Jump to content

Advertisements




Đoàn Chính Thuần, kẻ bất hạnh và cô đơn trong tình yêu

Kim Dung kiếm hiệp nhân vật võ lâm

  • Bạn không thể gửi trả lời cho chủ đề này
No replies to this topic

#1 neomax

    Hội viên mới

  • Hội Viên mới
  • 45 Bài viết:
  • 109 thanks

Gửi vào 19/10/2019 - 09:09

Đoàn Chính Thuần, người đứng vị trí thứ hai của nước Đại Lý, trải qua kinh nghiệm phong lưu với tất cả sáu người phụ nữ. Trừ vương phi là Đao Bạch Phụng, những người tình Tần Hồng Miên, Cam Bảo Bảo, Nguyễn Tinh Trúc ba vị cô nương cố nhiên đều là mỹ nhân, nghĩa là sắc đẹp vượt trội hơn hẳn người bình thường, nhưng không thể so sánh với Mã phu nhân Khang Mẫn và Vương phu nhân A La, hai tuyệt đại mỹ nhân, diễm lệ vô song.

A La vốn là em gái Lý Thu Thuỷ, mẹ của Vương Ngữ Yên, nhan sắc diễm lệ, xứng đáng đứng đầu trong sáu người đẹp kể trên, nhưng bản chất độc ác cũng xứng đáng làm quán quân cả sáu mỹ nhân. Không lạ lùng khi thấy Đoàn Chính Thuần trước sau vẫn không dám tiếp tục quan hệ với nàng. Bản thân mỹ nhân này về sau tự sát dưới kiếm Mộ Dung Phục cũng là một hành động “tạm thời mất trí”. Yêu đến mức độ ghen tuông quái đản như Vương phu nhân không phải là hiếm trong tác phẩm Kim Dung. Hãy nhớ lại nhân vật Hạ Thanh Thanh trong Bích huyết kiếm, Lý Mạc Sầu trong Thần điêu hiệp lữ, kể cả Hoàng Dung cũng suýt chút nữa “tàn phá dung nhan” của Mục Niệm Từ trong Xạ điêu anh hùng truyện, còn Chu Chỉ Nhược trong Ỷ thiên đồ long ký có hẳn một “chiến lược” trong việc loại trừ tình địch Triệu Mẫn. Mai Phương Cô trong Hiệp khách hành thì đem trút hết nỗi hận tình lên đầu một đứa bé vô tội. Có thể nói hầu hết các nhân vật nữ trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đều như mắc một chứng bệnh tâm lý: thèm khát yêu đương đến mức điên cuồng và khi không thoả mãn thì trở thành một loại biến thái tâm lý. Ngay cả những nhân vật chính diện như Hoàng Dung (Xạ điêu anh hùng truyện, Thần điêu hiệp lữ), Triệu Mẫn (Ỷ thiên đồ long ký), Nhậm Doanh Doanh (Tiếu ngạo giang hồ), Nhạc Linh San (Tiếu ngạo giang hồ), Vương Ngữ Yên (Thiên long bát bộ), Tiểu Long Nữ (Thần điêu hiệp lữ), cũng có những trạng thái tâm lý tình cảm đôi khi hết sức cực đoan, gần như bệnh hoạn.

Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký hội viên để đọc nội dung đã ẩn



Vẻ đẹp của A La trước hết xuất hiện trong mắt của Đoàn Dự “Vừa nhìn thấy dung mạo của người phụ nữ, (Đoàn Dự) chịu không được phải thất thanh kinh hoảng kêu lên, miệng há ra, lưỡi cứng đờ, đứng ngây người ra như trong mộng cảnh, nguyên lai do người phụ nữ này trên thân khoác một chiếc áo lụa màu lông ngỗng, y phục trang sức, giống hệt như bước tượng bằng ngọc trong sơn động trên đỉnh Vô Lượng Sơn, chỉ có điều đây là một thiếu phụ trung niên xinh đẹp, tuổi tác chưa quá bốn mươi, còn pho tượng ngọc kia là một thiếu nữ khoảng mười tám, mười chín, nhưng cả hai giống nhau đến năm sáu phần.” Nhan sắc có thể năm sáu phần giống như “thần tiên tỷ tỷ-神仙姊姊” của Đoàn Dự đó cũng có thể xem là tuyệt đại mỹ nhân rồi! Về mặt kỹ thuật tiểu thuyết, cảnh Đoàn Dự gặp Vương phu nhân và trước đó gặp mỹ nhân tượng ngọc trên núi Vô Lượng chỉ là thủ pháp phục tuyến của Kim Dung nhằm chuẩn bị cho sự xuất hiện của nhân vật Vương Ngữ Yên, đối tượng tình yêu của Đoàn Dự (1).


Nhưng Vương phu nhân A La này vừa xuất hiện thì mọi lời nói, cử chỉ, hành động đều không có chỗ nào làm cho chúng ta thích thú. Đối với Đoàn Dự, đối với Vương Ngữ Yên, đối với A Châu, A Bích, đối với đệ tử của Vô Lượng Kiếm Phái là Đường Quang Hùng cho đến sau này đối với Đoàn Chính Thuần, mỹ nhân này tuyệt đối là một kẻ lòng dạ độc ác, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến lý lẽ thông thường.

Mã phu nhân Khang Mẫn luận về nhan sắc thì không bằng A La nhưng điểm nổi bật của nàng không phải là dung mạo mà chính là sự tàn độc hiểm ác. Bản thân Tiêu Phong là một đấng kỳ nam tử, xưa nay vốn không hề chú ý đến người phụ nữ này, khi nghe nàng ỏn thót với Đoàn Chính Thuần trong phòng the cũng phải giật mình rúng động : “Lời nói dịu dàng như có bôi mỡ, hết sức êm ái, ôn nhu uyển chuyển không sao tả xiết, khiến người nghe hồn xiêu phách lạc” (Thuyết thoại nị trung đới sáp, nhuyễn dương dương địa, thuyết bất tận triền tuyến uyển chuyển, lệnh nhân thân vi chi đoạt, hồn vi chi tiêu - 说话腻中带涩,软洋洋的,说不尽的缠绵宛转,听在耳中当真荡气回肠,令人神为之夺,魂为之消). Kiều Phong nhủ thầm : “Thật không thể ngờ trên thế gian còn có người phụ nữ diễm lệ ma mị như thế, ẻo lả đến cực điểm, mềm mại cũng đến cực độ, lại là một giống phong lưu” (Chân tưởng bất đáo thế thượng cánh hữu như thử diễm mị nhập cốt đích nữ tử…nhu đáo liễu cực điểm, nị đáo liễu cực xứ, hựu thị lánh nhất chủng phong lưu-真想不到世上竟会有如此艳媚入骨的女子......柔到了极处,腻到了极处,又是另一种风流). (2) Đoạn Kim Dung miêu tả Tiểu Khang dùng răng xé thịt của Đoàn Chính Thuần khiến độc giả cũng phải kinh tâm động phách, chỉ nguyện cầu chẳng bao giờ phải sa vào địa vị của gã đàn ông đang bị lăng trì bằng miệng kia.

Sự tàn độc của Khang Mẫn phần nào Kiều Phong cũng phải chịu “trách nhiệm”. Chính thái độ lãnh đạm của vị bang chủ Cái Bang tại Bách Hoa Hội đã khiến Mã phu nhân căm phẫn muốn đem toàn gia của chàng ra tru diệt mới hả giận. Còn Đoàn Chính Thuần về mặt phong lưu thì đối xứ với nàng cũng chẳng ra gì, nói thẳng ra cũng là phường quất ngựa truy phong cho nên bị mất một miếng thịt và một phen kinh hồn tán đởm thì cũng xứng đáng. Mã Đại Nguyên, chồng nàng, rõ ràng là một gã bị thịt, chẳng biết ái tình nam nữ, dốt nát tâm lý đàn bà, theo kiểu Võ Đại Lang trong Thuỷ Hử, cho nên việc một người đẹp như Khang Mẫn chán ngấy đức lang quân, muốn cho chết quách, cũng có lý do của nó. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Trần Mặc khi bàn về nhân vật này. Trần tiên sinh viết:

“Trước hết cần thấy rằng, bất kể động cơ chủ quan của Khang Mẫn là gì, chúng ta cũng không thể quy kết mọi tai hoạ kể trên vào đầu Khang Mẫn. Nếu Mộ Dung Bác không xúi bẩy cuộc tranh chấp võ lâm Tống Liêu đẫm máu, thì Khang Mẫn có muốn hãm hại Kiều Phong cũng chẳng làm gì nổi. Nếu Bạch Thế Kính không hiếu sắc, có ý đồ xấu với Khang Mẫn, thì ả chẳng thể dụ hắn giết chồng ả. Nếu Toàn Quán Thanh không hiếu sắc, nảy sinh dã tâm, cuộc nội loạn của Cái Bang đã chẳng xảy ra”. (3)

Nội dung tâm lý của Khang Mẫn hoàn toàn được bộc lộ trong câu chuyện lúc còn nhỏ vì thèm khát một chiếc áo hoa mà không được thoả mãn nàng Tiểu Khang đã lẻn vào nhà bên cạnh dùng kéo cắt nát vụn chiếc áo hoa của một cô bé khác. Như vậy điểm mấu chốt gây ra mọi biến thái tâm lý của Khang Mẫn chính là lòng ghen tị. Ghen tị là căn bệnh chung của con người, ít nhiều ai cũng có, nhưng khi nó trở thành một trạng thái tâm lý áp đảo như trong trường hợp Khang Mẫn, sự biến thái nhân cách là một điều tất nhiên.

Đao Bạch Phụng, vương phi nước Đại Lý, tuy không có những hành vi tàn độc như Vương phu nhân A La hay Mã phu nhân Khang Mẫn, nhưng cũng có những trạng thái tâm lý và hành động hết sức cực đoan mà một phụ nữ bình thường, chứ đừng nói là một đấng vương phi băng thanh ngọc khiết, không thể tưởng tượng ra được. Điều này nhà nghiên cứu Đổng Thiên Lý tóm tắt trong tám chữ “hoá tử lạp tháp, Quan Âm trường phát - 花子邋遢,观音长发” (ăn mày dơ dáy, Quan Âm tóc dài). (4) Một tên “hoá tử” dơ bẩn mà lại có cơ hội ân ái với Quan Âm thì không còn gì để nói nữa. Nỗi khoái lạc chắc chắn hơn cả sự sung sướng của nhà sư trong câu thơ của Kỷ Hiểu Lam “sửa lưng” Đỗ Phủ: “Đêm động phòng hoa chúc của nhà sư” (hoà thượng động phòng hoa chúc dạ-和尚洞房花燭夜). (5) Nhưng vương phi mà lại hiến thân cho một tên ăn mày dơ dáy thì chúng ta cũng phải chắp tay bội phục về lòng can đảm của nàng, chưa kể phải đặt câu hỏi về trạng thái “mất trí tạm thời” của Đao Bạch Phụng. Nguyên nhân cũng chỉ do ghen tuông quá độ mà ra. Nàng muốn làm nhục Đoàn Chính Thuần bằng cách hiến thân cho một tên ăn mày cực kỳ xú uế. Phải bái phục Kim Dung làm “sư tổ phét lác” khi cho cả hai “Quan Âm” và “hoá tử” tiến hành “động phòng” ngay dưới gốc cây bồ đề bên cạnh chùa Thiên Long. Điểm “phét lác” thứ nhất là địa điểm “động phòng” hết sức là bất tiện, vì là nơi thập mục sở thị. Điểm “phét lác” thứ hai là Đoàn Diên Khánh (tức gã ăn mày) đang bị trọng thương rất nặng, thậm chí nói không ra tiếng, lục thần vô chủ, đầu óc hoàn toàn trở nên hồ đồ, thì còn đủ “công lực” và “hưng phấn” ở đâu ra để tiến hành hưởng thụ “ân huệ” của “Quan Âm”? Hay là ý Kim Dung muốn nói rằng Đao Bạch Phụng hoàn toàn chủ động trong việc ái ân, còn Đoàn Diên Khánh cứ việc nằm trơ thổ địa? Điều này nếu đúng thì còn “phét lác” hơn nữa.

Nhà nghiên cứu Đổng Thiên Lý biện minh cho hành động của Đao Bạch Phụng bằng cách nêu ra sự kiện mặc dù là vương phi thì Đao Bạch Phụng cũng chỉ là dân phiên bang, chịu ảnh hưởng nhiều phong tục tập quán của dân tộc thiểu số, tính tình thẳng thắn: “Ngươi đã bất nghĩa với ta thì ta sẽ bất nghĩa với ngươi. Ngươi bỏ ta đi kiếm người khác, ta cũng sẽ đi kiếm người khác. Đàn ông người Hán các người không xem chúng tôi phụ nữ Bài Di là người, chúng tôi nhất định sẽ báo thù, phụ nữ Bài Di chúng tôi cũng sẽ không xem đàn ông người Hán các ngươi là người…” Thật ra việc “ông ăn chả thì bà ăn nem” chẳng phải là “của cải” riêng gì của các dân tộc kém văn minh mà trái lại là khác. Văn hoá phương Tây tự hào văn minh là thế nhưng quan hệ nam nữ trong xã hội phương Tây, nếu nhìn từ góc độ lễ tục Đông Phương, cũng hết sức phóng túng, thoải mái, việc vợ cắm sừng chồng không phải là hiện tượng hiếm hoi. Vả lại Đao Bạch Phụng thuỷ chung vẫn yêu Đoàn Chính Thuần đến giờ phút chót cho nên việc hiến thân đột xuất cho Đoàn Diên Khánh chỉ có thể giải thích là một trạng thái tâm lý “mất trí tạm thời” từ quá yêu thành quá hận chứ không phải từ tâm trạng muốn “tính sổ sòng phẳng” với kẻ phụ bạc.

Nếu nói theo tinh thần nghiệp báo của Phật Giáo thì bản thân Đoàn Chính Thuần cũng chẳng phải là một kẻ sung sướng gì mặc dù mới nhìn qua bất cứ nam tử hán nào cũng thèm muốn địa vị phong lưu của ông. Thật ra, bình tâm xét kỹ, Đoàn Chính Thuần là một người tuyệt đối bất hạnh và cô đơn. Ngay nguyên phối là Đao Bạch Phụng cũng giận thói trăng hoa của ông mà thế phát quy y. Ngày bà ta hết giận trở về thì gặp ngay Mộc Uyển Thanh và Tu La Đao Tần Hồng Miên. Không những thế cả Cam Bảo Bảo cũng tìm đến. Phải nói không một tay chơi phong lưu lãng tử nào muốn rơi vào trường hợp các tình nhân “nhất tề xông lên” như thế. Thử hỏi Đoàn Chính Thuần cuối cùng được gì? Tất cả người đẹp của ông, kẻ thì kết hôn như Cam Bảo Bảo, Khang Mẫn, kẻ thì đi tu như Đao Bạch Phụng, kẻ thì sống cô đơn bị biến thái tâm lý như Vương phu nhân A La và Tu La Đao Tần Hồng Miên, mà ngay cả đứa con duy nhất mà ông hết sức thương yêu hoá ra cũng không phải là con ruột mà chỉ là sản phẩm của lòng ghen tuông biến thành thù hận. Và như để giáng thêm lên đầu gã “phong lưu bạc hãnh danh” này thêm một đòn chí mạng, số phận bắt Đoàn Chính Thuần chứng kiến cảnh Mộ Dung Phục thảm sát tất cả các người đẹp nói trên, trừ Vương phu nhân A La, cũng trong một cơn “mất trí tạm thời”, tự thân lao vào trường kiếm của Mộ Dung phục, kết thúc một cuộc đời sầu nhớ vô vọng. Đây là một trong những cảnh tượng kinh hồn động phách nhất trong Thiên long bát bộ. Những người đàn bà trót yêu tên lãng tử vô hạnh Đoàn Chính Thuần cuối cùng chỉ được một sự đền bù duy nhất bằng chính cái chết của ông.

Ảnh: Khang Mẫn đang "vờn" Đoàn Chính Thuần để trả thù tình trước khi dùng răng tặng cho chàng một phát thấu trời xanh vào vai. Cảnh trích trong phim Thiên Long Bát Bộ, Đài Truyền hình Trung Ương Trung Quốc phát hành năm 2003 (Thang Trấn Tông vai Đoàn Chính Thuần, Chung Lệ Đề vai Khang Mẫn)

----------------------------
Chú thích :

(1) – Do Kim Dung miêu tả sự diễm lệ của nhân vật này quá thanh nhã tuyệt dục nên hầu hết sự thể hiện trên phim ảnh về nhân vật này đều làm người xem thất vọng. Lý Nhược Đồng thì còn tạm được, nhưng nữ diễn viên này quá bị lạm dụng, đã từng đóng vai Tiểu Long Nữ nên bây giờ lại hoá thân làm Vương Ngữ Yên xem hơi chán. Còn Lưu Diệc Phi gần đây thì hầu như không biết diễn xuất. Đẹp thì có đẹp nhưng chắc chắn không phải “thanh nhã tuyệt dục” như Kim Dung mô tả

(2) – Những đoạn văn độc đáo này không hề có trong bản dịch của Hàn Giang Nhạn. Xin xem lại Lục Mạch Thần Kiếm (tức Thiên Long Bát Bộ), quyển 2, hồi thứ 35, bản dịch Hàn Giang Nhạn (Khai Sơn xuất bản, 1972)

(3) – Trần Mặc, Bàn về các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung (nguyên tác: Chúng sinh chi tướng, Tam Liên thư điếm, Thượng Hải, 2001), bản dịch Lê Khánh Trường (Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, 2003), tr. 377

(4) – Đổng Thiện Lý, “Tiểu Khang, A La, Đao Bạch Phụng” in trong Chư tử bách gia khan Kim Dung do La Long Trị chủ biên (Văn Hoá Nghệ Thuật Xuất Bản Xã, 1997), tr.15. Dịch giả Hàn Giang Nhạn dịch sai câu “hoá tử lạp tháp” thành ra “hành khất phương xa.”

(5) – Xem Lý Kiến Lương, Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam (nguyên tác: Kỷ Hiểm Lam, phong lưu tài tử, lưỡng triều quyền thần, Quốc Tế Văn Hoá Xuất Bản Công Ty, Bắc Kinh, 2001), bản dịch của Nguyễn Tôn Nhan (Nhà Xuất Bản Văn Hoá Thông Tin, 2003), tr.88

Sửa bởi neomax: 19/10/2019 - 09:12







Similar Topics Collapse

  Chủ Đề Name Viết bởi Thống kê Bài Cuối

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |