Jump to content

Advertisements




NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM


37 replies to this topic

#1 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 23/10/2011 - 11:18

NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM



MỤC LỤC

Lời nói đầu của ông Daniel Goleman
Lời cảm tạ
Nhập đề

PHẦN 1: CON ĐƯỜNG CHỮA LÀNH

1. NỀN TẢNG CỦA SỰ CHỮA LÀNH
2. SỨC MẠNH CHỮA LÀNH CỦA TÂM
3. BƯỚC KHỞI ĐẦU
4. PHÁT TRIỂN SỰ TỰ TIN
5. ĐỐI PHÓ VỚI NHỮNG VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN
6. Đối phó với những đau ốm thân xác như thế nào?
7. NHỮNG NĂNG LỰC CHỮA LÀNH

PHẦN 2: NHỮNG BÀI TẬP CHỮA BỆNH

8. NHỮNG THIỀN ĐỊNH CHỮA BỆNH
9. CHỮA LÀNH SỰ RỐI LOẠN THỂ CHẤT
10. CHỮA BỆNH VỚI NĂNG LỰC THIÊN NHIÊN
11.CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY NHƯ SỰ CHỮA BỆNH

PHẦN 3: NHỮNG THIỀN ĐỊNH CỦA ĐẠO PHẬT

12. CON ĐƯỜNG ĐẾN RỘNG MỞ RỖNG RANG
13. THIỀN ĐỊNH SÙNG TÍN CHỮA BỆNH
14. ĐÁNH THỨC NHỮNG NĂNG LỰC VÔ BIÊN BÊN TRONG CỦA SỰ CHỮA LÀNH
15. SỰ THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH CỦA TÂM ĐẠI BI

PHỤ LỤC: NHỮNG NGUỒN KINH ĐIỂN CHO SÁCH NÀY

THUẬT NGỮ

Sửa bởi hiendde: 15/07/2012 - 00:02


#2 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 23/10/2011 - 11:22

NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM

Lời nói đầu của ông Daniel Goleman

Một trong những thành tựu ngày càng sâu sắc hơn của khoa học hiện đại là sự khám phá rằng thân và tâm không tách biệt và độc lập, mà đúng hơn là cùng một thực thể được nhìn từ hai góc độ khác nhau. Descartes đã sai lầm trong việc tách rời thân và tâm, và y học phương Tây đi theo quan điểm của ông đã sai lầm tương tự trong việc xem nhẹ ý nghĩa những trạng thái tinh thần của bệnh nhân, đối với điều kiện sức khỏe của họ.

Một dấu hiệu về sức mạnh liên kết giữa thân và tâm, được tìm thấy trong sự phân tích hơn một trăm cuộc nghiên cứu về mối liên kết giữa những cảm xúc và sức khỏe, là những người bị phiền não kéo dài, cho dù đó là sự lo sợ, bồn chồn, thất vọng, bi quan, hay giận dữ, thù hận, đều sẽ có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao gấp hai lần trong những năm sau đó so với tỷ lệ trung bình thông thường. Hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng là 60%; những cảm xúc phiền não dai dẳng làm gia tăng đến 100%. Nếu so sánh với việc hút thuốc, những cảm xúc phiền não làm gia tăng nguy cơ cho sức khỏe gần gấp đôi.

Những nhà nghiên cứu trong lãnh vực khoa học mới về khoa tâm thần kinh miễn nhiễm học (Psychoneuroimmunology), một ngành khoa học nghiên cứu về mối liên kết sinh học giữa tâm trí, não bộ và hệ thống miễn nhiễm, đã nhanh chóng lấp đầy những cơ cấu thiếu sót liên kết giữa thân và tâm. Họ phát hiện trung tâm cảm xúc của não bộ không chỉ liên kết chặt chẽ với hệ thống miễn nhiễm mà còn với cả hệ thống tim mạch. Khi chúng ta bị căng thẳng tâm lý kéo dài, như khi cơ thể liên tục bị đẩy vào trạng thái “phải đương đầu hay trốn tránh”, khiến tiết ra những nội tiết tố căng thẳng, điều này sẽ làm yếu đi khả năng của hệ miễn nhiễm chống lại virus và ngăn chặn bệnh ung thư, thậm chí làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim làm cho cơ thể phải báo động. Kết quả cuối cùng là làm gia tăng sự dễ bị tổn hại bởi đủ loại bệnh.

Ngược lại, một tâm thức an bình với chính nó sẽ bảo vệ sức khỏe cơ thể. Nguyên lý này là căn bản của y học cổ truyền Tây Tạng, một hệ thống cổ xưa không bao giờ đánh mất cái nhìn về mối liên kết trọng yếu giữa thân và tâm.

Ngài Tulku Thondup, một vị thầy lỗi lạc thuộc phái Nyingma của Phật giáo Tây Tạng, đã chắt lọc cho người phương Tây phần tinh chất của cách thức có được sức khỏe trong nền văn hóa của Ngài, không chỉ cho thân thể và trí óc, mà cả cho phần tâm linh nữa. Ngài chỉ rõ là cả ba yếu tố đó liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi chúng ta có thể “tháo lỏng những trói buộc của sự bám chấp” tới một mức độ nào đó, nghĩa là buông bỏ những mối bận tâm nhỏ hay lớn đã làm hạn chế và đóng khung tầm nhìn của chúng ta, và thay vào đó là thư giãn trong cảm thức rộng lớn, rỗng rang hơn của chính ta và trong chỗ ở thực sự của ta trong vũ trụ, khi đó ta sẽ có thể khôi phục năng lực chữa lành thương tổn của tâm.

Ngài Tulku Thondup trao cho chúng ta nhiều hơn một khuôn khổ lý thuyết để đạt được sự khỏe mạnh: Ngài cho chúng ta những phương pháp thực hành đã được chứng minh trong thực tế qua nhiều thế kỷ ở Tây Tạng. Và khi làm việc đó, Ngài đã phác thảo một biện pháp hướng về việc chữa lành không chỉ thân thể, trí óc và tâm linh, mà còn cả tâm hồn nữa. Như thế, con đường chữa lành này là một sự tu tập tâm linh, một phương thức để chuyển hóa ngay chính cuộc sống của chúng ta.


DANIEL GOLEMAN

Sửa bởi hiendde: 15/07/2012 - 00:03


Thanked by 1 Member:

#3 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 23/10/2011 - 11:25

NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM

Lời cảm tạ

Tôi rất biết ơn Ông Harold Talbott đã sáng suốt, cẩn trọng và kiên nhẫn trong việc hiệu đính quyển sách này, và cảm ơn Ông Robert Garret với sự thành thạo trong nghệ thuật hiệu chỉnh đã giúp cho sách này được phổ biến rộng rãi. Tôi cũng cảm ơn Bà Emily Hilburn Sell về việc định dạng quyển sách như hiện nay với hiểu biết sâu sắc về chuyên môn và Ông Ian Baldwin, đã có những đóng góp vô giá về biên tập và sự hướng dẫn thành thạo không mệt mỏi.

Tôi cũng cảm ơn Ông Daniel Goldman đã tử tế viết lời tựa làm sáng tỏ cho quyển sách.

Tôi cảm ơn Lydia Segal đã giúp đỡ tôi trong nhiều giai đoạn viết và nghiên cứu, cảm ơn Amy Hertz, Jonathan Miller, Brian Boland về những gợi ý giá trị, cảm ơn David Dvore đã trợ giúp vi tính, cảm ơn thư viện riêng của Ngài Kyabje Dodrupchen Rinpoche tại Điện Mahasiddha Nyingmapa và thư viện Lehman thuộc Đại học Columbia về nguồn tư liệu cần thiết, cảm ơn Victor và Ruby Lam đã dành căn phòng ấm cúng cho tôi làm việc.

Tôi rất cảm ơn Michael Baldwin đã soi sáng cho chúng tôi với sự hướng dẫn không mệt mỏi, với nguồn cảm hứng vô tận và những người bảo trợ, những thành viên của tổ chức Buddhayana, với sự tài trợ hào phóng đã cho tôi cơ hội để làm công việc nghiên cứu viết lách trong suốt mười lăm năm qua.

Cuối cùng, tôi biết ơn Samuel Bercholz và các nhân viên ở nhà xuất bản Shambala với sự quan tâm lớn lao trong việc dành những điều kiện hoàn hảo cho quyển sách này, bao gồm cả việc Bà Kendra Crossen đã trau chuốt quyển sách với sự nhiệt thành và kỹ năng biên tập tuyệt vời của bà.


TULKU THONDUP

Sửa bởi hiendde: 15/07/2012 - 00:03


Thanked by 1 Member:

#4 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 23/10/2011 - 11:39

NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM

Nhập đề

Tôi sinh ra trong căn lều một gia đình du mục tầm thường trên một cao nguyên cỏ xanh hoang dã thuộc miền Đông Tây Tạng, giữa những ngọn núi cao nhất và những con sông rộng nhất trên thế giới. Mặt đất bao phủ đầy tuyết suốt tám tháng trong một năm. Gia đình tôi thuộc bộ lạc du mục sinh sống trong lều, chăn nuôi gia súc như trâu Yak, ngựa và cừu. Nhiều lần trong năm chúng tôi thường cắm trại trên những thung lũng khác nhau để có đủ cỏ tươi cho gia súc.

Lúc lên năm tuổi, một thay đổi mạnh mẽ làm lay chuyển cuộc sống tôi. Tôi được công nhận là tái sanh của một vị thầy nổi tiếng thuộc tu viện Dodrupchen, một học viện quan trọng ở miền đông Tây Tạng. Người Phật tử công nhận nguyên lý về nghiệp và tái sanh, vì vậy người Tây Tạng tin rằng: khi một đại sư viên tịch, vị ấy sẽ tái sanh như một người có khả năng lớn lao làm lợi ích cho kẻ khác.

Vì tôi là đứa con duy nhất, nên cha mẹ tôi rất buồn khi phải xa tôi, nhưng họ vẫn dâng hiến tôi cho tu viện không một chút lưỡng lự. Cha mẹ tôi đã tự hào và cảm thấy vô cùng vinh dự vì con mình chỉ trong chốc lát đã trở thành một người được tôn kính trong vùng.

Mọi phương diện cuộc sống tôi đột nhiên thay đổi. Tôi không có tuổi thơ bình thường: được chơi đùa với những đứa trẻ khác. Thay vào đó, những vị thầy phụ đạo phẩm giá săn sóc và đối đãi với tôi bằng sự tôn kính, vì tôi được công nhận là vị thầy tái sanh của họ. Tôi cảm thấy quen thuộc với cuộc sống mới, vì trẻ em luôn dễ dàng thích nghi với những hoàn cảnh mới hơn người lớn. Tôi thương cha mẹ tôi, nhất là bà ngoại, nhưng tôi bảo họ đừng vào tu viện nữa, dù họ được đặc biệt tạm thời cho phép. Người ta cho rằng đây là một dấu hiệu khác chứng tỏ rằng tôi đã từng sống ở tu viện trong đời trước.

Từ bình minh đến khi chiều xuống, vòng thời gian của tôi đầy ắp việc học tập và cầu nguyện. Trong môi trường này, phần lớn thời gian trong lòng tôi tràn đầy sự hoan hỷ và an bình. Những vị thầy phụ đạo của tôi rất từ bi, thấu hiểu và thực tế. Họ không phải những tu sĩ kỷ luật cứng ngắt như bạn đã hình dung, dù đôi lúc có thể như vậy. Trái lại, họ hiền từ, khiêm tốn và mang lại cho mọi người niềm hoan hỷ và nụ cười.

Sau một thời gian, tôi không còn ham chơi đùa, chạy nhảy vô ích. Tôi cũng cảm thấy không cần thiết phải nhìn quanh nhiều, và tôi có thể ngồi yên trong nhiều giờ. Trước tiên tôi thọ những lời nguyện cho người mới tu và sau đó là tu sĩ. Mỗi một tháng tôi được cạo tóc, và sau bữa trưa chúng tôi không ăn gì cho đến sáng hôm sau. Những ngày của chúng tôi đều đặn theo chu kỳ mặt trời và mặt trăng. Cho đến tuổi mười tám, tôi vẫn chưa nhìn thấy máy bay hay xe gắn máy. Một cái đồng hồ đeo tay là sản phẩm tinh vi nhất của kỹ thuật hiện đại mà tôi tình cờ thấy được trước khi rời tu viện.

Với chúng tôi, đạo Phật không chỉ là thiền định, học tập hay nghi lễ, mà là một cách sống hằng ngày và toàn bộ cuộc đời. Đạo Phật dạy rằng đặc tính thiết yếu của tất cả chúng sanh là tâm, mà trong bản tánh chân thật của mình, tâm thì thanh tịnh, an bình và hoàn thiện đầy đủ. Tâm là Phật. Như chúng ta biết, khi tâm thức chúng ta thoát khỏi áp lực của cảm xúc và hoàn cảnh bên ngoài, tâm trở nên an bình, rỗng rang, sáng suốt và lồng lộng hơn.

Trong tu viện, tôi đã được dạy về sự quan trọng của việc buông xả thái độ mà đạo Phật gọi là "chấp ngã". Đó là nhận thức sai lầm về một thực thể thường hằng, cứng chắc trong chính mình, trong những chúng sanh khác và sự vật. "Cái ta" là một ý niệm được tạo tác bởi tâm trí thông thường, không phải là tâm trong thực tánh của nó. Chấp ngã là gốc rễ của sự rối loạn tâm trí và tình cảm, là nguyên nhân đau khổ của chúng ta. Đây là điểm mà chúng ta có thể qua đó hiểu được cốt lõi, tinh thần và mùi vị của đạo Phật. Bạn có thấy đạo Phật truy nguyên đến tận gốc rễ như thế nào không? Phật giáo nói rằng đau khổ do tâm thức chúng ta gây ra, thậm chí trước khi chúng ta có một cách ứng xử nào không khéo léo hay rắc rối, hoặc ngôn ngữ bất hòa; trước khi chúng ta lao vào chuỗi đau khổ, bệnh tật, tuổi già và cái chết, vốn là sự nghiệp của tất cả chúng sanh. Trong đạo Phật, tất cả những phiền não xáo trộn đều gắn chặt với sự chấp ngã và phát sinh từ đó.

Ngài Shantideva (Tịch Thiên), một đại sư Phật giáo đã mô tả cái bản ngã mà chúng ta bám víu vào như "con quái vật độc ác":

Mọi bạo lực, sợ hãi và đau khổ

Hiện hữu trên thế gian

Đều do chấp ngã

Vậy, con đại ác quỷ này có ích gì cho các bạn?

Nếu bạn không buông bỏ bản ngã

Thì khổ đau của bạn không khi nào chấm dứt

Giống như bàn tay mình không lìa bỏ lửa

Thì bàn tay không bao giờ ngừng bỏng.

Nhưng, làm thế nào chúng ta có thể buông bỏ bản ngã? Với tôi, việc chứng ngộ thật tánh không thể thực hiện lúc tôi còn quá bé và mới bắt đầu giai đoạn tu hành. Nhưng, khi tiến bộ qua nhiều mức độ rèn luyện thân thể và tâm linh khác nhau, tôi đã có cảm hứng với sự tỉnh thức, lòng bi mẫn, sùng mộ, tham thiền và tri giác thanh tịnh. Điều đó có từ những mức độ tiệm tiến của việc nới lỏng sự siết chặt tâm thức và cảm xúc của sự chấp ngã, và tôi thu hoạch sức mạnh, sự tỉnh giác và rộng mở bên trong nhiều hơn. Vì tôi dần dần đưa tâm mình vào bản tính bình an của nó, và tự rèn luyện buông xả trong nó, sự rối loạn của môi trường bên ngoài bắt đầu ít tác động đến cảm nghĩ của tôi và trở nên dễ xử lý. Những kinh nghiệm về bản tánh bình an và rỗng rang của tâm giúp tôi chữa lành những biến cố khó chịu của cuộc sống, duy trì sức mạnh và hạnh phúc trong cả hai môi trường tốt và xấu.

Vào năm tôi mười tám tuổi, vì những thay đổi ở Tây Tạng, tôi đã phải vất vả vượt qua hàng ngàn dặm đường trong nhiều tháng từ Tây Tạng đến Ấn Độ với hai vị thầy và tám người bạn. Giữa đường, tại một hang động thiêng liêng trong một thung lũng trống có những ngọn núi xám sừng sững bao quanh, Thầy tôi, Ngài Kyala Khenpo, người đã săn sóc tôi như cha mẹ từ khi tôi năm tuổi, đã thở hơi cuối cùng. Đột nhiên tôi thấy mình là một người mồ côi, một kẻ cô độc không nhà.

Cuối cùng, chúng tôi đến Ấn Độ, một miền đất giàu trí huệ và văn minh. Lần đầu tiên trong nhiều tháng, tôi có thể hưởng thụ cảm giác mát mẻ dưới những bóng cây và thoải mái trong sự ấm áp của những chỗ ở. Trong khoảng một trăm ngàn người Tây Tạng ở Ấn Độ, nhiều người đã chết vì sự thay đổi khí hậu, thực phẩm, nước và độ cao. Với những người còn sống, nỗi đau khổ của những người thân còn ở lại Tây Tạng vẫn tiếp tục ám ảnh chúng tôi cả ngày lẫn đêm.

Trong những ngày đen tối đó, tất cả những gì đã dẫn dắt và an ủi tôi chính là ánh sáng trí huệ của đạo Phật trong tâm tôi. Nếu một vấn đề rắc rối có thể giải quyết và đáng để tham dự vào, tôi cố hết sức mình để giải quyết nó với một tâm thức an bình, một thái độ rộng mở, một tính cách hoan hỷ. Nếu vấn đề không thể giải quyết, tôi cố gắng không nóng nảy và lãng phí thời gian, năng lực vô ích. Trong cả hai trường hợp, tôi đều cố gắng buông xả những phiền não, những bám chấp của tâm thức, bằng cách không bám vào, không trụ nơi chúng, không lo âu về chúng, vì điều đó chỉ làm tình huống tồi tệ hơn. Ngài Shantideva đã nói:

Nếu bạn có thể giải quyết những vấn đề của mình

Thì cần gì phải lo nghĩ?

Nếu bạn không giải quyết được chúng

Thì lo nghĩ có ích gì?

Suốt từ lúc tôi đến Ấn Độ, tôi không còn sống trong cộng đồng tu viện hay dưới sự giám sát của kỷ luật tu viện. Nhưng ấn tượng của sự an bình và hoan hỷ về tu viện thiêng liêng ở Tây Tạng vẫn sống động mạnh mẽ trong tâm trí tôi. Tiếng vọng của những lời từ ái, êm dịu của những vị thầy đầy từ bi và trí huệ tột cùng hồi tôi còn bé vẫn vang lên trong tai tôi. Quan trọng hơn nữa, cái kinh nghiệm về sự rỗng rang, an bình, sức mạnh mà tôi đã trau giồi rồi được tinh lọc và chiếu sáng trong lòng tôi, qua việc đối mặt những gian khó trong cuộc sống, giống như vàng ròng được tinh luyện bằng sự nấu chảy và trui đập. Những hình ảnh, lời nói và kinh nghiệm ấy luôn luôn là ánh sáng dẫn đường và năng lực chữa lành qua những đau khổ, rối loạn và yếu đuối của đời tôi.

Che trú cho ánh sáng của tâm thức an bình khỏi gió bão của những trận chiến cuộc đời, và tỏa ra ánh sáng của sự cởi mở và thái độ tích cực để đến với những người khác, là hai yếu tố giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn. Bằng nhiều cách, những bi kịch lớn của đời tôi đã chuyển thành những gia hộ ban phước. Chúng làm rõ những giáo lý đạo Phật về tính như huyễn của cuộc sống, lột bỏ tấm màn che của sự an toàn giả tạo. Không còn nghi ngờ gì nữa về năng lực chữa lành của việc từ bỏ chấp ngã.

Tôi đến nước Mỹ năm 1980, một xứ sở của tự do và dư dả. Nói chung, thật khó cho tâm trí an bình sống được qua những tấn công của dục vọng và sự quyến rũ của vật chất hơn là những nỗi đau đớn, khổ sở. Nhưng hiệu lực của sự tu hành Phật giáo là trong lúc tôi hưởng thụ sự thịnh vượng vật chất của phương Tây, tôi mến phục hơn cuộc sống khiêm tốn, tự nhiên, trần thế của đạo Phật thời còn bé. Cũng vậy, tôi càng được hưởng thụ cuộc sống tâm linh của đạo Phật, tôi càng đánh giá cao lòng tin, lòng bi mẫn, sự rộng lượng đặt nền trên những giá trị của Do Thái, Cơ Đốc Giáo kết hợp với sự thịnh vượng của phương Tây, và điều này lại càng làm phong phú thêm cho sức mạnh tâm linh tôi. Sống trong ánh sáng trí huệ của đạo Phật, tôi luôn nhìn những phẩm tính tích cực của mọi hoàn cảnh qua cánh cửa bản tánh an bình của tâm thay vì để cho những phẩm tính tiêu cực tràn ngập. Đây chính là điểm tinh yếu của phương pháp chữa lành thương tổn.

Năm 1984, lần đầu tiên trong hai mươi bảy năm tôi có thể về thăm quê nhà Tây Tạng. Đó là lúc tôi sung sướng gặp lại một số bạn cũ, những người thân còn sống sót, và một thời khắc buồn rầu nhớ lại những người tôi thương mến, những khuôn mặt thân yêu ấy đã ở trong ký ức tôi nhiều năm, và những vị thầy tôn kính, mà lời dạy của các vị là nguồn chữa lành của tôi, đã qua đời. Tu viện, trong ký ức tôi là nơi tu học, vẫn nằm đó im lìm qua mấy chục năm với những bức tường đổ nát. Gần đây một số tu sĩ đã bắt đầu trở về xây dựng lại tu viện và đời sống tu viện của họ.

Hầu hết những người này đều có thể chấp nhận và tự chữa lành khỏi những kinh nghiệm không may của mình mà không cần trách cứ ai khác. Rõ ràng người ta có thể tạm thời cảm thấy tốt hơn khi trách cứ, đổ lỗi cho người khác về những sự không may của mình, nhưng điều này luôn dẫn đến kết quả là rối loạn và đau khổ lớn hơn. Chấp nhận không phiền trách là điểm chuyển hướng thật sự của việc chữa lành thương tổn. Đó là năng lực chữa lành của tâm. Đó là lý do tại sao Ngài Shantideva viết:

Nếu bạn không thể phát sinh lòng bi mẫn

Hướng tới những người bị bắt buộc phải hại bạn

Vì những phiền não của họ (vô minh và sân hận)

Thì hãy cố hết sức để không nổi giận với họ.

Ở Tây Tạng, người ta đến với những vị thầy tôn giáo để được ban phước và chỉ dạy về tâm linh hay cầu nguyện để chữa lành những khó khăn, hoặc để thành tựu những mục tiêu trần thế hay tâm linh của họ. Hiếm khi họ đến để tham khảo về những vấn đề tâm lý, xã hội hay thể chất. Tuy nhiên, trong nền văn hóa phương Tây, giới tăng lữ lại được tham khảo về tất cả các loại vấn đề đời sống. Từ khi tôi đến Mỹ, bất cứ khi nào gặp khó khăn, những người bạn đều đến gặp tôi để nhận lời khuyên. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi mình có thể gợi ý những giải pháp chữa lành cho nhiều vấn đề khó khăn của họ. Điều bí ẩn không phải là tôi đã được trang bị bất cứ kỹ năng y học, nghệ thuật chữa lành hay năng lực thần bí nào, mà là do tôi đã tự tu hành trong ánh sáng trí huệ của đạo Phật và đã đạt được kỹ năng chữa lành những hoàn cảnh đau đớn trong đời sống của chính mình. Phát hiện đó gợi cảm hứng cho tôi giới thiệu cách nhìn và sự tu hành của đạo Phật về sự chữa lành thương tổn trong hình thức một quyển sách.

Quyển sách này là một hướng dẫn thực hành cho bất cứ ai mong muốn tìm thấy an vui và chữa lành những lo lắng, căng thẳng và đau khổ. Nó là bản tóm tắt những lời dạy về trí huệ chữa trị mà tôi học được từ những kinh điển thiêng liêng của đạo Phật và đã được nghe từ những lời êm dịu của những vị đại sư. Trí huệ này trở thành nguồn chữa lành mạnh mẽ nhất cho tôi và những người bạn tôi. Đó là những giáo lý đạo Phật về sự chữa lành, và tôi chỉ cố đem chúng đến với bạn mà không làm lu mờ chúng bằng giọng điệu và ý niệm của riêng tôi.

Quyển sách này có ba phần. Phần đầu là một cái nhìn tổng quan về cuộc sống hằng ngày và thiền định, những thành tố cần thiết cho việc chữa lành. Phần hai giới thiệu những bài tập đặc biệt để chữa lành những vấn đề tâm trí, tình cảm, xã hội và tâm linh. Những vấn đề về thân xác là khó chữa lành nhất, nhưng chúng cũng có thể được giúp đỡ bằng những bài tập làm phát sinh sự an bình, sức mạnh, và năng lực tích cực, suối nguồn tối hậu cho sự khỏe mạnh thân thể của chúng ta. Phần cuối giới thiệu một số thiền định của đạo Phật không những liên quan đến những vấn đề trong đời sống hằng ngày mà còn với việc đánh thức Phật tánh sẵn có trong tất cả chúng ta và với sự mở rộng năng lực chữa lành vô tận của Tâm Phật cho chính mình và người khác.

Những lời khuyên và hướng dẫn trong tập sách này bắt nguồn từ giáo lý đạo Phật, đặc biệt là từ một bản văn ngắn nhưng độc nhất vô nhị mang tựa "Chuyển hạnh phúc và đau khổ vào con đường giác ngộ" do Ngài Dodrupchen, Jigme Tenpe Nyima 1865-1926, một trong những vị Lama lãnh đạo và học giả có uy tín của phái Nyingma thuộc Phật giáo Tây Tạng trước tác; và từ những luận thư khác như Nhập Bồ Tát hạnh của Ngài Shantideva (Tịch Thiên, thế kỷ thứ tám) một trong những vị thầy Ấn Độ vĩ đại của Phật giáo Đại thừa.

Trên tất cả, bất cứ những lời dạy về trí huệ chữa lành nào được thấy trong những trang sách này đều được gợi hứng từ một người tốt bụng và trí huệ nhất mà tôi đã từng gặp trong đời thật, đó là vị thầy nhân từ Kyala Khenpo Chošchog 1892-1957 của tôi. Dưới sự chăm sóc của Ngài, tôi đã được nuôi dưỡng trong suốt mười bốn năm như một người con. Nếu có bất cứ lỗi lầm nào trong sách đều là do sự lơi lỏng tâm trí vô minh của tôi, và với trách nhiệm tinh thần, tôi cầu mong được sự tha thứ của tất cả các vị thầy đã giác ngộ và của những người đọc bi mẫn.

Nếu bạn theo những bài tập trong sách này, bạn có thể chữa lành những đau khổ và vấn đề khó khăn của mình, phục hồi niềm vui và sức khỏe trong cuộc sống. Ít nhất thì chúng cũng có thể giúp bạn giảm bớt mức độ đau khổ, nỗi khó khăn và làm gia tăng niềm hoan hỷ và sức khỏe. Hơn thế nữa, sự an vui và sức mạnh phát xuất từ năng lực chữa lành của tâm, sẽ trang bị cho bạn để đón nhận những đau khổ và khó khăn với sự dễ dàng hơn, như một phần của cuộc sống, cũng giống như chúng ta chào đón đêm tối như một phần của chu kỳ một ngày.

Tôi hy vọng quyển sách này sẽ giúp mọi người học được cách làm thế nào để hạnh phúc và mạnh khỏe hơn. Bất cứ người nào tâm thức rộng mở với năng lực chữa lành, sẽ được lợi lạc bằng cách thực hành theo những bài tập chữa lành trong sách này, không cần thiết phải là Phật tử trong danh xưng. Tuy nhiên, những bài tập này không có nghĩa là những thay thế cho sự điều trị thông thường. Thuốc men thích hợp, cách sinh hoạt, chế độ ăn uống và thực tập luôn là thiết yếu cho sự chữa lành.

Sửa bởi hiendde: 15/07/2012 - 00:04


Thanked by 1 Member:

#5 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 23/10/2011 - 11:43

NĂNG LỰC CHỬA LÀNH TÂM

PHẦN 1: CON ĐƯỜNG CHỮA LÀNH

1. NỀN TẢNG CỦA SỰ CHỮA LÀNH

Tâm chúng ta sở hữu sức mạnh chữa lành đau khổ và tạo ra hạnh phúc. Nếu chúng ta sử dụng sức mạnh này cùng với lối sống đúng đắn, một thái độ tích cực và việc thiền định, ta có thể chữa lành không chỉ những phiền não tâm trí và tình cảm mà ngay cả những vấn đề thể chất.

Khi chúng ta đã bám vào những mong muốn và lo nghĩ với tất cả năng lực của ta, chúng ta chỉ tạo ra căng thẳng và mệt mỏi. Bằng cách buông xả cái ý niệm mà đạo Phật gọi là "chấp ngã", chúng ta có thể mở ra với Thật Tánh của mình, đó là sự an vui và giác ngộ. Quyển sách này là một lời mời đánh thức trí huệ nội tại vốn có của chúng ta, nguồn chữa lành mà chúng ta đều có. Giống như một cánh cửa mở ra với trí huệ này, chúng ta có thể đem vào ánh nắng, sự ấm áp và làn gió êm dịu của sự chữa lành. Nguồn năng lực này là của chúng ta để tiếp xúc và chia sẻ bất cứ lúc nào, một năng lực bẩm sinh phổ quát có thể mang lại hạnh phúc cho ta ngay cả trong một thế giới biến dịch không ngừng và đau khổ này.

Trong đạo Phật, trí huệ được dạy trong kinh điển chủ yếu nhằm đến việc thực hiện sự giác ngộ. Tuy nhiên, những luyện tập tinh thần cũng có thể giúp chúng ta tìm được hạnh phúc và khỏe mạnh trong đời sống hằng ngày. Có những giáo pháp mở rộng trong đạo Phật dạy về sự cải thiện đời sống thế tục của chúng ta và cách để có được một đời sống an vui, hoan hỷ và lợi lạc ngay trong thế giới này.

Thanked by 1 Member:

#6 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 23/10/2011 - 11:45

NĂNG LỰC CHỬA LÀNH TÂM

NHỮNG LỢI LẠC CỦA SỰ CHỮA LÀNH

Đạo Phật khuyến khích sự buông bỏ những căng thẳng không lành mạnh và không cần thiết do chúng ta tạo ra trong cuộc sống, bằng cách nhận ra chân tướng sự vật thật sự là thế nào. Tôi đã từng thấy nhiều trường hợp điển hình về sức mạnh chữa lành của tâm đối với những vấn đề cảm xúc, tinh thần và cả bệnh về thể xác.

Một trường hợp như thế đã xảy ra trong chính cuộc đời tôi. Khi tôi được mười tám tuổi, vị Thầy thân yêu Kyala Khenpo và tôi quyết định rời bỏ Tây Tạng, dù biết rằng chúng tôi phải mất nhà cửa, bạn hữu và cách sinh sống. Trong một thung lũng trống trải nhưng linh thiêng, Thầy Kyala Khenpo đã viên tịch vì bệnh tật và tuổi già. Ngài không chỉ là vị Thầy giác ngộ từ ái mà còn là người chăm sóc tôi như cha mẹ ruột từ khi tôi mới được năm tuổi. Đây là khoảng thời gian đau buồn và bối rối nhất trong đời tôi. Tuy nhiên, sự hiểu biết về vô thường, sự thật là mọi sự luôn luôn thay đổi trong đời sống, khiến tôi dễ chấp nhận hơn. Những kinh nghiệm tâm linh giúp tôi vẫn giữ được sự bình thản và ánh sáng trí huệ của giáo pháp giúp tôi nhìn rõ hơn con đường tương lai của mình. Nói khác đi, việc nhận biết bản chất của sự việc đang xảy ra, mở ra với nó và dùng những nguồn sức mạnh mà tôi đã được trao cho, giúp tôi chữa lành những mất mát một cách dễ dàng hơn.

Chúng ta sẽ thấy có ba bước cơ bản: nhận biết những khó khăn và đau khổ, mở rộng ra với chúng, và trau giồi một thái độ tích cực. Đó là toàn bộ quá trình chữa lành.

Lama Pushul, một vị thầy khác của tôi, suốt thời còn bé đã có những vấn đề tinh thần. Vào tuổi thiếu niên, Ngài là người phá phách, gia đình buộc phải trói Ngài lại để bảo vệ cho chính Ngài và người khác khỏi sự bạo hành đó. Qua những thiền quán chữa lành, chủ yếu là lòng bi mẫn, Ngài đã tự chữa lành và sau đó trở thành một vị thầy, một học giả vĩ đại. Ngày nay, tôi chưa thấy có ai vui vẻ, an bình và nhân từ hơn Ngài.

Khi tôi sống ở Tây Tạng, việc chữa lành thân thể bằng thiền định và thái độ đúng là một phần thông thường trong cuộc sống hằng ngày. Thế nên bây giờ nếu có ai bảo tôi đưa ra những ví dụ về việc chữa lành thân thể, tôi cũng không dễ hình dung ra chuyện nào để kể. Đối với những người từ Tây Tạng, họ chấp nhận như một sự kiện bình thường rằng tâm có thể chữa lành cho thân thể. Tâm dẫn dắt những năng lực của cơ thể, và đó là lý do tại sao tâm có thể chữa lành. Có nhiều sự chữa lành, khi còn bé tôi không để ý đến. Tuy nhiên, tôi thực sự biết một ví dụ gần đây, nhiều người cho đó là chuyện lạ, nhưng với quan điểm của đạo Phật thì cũng không đáng ngạc nhiên lắm.

Hai năm trước, Ngài Dodrupchen Rinpoche, một vị Lama có tâm linh cao, trong lúc đến vùng ngoại ô xa xôi của Bhutan đã bị một cơn đau ruột thừa nghiêm trọng. Một phó thủ tướng đã sắp xếp trực thăng để đưa Ngài đi bệnh viện. Các bác sĩ sợ rằng ruột thừa của Ngài sẽ vỡ và sự đau đớn sẽ rất lớn. Ngược lại với lời khuyên mạnh mẽ của các bác sĩ, Ngài từ chối giải phẫu và tự chữa lành cho mình bằng thiền định và những chân ngôn (Mantra).

Thanked by 1 Member:

#7 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 23/10/2011 - 11:47

NĂNG LỰC CHỬA LÀNH TÂM

BẤT CỨ AI CŨNG ĐƯỢC LỢI LẠC

Khả năng chữa lành những bệnh nặng nhờ thiền định tùy thuộc vào mức độ lòng tin và kinh nghiệm tâm linh của người đó. Dĩ nhiên, phần lớn chúng ta sẽ rất vui được giải phẫu khi bị viêm ruột thừa sắp vỡ. Tôi kể câu chuyện này để minh họa sức mạnh của tâm, và vì người ta quan tâm mạnh mẽ về việc duy trì sức khỏe thân thể của họ. Một số chúng ta là những vị thầy tâm linh. Nhưng bất cứ ai cũng có thể được lợi lạc từ thiền định và từ thái độ tích cực. Bắt đầu từ ngay bây giờ, chúng ta có thể sống một cuộc sống hạnh phúc và mạnh khỏe hơn.

Mặc dầu bệnh tật thân thể là một chủ đề bạn sẽ đọc ở đây, quyển sách này như một sách giáo khoa, giúp chúng ta ứng xử với những phiền não hằng ngày. Đây là nơi bắt đầu tốt nhất cho phần lớn chúng ta. Nếu chúng ta có thể học cách đem sự bằng lòng lớn hơn vào bất cứ việc gì mình làm, những ban phước khác sẽ tự nhiên tuôn chảy.

Những quan niệm và bài tập thiền quán trong sách này được bắt nguồn từ giáo lý Nyingma của đạo Phật, một phái lâu đời nhất ở Tây Tạng, có từ thế kỷ thứ chín, một học phái gồm đủ cả ba truyền thống chính của Phật giáo: Tiểu thừa, Đại thừa và Kim Cương thừa. Tuy nhiên, bạn không cần phải là một Phật tử để sử dụng quyển sách này. Không may, nhiều người xem Phật giáo như là một tôn giáo được truyền bá bởi một đạo sư đặc biệt của lịch sử, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tôn giáo đó chỉ làm lợi lạc cho những người theo truyền thống này.

Đạo Phật là một con đường phổ quát. Mục tiêu của nó là chứng ngộ chân lý phổ quát, trạng thái toàn giác, hay Phật tánh. Theo chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có vô số những chúng sanh chứng ngộ Phật tánh trước khi Ngài đản sanh. Đang có, đã có, và sẽ có đạo Phật, con đường và những vị Phật (những người đã giác ngộ) trong thế giới này cũng như trong nhiều thế giới khác ở quá khứ, hiện tại và vị lai. Có thật rằng cách đây hơn 2.500 năm, đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền bá những giáo lý được gọi là Phật giáo.

Phật giáo được dạy bởi đức Thích Ca Mâu Ni là một trong những hình tướng biểu hiện của đạo Phật, nhưng không phải là loại đạo Phật độc nhất. Người nào với tâm thức rộng mở sẽ nghe được con đường thực sự, mà người Phật tử gọi là Pháp, thậm chí ngay trong thiên nhiên. Dharmasamgiti nói: "Người nào có tâm thức tốt, ngay cả vào thời không có Phật, sẽ nghe được Pháp từ bầu trời, tường vách và cây cỏ. Với những người tìm cầu mà tâm thanh tịnh, những giáo pháp và những giáo huấn sẽ hiển lộ theo những mong muốn của người đó."

Đạo Phật nhận biết những khác biệt trong những nền văn hóa và thực hành của mọi người trong thế gian, và trong những sự nuôi nấng và nhân cách cá nhân. Nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác có những truyền thống chữa lành, và đưa ra những lời khuyên đặc biệt về đối trị đau khổ. Ngay cả ở Tây Tạng cũng có nhiều cách tiếp cận với đạo Phật. Có nhiều sự khác biệt về cách tiếp cận là tốt, ngay cả đôi lúc chúng có vẻ mâu thuẫn với nhau, bởi vì con người khác nhau. Toàn bộ mục đích là làm cho thích hợp với nhu cầu của mỗi cá nhân.

Thanked by 1 Member:

#8 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 23/10/2011 - 12:18

NĂNG LỰC CHỬA LÀNH TÂM

SỰ THIỀN ĐỊNH, TÂM THỨC, THÂN THỂ

Chữa lành bằng thiền định không giới hạn cho một niềm tin tôn giáo nào. Ngày nay, nhiều thầy thuốc được đào luyện trong truyền thống y khoa phương Tây đã giới thiệu những phương thức thiền định truyền thống như một cách hồi phục và duy trì sức khỏe tinh thần và cơ thể. Những thực hành này hiếm khi biết đến kinh nghiệm về cái mà đạo Phật gọi là Thật Tánh hay sự rộng mở vĩ đại, mà chỉ nhấn mạnh vào việc quán tưởng, sự phát triển thái độ và năng lực tích cực.

Bệnh cao huyết áp, trong nhiều trường hợp được tạo ra và tiến triển nặng hơn do những căng thẳng tinh thần, đặc biệt phù hợp với những điều trị thay đổi luân phiên như vậy (thiền quán, thái độ tích cực...). Một số thầy thuốc đã giới thiệu việc chú tâm vào một điểm trên cơ thể ở những vùng bị co cơ và sau đó chủ động buông lỏng những cơ đó, kết quả đạt được sự giảm đau và thư giãn. Phương pháp này theo cùng nguyên lý của đạo Phật về cách nhận biết một vấn đề và nới lỏng sự bám chấp vào nó.

Sự chữa lành có hiệu quả nhất nếu có kèm theo bất kỳ niềm tin tâm linh hay kinh nghiệm thiền quán nào. Tiến sĩ Herbert Benson, khoa y trường Đại học Harvard, người khởi đầu Liệu Pháp Thư Giãn đã viết như sau: "Nếu bạn thật sự tin tưởng vào triết lý cá nhân hay niềm tin tôn giáo, nếu bạn gắn chặt tâm hồn với thế giới quan của bạn, bạn có thể đạt được những sự kỳ diệu khác thường của tâm và thân mà thường chúng ta chỉ suy đoán về chúng."

Tiến sĩ Y Khoa Bernie Siegel, giáo sư và phẫu thuật gia của Đại học Yale, mô tả một số lợi ích của thiền định: "Thiền định làm bình thường hay giảm áp huyết, nhịp tim, những mức độ nội tiết tố căng thẳng trong máu, làm thay đổi những mẫu sóng não, cho thấy não ít bị kích thích... Thiền định cũng làm nâng cao ngưỡng chịu đau và giảm tiến trình lão hóa sinh học của con người. Tóm lại, nó làm giảm sự hao mòn của thân, tâm, giúp con người sống khỏe mạnh và lâu hơn."

Nhiều nhà báo như Bill Moyers, đã ghi nhận chi tiết về sự liên hệ giữa thân, tâm với sức khỏe. Ông đã nói trong phần giới thiệu quyển sách "Tâm và sự chữa lành", dựa theo nội dung loạt phát sóng của chương trình truyền hình Public Broadcasting System:

"Tôi cho rằng mình luôn quan tâm về mối liên hệ giữa thân và tâm, mặc dầu tôi đã lớn lên trong một nền văn hóa phân chia tách biệt tâm và thân. Tuy vậy, hằng ngày trong thế giới phân chia dứt khoát tâm và thân này, ngôn ngữ chúng ta đã phản bội giới hạn của những phạm trù của chúng ta.

"Bà quả phụ Brown đã chết vì một cơn vỡ tim, bà ta không bị bệnh tim trước khi chồng bà qua đời. Cha mẹ tôi nói chuyện về người bạn bán tạp hóa của họ, người "hay tự lo rằng mình bệnh hoạn." Chú tôi, Carl, tin rằng cái cười có thể làm dịu sự đau khổ, rất lâu trước khi Norman Cousins xuất bản câu chuyện của ông về cách đối phó với căn bệnh hiểm nghèo bằng cách xem những phim hài hước như "Anh em nhà Marx" và những bộ phim video hài "Candid Camera."

Trong những năm gần đây, y học phương Tây đã bắt đầu có cách nhìn xác thực hơn về thân và tâm, khảo sát sự liên hệ giữa tâm trí, những cảm xúc và sức khỏe. Trong những năm 70, các nhà nghiên cứu tìm ra bằng chứng ở não có những cái mà họ gọi là chất dẫn truyền thần kinh, là những sứ giả hóa chất đưa tín hiệu đến và đi từ bộ não. Một số chất này có tên là endorphin và enkaphalin có tác dụng như những loại thuốc giảm đau trong thiên nhiên. Một số khác dường như có liên quan đến trạng thái cá biệt của tâm trí như: giận dữ, sự bằng lòng, hay bệnh tâm thần.

Người ta vẫn đang tiếp tục nghiên cứu những liên hệ sinh học giữa não bộ, hệ thần kinh và hệ miễn nhiễm. Mặc dầu y học phương Tây không phải chủ đề của sách này, nhưng những phát minh trong lãnh vực này rất đáng quan tâm. Bằng chứng mới về tâm và thân luôn luôn được đón nhận và có thể lợi ích cho nhiều người. Tuy nhiên, ý niệm căn bản phía sau những cuộc nghiên cứu này thật ra rất xa xưa. Đạo Phật tin vào sự quan trọng của tâm từ nhiều thế kỷ trước khi có những học thuyết về sinh học phân tử hiện đại.

Thanked by 1 Member:

#9 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 23/10/2011 - 12:20

NĂNG LỰC CHỬA LÀNH TÂM

ĐƯỜNG LỐI CỦA Y HỌC TÂY TẠNG TRONG VIỆC CHỮA LÀNH TÂM LINH

Trong đạo Phật, tâm phát sinh những năng lực chữa lành, trong lúc thân vốn là thể rắn và vững chắc, làm nền, quy tụ và làm mạnh cho chúng. Bản văn chính của y học Tây Tạng là Bốn Tantra (Gyud Zhi), người Tây Tạng gọi là Terma hay là sự Mặc khải huyền bí, được Ngài Trawa Ngonshey tìm ra ở thế kỷ mười một. Theo những bản văn cổ này, gốc rễ mọi bệnh tật của thân và tâm là sự chấp ngã. Những độc của tâm thức khởi lên từ sự bám chấp này là tham, sân, si.

Những bệnh tật của thân phân làm ba loại chính. Sự mất hài hòa của khí hay năng lượng, thông thường tập trung ở phần dưới cơ thể và có tính lạnh là do tham dục gây ra. Sự mất hài hòa của mật, thường tập trung ở phần trên cơ thể và có tính nóng là do sân hận gây ra. Sự mất hài hòa về thủy dịch, thường tập trung ở đầu, mang tính lạnh là do si (vô minh) gây ra.

Ba phạm trù: tham, sân, si này cũng như nhiệt độ phối hợp của chúng, ngày nay còn có thể rất ích lợi trong việc xác định những bài tập thiền quán nào có hiệu quả nhất, tùy theo những tính chất và trạng thái cảm xúc cá nhân.

Theo y học Tây Tạng, sống trong an vui tự tại với phiền não và buông xả ngã chấp là phương thuốc tối hậu cho sức khỏe tinh thần lẫn vật chất.

Bản ngã là gì mà chúng ta hay gặp trong sách này? Quan điểm của đạo Phật đôi lúc khó hiểu cho những người không phải đạo Phật. Dù bạn có thể thiền định mà không cần biết bản ngã là gì, một số hiểu biết về bản ngã sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc thực tập những bài tập chữa lành được giới thiệu ở phần sau.

Ngôn ngữ có thể lừa dối chúng ta khi nói về chân lý tối hậu. Trong ý nghĩa hằng ngày, khi chúng ta nói về "bản thân tôi" hay "bản thân bạn" là hoàn toàn tự nhiên. Tôi nghĩ chúng ta có thể đồng ý rằng tự hiểu biết là tốt, và tính ích kỷ có thể làm chúng ta không hạnh phúc. Nhưng hãy đi xa hơn một chút và thử nghiệm sự thật sâu hơn về bản ngã theo cách nhìn của đạo Phật.

Thanked by 1 Member:

#10 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 23/10/2011 - 12:22

NĂNG LỰC CHỬA LÀNH TÂM

TẠI SAO CHÚNG TA ĐAU KHỔ?

Tâm chúng ta tạo ra kinh nghiệm hạnh phúc lẫn đau khổ và khả năng tìm thấy an vui nằm trong chúng ta. Thật tánh của tâm là an bình và giác ngộ. Bất cứ ai hiểu được điều này là đã bước trên con đường đạt đến trí huệ.

Đạo Phật đặt trọng tâm trên nguyên lý hai chân lý: chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối. Cái tuyệt đối là thật tánh của tâm thức chúng ta và của vũ trụ là giác ngộ, an bình, và toàn thiện. Thật tánh của tâm với Phật giáo Nyingma nghĩa là sự hợp nhất giữa tỉnh giác và rỗng rang, hay tánh giác và tánh không.

Chân lý tương đối hay quy ước là trong toàn bộ đời sống bình thường, cuộc sống trần tục vô thường qua đi của sanh tử mà đạo Phật gọi là luân hồi (samsara), thế giới được kinh nghiệm như là nơi chốn của đau khổ, của sự thay đổi không ngừng và vọng tưởng, vì khuôn mặt của thật tánh bị che khuất do những thói quen tâm thức và phiền não mọc rễ trong sự chấp ngã của chúng ta.

Trong tư tưởng phương Tây, "bản ngã" thường mang nghĩa cá nhân hay ý thức bản ngã về "tôi, là tôi và của tôi". Đạo Phật bao gồm ý nghĩa bản ngã này đồng thời cũng hiểu "bản ngã" là bất cứ hiện tượng hay đối tượng nào – tất cả mọi sự vật – mà chúng ta bám chấp như thể là một thực thể đang hiện hữu thực sự. Đó có thể là bản ngã của người khác, bản ngã của cái bàn, của đồng tiền hay bản ngã của một ý niệm.

Nếu chúng ta bám chấp vào những sự vật đó, chúng ta đang kinh nghiệm chúng theo cách nhị nguyên, như một chủ thể bám chấp một đối tượng. Bấy giờ tâm trí bắt đầu phân biệt, chia tách và dán nhãn sự vật như ý niệm rằng "tôi" thích "cái này", hay "tôi" không thích "cái này"... Chúng ta nghĩ "cái này" đẹp, vậy là trói buộc đến; hay "cái kia" không đẹp, thế là đau khổ đến. Chúng ta khao khát những gì mình không có hoặc cảm thấy buồn rầu khi mất chúng. Khi tâm thức chúng ta càng nắm siết hơn, ta càng cảm thấy gia tăng kích thích hay đau khổ và đây là chu trình đau khổ.

Với tâm "tương đối" hay tâm phàm tục, chúng ta chấp ngã như thể nó vững chắc và có thực. Tuy nhiên, bản ngã là một ảo giác, vì mọi kinh nghiệm trong luân hồi đều tạm thời, thay đổi và diệt mất. Tâm phàm tục của chúng ta nghĩ bản ngã như là một cái gì đó thực sự hiện hữu như một thực thể độc lập. Nhưng trong quan điểm đạo Phật, bản ngã không thực sự hiện hữu. Nó không cố định hoặc là một cái gì bền vững, mà chỉ là một mệnh danh, được dán nhãn bởi tâm. Bản ngã cũng không là một thực thể độc lập. Trong quan điểm Phật giáo, mọi pháp vận hành tùy thuộc lẫn nhau, bởi thế không có gì thực sự có một phẩm chất hay bản tính độc lập.

Trong đạo Phật, luật nhân quả được gọi là nghiệp (karma). Mỗi một hành động đều có một hậu quả tương ứng, mọi sự tùy thuộc lẫn nhau. Hạt nẩy mầm thành cây, đơm hoa, kết trái rồi tạo ra hạt trở lại. Đó là một ví dụ rất đơn giản về nguyên nhân. Nhờ nghiệp, hành vi của chúng ta đã định hình thế giới mà chúng ta sống. Ngài Thế Thân (Vasubandhu), một luận sư vĩ đại của Đại thừa đã nói: "Do nghiệp, những thế giới khác nhau được tạo ra."

Bám chấp tạo ra nghiệp tiêu cực, những thói quen và khuynh hướng tiêu cực của chúng ta. Nhưng không phải mọi nghiệp đều xấu, dù có một số người suy nghĩ nhầm lẫn về điều này. Chúng ta cũng có thể tạo ra nghiệp tích cực và đó gọi là sự chữa lành. Sự bám chắc bản ngã tạo ra nghiệp tiêu cực. Nghiệp tích cực tháo gỡ sự bám chấp này, và khi buông lỏng sự nắm chặt ấy, chúng ta tìm thấy sự an vui trong mình và trở nên hạnh phúc, mạnh khỏe hơn.

Thanked by 1 Member:

#11 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 23/10/2011 - 12:26

NĂNG LỰC CHỬA LÀNH TÂM

CHÚNG TA ĐỀU LÀ PHẬT

Đạo Phật tin rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Trong thật tánh của mình, tất cả chúng ta đều là Phật. Tuy nhiên, khuôn mặt Phật tánh của chúng ta bị che lấp bởi nghiệp và những tì vết của nó, mà gốc rễ là sự chấp ngã giống như mặt trời bị mây che phủ.

Tất cả chúng sanh đều giống nhau và đều là một sinh linh toàn thiện trong thật tánh. Chúng ta biết, khi tâm thức được tự nhiên, thoải mái và tự tại trước những tình huống, những áp lực tinh thần hoặc cảm xúc làm rối loạn, chúng ta thể nghiệm được sự an vui. Điều này hiển nhiên cho thấy tâm bản nhiên không bị nhiễm ô là an bình và không đau khổ. Dù rằng trí huệ, thật tánh thường an trú trong chúng ta, bị che phủ bởi sự nhiễm ô tinh thần, nó vẫn hoàn thiện và trong sáng.

Tổ Long Thọ (Nagarjuna), người đặt nền tảng cho học phái Trung Đạo của Phật giáo Đại thừa đã viết:

Nước trong trái đất không bị biến thể.

Cũng vậy, trong phiền não.

Trí huệ vẫn không biến thể.

Tổ Long Thọ nói về sự an bình và giải thoát như là "cảnh giới tối hậu" của chính nó luôn luôn ở trong chúng ta mọi lúc nếu ta nhận ra nó, chứng ngộ nó:

Trong bụng bà mẹ mang thai

Dù có một đứa trẻ, ta không thể thấy.

Tương tự, ta không thấy tự tánh mình

Nó bị che lấp bởi phiền não của chúng ta.

An bình là ở trong chúng ta, chúng ta không cần phải tìm kiếm ở đâu khác. Bằng cách dùng cái mà đạo Phật gọi là "phương tiện thiện xảo" gồm sự thực hành thiền định, chúng ta có thể mở bày ra điện thờ thiêng liêng tối hậu này.

Tổ Long Thọ mô tả cảnh giới tối hậu này, sự rỗng rang vĩ đại, sự hợp nhất giữa tâm và pháp giới, theo cách sau:

Khi khuấy sữa, bơ tinh chất sẽ hiện ra,

Tịnh hóa phiền não, cõi giới tối hậu sẽ hiển lộ toàn vẹn

Như đèn trong bình, ánh sáng không xuất hiện.

Phật tánh bị che phủ trong cái bình của phiền não

khiến ta không thể thấy.

Nếu ta đục một lỗ trên bất cứ chỗ nào của bình

Từ chỗ đó ánh sáng chiếu ra mạnh mẽ

Khi cái bình của những phiền não

Bị hủy diệt bởi định như Kim Cương

Ánh sáng chiếu soi vào hư không vô tận.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đức Phật có thật trong lịch sử, từng nói trong Haivajra:

Chúng sanh là Phật trong bản tánh chân thật của họ

Nhưng bản tánh của họ bị che ám bởi những phiền não duyên sanh

Khi những phiền não được trừ sạch, chúng sanh là Chân Phật.

Phật tánh hay giác ngộ là "vô ngã". Nó là sự an vui, rỗng rang, vô ngã, nhất thể và niềm vui toàn thể, vĩnh viễn, toàn khắp. Với đa số người, viễn cảnh đạt đến toàn giác là rất xa lạ và khó hiểu. Mục đích của quyển sách này là không vượt khỏi bản ngã, cũng không phải là toàn giác, mà chỉ là buông xả việc chấp chặt bản ngã một ít để được hạnh phúc và mạnh khỏe hơn. Dù thế, nó giúp ta có được một ý niệm về cái có nghĩa là sự rộng mở và nhất thể toàn triệt.

Những câu chuyện chúng ta được nghe về "những kinh nghiệm cận tử" lúc hấp hối, hay trở về từ cõi chết, có thể cung cấp cho ta sự quán chiếu. Nhiều người sống lại từ quá trình hấp hối đã mô tả việc di chuyển qua một đường hầm, gặp ánh sáng trắng xúc chạm cho họ một cảm giác đại lạc, đại an bình. Tuy vậy, ánh sáng không phải là một cái gì tách rời khỏi kinh nghiệm này. Ánh sáng là sự an bình. Và họ là ánh sáng. Họ không kinh nghiệm và thấy ánh sáng theo lối nhị nguyên thông thường, như chủ thể và đối tượng. Thay vào đó, ánh sáng, sự an bình và con người là một.

Trong một câu chuyện lúc cận tử, một người đàn ông đã thấy lại mọi việc xảy ra trong đời sống mình, từ lúc mới sinh ra cho đến khi chết, không chỉ là một sự kiện này tiếp theo một sự kiện khác, mà toàn bộ cuộc sống xảy ra cùng lúc. Và ông ta không thấy bằng mắt hay nghe bằng tai, ngay cả biết bằng ý, ông ta có một tỉnh giác sinh động và thuần khiết về cái thấy, biết và cảm nhận mà không có sự cách biệt giữa chúng. Trong trường hợp như vậy, khi những giới hạn và hạn chế không còn, đó là cái "Một". Với cái "Một", không có đau khổ hay xung đột, vì xung đột chỉ hiện hữu khi nào ở đó có hơn "Một".

Với Phật tử, những kinh nghiệm như vậy được đặc biệt quan tâm, vì chúng có thể là một thoáng thấy "trung ấm quang minh của bản tánh tối hậu", là một giai đoạn chuyển tiếp sau khi chết, cho người nào có một nhận biết nào đó về chân lý, vượt khỏi phạm trù không gian, thời gian và những ý niệm thông thường. Những chuyện như vậy không chỉ là về kinh nghiệm chết, mà chúng còn có thể cho chúng ta biết về sự giác ngộ có thể thực hiện trong lúc ta đang sống.

Tâm giác ngộ thực sự không xa lạ lắm đâu. Tánh không hay sự rỗng rang luôn ở đây với chúng ta, dù chúng ta thường không nhận ra nó. Chúng ta có thể thể nghiệm toàn bộ về nó vào những thời điểm quan trọng trong cuộc sống, hay thậm chí là một thoáng thấy giữa cuộc sống hằng ngày của ta. Chúng ta không cần phải đợi tới lúc hấp hối. Dù cho những câu chuyện vào thời điểm cận tử này có thể gây cảm hứng và thích thú, nhưng giác ngộ không chỉ là một câu chuyện này hay câu chuyện khác. Nó không phải là kinh nghiệm "này" hay cách nhìn "kia"; hoặc chúng sanh này chúng sanh kia. Toàn bộ tánh rỗng rang vượt khỏi những đối cực "hiện hữu" và "không hiện hữu", cũng không phải "vừa hiện hữu vừa không hiện hữu" hay "vừa không hiện hữu vừa không phải không hiện hữu". Nói cách khác, toàn thể tánh rỗng rang không thể ở trong mô tả và ý niệm.

Thanked by 1 Member:

#12 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 23/10/2011 - 12:31

NĂNG LỰC CHỬA LÀNH TÂM

PHẦN 2: NHỮNG BÀI TẬP CHỮA BỆNH

NHỮNG THIỀN ĐỊNH CHỮA BỆNH

NHẬP ĐỀ

Một số bài tập sau đây được lấy trực tiếp từ kinh điển của Phật giáo Tây Tạng, trong khi những bài tập khác được tác giả chi tiết hóa, đặt căn bản trên những nguyên lý trong kinh điển. Hãy chọn bài tập nào thích hợp với hoàn cảnh của bạn.

Để trầm mình vào một bài tập chữa bệnh, bạn cần phải làm quen với những phương tiện chữa bệnh được đưa ra ở Phần Một, chúng có thể được áp dụng cho bài tập riêng biệt.

Đa số những thực tập này được xây dựng trên bốn bước căn bản:

1. Nhận thức những vấn đề cần được chữa lành,

2. Dựa trên nguồn của năng lực,

3. Áp dụng những phương tiện chữa bệnh,

4. Đạt được kết quả của chữa bệnh.

Trong một số bài tập nguồn năng lực không được giới thiệu. Trong một số bài tập cũng không giới thiệu hình ảnh, nhưng bạn phải quán tưởng bất cứ hình ảnh nào thích hợp.

Để tạo hiệu quả thực sự cho việc chữa bệnh, chúng ta cần phải có sức mạnh của trí tưởng tượng, sự hiểu biết, những cảm nhận và năng lực tin tưởng vào quá trình chữa bệnh. Chúng ta càng thấy, hiểu biết, cảm nhận và tin tưởng vào quá trình chữa bệnh thì những lợi lạc của việc chữa bệnh càng sâu hơn.

Chúng ta có thể làm mạnh mẽ mỗi bước trong bốn bước căn bản trên qua bốn phương thức thiền định. Chúng ta có thể (1) thấy hay hình dung mỗi một phương thức như một hình ảnh, (2) nghĩ về tên của mỗi phương thức, (3) cảm nhận những tính chất của nó, và (4) tin vào hiệu quả của nó.

Những phương thức này đặt nền trên sự hiểu biết rằng những tư tưởng có được sức mạnh khi nó có một hình dạng cụ thể trong tâm thức ta. Sự nhìn thấy làm cho sự vật sống động và tức thời đối với ta. Khi chúng ta định danh điều gì, ta tạo sức mạnh cho nó và liên hệ nó với ta qua sức mạnh của tư tưởng. Khi cảm nhận điều gì, ta hoàn toàn thể nhập vào chúng. Khi ta tin tưởng vào sức mạnh và hiệu quả của điều gì, nó trở thành một thực tại.

Ví dụ, để chữa buồn rầu, chúng ta phải áp dụng bốn phương thức thiền định cho bốn bước căn bản. Thoạt tiên, hãy hình dung nỗi buồn như một hình ảnh. Nhận biết nỗi buồn một cách bình an và hiện thực. Hãy để cảm xúc hay cảm giác buồn rầu xảy đến để sau đó bạn có thể giải thoát nó. Đôi khi có thể ích lợi, dù không nhất thiết, phải định vị nỗi buồn tập trung ở một nơi nào đó trong cơ thể như đầu, cổ họng, ngực hay chấn thủy. Có thể toàn thân bạn có vẻ căng thẳng. Bất cứ nỗi buồn ở chỗ nào, bạn có thể thấy (quán tưởng) nỗi buồn là một hình ảnh như một khối băng. Điều này có thể giúp tâm thức bạn tiếp xúc với điểm đau ốm này với những năng lực chữa bệnh.

Quán tưởng, cảm nhận, định danh và tin tưởng, nhưng không trụ chấp, đối với cơn bệnh sẽ giúp chúng ta nắm chắc được điều gì sai, nhờ đó chúng ta có thể điều trị được đúng cách.

Hãy hình dung nguồn sức mạnh dưới dạng quả cầu sáng giống như mặt trời, với những phẩm tính như sức nóng, hỷ lạc và sự vô biên.

Hãy hình dung phương tiện chữa bệnh dưới dạng những tia sáng rực mạnh mẽ làm tan đi tảng băng buồn rầu trong thân bạn chỉ bằng việc tiếp xúc, giống như tia sáng nóng của mặt trời trên tảng băng.

Hãy hình dung bạn được tràn ngập bởi ánh sáng và sau đó chuyển hóa thành thân ánh sáng chữa bệnh rực rỡ với sự ấm áp, hỷ lạc và rộng mở.

Thứ hai, bên cạnh việc hình dung thấy những hình ảnh đó, chúng ta cũng có thể định danh và nhận biết nỗi buồn, nguồn sức mạnh, phương tiện chữa bệnh, và đạt được sự khỏi bệnh.

Thứ ba, không chỉ thấy và định danh chúng mà ta còn cảm nhận nỗi buồn nhưng không trụ chấp trong nó.

Hãy cảm nhận sự hiện diện của nguồn sức mạnh.

Hãy cảm nhận năng lực của phương tiện chữa bệnh, bằng cách kêu cầu năng lực chữa bệnh này và cho nó hình thức thích hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của bạn. Nó có thể là một luồng gió mạnh xua tan những phiền não, hay sự nuôi dưỡng, một cơn mưa nhẹ, hay năng lượng ánh sáng, hoặc sức mạnh tịnh hóa của lửa, hay bất cứphương tiện chữa bệnh nào khác thích hợp với bạn.

Hãy cảm nhận toàn thân bạn tràn ngập năng lực chữa bệnh đầy nồng ấm, hỷ lạc, hạnh phúc, mạnh mẽ và rộng mở.

Sau đó, cuối buổi tập không cần có tư tưởng hay hình ảnh nào nữa mà chỉ đơn giản buông lỏng và mở rộng với bất cứ cảm nhận nào bạn có.

Cuối cùng, không chỉ hình dung thấy, định rõ và cảm nhận mà phải hoàn toàn tin tưởng rằng nỗi buồn của bạn hiện hữu ở dạng tảng băng; rằng nguồn sức mạnh đang hiện diện trước bạn với năng lực tuyệt đối để chữa bệnh; rằng phương tiện chữa bệnh có thể chữa lành bạn chỉ qua tiếp xúc; và rằng bạn hoàn toàn được chữa lành và chuyển hóa thành thân thể ánh sáng chữa bệnh của sự ấm áp, hỷ lạc và rỗng rang.

Hãy cảm nhận và tin tưởng rằng vấn đề của bạn đã được chữa lành. Hãy vui thích trong sự chữa lành như bạn thấy và cảm nhận nó xảy đến. Hãy tin tưởng rằng khó khăn của bạn được xoa dịu, tịnh hóa, tan biến hay loại bỏ. Sau đó, không có những tưởng niệm hay hình ảnh, đơn giản chỉ thư giãn và mở rộng với những cảm nhận mà bạn có trong cuối buổi tập.

Một số vấn đề sẽ biến mất một cách nhanh chóng không dấu vết. Những vấn đề khác có thể cần nhiều buổi tập.

Ngoài ra, chúng ta cần thực tế về phạm vi khả năng của chính mình trong việc cải thiện thế giới quanh ta hay thay đổi những vấn đề xảy đến. Tuy nhiên, mặc dầu thiền định không luôn thay đổi những hoàn cảnh của chúng ta thì thái độ của ta đối với chúng luôn có thể thay đổi. Chúng ta có thể hạnh phúc và an bình hơn. Điều này tự thân nó sẽ cải thiện hoàn cảnh hoặc thay đổi cách hành động của những người khác quanh ta.

Trong bối cảnh của những bài tập chữa bệnh, điều quan trọng là tin tưởng vào sức mạnh của thiền định đem đến cho ta sự an bình. Chúng ta phải hoàn toàn đưa mình vào bài tập và cảm nhận mạnh mẽ hết mức rằng vấn đề đã hoàn toàn biến mất. Không nên lo lắng về những hoàn cảnh khó chữa lành. Trong thời gian thiền định, chớ nên để ý bất cứ điều gì ngoại trừ sự khơi dậy năng lực chữa bệnh và tin tưởng vào sức mạnh của nó. Đây là cách đánh thức sức mạnh bên trong của tâm và thân.

Trong cuộc sống hằng ngày khi chúng ta bắt đầu con đường chữa bệnh, tốt nhất là giải quyết một vấn đề đơn giản như thay đổi thói quen lo lắng về thời tiết hay nói quá nhiều mà không suy nghĩ. Tương tự, khi thực hành những thiền định chữa bệnh, trước tiên giải quyết một vấn đề đơn giản sẽ dễ dàng hơn là giải quyết những vấn đề phức tạp. Phương pháp đơn giản này phát sinh ra sự khéo léo, thói quen và cảm hứng để giúp ta dần dần đối phó được với những vấn đề lớn hơn.

Nếu bạn đang thực hành chữa bệnh đối với một khó khăn đặc biệt trong nhiều buổi tập, không cần thiết mỗi lần lại bắt đầu bằng việc cảm nhận hay quán tưởng hình ảnh của vấn đề. Sau một thời gian, bạn có thể bắt đầu thiền định ngay về năng lực chữa bệnh.

Ngoài ra, cũng nên suy nghĩ về nỗi buồn và cố gắng xác định đặc tính của nó. Có thể ích lợi nếu bạn có thể cảm nhận được nó nóng hay lạnh. Nếu là lạnh, hãy quán tưởng ánh sáng, nước hay không khí ấm áp như phương tiện chữa bệnh. Nếu vấn đề là nóng, hãy quán tưởng ánh sáng, nước, không khí lạnh. Hãy làm bất cứ điều gì bạn cảm thấy đúng và nếu không cần phải áp dụng nhiệt độ, bạn có thể thực hành bất cứ điều gì là tự nhiên với bạn.

Cũng nên nhớ rằng, nếu bạn đã cảm thấy tích cực, đây là thời gian làm cho cảm thức về hạnh phúc của bạn được sâu hơn nhờ thiền định và lúc nào cũng sẵn sàng đối phó với những phiền não khi chúng xảy đến. Bạn có thể tham thiền ánh sáng hay nguồn sức mạnh của bạn, hoặc dùng bất cứ kỹ thuật chữa bệnh nào. Dù bạn thực hành bất cứ sự chữa bệnh nào, hãy luôn luôn trau giồi thiền định của bạn như một ốc đảo bình an.

Thanked by 1 Member:

#13 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 23/10/2011 - 12:34

NĂNG LỰC CHỬA LÀNH TÂM

CHỮA LÀNH SỰ RỐI LOẠN THỂ CHẤT

Đạo Phật tin rằng việc mất hài hòa giữa tâm và thân là gốc rễ của bệnh tật. Chữa bệnh qua thiền định tạo ra sự hài hòa về mặt tình cảm và thân xác, giúp giải thoát những chướng ngại tổn hại tiềm tàng và đem lại sức sống xuống tận cấp độ tế bào.

Theo y học cổ truyền Tây Tạng, thân thể là sự kết hợp của những nguyên tố: đất, nước, gió, lửa, cũng như sức nóng và lạnh. Khoa học hiện đại đã cho chúng ta một hình ảnh của thân thể tuyệt diệu và phức tạp, nhưng ngay cả cho tới ngày nay bản đồ truyền thống truyền xuống cho ta từ những kinh điển Phật giáo xa xưa vẫn làm việc như một sự trợ giúp trong việc khai thác tiềm lực bên trong chúng ta.

Chúng ta sẽ đi sâu hơn vào sự nghiên cứu truyền thống y học phương Đông để hiểu tất cả những sự soi chiếu phong phú vào cảm xúc, thân và tâm thức. Tuy nhiên, với mục đích của chúng ta, trọng tâm của vấn đề là thái độ của chúng ta. Mặc dù nó có thể giúp xác định sự đau ốm là thuộc nóng hay lạnh, những người phương Tây thường có ít kinh nghiệm trong sự tiếp cận này.

Bất cứ giải pháp thiền định thật sự nào làm chúng ta cảm thấy dễ chịu và tốt đẹp cũng có thể giúp đỡ ta cả hai khía cạnh tình cảm và thân xác. Bài tập về sự đánh thức năng lực chữa bệnh trong tế bào của chúng ta được mô tả trong chương 7, có thể đặc biệt thích hợp với những khó khăn của thân thể. Chúng ta có thể sử dụng bất cứ bài tập nào để khai thông những năng lượng bị bế tắc. Hoặc vào bất cứ lúc nào, chúng ta có thể đem lại sự tươi mới và thoải mái đơn giản bằng sự thiền quán về nguồn sức mạnh của mình.

Nếu bạn cảm thấy một vấn đề cảm xúc đặc biệt có thể là gốc rễ của những triệu chứng thân thể, bạn có thể thiền định để thoát khỏi nó. Nhưng không cần phải tập trung hay xác định rõ trên một chướng ngại tinh thần riêng biệt cần được chữa lành. Ý định đơn giản buông bỏ những bế tắc cảm xúc tự nó đã là sự lợi ích.

Một sự thiền định thoải mái và rộng mở nhằm vào một vấn đề đặc biệt rõ có thể giải quyết những vấn đề khác và nâng cao tâm linh. Thiền định có thể là tác nhân chữa lành thân xác đầy năng lực. Ngay cả khi chúng ta không thể trục xuất một sự ốm đau thân thể, thiền định có thể giúp tâm trí ta tự do, đó là sự chữa lành quan trọng nhất trong tất cả.

Thanked by 1 Member:

#14 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 23/10/2011 - 12:37

NĂNG LỰC CHỬA LÀNH TÂM

ÁNH SÁNG CHỮA LÀNH NHỮNG BỆNH TẬT THÂN THỂ

Trong Phật giáo Tây Tạng, những quán tưởng ánh sáng là phương tiện phổ thông nhất của việc chữa lành cả bế tắc xúc cảm và bệnh tật thân thể.

Trước khi bắt đầu bất cứ sự quán tưởng nào, hãy tự tạo một không khí tinh thần thư giãn, dù cho sự khỏi hẳn những bế tắc tinh thần hay những đau ốm thân thể như một cái bướu hay bế tắc động mạch. Hãy thở một hơi thở sâu hay theo dõi hơi thở bình lặng trong một lúc.

Nếu sự bế tắc là lạnh hay bạn cảm thấy lạnh, chỉ sau một lúc bạn cảm thấy lạnh lẽo như băng, tê cứng hay ớn lạnh. Bấy giờ hãy tưởng tượng nguồn sức mạnh ở trước bạn và ở trên một chút. Hãy để cho cảm giác tin tưởng thoải mái và mở rộng ra trong sức mạnh chữa lành của tâm bạn được khơi dậy. Bây giờ khơi dậy ánh sáng giống ngọn lửa từ nguồn sức mạnh của bạn. Nếu nguồn sức mạnh của bạn là sự quán tưởng về vị bổn tôn, thì ánh sáng cháy bừng tuôn chảy từ đôi mắt, bàn tay hay thân thể của vị đó.

Ánh sáng hồng ấm áp thấm nhuần chỗ bế tắc. Nếu đó là bế tắc lạnh trong đầu bạn, hãy cảm nhận sự ấm áp và thoải mái khi ánh sáng tiếp xúc vào đó. Hãy tưởng tượng bế tắc như băng giá từ từ tan chảy, hòa tan hoàn toàn vào nước. Dòng nước chầm chậm chảy xuống thân thể, qua cổ họng, ngực, bụng và chân, xuất ra ngoài ở hai lòng bàn chân, móng chân, những cửa bên dưới, hoàn toàn biến mất vào trong lòng đất.

Bạn cũng có thể làm việc với những bế tắc nóng hay lạnh như sau đây. Nếu bệnh tật của bạn liên hệ với sức nóng, hãy quán tưởng ánh sáng trắng mát mẻ đến từ nguồn năng lực của bạn và bao quanh phần trên cơ thể. Nó thu hút tất cả bệnh tật, giống như nam châm hút sắt, thoát ra khỏi đỉnh đầu bạn và hòa tan vào bầu trời. Nếu bệnh tật làm bạn thấy lạnh, hãy quán tưởng ánh sáng đỏ, ấm từ nguồn năng lực của bạn bao quanh vùng bụng và phần dưới cơ thể bạn. Nó thu hút bệnh tật và thoát ra khỏi bạn từ chân và hòa tan vào trong lòng đất.

Nếu sự đau đớn hay tắc nghẽn bạn cảm thấy bén nhọn như mảnh đá, móng tay, dao hay kim châm, thoạt tiên hãy quán tưởng chúng dưới dạng như vậy. Sau đó quán tưởng rằng chỉ cần tiếp xúc với ánh sáng từ nguồn năng lực, sự đau đớn giống như móng tay tạo ra lập tức được rút ra khỏi cơ thể, giống như việc nhanh chóng nhổ một cái gai hay mảnh vụn. Hãy tin tưởng rằng nó hoàn toàn được rút ra và biến mất không để lại dấu vết đau đớn nào. Hãy nghỉ ngơi trong cảm giác an bình, thoải mái và năng lực của sức khỏe tốt.

Nếu bạn có một cái bướu, sau khi tập trung thời gian ngắn vào vị trí của nó và hình dạng gần giống như nó, bạn có thể quán tưởng ánh sáng giống như tia laser rất sáng, sắc bén đến từ nguồn năng lực của bạn. Chỉ cần ánh sáng tiếp xúc sẽ cắt sự tăng trưởng của bướu thành những mảnh vụn để chúng phân rã thành những nguyên tử hợp thành. Những nguyên tử này bị đẩy ra khỏi thân bạn và hòa tan vào lòng đất, hoặc tống ra ngoài theo nước tiểu hay phân.

Nếu động mạch của bạn bị tắc nghẽn vì kết tụ, trước hết hãy cảm nhận chúng và chỗ khu trú của chúng. Sau đó sử dụng sức mạnh ánh sáng chữa bệnh từ nguồn sức mạnh để làm loãng ra, tan chảy, thanh lọc và làm sạch mọi tích chứa gây tổn hại. Hãy cảm nhận lặp đi lặp lại rằng những động mạch đã được mở rộng và khai thông sạch sẽ, dòng máu và sinh lực trôi chảy không có một dấu vết tắc nghẽn.

Thế nên, tùy theo nhu cầu, chúng ta có thể quán tưởng ánh sáng chữa bệnh theo nhiều dạng, như ánh sáng nóng, ấm áp, ánh sáng sắc bén hay ánh sáng mát mẻ. Một số người hình dung những tia sáng giống như cái chổi quét sạch bệnh tật, hay những tia sáng giống như nước rửa sạch những sự không trong sạch của cơ thể.

Hãy dùng phương pháp nào cảm thấy tốt nhất với bạn. Ví dụ, nếu những dây thần kinh hay cơ bắp của bạn bị áp lực hay bóp chặt, hãy làm những bài tập thân thể thông thường thích hợp hay điều trị với cảm nhận rằng ánh sáng ban cho sự ấm áp là ích lợi trong việc mở rộng các đầu nối, giải phóng những áp lực, và chữa lành bất cứ những mô nào bị thương tổn.

#15 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 23/10/2011 - 12:43

NĂNG LỰC CHỬA LÀNH TÂM

NƯỚC CHỮA LÀNH NHỮNG BỆNH TẬT THÂN THỂ

Giống như ánh sáng, nước thường được khuyên dùng như một hình ảnh trong thiền định để đánh thức năng lực chữa lành và tịnh hóa bên trong.

Hãy quán tưởng nước như là một dòng nước thuốc như cam lồ. Từ nguồn sức mạnh của bạn nó chảy xuống qua đầu và tuôn trào xuống toàn thân bạn, xoa dịu và tẩy sạch từng phần, và trong việc đặc biệt phục hồi dòng chảy và sự hài hòa giữa những tế bào bị ảnh hưởng bởi bệnh tật. Hãy cảm nhận và tin tưởng rằng nó tẩy sạch hết những dơ bẩn và giải tan những chất độc. Cơ thể bạn trở nên sạch như một cái chai sạch sẽ và trong suốt.

Lặp lại việc thực tập này nhiều lần; sau đó thấy dòng nước tràn ngập cơ thể. Bạn có thể tưởng tượng nó tràn đầy ngay cả trong các mô và tế bào hồng cầu, đem đến sự tinh khiết và khỏe mạnh. Cuối cùng thư giãn trong những cảm nhận của mình.

Bạn có thể quán tưởng dòng nước thuốc nóng, pha loãng chảy xuống vùng những bế tắc tinh thần hay thân thể như bướu, giống như nước nóng đổ trên băng tuyết. Hoặc nếu bế tắc có cảm giác nóng bỏng hay nhức nhối, quán tưởng một dòng nước cam lồ mát mẻ chầm chậm dập tắt ngọn lửa. Hãy cảm nhận sự mát mẻ của dòng nước khi chảy qua bạn. Cuối cùng, lửa tắt và dòng nước chảy từ từ qua cơ thể, rửa sạch đống tro của bệnh tật, và qua những ngõ ở dưới, lòng bàn chân và ngón chân, tất cả bế tắc bị cuốn trôi vào trong lòng đất. Hãy cảm nhận sự an bình và mát lạnh.






Similar Topics Collapse

  Chủ Đề Name Viết bởi Thống kê Bài Cuối

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |