Jump to content

Advertisements




TRUYỆN CỔ PHẬT GIÁO - Quyển 1


68 replies to this topic

#46 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/06/2012 - 10:52

44. Mãnh Lực Lời Nguyền

Một hôm, sau khi khất thực, thọ trai xong trở về Kỳ Viên tịnh xá, đức Thế Tôn được báo cáo có một vị tân Tỳ kheo (Tỳ kheo mới thọ giới) lâu nay bỗng đâm ra thẩn thờ, biếng nhác, không chịu đi khất thực, không tọa thiền, không ăn uống. Phật đi đến am thất của vị Tỳ kheo ấy, thì thấy Ðại đức râu tóc mọc dài, mặt mày tiều tụy hốc hác, Phật biết ngay đó là tình trạng của một người đã bị con hỗ cái hớp hồn. Ðấng từ bi khẻ ngồi xuống cạnh giường người bệnh, ôn tồn thăm hỏi. Vị đệ tử sa nước mắt thú thật với Ngài:

- Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cứu vớt con, thật sự là con đã bị nữ sắc lôi cuốn. Con cố chống cự mà dường như vô hiệu, hình ảnh nàng mãi ám ảnh tâm tư con, làm cho con đau khổ. Con thật không xứng đáng là Tỳ kheo. Con muốn chết.

Ðức Phật mỉm cười an ủi:

- Con hãy tình tỉnh lại, mê gái là chuyện thường. Ðiều cốt yếu là con phải sáng suốt vượt qua, không có gì là trầm trọng cả.

- Bạch Ðức Thế Tôn, làm sao con vượt qua được, khi mà hình ảnh mỹ miều khả ái của nàng cứ ám ảnh con hoài?

- Ðó là con mới nhìn qua một lần, mà không nhiếp tâm quán sát. Con chỉ thấy một cái đẹp mà chưa thấy những cái xấu, và nguy hiểm của đàn bà. Nếu con thấy được toàn diện như thế, thì con sẽ thoát ra sự đam mê. Ðối với sắc, cần phải quán ba điều: vị ngọt, nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.

Rồi Ðức Thế Tôn kể cho vị Tỳ kheo một ký ức tiền thân, Ngài cũng đã từng bị nữ sắc mê hoặc, nhưng nhờ sáng suốt mà Ngài đã vượt qua. Thuở ấy, Ngài làm một vị vua trẻ đẹp, tài đức vẹn toàn. Vì ham việc nước, vua chưa nghĩ đến việc tuyển hoàng hậu. Giúp vua trị nước có quan Tể tướng, phong tư tài mạo tuyệt vời cũng chưa có vợ. Tình vua tôi tuy lễ độ mà rất tương đắc.

Bấy giờ trong lãnh thổ cai trị của vua có một nhà tỷ phú có cô con gái sắc nước hương trời, xa gần đều biết tiếng. Cô có một sắc đẹp mê hồn, làm cho thanh niên nào thấy cô ta là tá hỏa tam tinh, hồn siêu phách lạc, té ngửa người ra bất tỉnh nhân sự. Cũng may cho những thanh niên, cha cô ấy quý cô như lá ngọc cành vàng, và theo phong tục Ấn Ðộ thời đó, đàn bà con gái ra đường phải che mặt lại bằng tấm voan mỏng (chỉ chừa hai con mắt để dòm ra cho thấy đường khỏi vấp té) cho nên ít người đàn ông nào có dịp thấy cô mà phải tán đởm kinh hồn.

Vì sao cô gái ấy lại có một số phận kỳ quái như vậy? Ðó là do mãnh lực của một lời nguyền của nàng từ kiếp trước.

Tiền thân nàng là một cô gánh nước mướn nghèo khó. Một hôm đi gánh nước, cô gặp một bà mặc chiếc Sari (kiểu áo của phụ nữ Ấn, chỉ là một tấm vải rộng quấn quanh mình, phù cả đầu, chừa cái mặt) bằng katê vàng rất đẹp, cô ao ước đ ược có một chiếc Sari như vậy, và hỏi:

- Bà đã mua nó bao nhiêu tiền?

Bà ta cho biết một giá tiền kinh khủng, nhẩm tính ra cô phải gánh nước thuê những mười năm mới đủ tiền sắm nó. Nhưng vì quá yêu thích chiếc áo đẹp, cô nhất định phải có nó. Bà kia thấy cô khao khát như vậy, bèn đề nghị cô đến làm nô tỳ ba năm bà sẽ cho một cái áo giống hệt bà đang mặc. Cô gái đồng ý ngay.

Mãn hạn nô tỳ ba năm, cô được xấp hàng mới đem về, trở lại với cuộc sống tự do gánh nước mướn. Khi cầm xấp hàng đi giữa đường, cô gặp một vị Tỳ kheo người quấn toàn lá chuối khô để che thân, ngạc nhiên cô hỏi, thì biết được vị ấy đi đường bị kẻ cướp đoạt hết y phục nên bây giờ phải quấn tạm lá chuối khô như vậy. Ðộng lòng trắc ẩn, cô dâng cả xấp hàng cho vị Tỳ kheo. Vị Tỳ kheo đi vào bụi rậm trút bỏ lá chuối khô, khoác lên mình chiếc y vàng ấy.

Khi Ðại đức từ trong bụi bước ra, người con gái bàng hoàng sửng sốt trước vẻ đẹp sáng chói của Ngài, tưởng như Phật vừa giáng thế. Nàng quỳ xuống phát nguyện:

- Mong rằng nhờ phước đức dâng y này, kiếp sau con sẽ được một sắc đẹp siêu phàm, làm cho nam nhi thấy con thì phải mê mẩn, rụng rời tay chân (như là con thấy Ngài vậy.

- Con sẽ được toại nguyện.

Vị Ðại đức chúc lành cho cô rồi bỏ đi. Lời nguyện quái ác của của gái được thành tựu. Nhờ công đức bố thí đó, kiếp hiện tại cô được sanh vào nhà giàu có, nhưng cũng do lời nguyền, cô được cái sắc đẹp làm mê mẩn hồn người như một bà phù thủy. Bấy giờ trong triều, quan Tể tướng và đình thần bàn nhau:

- Ðấng minh quân của chúng ta đã đến lúc nên tuyển ngôi chánh cung để sanh con nối dõi. Không biết cặp mắt xanh của Ngài đã để ai lọt vào chưa?

Quan Tể tướng nói:

- Tôi thường gần vua, thấy Ngài chỉ lo việc dân việc nước, không màng tới việc ấy.

- Vậy thì quan Tể tướng nên khuyên vua để chúng ta tuyển chọn một số mỹ nhân trong nước, xem Ngài vừa ý ai thì xin Ngài đặt lên ngôi chánh cung đi. Tục ngữ có câu: Trai không vợ như ghế ba chân.

Quan Tể tướng bằng lòng. Gặp lúc cùng vua nhàn tản, ông mở lời:

- Tâu bệ hạ, bọn hạ thần có trộm bàn chuyện bệ hạ nên sớm yên bề gia thất.

Vua mỉm cười:

- Bộ các khanh đã có mỹ nhân vừa ý, toan kén chọn cho ta ư?

Quan Tể tướng tâu:

- Dạ, tâu bệ hạ, bọn hạ thần nghe tục ngữ nói: Trai không vợ như ghế ba chân, nên bàn nhau xin bệ hạ cho đi tuyển về một số mỹ nhân để mắt rồng chọn lựa.

Vua cười xòa:

- Các khanh muốn vậy cũng được. Nhưng nếu không kén chọn được người ngọc như ý thì ta thà ở góa thôi.

- Xin bệ hạ yên lòng, chúng thần sẽ ra sức tìm kiếm. Nghe đồn có một tỷ phú ở phương bắc có cô gái nước sắc hương trời.

- Sao khanh không chọn nàng cho khanh đi? Khanh cũng đồng tuổi như ta, mà sao mắt xanh chưa để ai vào cả.

- Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần muốn lo việc bệ hạ trước, kẻ hạ thần tính sau cũng không hại gì.

Ðược lịnh vua, triều đình mở cuộc sơ tuyển mỹ nhân khắp nước. Tụ họp lại thì quá đông, họ bèn yết bảng khắp nơi và cho người đi rao bằng ống loa rằng, nhà ai có gái đẹp hãy nộp hồ sơ bằng một tấm hình, các chi tiết về người đẹp như bề cao, cân nặng, vòng ngực, vòng eo, lưng ong, lưng tôm hay lưng ếch, giọng kim hay vọng thổ, đi chân chữ bát hay chữ nhất… Chỉ trong vòng hai tuần lễ, hồ sơ mỹ nữ gởi đến triều đình tới tấp như bươm bướm. Xem trong mấy ngàn tấm hình họa mỹ nhân, nhà vua không vừa ý người nào cả. Quan Tể tướng cũng đồng ý với vua là không có người nào xứng đáng trong số đó. Ông bỗng sực nhớ ra, trong số mấy ngàn hồ sơ không hề thấy hồ sơ của cô con gái nhà tỷ phú nọ. Ông bàn với vua:

- Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần xin cử một phái đoàn của triều đình gồm những quan giỏi tướng số đi đến nhà tỷ phú ấy, xem tướng cô gái ấy đẹp như thế nào, nếu quả xứng đáng vừa ý nhà vua thì xin tuyển làm chánh cung.

Nhà vua chấp thuận đề nghị ấy. Quan Tể tướng bèn chọn mười viên quan giỏi về nhân tướng và lý số đi đến nhà tỷ phú xem mặt cô gái. Người thì có biệt tài xem tướng mặt, người xem tướng lưng, người xem tướng gò má, người xem tướng đi tướng đứng tướng ngồi, tướng giọng nói mắt nhìn…sao cho tất cả con người của cô biểu lộ cung cách của một vị hoàng hậu xứng đáng với đức vua đẹp trai phong nhã tài tình của họ.

Sắp đặt xong xuôi, triều đình báo tin cho ông tỷ phú sẽ có phái đoàn về xem tướng con gái ông để tuyển làm hoàng hậu. Cô gái rất kiêu hảnh về sắc đẹp của mình nên không thèm nộp hồ sơ, cô biết cuối cùng ngôi chánh cung sẽ về tay cô, bởi vậy cô không thèm bận tâm về việc đó. Khi nghe cả đoàn mười vị quan triều đình đến nhà để xem tướng cô, cô cảm thấy tự ái nổi lên dữ dội, định bụng sẽ cho các quan này một phen sĩ nhục ê chề. Cô trang điểm lộng lẫy, chờ khi các quan vào phòng khách, cô từ nhà trong xuất hiện, đưa cặp mắt sắc như dao phay liếc qua liếc qua liếc lại một lượt các ông quan.

Bỗng các quan đều đứng ngẩn người ra như phổng đá nhìn trừng trừng vào sắc đẹp ghê hồn của cô. Cô cất gìọng oanh vàng thỏ thẻ:

- Xin mời các quan ngồi. Dám hỏi các quan đến có điều chi dạy bảo?

Các quan cũng không nhúc nhích. Cô gái bỗng đổi giọng đanh thép giận dữ nói:

- Nghe đồn triều đình hôm nay phái người về xem tướng ta. Tưởng là người, hóa ra là một lũ ngợm thế kia à?

Rồi quát gia nhân túm từng người ném ra sân. Cô gái thi hành xong việc trả đũa đủng đỉnh đi vào nhà đóng cửa lại. Khi các quan không còn trông thấy bóng dáng cô gái thì ma lực của sắc đẹp nàng cũng tan biến, họ lồm cồm ngồi dậy đứng lên phủi áo ra về, rất tức giận cô gái và quyết trả đũa. Khi trở về họ tâu vua:

- Tâu bệ hạ, cô gái ấy là một mụ phù thủy có bùa ngải, bệ hạ không nên rước cái của nợ ấy về nguy lắm!

Nhà vua dễ dãi cười xòa:

- Vậy thì hãy thôi. Tự các khanh bày đặt, chứ ta đâu biết gì đến chuyện ấy.

Về phần nhà tỷ phú, khi chờ mãi không thấy nhà vua để cập đến tuyển con gái mình làm hoàng hậu, ông bàn với con:

- Ta sẽ gả con cho quan Tể tướng, con chịu không?

Cô gái làm bộ e lệ đáp:

- Tùy ý cha.

Thâm tâm cô cũng nghĩ đó cũng là thượng sách để trả thù ông vua kêu căng không thèm để ý tới cô. Tể tướng chỉ dưới vua một bực, không được làm hoàng hậu, nhưng được làm mệnh phụ phu nhân thì cũng tốt số lắm rồi. Ông tỷ phú cho người môi giới đến nói với quan Tể tướng, ông muốn gả con gái cho người. Quan Tể tướng thấy việc nhà vua lơ là với việc vợ con, nên không dám gượng ép Ngài nữa. Lâu nay quan cũng muốn để dành mỹ nhân cho vua, bây giờ sau vụ xem tướng, cái nhân duyên giữa vua và nàng kể như đã lỡ. Quan bèn chấp thuận cưới cô gái vì quan cũng không muốn làm ghế ba chân mãi, lỏng chỏng thế nào!

Thế là đám cưới xảy ra giữa quan Tể tướng và cô con gái nhà tỷ phú. Nhờ tục lệ che mặt, nhà vua tuy có dự đám cưới cũng không thấy mặt nàng nên khỏi bị thơ thẩn thần hồn. Chỉ mình quan Tể tướng sau khi cưới về mới ngơ ngẩn trước sắc đẹp siêu phàm của vợ (chỉ một lúc đầu thôi, sau quen mắt thì không sao). Quan từ đấy cẩn thận khóa cửa mỗi khi vào triều để cho bà vợ có sắc đẹp mê hồn khỏi bị ai thấy, mà phải bấn loạn tinh thần.

Tể tướng phu nhân vẫn ôm lòng thù hận nhà vua, và muốn vua phải thấy mặt mình một phen, cho bị điên đảo cho bỏ ghét. Bà để tâm chờ cơ hội. Hôm ấy gặp ngày mừng quốc khánh. Quan Tể tướng vào triều sớm dặn nàng.

- Hôm nay có xe loan của Hoàng thượng đi ngang đường mình để về cung sau khi xem duyệt binh. Vào giờ xe vua đi ngang em hãy lánh mặt kẻo vua nhìn thấy, không hay cho Ngài.

Phu nhân giả bộ vâng lời:

- Thưa lang quân, vâng ạ!

Nhưng trong lòng mừng khấp khởi vì được dịp báo thù. Ðúng giờ vua đi ngang bà trang sức lộng lẫy, ra đứng ở bao lơn cầm sẳn một rổ hoa bốc từng nắm tung xuống xe hoa của vua đang chầm chậm diễn qua dưới đường trước tiếng tung hô vạn tuế của dân chúng. Những cánh hoa tươi thơm ngào ngạt mưa xuống đầy long bào nhà vua, vua ngẩng lên nhìn thì chao ơi! Ngài bủn rủn cả tay chân, tâm thần tán loạn không còn biết gì nữa… Ðôi mắt mỹ nhân đắm đuối theo dõi nhà vua mãi như một oan hồn. Trở về cung, vua leo lên long sàn nằm dài, không còn thiết gì ngủ nghỉ, ăn uống, hình tướng mỹ miều của Tể tướng phu nhân như dán chặt trước mặt nhà vua. Ðau khổ, vua thở dài thườn thượt.

Quan Tể tướng đã biết rõ sự tình, bèn đi vào bên vua tâm sự:

- Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần xin nhường lại cô vợ cho bệ hạ đó. Xin bệ hạ hãy hồi tỉnh lại để lo việc nước việc dân.

- Khanh tốt bụng quá, làm cho ta thấy hổ thẹn. Không bao giờ ta nỡ đi cướp một báu vật của khanh.

- Tâu bệ hạ, đối với kẻ hạ thần, chỉ có Hoàng thượng là kho báu của cả muôn dân. Ðể bảo vệ mạng sống của Ngài, thì dù có mất mạng của kẻ hạ thần cũng vui lòng, huống hồ chỉ là một người con gái.

Nhà vua vẫn tư lự u sầu không thuận lời đề nghị hiến dâng ấy. Quan Tể tướng bèn đánh một đòn mạnh hơn.

- Thôi thì kẻ hạ thần sẽ viết tờ khai trừ bà vợ, cho nàng về lại nhà cha mẹ. Bệ hạ muốn thì tuyển nàng vào cung, mà không muốn thì thôi kẻ hạ thần cũng nhất quyết ly dị.

Nhà vua giật mình ngồi dậy mở mắt lớn nhìn quan Tể tướng:

- Nàng có tội gì mà khanh nở dứt tình như vậy?

Quan Tể tướng thấy nhà vua trúng kế của mình, bèn làm tới:

- Nàng có tội rất lớn, đã đem sắc đẹp mê hoặc nhà vua, làm cho nhà vua, cột trụ của muôn dân phải tiêu ma chí khí, thân bại danh liệt. Tội ấy đáng tru di.

Nghe mấy lời ấy, nhà vua như bị một gáo nước lạnh dội từ trên đầu dội xuống, làm cho ngài tỉnh hẳn, khỏi ma lực của nữ sắc. Ngài cười xòa đứng dậy:

- Tể tướng, thôi ta đã hiểu. Mọi sự chỉ vì ta mê muội lú lẫn trong chốc lát. Khanh sẽ thấy, cũng đã thấy, là ta không phải là hạng mê gái tới chết đâu. Khanh hãy yên tâm ra về. Bùa lực của nàng đã tan biến nơi ta.

Kể xong chuyện, đức Thế Tôn cho biết nhà vua là tiền thân của Ngài, còn quan Tể tướng chính là A Nan tôn giả ngày nay.

Thích Nữ Trí Hải

“Người ta lấy lửa thử vàng, lấy vàng thử đàn bà và lấy đàn bà thử đàn ông”.



Thanked by 1 Member:

#47 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/06/2012 - 11:21

PHẦN MƯỜI

45. Nụ Cười Em Bé

Xưa có một vị Sa di lớn tuổi, chuyên tu khổ hạnh, chứng quả A La Hán. Người ở mãi trong núi sâu, không giao tiếp với ai, quyết chí tu luyện các phép mầu và điều phục mọi phiền não để cầu quả vị Vô Thượng Chánh Giác.

Một làng nọ, sát chân núi, có một em bé mới lên bảy tuổi, mặt mày sáng sủa, tư chất thông minh trông có vẻ khác thường lắm. Mặt dù tuổi còn nhỏ, nhưng em rất mến chuộng Phật Pháp, vì vậy mà em đã sớm gỡ bàn tay âu yếm của người mẹ hiền tìm thầy học đạo.

Một hôm, trên đường tìm thầy vất vả trên núi sâu, em gặp một vị A La Hán đương ngồi tham thiền trên tảng đá lớn. Em mừng rỡ quá, tâm hồn bừng sáng lên, em liền đảnh lễ vị A La Hán xin làm đệ tử hôm sớm với thầy học đạo. Thấy em tướng mạo đẹp đẽ phương phi, có chí hướng xuất trần, vị A La Hán thâu nhận làm đệ tử và trong tâm tưởng rằng em bé mai sau sẽ nối sự nghiệp mình để duy trì Phật Pháp.

Trải qua một năm trường học tập, tu dưỡng em bé ấy không lúc nào lãng xao mà mỗi lúc mỗi tinh tấn thêm nữa. Vì vậy mà em sớm được thần thông tự tại, mắt thấy thấu suốt các quốc độ nhiều như vi trần, tai nghe hết mọi thứ tiếng khắp nơi, tùy theo ý mình có thể thay đổi hình dáng bay khắp trong không gian vô biên tự tại. Ðồng thời em có thể biết biết hết các cuộc đời quá khứ của mình, rõ thấu nguồn gốc chân giả trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai.

Một hôm em bé ấy ngồi tham thiền, thấy cuộc đời quá khứ của mình nên mỉm cười, trông có vẻ nên thơ lắm.

Thấy em bé cười rất dễ thương, vị A La Hán hỏi:

- Vì sao đương khi tham thiền con lại cười thế?

- Bạch Thầy. Con cười với con, đời trước cũng như đời này làm một người con để lại cho năm người mẹ ngày đêm khóc lóc, buồn rầu, tủi phận tình thương con không một chút nguôi phai. Con là đứa con làm cho năm người mẹ đau khổ, thân thể hao mòn, mất hết hạnh phúc. Bây giờ năm người mẹ ấy vẫn còn và còn nhớ con, khóc vì con quên ăn bỏ ngủ. Thân con như điện chớp, như sương mai, năm bà mẹ con như người nắm hạt châu trong tay, không khổ mà vẫn cứ đi tìm cái khổ. Con ở trong thiền định nhìn lui về quá khứ thấy cuộc đời như thế nên con mỉm cười trước nỗi rắc rối khó tả ấy.

Người mẹ thứ nhất ấy khi sanh con ra, thì bên cạnh nhà con cũng có người sanh ra đồng thời với con. Con ra đời được ít ngày, vì nhân duyên hết nên con đi qua đời sống khác. Mẹ con thấy đứa bé bên cạnh học đi, học nói, học cười liền liên tưởng đến con, buồn rầu và than thở: “Nếu như con tôi còn thì bây giờ cũng đã biết học đi, học nói, học cười rồi. Trời ơi, sao con tôi bỏ tôi đi đâu sớm vậy”. Mẹ con ôm bụng nghẹn ngào không nói nên lời, hai hàng lệ lăn tròn xuống khóe miệng. Mẹ đứa bé bên cạnh tươi vui ngắm nhìn đứa con vừa cười vừa đi chập chững, còn mẹ con đau lòng khóc nức nở.

Khi làm con người mẹ thứ hai, con lại từ giã mẹ con rất sớm. Mẹ con thấy đứa bé ôm vú mẹ bú mớm rồi say ngủ say sưa trong lòng mẹ, bà liền xúc động nhớ đến con rồi khóc: “Con ơi, mẹ nhớ con quá. Sao con không ở lại bú sữa mẹ, chuyện vãn với mẹ, để cho mẹ bồng ru con ngủ. Con sao không nhớ mẹ mang nặng đẻ đau mà con vội lìa mẹ để cho mẹ nhớ con đến nỗi hao mòn tàn tạ”.

Khi làm con người thứ ba, năm mười tuổi, con từ biệt mẹ con, chuyển qua đời sống khác. Thường trong bữa ăn, mẹ con khóc lóc và than rằng: “Tội nghiệp cho đứa con tôi, giờ phút này, không cùng ngồi ăn với mẹ như trước. Nào cơm ngon, nào thức ăn quý, một mình mẹ cô độc như thế này sao mẹ nuốt cho vô, con ơi! Gia tài sự nghiệp lâu nay mẹ dành dụm cho con, sao con không ở lại với mẹ hưởng lấy miếng ngon, con lại ra nằm ngoài gò hoang vắng.” Nói xong mẹ con lăn ra khóc ròng rã.

Khi làm con người mẹ thứ tư, tuổi chưa thành niên, con lại sanh ra trong đời này. Bấy giờ bên cạnh nhà con có một người bạn tuổi đã trưởng thành đang làm lễ rước dâu linh đình nhộn nhịp. Mẹ con thấy thế, ra vào than thở: “Năm nay mà con mình còn thì cũng đã có cháu sum vầy, mình đây cũng hớn hở vui sướng như ai, có đâu đến nỗi cô đơn, tương lai hiu quạnh”. Mẹ con buồn bực, khóc than và oán giận cho kiếp số mong manh bể dâu.

Trong đời này, mẹ con nuôi con được bảy năm, con lại từ biệt quê hương, cắt tình âu yếm của mẹ con, may mắn được gặp thầy học đạo. Hơn một năm tu dưỡng con đã được thần thông tự tại, biết được bao nhiêu con đường gai góc đã qua và nhìn thấy sự cao đẹp huy hoàng suốt đời vị lai không bến hạn. Mẹ con ở nhà nhớ nhung, ngày đêm luôn luôn than vãn: “Con ơi! Con tìm thầy học đạo ở đâu mà mẹ không nghe tin tức chi đến con cả. Con còn bé quá, rủi ro ai biết, đói lạnh ai hay, lỡ có sơ suất điều gì ai đỡ lời chịu tiếng. Ngày đêm nghĩ đến con mẹ trằn trọc xót xa và đau lòng cho mẹ quá. Mẹ van xin con về để sống có mẹ có con đầm ấm, ngày mai khôn lớn, con đủ lông đủ cánh con hãy tìm thầy học đạo mẹ chả ân hận gì. Nhờ ơn trên xui khiến cho con tôi sực nhớ đến mẹ để trở về núp dưới bóng mẹ hiền che chở, tội nghiệp”.

Trải qua mấy lần tử biệt sanh ly, con đã để lại cho năm người mẹ con một mối thương tâm thống thiết. Giá như thời gian và không gian rút ngắn lại trong một lúc một nơi, con sẽ lần lượt trở về với năm người mẹ con. Nhưng con e việc đi lại đối với con vẫn tự tại an nhiên không một chút thêm bớt. Song dù có trở lại, những người mẹ ấy có biết con là ai, rồi chớp nhoáng đời qua càng làm cho người mẹ ấy thêm âu sầu buồn thảm hơn nữa. Năm người mẹ ấy vì tình thương ràng buộc, ngày đêm chỉ cuộc hạn trong vòng nhớ thương chật hẹp, nhưng con vẫn là con, con nào có đắm say lưu luyến trong vòng sanh tử trầm luân. Năm người mẹ ấy, người nào cũng tưởng con sống với cuộc đời ba, bốn, năm năm đâu có biết đời con bao la, sống chan hòa trong muôn nghìn sự vật. Giá như con chỉ sống trong tình lưu luyến ấy, thì đời con còn vất vưởng mãi trong vòng tham ái thế gian, có đâu được vươn lên một cuộc đời cao rộng, an vui và giải thoát.

Bạch Thầy, con xem thấy thế gian phàm phu không nhận chân sự thành hoại, hợp tan, hễ được thì reo mừng, mất thì đâm oán trách, nên cứ mãi tạo ra vô số ác nghiệp rồi suốt đời suốt kiếp bị nghiệp ấy chi phối. Mọi chúng sanh sở dĩ chịu lấy bao nhiêu khổ báo cũng đều bắt nguồn từ tham ái ấy mà gây ra. Nếu mọi người ai cũng gạt ra ngoài tham ái phiền trược, mở mắt vươn lên các đấng Giác Ngộ tối cao để bắt chước làm theo mọi công hạnh tốt đẹp của Người thì cuộc đời biết bao sung sướng.

Thầy là cây đuốc đưa đường cho con làm cho đời con được nhìn xa thấy rộng và giao cảm được với các đấng Như Lai trong mười phương tam thế. Hôm nay con xin tạm biệt cùng Thầy để đem ánh sáng của Thầy gieo rắc mọi chân trời đen tối.

Em bé vì Thầy thưa xong liền bay thẳng lên không bao la, lướt khuất trong bầu trời thanh thanh huyền diệu.

Minh Huấn

“Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Ðau khổ thay! Kiếp sống cứ tái diễn mãi! Hỡi kẻ làm nhà! Nay ta đã gặp được ngươi rồi. Ngươi không được làm nhà nữa! Bao nhiêu rui mè của ngươi đều gãy cả rồi, kèo cột của ngươi đã tan vụn cả rồi. Trí ta đã đạt đến vô thượng Niết bàn, bao nhiêu dục vọng đều dứt sạch cả”.

Kẻ làm nhà: nguyên luân hồi, ái dục

Nhà: thân thể

Rui mè: các thứ dục khác

Kèo cột: vô minh.





Thanked by 1 Member:

#48 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/06/2012 - 11:27

46. Gương Mặt Hoa Mè

Thuở xưa có một vị tiểu thư xinh đẹp, con quan tri huyện. Nhân một chuyến lễ chùa, nhan sắc mặn mà của nàng, làm động tâm một nhà sư trẻ tuổi.

Vừa trông thấy cô gái, trống ngực sư đã nện inh ỏi. Sư kêu gọi Ðức Bồ Tát Quán Thế Âm đến líu cả lưỡi mà hình bóng của giai nhân vẫn lảng vãng quanh Sư. Nghĩ mình đã xuất gia đầu Phật, nhất định cắt đứt đường tơ mà nghiệp chướng tiền khiên quá sâu nặng. Sư đổi pháp môn tu, nhờ một chàng thư sinh có đôi tay tài hoa, vẽ dùm hai bức tượng: Một bức là dung nhan chim sa cá lặn của giai nhân, còn bức kia thì tô thêm một mặt hoa những nốt đậu mùa để Sư tập quán “bất tịnh”.

Chàng thư sinh vui vẻ nhận lời trợ giúp cho nhà Sư đáng thương tha thiết cầu đạo này. Ðể bức họa linh động, chàng tìm cách gặp gỡ giai nhân. Ngờ đâu thần ái tình lại bắn luôn mũi tên còn lại, chàng đâm ra yêu thiếu nữ mê mệt. Và sau khi hoàn thành hai bức tượng, nhờ nhà Sư chúc phúc cho mình, chàng trở về mượn người đánh tiếng xin cầu hôn người đẹp. Sau bao nhiêu lễ lộc rắc rối, chàng thư sinh được giai nhân nhận lời. Hôn lễ được dự định sẽ cử hành vào mùa đông sắp tới. Mọi chuyện tưởng đâu sẽ xuôi chèo mát mái thì…thình lình có dịch đậu mùa bò đến.

Giai nhân vì chưa quá tuổi vị thành niên, nên đã vướng phải bệnh này. Và gương mặt đẹp như ngọc của nàng bỗng trở nên giống hệt bức tranh thứ nhì mà nhà Sư đang quán tưởng. Ðến cuối đông, chàng thư sinh thở dài cưới cô vợ xấu xí vì một lời đã thốt ra thì dù đến bốn ngựa cũng không theo nổi. Nghĩ rằng dung nhan của vợ mình từ đây sẽ không gây rắc rối cho ai nhất là chư Sư, nên sau tuần trăng mật, chàng đưa vợ đến lễ chùa và luôn tiện thăm nhà Sư si tình dạo nọ.

Nhác trông thấy “người xưa” nhà Sư sững người kinh ngạc và sau đó Sư vui mừng khôn tả. Ðêm hôm ấy nhà Sư lúi húi dựng một giàn hỏa và viết một phong thư gởi lại cho Hòa thượng trụ trì báo tin rằng Sư đã đắc đạo nhờ phép quán “bất tịnh”, rằng mối tình si, sự vô minh của Sư đã được giải tỏa… bằng cớ là khi chạm mặt giai nhân, Sư chỉ thấy dung nhan của nàng qua bức tranh mặt rỗ của Sư. Và đó là một bằng chứng hiển nhiên để Sư tin rằng khi bước lên giàn hỏa Sư sẽ vào Niết bàn lập tức. Bức thư được gởi đi trước khi giàn hỏa được nhen lên sau đó, Hòa thượng trụ trì bắt Sư khuân hết số củi dựng giàn hỏa vào nhà trù rồi sắm hành lý cho Sư lên đường tham học…

“Sự tham lam nó làm cho con người chìm đắm mãi trong biển luân hồi. Mà nhứt là cái tham về sắc dục nó đày đọa và vùi lấp con người một cách ghê gớm”.



Thanked by 1 Member:

#49 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/06/2012 - 11:40

47. Người Dốt Giác Ngộ

Tôn giả Châu Lợi Bàn Ðà Già là một đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, người kém trí tuệ nhất. Tôn giả cũng có tên là Bàn Ðặc được sanh trong một gia đình nghèo khó, mộc mạc và sự cách biệt của cha mẹ. Cha Tôn giả là người vất vả, thiếu học, cuộc đời chỉ biết làm tôi tớ, còn mẹ lại là con gái của vị trưởng giả giàu có, học rộng hiểu xa. Hơn nữa bà còn nhanh nhẹn trước những việc khó khăn. Thế mà cuộc hôn nhân của ông bà vẫn được thành tựu tốt đẹp, âu cũng là duyên kiếp.

Cuộc sống êm ả trôi qua, đôi vợ chồng cách biệt này vui sướng khi sắp sửa làm mẹ. Bà chuẩn bị về quê để chờ ngày khai hoa nở nhụy. Trên đường về lòng bà tràn ngập niềm vui, miên man nghĩ đến đứa con xinh xắn sắp chào đời mà quên đi quãng đường xa. Chẳng mấy chốc đã gần đến nơi chợt bà thấy đau nhói, mỗi lúc càng nhiều. Ðến lúc không chịu nổi nữa, bà phải dừng lại bên vệ đường, tìm vào nơi kín đáo, rồi hạ sanh một bé trai trắng trẻo, mập mạp, ấy chính là Bàn Ðặc. Thương thay cho kẻ sơ sinh phải vương mùi khổ lụy từ khi lọt lòng mẹ.

Thuở nhỏ Bàn Ðặc thật dại khờ, vả lại nhà nghèo nên không được đi học, vì vậy mà càng thêm dốt nát. Sau nhờ quả phước báo may mắn được Ðức Phật độ cho xuất gia tu hành. Ðức Phật dạy ông bài kệ chỉ bốn câu, nhưng vì căn tánh ngu độn mà ông học mãi không thông. Bấy giờ Ðức Phật dùng phương tiện thực tế giáo hóa ông, chờ khi Châu Lợi Bàn Ðặc cầm chổi quét nhà, Ðức Phật liền chỉ ngay cây chổi mà dạy rằng:

- Này Bàn Ðặc! Khi nào cầm đến cây chổi quét nhà thì con nhớ đọc hai tiếng: “Chổi Quét”. Nếu lòng con giữ vững được chánh niệm hai tiếng “Chổi Quét” thì con quyết sẽ chứng Thánh đạo, giải thoát sanh tử luân hồi.

Lúc đầu, chỉ bấy nhiêu đó mà Bàn Ðặc cũng không nhớ nổi, hễ nhớ tiếng “Chổi” thì quên tiếng “Quét”, mà nhớ tiếng “Quét” lại quên tiếng “Chổi”. Thật con người của ông không có một chút trí nhớ nào hết, đến đỗi ai gặp ông cũng đều cười chê, đùa cợt.

Một hôm Vương tử Kỳ Vực đến cầu Ðức Phật và hàng đệ tử vào cung vua để thọ sự cúng dường, nhưng không mời Bàn Ðặc tham dự. Lúc Ðức Thế Tôn cùng hàng đệ tử đến cung thì Vương tử Kỳ Vực sẳn sàng bưng thau nước trong dâng lên Ðức Phật để rửa chân (theo phong tục Ấn Ðộ, đó là phép lịch sự của chủ đối với khách), nhưng Ngài chẳng tiếp lấy. Thấy vậy, Vương tử ngạc nhiên thưa hỏi:

- Kính lạy Ðức Thế Tôn! Con kính dâng thau nước trong này để Ngài rửa chân sao Ngài không nhận?

- Này Vương tử! Trong hàng đệ tử của ta đến nhận sự cúng dường có thầy Tỳ kheo Bàn Ðặc ở đó không?

- Kính lạy Ðức Thế Tôn! Thầy Tỳ kheo Bàn Ðặc chỉ có hai tiếng “Chổi Quét” còn không nhớ nổi, so lại không sánh bằng kẻ chăn dê nên con không có mời đến.

- Này Vương tử! Không phải vậy, Phật pháp phải là bình đẳng, không phân giai cấp cao hay thấp, cũng chẳng có kẻ sang người hèn, tất cả đều như nhau. Nếu Vương tử không mời Thầy Tỳ kheo Bàn Ðặc đến đây thì ta không nhận lấy thau nước này.

Biết mình lầm lạc, làm trái ý Ðức Phật, Vương tử vội phái quan đại thần đến thỉnh Tôn giả Bàn Ðặc. Khi tới nơi, Bàn Ðặc vào lãnh thọ sự cúng dường. Ðức Phật bảo Tôn giả A Nan gắp thức ăn để vào bát Bàn Ðặc. Thấy vậy Bàn Ðặc lấy làm mừng rỡ liền đứng dậy một lúc lâu, đúng ra việc này ông phải chờ lệnh của Ðức Phật, bởi vì đem so thì Tôn giả A Nan xuất gia sớm hơn Tôn giả Bàn Ðặc.

Tôn giả Bàn Ðặc ngồi cách xa Ðức Phật nên việc đem bình bát đến bên Ðức Phật khi ăn xong không phải là chuyện dễ, nhưng bình bát của Tôn giả Bàn Ðặc vẫn được đưa đến đây trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ðó là nhờ sức oai thần của Ðức Phật mà đại chúng không được biết. Thấy vậy, Vương tử Kỳ Vực vội chắp tay đến quỳ trước Tôn giả Bàn Ðặc mà thành tâm sám hối.

Thuở trước Tôn giả Bàn Ðặc vốn ngu dốt, có thể là tâm ông không bền vững. Mặc dù bị người đời chê cười, biếm nhã, nhưng ông vẫn không thối chí, nản lòng, mà quyết chuyên đọc hai tiếng “Chổi Quét” suốt sáu năm dài, để rồi ông được thức tỉnh, tâm không còn rối loạn, đi đến Giác Ngộ và chứng Thánh quả. Từ đó về sau tâm trí phát sanh rộng lớn, ông thấu hiểu nhiều đạo lý mầu nhiệm, lãnh hội nhiều pháp ngữ sâu xa của Ðức Phật.

Những người trước kia khinh thường, chê biếm ông sẽ thay ông tiêu tai nạn. Bấy giờ không còn một ai dám cười chê ông nữa mà lại càng kính trọng hơn. Có một lần Tôn giả Bàn Ðặc cùng 499 vị Ðại đệ tử theo Ðức Phật đến cung Long Vương A Nậu Ðạt nhận sự cúng dường. Khi đến bờ ao A Nậu Ðạt, Ðức Phật bảo hàng đệ tử:

- Này các thầyTỳ kheo! Mỗi vị hãy múc lấy nước tám công đức ở trong ao mà uống. Sau đó các vị có thể biết được việc đời trước của mình.

Khi hàng đệ tử thực hành xong, Ðức Phật tiếp:

- Bây giờ các vị hãy thuật lại kiếp đời trước của chính mình nghe ra sao.

Vâng lời Phật dạy, Bàn Ðặc liền tự thuật:

- Kính lạy Ðức Thế Tôn! Thưa toàn thể đại chúng. Ðời trước con là một người nuôi heo. Một hôm con lùa heo đến chợ bán. Ði được nữa đường thì bị một con sông cản lối, vì muốn đem heo đến chợ sớm nên con không thể dừng lại đó. Con giải quyết bằng cách cột chân heo lại và lấy vải buộc mỏ chúng để khỏi la ồn. Xong xuôi, con cầm dây từ từ kéo bầy heo qua sông. Khi con sang được bờ bên kia thì bầy heo bị ngộp thở mà chết cả. Vốn liếng con bị tiêu tan từ đó. Cuộc sống của con trở nên khổ sở, lắm lúc như điên dại, thường đứng ở bờ sông ngơ ngác không tìm ra lẽ sống. May gặp được một vị cao Tăng rộng lòng thương xót, Ngài khuyên con xuất gia tu học. Sau khi bỏ thân ấy con được sanh lên cõi Trời. Lúc hưởng hết phước ở cõi Trời rồi mới trở xuống nhân gian làm người.

Do vì kiếp trước buộc mỏ heo kéo sang sông làm tổn hại rất nhiều sanh mạng nên kiếp này con mắc quả báo ngu dốt. May nhờ kiếp trước có nhân duyên xuất gia nên đời này con được gặp Phật độ, chứng quả vị A La Hán.

Minh Tâm

“Người tâm không an định, không hiểu biết chánh pháp, không tín tâm kiên cố, thì không thể thành tựu được trí tuệ cao siêu”.





Thanked by 1 Member:

#50 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/06/2012 - 11:47

48. Một Chút Lửa Địa Ngục

Thuở xưa, khi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, lúc nào Ngài cũng đem giáo pháp nhiệm mầu ban bố cho chúng san,h từ hàng vua chúa quan quyền cho đến lê thứ đều thấm nhuần Pháp Bảo. Do đó, khi bóng Ngài xuất hiện nơi đâu là đem cảnh thái bình an lạc đến đấy.

Ngài thường ngự nơi Kỳ Viên tịnh xá, một tòng lâm vĩ đại của Trưởng giả Cấp Cô Ðộc, vùng vườn cây cổ thụ xanh tươi của Thái tử Kỳ Ðà. Chung quanh Ngài lúc nào cũng có đại chúng Tỳ kheo Tăng và các vị Ðại đệ tử uy danh lừng lẫy. Nổi bật nhất là Ðại Mục Kiền Liên thần thông biến hóa vô cùng, có thể di sơn đảo hải hoặc ngự lên cung trời, bay xuống địa ngục dễ dàng như trở bàn tay.

Một hôm Ðại đức Mục Kiền Liên, muốn vào cõi địa ngục để xem chúng sanh thọ hình khổ sở đến mức nào. Sau khi đảnh lễ từ giã đấng Thiên Nhơn Sư (Phật) xong. Ngài liền dùng thần thông bay thẳng vào cõi địa ngục. Ngài chứng kiến những cảnh tội nhân rên siết rất đau đớn khổ sở từ địa ngục nhỏ cho đến địa ngục lớn như A tỳ.

Khi Ðại đức ngự đến đâu, do oai lực của Ngài, các tội nhân được giảm tội và dừng hình phạt trong giờ phút ấy. Những đống lửa vĩ đại đang cháy ngùn ngụt bỗng dưng khô cạn. Một hoa sen lớn bằng bánh xe hiện ra Ðại đức Mục Kiền Liên đến an tọa trên đóa sen tươi ấy. Các tội nhân vô cùng mừng rỡ khi nhận thấy hình ảnh uy nghi của Ðại đức Mục Kiền Liên, tất cả chạy đến vây quanh Ngài quỳ xuống thành kính đảnh lễ. Một tội nhân bạch hỏi:

- Bạch Ngài, Ngài từ đâu đến đây?

Ðại đức Mục Kiền Liên đáp:

- Bần tăng từ thế giới loài người đến đây.

Các tội nhân khi nghe Ðại đức đáp như thế, lấy làm mừng rỡ, mỗi người kể trường hợp khổ đau của mình, xin Ðại đức hoan hỷ báo cho thân bằng quyến thuộc của họ được biết họ đang ở trong địa ngục, khổ sở lắm, rất thương nhớ quyến thuộc. Xin thân bằng quyến thuộc hãy vui lòng bố thí, làm phước, trai Tăng cúng dường đến chư Tăng rồi hồi hướng phước báu đến họ.

Ðại đức Mục Kiền Liên hoan hỷ nhận lời, hứa sẽ nhắn lại cho các thân nhân từng trường hợp một. Sau đó Ngài dùng thần thông thử lấy một chút lửa địa ngục bằng hạt cải gói trong chéo y của Ngài rồi Ngài trở về thế gian.

Khi trở về cõi ta bà, Ðại đức Mục Kiền Liên thông báo ngay cho thân bằng quyến thuộc của các tội nhân. Hay tin dữ, các thân bằng quyến thuộc than khóc vô cùng thảm thiết. Khi sự đau buồn lắng dịu một phần nào, họ liền tổ chức một buổi lễ trai Tăng rất long trọng để hồi hướng phước báu cho những thân nhân đã quá vãng, dưới sự chứng minh tối thượng của Ðức Phật và Ðại đức Mục Kiền Liên cùng với chư Tăng.

Do nhờ oai lực chú nguyện của Ðức Phật và chư Tăng, những tội nhân được thọ lãnh phần phước báu, được thoát khổ cùng được thọ sanh nơi tiên cảnh. Sau đó Ðại đức Mục Kiền Liên, dùng thần thông bay lên cõi Trời, với ý định quán sát sự an vui và hỷ lạc của chư Thiên ở cõi Trời.

Ngài ung dung thưởng ngoạn cảnh vui tươi của cung trời Ðao Lợi. Lúc ấy chư Thiên trong sáu cõi Trời đang sống vui hạnh phúc. Bỗng dưng họ cảm thấy nóng bức khóc chịu phi thường, cất tiếng hết vang rần vì bị sức nóng của lửa địa ngục toát ra do Ðại đức Mục Kiền Liên mang theo trong chéo y của Ngài. Ðức Thiên Vương thấu hiểu nguyên nhân khiến cho chư thiên nóng bức, khó chịu đến như thế liền đến ra dấu cho Ðại đức Mục Kiền Liên hiểu tình trạng đã xảy ra.

Ðại đức Mục Kiền Liên thầm nhủ rằng: “Chư Thiên lại nóng bức khó chịu, náo loạn thiên cung thế này chỉ do một chút xíu lửa từ địa ngục ta mang đến đây. Bây giờ phải ném lửa nầy vào đâu? Nếu ta ném xuống mặt đất thì mọi vật trên thế gian sẽ bị thiêu hủy hết. Nếu ta ném xuống biển cả thì biển sẽ cạn nước, còn nếu ném vào không gian sẽ bị hạn hán không mưa 12 năm. Như thế thì hãy mau mau trả lửa nầy lại xuống địa ngục.

Ðại đức Mục Kiền Liên lại bay xuống địa ngục một lần nữa, để đem chút lửa nguy hại ấy trả về địa ngục như cũ. Xong rồi Ðại đức Mục Kiền Liên bay trở lại trần gian, về Kỳ Viên tịnh xá đảnh lễ Ðức Thế Tôn và tường trình lại cho Ðức Phật rõ về chuyện chuyến du hành vào địa ngục và cõi Trời của Ngài. Nhân cơ hội ấy, Ðức Phật liền dùng đề tài trên để ban bố một thời pháp cho đại chúng nghe, có câu kệ ngôn như sau:

- Hai trạng thái là: Một là Thiện pháp hai là Ác pháp, vì hai pháp này kết quả không giống nhau. Ác pháp đưa chúng sanh vào cảnh khổ, Thiện pháp đưa chúng sanh đến cảnh an vui…”

Khi thời pháp vừa chấm dứt, các hàng Phật tử trong pháp hội ấy đều được đắc quả, vào khoảng ba vạn bốn ngàn người trong cùng một lúc.

Kim Quang

“Ác nào bằng ác sân si

Lửa nào bằng lửa dục tham lan tràn

Khổ nào bằng khổ trần gian

Vui nào sánh kịp Niết bàn thanh cao”.



Thanked by 1 Member:

#51 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/06/2012 - 11:56

49. Ðoạn Đường Phải Đến

Lúc Phật ngụ tại Xá vệ, có một thương gia chở hàng hóa từ thành Ba La Nại đến bán. Vừa đến thành phố, trời đã quá nhá nhem tối, ông thương gia phải dừng xe cạnh một dòng sông, nghĩ bụng: “Ngày mai ta sẽ qua sông”.

Ðêm hôm ấy, một cơn dông thổi qua thành phố mưa như trút. Suốt bảy ngày đêm vẫn không ngớt, nước sông dâng cao, đường sá lầy lội, dân chúng đều tìm chỗ trú mưa nên khách thương không có dịp bán hàng. Ông tự nghĩ: “Ta đã đi một đoạn đường khá dài, nếu phải đổi lộ trình chắc là không kịp nữa. Thôi! Ta đành ở đây hết mùa mưa, mùa đông và mùa hạ để bán buôn vậy".

Lúc đó Ðức Thế Tôn đi khất thực trên đường phố, ngang qua đoàn xe buôn, Ngài mỉm cười. Tôn giả A Nan hỏi lý do, Ngài đáp:

- A Nan, ông có thấy vị thương gia kia không?

- Bạch Thế Tôn, con có thấy.

- Ðời sống của ông sắp hết, vậy mà ông ta còn dự định ngụ tại đây hết mùa này sang mùa khác để bán hàng.

- Bạch Thế Tôn, ông ấy sắp chết sao?

- Này A Nan, chỉ bảy ngày nữa, ông ta sẽ rơi vào bụng cá.

Và Ngài nói kệ:

- Hãy tinh cần nỗ lực

Làm những gì cần làm trong hôm nay

Ai biết được ngày mai sẽ chết

Chúng ta đều bất lực trước tử thần

Hạnh phúc thay cho kẻ nào sống

Từng ngày và đêm không lo lắng

Dù chỉ là một đêm

Ðó là người khôn ngoan thanh tịnh.

- Bạch Thế Tôn, như vậy con sẽ báo tin cho ông ta biết.

- Ðược, ông cứ đi.

Tôn giả đến trại vị thương gia khất thực. Ông cung kính cúng dường thức ăn cho Ngài. Tôn giả hỏi:

- Ông định ở đâu bao lâu?

- Bạch tôn giả, con từ phương xa đến, nếu trở về thì quá tốn kém nên con dự định ở lại đây suốt năm, bao giờ bán hàng xong mới đi.

- Này cư sĩ, ông nên biết rằng đời người thật ngắn ngủi, không biết sẽ chết vào lúc nào.

- Sao? Bộ con sắp chết?

- Phải đó, cư sĩ. Ông chỉ còn bảy ngày nữa thôi.

Quá xúc động, vị thương gia mời Phật đến cúng dường suốt bảy ngày liên tiếp. Ðến ngày cuối, ông xin Phật hồi hướng phước báo cho ông. Phật dạy:

- Này cư sĩ, người khôn ngoan không bao giờ nghĩ rằng ta sẽ ở đây suốt mùa mưa, qua đông sang hạ. Ta sẽ làm việc này việc nọ. Hãy nghĩ đến cái chết của mình.

Ngài nói kệ:

- Ở đây ta an trú suốt

Mùa mưa, mùa đông, mùa hạ

Người ngu tưởng thế

Không biết rằng mình sẽ chết”. (Pháp Cú 236)

Nghe xong vị thương gia chứng quả Dự Lưu, chúng hội cũng được lợi ích. Thương gia tiễn Phật đi một quãng đường mới trở lại. Ông cảm thấy nhức đầu và đi nằm. Chẳng bao lâu ông chết, thác sinh lên cõi trời Ðâu Suất.

Thích Nữ Như Thủy Như Ðức

“Ðời sống bị tổn giảm theo từng giây phút, trong từng niệm, không được tăng trưởng, cũng như dòng nước dốc không thể đứng một chỗ, cũng như hạt sương mai thế không đọng lâu, cũng như người mù dẫn đến pháp trường, mỗi bước là gần cõi chết”.





Thanked by 1 Member:

#52 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/06/2012 - 12:05

PHẦN MƯỜI MỘT

50. Pothila Ông Sư Rỗng

Vào thời Phật tại thế có vị trưởng lão tên Pothila. Vị sư này lão thông Tam tạng và vẫn thường tuyên đọc giáo lý cho một nhóm 500 vị Tỳ kheo nghe. Chỉ hiềm có một điều là sư chưa chứng được quả Thánh nào cả. Ðể giúp sư, Ðức Thế Tôn thường gọi sư là “Pothila rỗng” mỗi khi tiện dịp. Chẳng hạn như mỗi lần sư đến bên Ðức Phật. Ngài bảo:

- Hãy đến đây Pothila rỗng!

- Ngồi xuống đi Pothila rỗng!

- Hãy đi đi Pothila rỗng...

Và khi trưởng lão Pothila đã rời khỏi ghế, đi ra, Ngài nói:

- Pothila rỗng đã đi.

Trưởng lão Pothila thầm nghĩ: “Ta đọc tụng thông thuộc cả Tam tạng và chú giải cũng rành mạch không kém, ta là thầy giáo thọ cho 500 Tỳ kheo và 18 hội chúng, vậy mà Ðức Thế Tôn vẫn gọi là Pothila rỗng, chắc vì ta chưa phát triển chánh định nên Ngài gọi như thế”. Cảm thấy bị kích động, Sư tự nhủ: “Ta sẽ vào rừng để thiền định”.

Chiều hôm ấy sau khi giảng kinh xong, đợi lúc trời nhen tối, trưởng lão mang y bát, nối gót theo nhóm thính chúng cuối cùng ra khỏi pháp đường. Các thầy Tỳ kheo ngồi trong phòng học kinh nhưng chẳng hề hay biết gì về vị pháp sư của mình.

Sau khi đi khoảng 120 dặm đường trưởng lão Pothila gặp một cụm rừng là nơi ẩn cư của 30 vị Tỳ kheo. Sư đến chào vị trưởng chúng thưa:

- Bạch trưởng lão, xin Ngài hãy chỉ dạy cho con.

- Này Tôn giả, Ngài là một vị giảng sư chúng tôi còn phải học với Ngài, sao Ngài nói thế?

- Thưa trưởng lão, Ngài đừng từ chối, xin hãy chỉ dạy cho con.

Tất cả vị Tỳ kheo ngụ tại rừng cây này đều đã đắc quả A La Hán. Vị trưởng chúng nghĩ thầm: “Ông sư này là người học rộng, có lẽ ông đầy lòng kiêu hãnh” nên thầy từ chối chỉ dạy và gởi Pothila xuống cho đệ nhị tòa. Pothila cũng cung kính xin học hỏi với vị sư này, nhưng vị đệ nhị tòa lại đẩy sang đệ tam tòa. Và cứ như thế, cho đến người nhỏ nhất trong chúng: một chú tiểu 7 tuổi đang ngồi khâu áo. Kiêu khí của Pothila cũng tụt dần cho đến mức thấp nhất .

Trưởng lão Pothila đến bên chú tiểu, chắp tay cung kính:

- Thưa Tôn giả, xin Ngài hãy chỉ dạy cho con.

- Ồ! Pháp sư! Ngài nói gì thế? Ngài lớn hơn tôi về tuổi tác cũng như học thức tôi còn phải học thêm ở Ngài nữa mà?

- Bạch Tôn giả, xin Ngài đừng từ chối: Hãy chỉ dạy cho con.

- Thưa Tôn giả, nếu Ngài có đủ kiên nhẫn làm theo lời tôi, tôi sẽ hướng dẫn Ngài.

- Con sẽ kham nhẫn tất cả, nếu Ngài dạy con nhảy vào lửa, con cũng nhảy theo.

Nhìn bộ y phục đắt giá của Pothila, chú tiểu chỉ một cái ao gần đó:

- Xin Ngài hãy để nguyên y phục và nhảy xuống ao.

Thấy y phục của vị trưởng lão này ướt đẫm, chú tiểu bảo:

- Hãy leo lên.

Trưởng lão Pothila liền leo lên đứng cung kính trước mặt chú tiểu. Chú giảng dạy:

- Này Tôn giả, như một cái hang có sáu cửa ngõ. Một con dế chun vào hang. Ai muốn bắt nó phải bịt năm cửa, chỉ chừa một cửa là tóm được nó ngay. Tôn giả hãy quan sát sáu căn của mình. Ðóng năm căn lại và tập trung trọng tâm vào ý căn.

Nghe những lời nói của chú tiểu, Trưởng lão hốt nhiên tỉnh ngộ, nói:

- Bấy nhiêu cũng đủ rồi.

Trưởng lão liền nhập định. Ðức Thế Tôn cách đó 120 dặm, biết rằng Tôn giả sẽ đắc quả, Ngài liền hóa thân đến trước mặt Pothila, đọc kệ. Bài kệ này trở thành câu pháp cú 282, và được lưu truyền cho đến ngày hôm nay:

- Thật vật do thiền định trí tuệ phát sinh, không hành thiền trí tuệ phai dần, thông suốt những điều lợi hại này, hãy tự mình làm thế nào để trí tuệ phát sinh.

Thích Nữ Như Thủy Như Ðức

“Dù tuổi cao mày bạc

Không tịnh hạnh tu trì

Tôn xưng là hòa thượng

Danh suông chớ ích chi”.





Thanked by 1 Member:

#53 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/06/2012 - 12:18

51. Dưới Gốc Mai Vàng

Ngày xưa, có đôi vợ chồng Rùa sống rất êm đềm trong một động đá bên dòng sông thơ mộng. Một hôm, Rùa vợ mắc phải chứng bệnh ăn không tiêu. Rùa chồng cho mời tất cả lương y thủy giới đến chữa, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm mà có phần trầm trọng hơn. Một buổi chiều nước lớn, Tôm có dịp đi qua động Rùa, nghe có tiếng rên liền hỏi:

- Anh rùa ơi! Bộ trong nhà có ai đau sao tôi nghe có tiếng rên?

Rùa chồng bước ra trả lời:

- Mấy hôm nay vợ tôi bị bịnh vì ăn không tiêu.

- Chị đau mấy hôm rồi?

- Ba hôm rồi, đúng hôm kỷ niệm ngày chúng tôi gặp lần đầu, vợ tôi vì sung sướng nên ăn nhiều hơn thường ngày.

Tôm ân cần hỏi:

- Anh có mời ai đến chữa bịnh cho chị chưa?

- Ðủ cả rồi, nhưng sao không thấy thuyên giảm tí nào, tôi lo quá anh ơi.

- Tôi biết một thứ thuốc hay lắm, có thể làm chị lành bịnh tức thời, nhưng không biết anh dám tin kinh nghiệm của tôi không?

- Anh biết làm ơn chỉ giùm, ơn này tôi không dám quên.

- Ơn nghĩa gì, biết chỉ giùm cho nhau, tôi chỉ thuốc sợ khó tìm. Bây giờ, nếu anh muốn chị chóng lành bịnh thì anh phải mau mau đi tìm gan khỉ đem về phơi khô, rồi cho chị ăn từng miếng nhỏ.

Nói xong Tôm theo dòng nước lội đi. Rùa chồng trở vào nói với vợ:

- Thuốc của anh Tôm chỉ có vẻ hay, nhưng biết làm sao tìm ra được gan khỉ mà phơi khô.

- Em cũng không biết nữa.

Rùa chồng tìm trong óc mãi lúc lâu mới nhớ ở cách đó khá xa có một hòn đảo có rất nhiều khỉ thường hay nhảy nhót, đùa giởn bên dòng sông. Con khỉ chúa đàn thường hay nhăn nhó mặt mày trêu chọc mỗi khi thấy Rùa lội qua.

- Anh nhất định chữa bịnh cho em bằng thứ thuốc anh Tôm vừa chỉ. Bây giờ anh đi tìm thuốc đây, em ở nhà nằm yên một chỗ chờ anh, nhớ đừng đi đâu hết nghe không. Anh ráng đi mau về sớm với em.

Dặn dò xong Rùa chồng hăng hái ra đi. Vừa bơi, Rùa vừa suy nghĩ phải ăn nói làm sao cho thật hay để Khỉ chịu theo về động của mình. Rùa bơi đến đảo thì đã quá nữa đêm. Vầng trăng mười sáu nghiêng mình tỏa xuống đảo một màu vàng nhạt, làm cảnh vật trở nên mờ ảo trông thật đẹp mắt. Vừa bước lên bờ, Rùa đã lên tiếng gọi. Khỉ nghe tiếng gọi liền hỏi:

- Ai gọi tôi đó?

- Tôi, Rùa đây.

- À, té ra anh mà tôi tưởng ai đâu xa lạ. Anh đến đây chơi hay tìm tôi có việc gì?

- Không có việc gì cả. Hôm nay trăng đẹp tôi thả đi chơi, thấy anh tôi có cảm tình, nên ghé hỏi thăm vài lời thế thôi.

- Nếu thế thì còn gì bằng, tôi cũng đang buồn, không biết nói chuyện với ai. Anh nói chuyện nghe có vẻ hiền lành vui vẻ, thế mà ngày trước tới giờ thấy anh xa lạ tôi cứ tưởng là anh dữ dằn và khó chịu.

- Ồ, sao anh lại nghĩ thế, tôi mới là hiền lành, dễ chịu nhất thế gian. Thôi anh xuống gần đây nói chuyện cho vui, anh ở trên cây tôi ngó lên hoài mỏi mắt quá.

Khỉ liền chuyền cây xuống ngồi gần Rùa.

- Anh chuyền cây giỏi quá, tôi thật phục tài anh.

- Tôi thì được cái sung sướng là chạy nhảy, chuyền cành không ai bằng, nhất là những đêm trăng đẹp như thế này, ít khi tôi chịu đi ngủ sớm lắm, tôi thích ngồi ngắm trăng một mình bên bờ sông.

Nghe Khỉ nói, Rùa ganh tức lắm nhưng cũng cố lấy giọng bình thản nói:

- Nghe anh nghe nói tôi ham quá, anh biết thưởng thức vẻ đẹp của đêm trăng, nếu nghe được cá hòa nhạc chắc anh hẳn hài lòng lắm.

- Cá hòa nhạc làm sao? Anh nói rõ tôi nghe với.

- Ở chỗ động tôi ở, buổi sáng nào lúc mặt trời vừa mọc, cá cũng hòa nhạc để đón chào bình minh. Tiếng nhạc của từng loài cá hòa cùng tiếng nước chảy trên động đá, trên rong rêu nghe tuyệt diệu làm sao, không kém gì nhạc ở thiên thai.

- Nghe anh nói tôi ham quá, nhưng tôi là giống trời sanh ở trên bờ, nên đành phải thua anh ở điểm đó chớ biết làm sao.

- Nếu chuyện không biết lội làm cản trở ước muốn của anh thì có gì khó đâu. Anh cứ việc lên lưng tôi, tôi sẽ đưa anh đi xem hòa nhạc, tôi hứa chắc cho anh khỏi lo là anh sẽ được an toàn, không ướt một sợi lông.

- Tôi cảm ơn lòng tốt của anh, nhưng tôi nặng quá, tôi sợ làm anh mệt nhọc.

- Chỗ anh em mà, anh đừng lo ngại gì cả. Anh lên mau, chúng ta cùng đi cho kịp giờ. Ðoạn khởi đầu bao giờ cũng hay hơn hết…

Không đợi Rùa nói thêm, Khỉ vội leo lên lưng Rùa. Rùa vội bò xuống sông bơi thật nhanh, lòng cảm thấy sung sướng vì đã gạt được Khỉ một cách quá dễ dàng. Ði được nữa đường thì trời đã hừng sáng.

- Tôi nghe dường như có tiếng hòa nhạc phải không anh Rùa?

Rùa không nhịn được phá lên cười làm Khỉ ngạc nhiên hỏi:

- Chuyện gì làm anh cười có vẻ thích thú thế?

- Tôi cười anh, cười sự ngây ngô khờ dại của anh. Khỉ từ xưa tới nay vốn khôn ngoan mà lại thua trí Rùa.

- Anh nói gì lạ vậy? Không có hòa nhạc sao?

- Anh là con vật kém thông minh nhất mới đi tin chuyện cá hòa nhạc.

- Nếu không có chuyện hòa nhạc thì tại sao anh lại chở tôi đi làm gì cho nặng?

- Tại tôi cần lá gan của anh để chữa bệnh cho vợ tôi.

- À, té ra anh đến tìm tôi để lấy lá gan về làm thuốc cho vợ anh uống?

- Ðúng vậy!

- Nếu thế thì anh lầm to rồi. Anh đem tôi về mổ bụng, tìm khắp chỗ cũng không làm sao thấy được gan tôi.

- Tại sao lạ vậy?

- Anh không biết sao, tôi thì có tính cẩn thận, nên trước khi nhảy chỗ nào nguy hiểm, tôi thường treo lá gan lên một cành cây. Như thế sẽ chắc ý hơn và khỏi mất công tìm. Anh không biết sao, loài khỉ chúng tôi, con nào cũng làm như thế cả. Treo gan rồi chạy nhảy tự do dễ dàng hơn. Hồi nãy, anh hối đi gấp quá nên tôi quên đem gan theo rồi.

Rùa ngạc nhiên ngừng bơi chờ nghe Khỉ nói.

- Phải anh đừng tính gạt tôi mà nói tử tế: “Vợ tôi đau nặng, tôi cần lá gan của anh để chữa bệnh cho vợ tôi”, thì tôi không bao giờ từ chối. Anh cũng thừa biết là tôi có cảm tình với anh rất nhiều. Lá gan của tôi để treo nhánh cây hay ở trong bụng chị thì cũng thế thôi. Không có thiệt hại gì cho tôi cả kia mà. Nếu anh nói thật thì tôi sẳn sàng tặng chị lá gan và sung sướng đã làm được một điều thiện.

Rùa cảm thấy gượng ngùng không biết làm sao. Dáng điệu bình thản của Khỉ càng làm cho Rùa mắc cở hơn.

- Thật tôi không biết làm sao, tôi lấy làm xấu hổ vì đã đi lường gạt một người bạn tốt như anh. Anh không có đem gan theo thì tôi chở anh về cũng vô ích.

- Tôi hiểu tình cảnh của anh, nên không nở giận anh làm gì. Tôi bằng lòng cho lá gan của tôi. Thôi anh chở tôi về đảo mau để lấy lá gan làm thuốc cho chị.

Rùa cảm ơn rối rít quay đầu bơi trở lại. Vừa đến đảo. Khỉ vội nhảy lên bờ, leo lên cây chuyền cành này sanh cành khác. Chờ một lúc lâu, Rùa sốt ruột hỏi:

- Lá gan của anh đâu?

Khỉ lượm một hòn đá to liệng xuống lưng Rùa và nói:

- Gan của tôi đó, đem về mà làm thuốc cho khôn thêm tí nữa.

Hòn đá to của Khỉ liệng trúng lưng tuy không làm tổn thương thể xác, nhưng làm xao động tinh thần của Rùa rất nhiều. Vẻ mặt giận dữ của Khỉ không làm cho Rùa tức giận, mà trái lại làm Rùa hối hận vô cùng. Rùa nghĩ thầm: “Chỉ tại mình có lòng hiểm ác định giết hại bạn để cứu mạng vợ mình. Cũng may Khỉ lanh trí, nếu không thì đã tán mạng rồi. Khỉ oán giận mình là phải. Mà anh Tôm cũng độc, bày chi phương thức ác quá, mà mình thì cũng không hiền gì. Không biết thuốc làm bằng lá gan có trị bịnh được không mà dù là thần dược đi nữa cũng chẳng nên dùng. Ai nở giết oan một mạng người để cứu một người. Dù kẻ được cứu là người thân, mà kẻ bị giết là người thù...”

Chỉ trong giây phút mà trong trí Rùa thoáng qua không biết bao ý nghĩ. Rùa ngước nhìn Khỉ với đôi mắt lành, đầy vẻ hối hận:

- Tôi rất ân hận về hành động gian ác của tôi vừa rồi, xin anh từ bi hỷ xả cho tôi.

Nãy giờ Khỉ cũng ngạc nhiên không thấy Rùa có phản ứng gì, khi liệng đá trúng lưng, mà trái lại có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Bao nhiêu hờn giận đã theo viên đá đổ trút xuống lưng Rùa rồi, nên khi Rùa tỏ vẻ hối hận. Khỉ cảm thấy hả dạ ngay, vì bản tánh của Khỉ cởi mở, không hiểm ác.

- Tôi xin anh tha lỗi về cử chỉ tàn bạo của tôi vừa rồi. Anh có sao không? Lên đây tôi xem, tôi sẽ đi hái thuốc chữa trị cho anh.

- Cám ơn lòng tốt của anh, tôi không sao cả. Viên đá tuy to, nhưng lưng tôi cũng khá cứng. Lòng tốt của anh làm tôi cảm động và thẹn thùng vô cùng.

Rùa từ từ bò lên khỏi mặt nước. Khỉ cũng tuột xuống khỏi cây. Khỉ đến gần Rùa thân mật hỏi:

- Anh thật không sao cả phải không?

Quan sát Rùa thật kỹ lưỡng rồi Khỉ cười nói:

- Thấy anh an lành tôi mới an tâm. À mà chị nhà đau ra sao? Bịnh gì vậy anh?

Rùa kể rõ căn bịnh của vợ mình, nghe xong Khỉ nói:

- Không sao đâu, anh đừng lo, tôi biết có thứ lá cây này trị bịnh đó hay lắm để tôi hái, rồi anh chở tôi đi trị bịnh cho chị. Anh chờ tôi một tí.

Khỉ chuyền cây một lúc trở lại với một nắm lá.

- Nào chúng ta cùng đi.

Lại cái màn Rùa chở Khỉ, nhưng lần này lòng dạ hai đàng khác hẳn, không còn rắp tâm hại nhau, mà lại thông cảm thích giúp đỡ nhau. Với lòng chân thật và mến thương vô hạn. Thật khác xa tâm địa xấu xa lúc ban đầu. Mỗi đàng đều im lặng đeo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Một lúc Khỉ bỗng nói:

- Trong rừng của chúng ta dạo này có một vị Tăng đến ở tu. Những đêm trăng sáng Ngài thường hay thuyết pháp, anh có đi nghe không?

- Tôi thường hay đi nghe lắm, nhưng buồn quá anh ơi! Nghe giảng hoài mà sao tâm tánh vẫn còn mê mờ, chưa sửa đổi được gì nhiều cả. Cũng vẫn ích kỷ, nhỏ nhen, cũng vẫn hẹp hòi đố kỵ, thấy ai hơn thì ganh tỵ, thấy ai thua thì khinh khi. Chúng ta đối với Thầy thì tỏ ra kính mến còn đối với nhau thì chẳng ra gì. Trước mặt Thầy chúng ta chào hỏi nhau xem như chừng lưu luyến lắm, còn sau lưng Thầy thì ghét nhau như chó với mèo.

Tôi cũng nhận thấy như anh, chúng ta còn xa đạo không biết bao nhiêu cây số. Anh biết bây giờ tôi nghĩ gì không? Tôi nghĩ đến câu Thầy giảng hôm rằm: “Tâm dục vọng chỉ để dối gạt, trái nghịch với đạo. Người vào đạo phải dùng tâm đoan chánh, ngay thẳng làm gốc”. (Kinh Di Giáo). Vậy mà chúng ta làm trái ngược, dùng tâm dối trá, gian ác để đối xử nhau, nên mới sanh chuyện. Mà cũng lỗi tại tôi có tâm khinh người, thấy anh chậm chạp, nên nhăn nhó trêu chọc.

- Cũng lỗi tại tôi thấy anh nhanh nhẹn khôn ngoan nên tôi sanh tâm đố kỵ, thấy anh trêu chọc sanh tâm thù ghét, cố chấp mong có dịp trả thù. May là là chúng ta đã dừng lại kịp thời, nếu không thì “Ác do tâm sanh, trở lại hại tâm, như sắt hay sanh sét, sét lại tiêu sắt” (Kinh Bột).

Khỉ gật đầu nói:

- Thật đúng, nói ác, mắng chửi, kiêu căng, khinh người. Các điều ác ấy khởi ra là ganh ghét, oán hận sanh ngay. Nói lời khiêm tốn, tôn kính, bỏ oán, nhẫn ác là ganh ghét, oán hận tự dứt. Là người sanh ở đời, cái búa tại trong miệng sở dĩ giết thân cũng như lời nói dữ”. (Kinh Pháp Cú). Mãi bàn luận, mấy chốc cả hai về đến hang Rùa. Khỉ trổ tài làm lương y. Uống thuốc Khỉ cho chẳng bao lâu chị Rùa cảm thấy khoẻ khoắn và từ từ khỏi bịnh. Trước khi ra về Khỉ căn dặn:

- Anh chị nhớ tối hôm nay đi nghe giảng nghe. Chúng ta cố đi nghe để sửa đổi tâm tánh, theo thiện, bỏ ác. “Công đức nghe pháp được ra khỏi sanh tử” đó anh ơi! Anh chị nhớ đi đúng giờ, đừng đi trễ có lỗi, nhớ chờ tôi dưới gốc mai vàng nhé!

Nói xong Khỉ nghiêng mình chào chị Rùa, vị chủ nhà chậm chạp trả lễ và không quên cảm tạ ơn chữa bịnh của khách. Xong đâu đấy. Rùa chở Khỉ thong thả bơi đi. Ðến mé rừng, Khỉ nhảy vội lên bờ, hái một cành mai nhỏ thật đẹp đưa cho Rùa và nói:

- Nhân dịp xuân về tôi xin biếu chị ở nhà và cầu chúc anh chị một mùa xuân hạnh phúc.

Rùa ngậm cành mai vàng, chào anh bạn quý rồi sung sướng bơi đi…

Bảo Liên

"Lấy từ bi thắng nóng giận

Lấy hiền lành thắng hung dữ

Lấy bố thí thắng gian tham

Lấy chân thật thắng ngoa ngụy".



Thanked by 1 Member:

#54 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 16/06/2012 - 13:02

52. Ngọc Báu Trong Túi Áo

Có một thanh niên háo khách, ưa tiếp bạn bè, tính hòa hiệp, dễ sống chung với mọi người. Anh có rất nhiều bạn ở khắp nơi xa gần trong nước. Anh vốn là con của một đại phú ông, của cải trong nhà vô số, không cần mua bán kinh doanh. Cả ngày ngoài việc tiếp khách đãi bạn, người ta không thấy anh làm gì vất vả. Tuy nhiên, “mùa xuân nào rồi cũng phải hết”, điều bất hạnh đã xảy đến cho anh. Khi anh vừa đúng 20 tuổi thì phụ thân anh qua đời. Từ đây anh phải sống những ngày cô độc của tuổi trẻ.

Vốn là người chỉ giỏi về sự giao du rộng với bạn hữu, không thạo về buôn bán làm ăn, anh dần dần tiêu sạch bao nhiêu tài sản của phú ông để lại. Khi tất cả không còn gì, anh cô thân chích bóng lưu lạc xứ người, một ngày một đồng cũng không có, với ý tưởng quay gót thăm lại cố hương. Vì trước kia anh từng giao tiếp rộng, anh bước chân đến đâu đều có bạn bè tiếp đón. Lần lượt anh đến thăm những người bạn củ năm xưa.

Anh không chịu làm một thực khách lâu ngày của ai. Tính khẳng khái và tự tôn của tuổi trẻ, bảo anh làm thế. Tiền trong mình hết hẳn. Ðã có lúc qua hai ba ngày liên tiếp mà không có hạt cơm nào trong bụng. Tuy thế anh vẫn không dám đến cầu sự giúp đỡ lần nữa của bạn bè. Cuối cùng khi mà sức lực đã kiệt như không chịu nổi nữa, anh mới chịu lần đến nhà một người bạn tri kỷ của thuở nào. Lâu ngày được gặp lại tình bạn hữu tha thiết bội phần. Anh muốn cố giữ không để cho bạn biết sự nghèo khó của mình, mặc dầu cái dáng vẻ bần cùng của anh rất dễ bị khám phá.

Bữa nọ, bóng chiều vừa xuống, nhân bữa ăn, chủ khách hai người đã than thở với nhau về sự thay đổi vô thường của nhân tình thế thái. Những sầu muộn tích tụ trong lòng anh trong những năm qua, hôm nay được khơi dậy nhân sự tiếp xúc với bạn. Anh vừa tâm sự vừa ăn uống. Nói thật nhiều và uống thật nhiều, bất chấp tính toán so đo. Kết quả anh đã say mèn bất tri nhân sự. Bây giờ người bạn đưa anh qua phòng ngủ, để anh nằm trên chiếc giường an lạc và ngồi bên cạnh trông nom. Người bạn nhìn chăm vào dung nhan của anh trong khi ngủ và khi đã cùng đường mới tìm đến người bạn này để nhận sự giúp đỡ.

"Hôm nay ta giàu có như thế này, Ý tưởng của người bạn mà bạn ta bần cùng khốn khổ. Xem qua hình dạng nhất định anh đã chịu hết mọi thống khổ của cảnh thương hải tang điền. Tuy nhiên anh không đề cập một câu nào về điều ấy. Khí sắc của anh không còn chút nào giống như ngày trước. Bao nhiêu của cải ta có hôm nay đều là của anh cho cả. Giá như phải đem tất cả tặng lại cho anh, ta cũng phải làm. Nhưng ta biết tính khí của anh tâm tự tôn rất cao, anh nhất định không nhận sự bố thí của người đâu…"

Nghĩ đoạn người bạn rời khỏi giường, để anh tiếp tục ngủ, vào phòng mở tủ lấy một viên ngọc báu vừa sáng lớn, rồi một cách kín đáo nhét viên ngọc vào túi áo của anh. Ðây là viên ngọc vô giá, có thể giúp anh nuôi sống trọn đời không hết.

Qua hôm sau, người thanh niên từ cõi mộng trở dậy. Mở mắt ra, anh thấy mình đã ngủ một giấc dài trên chiếc giường lớn lộng lẫy. Anh cảm thấy xấu hổ khi nghĩ về cuộc say sưa chiều hôm qua. Anh hối hận vô cùng, biết rằng mình làm một người khách ở nhà bạn sao lại có thể quá tùy tiện như vậy. Người bạn đến, tiếp theo là một nữ bộc bưng thau nước. Sau khi lau chải sơ sài, anh theo bạn vào phòng ăn. Bữa ăn sáng hôm ấy quá thịnh soạn.

Mặc dù bạn ân cần thế nào, anh vẫn thấy bất an. Sau khi ăn xong từ biệt bạn để ra đi. Một lần nữa bạn mời ở lại, nhưng anh nhất quyết ra đi. Cuối cùng không biết làm sao hơn nữa, người bạn chỉ còn cách đưa anh ra cửa. Từ đấy, anh lại sống qua những ngày của một người vô gia cư lưu lạc. Từ thôn này qua thôn khác, thành này qua thành khác, thời gian cũng theo bước chân anh, đi mau như dòng nước chảy. Bị sự thúc bách của sinh hoạt anh mất hết thần khí, cúi đầu lặng đi. Cuối cùng, anh đã làm việc hết sức khổ nhọc hoặc phải đến từng nhà xin ăn. Chỉ cần một bữa cơm, khổ bao nhiêu anh cũng ráng chịu, không một biểu tượng từ nan. Anh đã biết: Sức sống và sự sống của chính mình quan hệ lẫn nhau.

Anh xa cách người bạn trên đã hai năm, không hề có một ý tưởng mong được gặp lại. Nhưng việc đời làm sao ta có thể ngờ trước. Vì vậy trong một lúc tình cờ, anh gặp lại người bạn đó. Anh đã bị bạn phát hiện trong lúc hì hục làm công cho một nhà giàu. Người bạn rất đỗi ngạc nhiên hỏi:

- Bạn, trong khi chúng ta xa cách nhau, sao anh lại nghèo như thế này? Nhớ lại ngày sau bữa rượu anh đã say tại nhà tôi, dìu anh lên giường, rồi lấy một viên ngọc quý đặt vào túi áo của anh. Ðó là viên ngọc vô giá, dùng trọn đời không hết, anh đã bỏ mất rồi sao?.

Qua lời chỉ dạy của bạn, anh mới bắt đầu đưa tay mò túi áo của mình, và viên ngọc quý sáng rỡ đã được anh moi ra, lúc ấy mới cảm động than rằng:

- Ngu si quá chừng! Ngu si quá chừng! Trong người mang ngọc quý, lại chịu khốn khổ trong cảnh bần cùng. Vì sự sinh kế mà phải vất vả, lo buồn, quả tôi là một thằng khùng nhất trong đời vậy.

Thích Tâm Thiện

“Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật. Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành”.





Thanked by 1 Member:

#55 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 17/06/2012 - 08:48

53. Tam Nghiệp Hằng Thanh Tịnh

Một vị thiền sư đi hành cước ngang thôn ấp nọ, tìm tới nghỉ tại một ngôi chùa bỏ vắng lâu năm. Dân làng kéo đến khuyên thầy đi chỗ khác, thầy hỏi duyên cớ, họ kể:

- Bạch thầy, ngôi chùa này có con quỷ xuất hiện vào lúc nữa đêm, khóc than thảm thiết rùng rợn, khiến chúng con phải dời nhà đi chỗ khác không dám ở gần. Nguyên do là ngày xưa nghe đâu có vị trụ trì ở đây chết hóa thành quỷ.

- Tại sao chết?

- Dạ bạch, vị sư ấy đã già khi ốm nặng, các đệ tử theo lời y sĩ, đỗ súp gà cho thầy lai tỉnh. Lúc tỉnh dậy thầy hỏi đã cho thầy uống thuốc gì và khi được biết họ đã đổ súp gà, thầy giận đến ngất đi và chết luôn. Từ đó đêm nào cũng có quỷ xuất hiện ngâm lên hai câu:

Lâm bệnh ngọa tại sàng

Nhất dạ ẩm kê thang

(Liệt giường bệnh hành ta

Nên uống phải súp gà)

Rồi khóc lên tru tréo rất thê thảm. Vị thiền sư nghe qua câu chuyện quyết định ở lại ngôi chùa hoang đêm ấy. Ngài thức chờ khi quỷ xuất hiện ngâm hai câu:

Lâm bệnh ngọa tại sàng

Nhất dạ ẩm kê thang

Ngài bèn ngâm tiếp:

Tam nghiệp hằng thanh tịnh

Ðồng Phật vãng Tây phương.

(Ý nói dù uống lỡ súp gà, nhưng ba nghiệp thân khẩu ý thường thanh tịnh, thì vẫn có thể sanh Tây phương gặp Phật).

Quỷ nghe xong, biến mất, từ đấy không xuất hiện nữa.

Thích Nữ Trí Hải

“Ðoạn trừ phiền não trùng tâm bệnh

Xu hướng chân như tổng thị tà

Tùy thuận chúng sanh vô quái ngại

Niết bàn sanh tử thị không hoa”.





Thanked by 1 Member:

#56 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 17/06/2012 - 08:56

54. Phạm Chí Ngạo Mạn

Ngày xưa, tại Ấn Ðộ có một Phạm Chí học vấn uyên thâm, biện tài vô ngại. Ông thường dùng xảo ngôn để lập thuyết, lấy hư làm thực, lấy thực làm hư, chưa một ai địch lại, ông rất lấy làm tự đắc.

Một hôm ông đến thành Xá Vệ, giữa ban ngày ông đốt đuốc cầm đi, mọi người thấy lạ chạy theo coi, có người trong đám hỏi ông:

- Này đạo sĩ, giữa thanh niên bạch nhật như thế này sao đạo sĩ lại đốt đuốc mà đi?

- Trong nước tối tăm, không có ánh sáng, nên ta phải đốt đuốc mà đi.

Câu chuyện được đồn đến tai vua, nhà vua rất lấy làm hổ thẹn, nghĩ cả nước chẳng có người tài giỏi, để phải bị kẻ xảo ngôn nhục mạ. Nhà vua liền sắc các quan quân mang trống lệnh treo trên cửa thành gióng lên từng hồi vang vọng để cầu các bậc biện tài vô ngại, hàng phục kẻ ngông cuồng, xảo ngôn ấy.

Bấy giờ có một vị Sa môn tài cao đức lớn, đi ngang qua thành, thấy trống lệnh gióng lên liên hồi, liền kêu quân giữ thành hỏi:

- Nhà vua cầu việc gì mà đánh trống lệnh liên hồi vậy?

- Thưa Sa môn, vua muốn cầu bậc hiền tài để tranh luận với Phạm Chí xảo ngôn kia.

Nghe vậy, vị Sa môn vào thành yết kiến nhà vua. Nhà vua lấy làm mừng rỡ, cho lập đàn tranh luận và báo cho Phạm Chí cùng dân chúng biết.

Ngày khai đàn tranh luận được quy định, vị Sa môn đến thật sớm, lên ngồi nơi tòa cao nhất. Phạm Chí đến sau nên ngồi dưới thấp. Vị Sa môn nói:

- Này Phạm Chí, ai ngồi trên thì được nói trước, ông bằng lòng chăng?

Phạm Chí tự nghĩ: “Ta là bậc biện tài xưa nay chưa hề có ai địch lại, vậy sợ gì. Hãy cho Sa môn này nói trước”.

- Này Sa môn, ông cứ nói trước rồi đến phiên ta.

- Lành thay, này Phạm Chí ông là kẻ trí tuệ, minh đạt, là bậc chơn nhơn đạo cốt, chứ chẳng phải kẻ đầy tớ, tôi đòi, binh lính, xe ngựa hay kẻ vác xác chết ngoài bãi tha ma.

Khi ấy Phạm Chí suy nghĩ mông lung chẳng biết trả lời sao cho được. Nhà vua thấy Phạm Chí cúi đầu làm thinh, không đối đáp, rất lấy làm mừng rỡ, dọn tiệc thiết đãi, rồi ra lệnh cho Phạm Chí hốt phân đội trên đầu mà đi và đuổi ra khỏi nước.

Giới Ðức

“Không biết mà nói là ngu

Biết mà không nói là hiểm”.



Thanked by 1 Member:

#57 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 17/06/2012 - 09:03

PHẦN MƯỜI HAI

55. Sự Tích Ông Bình Vôi

Ngày xưa, có một người con gái con một nhà giàu có. Cô rất đẹp nhưng cũng rất kiêu. Cô đã từng làm cho các bạn gái xa lánh mình. Cô làm cho các bạn trai ghét cô vô hạn. Cũng vì thế đến khi tuổi lấy chồng, cô gái vẫn chưa có đám nào vừa ý. Chàng trai nào cũng bị cô sổ toẹt, vì “cao chê ngõng, thấp chê lùn, béo chê béo trục béo tròn, gầy chê xương sống xương sườn bày ra”.

Nhưng rồi cô cũng lấy được chồng. Chồng cô yêu vợ nhưng lại bực mình vì thói ghen của vợ. Cô ghen chồng làm cho xóm giềng luôn luôn cau mặt vì những lời qua tiếng lại của họ. Cuối cùng hai người không vừa ý nhau và ly dị. Buồn bực vì duyên phận, cô bỏ đi tu.

Cô xuất gia ở một ngôi chùa cổ trên núi suốt hai mươi năm. Những con chim, con thú rừng hầu như quen thuộc bóng dáng của người sư nữ. Hai mươi năm qua cô vẫn chưa đắc đạo. Cô thắc mắc, vì tự cho mình thông kinh kệ hơn người và chịu đủ mọi khổ hạnh của nhà thiền. Một ngày kia cô quyết định sang Tây Trúc một phen để tìm cho ra lẽ. Ðường sang Tây Trúc thiên nguy vạn hiểm nhưng cô quyết định đi cho bằng được.

Một hôm, sau khi vượt qua một trái núi, sư nữ tìm vào một ngôi nhà hẻo lánh dọc đường để nghỉ chân. Hai mẹ con tuy người rừng núi quê mùa nhưng vốn là kẻ ăn chay niệm Phật, nên thấy khách là nhà tu hành thì tiếp đãi rất hậu. Khi họ được nghe kể công trình tu luyện của sư nữ thì họ càng cung kính, coi như bậc thầy. Và khi họ biết ý định của sư nữ thì họ cũng xin phép bỏ nhà bỏ cửa đi theo thầy để mong được đắc đạo. Nghe họ cầu khẩn, sư nữ cười:

- Hai mẹ con nhà này cũng muốn thành Phật ư? Ðược cứ theo ta!

Nhưng bụng nàng bảo dạ: “Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre”. Từ hôm đó nhà sư nữ có thêm hai người bạn đồng hành chân bớt mỏi, đường bớt dài, họ đi chả mấy chốc mà đã tới đất thánh. Từ trước đến sau, hai mẹ con nhà nọ vẫn cung kính, coi sư nữ như thầy. Còn sư nữ đối với họ không được như trước: “Không biết chừng họ thành Phật trước ta. Họ sẽ hơn ta… Bọn này mà đắc đạo, thật là một điều nhục cho thiền môn”.

Nói chuyện Ðức Phật khi vừa hay tin có người tìm đường đến Tây Trúc cầu đạo, vội hóa thân đi theo dõi. Từ đầu đến cuối, đức Phật vẫn không bỏ sót một lời nói, một cử chỉ nào của sư nữ. Khi họ sắp qua một con sông rộng, đức Phật hóa phép hiện ra ở bên kia bờ một tòa cổ tự, trước cửa có một cây bồ đề lớn để chờ họ. Muốn cho hai mẹ con khỏi lẽo đẽo theo mình đến đất Thánh, nên khi qua sông sư nữ giả cách ngạc nhiên, chỉ ngôi chùa và cây bồ đề mà bảo rằng:

- Kìa, chúng ta đã tới Tây Trúc. Chóng thật! Chính là cây bồ đề của đức Thế Tôn tu luyện ngày xưa. Thôi! Hai mẹ con cứ việc trèo lên một cành cao niệm kinh rồi buông tay rơi xuống tức khắc thành Phật!

Tin tưởng ở lời nói của bậc thầy, hai mẹ con mừng rỡ làm theo không chút ngần ngại. Nhưng khi họ buông tay cho người rơi xuống thì đức Phật đã đón họ đưa lên trời. Có bốn vị A La Hán mang tòa sen đến rước đi. Tay hai mẹ con vẫy vẫy như có ý gọi người bạn đồng hành.

- Ðúng họ thành Phật rồi!

Sư nữ vừa kinh ngạc vừa mừng, vội trèo lên cây để làm như họ. Nhưng đức Phật đã có ý trừng phạt người đàn bà kiêu ngạo và độc ác ấy một cách đích đáng, nên đã để cho cái xác rơi thịch xuống đất, tan xương vỡ sọ. Và sau đó đức Phật lại bắt người khốn nạn ấy hóa thành bình vôi. Tại sao lại cho hóa thành bình vôi. Có người bảo chính là đức Phật muốn bắt những kẻ trong lòng bất nhân, nhưng lại đeo bộ dạng từ bi phải để cho người đời luôn luôn móc ruột.

Nguyễn Ðổng Chi

“Một kiếp không tu muôn kiếp khổ

Một đời vô đạo vạn đời sầu”.



Thanked by 1 Member:

#58 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 17/06/2012 - 09:12

56. Oan Nghiệt

Thuở xưa, vào thời chánh pháp của đức Phật Thích Ca, tại một nơi nọ có một vị trưởng giả giàu có. Vị này có hai người vợ, người vợ lớn không con, người vợ nhỏ sinh được một đứa con trai khôi ngô tuấn tú, cả gia đình nhờ thế mà sinh vui vẻ.

Khi ấy người vợ lớn sinh lòng đố kỵ, luôn tìm cách để hại đứa bé con người vợ nhỏ, nhưng bên ngoài bà tỏ ra hết lòng thương yêu, chiều chuộng, không một chút ganh tị nào.

Một hôm người vợ nhỏ đi vắng, người vợ lớn lén lấy cái kim ghim vào đỉnh đầu đứa bé. Ðứa bé từ ấy phát bịnh la khóc suốt ngày, bỏ ăn bỏ uống, thân hình tiều tụy, qua bảy hôm thì chết. Trong nhà ai cũng sầu khổ. Người vợ lớn cũng tỏ ra đau đớn, tiếc thương, Còn người vợ nhỏ thì vật mình xuống đất, khóc than thảm thiết suốt cả ngày đêm. Nhưng cả nhà chẳng ai biết được vì sao đứa bé ấy chết. Về sau bà vợ nhỏ biết được do lòng ganh tị của người vợ lớn và chính bà ấy giết. Bà vợ nhỏ lập tâm báo thù. Bà đến chùa hỏi các thầy Tỳ kheo.

- Bạch Ðại đức muốn toại nguyện lòng mong cầu, phải làm công đức gì?

Các Tỳ kheo đáp:

- Muốn toại nguyện lòng mong cầu thì phải thọ trì bát quan trai giới, điều cầu xin sẽ được như ý.

Nghe xong, bà xin thọ bát quan trai giới. Sau đó bảy ngày bà chết đầu thai làm con gái lớn bà vợ lớn, thân tướng đẹp đẽ. Bà vợ lớn thương yêu, quý trọng hơn vàng, nhưng oan nghiệt thay, đứa bé gái ấy chỉ sống được một năm rồi chết, khiến cho người mẹ khổ sở đau đớn khôn cùng, khóc lóc thảm thương bỏ ăn, quên ngủ. Oan oan tương báo như thế đến bảy lần, bà vợ lớn đoán biết đây là sự báo oán của người vợ nhỏ.

Cho đến lần cuối cùng, bà vợ lớn sinh được một bé gái lại càng đẹp đẽ, thân thể đoan trang hơn mấy lần trước, nhưng lần này đứa bé sống được 14 tuổi, sắp có gia đình. Một hôm đang đêm nàng bước ra khỏi cửa, liền ngã ra chết. Bà mẹ khóc lóc kêu gào la hét suốt ngày, lòng thương con cùng cực, khiến bà phát cuồng, không còn biết chi nữa. Bà để xác con giữa nhà, chẳng chịu tẩn liệm càng nhìn xác con càng thấy đẹp lạ thường. Ðể như thế hơn 20 ngày.

Một buổi sáng nọ, các thầy Tỳ kheo thiền định, dùng từ tâm quán khắp tâm chúng sinh, thấy người đàn bà ấy bị một chuỗi oan nghiệt nối dài và nay chính là lúc nhờ sự đau khổ cùng tột có thể làm tâm bà bừng sáng. Sau khi dùng từ tâm quán sát, thầy Tỳ kheo liền khoác y ôm bát, đến nhà bà vợ lớn khất thực. Ðến nơi trước nhà vắng vẻ, bên trong nghe tiếng khóc than quằn quại. Thầy rung tích trượng, hồi lâu có kẻ đầy tớ mang cơm ra cúng:

- Bạch Ngài, bà chủ con bận việc không thể ra, xin Ngài từ bi nạp thọ.

Thầy Sa môn im lặng, không mở bát ra mà nói:

- Ta muốn gặp thí chủ.

Người đầy tớ trở vào thưa cùng bà vợ lớn rằng:

- Thầy Sa môn muốn gặp bà.

- Ta có chuyện buồn khổ, chỉ muốn chết thôi, ta không muốn gặp ai cả. Mày hãy mang cơm ra cúng dường Thầy Sa môn ấy và xin Ngài hãy đi đi.

Nhưng khi đứa đầy tớ mang cơm ra, Ngài cũng không nhận và nói như trước. Bà vợ lớn tự nghĩ: “Ta đang lúc khổ sở mà vị Sa môn này chẳng hiểu được tâm ta, sai người đem cúng dường mà chẳng nhận, quyết muốn gặp ta. Khổ quá! Thôi ta cứ ra coi Ngài muốn gì?” Nghĩ xong bà bước ra. Thầy Sa môn vừa trông thấy liền hỏi:

- Này thí chủ, vì sao bà có vẻ sầu khổ, đầu tóc rối bù, mặt mày hốc hác tiều tụy đến thế?

- Bạch Ngài, từ ngày tôi có gia đình đến nay, sanh bảy đứa con gái đứa nào cũng đẹp đẽ dễ thương, nhưng khi đến một hoặc ba tuổi thì chết, duy chỉ có đứa con này đến 14 tuổi, đêm hôm vừa bước ra khỏi nhà liền té xuống đất chết ngay. Thật tôi quá khổ sở, chỉ còn có muốn chết nữa mà thôi. Nói xong bà khóc nức nở. Thầy Sa môn bảo:

- Hãy rửa mặt, chải đầu rồi ta sẽ nói cho bà nghe.

Nhưng bà ta vẫn khóc. Thầy Sa môn nói:

- Này bà, người vợ nhỏ của ông chủ nhà này vì sao chết?

Bà vợ lớn nghe nói trong lòng bối rối sợ hãi, tự nghĩ: “Vì sao vị Sa môn này lại biết được việc của nhà ta?”.

- Hãy quay đầu ra đây ta sẽ nói cho bà nghe.

Bà liền quay đầu ra.

- Người vợ nhỏ của nhà này sanh được một đứa con trai, vì sao đứa con ấy lại chết đi?

Bà vợ lớn nghe nói trong lòng càng sợ hãi, run rẩy chẳng nói lên lời.

- Này bà, do bà giết đứa bé ấy, nên người mẹ của nó đau khổ rồi chết theo, vì oan oan tương báo, người mẹ của đứa bé quyết báo thù, nên bảy lần sanh làm con của bà rồi lại chết, để bà phải đau khổ mà chết theo như bà đã gây ra cho người vợ nhỏ. Giờ đây đứa con bà vừa mới chết, bà hãy xa ra thì sẽ biết đứa con ấy thế nào?

Nghe vị Sa môn nói, bà quay lại thì toàn thân đứa con ấy tan rã, hôi thối vô cùng, trong lòng cảm thấy hổ thẹn, khủng khiếp. Bà cúi đầu đảnh lễ vị Sa môn cầu xin cứu độ.

- Ngày mai bà hãy đến chùa ta sẽ làm lễ qui y cho.

Ngay khi ấy, xác đứa con gái liền biến thành rắn độc, biết được bà vợ lớn sẽ đi thọ giới, nên rắn nằm ngang chận đường. Sáng ngày bà vợ lớn đi đến chùa, rắn đuổi theo. Bà sợi hãi nói:

- Ta đến chùa thọ giới qui y, tại sao mày lại chận đường không cho tao đi?

Lúc ấy, thầy Sa môn biết được, đến nơi, người vợ lớn trông thấy vô cùng mừng rỡ. Thầy Sa môn nói với rắn:

- Oan nghiệt, đã trãi qua mấy đời nhiễu hại, người vợ lớn chỉ giết có một người con của nhà ngươi, thì tại sao nhà ngươi lại làm khổ người ta đến bảy lần. Tội nhà ngươi rất lớn, hôm nay lại muốn cản đường không cho người ta đi qui y Tam Bảo nữa, tội này đời đời sẽ đọa vào địa ngục, hiện tại nhà ngươi chỉ là thân rắn đâu được thân người.

Rắn nghe nói, liền nhớ lại kiếp trước, đau đớn trong lòng, vặn mình uốn khúc, đập đầu xuống đất, hướng về vị Sa môn mà sám hối.

- Hai người đời trước đã tạo oan nghiệt gây khổ đau cho nhau. Vậy kể từ nay tội lỗi mỗi người sẽ được chấm dứt, đời đời đừng có ý niệm giết hại nhau nữa.

Cả hai đều ăn năn, khi ấy rắn độc nhờ sức chú nguyện của Thầy Sa môn, liền được thác sanh làm thân người, tâm ý khai mở. Rồi cũng được qui y Tam Bảo, tinh tấn tu hành.

Giới Ðức

“Luân hồi nhân quả không sai

Không tu ắt phải đọa đày khổ thân”.



Thanked by 1 Member:

#59 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 17/06/2012 - 09:16

57. Hoa Vương

Ngày xửa, ngày xưa có một Minh Quân cai trị một quốc gia thanh bình trù phú. Mọi việc đều xuôi chèo mát mái, ngoại trừ một điều là dù tuổi đã khá cao, nhà Vua hiền đức của chúng ta vẫn chưa có được Hoàng nam nối dõi. Một bữa tốt trời đức Vua cho yết bảng, truyền lệnh cho vời các đồng tử lên 7 đến 12 vào sân rồng cho Ngài tuyển chọn người kế nghiệp.

Các thần dân của đức Vua trong số tuổi ấn định lũ lượt kéo nhau về kinh đăng ký. Bất kể gia tộc sang hèn, nghèo giàu mỗi cậu bé đều được nhận một hạt giống tí tẹo. Các thí sinh phải đem hạt giống về tự tay gieo trồng và chăm bón. Ðến bao giờ hạt giống nẩy mầm, nứt lộc, đâm chồi, ra nụ kết hoa thì sẽ mang đến Hoàng cung dự thí. Ngày khảo thí được ấn định vào đêm rằm tháng tám, chậu hoa nào được đức Vua chấm giải nhất thì người gieo trồng nó sẽ được vào cung làm Hoàng tử. Người sẽ kế vị đức Vua sau này.

Cái ngày chờ đợi đó đã đến, vườn ngự uyển chất đầy các lẳng hoa do thí sinh đem nộp, không chê vào đâu được, vì loài hoa nào cũng rực rỡ ngát hương. Nhưng đức Vua và Hoàng hậu xem chừng vẫn chưa chọn một thứ nào vừa mắt. Cuối cùng một đứa bé khoảng 8 tuổi, áo quần rách rưới nhưng mặt mũi dễ thương, xin được vào chầu đức vua của chú. Mọi người cười ồ khi thấy chú khư khư ôm một cái chậu bằng đất nung chứa đầy phân và rác bẩn. Vị thần dân tí hon này quỳ trước bệ rồng, nước mắt chảy quanh, sụt sịt nói:

- Muôn tâu, con đã làm hết sức mình, con đã chọn chiếc chậu lành lặn nhất, để vào đó thứ đất mịn nhất… rồi mới đặt hạt giống của đức Vua ban cho con vào đó… Con đã phơi sương ủ nắng và tưới nước cho nó… Vậy mà nó không chịu nứt cái mầm nào cả.

Ðức Vua nghe xong không dấu được sự xúc động, ôm chầm lấy cậu bé reo:

- Ôi! Con chính là vị Hoàng tử mà ta chờ đợi.

Mọi người kinh ngạc lẫn bất bình. Ðức Vua vuốt râu mỉm cười giải thích:

- Tất cả các hạt giống trao cho thí sinh đều đã được hấp chín… Nó chỉ có thể nở hoa trung thực mà thôi…

Ðưa tay chỉ chiếc chậu đầy đất bẩn của chú bé dân giả, đức Vua tiếp:

- Ðóa hoa trung thực ấy chỉ đâm chồi nẩy lộc trong mỗi một chiếc chậu này. Con người đã gieo trồng được loại hoa ấy, nhất định sẽ là vị minh quân mà đất nước ta chờ đợi.

Ðức Vua đã không lầm trong sự lựa chọn ấy.

“Vô bệnh là điều rất lợi, biết đủ là kẻ rất giàu

Thành tín ở nơi chí thân, Niết bàn là vui tối thượng”.





Thanked by 1 Member:

#60 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 17/06/2012 - 09:21

58. Tham Y Hóa Rận

Thuở Phật còn tại thế, ở vườn Cấp Cô Ðộc, có một vị tân Tỳ kheo được cúng một bộ y lụa tuyệt đẹp. Thầy mân mê bộ y không rời, tối dùng làm gối ngủ. Ðêm ấy rủi thay thầy bị trúng gió nặng, cấm khẩu, các vị đồng phạm hạnh tìm đủ cách cứu chữa, nào cạo gió, nào thoa bóp dầu nóng, nào hô hấp nhân tạo… song đều vô hiệu. Thầy trút hơi thở cuối cùng. Vì tâm thức cuối cùng của thầy là ham thích bộ y mới, nên khi thoát xác, thần thức thầy thác sanh vào loài rận, làm một con rận đeo cứng vào bộ y lụa.

Con rận khôn ngoan chui tuốt vào cái giải “bần bà” (Tương truyền, khi nhiều người cúng vải để may y cho Phật, cái y sắp xong thì có một bà nghèo tới cúng một mảnh vải. Ðức Thế Tôn thương xót nhận của hiến cúng muộn màng để gieo phước cho bà, và bảo thị giả A Nan may vào hai góc y. Do đó sợi dây buộc y ngày nay có tên là “bần bà” để nhớ đến bà già nghèo khó đã cúng dường mảnh vải cho Phật) để mọi người khỏi thấy.

Sau khi vị Tỳ kheo qua đời, y lệ nhà chùa chúng Tăng chia đều nhau cái tài sản nhỏ bé của thầy, trong đó có bộ y. Với Phật nhãn đức Thế Tôn rõ biết vị Tỳ kheo đã hóa làm con rận đang ôm giữ chiếc y nên Ngài bảo đại chúng:

- Các ông có “quân Tăng” (chia đều cho Tăng chúng) tài sản của tân Tỳ kheo ấy, thì hãy chừa bộ y lại, để tuần sau hãy cắt chia.

Các Tỳ kheo không hiểu vì sao Thế Tôn bảo chừa bộ y, nhưng không dám trái mệnh bèn đem bộ y ấy xếp để một nơi. Vừa khi bộ y bị dời chỗ, con rận đã cuống cuồng lên, la lối om sòm:

- Trời đất quỷ thần ơi! người ta cướp giựt của tôi bộ y nè! Ai cứu cho với! Bộ y này là của tôi, không phải của các người! Các người toan mang nó đi đâu, bớ làng nước ơi! Quân cướp giựt!

Con rận la khan cả cổ họng mà nào ai có hay! Có chăng chỉ đức Từ phụ thần thông quảng đại thấy nghe được nổi khổ đau của nó. Trong tuyệt vọng con rận chạy quanh cái giải bần bà để cầu cứu lính tuần đến bắt cướp, đã cướp cái y của nó. Chạy rã giò chẳng có ma nào đến cứu, người ta vẫn ngang nhiên nhấc bổng bộ y mang theo khổ chủ không biết đi đâu. Ðức Phật thương xót gọi thị giả A Nan đang ôm bộ y để cất vào tủ:

- Con hãy đem bộ y vào trong tịnh thất của ta.

Tôn giả A Nan vâng lệnh. Ðức Thế Tôn đến bên bộ y, thuyết pháp cho rận nhớ tiền kiếp của mình:

- Này rận, con vốn là một Tỳ kheo vừa thọ giới. Cái y này là của thí chủ cúng cho con. Con đã quên quán sát rằng: “Không có gì là ta, không có cái gì là của ta. Cái này không phải là ta, cái này không phải là của ta, cái này không phải tự ngã của ta”. Vì một chút bất giác cận tử nghiệp (nghiệp xảy ra lúc lâm chung) đã khiến con phải sa đọa vào loài súc sanh. Con hãy tịnh tâm nhớ lại tiền kiếp. Ta là đức Như Lai, đang ở trước mặt con.

Do mãnh lực từ tâm nơi Phật, con rận thoạt nhớ lại kiếp vừa qua của mình, lòng trở nên nhẹ nhàng thanh thản. Rận nằm im bảy ngày không ăn rồi trút hơi cuối cùng. Thần thức rận thác sinh lên cõi trời tứ thiền thác sinh của những vị Tỳ kheo siêng tu thiền định.

Khi rận thoát xác, đức Phật mới bảo Tôn giả A Nan đem bộ y cắt ra chia cho mỗi người một mảnh để làm khăn lau mặt. Các vị Tỳ kheo hỏi lý do vì sao Ngài đợi đến bảy ngày mới phân chia bộ y, đức Thế Tôn kể lại câu chuyện và dạy:

- Nếu các ông chia ngay lúc đó, con rận sẽ nổi sân và bị đọa vào loài quỷ. Nay nhờ nghe pháp, nhờ thần lực của Như Lai, lại nhờ bản thân đã từng tu hành thanh tịnh, mà vị Tỳ kheo hóa rận ấy đã được sanh lên cõi trời.

Các vị Tỳ kheo nghe xong, ai nấy toát mồ hôi hột, ngán ngẫm cho cái “cận tử nghiệp” ác ôn kia. Sợ thay, mà lại mừng thầm cho ai!

Thích Nữ Trí Hải

“Ham muốn nhiều là khổ. Sống chết khổ đau là do lòng tham dục, trừ bớt dục vọng thời thân tâm tự tại”.





Thanked by 1 Member:





Similar Topics Collapse

2 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 2 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |