Jump to content

Advertisements




HUYỀN BÍ ĐẠI LỄ SÔNG HẰNG


  • Bạn không thể gửi trả lời cho chủ đề này
No replies to this topic

#1 hiendde

    Quản Lý Viên

  • Quản-Lý
  • 6221 Bài viết:
  • 6933 thanks

Gửi vào 28/07/2013 - 22:50

Những ngày cuối năm, Phóng Viên theo chân những tín đồ Ấn Độ giáo đổ về thành phố thiêng Varanasi, cái nôi của nền văn hóa Ấn Độ nằm bên bờ sông Hằng, sông Mẹ linh thiêng của người Ấn. Đại lễ sông Hằng thường kéo dài năm ngày, là năm ngày quan trọng nhất của cả một mùa lễ hội kéo dài suốt năm tháng.

Và từng chút từng chút, một bức tranh kỳ lạ đã hiện ra, với những đại cảnh cầu nguyện trên những bậc thang linh thiêng bên bờ sông Hằng, với cả những cú sốc mà bạn khó có thể ngờ tới, chỉ có thể có ở nơi đã từng được mệnh danh là thành phố của các đền đài, thành phố thánh của Ấn Độ, thành phố ánh sáng, thành phố học vấn...

Cách thủ đô New Delhi tầm một giờ bay hoặc mười giờ ngồi tàu, thành phố Varanasi, còn có tên là Benares, Banaras hay Kashi, là điểm phải đến của bất cứ du khách nào khi đặt chân đến Ấn Độ. Được coi là một trong những thành phố cổ nhất thế giới, liên tục có cư dân sinh sống cho đến tận ngày nay, thành phố của thần Shiva đã từng được đại văn hào Mark Twain ca tụng "Benares lâu đời hơn lịch sử, lâu đời hơn truyền thống, thậm chí lâu đời hơn cả huyền thoại, và dường như lâu đời gấp đôi tất cả những khái niệm trên cộng lại".

Nếu bị ám ảnh bởi những lời ca tụng tuyệt mỹ, khi đặt chân đến Varanasi, hẳn nhiều người sẽ sững sờ bàng hoàng trước một thực tế trần trụi: thành phố của thần thánh, của văn hóa và tôn giáo là một tổng thể tràn ngập bụi bặm, tiếng còi xe inh ỏi và giao thông hỗn loạn. Những con đường nhỏ hẹp oằn mình gồng gánh đủ thứ phương tiện giao thông: xe đạp, xe máy, ôtô, xe thồ và xe tuktuk. Những hàng quán tràn ra lề đường, người mua bán thoải mái, thờ ơ trước tiếng còi xe hối hả.

Nếu nói về mật độ tập trung của xe đạp thồ, thánh địa Varanasi chắc hẳn phải chiếm vị trí đứng đầu Ấn Độ. Ở bất kỳ đường phố hay ngõ ngách nào của khu phố cổ, bạn đều có thể nhìn thấy những người phu xe oằn mình, đu lên bàn đạp để chiếc xe chuyển động. Thế nên, cái cảnh tréo ngoe "người ngựa ngựa người" này hiện diện khắp nơi: một đôi vợ chồng cùng con cái ăn mặc đẹp ngồi trên xe, đối lập hoàn toàn với người phu xe gầy guộc nghèo khó. Một công chức to béo nghiêm nghị ôm chiếc cặp nhàn tản ngồi ngắm phố, đối lập với người phu xe là một ông già đang gồng mình đạp xe một cách khó nhọc...

Càng tiến gần vào khu vực trung tâm Golaudia và khu thành cổ, bức tranh hỗn loạn đối lập nhiều màu sắc ấy càng hiện ra rõ nét hơn. Nhưng một điều kỳ lạ là trong sự hỗn loạn ấy, bạn không thể chứng kiến bất kỳ một khuôn mặt thể hiện sự nóng vội, cáu kỉnh hay bất mãn nào. Đó là một dòng sông của các khuôn mặt điềm tĩnh, thanh thản và an nhiên đang cuồn cuộn đổ về khu thành cổ, sẵn sàng cho buổi cầu nguyện linh thiêng bên bờ sông Hằng diễn ra vào ban đêm.

Để hiểu được Ấn Độ, bạn phải đi Varanasi, và để hiểu được Varanasi, bạn phải bước vào khu thành cổ. Bước vào những ngõ ngách của khu cổ thành Varanasi, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy sốc, nếu không được chuẩn bị trước về mặt tinh thần. Một mê cung những ngõ ngách chỉ rộng chừng một, hai, ngõ này nối tiếp ngách kia sẽ khiến bạn lạc lối, dù có cầm bản đồ trên tay. Lớn lên ở khu phố cổ Hà Nội và dành phần lớn tuổi thơ để cùng chúng bạn khám phá các ngõ ngách, nhưng thực sự, lần đầu tiên tôi đã cảm thấy bấn loạn trước Varanasi.

Bất kỳ ai hẳn cũng sẽ cảm thấy như vậy khi chứng kiến trong cái không gian chật hẹp ấy, những gì vẫn diễn ra ngoài các đường phố lớn được bê nguyên vào. Bạn sẽ phải vừa đi vừa né những gian hàng được bày tràn ra ngõ, những chảo dầu rán bánh sôi sùng sục hay những bếp lò hừng hực lửa. Bạn sẽ phải vừa đi vừa tránh những chiếc xe máy phóng vù vù trong ngõ, và cả những chú bò thi thoảng bị kích động chạy lồng lên khiến dân tình nháo nhác chạy.

Và có thể nói, những chú bò, linh vật trong tín ngưỡng của Ấn Độ giáo, mới là chủ nhân thực sự của mê cung cổ thành này. Chúng đủng đỉnh đi lại trong những ngõ nhỏ hẹp, thản nhiên nhận bánh mỳ của người dân "cung tiến", ăn xong lại đủng đỉnh đi tiếp và thoải mái phóng uế ra đường. Khi cảm thấy mệt mỏi, chúng nằm ềnh ra ngõ và ngủ, mặc kệ những ai đi lại phải nép sát vào tường tránh "kinh động" những linh vật tượng trưng cho thần Shiva.

Khu vực quan trọng nhất của đại lễ sông Hằng nằm tại các Ghat. Ghat, theo tiếng Hindu có nghĩa là các bậc thang, nhưng ở Varanasi, Ghat là một danh từ miêu tả chuỗi các bậc thang nằm bên bờ phía Tây, nối từ bờ xuống thẳng lòng sông Hằng. Có những Ghat lớn cao hàng chục mét. Đây là một địa điểm cực kỳ đặc thù và thiêng liêng, là nơi diễn ra các nghi lễ tắm rửa (để gột bỏ tội lỗi), tế lễ dâng ánh sáng sông Hằng và cả lễ hỏa thiêu xác người qua đời... của các tín đồ Ấn Độ giáo.

Có tổng cộng tám mươi bốn Ghat lớn nhỏ như vậy nằm rải khắp Varanasi, nhưng Lễ dâng ánh sáng sông Hằng chỉ diễn ra tại Ghat chính, Dasaswamedh. Ghat giữ một vị trí quan trọng trong đời sống thường nhật trong cộng đồng dân cư Varanasi. Trong những ngày thường, Ghat giống như một môi trường sinh hoạt cộng đồng chung, và bạn có thể chứng kiến rất nhiều hoạt động thú vị, cùng một lúc diễn ra tại đây, và nhiều khi chúng hoàn toàn trái ngược với nhau.

Trong buổi hoàng hôn, du khách sẽ vô cùng sốc khi thấy trước mặt một vị tu sĩ đang tịnh thiền lại có mấy người phụ nữ đang tắm. Bên cạnh những người giặt quần áo sẽ có những người mang bò ra tắm. Bên cạnh những ông già đang luyện yoga sẽ có những người nằm ườn ra thưởng thức dịch vụ massage... Tất cả những thứ tưởng chừng như mâu thuẫn ấy thể hiện rõ nét nhất, tính đa dạng trong văn hóa và tôn giáo của Ấn Độ.

Trong những ngày đại lễ sông Hằng, tất cả các con đường đi vào khu thành cổ và xuống Ghat chính Dasaswamedh, đều đã cấm xe cộ. An ninh được đảm bảo nghiêm ngặt, thể hiện bằng những sắc áo lính lăm lăm súng tiểu liên trong tay, chốt chặn tất cả các ngõ ngách trong khu vực thành cổ và trên đường xuống Dasaswamedh Ghat. Tuy lễ chính bắt đầu từ bảy giờ tối, nhưng từ sáu giờ, người đi bộ đã nườm nượp đổ về Dasaswammedh.

Đúng bảy giờ, hàng ngàn tín đồ Ấn Độ giáo đã vây kín những đàn lễ được dựng hướng ra sông Hằng. Trên mỗi đàn lễ là một giáo sĩ Bà la môn thực hiện tế lễ. Bên cạnh họ là những lư hương lớn hình thần rắn Naga, được dùng cho điệu múa nghi lễ. Sau khi nghi lễ kết thúc, những tín đồ Ấn Độ giáo lần lượt tới xông mình trong làn khói hương này để lấy may mắn.

Những người khác thì mua những đài hoa và nến được đặt những đế bằng giấy bìa. Họ cầm hoa và nến cầu nguyện, rồi thả xuống dòng sông Hằng. Hàng ngàn người cùng thả hoa đăng khiến cho đoạn sông phía bên dưới Dasaswamedh Ghat như biến thành dòng sông lửa. Chín giờ, khi nghi lễ kết thúc, nhiều tín đồ Ấn Độ giáo bất chấp cái lạnh 10oC vẫn thành tâm thực hiện nghi thức đắm mình trong dòng nước sông Hằng để gột rửa tội lỗi trong suốt cả năm qua.

Chỉ những người đàn ông mới được thực hiện nghi thức này, sau khi các giáo sĩ làm lễ. Phụ nữ và trẻ em thường chỉ được tắm vào lúc sáng sớm còn vắng người. Nhiều người hành hương từ xa đến và phải trở về ngay trong đêm, đã mang theo những can nhựa nhỏ. Họ đem nước sông Hằng về cho người thân như một món quà quý giá.

Hàng ngày, trung bình có khoảng sáu chục ngàn người, thực hiện nghi lễ đắm mình trong dòng nước sông Hằng trên suốt bảy km chiều dài. Theo những thông tin công bố chính thức, riêng đoạn sông Hằng chảy qua Varanasi, được coi như là đoạn sông chết vì quá ô nhiễm, không có khí oxy và lượng vi khuẩn trong mỗi 100ml nước lên tới 1,5 triệu con (tiêu chí an toàn là 500 con/100ml). Nhưng có vẻ như niềm tin tôn giáo đã mạnh mẽ hơn ý thức về giữ vệ sinh. Nhiều người không chỉ hân hoan tắm và lấy nước đem về, họ còn uống từng ngụm nước với vẻ thành kính.

Ở Varanasi, rất dễ nhận biết bạn là du khách ở nơi khác đến, không phải là từ trang phục, màu da, ngôn ngữ... mà là từ khuôn mặt đầy biểu cảm: kinh ngạc, lo lắng, tò mò và nhiều khi cả kinh sợ. Thế nên khi đặt chân vào khu vực cổ thành, bạn sẽ ngay lập tức bị đội ngũ cò du lịch quây kín. Bàng hoàng trước mê cung những ngõ nhỏ dích dắc, trước cảnh người và xe đi lại không theo bất cứ trật tự nào, bạn rất dễ giao phó niềm tin của mình vào tay những cò du lịch, những người luôn tươi cười và nhiệt tình chào đón, thậm chí bám theo bạn cả tiếng đồng hồ.

Những phút giây đầu tiên của tôi dành cho vùng đất thiêng liêng này là... cãi nhau với cò. Những lời tư vấn của cuốn Lonely Planet hay trang Tripadvisor về việc làm ngơ đám cò, không đủ để đuổi đi những tay cò mặt dày mày dạn nhất. Họ sẽ bám dính lấy bạn, quấy rầy với vô vàn câu hỏi. Chỉ cần biết được thông tin về nơi bạn cần đến, hàng loạt thông tin kiểu như khách sạn đó đã chuyển đi, đã đóng cửa, thậm chí đã bị… cháy, để thuyết phục bạn tìm đến một khách sạn khác. Nếu khách quá rắn, không tìm được cách nào đưa được khách vào tròng, những tay cò này sẽ chơi bài gợi lòng thương, bám theo đến tận khách sạn rồi ỉ ôi kêu khổ để xin tiền.

Nims, nhân viên của một nhà nghỉ trong khu thành cổ, cho biết quanh khu vực này phải có tới gần trăm cò thạo tiếng Anh, chuyên quần thảo quanh đường phố hoặc các Ghat bên sông Hằng, để mời chào thuê khách sạn, đi thuyền trên sông Hằng, đổi tiền, hướng dẫn viên...Một số cò biến tướng hẳn thành lừa đảo, chuyên dụ khách đi xem và chụp ảnh thủ tục thiêu xác bên sông Hằng, rồi đồng bọn ra tay phạt khách vì chụp ảnh không xin phép.

Một số cò khác thì đóng vai những thanh niên tiếp cận khách du lịch, để học tiếng Anh hoặc làm bạn, sau đó kết cục của những du khách nhiệt tình này là mất đi một khoản tiền lớn.

- Nhớ về nhà trước mười giờ tối và đừng nhận lời kết bạn với bất kỳ ai. Nims dặn dò.

Đêm lạnh, trong khu sân khách sạn, chúng tôi ngồi nhâm nhi ly trà sữa với một nhiếp ảnh gia Nhật Bản, người đã tới Varanasi nói riêng và Ấn Độ nói chung, đến hơn chục lần. Chúng tôi thắc mắc với ông là ở thành phố ô nhiễm đến độ ông phải đeo khẩu trang đi ra đường mỗi lần này, điều gì khiến ông quay lại nhiều lần đến vậy.

Ông cười và giải thích, có thể nói Varanasi là một thành phố điển hình cho Ấn Độ, là một tổng thể chất đầy tất thảy: lịch sử, văn hóa, ô nhiễm, ồn ã, hỗn loạn và thậm chí là nguy hiểm, nhưng chính vì như vậy, nó đáng để đến hơn những thành phố thiếu tính cách và rất dễ quên.

Việt Đông






Similar Topics Collapse

1 người đang đọc chủ đề này

0 Hội viên, 1 khách, 0 Hội viên ẩn


Liên kết nhanh

 Tử Vi |  Tử Bình |  Kinh Dịch |  Quái Tượng Huyền Cơ |  Mai Hoa Dịch Số |  Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Địa Lý Phong Thủy |  Thái Ất - Lục Nhâm - Độn Giáp |  Bát Tự Hà Lạc |  Nhân Tướng Học |  Mệnh Lý Tổng Quát |  Bói Bài - Đoán Điềm - Giải Mộng - Số |  Khoa Học Huyền Bí |  Y Học Thường Thức |  Văn Hoá - Phong Tục - Tín Ngưỡng Dân Gian |  Thiên Văn - Lịch Pháp |  Tử Vi Nghiệm Lý |  TẠP CHÍ KHOA HỌC HUYỀN BÍ TRƯỚC 1975 |
 Coi Tử Vi |  Coi Tử Bình - Tứ Trụ |  Coi Bát Tự Hà Lạc |  Coi Địa Lý Phong Thủy |  Coi Quỷ Cốc Toán Mệnh |  Coi Nhân Tướng Mệnh |  Nhờ Coi Quẻ |  Nhờ Coi Ngày |
 Bảo Trợ & Hoạt Động |  Thông Báo |  Báo Tin |  Liên Lạc Ban Điều Hành |  Góp Ý |
 Ghi Danh Học |  Lớp Học Tử Vi Đẩu Số |  Lớp Học Phong Thủy & Dịch Lý |  Hội viên chia sẻ Tài Liệu - Sách Vở |  Sách Dịch Lý |  Sách Tử Vi |  Sách Tướng Học |  Sách Phong Thuỷ |  Sách Tam Thức |  Sách Tử Bình - Bát Tự |  Sách Huyền Thuật |
 Linh Tinh |  Gặp Gỡ - Giao Lưu |  Giải Trí |  Vườn Thơ |  Vài Dòng Tản Mạn... |  Nguồn Sống Tươi Đẹp |  Trưng bày - Giới thiệu |  

Trình ứng dụng hỗ trợ:   An Sao Tử Vi  An Sao Tử Vi - Lấy Lá Số Tử Vi |   Quỷ Cốc Toán Mệnh  Quỷ Cốc Toán Mệnh |   Tử Bình Tứ Trụ  Tử Bình Tứ Trụ - Lá số tử bình & Luận giải cơ bản |   Quẻ Mai Hoa Dịch Số  Quẻ Mai Hoa Dịch Số |   Bát Tự Hà Lạc  Bát Tự Hà Lạc |   Thái Ât Thần Số  Thái Ât Thần Số |   Căn Duyên Tiền Định  Căn Duyên Tiền Định |   Cao Ly Đầu Hình  Cao Ly Đầu Hình |   Âm Lịch  Âm Lịch |   Xem Ngày  Xem Ngày |   Lịch Vạn Niên  Lịch Vạn Niên |   So Tuổi Vợ Chồng  So Tuổi Vợ Chồng |   Bát Trạch  Bát Trạch |