương dùng làm cột nhà, gỗ “gụ” có vân mà bền, đen dùng làm giàn nhà, gỗ “bời lời” to mà sắc trắng dùng làm ván vách... Mỗi năm, tháng 8, khách buôn đóng bè chở xuống bán từng cây hoặc từng súc lớn nhỏ, có đến nghìn, trăm.
Gỗ “kiền kiền” cứng, bền, lâu hư, chôn sâu xuống đất mấy thước, trăm năm cũng không mục, ở đầu nguồn châu Nam Bố Chính (Quảng Bình) và các huyện Quảng Điền, Phú Vinh (Thừa Thiên-Huế) đều có. Nhà cửa, lầu gác, ghe thuyền của họ Nguyễn đều dùng gỗ “kiền kiền”. Gỗ “sao” có thể làm vách thuyền, loại sản xuất ở đầu nguồn H.Phú Vinh, Hương Trà thì nhẹ, vào nước thì nổi, dùng làm thuyền buôn và thuyền đánh cá.
Họ Nguyễn xây dựng cung điện, nhà cửa, thường lấy gỗ các phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi và Gia Định. Phủ Gia Định sản xuất nhiều gỗ tốt, các xứ, nguồn, thuộc huyện Phước Long, Tân Bình có nhiều gỗ “sao”, gỗ “trắc”, gỗ “giáng hương”…
Nghề nông là gốc, nhưng dọc theo bờ biển, nhân dân cũng sống bằng nghề chài lưới. Đánh cá, làm mắm đem lại những nguồn lợi lớn cho các miền duyên hải. Biển Thuận, Quảng còn có đồi mồi, xà cừ, các đảo trong biển Quảng Nam, Bình Khương có yến sào. Ở Hà Tiên có huyền phách sắc đen như sắt, người ta nói dùng nó tránh được gió độc, nên thường dùng làm tràng hạt.
Thương mại thịnh vượng
Người Hoa kiều tập trung đông ở nhiều thành thị, đưa ngoại hóa đến bán ở các chợ, chợ phiên. Buôn bán bằng ghe thuyền chỉ dọc theo bờ biển đi tỉnh này sang tỉnh nọ, hoặc từ châu Bố Chính qua Thuận Hóa, Quảng Nam, Thị Nại, Gia Định, đến vịnh Xiêm La là cùng. Nhờ bán sản vật cho ngoại quốc một phần lớn mà nền thương mại thịnh. Đến hậu bán thế kỷ 18, việc thương mại ở đô thành Phú Xuân đã phát đạt. Giáo sĩ Jean Koffler (sinh ở Prague, CH Czech - PV) năm 1766 đã viết: “Mỗi năm có độ 80 chiếc ghe Trung Quốc từ các tỉnh đến, ấy là bằng chứng của một nền thương mại phồn thịnh, nhất là khi thấy ngoài ra còn có tàu từ Macau, từ Batavia (Jakarta, Indonesia ngày nay - PV), từ nước Pháp đến nữa… Hàng hóa chở tấp nập bằng đường bộ hoặc đường biển đến đô thành, nơi đây người ta đem bán và mua các hàng hóa khác”.
Tiểu công nghệ có tính cách gia đình và phường bạn đã khá phát đạt. Những thợ làm nghề thường ở chung một làng hoặc một ấp. Ở Thuận, Quảng có thợ dệt vải, lụa, gấm, đoạn, trừu, sa, lãnh và nhuộm các màu; có thợ dệt chiếu, chằm nón, đãi vàng, nấu, luyện vàng, khai mỏ sắt, đúc đồ đồng, đúc súng, làm giấy, thép, đồ sành, đóng ghe thuyền, làm muối…
Phủ biên tạp lục chép, H.Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) có phường dệt hàng tơ. Ở xã Phú Cam, thuộc địa phận 3 xã Sơn Điền, Dương Xuân, Vạn Xuân, chia làm 3 ấp, mỗi ấp 10 nhà, mỗi nhà 15 thợ dệt, ông tổ xa của họ học được nghề dệt của người Hoa rồi truyền lại cho con cháu. Ở Phú Xuân (Thừa Thiên-Huế), Điện Bàn (Quảng Nam), Lệ Thủy (Quảng Bình)... đều có thợ thêu gấm rất khéo, kiểu hoa sưa, dày khác vẻ mà đều đẹp, hay thêu ở cổ áo phụ nữ, ở các túi trầu.
Sau khi tiếp xúc với người Âu Tây, đồng hồ đã được các nhân viên công sở dùng. Phủ biên tạp lục cho biết ở xã Đại Hào, H.Đăng Xương (Quảng Trị) có Nguyễn Văn Tú, học người Hà Lan, làm được đồng hồ và sửa chữa đồng hồ. Em Văn Tú là Văn Thi, con là Văn Duy, rể là Lưu Văn Dũng đều biết nghề này.
Theo Koffler, người Đàng Trong về công nghệ rất dễ dạy và sáng dạ, họ bắt chước, làm được giống y những sản phẩm của Tây phương với dụng cụ đơn giản. Họ đóng tàu, làm nhà đúng y với bản vẽ của kiến trúc sư, họ sơn rất khéo và trên những bức sơn có những hình cây cối, hoa, cỏ, chim muông rất ngoạn mục.

Phan Khoang


(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội, 2016)

#49 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 28/11/2016 - 21:31

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Việt sử Xứ Đàng Trong: Văn mạch dằng dặc không dứt

06:30 AM - 28/11/2016 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Truyện Sãi **** (tức Tăng ni truyện) của Nguyễn Cư Trinh xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975 Ảnh: T.L

Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục viết: 'Họ Nguyễn trước kia chuyên giữ một phương, chỉ mở thi hương, chuyên dùng lai tư, không chuộng văn học, ít thu lượm được người tuấn dị... Thế mà văn mạch ở đất này dằng dặc không dứt, thật đáng khen!'.


Thời các chúa Nguyễn, không thấy có trường đại học công lập (cách gọi của tác giả - TN) như trường Quốc Tử Giám ở Bắc hà, cũng không thấy có chức học quan. Đó là một khuyết điểm mà chúa Trịnh đã nêu lên để chỉ trích; người ta cũng thấy hòa thượng Thạch Liêm đã khuyên chúa Hiển Tông nên mở trường quốc học (theo Hải ngoại kỷ sự), không hiểu vì sao trải qua các chúa, đến đời chúa Thế Tông xưng vương, Nam hà vẫn không có trường đại học công. Nhưng trong bài tựa sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn viết: “Ngày tế đinh (tức tế Khổng Tử ở Văn Miếu - chú thích của tác giả) tôi vẫn đến học cung chiêm bái, học trò đến học có đến vài trăm người, tôi có cùng họ giảng học, luận văn, khuyến khích, dạy bảo ân cần...”. Vậy thì cũng có sinh viên đại học (cách gọi của tác giả - TN) đến nghe giảng ở nhà học, nhưng không biết tổ chức cách nào. Nhưng trong dân gian thì trường học mở rất nhiều. Giáo sĩ Christoforo Borri, trong cuốn Relation de la Nouvelle mission au Royaume de la Cochinchine đã cho biết ở Đàng Trong thời chúa Hy Tông, đã thấy nhiều trường bậc đại học với nhiều giáo sư cùng các cuộc thi, hạch các cấp y như ở Trung Quốc vậy.
Xem trong Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên, chúng ta thấy tên một số tác giả và tác phẩm nhưng phần nhiều các tác phẩm ấy chỉ còn cái tên mà thôi. Vì các tác phẩm ấy chép tay, chưa khắc in, nên trải qua cuộc đánh chiếm Thuận, Quảng của quân Trịnh, cuộc chiến tranh với Tây Sơn và 25 năm loạn lạc tiếp đó ít tác phẩm còn giữ lại được dưới các cơn binh hỏa, nhiễu nhương. Điều đáng chú ý là có nhiều tác phẩm bằng quốc âm. Vậy biết rằng văn chương quốc âm cũng đã phát đạt. Ông Lê Quý Đôn khi ở Phú Xuân có sưu tập một số thơ văn mà ông chép lại trong Phủ biên tạp lục. Các thơ văn ấy đều có giá trị về văn chương và tư tưởng.
Những tài năng văn chương
Sau đây xin theo các sách trên chép lại tên tác giả, tác phẩm cùng những vị học thức, đức hạnh đã có công tài bồi văn hóa trong thời gian ấy.
Ở Thuận Hóa thời Lê có Bùi Dục Tài là người huyện Hải Lăng học rộng biết nhiều, có tiếng hay chữ, đỗ tiến sĩ năm Cảnh Hưng (1502); Dương Văn An người huyện Lệ Thủy, đỗ đồng tiến sĩ đời Mạc, năm Vĩnh Thịnh nguyên niên (1547), người đã sửa chữa và tập thành sách Ô châu cận lục.
Đào Duy Từ còn để lại bài Ngọa long cương ngâm và sách Hổ trướng khu cơ.
Nguyễn Hữu Dật 16 tuổi đã nổi tiếng văn học, đời chúa Hy Tông, được bổ làm văn chức, đời chúa Thái Tông, Hữu Dật làm Ký lục dinh Bố Chính. Tham tướng Nguyễn Phước Tráng vốn cùng Hữu Dật có hiềm khích, gièm với chúa rằng Hữu Dật toan mưu trở về bắc. Chúa Thái Tông bắt Hữu Dật bỏ ngục. Hữu Dật theo tập sách Anh liệt chí đời Minh, làm thành truyện Hoa Vân cáo thị để nói rõ chí mình, rồi nhờ người coi ngục dâng lên chúa. Chúa đọc xong, tha và cho làm Văn chức ở Chính dinh.
Nguyễn Phước Chu, tức chúa Hiển Tông, học rộng kinh sử, thường trước tác; đề vịnh, ý tứ tự nhiên. Ông còn để lại 4 bài thơ khóc phi là Nguyễn thị, bài minh khắc trên chuông chùa Thiên Mụ, bài văn bia ở chùa này, nhiều bài thơ, câu đối tặng, điếu các quan...
Nguyễn Phước Tứ, con thứ 8 của chúa Hiển Tông, có khí cuộc, học rộng, ưa ngâm vịnh, giỏi thơ quốc âm, có làm Hoa tình nguyện bằng quốc âm, lời rất đau buồn, được dân gian ưa đọc. Nguyễn Phước Dục con Nguyễn Phước Tứ, học rộng, có tài lược, thơ hay, ưa ngâm vịnh, tương truyền rằng đàn Nam cầm là do ông chế ra.
Nguyễn Khoa Chiêm bắt đầu làm chức Thủ hợp đời chúa Hiển Tông rồi trải qua nhiều chức, đến năm Giáp Thìn (1724) thăng Tham chính Chính đoán sự, tác giả sách Nam triều Nguyễn Chúa khai quốc diễn chí (còn có tên gọi Nam triều công nghiệp diễn chí - TN).
Nguyễn Cư Trinh, hiệu Đạm Am, làm quan đời chúa Hiển Tông đến chức Ký lục. Cư Trinh thuở bé dĩnh ngộ, tuyệt quần, 11 tuổi đã làm văn thơ hay, cùng tùng huynh là Nguyễn Đăng Thịnh tề danh một thời, năm Canh Thân đỗ Hương cống, làm quan Tri phủ, Văn chức. Sau khi chúa Thế Tông lên ngôi vương, điển chương, pháp độ do Đăng Thịnh tán định, còn từ lệnh thì do ông thảo ra. Ông từng làm Tăng ni truyện (tức truyện Sãi ****) bằng quốc âm. Từ năm Quý Dậu (1753), ông vào cầm binh đánh Chân Lạp, lập dinh Long Hồ, đạo Đông Khẩu, đạo Tân Châu, đạo Châu Đốc, Nam thùy mở rộng đất đai đến đấy đều là công của ông. Trong thời gian ở biên cảnh hơn 10 năm này, ông thường cùng Đô đốc Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ tặng đáp thơ, văn. Ông có họa 10 bài thơ vịnh Hà Tiên và mấy bức thư ông đáp lại Mạc Thiên Tứ, nội dung nhiều tư tưởng, triết lý.
Nguyễn Quang Tiền người huyện Quảng Điền, học rộng, thơ hay. Đời chúa Hiển Tông, ông làm Văn chức, biểu cầu phong gửi vua Thanh là do ông soạn. Đời chúa Thế Tông, các bài thơ đề vịnh ở các cung đình, và văn thư thù ứng với các lân bang phần nhiều do ông soạn. Khi Lê Quý Đôn ở Phú Xuân, có đến nhà ông để sưu tầm những văn phẩm của ông còn lại.
Võ Trường Toản là người huyện Bình Dương, phủ Gia Định, thông dĩnh, kinh học uẩn súc, gặp loạn Tây Sơn ở ẩn dạy học, học trò nhiều kẻ trở thành danh thần nhà Nguyễn như Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức. Khi Nguyễn Phước Ánh đóng ở Gia Định, có triệu ông đến thăm hỏi, và rất khen ngợi sự cao thượng của ông. Ông mất, Nguyễn vương cho hiệu là “Gia Định xử sĩ sung đức Võ tiên sinh”, sai khắc ở mộ chí.

Phan Khoang


(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội 2016)


Bạn đọc phản hồi (1 nhận xét)


onydo
An Giang - 28/11/2016
Xin nói thêm quan Nghi Biểu Hầu chức Tham Mưu thời chúa Nguyễn hiển Tông tiền triều;có kỳ công bày mưu định kế Tàm Thực tầm ăn lá dâu tuy ko thấy gì mà đất miền Nam bao nhiêu cũng về chúa nguyễn Nam Hà;dảy đất Tầm Phong Long trong đó có vùng 7 núi Châu Đốc qua vùng Cao Lãnh Sa Đéc Cần Thơ Sóc Trăng cũng do bày mưu định kế của quan Tham mưu.Đến khi gia long lên ngôi đế nghiệp 1802 truy tôn Cư Trinh lên hàng Thượng đẳng Khai quốc công thần được tùng tự nơi hửu vu nhà Thái Miếu và miếu Khai Quốc công thần tại Huế Đô cùng với Nguyễn Hửu Cảnh;Đào Duy Từ;Nguyễn hữu dật;Nguyễn Ư kỹ;Nguyễn hửu Tiến

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


3 thích

Thanked by 1 Member:

#50 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 29/11/2016 - 21:48

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Việt sử Xứ Đàng Trong: Cuộc khủng hoảng tiền kẽm

06:14 AM - 29/11/2016 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Chia sẻ
Một số loại tiền đồng lưu hành ở Đàng Trong: Thái Bình thông bảo, Trị Nguyên thông bảo, Tường Nguyên thông bảoẢnh: T.L

Thời các chúa Nguyễn, ở Thuận, Quảng, Gia Định thông dụng tiền Khương Hy và các thứ tiền Khai Nguyên nhà Đường; Thuần Hóa, Tường Phù nhà Tống; đồng thời có lệ mỗi chúa lên ngôi thì đúc tiền đồng nhỏ, in hai chữ Thái Bình.


Năm Giáp Ngọ (1774), quân Hoàng Ngũ Phước vào Phú Xuân, tịch thu kho tàng, lấy được hơn 10 vạn quan tiền đồng cũ hiệu Khương Hy, Thuần Hóa, mới biết thuyền buôn Bắc Hà đã lén chở vào bán lại.
Những đồng tiền cũ của Trung Quốc thường được dân phá làm đồ dùng, mỗi ngày một hao hụt. Nên năm Ất Tỵ (1725), chúa Túc Tông đúc thêm tiền đồng.
Năm Giáp Thìn (1724), đời chúa Hiển Tông, Ký lục Chính dinh là Nguyễn Đăng Đệ xin cấm dùng các thứ tiền bằng gang, chì, sắt để mua bán, còn tiền đồng nếu không gãy, mẻ thì không bỏ. Không biết các thứ tiền gang, thiếc, chì sắt là tiền gì và do ai đúc ra.
Nhưng số tiền đồng của chúa Túc Tông đúc ra cũng bị dân gian phá làm đồ dùng, nên đến chúa Thế Tông, năm Bính Dần (1746), theo đề nghị của Hoa kiều họ Hoàng, mua kẽm trắng của Hà Lan, mở trường đúc ở Lương Quán, đúc tiền kẽm, vành tiền và chữ đề theo thể thức tiền Tường Phù nhà Tống. Việc lưu hành tiền kẽm này đã gây ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ trầm trọng ở Nam Hà lúc bấy giờ. Theo Phủ biên tạp lục thì tiền kẽm đúc ra lần đầu dày, cứng, tuy có thể đốt cháy, nhưng không thể bẻ gãy được, nên tiêu dùng cũng tiện.
Thế rồi, người có tiền đồng cất giữ, không chịu đem tiêu dùng. Người quyền quý, có thế lực tranh nhau xin đúc thêm tiền kẽm, dựng hơn 100 lò, đúc tiền hiệu Thiên Minh Thông Bửu, trộn chì vào, tiền lại nhỏ mỏng, có thể bẽ gãy được, dân gian chê xấu không dùng, nên việc mua bán không thông. Trước thì 1 đồng tiền kẽm ăn 1 đồng tiền đồng, nay 3 đồng mới ăn 1. Thuyền buôn ngoại quốc không nhận, họ đổi hàng hóa lấy gạo, muối, còn nhà giàu không muốn lấy tiền ấy, không chịu bán lúa, vì thế giá lúa cao vọt lên. Trong vòng hai năm, thuyền buôn Ma Cao đem kẽm đến bán, không dưới 15 vạn cân, mà chính quyền không biết cấm, kẻ gian mua rồi đem đến núi sâu, hải đảo đúc lén, không thể tra hỏi được.
Pierre Poivre là người sai phái của Công ty Đông Ấn của Pháp đến Nam Hà lúc ấy cũng nói trong Memoire sur la Cochinchinne: “Việc thương mại của xứ này đương bị xáo trộn vì sự lưu hành một thứ tiền kẽm gây ra nhiều sự gian trá, độc quyền và rối ren đủ thứ. Các tệ hại này không thể tồn tại lâu được, nhưng tôi không thể biết trước bao giờ chấm dứt...”.
Từ năm Mậu Tý (1768) trở đi, vì nhà giàu giữ lúa không chịu bán ra, nạn đói hoành hành ở Thuận, Quảng. Năm Canh Dần (1770), ở Thuận Hóa có dật sĩ là Ngô Thế Lân dâng thư lên chúa Duệ Tông bàn về nguyên nhân đói kém, và đề nghị phương kế bổ cứu. Thư đại lược rằng: “Nay thiên hạ đã bình yên lâu ngày, đất rộng, dân đông, đất trồng ngũ cốc đã khai khẩn hết, những nguồn lợi núi chằm đã khai thác hết, lại thêm ruộng ở Phiên Trấn, Long Hồ không bị hạn lụt, thế mà từ năm Mậu Tý đến nay giá lúa cao vọt, sanh dân đói kém, là vì cớ gì? Thần trộm nghĩ ấy không phải là vì thiếu lúa mà vì tiền kẽm gây nên vậy. Phàm dân chạy về mối lới cũng như nước chảy xuống chỗ thấp, thế không thể ngăn được, thế nên tuy rừng sâu có độc lam chướng, có nạn hùm beo, biển lớn có cái nguy sóng gió, kình ngạc, mà người ta thường đến mà không sợ, ấy là vì thấy lợi mà quên hại vậy. Huống chi cái lợi đúc tiền kẽm lại gấp bội cái lợi khác lại không có cái lo về lam chướng, hùm beo, sóng gió, kình ngạc, tuy có lệnh cấm nhưng từ khi dùng tiền tới nay, chưa ai vì đúc trộm mà bị giết bao giờ. Cho nên từ khi việc đúc trộm tiền kẽm ở Ba Thắc hoành hành thì giá lúa ở Gia Định cao vọt, ấy là vì kẻ đúc trộm tiền kẽm được lợi rất nhiều, nếu chở đi nơi khác thì sợ lộ việc gian, nên không kể hàng đắt hàng rẻ, đều tùy tiện mua lấy, giá lúa nhân đó mà cao lên. Lúc đắt thì dân sợ đói, sợ đói thì tranh nhau để chứa, tranh nhau mua thì lúa ngày càng đắt, lúc đắt thì mọi vật trong thiên hạ cũng theo đó mà đắt lên. Huống chi tính người ai cũng ưa cái bền chắc, ghét cái chóng hư, nay lấy đồng tiền kẽm chóng hư mà thay đồng tiền bền chắc, cho nên dân tranh nhau chứa lúa mà không chịu chứa tiền. Thời Hán Cao Tổ cho rằng tiền nửa lượng của nhà Tần nặng quá, mới đúc giáp tiền để thay, vật giá liền lên cao, 1 thạch gạo giá đến 1 vạn đồng tiền, ấy là vì tiền mỏng nên vật giá phải cao, đã ăn thì cha con không có nghĩa nữa. Cha đã không giữ được con, thì vua sao giữ được dân?
Tuy vậy, các tệ tiền kẽm đã lâu rồi, nay muốn thay đổi rất khó mau có công hiệu, mà nạn đói của dân lại rất gấp. Thần trộm nghĩ phương kế ngày nay, không gì bằng phỏng theo phép nhà Hán, mỗi phủ đặt 1 kho “Thường Bình”, đặt chức quan Hữu tư, định giá thường bình, rồi hễ lúa rẻ thì mua chứa vào kho, lúa đắt thì theo giá mà bán cho dân. Như thế thì giá lúa không đến nỗi rẻ quá để thiệt hại nhà nông, mà cũng không đến nỗi đắt quá để lợi cho dân buôn, khiến dân nghèo đói kém, rồi sau sẽ lần lần sửa đổi cái tệ tiền kẽm. Như thế vật giá sẽ được bình ổn”. (Theo Phủ biên tạp lục).
Thư dâng lên, nhưng không thấy trả lời.

Phan Khoang


(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội 2016)

#51 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 30/11/2016 - 21:29

Việt sử Xứ Đàng Trong: Phân hạng dân để nộp thuế và tuyển binh

06:19 AM - 30/11/2016 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Chia sẻ
Binh lính nhà Nguyễn Ảnh: T.L

Chúa Hy Tông với ý định lập giang sơn riêng, sau khi bãi bỏ các cơ quan hành chính của triều Lê, đặt Tam ty để thay thế, năm Nhâm Thân (1632), bắt đầu thi hành phép duyệt tuyển.


Duyệt tuyển là duyệt dân, chia ra từng hạng để đánh thuế và tuyển binh. Đó là một điển lệ quan trọng của quốc gia, phải do lệnh triều đình ban hành, nay chúa Nguyễn tự ý quyết định để tỏ rằng Thuận, Quảng thoát khỏi uy quyền nhà Lê.
Quy trình duyệt tuyển
Phép này, chúa Hy Tông nói theo quy chế thời Hồng Đức và các chúa kế sau đều thi hành: 6 năm 1 lần duyệt tuyển lớn, gọi là đại điển, 3 năm một lần duyệt tuyển nhỏ, gọi là tiểu điển. Đến năm duyệt tuyển thì tháng giêng sai các tổng, xã làm sổ sách, để riêng dân chính hộ là dân chính quán ở xã và dân khánh hộ là dân ngụ cư, rồi chia làm các hạng: tráng là người mạnh khỏe để sung vào quân đội; quân là người được ở nhà làm ruộng, đến khi quân ngũ có thiếu thì theo thứ tự trong sổ lấy mà bổ sung; dân là người từ 18 tuổi trở lên không được chọn làm binh lính; lão là người cao tuổi; tật là người tàn tật; cố là người làm thuê; cùng là người nghèo túng; đào là người bỏ trốn.
Đến tháng 6 thì duyệt tuyển. Ở các địa phương lập nên các tuyển trường, có quan văn, võ do trung ương phái đến phụ trách về việc duyệt tuyển. Thời ấy, lập 1 trường cho 3 huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang; 1 trường cho huyện Võ Xương, Hải Lăng, Minh Linh; 1 trường cho huyện Khương Lộc; 1 trường cho huyện Lệ Thủy; 1 trường cho châu Nam Bố Chính; 5 phủ Điện Bàn, Thăng Hoa, Quảng Ngãi, Hoài Nhân, Phú Yên mỗi phủ 1 trường, sau khi đặt phủ Thái Khương (sau đổi là Bình Khương) thì lập 1 trường ở đấy, đến năm Mậu Tý (1708), chúa Hiển Tông lập thêm 1 trường ở phủ Bình Thuận, 1 trường ở phủ Gia Định, cộng cả thảy 13 trường. Duyệt tuyển ở tuyển trường 1 tháng thì xong. Xã nào thấy sự ấn định các hạng dân nặng cho mình có quyền làm đơn xin xuống hạn.


Định mức thuế điền
Các chúa Nguyễn sai quan đo đạc ruộng công của các xã dân để thu thuế điền mỗi năm. Cứ mùa gặt xong, sai người đến tận nơi chiếu theo số ruộng đất cày cấy mà thu thuế. Năm 1669, thuế lệ định như sau: ruộng công nhất đẳng, mỗi mẫu nộp thuế bằng 40 thăng lúa, nhị đẳng mỗi mẫu 30 thăng, tam đẳng mỗi mẫu 20 thăng.
Ruộng khô mỗi mẫu 4 tiền, hoặc 1 tiền 30 đồng, hoặc 2 tiền, hoặc 2 tiền 30 đồng tùy vị trí. Ruộng hoang mới khai phá nạp 3 quan hoặc 3 tiền... Định lệ thu thuế sai dư (thuế thân) cho các hạng dân như sau: ở Thuận Hóa về chính hộ, con cháu quan viên nạp 1 quan; tráng hạng 2 quan; quân hạng 1 quan 5 tiền; dân hạng 8 tiền; lão hạng 1 quan; tật hạng, cố hạng đều 5 tiền; cùng hạng 3 tiền; đào hạng 2 tiền. Về khách hộ, con cháu quan viên nạp 3 tiền; tráng hạng 1 quan; quân hạng 7 tiền; dân hạng, lão hạng đều 5 tiền; các hạng cố, cùng, đào, tật đều được miễn. Còn các người viên chức cũ như cựu xã trưởng, cựu tướng thần, cựu tri phủ, cựu ưu binh... cũng phải nạp sai dư và phụ thu, nhưng nhẹ hơn. Ở Quảng Nam, về chính hộ, tráng hạng nạp 2 quan; quân hạng 1 quan 7 tiền; dân hạng 8 tiền; lão hạng 9 tiền; cố hạng chia làm 3 hạng; hạng nhất 1 quan 5 tiền; hạng nhì 1 quan; hạng ba 7 tiền; tật hạng 6 tiền; cùng hạng 3 tiền; đào hạng 2 tiền. Về khách hộ, tráng hạng 1 quan 2 tiền, quân hạng 1 quan; dân hạng, lão hạng đều 6 tiền; tật hạng 4 tiền... các hạng cùng, đào được miễn.
Tiền từ thuế sai dư định từ năm Nhâm Thân (1632), nhưng xem trong Phủ biên tạp lục ông Lê Quý Đôn đã chiếu theo số thuế đời chúa Duệ Tông mà chép lại thì thấy các sổ ấy vẫn không thay đổi, sau 150 năm.
Dân nộp nhiều loại phí khác
Ngoài thuế sai dư, các hạng dân đều phải nạp các món tiền phụ thu này: tiền tiết liệu là lễ tết, tiền thường tân là lễ cơm mới và cước mễ đại nạp tiền, gọi tắt là tiền cước mễ (gạo cước) là tiền để chuyên chở thóc thuế, nhiều ít tùy hạng. Duy hai hạng cùng, đào trong chính hộ và các hạng trong khách hộ đều được miễn.
Ở Thuận Hóa, chính hộ hạng tráng nạp tiền lễ tết 3 tiền 30 đồng, tiền thường tân 3 tiền 30 đồng, tiền cước mễ 6 tiền; hạng dân nạp tiền lễ tết 2 tiền 30 đồng, tiền thường tân 2 tiền 30 đồng, tiền cước mễ 6 tiền; hạng lão nạp tiền lễ tết 2 tiền 30 đồng, tiền thường tân 2 tiền 30 đồng, tiền cước mễ 6 tiền...
Các tiền trên đây do bản huyện thu, rồi nạp ở ty tướng thần lại bản dinh; còn các xã, thôn, phường nội phủ thì do nội lệnh sử thu riêng. Cũng có xã, huyện được miễn một hoặc nhiều trong các món tiền phụ thu ấy, ví dụ như huyện Minh Linh được miễn tiền tiết liệu, hai huyện Khương Lộc, Lệ Thủy được miễn tiền thường tân và tiết liệu, châu Nam Bố Chính được miễn các tiền tiết liệu, thường tân, cước mễ...
Các nhà sư Phật giáo nếu có quan điệp (giấy của quan cấp chứng nhận là tăng) và có trai giới, tu hành thì được miễn thuế và các thứ sưu sai. Lại có những địa phương làm sản vật riêng thì cho nạp sản phẩm thay thuế sai dư, hoặc sưu dịch. Như huyện Phú Châu nạp lụa; thuộc Kim Bộ nạp vàng; thuộc Tịch Tượng nạp chiếu... Các xã duyên hải làm nghề đánh cá thì nạp mắm (mắm mòi, mắm ướp, nước mắm, dầu cá) thay thuế sai dư hoặc tiền phụ thu.

Phan Khoang


(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội, 2016)


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



#52 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 01/12/2016 - 21:36

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Việt sử Xứ Đàng Trong: Pháp luật thời chúa Nguyễn

06:09 AM - 01/12/2016 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Chia sẻ
Cảnh xét xử thời xưa Ảnh: T.L

Tội tử hình dành cho quan tham
Theo giáo sĩ Jean Koffler, tất cả những án tử hình đều phải đưa về tòa án tối cao của triều đình phán xét. Tòa án này gồm các quan coi về việc hình, các quan xét vụ án ấy và do pháp quan tối cao của vương quốc chủ tọa. Tội nào cũng có hình phạt nêu rõ trong bộ luật của quốc gia.
Các quan Trấn thủ tham lam, ngạo mạn, sách nhiễu, đục khoét tiền của dân chúng đều bị tội tử hình. Những kẻ cấp cho người khác thuốc độc, bùa mê, hoặc dùng thuốc độc, bùa mê hãm hại người khác, những kẻ phạm tội đại nghịch, khi quân, sẽ bị trừng phạt nặng: để voi dùng vòi quăng lên, bẻ mình hoặc dùng chân chà chết. Đàn bà giết chồng, con bị gươm đâm vào ngực...
Ở mỗi tỉnh (dinh), có tòa án xét xử các vụ án, quan Trấn thủ duyệt lại rồi mới thi hành, nhưng tội đại hình thì phải đưa về triều đình xét lại. Ở mỗi xã, cũng có pháp lệnh riêng, các hào lý theo đó mà cai trị; các thứ thợ hợp thành phường, mỗi phường có 1 người trưởng, một người phó và 4 người phụ tá cai quản, họ dàn xếp các cuộc đánh lộn xảy ra trong phường.
Cũng theo Koffler, hội nghị tối cao của quốc gia gồm 9 viên quan lớn nhất của triều đình gồm 5 quan võ, 4 quan văn và do chúa chủ tọa. Những vấn đề quan trọng đều đem bàn trong hội nghị này. Tuy là chủ tể tuyệt đối, chúa cũng không thể đặt thêm lễ cống, thuế mới, nếu không được hội nghị đồng ý. Nhưng chúa có thể ban những đặc ân, miễn là đặc ân ấy không trái với công ích. Một mình chúa không thể tuyên chiến, không thể đem vào quốc gia một tôn giáo mới, hoặc thay đổi phong tục. Vì vậy mà vị chúa đương kim khi muốn thay đổi y phục của nhân dân, bắt chước y phục cũ của Trung Quốc (trước khi người Mãn Châu làm chủ Trung Quốc), phải có hội nghị cấp cao chấp nhận đã.
Dân là gốc nước, gốc không vững thì nước không yên
Tài nguyên không thiếu để nuôi nhân dân, nhưng vì sự phân phối không đều, và ở Thuận Hóa, Quảng Nam, hễ năm gặp hạn, lụt thì mất mùa, cảnh đói kém liền bày ra, có năm có người chết đói.
Ngoài vấn đề nuôi sống gia đình ra, nhân dân thường bị xâu thuế bức bách, quan lại của rất nhiều nha môn nhũng nhiễu, những kẻ sai phái của bề trên quyền thế ức hiếp, nên không khỏi có người thất sở, xiêu tán. Việc bắt lính cũng là một tai nạn chung. Tuy có binh chế minh định và phép duyệt tuyển lựa chọn hạng dân phải đi lính, nhưng theo thiền sư Thích Đại Sán viết trong cuốn Hải ngoại kỷ sự vào cuối thế kỷ 17 thì: “Cứ mỗi năm vào khoảng tháng 3, tháng 4, quân nhân ra các làng bắt dân 16 tuổi trở lên, thể chất cường tráng, xiềng cổ bằng một cái gông tre, hình như cái thang nhưng hẹp hơn, đem về sung quân, cho học một nghề chuyên môn, học thành nghề rồi phân phát vào đội chiến thuyền để luyện tập, lúc hữu sự ra trận đánh giặc, vô sự bắt làm công dịch trong quan phủ, chưa được 60 tuổi chưa cho về làng, vì thế dân còn lại đều ốm yếu, tàn tật, ít có người tráng kiện...”.
Xem bức thư sau đây của Nguyễn Cư Trinh, Tuần phủ Quảng Ngãi, dâng lên chúa Thế Tông năm Tân Mùi (1751) thì biết các tình trạng khốn tệ trong xã hội đương thời do nền hành chính không lương hảo gây nên: “Dân là gốc nước, gốc không vững thì nước không yên, ngày thường không lấy ân huệ mà kết lòng dân, đến lúc có việc sẽ nương cậy vào đâu? Trộm lo: trong dân gian mối tệ chất chứa đã nhiều, nếu cứ an theo thói thường, giữ lề lối cũ, không tùy lời thêm, bớt, lập bày kỷ cương, thì một ấp chẳng làm được, huống chi một nước. Nay việc gây tệ hại cho dân là: cấp lính, nuôi voi và nạp tiền án. Ngoài ra, còn sự nhũng phí quá lệ rất nhiều, nhưng việc ấy thuộc về kinh kỳ, tôi không dám vượt chức nói ra. Xin nói những việc trong chức phận: dân Quảng Ngãi chịu thống thuộc nhiều nơi, đã chịu lệnh của nha trường sai dư, lại chịu lệnh các nha trường điền tô (thuế sai dư nạp ở một trường riêng, thuế điền tô nạp ở một trường riêng - NV), chịu đủ loại thuế, phí khác, lại chịu lệnh quan, nha môn, chịu lệnh các sai nhân (những người được quan lớn hoặc ở kinh sai đi - NV)... Nghèo khổ, thất nghiệp là đáng thương, đã không có hằng sản, làm sao giữ được hằng tâm? Trong lúc bình yên mà lòng dân còn rất dao động, một mai có việc thì chế ngự sao kịp? Dân nên để cho yên, không nên làm cho động, động thì dễ loạn, yên thì dễ trị”.

(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học xã hội, 2016)

Phan Khoang



#53 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 02/12/2016 - 21:30

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Việt sử Xứ Đàng Trong: Bang giao với các nước

06:18 AM - 02/12/2016 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


tin liên quan

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Các chúa Nguyễn chưa soạn luật riêng cho Nam Hà. Ở Nam triều, quan chế, phép thi cử không đầy đủ như ở Bắc triều và Nam Hà dùng luật của Bắc Hà.
Vì ở địa vị đối lập với Bắc Hà mà chưa phải là chư hầu của Trung Quốc, các chúa Nguyễn đối xử hậu tình với các quan lớn Trung Quốc, rộng lượng với người Trung Quốc. Người Trung Quốc đi thuyền bị bão, dạt vào hải phận Đàng Trong được đối đãi tử tế, rồi giúp cho về. Năm Đinh Mão (1747), người Hoa kiều Phúc Kiến lập mưu đánh úp dinh Trấn Biên (Phú Yên) giết cai bộ Nguyễn Cư Cẩn, tuy nhiên gặp thất bại, bị bắt cùng 57 đồ đảng. Nhưng chúa Thế Tông (chúa Vũ) chỉ bắt giam, không giết. Đến năm Bính Tý (1756), nhân có hai viên quan Mân, Chiết, đi thuyền gặp bão, dạt tới hải phận Nam Hà, chúa mới gửi bọn tù binh theo đưa về xử tội.
Những bức thư Việt - Nhật
Trong tạp chí Nam Phong số 54 (tháng 12.1921), phần chữ Hán có bài Bản triều tiên đại dữ Nhật Bản giao thông chi văn thư (thư từ ngoại giao của các đời trước bản triều với Nhật Bản) của ông Sở Cuồng (Lê Đăng Dư), trong đó ông sưu tập được một số văn thư của các chúa Nguyễn, vua Lê, chúa Trịnh trao đổi với các giới công, tư Nhật Bản. Ông Sở Cuồng cho biết các văn thư ấy trích ở các sách Dị Quốc vãng lai ký, Hòa văn ngoại phiên thông thư, Cổ sự loại uyển, Nhật Bản sử liệu...
Một bức thư của chúa Hy Tông (chúa Sãi) đề ngày 22 tháng 4 năm Hoằng Định thứ 20 (1619) tức năm Nguyên Hòa thứ 1 của Nhật Bản, giao cho Mộc Thôn Tông Thái Lang chấp chiếu, nói rằng Tông Thái Lang đã xin nguyện ở dưới gối, ta bằng lòng cho làm quý tộc, gọi là Nguyễn Đại Lương, tên là Hiển Hùng. Thư này trích ở sách Hòa văn ngoại phiên thông thư và sách này chú rằng: “Đầu năm Văn Lộc (có lẽ niên hiệu của Nhật) vì muốn buôn bán với ngoại quốc, tàu Kinh, Giới, Trường Kỳ, cộng thuyền chủ 9 chiếc tàu, vượt biển sang Đông Kinh, Giao Chỉ, Đông Phố Trại, một tàu là sở hữu của Mộc Thôn Tông Thái Lang, trong năm Nguyên Hòa, qua lại Quảng Nam, quốc vương vì tình âu yếm người xa lạ, gả con gái cho Tông Thái Lang, lại cho người này lấy họ Nguyễn để giữ vững tình thân thuộc. Bức thư trên đây là của vua nước ấy ban cho lúc bấy giờ. Sau người vợ theo chồng về Trường Kỳ, rồi gặp lúc Nhật nghiêm cấm thuyền Nhật xuất dương, nên phải ở luôn lại Trường Kỳ”.
Nếu thật như vậy thì chúa Hy Tông, ngoài công nữ gả cho vua Chân Lạp, còn gả một công nữ cho thương gia Nhật Bản. Theo Phủ biên tạp lục thì chúa Hy Tông có 4 công nữ, hai công nữ có chép sự tích đầy đủ, còn hai công nữ khác là Ngọc Khoa và Ngọc Vạn thì đều chép là “khuyết truyện”, nghĩa là không nói gả cho ai, con cái thế nào. Chúng ta đã chắc một trong hai nàng này gả cho vua Chân Lạp, vậy nếu cuộc hôn nhân Nhật - Việt ấy có thật, thì người lấy chồng Nhật ấy ắt là nàng kia.
Một bức thư khác của chúa Hy Tông gửi cho Đức Xuyên Gia Khương và Bản Đa Thượng Dã Giới Chính Thuần, cho Trà Ốc Tư Lang Thứ Lang tỏ tình giao hảo, mời đến buôn bán, tặng phẩm vật. Theo bức thư của Hy Tông và bức thư của Đức Xuyên Gia Khương gửi Hy Tông, thì chúa Nguyễn đã gửi tặng trầm hương, kỳ nam, rượu, mật ong, đoạn màu, con công; Nhật gửi tặng chúa gươm, dao lớn, dao đeo lưng.
Chúa Hy Tông còn gửi thư đến quốc vương Nhật Bản đề ngày 11 tháng 5 năm Hoằng Định thứ 5 (1604), tức năm thứ 9 niên hiệu Khánh Trường của Nhật Bản, xin vua Nhật chỉ cho thuyền buôn đến nước mình, chứ đừng cho đến các xứ Thanh Hóa, Nghệ An là thù địch nước mình.
Các chúa Nguyễn ở Nam Hà mở cửa tiếp xúc với các nước khác, giao thiệp, buôn bán với họ, để thu dụng những tài năng, phẩm vật, những gì mới lạ về kỹ thuật và khoa học. Từ khi chúa Thái Tổ (chúa Tiên) còn ở dinh Cát, thuyền buôn các nước đã vào sông Quảng Trị, đến buôn bán ở dinh Chúa rồi. Đại Nam thực lục tiền biên năm Nhâm Thân (1572) chép: “Bấy giờ, chúa đã ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, chợ không hai giá, dân không trộm cắp, tàu buôn các nước nhóm hợp, biến thành một đô hội lớn”. Từ chúa Hy Tông trở đi, chúa nào cũng đặc biệt khuyến khích người Hoa, người Nhật, người Âu đến buôn bán ở xứ mình.
Năm Nhâm Dần (1602), chúa Thái Tổ lập dinh Quảng Nam, ở gần Hội An mà người Âu châu gọi là Faifo và giao cho công tử thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên làm Trấn thủ. Hội An trở thành thương cảng mậu dịch với ngoại quốc và nơi đô hội buôn bán lớn nhất của Thuận, Quảng bắt đầu từ đó. Thương mại mở cho người mọi nước, còn ghe thuyền người Việt thì chỉ buôn bán dọc theo bờ biển đến vịnh Tiêm La mà thôi.
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội, 2016)

Phan Khoang



#54 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 03/12/2016 - 21:27

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Việt sử Xứ Đàng Trong: Buôn bán ở Hội An

08:00 AM - 03/12/2016 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Chia sẻ
Hội An trong bức họa Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ của thương gia Nhật Chaya Shinroku vẽ đầu thế kỷ 17Ảnh: T.L

Hội An chiếm vị trí giao thương quan trọng vì Quảng Nam là trấn giàu trong xứ, phần nhiều sản vật quý đều do đất ấy sản xuất, lại ở gần Quy Nhơn, nên dễ tập hợp những sản vật mà thuyền buôn ngoại quốc cần dùng.


Tập trung thương khách để tiện việc kiểm soát
Lý do chính trị: Đại Việt đã cùng với Trung Quốc giao thương từ đời Tiền Lê, Lý, Trần, Lê. Vì sợ người ngoại quốc giả mạo thương nhân để do thám, nên triều nào cũng chỉ cho phép họ tụ hợp lại những nơi nhất định, gọi là “bạc dịch trường” để buôn bán và cấm họ đến kinh đô. Đời Lý lập “bạc dịch trường” ở đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), thuyền tàu ngoại quốc đến buôn bán chỉ được vào hải cảng ấy và thương khách cư trú tại đó. Đến đời Lê, vua Thái Tổ chỉ định thêm mấy nơi nữa, ngoài Vân Đồn, cho thương khách làm nơi cư trú, cấm người Trung Quốc ra vào Thăng Long. Thời Nam Bắc phân tranh, ngoài Vân Đồn ra, chúa Trịnh tập trung thương khách Trung Quốc và Âu châu tại Hiến Nam (phố Hiến, Hưng Yên ngày nay), cho họ lập phố xá để tiện việc kiểm soát và vẫn cấm họ ra vào Thăng Long. Chúa Nguyễn ở Nam Hà đối với Hoa thương và thương khách ngoại quốc cũng áp dụng chính sách ngăn ngừa, như ở các triều đại trước, nên Hội An xa cách Phú Xuân, được chọn làm nơi tập trung của họ, cũng như Vân Đồn, Hiến Nam đối với thương khách ở Bắc Hà phải ở xa Thăng Long vậy.
Thương cảng Hội An càng ngày càng phồn thịnh, số thu nhập rất nhiều, vả lại trấn Quảng Nam còn để trấn áp phương Nam, là trấn quan trọng, nên các chúa thường để một công tử làm trấn thủ. Trấn thủ Quảng Nam có nhiệm vụ trực tiếp thương, xuất, nhập cảng. Người ngoại quốc, giáo sĩ cũng như du khách, thương nhân muốn ra vào đất Nam Hà, phải do cửa Đà Nẵng, Hội An, đến ra mắt Trấn thủ Quảng Nam trước, vì vậy họ thường gọi xứ Đàng Trong là nước Quảng Nam (Quảng Nam quốc).
Thu nhiều thuế từ hội an
Giáo sĩ Christoforo Borri (Ý) đã cư trú tại Hội An năm 1618 tả thành phố này: “Thành phố rộng rãi, nên có thể nhận ra hai khu vực, một khu vực do người Trung Hoa ở, khu vực kia người Nhật Bản ở. Mỗi khu vực đặt riêng người làm khu trưởng và y theo phong tục, tập quán riêng mà sinh sống...”, và “người Trung Quốc và người Nhật Bản là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên này, năm nào cũng mở và kéo dài 4 tháng. Người Nhật thường đem bạc, người Trung Quốc thì đi một thứ thuyền buồm đem lại nhiều tơ lụa tốt và sản vật đặc biệt của họ. Ở chợ này, quốc vương thu được số tiền thuế lớn, toàn quốc cũng được nhiều lợi ích”.
Hằng năm vào khoảng tháng 12, tháng giêng dương lịch, tàu ngoại quốc từ Trung Quốc, Nhật Bản đến bán sản vật của họ, mua sản vật của Đại Việt, sau 4, 5 tháng thì họ đi. Người Nhật Bản ngoài việc bán mua tại Hội An, còn gián tiếp mua hàng Trung Quốc mang về Nhật nữa. Các nhà cầm quyền Nhật khuyến khích thương gia phái thuyền đến Quảng Nam, Tiêm La, Phi Luật Tân để buôn bán trao đổi với các thương thuyền Trung Quốc, mua những hàng hóa, vật liệu của Trung Quốc mà Nhật Bản cần dùng. Đến hậu bán thế kỷ thứ 17, vì cuộc thay đổi triều đại và các chính biến xảy ra ở Trung Quốc, việc buôn bán ở Hội An thịnh vượng thêm lên. Thương cảng này đã tiếp nhận nhiều người Trung Quốc lưu vong hoặc di thần triều trước sang lánh nạn, định cư, trở nên đông đúc hơn.
Từ sau khi nhà Thanh vào Trung Quốc, hạ lệnh dân Trung Hoa cạo tóc gióc bím, đã có nhiều người Trung Hoa di cư đến Hội An được chúa Nguyễn cho phép cư trú. Họ lập nên xã Minh Hương, chúa Nguyễn áp dụng chính sách đồng hóa, đã thừa nhận xã ấy, cho thuộc hộ tịch miền Nam. Vì nhà Thanh hoàn toàn làm chủ Trung Quốc, số người này ra đi không hẹn ngày về. Cũng như những người trước kia, họ đã đến Hội An đông hơn các nơi vì Quảng Nam giàu có, việc làm ăn dễ dàng, chính sách đối với Hoa kiều của nhà cầm quyền tương đối rộng rãi.
Năm 1695, thương nhân Anh là Bowyear đến Hội An thuật lại rằng: “Faifo gồm một con phố trên bờ sông và hai dãy nhà, có khoảng 100 nóc nhà của người Hoa, cũng có 4, 5 gia đình người Nhật Bản. Xưa kia, người Nhật làm cư dân chính và làm chủ việc thương mại ở hải cảng này, nhưng số ấy đã giảm bớt và của cải của họ cũng sút kém; sự quản trị công việc đã rơi vào tay người Hoa. Mỗi năm có độ 10, 12 chiếc thuyền từ Nhật, Quảng Đông, Tiêm La, Cao Miên và Batavia (Jakarta ngày nay) đến...”.
Trong sách Hải ngoại kỷ sự, Thích Đại Sán - vị hòa thượng đã đáp lời mời của chúa Hiển Tông (chúa Minh) đến Thuận Hóa năm 1695, có ghé Hội An, viết: “Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập hợp của khách hàng các nước; thẳng bờ sông có con đường dài ba, bốn dặm, gọi là Đại đường nhai, hai bên đường hàng phố ở liền nhau khít rịt, chủ phố đều là người Phúc Kiến vẫn ăn mặc theo lối tiên triều (nhà Minh), phần đông phụ nữ coi việc buôn bán. Khách trú ở đây hay cưới vợ người bản xứ, cho tiện việc thương mại. Cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phô, cách bờ biển kia là Trà Nhiêu, nơi đình bạc của tàu ngoại quốc, nhân dân đông đúc, cá tôm rau quả, tập hợp buôn bán suốt ngày. Thuốc bắc hay các món hàng khác, tìm mua ở Thuận Hóa không có thì người ta vào mua ở đây...”.

Phan Khoang
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội, 2016)



#55 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 09/01/2017 - 19:36

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Tính cách vua Gia Long và Minh Mạng

07:00 AM - 09/01/2017
Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (Lê Đức Quang, Trần Đình Hằng dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 2016) là một góc nhìn độc đáo, khác lạ về Huế, về triều Nguyễn và đất nước Đại Nam thời Gia Long, Minh Mạng trong cuộc tiếp xúc với người Pháp và văn minh phương Tây





Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Vua Gia Long (1762 - 1820) Ảnh: Tư liệu


Sự khác biệt giữa hai cha con
Ngày nay, hiếm có người Pháp nào không biết đến sự kiện là vào cuối thế kỷ XVIII, theo sự khẩn khoản của Đức Ông Pigneau de Béhaine, giám mục Adran (giám mục Bá Đa Lộc - PV), nhiều người Pháp đã đến xứ Cochinchine (Nam kỳ - PV) để hỗ trợ cho vua Gia Long, vốn đã bị mất quyền kiểm soát vương quốc tiếp theo sau những cuộc chiến chống lại những kẻ nổi dậy (chỉ nhà Tây Sơn - PV).
Khi lên ngôi, vua Gia Long đã không muốn nhìn nhận uy thế vương quyền của Thiên triều và ngài tự xưng vương một cách độc lập, mặc cho những yêu sách và đe dọa từ triều đình Trung Hoa. Vua Minh Mạng đã không có lòng can đảm để noi gương cha: ngài đã chấp nhận là chư hầu của hoàng đế Trung Hoa và xin được phong vương. Ngay từ khởi đầu, vị vua mới lên ngôi đã bỏ rơi chính sách của vua Gia Long để áp dụng chính sách của Trung Hoa, như chúng ta đã biết, đó là bài ngoại và căm thù đạo Công giáo.
Vua Minh Mạng rất am tường và thích trau dồi văn thơ thi phú Trung Hoa, thậm chí còn được xem như là một bậc túc Nho, có vẻ uyên thâm về chữ nghĩa hơn cả vua cha. Nhưng ngài thiếu hẳn những đức tính vốn có của vua Gia Long: vị vua đầu tiên của triều đại nhà Nguyễn có tính cách nhanh nhạy và đôi khi cũng đưa ra những quyết định không công bằng, thế nhưng ngài biết phục thiện và sửa chữa sai lầm. Vua Minh Mạng lại có tính trầm ngâm và tự cao, đầu óc lo lắng và đa nghi làm cho nhà vua trở nên nghi hoặc, tính tình cứng cỏi của nhà vua cũng thường đẩy ngài đến chỗ đưa ra những quyết định bất công một cách lạnh lùng.

Michel Đức Chaigneau là một người con lai mang hai dòng máu Pháp - Việt. Cha ông là Jean-Baptiste Chaigneau, người Pháp, có công giúp vua Gia Long đánh bại Tây Sơn nên được phong Chưởng cơ, tước Thắng Toán Hầu và đặt tên VN là Nguyễn Văn Thắng. Từng sống ở Huế gần một phần tư thế kỷ, lại có điều kiện gần gũi triều đình cho nên những trang hồi ức của Michel Đức Chaigneau trong cuốn Souvenirs de Hué (Cochinchine) ấn hành tại Paris năm 1867 đã thể hiện một cách sinh động về cuộc sống, những cuộc tiếp xúc, những biến động ở Huế - VN đầu thế kỷ XIX. Vua Minh Mạng không có được sự yêu mến của quần thần, mọi người đều e ngại sợ sệt. Trước khi lên làm vua, chung quanh ngài là một nhóm nhà Nho như ngài, và ngài đã tỏ lộ với họ sự hào hứng của ngài trước những định chế thành tựu của Trung Hoa. Khi nhà vua lên ngôi, những nhà Nho trở thành những người quân sư và hùa theo với họ là những quan lại vốn không được hậu đãi dưới triều vua tiền nhiệm.
Trong số những quan lại này có cả những người đã ganh tỵ với tình cảm vua Gia Long dành cho các quan người Pháp, nay với vị vua mới, những con người như thế bắt được cơ hội để thực hiện việc rắp tâm sàm tấu hãm hại mà họ đã không thành công dưới thời vua Gia Long. Không cần thiết phải nói ra là những ai khác đã ủng hộ quan lại người Pháp rồi cũng sẽ lần lượt bị thất sủng.
Ngài Tả Quân, Tổng trấn Sài Gòn
Trong số những quan lại là bạn của các quan người Pháp, chỉ có ngài Tả Quân, Tổng trấn Sài Gòn (Lê Văn Duyệt - người dịch), là còn dám đối đầu với nhà vua mới lên ngôi và đám cận thần. Quan Tả Quân công khai trách cứ nhà vua đã giẫm đạp lên chính sách khôn ngoan và đáng trân trọng của vua cha, đã thiếu bổn phận biết ơn đối với những công thần tận tụy tận trung, nhờ vào những vị này mà ngày nay ngài mới có được ngôi báu.
Quan Tả Quân có một ý chí hơn người với những tài năng ngoại hạng về chiến đấu và cai trị. Khắp chốn đều e sợ ngài, tuy vậy ngài lại được dân chúng yêu mến do tính tình cương trực. Ngài Tả Quân là một trong năm vị đại công thần của vương triều và được sự tin cậy hoàn toàn của vua Gia Long. Vua Gia Long trước khi mất đã khuyến cáo ngài Tả Quân là phải theo dõi tính cách thiếu kinh nghiệm của vị vua nối ngôi trong những năm đầu trị vì và bảo vệ vị vua trẻ chống lại những kẻ thù có thể làm hại.
Vua Gia Long cũng yêu cầu con trai mình nghe theo những lời khuyên bảo của bậc tôi trung này. Nhưng vua Minh Mạng, thay vì nghe những góp ý của ngài Tả Quân, lại làm ngược lại hết; và thay vì nhìn nhận sự trung tín và lòng tận tụy của vị Tả Quân, lại căm thù ngài tột cùng. Tuy vậy, vua Minh Mạng đã không dám truất đi chức Tổng trấn đất Sài Gòn của Tả Quân, cũng không dám bức hại trù dập vì uy tín của ngài với dân chúng. Không thể thỏa mãn được lòng căm thù, vua Minh Mạng chỉ còn biết chờ cái chết của ngài Tả Quân.
Tôi được biết là ngài Tả Quân qua đời vài năm sau khi gia đình chúng tôi vĩnh viễn rời khỏi xứ Cochinchine. Và rằng để bôi nhọ ký ức về ngài, vua Minh Mạng đã cho tổ chức một phiên xử để kết án thi thể còn lại của ngài.
Chính trong tình thế như vậy mà cha tôi, theo như những mong đợi của chính phủ Pháp, sẽ trình lên vua Minh Mạng đề án một hiệp ước hữu nghị và thương mại giữa hai đất nước, Pháp với An Nam.

Michel Đức Chaigneau

TKiet
TP .. ... .... - 09/01/2017
Tôi thật sự khâm phục trí tuệ của vua Gia Long và Tổng Trấn Sài Gòn - Lê Văn Duyệt.
2 thích

#56 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 10/01/2017 - 21:35

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Diện kiến vua Minh Mạng

07:08 AM - 10/01/2017 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Chia sẻ
Vua Minh Mạng (1791 - 1841)Ảnh: Tư liệu
Cha tôi nôn nóng muốn gặp vua Minh Mạng. Sau khi báo tin xin được tiếp kiến, cha tôi đã đến điện Cần Chánh.

Michel Đức Chaigneuau
Vua Minh Mạng đón tiếp cha tôi với sự trang trọng pha lẫn một chút lạnh nhạt. Tuy vậy, nhà vua có vẻ hài lòng khi thấy cha tôi quay về lại xứ này.
Nhà vua trấn an cha tôi rằng ngài sẽ vẫn xem ông như một vị quan đã được người tiền nhiệm đánh giá cao và ưu ái nhất.
Cha tôi vốn đã quen tự nhiên thoải mái trước vua Gia Long thì nay hơi bỡ ngỡ khi đối diện với vua Minh Mạng: trước đây cha tôi đã biết ngài sẽ là người nối ngôi nhưng cha tôi lại chẳng có mấy thiện cảm với con người này. Cha tôi bẩm trình đức vua về nhiệm vụ được giao, xin đức vua ấn định ngày giờ xét thấy phù hợp để chính thức tiếp nhận thư và quà tặng của vua Louis XVIII, theo đó ra lệnh chuyển về cung với tất cả nghi thức trang trọng.
Đức vua chuẩn thuận về điểm này, nhưng riêng về dự định ký kết thỏa ước với chính phủ Pháp, vua Minh Mạng chỉ trả lời với những chỉ dấu không rõ ràng: để đúng phép, ngài chỉ vấn an về tình hình của hoàng gia và hỏi thăm về nước Pháp. Sự im lặng của vua Minh Mạng (đối với đề nghị ký kết thỏa ước) là điềm báo sự không thành công của nỗ lực đàm phán với triều đình An Nam.
Ngồi trước mặt vua
Trong một lần tiếp kiến, vua Minh Mạng nói với cha tôi về người trưởng nam đức vua đã gặp vài lần khi vua Gia Long còn tại vị, và bày tỏ mong muốn được gặp. Người trưởng nam mà đức vua nói tới là tôi.
Rồi một hôm, ngài cho người mang đến cho tôi, theo nghi lễ và xếp trong một chiếc hộp, một quần vải thưa màu đỏ với một áo dài vải lụa xanh dương, có lót vải lụa vàng và viền vải thêu chỉ vàng (tôi vẫn còn giữ những tặng vật này). Ít hôm sau khi nhận hộp quà của đức vua, một người mang đến lệnh của vua thông báo cho tôi là ngài có buổi tiếp kiến riêng.
Tức khắc, tôi cho thắng yên ngựa, sau khi báo cho cha tôi biết lệnh của vua. Tôi mặc bộ áo quần đẹp nhất và một lát sau tôi đã đến trước cổng Tịnh Tâm. Người truyền lệnh của vua Minh Mạng đến trước tôi vài phút, chờ tôi ở đó để hướng dẫn, đồng thời cũng đề phòng những phiền toái có thể xảy ra cho tôi từ phía lính tuần và người phục dịch, vì họ phải tuân theo những mệnh lệnh hết sức nghiêm ngặt. Tôi đi theo người dẫn đường vào cung. Sau khi băng qua một cây cầu và một khoảnh đất trồng hoa, tôi đến sảnh chờ, nơi một người tùy tùng chỉ cho tôi lối phải vào để đến phòng tiếp kiến của đức vua.
Ở xứ này không như ở châu Âu, không có tập quán báo danh khi những vị khách đến tiếp kiến hay đến thăm, do đó tôi lặng lẽ đi qua cửa và tức thì diện kiến ngay vua Minh Mạng. Ngài thốt lên khi thấy tôi: “À đây!”, tay ra dấu cho tôi đến gần. Một lát sau, một quan văn phục vụ cho văn phòng của vua đi vào theo lệnh đòi trước đó của đức vua.
Vị quan này trạc khoảng ba mươi lăm bốn mươi tuổi, nhỏ người, mảnh mai, diện mạo gầy gò bất thường, khuôn mặt rám nắng góc cạnh, hai gò má cao, mũi bè ra, cằm hơi tròn, với một chòm tạm gọi là râu có thể đếm được dễ dàng số sợi râu. Môi ông khá mỏng, trên rìa môi trên lơ thơ vài sợi râu. Khăn đóng đội đầu bằng vải thưa màu đen gần như che khuất vầng trán bóng láng, bên dưới lộ ra hai con mắt đen và sáng, bộc lộ sự thông minh và thoáng vẻ tự hào. Vị quan mặc quần trắng với áo dài vải lụa màu xanh dương thật đẹp, tà áo dài ngang bắp chân, che đi một áo ngắn bên trong với cổ áo và tay áo cho thấy có thể đã lâu lắm rồi người mặc đã quên giao cho nô tì giặt giũ. Bề ngoài trông không đẹp người, thậm chí là khá xấu xí, bù lại vị quan có phong thái, cử chỉ của giới quyền quý. Nhà vua lại ra dấu và vị quan đến gần bên tôi. Hai chúng tôi vâng lệnh ngồi xuống khi vua Minh Mạng chỉ cho cả hai một cái sập thấp gần với sập đức vua đang ngồi.
Những ai am hiểu về nghi thức tại triều đình Huế có thể sẽ ngạc nhiên việc đức vua cho phép chúng tôi ngồi xuống trước mặt ngài, trong khi ngay cả các vị quan lớn cũng buộc phải luôn ở tư thế đứng trước đức vua. Điều giải thích cho đặc ân hôm đó với vị quan và cả tôi: vị quan có công việc thư lại ngồi ghi chép những gì tôi dịch ra ở phần dưới của những bức tranh (nước Pháp tặng), và phần tôi phải ngồi thật gần với đức vua để chỉ rõ cho ngài, theo những ghi chú trên tranh, vị trí của các đội quân hay nhân vật xuất hiện trên tranh.
Chỉ có hai chúng tôi là ngồi gần đức vua, các vị quan tùy tùng và vài người chờ mang lệnh truyền thì đứng sau một cánh cửa mở hờ (người An Nam không có tập quán dùng chuông rung để gọi); vài nô tì trẻ tuổi, khoảng mười lăm hai mươi tuổi, đứng yên ở góc phòng, lưng tựa vào vách và luôn sẵn sàng đợi vua ra dấu để chạy đến quỳ xuống dâng lên vua một điếu thuốc đã đốt, mà trước đó chúng đã hút thử vài hơi. Tất cả mọi con người ở đây đều rất chăm chú theo dõi từng cử chỉ của nhà vua.
Trích từ Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (NXB Thuận Hóa, Huế, 2016)

#57 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 11/01/2017 - 20:49

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Những điều vua Minh Mạng quan tâm

07:40 AM - 11/01/2017 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Chia sẻ
Tác giả Michel Đức Chaigneau Ảnh: T.L
Vua Minh Mạng đang ngồi tựa vào một chiếc gối bọc nỉ vàng. Trước mặt ngài, trên một sập gụ chạm trổ rất đẹp mắt, sơn son thếp vàng các phần chạm nổi, nhiều tấm tranh in được trải ra, chồng lên nhau với đồ chặn ở bốn góc để trưng bày ra.

Vua muốn nghe tiếng Pháp
Đức vua hỏi tôi về những chữ in phía dưới các bức tranh, nhưng trước hết ngài muốn tôi đọc to lên để biết tiếng Pháp đọc như thế nào. Nghe một lúc, ngài ngắt lời để nhận xét: “Ngôn ngữ này thật kỳ lạ, nghe như thể là một chuỗi tiếng huýt liên tục, hơi tương tự như tiếng Hoa”. Rồi ngài muốn tôi chỉ ra giá trị của mỗi từ trước khi giải thích nghĩa trọn vẹn của câu, ngài dò ngón tay theo từng chữ để tôi không bỏ sót chữ nào. Tôi thú thật là công việc không mấy dễ dàng vì lẽ khó tìm được những từ trong tiếng An Nam để diễn đạt nghĩa của một số từ tiếng Pháp, để giải thích về sự thể và công dụng của một số vật dụng mà người An Nam chưa từng thấy, chưa từng biết đến.
Tôi cũng đáp ứng được một phần mong đợi của đức vua qua lối diễn đạt vòng vo loanh quanh, khiến nhà vua thỉnh thoảng mỉm cười khi trông thấy những nỗ lực của tôi để tìm được nghĩa tương đương cho một số từ mà tôi buộc phải chuyển dịch. Khi câu chữ đã hoàn toàn đầy đủ, vị quan thư chép lại ra trên giấy bằng chữ nho. Nhưng khi nghe một tên riêng thì ngọn bút lông của ông dừng phắt lại ngay, mắt hết hướng về đức vua lại hướng về phía tôi, không ngớt khẩn nài tôi đọc lại từ tốn, rành mạch từng âm một. Tiếc thay, phần lớn trường hợp, ông không tìm ra được ký tự nào có cách đọc phần nào đó tương tự với những âm ghép thành tên gọi của người châu Âu. Những tên riêng thì xuất hiện quá nhiều lần, than ôi, vị quan thư lại tội nghiệp thêm lúng túng bối rối.
Hôm đó, biết bao nhiều lần vua Minh Mạng và vị thư lại thử gắng đọc trệu trạo ra tên của những con người danh tiếng đã đem lại vinh quang cho nước Pháp! Có lúc cùng nghĩ rằng tên của thống chế Soult có thể được viết thành hai vế và rồi đọc thành Xou lé (đọc Xu lê), và rằng tên Kléber của một vị tướng viết thành ba vế để đọc là Ké lé bé (đọc Kê lê bê).
Hỏi về hoàng đế Napoleon
Mỗi lần nghỉ tay, vua Minh Mạng vừa nhai trầu hay hút thuốc vừa luôn miệng hỏi tôi về những trận đánh của Napoléon đệ nhất đã đối đầu với gần như toàn bộ châu Âu, điều mà đức vua rất quan tâm, và rồi khi thì về chuyện quân phục, khi thì về chuyện diện mạo của quân đội nước Pháp: những điều mà tôi chỉ được biết qua sách vở, kiến thức của tôi thì quá nhiều khiếm khuyết, vốn có được khi tôi xem qua một số tạp chí trong thời gian lưu lại Bordeaux. Rồi nhà vua lại hỏi tôi về ấn tượng bản thân trong thời gian ngắn ngủi trên đất Pháp, và rồi ngài cũng không quên hỏi cả về chủ đề phụ nữ.
Trước đó, chính lòng nhiệt thành đối với tất cả những gì liên quan đến sự vĩ đại của nước Pháp đã thúc đẩy tôi chuyên tâm tìm hiểu về những trận chiến lẫy lừng diễn ra trong thời đại huy hoàng đến như vậy của nước Pháp. Điều này cho phép tôi đáp ứng được ngay từ yêu cầu đầu tiên của đức vua, tôi tin rằng đã làm ngài quan tâm vì ngài rất chăm chú lắng nghe. Nhưng vì bản thân thiếu kinh nghiệm, tôi đã mắc phải vài sơ suất khi đề cập một số vấn đề khác, có vẻ khá đơn giản theo mắt tôi, tuy vậy lại rất tế nhị: tôi sơ ý không biết né tránh một số ý kiến, một số bối cảnh, không biết làm giảm nhẹ những so sánh xem ra thật đáng tiếc về con người và sự thể giữa hai đất nước.
Sự kém cỏi hay quá thẳng thắn về phần tôi đã có cái giá của nó: Đức vua vài lần nhìn tôi với ánh mắt nghi ngại, vị thư lại bên cạnh tôi có những dấu hiệu cảnh báo kín đáo, thúc bàn tay xương xẩu co quắp vào lưng tôi. Đó có phải là lòng thương hại dành cho vị công tử mới tròn mười chín tuổi hay là vị này lo sợ rồi phải hứng chịu hậu quả gián tiếp vì cái dại dột của anh chàng trẻ người non dạ? Mặc thế nào thì sự thể vẫn không dẫn đến một cái kết nguy khốn cho cả hai. Đức vua, một người có hiểu biết, tiếp tục nêu ra những câu hỏi mà không tỏ vẻ mảy may phật lòng, phần tôi thì lo mà giữ mồm giữ miệng khi trả lời ngài. Buổi tiếp kiến kéo dài gần hai tiếng và rồi đức vua có vẻ đã chán. Đức vua đột ngột đứng dậy, cả hai chúng tôi cùng đứng lên, rồi một lát sau, cả tôi và vị quan cùng lui ra.
Khi ra đến phòng chờ, vị quan viên nhìn tôi với vẻ mặt nửa cười giễu, nửa nghiêm túc rồi nói: “Thế này, thiếu gia trẻ tuổi, thiếu gia có mất trí hay không mà lại tâu với hoàng thượng là binh đội của ngài không bằng quân đội của người Pha lan cha và thêm nữa, cung điện đền đài của xứ sở hoàng thượng là thua kém những kiến trúc nhà cửa ở châu Âu?”. Tôi đáp: “Đó là sự thật, tôi phải nói láo trước mặt đức vua à?”. “Đúng vậy, phải biết nói láo, thay vì làm hoàng thượng phật lòng”, vị quan viên nói. Dứt lời, ông chìa tay ra nói lời tạm biệt và rồi chúng tôi chia tay thật vui vẻ.

Michel Đức Chaigneau



#58 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 11/01/2017 - 21:04

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Vua Gia Long xác lập chủ quyền Hoàng Sa qua tài liệu phương Tây

07:33 AM - 13/12/2016 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Chân dung vua Gia Long trên một tạp chí tiếng Pháp


Hội thảo Chủ quyền biển đảo VN trong lịch sử, do Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế tổ chức sáng 12.12 tại TP.Huế, đã thu hút 27 báo cáo tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, biển đảo trong cả nước.
Trong đó có các tác giả chuyên nghiên cứu về chủ quyền biển đảo như TS Nguyễn Nhã, TS Trần Đức Anh Sơn, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, Viện trưởng Viện VN học và khoa học phát triển, ĐHQG Hà Nội ...
TS Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP.Đà Nẵng, công bố 9 tài liệu của phương Tây, ghi chép về sự kiện vua Gia Long xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816. Cụ thể, Hồi ký Le mesmoire sur la Cochinchine (tiếng Pháp) của Jean Baptiste Chaigneau, một sĩ quan người Pháp, sau đó trở thành cận thần của triều Gia Long, xuất bản tại Paris năm 1820, viết: “Vương quốc Cochinchine (tên người phương Tây gọi VN lúc đó) mà vị vua hiện nay (Gia Long) tuyên xưng hoàng đế gồm xứ Nam Hà theo đúng nghĩa của nó, xứ Bắc Hà, một phần vương quốc Cao Miên, một vài đảo có dân cư ở không xa bờ biển và quần đảo Paracel (quần đảo Hoàng Sa) hợp thành từ những đảo nhỏ, bãi ngầm và mỏm đá không có người ở. Chỉ đến năm 1816, đương kim hoàng đế mới chiếm hữu hòn đảo này”.
Trong tập san Journal of an Embassy from the Governor - Ganeral of India to the Courts of Siam and Cochinchina (tiếng Anh) do John Crawfurd biên soạn, xuất bản tại London (Anh) năm 1830, có đoạn viết: “Năm 1816, vua Cochinchina đã chiếm một phần đảo không có người và hiểm trở bao gồm nhiều đá, đảo nhỏ, bãi cát... gọi là Paracels. Theo đó, nhà vua tuyên bố quần đảo này thuộc chủ quyền nước này mà hầu như sẽ không bị tranh chấp”.
Sách Die Erdkunde von Asien (tiếng Đức) của Carl Ritter, xuất bản tại Berlin (Đức) năm 1834, cũng đã miêu tả các đảo thuộc vương quốc Cochinchina, trong đó có Paracel như sau: “Những đảo nhỏ đầy cát và rong này vốn được hoàng đế Cochinchina tuyên bố chủ quyền từ năm 1816 và không gặp bất kỳ sự phản đối nào của các nước lân bang”...
Theo ông Sơn, sự kiện này trong sử sách triều Nguyễn, tuy được ghi chép khá mờ nhạt nhưng vẫn được thể hiện. Đại Nam thực lục - Chính biên do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, có chép: “Vào năm Gia Long thứ 15 (1816) nhà vua lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình”.
“Những tài liệu trên đã khẳng định một sự kiện trọng đại, vào năm 1816, vua Gia Long đã (sai người) cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa và tuyên bố chủ quyền quần đảo này thuộc về lãnh thổ VN mà không gặp phải bất cứ sự phản đối hay tranh chấp nào. Xét ở góc độ pháp lý hiện nay, sự kiện này rất có ý nghĩa đối với vấn đề xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa nói riêng và lịch sử xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo VN nói chung”, TS Trần Đức Anh Sơn nói.

Bùi Ngọc Long

Bạn đọc phản hồi (3 nhận xét)
  • Lượt người thích

trang thị ánh Tuyết
TP .. ... .... - 13/12/2016
Xác lập chủ quyền lãnh thổ và biển đảo VN là công lao lớn của vua Gia Long
41 thích Trả lời Báo nội dung xấu
duongthong
TP .. ... .... - 13/12/2016
Điều này cho thấy tầm nhìn xa của người xưa.
7 thích

Sửa bởi tuphuongsg: 11/01/2017 - 21:06


#59 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 12/01/2017 - 18:33

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Những chuyện 'khó tin' của người Pháp

07:30 AM - 12/01/2017 Thanh Niên




Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Chia sẻ
Nhà của tác giả tại Huế hồi đầu thế kỷ 19 Ảnh: T.L
Hai tuần sau lần diện kiến thứ nhất, vua Minh Mạng lại sai người truyền lệnh tôi vào bệ kiến. Nhưng lần này không phải ở cung Tịnh Tâm, đức vua chờ tôi ở ngôi nhà nổi được neo đậu trên sông, nơi mà ngài có thói quen cùng tắm với cung tần mỹ nữ.
Trong vòng thân mật, vua Gia Long rất thích hỏi han cha tôi về những định chế và tập quán ở đất nước Pháp. Vua Minh Mạng dè sẻn hơn trong những lần đàm đạo với cha tôi. Để bày tỏ những suy nghĩ và phê phán của bản thân, có lẽ đức vua cảm thấy thoải mái hơn trước một thiếu niên mười chín tuổi, đáng tiếc là người thiếu niên này lại không đủ kiến thức để đáp ứng tất cả những vấn đề đức vua nêu ra.
“Thế thì thật là loạn !”
Hôm đó, trời nóng bức và hình như đức vua vừa mới tắm mát, trên người vẫn khoác bộ đồ nhẹ còn ẩm ướt. Giọng phụ nữ đây đó ồn ào xuất phát từ nơi tắm của hoàng gia, hé lộ cho tôi biết sự có mặt của cung phi đang tắm đâu đó. Khi tôi bước vào thì vua Minh Mạng đang dùng trà, khác với lệ thường, ngài có diện mạo tươi cười, điều này làm tôi cảm thấy hết sức thoải mái. Vừa tiếp tục thưởng thức bữa ăn nhẹ, ngài vừa hỏi tôi có đi được nhiều không trong thời gian ở trên đất Pháp.
Đức vua ồ lên khi tôi nói là bà con thân thuộc ở rất xa nhau, gia đình đã phải đi năm sáu trăm dặm để thăm hết mọi người. Ngài nói: “Như thế thì khanh đã phải đi qua rất nhiều thị thành?”.
Rồi ngài hỏi tôi về phương tiện đi lại ở Pháp cũng như về các tầng lớp thành phần xã hội Pháp. Điều gây kinh ngạc rất nhiều cho vua Minh Mạng, và người An Nam nói chung, đó là sự chen lẫn nam giới nữ giới trong các buổi hội họp. Ngài bảo: “Sao, người ta để cho đàn ông đàn bà ở chung một chỗ với nhau sao? Đàn ông nói chuyện thoải mái với đàn bà, thanh niên nam nữ chuyện trò thoải mái với nhau sao? Làm thế thì thật là loạn! Thế phụ nữ có cùng với nam giới vào dự thiết triều với vua không?”. Tôi trả lời: “Bẩm tâu bệ hạ, dạ có”. Nhà vua thốt lên: “Ồ, thật không tin nổi”.
“Ta không thể nào hiểu nổi”
Đi từ câu hỏi này sang câu hỏi khác, tôi đúng là bị tra khảo. Nhà vua hỏi tôi có đúng như lời người báo lại cho ngài là ông Diard rút nọc độc từ côn trùng ông sưu tầm ở xứ Cochinchine (Nam kỳ). Tôi tâu là không, đức vua lại muốn biết tại sao ở châu Âu người ta bỏ công bỏ của rất nhiều cho chuyện thú nhồi rơm hay với các loại côn trùng khác. Tôi đáp là đúng như vậy, các thành phố lớn của nước Pháp có những cơ sở gọi là viện bảo tàng, nơi đây, tất cả những thứ trong thiên nhiên, đến từ tất cả các nước trên thế giới, được sắp xếp theo chủng loài: động vật, thực vật, khoáng sản… Và rằng những thứ ông Diard lượm lặt là nhằm gửi về viện bảo tàng của đức vua tại Paris, sẽ được xếp đặt bên cạnh những mẫu cùng loại đang trưng bày, vốn được tìm thấy ngay trên đất Pháp hay đến từ những nước khác.
Nhà vua lại hỏi tiếp: Xây nhà ra chỉ để cất giữ thú nhồi rơm và côn trùng ư?
- Tâu hoàng thượng, đó là những cung điện đúng nghĩa.
- Thật điên rồ trẻ con! Xây cung điện chỉ để côn trùng! Người Pháp chẳng có việc gì khác để làm hay sao, lại đi làm những chuyện nhảm nhí?
- Tâu hoàng thượng, những bảo tàng như thế có lợi ích của chúng: mục đích là để nghiên cứu về lịch sử tự nhiên, là một ngành trong nghiên cứu khoa học.
- Nếu thế thì ông Diard là một trong những con người uyên bác chuyên trách lãnh vực khoa học này à?
- Tâu hoàng thượng, đúng như vậy. Tuy nhiên, ngoài những kiến thức về lịch sử tự nhiên, ông còn am tường nhiều chủ đề khác nữa.
- Ta không thể nào hiểu nổi, làm sao một con người uyên bác có thể quỳ gối khom lưng trước một đống phân trâu hay phân voi rồi tự tay moi ra những côn trùng nhỏ nhung nhúc trong đó. Rồi lại chạy tung tăng như con trẻ đuổi bắt những con bướm và bọ hung, như thể là của quý của hiếm vậy.
Vua Minh Mạng đã nhiều lần đề cập với tôi về quân đội Pháp, ngài trở lui trở tới không ngừng về chủ đề này và ngài có vẻ rất quan tâm. Nhưng tôi lại chẳng có kinh nghiệm để trả lời ngài đến nơi đến chốn. Tôi bẩm với ngài vài chi tiết theo như những quan sát tôi ghi nhận trong thời gian ở Pháp, đức vua nói ngay nếu như thế thì cũng “chẳng đến nỗi nào”.
Có thể là sẽ quá dài dòng, dễ gây nhàm chán nên tôi sẽ không kể ra đây hết những câu hỏi đức vua nêu ra về nước Pháp trong những lần tiếp kiến. Dù những thông tin tôi cung cấp có phần không đầy đủ, nhà vua vẫn luôn tỏ vẻ hài lòng. Một hôm, vào lúc cho tôi lui ra, ngài hỏi tôi có vui vẻ trở thành quan viên phục vụ cho ngài hay không. Vì không thể nói thật lòng với ngài về chuyện này, khi mà nước Pháp đã lôi cuốn hấp dẫn tôi và lòng tôi đã hướng về quê cha (có thể có người sẽ nói là tôi vong ơn với xứ sở nơi tôi sinh thành), tôi chỉ tâu với hoàng thượng, với tôi, được phục vụ cho ngài là một vinh dự rất lớn, nhưng cha tôi là người quyết định tôi phải làm gì, rằng tôi hết sức yêu mến cha tôi nên sẽ luôn vâng theo ý nguyện của ông.

Michel Đức Chaigneau


Trích từ Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (Lê Đức Quang, Trần Đình Hằng dịch, NXB Thuận Hóa, Huế, 2016)

#60 tuphuongsg

    Ly viên

  • Hội Viên TVLS
  • PipPipPipPipPip
  • 3829 Bài viết:
  • 5074 thanks

Gửi vào 14/01/2017 - 21:14

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn


Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Nghi lễ trình quốc thư

07:00 AM - 13/01/2017 Thanh Niên


Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn

Chia sẻ
Tàu thuyền tấp nập ở cảng Đà Nẵng vào thế kỷ 19
Đúng ngày ấn định việc chính thức nhận quà biếu và bức thư của vua Louis XVIII, người trong cung đã đến để sẵn sàng theo hướng dẫn điều động của cha tôi.

Những món quà kèm quốc thư
Bức thư đặt trên một mâm gỗ nhỏ được chạm lộng và theo thông lệ, tất cả được phủ lên một tấm vải thưa màu vàng. Một vị quan phụ trách nghi lễ bưng mâm gỗ, đi hai bên là hai người cầm lọng che màu vàng. Các món quà khác đặt trên những chiếc bàn được khiêng bởi bốn người phu, có một người cầm lọng che đi kèm theo mỗi chiếc bàn. Quà gồm có: một chiếc đồng hồ lớn mạ vàng, hai chân đèn mạ vàng óng, hai bình cắm hoa bằng đồng màu vàng óng, mười sáu bức tranh trình bày những trận đánh của đế chế, một khẩu súng hơi đặt trong chiếc hộp trang trí công phu, một cặp súng ngắn cũng được xếp trong hộp, một tấm gương soi kích thước lớn.
Cha tôi đi theo sau vị quan nghi lễ mang chiếc mâm gỗ, các bàn có quà thì đi sau cha tôi. Đến cổng cung điện, cha tôi đích thân bưng mâm gỗ vào tận gian phòng thiết triều dâng cho đức vua. Đức vua nhận bức thư bằng tất cả sự trang trọng và có vẻ hài lòng với các món quà. Vua Minh Mạng mở bức thư của nhà vua nước Pháp và đưa cho cha tôi, yêu cầu cha tôi dịch miệng ngay cho ngài nghe, trong khi chờ đợi sẽ được chuyển dịch bằng chữ Hán.
Ngài lắng nghe chăm chú, giữ im lặng một lát rồi nói với cha tôi: “Trẫm cũng có những ý nghĩ tình cảm như đức vua nước Pháp và trẫm cũng ước muốn luôn có được giao hảo hữu nghị với đức vua. Nhưng một hiệp ước về giao thương mà để làm gì? Nước Pháp quá xa xôi với vương quốc của ta để thần dân của ta có thể đi sang bên đó buôn bán với người Pháp. Bao nhiêu biển cả ngăn cách hai đất nước, với lại xứ ta chẳng có thuyền bè nào có thể vượt qua chừng đó biển cả đại dương. Nếu người Pháp mong muốn mang hàng hóa sang xứ này thì ta sẽ đón tiếp như những thần dân của những xứ sở khác, miễn sao là họ tôn trọng phong tục tập quán bản xứ”.
Thái độ của vua Minh Mạng với nước Pháp
Cha tôi đáp lời là ông cảm thấy rất buồn khi đức vua không nồng nhiệt đón nhận lời đề nghị của nước Pháp về việc ký kết một hiệp ước mà mục tiêu là quy định những quyền lợi hỗ tương trong việc giao thương giữa hai đất nước, đồng thời củng cố thêm những mối quan hệ hữu nghị vốn có giữa hai xứ sở. Cha tôi bẩm tiếp: “Đức vua cha của bệ hạ, mà hạ thần luôn vinh danh tưởng nhớ, thấy được sự tận trung của hạ thần, đã cho phép hạ thần trình bày thẳng thắn quan điểm của hạ thần về quốc sự và ngài cũng thường chuẩn y theo như ý kiến hạ thần đề đạt. Bẩm tâu bệ hạ cho phép hạ thần được tâu với bệ hạ theo một cung cách thẳng thắn trung thực như thế như trước đây. Và bẩm tâu bệ hạ ngay hôm nay đây, hạ thần cảm thấy lo ngại là nước Pháp có thể phật lòng vì bị khước từ”.
Đức vua tiếp lời: “Họ không thể lấy đó mà giận chúng ta được vì chúng ta cảm thấy chẳng lợi ích gì từ một hiệp ước như vậy. Mà quả thật như thế, chúng ta không gây phiền hà cho việc buôn bán của thần dân nước Pháp và rằng chúng ta đối xử với họ một cách đúng đắn thì họ có thể đòi hỏi chúng ta gì hơn nữa? Với lại, khanh hiện diện ở đây không phải là để giám sát những quyền lợi của họ (thần dân nước Pháp) và báo cho chúng ta biết những nhu cầu của họ sao?”.
Buổi tiếp kiến để lại cho cha tôi một ấn tượng thật nặng nề. Thái độ không thuận lợi của vua Minh Mạng, với vẻ lạnh lùng trầm ngâm, thật đối nghịch với diện mạo cởi mở và thiện ý của vua Gia Long. Nói tóm lại, vẻ cứng rắn của triều đình mới buộc cha tôi dự báo những khó khăn rất lớn trong tương lai. Điều hiển nhiên, nếu cha tôi chỉ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi và bình yên thì ông đã quyết định quay về lại Pháp ngay. Nhưng vì cha tôi đã cam kết hoàn thành bổn phận lãnh sự tại xứ Cochinchine trong thời gian 5 năm, và do thái độ thẳng thừng của vua Minh Mạng làm ông cảm thấy sự hiện diện của ông ở xứ này là cần thiết cho việc bảo vệ những quyền lợi của nước Pháp, nên ông đành phải nhẫn nhịn ở lại vị trí mà vua Louis XVIII đã giao phó.
Tình hình như vậy nhưng với tư cách quan lại triều đình, cha tôi vẫn tiếp tục dự những buổi thiết triều của vua Minh Mạng, nói cho đúng là đức vua vẫn tiếp kiến cha tôi một cách trân trọng và vẫn giữ vẻ ngoài lịch thiệp. Hình như tạm thời lúc này đức vua cảm thấy hài lòng rằng người ta không còn bẩm tâu với ngài về chuyện hiệp ước, hẳn là ngài chẳng có chút cảm tình nào với chuyện ký kết như vậy. Cha tôi được vua đồng ý chuẩn y tạo thuận lợi cho giao thương của nước Pháp tại xứ này, vua cũng đồng ý nhận những món vua Gia Long đã đặt hàng được chở về trên hai thương thuyền Pháp đang neo đậu ở vịnh Tourane (Đà Nẵng), và rồi chi trả kỹ lưỡng sòng phẳng. Theo đề nghị của cha tôi, vua Minh Mạng đã chuẩn y nhanh chóng quyền được lưu trú, đi lại của người phụ trách văn phòng lãnh sự của ông và của ông Edouard Borel, đại diện cho Hãng Balguerie tại Bordeaux.

Michel Đức Chaigneau

Trích từ Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (NXB Thuận Hóa, Huế, 2016)






Similar Topics Collapse

  Chủ Đề Name Viết bởi Thống kê Bài Cuối

2 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 2 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |